Vài ý kiến tản mạn qua một chuyến về Việt Nam

 

Nguyễn Đạt.

Sáu năm về trước (1994), tôi đã viết nhiều bài góp ý về kiến trúc - quy hoạch - cảnh quan - xây dựng  và môi sinh cùng với  những vấn đề xã hội tại Saigon với tất cả thành tâm mong muốn Saigon của tôi sẽ ngày càng đẹp hơn, sắp xếp một cách quy củ & hợp lý hơn để xứng đáng là “Hòn Ngọc Viễn Đông”.   Từ đó đến nay, Saigon có khá nhiều thay đổi tốt đẹp hơn song có những cái cũ vẫn tồn tại như một “thực tế ...phũ phàng”(!), đồng thời nảy sinh nhiều “khối u ác tính” mới mà tôi nghĩ khó có thể chữa trị cho những con bệnh nan y này nếu chính quyền cố tình dung dưỡng, trong đó có vấn đề khai thác các di sản văn hóa - nghệ thuật dân tộc một cách “triệt để” qua du lịch để “đạt chỉ tiêu” về ngoại tệ mà thiếu sự bảo vệ đúng mức, do cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, trong đó phải kể tới nguyên nhân chính là giới chức hữu trách chỉ thấy cái lợi trước mắt mà bất kể hậu quả tai hại về sau, cũng như sự thiếu hiểu biết về chuyên môn lẫn trình độ quản lý.  Hôm nay, tôi muốn góp ý với ngành du lịch và văn hóa - nghệ thuật (trong đó có kiến trúc) Việt Nam về vấn đề này.

 

Tới phi trường Tân Sơn Nhất vào nửa khuya mà sân bay
quốc tế này lại tiết kiệm điện quá mức nên đèn điện leo loét, bên trong nóng nực, ẩm thấp mà không có máy lạnh (?), nhân viên công an cửa khẩu vẫn duyệt xét visa từng hành khách một cách chậm rãi, mặt không chút thân thiện, không đếm xỉa gì đến sự khó chịu của du khách đang xếp hàng rồng rắn chờ anh ta ngó mắt đến.  Tới baggage claim thì bạn tôi lại thất lạc hành lý nên lại chờ giải quyết, trong khi các cô nhân viên đại diện hãng hàng không tiếp tục tán dóc cho qua đêm, chẳng đếm xỉa gì đến nhu cầu của chúng tôi là được sớm ra khỏi nơi này để về nhà ngủ một giấc sau một chuyến bay dài!   Với những điều nhỏ nhoi “tế nhị” như vậy cũng khiến tôi hiểu ra tại làm sao du lịch Việt Nam khó có thể cạnh tranh với các nước khác?  Thẳng thắn mà nói là du lịch Việt Nam còn xem thường “khách hàng” của họ quá mức và thái độ quan liêu cùng tinh thần thiếu trách nhiệm của các cán bộ, nhân viên là nguyên nhân chính vì trải qua 10 năm tìm tòi, học hỏi mà bộ máy này vẫn luộm thuộm, bê bối, gây phiền hà và chậm trễ một cách vô lý không thể chấp nhận được, chưa kể thái độ hách dịch, quan liêu, bất lịch sự của các công an tại cửa khẩu quốc tế này.  10 năm qua, thử hỏi chính quyền Việt Nam cải tiến như thế nào khi mà tại phi trường Tân Sơn Nhất vẫn tồn tại quá nhiều điều khó coi mà tôi đã nhiều lần góp ý từ năm 1994 đến nay: từ việc sắp xếp cho hành khách đi và đến vừa hợp lý và thoải mái hơn, đến một nơi lấy hành lý đàng hoàng hơn,  hay một chổ cho thân nhân đón khách từ xa về thay vì tập trung đứng lố nhố chờ đợi trước cổng?  Ngay bãi đậu xe, hoặc nơi tập trung xe taxi & bus cũng rất bừa bãi, dơ bẩn, không xứng đáng là cửa ngỏ quốc tế của một thành phố phát triển nhất nước.

