Vài ý kiến về Saigon năm 2000

KTS Nguyễn Đạt.

 

Chỉ còn 3 tuần nữa là Saigon sẽ cùng với thế giới bước vào năm 2000.  Qua mạng lưới Internet, tôi vui mừng khi thấy Saigon cũng chào đón thiên niên kỷ mới với nhiều công trình khá lý thú, nhất là về quy hoạch & xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất để từng bước giành lại danh hiệu “Hòn Ngọc Viễn Đông” và phục vụ công ích cho hàng triệu người dân của một thành phố phát triển nhất nước.  Hãy thử dạo qua Saigon vào tháng 12 năm 1999 để xem Saigon chuẩn bị lễ hội đón mừng năm 2000 với những hồi trống vang lên từ  hơn 200 trống; sau đó chúng ta thử xem qua kế hoạch xây đường hầm qua Thủ Thiêm và việc quy hoạch lại các quận mới của Saigon:

 

1. Đường hầm qua Thủ Thiêm:

 

Năm 1996, tôi có gửi bài viết góp ý về việc Saigon dự định xây cầu nối Quận 1 với Thủ Thiêm, vừa để giải tỏa lưu thông xe cộ ra vào trung tâm Saigon vừa giúp phát triển các quận ngoại vi (Thủ Đức, Thủ Thiêm, Nhà Bè....),trong đó tôi có lưu ý 3 điểm chính cần quan tâm:

 

Có thể dời cầm thú trong Thảo Cầm Viên (TCV) ra Thủ Đức nhưng cần bảo vệ số thực vật quý hiếm và nhiều tuổi, không dễ gì gây trồng hay sưu tập lại dễ dàng. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, vốn đầu tư xây dựng các công trình công ích còn hạn chế thì Saigon nên dùng số tiền cho dự án dời TCV vào việc bảo tồn & nâng cấp TCV sao cho sinh hoạt nơi này vừa có tính văn hóa-giáo dục, vừa là nơi giải trí lành mạnh cho rất nhiều gia đình lao động nếu như chúng ta chịu bảo vệ và trùng tu đẹp đẽ hơn.  Một đề nghị khác cho TCV:  giữ và trồng thêm cây cỏ nhiệt đới để biến TCV thành vườn hoa Saigon với bộ sưu tập thực vật nhiệt đới phong phú hơn, kiến trúc cảnh quan(landscape architecture) mang sắc thái Việt Nam rõ ràng hơn; còn tất cả thú sẽ dời ra khu đồi BS Tín cũ gần Suối Tiên như quy hoạch Saigon dự kiến để bộ sưu tập động vật sẽ có điều kiện phát triển ở nơi phóng khoáng hơn, vệ sinh hơn.   Tóm lại, tôi muốn giữ TCV với bộ sưu tập thực vật hiện hữu; rất ngại mở đường ngang qua TCV và một khu khá phức tạp. Xây cầu sẽ đi đôi với việc mở rộng đường (Lê Thánh Tôn hay Cường Để vàTôn Đức Thắng) nên cũng sẽ phải giải tỏa thêm nhiều khu vực dân cư, trường học, chợ, phố... - ảnh hưởng không ít đến cuộc sống thường ngày của một số đông dân lao động quanh đó.  Tôi sợ nhất là chuyện một số người Saigon bàn đến việc thay đổi cả điều kiện thiên nhiên (nếu nghiên cứu kỹ và thấy rằng sẽ tốt và có lợi về lâu dài thì hay biết mấy; chỉ sợ rằng vừa tốn kém mà không sao lường hết những thiệt hại về sau này) như việc đào kinh, hay biến một khúc sông Saigon thành khu du lịch chứ không sử dụng như một thủy lộ chính như hiện nay.  Tôi thật sự không am tường về thủy văn - thủy lực nên không dám lạm bàn; việc này thuộc quyền quyết định của các chuyên viên và lãnh đạo Saigon sau khi tham khảo đầy đủ các dữ kiện cần thiết hay hội ý với các công ty tư vấn độc lập giàu kinh nghiệm chuyên môn. Đừng quên yếu tố an ninh-quốc phòng cũng là một việc hệ trọng khi quy hoạch và phát triển đô thị.  Với tôi, Đại lộ Thống Nhất với một đầu là Dinh Độc Lập và đầu kia là TCV xem ra cũng cân đối, hợp lý chứ không cần phải thay đổi như nhiều người suy diễn một cách khôi hài bấy lâu nay !

