HỘI THẢO “QUAN ĐIỂM VỀ VIỆC PHÁT TRIỂN VIỆT NAM

 

Vào ngày 18 tháng 11 năm 2001 vừa qua, buổi hội thảo “QUAN ĐIỂM VỀ VIỆC PHÁT TRIỂN VIỆT NAM” do Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam (VAST) tổ chức đã diễn ra tại Santa Ana College, thành phố Santa Ana, California.  Buổi hội thảo nầy được sự bảo trợ của Diễn đàn Cửu Long (MekongForum), California; Tạp chí Đi Tới, Montréal, Canada; Hội Aùi hữu Petrus Ký Nam California; Hội Aùi hữu Gia Long, Montréal, Canada; Trung tâm Văn hóa Giáo dục Hồng Đức, Montréal, Canada; Văn Hóa News Magazine, Westminster, California; Bán nguyệt san Tiếng Vang, Sacramento, California; Gia đình Cao đẳng Quốc phòng, California; và Hiệp hội Việt Nam tại Orange County, California.  Chủ tọa đoàn cho buổi sáng gồm có Giáo sư Trần Cảnh Xuân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VAST; Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Thứ trưởng Văn hóa Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa (VNCH); và Ông Đoàn Minh Hóa.  Chủ tọa đoàn cho buổi chiều gồm có Tiến sĩ Mai Thanh Truyết, VAST; Giáo sư Nguyễn Văn Trường, nguyên Tổng trưởng Giáo dục VNCH; và Ông Trần Văn Ngà, Chủ bút Bán nguyệt san Tiếng Vang.  Các Ông Nguyễn Hoàng Duyên, VAST và Đinh Quang Anh Thái, Little Saigon Radio và Viet Tide điều hợp buổi hội thảo.

 

Giáo sư Trần Cảnh Xuân khai mạc buổi hội thảo.  Ông cho biết buổi hội thảo nhằm hai mục đích.  Mục đích thứ nhất là tạo một diễn đàn tự do và rộng rãi để các thuyết trình viên trình bày những quan điểm hoặc suy nghĩ của mình trong việc phát triển đất nước Việt Nam trong các lãnh vực chuyên môn.  Mục đích thứ hai là tạo cơ hội để tham dự viên chia sẻ với thuyết trình viên và cử tọa tư tưởng, ý kiến, và quan điểm của mình đối với việc phát triển đất nước trong hoàn cảnh hiện nay.  Ông nói: “... Mỗi thuyết trình viên có thể có quan điểm khác nhau trong nhiều lãnh vực khác nhau.  Tuy nhiên, mỗi chúng ta đều có một mối quan tâm chung là sự an sinh và tương lai của anh em, bà con, và đồng bào của chúng ta trong nước.  Có lẽ vì mối quan tâm chung đó mà Quý vị đã dành thì giờ đến chia sẻ quan điểm của mình trong ngày hội thảo hôm nay.”  Và đó chính là lý do của sự hiện diện của Ông Đoàn Minh Hóa, Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Tạp chí Đi Tới tại Montréal, Canada mà Ông ân cần giới thiệu đến cử tọa.

 

Mở đầu buổi hội thảo, Giáo sư Nguyễn Văn Trường thuyết trình đề tài “Điều Kiện Cần để Dân Giàu Nước Mạnh.”  Ông nói: “... từ ngày cộng đảng Việt Nam chiến thắng cuộc chiến ‘chống Mỹ cứu nước,’ nhất thống sơn hà, quy quyền lực về một mối, trọn quyền thao túng, cai trị đất nước; người cộng sản vẫn loay hoay với vấn đề làm sao cho ‘dân giàu nước mạnh,’ và vẫn chưa tìm ra một chính sách hữu hiệu để ‘xóa đói giảm nghèo.’...  Nhưng nghĩ cho cùng, thì hình như chỉ có một nguyên nhân hiển hiện và hữu lý nhất: đó là cơ chế cai trị nơi đất nước ta đã không thay đổi, mặc cho bao dòng biến chuyển của lịch sử.”  Theo Ông, lý do đất nước Việt Nam không phát triển được là vì cơ chế chính quyền vẫn là chuyên chính, từ quân chủ chuyên chính ngày xưa cho đến vô sản cực quyền chuyên chính ngày nay.  Do đó, điều kiện tiên quyết để phát triển, để cho dân giàu nước mạnh, để xóa đói giảm nghèo là nỗ lực thay đổi từ thượng tầng cơ chế, thay đổi chế độ, thay đổi guồng máy cai trị.  Phải thay đổi chế độ cực quyền bằng một nền dân chủ pháp trị và phân quyền.