 

Về Việt Nam là chúng tôi muốn thăm lại người thân, bạn bè và “tham quan” những danh lam thắng cảnh quê nhà đồng thời thưởng thức đặc sản địa phương.  Vì vậy, tôi rất muốn dễ dãi cảm thông và bỏ qua cho những điều ...chưa vệ sinh lắm, chưa hợp lý lắm, chưa tốt đẹp cho lắm ở những nơi công cộng nhưng 6 năm rồi mà vẫn thấy ...y như cũ thì hơi buồn và lo cho Saigon của tôi (không biết các địa phương khác thì tệ thế nào?)  Tồn tại lớn nhất là thái độ phân biệt đối xử giữa “Việt Kiều” và bà con bên nhà vẫn còn đó, đi đâu cũng bị coi là “Việt Kiều” thì cũng bị ...“chặt đẹp”(giá cao), bị “khó dễ”, bị công an địa phương “làm tiền”  trắng trợn (y như bò sữa bị vắt, trong khi tôi không hề muốn bị gọi là “Việt Kiều” kia mà).   Tôi không rõ các “Việt Kiều” khác đã làm gì “mất lòng” các cô cậu nhân viên Nhà nước này trước đây hay không nhưng trên những đoạn đường mà tôi đi qua thì các cô cậu có vẻ không mấy “thân thiện” với “Việt Kiều”, thậm chí tôi thấy sự xum xoe quá đáng của họ trước những cô cậu Tây ba-lô nhưng lại cáu kỉnh, khó chịu với đám “Việt Kiều”  hơi nghèo dollars như tụi tôi.   Cảm giác chung của chúng tôi là họ chỉ muốn tiền dollars  chứ chẳng có “ý thức phục vụ” gì  du khách cả, ngay những vấn đề thông thường nhất như bản đồ hướng dẫn đi lại trong các khu di tích cũng không có, thông tin cũng không xác tín, thái độ của cán bộ quản lý cũng không được vui vẻ, thoải mái lắm.

Từ Nam ra Huế, Việt Nam có đến hàng trăm di tích đáng được
trùng tu, bảo tồn, nâng cấp nhưng hình như người ta chỉ biết lôi kéo du khách đến để moi tiền dollars bằng đủ mọi hình thức mà chẳng biết làm gì để duy trì và phương pháp nào để bảo tồn(?).   Người ta cứ đổ tội cho chiến tranh và những yếu tố khách quan mà chẳng hề thú nhận những lỗi lầm rất chủ quan.  Không ai có thể phủ nhận rằng chiến tranh có thể tạo ra những tác phẩm văn hóa - nghệ thuật (văn, thơ, nhạc, họa, nhiếp ảnh,etc.) “để đời” cho dân tộc & nhân loại  nhưng lại rất bất công với kiến trúc khi chiến tranh tàn phá và hủy hoại những tác phẩm kiến trúc-một loại sản phẩm nghệ thuật phục vụ con người rõ ràng nhất.  Người ta đã hủy hoại quá nhiều di sản kiến trúc bằng bom đạn nhưng hôm nay, khi hòa bình đã hiện diện tại Việt Nam suốt 25 năm qua với 10 năm “đổi mới” thì người ta đã tận tình khai thác các di sản văn hóa- nghệ thuật, trong đó có các tác phẩm kiến trúc mà chẳng cần biết bảo vệ như thế nào là đúng để chúng còn có cơ may tồn tại với thời gian & con người?  Tại Việt Nam, người ta lại chỉ muốn dùng những tác phẩm kiến trúc có tính chất văn hóa - nghệ thuật di sản dân tộc như các lăng tẩm vua chúa, các biệt thự thời thuộc địa, các miếu tự cổ kính để phục vụ nhu cầu “kinh doanh du lịch,” không chút mảy may thượng tiếc những tàn phá, hư hại từ con người, thời gian, khí hậu. Tuy không hoành tráng như Hoàng Cung của Trung Hoa hay Nhật nhưng phù hợp khí hậu - thổ nhưỡng - dân tộc tính, thể hiện một giai đoạn lịch sử phát triển & văn minh Việt Nam và qua góc nhìn thẩm mỹ cũng khá độc đáo; vậy mà  các Ban Quản Lý các công trình kiến trúc ở các địa phương hình như chỉ được lập ra nhằm mục đích độc quyền thu các khoản lệ phí, phục vụ nhu cầu thu gom ngân sách cho địa phương chứ họ chưa biết thế nào là làm tốtù nhiệm vụ bảo vệ, bảo tồn những vốn liếng quý báu này của dân tộc.  Có thể họ cũng chưa hề được trang bị những hiểu biết căn bản về việc bảo vệ, bảo tồn, bảo tàng (từ lau chùi, gìn giữ và bảo trì các loại vật liệu kiến trúc khác nhau sao cho có thể tồn tại lâu dài trước sự tàn phá khắc nghiệt của thời gian, khí hậu và con người đến việc sử dụng các phương pháp/ phương tiện hiện đại hơn cho việc bảo quản di sản kiến trúc).  Khi chúng tôi góp ý, họ có vẻ không thèm nghe và chẳng cần để ý đến những điều mà chúng tôi muốn chia sẻ về việc bảo tồn/ bảo tàng (preservation-restoration-rehabilitation-reconstruction- reuse).  Bảo tồn đâu chỉ là cạo hết rong rêu và cả những lớp sơn gốc nguyên thủy để tô lên một lớp sơn rẻ tiền khác một cách hào nhoáng “giả tạo” theo kiểu phim bộ Hongkong, Đài Loan vừa nhếch nhác, vừa tắc trách.   Mỗi một viên ngói, cục gạch, hay dù là một lớp sơn, lớp vữa... của các đền đài, lăng tẩm, chùa, nhà thờ... đều cần phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi phục chế và cần hiểu rõ đó là một tác phẩm nghệ thuật do cha ông mình sáng tạo ra mà hôm nay vẫn còn tồn tại để thế hệ của mình còn may mắn thừa hưởng, chiêm ngưỡng và bảo vệ  chứ đâu thể nào làm công việc bảo tồn theo kiểu ... “trả nợ quỷ thần” !   Ngay cả vệ sinh và cảnh quan (landscape) của khu vực  chung quanh các di tích cũng đã là “chuyện dài” mà không biết bao giờ mới có thể có kết cuộc khá hơn một chút!    Cũng không thể tô sơn trét vữa cho các lăng tẩm nhưng lại để cho rác rưởi ngập đầy các bờ tường bao quanh đó, cây cảnh trồng tạp nhạp hay bị phá hại một cách vô ý thức, các sông hồ gần đó và cả môi sinh đều bị ô nhiễm trầm trọng mà địa phương vừa thiếu ngân sách, thiếu cán bộ hiểu biết chuyên môn, vừa thiếu cả tinh thần trách nhiệm và lắm khi thiếu ...lương thiện!  Tôi có cảm tưởng người ta đang thi đua “chụp giựt” trên những “di sản” để rồi  ...bỏ chạy, bất kể “di sản” kia ra sao cũng mặc kệ!?!   Ngành văn hóa, bảo tồn/ bảo tàng, du lịch, trưng ương và địa phương sẽ nghĩ sao về những sự việc này?  Hay là họ cứ thu tiền được đến lúc nào thì hay lúc đó, còn các công trình kiến trúc đó có sụp đổ, hư hại, mất mát thì ...tính sau?   Lối làm ăn theo kiểu “kinh tế ...độc quyền” đến như vậy thì ...kinh thật!