 

Nếu xây cầu thì nên lưu ý đến nhiều vấn đề rất bình thường: lưu thông xe cộ với lưu lượng xe & mật độ dân số cao (nên dự trù ít nhất 5 hay10 năm tới sẽ ra sao ?) và việc điều phối lưu thông xe sao cho hợp lý hơn; khoảng thông thuyền (từ mặt nước đến sàn/ dạcầu) sao cho tàu bè hạng trung có thể ra vào cảng Saigon hay Tân Cảng, thậm chí phải bàn đến việc giải tỏa Tân cảng và Cảng Saigon, hoặc phải hạn chế tàu lớn vào Cảng; giải tỏa dân cư và quy hoạch lại sao cho đất dùng (land-use) hợp lý hơn nhưng chắc chắn sẽ tốn kém nhiều.  Quy hoạch chung của Saigon qua 300 năm phát triển cũng khó thay đổi

 

Giải pháp xây đường hầm từ Hàm Nghi qua Thủ Thiêm nhằm giải quyết những khó khăn trong giải pháp xây cầu, với nhiều ưu điểm như giải quyết nạn kẹt xe trong và sau khi xây, chi phí cũng không quá chênh lệch vàkhông quá tốn đất, khỏi phải giải tỏa hay dời đi một số khu vực, ảnh hưởng đến sự ổn định trong sinh hoạt thường ngày của dân chúng.  Tuy nhiên, giải pháp này cũng có không  ít khó khăn: sẽ phải nghiên cứu kỹ địa chất, chế độ thủy văn, thủy lực; sẽ phải thu lệ phí khi sử dụng đường hầm(dân nghèo thì lấy tiền đâu mà đóng mỗi khi muốn dùng đường hầm ?), sẽ phải thay đổi và sắp xếp lại việc lưu thông (1 hay 2 chiều) trên một số con đường xung quanh sao cho hợp lý hơn, sẽ phải bảo trì khá tốn kém cho đường hầm mỗi năm ( điện & đèn thắp sáng, nước thải, etc), chưa kể đến khả năng kẹt xe trong đường hầm vào giờ cao điểm, hay những tai nạn có thể xảy ra thì Saigon liệu có thể giải quyết ổn thỏa hay không ?  Lái xe qua cầu dù sao vẫn thông thoáng, thoải mái hơn qua đường hầm, nhất là khi kẹt xe thì càng ngột ngạt, khó thở...  Saigon sẽ phải cân nhắc trước khi có quyết định xây cầu hay đường hầm; nên rút kinh nghiệm từ những nước khác, đừng phụ thuộc vào người tài trợ mà cần có sự quyết định độc lập trên cơ sở khoa học và hoàn cảnh địa phương.

 

Hình 1: Quy hoạch Nam Sàigòn

Mới đây, tôi được biết Saigon đã chọn giải pháp xây đường hầm qua Thủ Thiêm từ Hàm Nghi và sẽ tiến hành vào thiên niên kỷ tới.  Theo công ty G. Maunsell & Partners, Ltd. (hợp tác với các công ty tư vấn kỹ thuật MVA, CES, Entec, AIC Maunsell Việt Nam và Bank of Sumitomo), đường hầm này đòi hỏi kinh phí 115 triệu USD (so với kinh phí cho giải pháp cầu cao nối vào Lê Thánh Tôn là 117 triệu và cầu thấp nối vào Tôn Đức Thắng là 75,8 triệu USD), thực hiện theo phương thức BOT và sử dụng quỹ đất ở Thủ Thiêm, dự trù thu phí là $1.00USD/ xe loại nhẹ, $1.60/xe loại nặng, 20 cents USD/ xe gắn máy để vào năm 2010 sẽ đủ thanh toán cho những chi phí xây dựng và bảo trì hoạt động của đường hầm.   Đường hầm dài 1842 m (đoạn dưới đáy sông dài 630 m), cao 9.055 m, rộng 22.8 m với 4 lanes xe (gồm 2 đường ôùng chịu lực cách nhau 0.6 m với nhiều cửa qua lại để dùng khi có tai nạn.  Mỗi đường ống là một hướng xe chạy rộng 0.9 m, chiều cao thông xe là 5.4 m cho 2 lanes xe (3.75 m/ lane), hành lang 0.5 m/ bên.   Nằm sâu 2 m dưới đáy sông (vị trí sâu nhất so với mặt nước thủy triều cao trung bình 17 m), bắt đầu từ ngã tư Hàm Nghi - Pasteur (Quận I) đi dốc (3.4%) xuống lòng sông rồi dốc ngược lên (4%) phía Thủ Thiêm để vào đường 13 (Quận 2) rồi ra xa lộ Saigon-Vũng Tàu.  Trong đường hầm sẽ có hệ thống điện, đèn thắp sáng, cơ khí, điện thoại, phòng & chữa cháy, thông gió bằng quạt hút để điều hòa không khí, etc.  Nhìn chung, người Anh và Nhật  sẽ giúp Saigon đầu tư cho dự án này vào năm 2000, nối dự án Nam Saigon vào khu trung tâm để Saigon có thể tiến ra biển gần hơn một chút và đô thị hóa các quận lân cận nhanh hơn, chưa kể là sẽ giải quyết khá nhiều vấn đề “đau đầu” của trung tâm Saigon.

