Từ  cầu Mỹ Thuận...

Nguyen Dat.

 

Khi nhìn thấy hình ảnh cầu Mỹ Thuận đang trong giai đoạn hoàn tất đăng tải trên các báo, tôi cảm thấy rất vui mừng vì ước mơ của tôi và hàng vạn đồng bào quê tôi đang trở thành hiện thực.  Hy vọng vào giữa năm 2000 thì người dân miền đồng bằng sông Cửu Long sẽ được đi qua chiếc cầu treo/ dây văng (suspension) rất đẹp và hiện đại đầu tiên của miền TâyViệt Nam, nối liền hai bờ sông Tiền với một bên là Mỹ Tho / quê ngoại ở phía Bắc và một bên là Vĩnh Long/ quê nội của tôi ở bờ Nam.

 

Khởi công vào sáng 6/7/97, chiếc cầu dài 1.535,2 m, gồm cầu chính dài 660 m theo kiểu cầu cáp dây văng với 2 trụ tháp chính hình chữ H cao 123,5 m ở giữa dòng sông Tiền (riêng phần móng ăn sâu khoảng 85- 90 m dưới lòng sông nên nếu tính từ mũi cọc đến đỉnh tháp thì trụ tháp cao khoảng 200 m), mỗi trụ cách nhau 350 m và cách bìa biên của cầu mỗi bên 150 m, với 3 nhịp mà nhịp giữa là nhịp thông tàu bè (dài 350 m, khoảng thông thuyền là 37,5 m x 110 m), 2 nhịp hai bên có chiều dài 150 m/ mỗi nhịp.  Cáp treo cầu từ 23 đến 63 sợi bện 15,2 mm trong ống

 nhựa màu HDPE có đường kính từ 160-250 mmm.  Cầu dẫn hai đầu cầu có 11 nhịp mỗi bên, dài 437,6 m, cấu tạo theo dạng dầm Super Tee lần đầu tiên có ở Việt Nam.  Mặt cầu rộng 23,66 m cho bốn làn (lane) xe, mỗi lane rộng 3,5 m, có hai lề bộ hành cùng các dải phân cách (concrete barrier).  Nhà thầu Baulderstone Hornibrook cùng 3 công ty xây dựng Việt Nam khác đảm trách thực hiện phần chính với tổng số vốn 95, 568 triệu dollars Úc (chính phủ Úc viện trợ không hoàn lại 66% chi phí này).  Sau 36 tháng “mang nặng đẻ đau”, cuối cùng cầu Mỹ Thuận sẽ chào đời trong niềm vui của người dân miền đồng bằng sông Cửu Long. Cho dù nó sinh ra muộn màng vào giữa năm 2000, với số phận nhiều  trắc trở và khá éo le nhưng cầu Mỹ Thuận rõ ràng là ước mơ thầm kín hàng mấy chục năm qua nhằm kéo các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long xích lại gần nhau hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển giao thông vận tải và kinh tế của miền đất này (hạ tầng cơ sở vật chất), trước khi nói xa hơn đến các lãnh vực khác.  Lẽ ra người dân vùng vựa lúa lớn nhất nước đã được thấy mơ ước này từ lâu nhưng bao nhiêu trắc trở đã khiến “đứa con cầu tự ” Mỹ Thuận mãi đến nay mới chào đời.

 