Tôi nêu vấn đề này hôm nay như là một báo động cho
những ai đang quan tâm đến di sản văn hóa dân tộc (không chỉ là dân trong ngành kiến trúc hay văn hóa- nghệ thuật mà phải là ý thức của toàn dân và các cấp lãnh đạo cùng nhiều ngành liên quan như môi sinh, động & thực vật, khí tượng -thủy văn, etc...) và mong rằng những ai đang hưởng lợi trên các công trình kiến trúc cổ và các loại hình văn hóa- nghệ thuật khác của dân tộc sẽ biết chăm sóc và  nuôi trồng cây ngọt thì mới mong được ăn ngon lâu dài hơn.  Ngay như phố cổ Hội An cũng không thể phó mặc cho dân chúng khai thác “tự phát” và địa phương cũng quy hoạch & thiết kế quá  ...tùy tiện, đơn giản!  Người ta đang coi những khu di tích kiến trúc cổ xưa này như những khúc sườn nướng BBQ tẩm ít mật ngọt để thu lợi hơn là vốn liếng quý báu cần gìn giữ đúng mức hơn cho con cháu về sau không những còn được biết về cội nguồn lịch sử - văn hóa- xã hội Việt Nam vào một giai đoạn nào đó, đồng thờiù phải biến quá khứ đó trở thành những mối liên hệ cụ thể đối với hiện tại và tương lai.   Có như vậy bảo tàng mới có giá trị tích cực thật sự.