 

2. Quy hoạch lại các quận mới của Saigon:

 

 Trong chiều hướng tân trang bộ mặt Saigon và mở rộng ra các quận mới, chúng ta có thể nhìn thấy Saigon đang gấp rút quy hoạch lại một số quận, đồng thời với việc tu bổ, mở rộng hay xây dựng thêm nhiều con đường, nhiều cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ công ích (điện, nước dùng & nước thải, nhà vệ sinh công cộng, lề đường & vĩa hè, công viên, cây xanh, băng ghế, đèn đường, etc...), luật lệ chặt chẽ hơn nên cũng giảm thiểu khá rõ những hình thức phát triển kiểu “tự phát” hay “trăm hoa đua nở” của những năm trước đây.  Tuy nhiên, việc sống theo “lệ” vẫn phổ biến nên tham nhũng hối lộ mặc nhiên là “chuyện thường ngày” ở Saigon (đây là một căn bệnh mà Saigon cần suy nghĩ xem có nên chữa trị cho dứt hay không?).  Việc quy hoạch một số quận chỉ mới bắt đầu ở việc xác định đất dùng (land use) để phân chia khu vực chức năng(dân cư, kỹ nghệ, quân sự, nông nghiệp...), giãn dân ra ngoại ô theo định hướng phát triển không gian đô thị trong nhu cầu đô thị hóa các vùng phụ cận hầu giảm bớt áp lực đè nặng các quận nội thành cũ.  Nhìn chung, Saigon đang mở về phía Thủ Đức đến giáp giới Biên Hòa là chính; song song là việc xây dựng đô thị Nam Saigon ở phía Nhà Bè & Bình Chánh, bên cạnh đó là Hóc Môn tiến dần lên Củ Chi đi Tây Ninh và khu Hóc Môn đi về phía Lái Thiêu.  Do ngân sách/vốn hạn chế nên năm 2000 sẽ khó có thay đổi lớn lao mà chủ yếu là cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tu bổ và mở mang đường xá.  Tôi thật sự không thích Saigon “đô thị hóa” theo kiểu những dãy phố lầu với cửa kiếng đầy dẫy ở mặt tiền đang ngày càng lần mất những vườn cây xanh mát nên tôi vẫn mong người Saigon sẽ hiểu cái giá phải trả sau này sẽ rất đắt nếu như hôm nay chúng ta không biết yêu quý môi trường sinh thái của mình. Một điểm nổi bật của Saigon mà chúng ta cần khích lệ là nỗ lực giải tỏa “nhà ổ chuột” trong nội thành với chiều hướng phấn đấu xóa dần trong năm 2000.  Hy vọng đây là thành quả tốt đẹp nhất để chào mừng năm 2000 !