Cầu Mỹ Thuận sẽ mang hạt gạo và bao nhiêu loại nông thủy sản quê tôi đi nhanh hơn đến tay những đồng bào ruột thịt khắp mọi miền đất nước và cả hải ngoại.  Sau cầu Mỹ Thuận sẽ có thể thấy cầu Cần Thơ, cầu Vàm Cống, cầu Rạch Miễu... để chúng ta có thể thoải mái và nhanh chóng đến Cà Mau, Hà Tiên và đảo Phú Quốc xa khơi.  Rồi những chiếc cầu khỉ sẽ đi vào viện Bảo Tàng khi mà nhiều hơn cầu bêtông, cầu sắt, cầu gỗ... nối liền những con rạch, ngòi, những con sông hay kênh đào ở quê tôi.  Tương lai tốt đẹp đó là điều mà bao thế hệ đã trông chờ, mong ước; cho dù bao nhiêu gia đình đã sống nhờ vào bến phà Mỹ Thuận, Cần thơ, Rạch Miễu, Vàm Cống... sẽ lâm vào hoàn cảnh khó khăn nếu như cầu thay phà.  Số phận các cô gái bán xoài, ổi, hay các em nhỏ bán vé số, trà đá, hoặc các anh lái xe ôm, bán kẹo kéo, v.v... sẽ ra sao ?  Giá như  chính quyền và các nhà kinh doanh của tỉnh Vĩnh Long (bờ Nam) hay tỉnh Tiền Giang (bờ Bắc) mở ra một khu buôn bán (shopping center) các loại nông thủy sản đặc trưng nhất, với giá sỉ (hay ít ra là chắc chắn rẻ hơn giá Sàigòn) để bán trực tiếp cho du khách qua lại cầu Mỹ Thuận một cách ân cần, lịch sự, nhã nhặn, tử tế và hợp vệ sinh thì chắc chắn nơi này vẫn sầm uất, tấp nập.  Khu này phải có bãi đậu xe rộng rải đủ cho các loại xe đò chở khách ghé vào dùng điểm tâm hay cơm trưa/ tối nơi các nhà hàng đặc sản miền Tây, có đủ cửa hàng bán lẻ nông thủy sản, rau trái thật tươi, sạch sẽ, giá rẻ hơn những nơi khác, cân đong đo đếm đủ với chất lượng tối hảo nhằm lôi kéo khách về đây thay vì phải tốn kém chi phí vận chuyển đi bán nơi xa.  Tôi muốn nói đến việc “xuất cảng tại chỗ”, tận dụng tài nguyên địa phương vừa giải quyết công ăn việc làm và phát triển kinh tế địa phương.  Xa hơn, có thể nghĩ tới một điểm “du lịch xanh” với những chiếc phà vẫn qua lại đưa du khách qua sông trong nỗi niềm hoài cổ, hay những “nhà hàng nổi” sẽ đưa du khách nhàn hạ vừa thưởng thức đặc sản vừa ngắm chiều về trên sông, vừa thấy được quê tôi đang sống dậy mãnh liệt vào hừng đông của một ngày mới.  Có quá chủ quan hay không nhỉ, từ cầu Mỹ Thuận ?  Dù sao, tôi vẫn cứ mơ ước thật nhiều để người dân quê tôi đỡ khổ hơn trước, bạn ạ.

                                                                             Mong sao chính quyền địa phương và các nhà đầu tư/ kinh doanh nhận thấy lợi ích đó để giúp những số phận kia không cảm thấy thiệt thòi khi cầu Mỹ Thuận hình thành, để mọi người đều có niềm vui thật trọn vẹn với cầu Mỹ Thuận.  Xin đừng quên là mọi hình thức quy hoạch, thiết kế, xây dựng phải thật sự hài hòa với cảnh quan hiện hữu, bảo vệ tối đa môi sinh và sự ổn định trong đời sống người dân quê tôi.  Trước ngưỡng cửa năm 2000, xin gửi đến đồng bào quê tôi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất trước sự chào đời của cầu Mỹ Thuận và xin được chia vui với tất cả người dân miền đồng bằng sông Cửu Long sẽ thừa hưởng phúc lợi từ cây cầu này.  Nhìn mô hình cầu Mỹ Thuận, tôi chợt mơ ước được sớm thấy mô hình của cầu Cần Thơ, cầu Vàm Cống, cầu Rạch Miễu...  và cũng không còn phải lo khi đi về quê qua những cây cầu khỉ lắt lẻo, gập ghềnh...  Có lẽ “qua cơn mưa” thì “trời lại sáng” và tương lai miền đồng bằng sông Cửu Long sẽ sáng lạn, từ cầu Mỹ Thuận !

 

Nguyễn Đạt (11/1999)