Hầu hết các tỉnh miền Tây & Đông Nam Việt và Trung Việt cũng đều do các cán bộ Bộ Xây Dựng “độc quyền” quy hoạch & thiết kế theo quy định & hướng dẫn mà Bộ này soạn thảo & quy định nên quy trình thiết kế, thẩm định và xét duyệt của Bộ này cũng quá  ...đơn giản, cứ như thế mà việc quy hoạch & thiết kế đô thị ở miền Nam Việt Nam dường như “đơn giản” hơn bất kỳ nơi nào khác mà tôi được biết đến.  Có gì sai thì điều chỉnh lại sau và cứ thế mà “sửa sai” năm này qua tháng khác, mặc kệ hao hụt tài sản nhân dân, miễn cán bộ có công ăn việc làm là tốt!  Gần đây, Bộ Xây Dựng tiến bộ hơn khi quyết định thả lỏng quy hoạch và nhân dân tha hồ thiết kế & xây dựng tràn lan theo kiểu “tự phát” nên việc quản lý đô thị lại được “ngầm” giao cho các nhà địa ốc mặc tình thao túng.  Quy hoạch ở Việt Nam hôm nay được hiểu theo kiểu phân lô bán đất, bất kể đến những không gian mở, không gian công cộng, không gian giao tiếp, chẳng cần đến khoảng xanh cần thiết cho người già dạo mát và trẻ em vui chơi.  Ngày xưa, quy họach đô thị còn gọi là “city planning” nhưng bao nhiêu năm qua thì người Mỹ chỉ gọi là “urban planning” để xác định hướng đô thị hóa dần các vùng nhưng vẫn phải phối hợp hài hòa giữa đô thị - con người - thiên nhiên, tuyệt đối không phá hoại sinh thái mà còn phải củng cố và bảo vệ môi trường sống và sự ổn định trong phát triển và cuộc sống thường ngày của người dân.  Khi bắt tay thiết kế & quy hoạch một khu phố , ông thầy bắt chúng tôi ra đứng ở một góc phố để đếm xem bao nhiêu người (thuộc từng giới tính/ tuổi tác/ thành phần nghề nghiệp, etc...khác nhau) qua lại góc phố này vào những thời điểm khác nhau trong ngày/ tuần để rút ra mật độ trung bình, xác định rõ nơi nào người ta thường dừng chân nghĩ lại, hay trò chuyện, nơi nào cần có bóng mát và băng ghế  để ngồi nghĩ, xác định chổ nào vắng vẻ/ tấp nập, xác đnh cây nào cần phải giữ, chổ nào phải trồng loại cây gì vừa có bóng mát vừa không che bảng hiệu/ tủ kính của các cửa hàng/ hiệu ăn khu phố đó,v.v...trước khi tiến tới quy hoạch cho góc phố đó thành một khu thương mại , một khu hành chánh, hay một khu dân cư?  Bước đầu đơn giản đó hình như là dư thừa ở Việt Nam nên cán bộ quy hoạch đã vẽ ngay quy hoạch tổng thể, sơ đồ định hướng phát triển không gian, v.v...mà không cần biết đến những thống kê hết sức quan trọng và cần thiết về dân cư, kinh tế, mạng lưới giao thông, lộ giới hay right-of-way, những tài liệu hoặc bản vẽ lưu trữ về hệ thống tiện ích công cộng và hạ tầng kỹ thuật (utility systems)  ngầm(underground)  và nổi, như điện - nước - điện thoại - nước thải,v.v... thì họ quả là tài giỏi hơn ai hết!  Ngay như khu giao lộ bùng binh Hàng Xanh được giới thiệu như một công trình quy hoạch quan trọng nhưng khi tôi đến xem thì  ....đơn giản quá, “chuyện không có gì ầm ĩ” như người ta thổi phồng!  