Một vấn đề quan trọng khác mà bấy lâu nay tôi vẫn ao ước là từ năm 2000 trở đi, Saigon sẽ không cho phép xây dựng thêm bất kỳ cơ sở kỹ nghệ sản xuất nào trong nội thành mà cố gắng tập trung lại những cơ sở sản xuất (công - nông - lâm-thủy sản, hóa chất, thực phẩm, xây dựng, etc.) vào trong những khu kỹ nghệ (industrial) nhất định theo quy hoạch chung của Saigon và toàn miền Nam.  Xin người Saigon hãy quan tâm nhiều hơn đến vấn đề ô nhiễm môi trường, bởi đó là chuyện sống còn như “cơm - áo- gạo - tiền” mà mỗi ngày chúng ta phải lo lắng vậy . Sau đó, nếu được, Saigon nên đưa các trường đại học, cao đẳng cùng với các khu ký túc xá ra ngoại ô ngay từ năm 2000.  Giãn dân như vậy sẽ đòi hỏi sự đầu tư đúng mức về nhiều mặt, nhất là những chuẩn bị cần thiết về cở sở hạ tầng vật chất (điện, nước, nước thải & rác, đường sá, chợ, etc.) để giúp ngoại ô phát triển đồng bộ và hợp lý hơn.  Chính quyền Saigon cũng cần có biện pháp hạn chế tốt nhất nạn gia tăng dân số quá ồ ạt (đã trên 5 triệu dân !) qua việc di cư từ nhiều địa phương khác, hay sinh đẻ tự nhiên; bởi đó là nguyên nhân dẫn đến nhiều bài toán phức tạp khác cho Saigon ngay từ năm 2000.  Trước mắt là sẽ phải giải quyết công ăn việc làm cho một số lượng lao động lớn (đa số còn trẻ); kế đến là nhà ở , sau cùng là những tệ nạn xã hội bộc phát tràn lan mà chính quyền không còn kiểm soát nỗi !  Tôi không muốn Saigon yêu quý của tôi sẽ là một Bangkok thứ hai của châu Á ! Cuối cùng, tôi rất mong Saigon sẽ luôn coi trọng việc thẩm định chuyên môn cho từng công trình/ đề án quy hoạch & xây dựng, cố gắng phân tích đầy đủ những thuận lợi & khó khăn (opportunities & constraints) trong quy hoạch tổng thể và nhiều mặt khác nhằm hạn chế tối đa những bất lợi/ tai hại khó lường hết được trong tương lai.  Đó là những bài học kinh nghiệm mà tôi có được từ trường lớp và thực tế ở Mỹ mà chính Mỹ lắm lúc vẫn cứ sai phạm nếu cũng còn chủ quan!   Sự kết hợp đồng bộ giữa

nhiều cơ quan chức năng liên hệ và tham khảo ý kiến quần chúng (public hearing) chính là sự cần thiết để tránh những sai phạm như vậy.

Trước khi bước qua năm 2000, chúng ta hãy đi qua vài quận, như Thủ Đức, Gò Vấp, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè xem sao.

                                                                                          Hình 2: Khu vui Saigon Waterpark.

Nổi bật nhất ở Thủ Đức là những khu vui chơi như
Suối Tiên, Saigon Water Park,etc. Sau khi tách và chia quận mới thì các khu “nhà mới”An Phú-An Khánh, Thảo Điền và khu dân cư Bình Trưng đã thuộc về Quận 2 và Thủ Đức tập trung đầu tư khu nhà mới khác ở dọc theo các xa lộ (Đại Hàn và Biên Hòa cũ) như khu Hiệp Bình Chánh trên diện tích 85 ha, gồm 3 loại: nhà có vườn, phố liên kế và chung cư cao tầng. Công ty Xây Dựng và kinh doanh nhà ở Gia Định đầu tư 1549 tỉ đồng Việt Nam nhưng hình như cả vị trí lẫn mô hình không mấy “hấp dẫn” như  khu An Phú.  Khu quận lỵ Thủ Đức cũng cần sắp xếp và tu bổ lại.  Dọc theo sông Saigon bây giờ là quận 9 với Dự án Công Viên Lịch Sử Văn Hóa Dân tộc trên đồi Bác sĩ Tín cũ và cạnh đó là Thảo Cầm Viên Saigon trong tương lai. Về đây, tôi có cảm tưởng Thủ Đức sẽ trở thành một  khu vực ăn chơi, giải trí và hưởng thụ của nhà giàu Saigon trong tương lai!

 

Đến Gò Vấp, tôi nghe nói về “Quy hoạch Làng Hoa” nhưng thất vọng làm sao khi làng hoa đang bị thu hẹp và sắp biến mất ở Gò Vấp!  Phường 11 và 12 chỉ còn thấy “làng hoa” ở dọc đường Lê Văn Thọ (giữa đường Phạm văn Chiêu và đường Quang Trung), vỏn vẹn còn hơn hai chục mẫu !  Quanh đó là nhà lầu, biệt thự, sân tennis... nằm thật “nổi” giữa một khu xóm lao động, gần đó là Nghĩa Trang Nghệ Sĩ (nghe đâu do cô Phùng Há lập ra) và rải rác nhiều đình chùa, cổ mộ.  Khu Nghĩa Trang Quân Đội cũ đã biến mất.  Hy vọng công viên với vườn hoa và cây xanh cùng với các công trình công cộng sẽ được xây ở đây theo như quy hoạch đã được duyệt (tôi thật sự chẳng thấy điểm nào nổi bật !).  Phường 15 và 17 (dọc sông Bến Cát, giữa khu chợ Hạnh Thông Tây và chợ An Nhơn, góc đường 26/3 và đường Nguyễn Oanh) đã quy hoạch nhưng cũng chỉ để biệt thự và nhà lầu mới mọc lên thêm, không thấy Gò Vấp có gì đặc sắc hơn, rõ nét hơn giữa trước và sau khi quy hoạch.  Phải chi Gò Vấp trồng thêm hoa & cây xanh để bù lại cho sự biến mất của Làng Hoa thì hay biết mấy!