 

Tiếp theo, Luật sư Lâm Lễ Trinh, nguyên Bộ trưởng Nội vụ VNCH, trình bày đề tài “Vấn Đề Phát Triển tại Việt Nam: Luật Nước Áp Chế Quyền Dân.”  Theo Ông, lý do của tình trạng chậm phát triển tại Việt Nam hiện nay là vì nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam phạm nhiều sai lầm trong việc định hướng chính sách phát triển, đào tạo nhân sự, và thiết lập một định chế pháp lý thích hợp.  Kế hoạch phát triển của chính phủ Hà Nội vá víu, mò mẫm và thiếu viễn kiến.  Sự thảm bại trong lãnh vực giáo dục từ năm 1954 đã khiến cho Việt Nam không có một đội ngũ nhân sự cần thiết cho việc phát triển.  Căn nguyên chính khiến cho mọi kế hoạch phát triển trì trệ là vì luật pháp của Việt Nam hiện nay thiếu phân minh, việc tuân thủ và thi hành không nhứt quán.  Ông nói: “... Cộng Sản phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về tình trạng chậm phát triển, nổi ô nhục của Việt Nam.  Ngày nào chế độ độc đảng ù lì còn tồn tại và dân chúng chưa có tiếng nói trung thực trong chính trường thì không mong giải quyết cảnh bế tắc hiện nay...  Điểm cốt lõi là làm sao có được một giai đoạn chuyển tiếp qua chế độ dân chủ tại Việt Nam, gồm có đa đảng và bầu cử tự do...  Trong hoàn cảnh hiện nay, giới trí thức Việt Nam không thể từ chối gánh vác trách vụ nhận định và thể hiện những gì khả thi trong công cuộc canh tân đất nước.”  Ông kết luận: “Đất nước chúng ta chỉ ngóc đầu nổi ngày mà luật leä trong xứ phản chiếu quyền dân và chọn dân làm gốc.”

 

Thuyết trình viên thứ ba của buổi hội thảo là Tiến sĩ Nguyễn Lâm Kim Oanh, Giáo sư trường Đại học Tiểu bang California/Long Beach.  Đề tài thuyết trình của Tiến sĩ Kim Oanh là “Sơ Lược về Thực Trạng Giáo Dục Việt Nam – Đường Hướng Đề Nghị để Cải Thiện.”  Trong một chuyến công tác do cơ quan tổ chức năm 1998, Cô có dịp đi thăm một số trường công từ tiểu học cho đến đại học ở Hà Nội, Huế, Nha Trang, Đà Lạt, và Sài Gòn.  Cô nhận thấy có một sự khác biệt so với tình trạng trước năm 1975.  Các trường rất nghèo nàn và thiếu thốn trợ huấn cụ, tài liệu giáo khoa, và điều kiện thực tập.  Các lớp học thường rất đông học sinh, chương trình học có tính cách từ chương và nhồi sọ.  Mặc dù có nhiều chương trình huấn luyện giáo dục, nhất là do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, giáo chức Việt Nam không thể áp dụng những điều học hỏi vì thiếu phương tiện và bận làm việc khác để sinh sống do mức lương quá thấp.  Ngược lại, các trường tư thì rất đầy đủ trợ huấn cụ và có chương trình học tân tiến; tuy nhiên, học phí rất cao nên chỉ có con nhà giàu hoặc có chức quyền thì mới có thể theo học.  Các trường có tổ chức chặt chẽ của các tôn giáo trước năm 1975 nay không còn hoạt động.  Theo Cô, các chuyên viên trong ngành giáo dục trước đây cũng như những người Việt tốt nghiệp và làm việc trong ngành giáo dục tại Hoa Kỳ có thể đóng góp để cải thiện tình trạng giáo dục tại Việt Nam.  Đối với các hội đoàn như VAST chẳng hạn, nên nghiên cứu điều kiện và cơ hội để giúp giới trẻ tại hải ngoại tham gia vào sinh hoạt cộng đồng và giúp chuyên viên trong nước qua các chương trình hợp tác của các cơ quan Hoa Kỳ hoặc quốc tế.