Bản đồ quy hoạch mà người ta cho tôi xem chỉ là một bản vẽ các trục giao thông mới, khoanh vùng các khu vực chức năng với màu sắc hấp dẫn một chút và vài mũi tên “định hướng phát triển”! Tôi đã thấy tận mắt một ông chủ nhà giàu có “lên lớp” cho một anh kiến trúc sư trẻ về việc thiết kế ngôi nhà của ông khi mà ông tự hào là đã làm thợ mộc, thợ hồ mấy chục năm kinh nghiệm, từ khi anh KTS chưa chào đời và anh KTS chỉ biết răm rắp tuân theo bản vẽ (nhớp nhúa như trẻ con vẽ !) từ tay ông chủ nhà đó. Chưa hết, lối nhà hình ống của các khu phố,  cư xá vẫn mọc tràn lan bên cạnh những khu thương xá, cơ quan, biệt thự thiết kế rập khuôn các mẫu nhà trong các tạp chí nước ngoài mà cứ tự hào là “hiện đại”, còn các ngôi chùa và nhà thờ được “biến tấu” với những mái nhà uống cong lên ở các góc như các lưỡi đao theo “truyền thống dân tộc ” hết sức phổ biến và cứ cho đó là “đúng theo bản sắc dân tộc”!  Eo ơi, người ta coi việc quy hoạch và thiết kế dễ và đơn giản đến thế là cùng!  Bởi vậy, ở Việt Nam, anh địa ốc cũng tự quy hoạch được thì chủ nhà nào cũng có thể thiết kế mẫu nhà mà họ cho là đẹp và lý tưởng theo ý của mình muốn, còn chuyên viên quy hoạch, kiến trúc sư thiết kế chỉ là người làm công lãnh tiền theo “đơn đặt hàng”, không còn dám “hướng dẫn” thân chủ về những căn bản trong thiết kế & quy hoạch mà chỉ ngoan ngoãn chạy theo đồng tiền!   Quy hoạch như vậy mà vẫn các cơ quan quản lý đô thị vẫn không thấy loạn thì ...tài thiệt!  Tôi luôn nghĩ rằng bên nhà vẫn có rất nhiều nhân tài thừa khả năng sáng tạo những công trình kiến trúc vừa hài hòa với cái đẹp của thiên nhiên, vừa thể hiện nét riêng của dân tộc mà vẫn thấy cái đẹp sáng tạo của văn minh hiện đại.  Sáng tạo là ước mơ của mỗi kiến trúc sư và họ sẽ gánh lấy tất cả vinh - nhục từ tác phẩm của họ.  Cho nên họ cần có đủ can đảm để “làm chủ” nét vẽ sáng tạo và cũng cần hướng dẫn quần chúng hiểu cho rõ và đúng về những nguyên tắc/ nguyên lý căn bản trong thiết kế - quy hoạch - xây dựng, không chỉ là nô lệ của đồng tiền mà phải biết vui - buồn khi có cơ hội nhìn ngắm lại “con đẻ” của chính mình.  Tôi  cũng mong sao trong thiên niên kỷ mới, các đô thị Việt Nam sẽ sống và phát triển yên ổn mà không có xáo trộn lớn khi cứ phải điều chỉnh việc định hướng và quy hoạch đô thị hàng năm.  Ai cũng biết kiến trúc & quy hoạch là công việc quan trọng, ảnh hưởng và chi phối đến đời sống thường ngày của người dân, trong đó có cả kinh tế, văn hóa, xã hội chứ không đơn giản là một bản vẽ 2D hay 3D!  Việt Nam còn nghèo mà cứ phung phí như công tác thiết kế & quy hoạch đô thị, coi nhẹ việc quản lý đô thị thì bao giờ dân mới đỡ khổ?   Mong rằng các cán bộ ngành quy hoạch và quản lý đô thị hãy hiểu rằng: Hãy làm việc cẩn thận hơn, đàng hoàng hơn. Đừng đùa một cách vô trách nhiệm trên sự sống của hàng triệu con người vốn đã khổ nhiều rồi!  “Sai một ly, đi một dặm” - đó là sự thật, ít ra là trong quy hoạch và quản lý đô thị.  Bộ Xây Dựng hãy chấm dứt vai trò độc quyền từ việc soạn thảo quy định, thiết kế, lập bảng giá, thi công, xét duyệt, thẩm định, thanh tra (từ A đến Z!), hãy tạo cơ hội cho dân tham gia qua việc tổ chức các cuộc thi thiết kế khu phố mà họ đang sống, qua vai trò của các công ty tư vấn thiết kế & quy hoạch, các buổi đóng góp ý kiến của các giới, các ngành (public hearing) hơn là chủ quan tự mãn tiếp tục đóng kín cửa tự làm rồi tự “sửa sai” dài dài!  Đó không phải là lối làm việc khoa học, dân chủ, tiến bộ mà người ta cứ tuyên truyền, hô hào mà chẳng hiểu biết thấu đáo gì cả!   Tội nghiệp cho kiến trúc và văn hóa - nghệ thuật Việt Nam khi mà các nhà lãnh đạo lại “hồng” hơn là “chuyên” nên mới nảy sinh nhiều chuyện cười ra nước mắt như vậy đó.

Nguyễn Đạt (14/ 8/ 2000)