 

Bài thuyết trình cuối cùng trong buổi sáng có đề tài “Quan Niệm về Phát Triển Việt Nam” do Kỹ sư Nguyễn Xuân Hiếu, Quản trị viên Hội đồng Quản trị VAST, nguyên Phó Giám đốc Nha Căn cứ Hàng không, Bộ Công chánh và Giao thông VNCH trình bày.  Ông nói: “Công cuộc phát triển Việt Nam cực kỳ khó khăn và cấp bách.  Khó khăn vì phải phát triển đồng đều toàn diện trên căn bản dân chủ tự do...  Cấp bách vì đã quá tụt hậu dăm ba chục năm qua, Việt Nam phải phát triển vượt mức mong bắt kịp vài lân quốc và tránh bị xâm lăng đến tuyệt chủng từ bắc phương.”  Theo Ông, để đạt mục đích phát triển quê hương, người Việt hải ngoại có nhiều đường lối hoạt động góp phần tùy thuộc khả năng và kỹ thuật chuyên ngành của mỗi nhóm mỗi hội đoàn địa phương.  Ông đề nghị một số hoạt động thực tế trong lãnh vực giáo dục kỹ thuật và huấn nghệ chuyên nghiệp, xây cất các cụm công nghệ – xã hội trong nước, và thành lập một hiệp hội yểm trợ phát triển Việt Nam trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại.  Ông kết luận: “Chúng ta cần thống nhất ý chí và quyết tâm góp phần hoạt động yểm trợ kịp thời phát triển Việt Nam sớm trở thành quốc gia độc lập có dân chủ-tự do, nhân quyền được tôn trọng.”

 

Sau phần giảo lao và ăn trưa do Ban Tổ chức cung cấp, buổi hội thảo tiếp tục qua phần thuyết trình của Kỹ sư Trần Văn Sơn, nguyên Trung tá Hải Quân và Dân biểu Quốc Hội VNCH, với đề tài “Dân Chủ Hóa Việt Nam trong Hòa Bình.”  Ông cho biết sự phát triển của một quốc gia như nước trong một cái bình.  Các chương trình phát triển là nước, định chế chính trị là cái bình.  Nếu cái bình bị nứt hay thủng lỗ thì không thể giữ được nước bên trong.  Nói cách khác, một quốc gia không có định chế dân chủ thì không có một chương trình phát triển nào có thể thành công.  Ông nói: “Hòa bình đã đến 26 năm trên đất nước.  Nhiều chương trình phát triển đã được mang ra thi hành, nhưng đất nước về mọi mặt từ kinh tế đến nếp sống văn hóa và xã hội vẫn còn trì trệ...  Nguyên nhân không đâu xa.  Nó nằm trong định chế chính trị quốc gia qua bản Hiến Pháp hiện nay...  Và bản Hiến Pháp hiện nay giao toàn quyền lãnh đạo đất nước cho một đảng chính trị là đảng cộng sản Việt Nam (đặt tất cả các đảng chính trị khác ra ngoài vòng pháp luật) qua một điều khoản ngắn gọn, đơn giản, nhưng bao gồm tất cả bản Hiến Pháp.   Đó là Điều 4 trong chương thứ nhất nói về chế độ chính trị của quốc gia...  Do đó, muốn đất nước vươn lên phải thay nước trong chai.  Nhưng trước khi thay nước, cần phải thay cái bình.   Nói cách khác, chế độ chính trị tại Việt Nam cần phải được thay đổi.”  Theo Ông, khả năng và biện pháp để dân chủ hóa Việt Nam trong hòa bình khởi đầu bằng sự cất bỏ Điều 4 ra khỏi bản Hiến Pháp Việt Nam hiện nay.  “Cuộc ‘Vận Động Bỏ 4’ cần được đặt trên một căn bản chính trị công bình trong tinh thần đấu tranh cho dân chủ bằng đối thoại vì quyền lợi lâu dài của dân tộc chứ không phải là một cuộc đấu tranh để tiêu diệt ai.  Các đảng phái chính trị bất kể khuynh hướng nào đều có quyền tồn tại trên đất nước Việt Nam.  Tồn tại như thế nào, mạnh yếu ra sao, do dân chúng quyết định qua bầu cử tự do sau khi Điều 4 được cất bỏ khỏi bản Hiến Pháp...  Chỉ trong bối cảnh đó, dân tộc ta mới có thể huy động mọi tài nguyên nhân vật lực và trí tuệ toàn dân để biến đất nước thành một quốc gia có tầm vóc xứng đáng với vị trí địa dư và khả năng tiềm tàng của nó trên thế giới.”

 

Sau đó, Bác sĩ Phạm Gia Cổn, nguyên Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam, trình bày đề tài “Thử Tìm Căn Bản Văn Hóa Giáo Dục của Con Người Việt Nam trong Tương Lai.”  Ông nói: “Trong bối cảnh 26 năm của cộng đồng gốc Việt ở hải ngoại ngày nay, tìm hiểu căn bản văn hóa giáo dục của người Việt trong tương lai không gì cụ thể và sinh động bằng suy ra từ lối sống của chúng ta đang diễn tiến ở sinh hoạt hàng ngày, tại đây và trong nước.”  Theo Ông, cái căn bản văn hóa giáo dục vẫn trực tiếp hướng dẫn và chi phối cuộc sống; từ đó, Ông suy ra rằng diễn biến sinh tồn của dân tộc Việt Nam vẫn tiếp diễn qua sức vượt thắng của tập thể người Việt hải ngoại và mầm mống sống còn mạnh mẽ của người dân trong nước.  Các diễn biến sinh tồn đó có cùng một nền móng và mục tiêu là xây dựng một nước Việt Nam tự do dân chủ.  Trong việc xây dựng đó, chúng ta toàn quyền lựa chọn, chất lọc, pha trộn và tạo nên một lề lối văn hóa riêng biệt, một sáng tạo mới nào đó về văn hóa mà không có một giới hạn, gó bó nào.  Chúng ta phải phong phú hóa các hình thức và phương thức giáo dục, lấy giáo dục hai chiều để bổ túc cho nhau.  Kiến thức thì thu nhập, và ý thức để nhận định, chọn lựa và phát kiến.  Ông nhấn mạnh rằng, bất cứ một sự phát triển nào cũng phải lấy con người làm gốc.

 

Tiếp theo là bài thuyết trình “Vài Ý Kiến vế Phát Triển Trường và Dạy Học” của Tiến sĩ Nguyễn Văn Thùy, nguyên Giám đốc Nghiên cứu/Phát triển trường Đại học Cộng đồng Lansing, Michigan.  Ông cho biết vấn đề đại học Việt Nam là một khía cạnh “nhức nhối” của chánh quyền hiện nay và của đất nước trong tương lai.  Theo Ông, có quá nhiều trường đại học, có nhiều loại trường không thể phân biệt, và không theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.  Tổ chức đào tạo “mánh mun,” giáo dục bị thương mại hóa.  Bố trí cơ sở có sự cách biệt giữa miền Bắc và miền Nam.  Đào tạo chuyên ngành bị trục lợi nên gây ra tình trạng bè phái và thiếu trình độ.  Việc tuyển sinh đại học không công bằng giữa các địa phương, buôn bán chỉ tiêu tuyển sinh, điểm thi của thí sinh càng ngày càng hạ thấp.  Về việc học ở đại học và cao đẳng, sinh viên không có đầy đủ phương tiện như sách giáo khoa, phương tiện thông tin, và thư viện; giáo sư đại học có trình độ thấp, lương không đủ sống; tỉ lệ thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp gia tăng.  Với một hiện trạng như vậy, Ông cho rằng, chúng ta phải làm thế nào để chuẩn bị cho những người xây dựng đất nước trong tương lai có đủ khả năng một khi chúng ta cần đến họ.

 

Phần thuyết trình cuối cùng của buổi hội thảo do Luật sư Trần Thái Văn, Nghị viên thành phố Garden Grove, California trình bày với đề tài “Thế Hệ Trẻ Việt Nam tại Hải Ngoại Nghĩ Gì và Có Thể Đóng Góp Gì Cho Việc Phát Triển Việt Nam.”  Ông định nghĩa thế hệ trẻ là những người dưới 18 tuổi khi định cư tại hải ngoại hoặc những người sinh trưởng ở ngoài nước.  Theo Ông, thế hệ trẻ Việt Nam tại hải ngoại rất năng động, nhiều nhiệt huyết, và có hoài bão tìm hiểu về nguồn gốc của mình và làm một cái gì đó cho đất nước Việt Nam.  Nhưng đối với họ, đất nước Việt Nam chính là cái cộng đồng mà họ đang sinh sống, và họ đang tích cực đóng góp trong công cuộc xây dựng và phát triển cộng đồng nầy.  Nói một cách khác, họ đã và đang đóng góp vào việc phát triển đất nước Việt Nam một cách gián tiếp.  Thế hệ thứ hai muốn xây dựng một cộng đồng Việt Nam vững mạnh qua tiếng nói trong guồng máy chánh quyền ở các cấp.  Tiếng nói đó không chỉ dành cho quyền lợi của cộng đồng mà còn hướng về Việt Nam để phản ảnh nguyện vọng dân chủ và nhân quyền của đồng bào trong nước.  Ông đặt nghi vấn về thời điểm trong việc đóng góp trực tiếp để phát triển đất nước Việt Nam.  Ông cho rằng, khi nào đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn còn thống trị đất nước, không có luật pháp, không có phân quyền thì những đóng góp đó chỉ là những “đóng góp dã tràng.”  Tệ hơn nữa, nếu những đóng góp đó có thể củng cố sức mạnh cho đảng Cộng Sản.  Để kết luận, Ông cho biết thế hệ trẻ Việt Nam ở hải ngoại đang chuẩn bị thay thế thế hệ cha anh, hy vọng một ngày nào đó không xa, sẽ trở về Việt Nam, ở bên nầy hay bên kia bờ Thái Bình Dương, để tái lập một nước Việt Nam tự do, dân chủ, và phú cường.

 

Ngoài các thuyết trình viên nêu trên, Ban Tổ chức cũng trích đọc các tham luận của Tiến sĩ  Phan Văn Song, trường Đại học Poitiers, Pháp và Tiến sĩ Trần Lưu Cung, nguyên Thứ trưởng Giáo dục đặc trách Kỹ Thuật và Đại học VNCH.  Tiến sĩ Song cho rằng: “Tuyên bố ‘có dân chủ’ chưa đủ.  Hãy cố gắng thực hiện dân chủ, như vậy mới có cơ may hội nhập vào làng thế giới.  Ngoài những nhân quyền khác, quyền cho lập hội là một trong những nhân quyền nền tảng và biểu tượng của dân chủ.”  Theo Tiến sĩ Cung, “... chúng ta chắc phải chờ thêm một thời gian nữa mới có thể tìm được những phương thức hợp tác thích ứng để chuyên viên Việt Nam ở ngoại quốc có cơ hội tham gia những chương trình phát triển trong nước một cách sâu rộng.  Thế hệ của chúng tôi chắc không trông thấy ngày đó...  trong khi chờ đợi – và đặc biệt trong tương lai – vai trò của những chuyên viên trẻ, không có thành tích trong quá khứ, không có thành kiến chính trị sẽ rất quan trọng.  Họ có thể bắt đầu bằng nhiều chương trình ngắn hạn xã hội, y tế, giáo dục,v.v. như hiện nay các tổ chức chí nguyện đang chủ trương.  Qua những chương trình nầy, họ sẽ giữ được liên lạc với người trong xứ, nhận định tình hình tại chỗ, gây được tín nhiệm và tùy sự thẩm lượng tiến tới những quyết định lâu dài và cụ thể hơn.”

 

Tiếp theo phần thuyết trình, các tham dự viên đã chia sẻ quan điểm của mình với các thuyết trình viên và cử tọa.  Quan điểm nổi bật nhất là ý kiến bãi bỏ toàn bộ bản Hiến Pháp hiện nay ở Việt Nam chứ không chỉ có Điều 4 của Ông Hoa Thế Nhân và đề nghị tranh đấu để Thượng viện Quốc hội Hoa Kỳ thông qua dự luật nhân quyền cho Việt Nam để yểm trợ một cách tích cực và hữu hiệu cho người dân trong nước của Kỹ sư Nguyễn Văn Phổ.

 

Để kết thúc buổi hội thảo, Kỹ sư Nguyễn Minh Quang, thay mặt cho Ban Tổ chức, ngỏ lời cám ơn các cơ quan bảo trợ, các cơ quan truyền thông, quý vị quan khách, các thuyết trình viên, và tất cả tham dự viên của buổi hội thảo.  Ông nói: “Như chúng ta đã biết, hơn 25 năm sau chiến tranh, nước Việt Nam ‘đang phát triển’ trong hòa bình và thống nhất đã trở thành một trong những quốc gia nghèo đói và chậm tiến nhất trên thế giới.  Điều đó có nghĩa là ‘không có phát triển,’ hay nói theo ngôn từ hiện nay, là ‘tụt hậu.’  Đó là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam.

 

Trong suốt buổi hội thảo ngày hôm nay, chúng ta đã chia sẻ quan điểm và suy nghĩ của các thuyết trình viên về những yếu tố ảnh hưởng đến việc phát triển đất nước Việt Nam trong hiện tại và tương lai.  Chúng ta có thể nhận thấy cái mẫu số chung cho việc phát triển là sự thay đổi thật sự, toàn diện, và dứt khoát trên mọi mặt, mà quan trọng nhất là thể chế chính trị, vì nó là ‘chướng ngại vật’ cản trở việc phát triển đất nước Việt Nam hiện nay.  Chướng ngại vật cần phải được tháo gỡ để tạo nên một môi trường thuận lợi cho việc phát triển.  Song song với việc thay đổi thể chế chính trị, đường lối và chánh sách về giáo dục đào tạo và xây dựng công trình cũng cần được thay đổi để có thể đáp ứng nhu cầu về nhân lực và hạ tầng cơ sở cần thiết cho việc phát triển.  Có thể nói đây là một trong số các điều kiện cần và đủ để phát triển đất nước Việt Nam.

 

Câu hỏi kế tiếp được đặt ra ở đây là làm sao để đạt được các điều kiện cần và đủ đó?  Và nếu không đạt được các điều kiện cần và đủ như ý muốn, người Việt ở hải ngoại, đặc biệt là thế hệ trẻ, có thể làm gì để có thể đóng góp một cách tích cực và có hiệu quả trong việc phát triển đất nước Việt Nam?  Chúng tôi hy vọng rằng, trong những buổi hội thảo sắp tới, chúng ta sẽ có dịp chia sẻ với thuyết trình viên chi tiết hơn và thực tiễn hơn những suy nghĩ về các câu hỏi vừa nêu trong các phạm vi chuyên môn như chính trị, kinh tế, môi trường, và giáo dục, v.v.  Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam hoan nghinh tất cả ý kiến cũng như những đóng góp tích cực và hữu ích của Quý vị.  Xin trân trọng cảm ơn và kính chào Quý vị”

 

 

[file:///C:/DOCUME~1/ADMINI~1/LOCALS~1/Temp/FrontPageTempDir/wpeF.htm]