 

Qua Hóc Môn, ngoài việc tách chia quận 12 & 13 mới thì Hóc Môn đã có nhiều khu mới xây cất như  Thạnh Xuân với khu nhà ở (biệt thự & phố liên kế), khu du lịch ven sông, khu kỹ nghệ nhẹ, khách sạn và chợ...  Tuy nhiên, Hóc Môn vẫn duy trì bãi rác thành phố ở Đông Thạnh bên cạnh những địa danh Bà Điểm, 18 Thôn Vườn Trầu, Ngã Ba Giồng với Khu Tưởng Niệm Nam Kỳ Khởi Nghĩa...  Hóc Môn lấy tỉnh lộ 9 làm trục xương sống để định hướng phát triển cho cả nông lẫn công nghiệp, giao thông và thương mại.  Đã khá hơn với nhiều nhà lầu, nhà gạch mới mọc lên dọc theo xa lộ vành đai Đại Hàn cũ nhưng Hóc Môn và các quận mới vẫn hấp dẫn với những nhà vườn, hàng cau, dây trầu  rất đẹp và thanh tịnh, chưa đô thị hóa nhiều (như Nhị Bình, Thạnh Lộc, Đông Hưng Thuận, An Phú Đông...) là những địa điểm thuận tiện để phát triển du lịch như Lái Thiêu của Bình Dương nhưng hình như chính quyền địa phương chưa có sự đầu tư đúng mức.  Khu ngã ba An Sương - Thủ Đức- Bình Chánh vẫn là những “điểm hẹn” sầm uất !

 

Bình Chánh, quận 7 và Nhà Bè phát triển khá nhanh sau khi dự án Nam Saigon tiến hành và một xa lộ mới đã hình thành.  Tiếp đó là khu Vĩnh Lộc, An Lạc-Bình Trị Đông... với đủ hình thức xây dựng, đầu tư và phát triển để nơi đây trở thành một “cửa ngõ” mới quan trọng của Saigon.  Xa lộ Nam Saigon đã tạo điều kiện thuận lợi căn bản đầu tiên cho hàng loạt công trình xây dựng và đầu tư mới hình thành, tiêu biểu nhất là khu vui chơi Saigon Wonderland, sân golf Tân Thuận, etc. rồi nhiều xưởng sản xuất, nhiều khu nhà ở và trường học mới xuất hiện.  Tuy còn khó khăn về nước, khu vực này vẫn hứa hẹn là một vùng đô thị mới phồn thịnh của Saigon sau này.  Cư dân Saigon còn dè đặt khi nói đến việc dời ra khu vực này sinh sống nhưng rõ ràng nơi đây là hướng phát triển chính của Saigon trong thế kỷ tới; nếu như con đường Xuyên Á không thu hút quá đông thị dân chạy ra các quận Thủ Đức, Hóc Môn, quận 12, 13 hay thậm chí Củ Chi.  Con đường Xuyên Á này sẽ là trục lộ quan trọng cho sự phát triển khu vực.

 

Ngay trung tâm Saigon, nhiều khách sạn mới như Diamond Plaza, Saigon Trade Center, Metropolitan, Saigon Tower, Grand Hotel,etc., các khu nhà ở cho ngoại kiều Stamford Court, Saigon Court, Chancellor Court hay Norfolk Mansion, các cao ốc văn phòng như Văn phòng Cảng Saigon, Saigon Thương Tín (Sacombank), Indochine, etc. và rất nhiều nhà lầu và biệt thự mới có lối thiết kế khá hay đẹp ở rải rác các quận. Khá nhiều nhà “ổ chuột” đã được giải tỏa, lòng sông nạo vét, đường xá khang trang hơn là những điểm đáng khen.  Sơ đồ quy hoạch Saigon năm 2020 cũng đã được giới thiệu như là hình ảnh Saigon trong thế kỷ mới sau khi đã “trình làng” sơ đồ quy hoạch phân khu chức năng, bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng và bản đồ quy hoạch các quận huyện. 

 

Một hình ảnh mới khác nữa của Saigon trong vài năm gần đây là những hoa hậu, người mẫu thời trang trong những chiếc áo dài màu sắc dân tộc bằng vải thổ cầm hay những bộ áo quần rất thời trang, xinh xắn.  Bên cạnh đó là tinh thần học hỏi cầu tiến của số đông học sinh, sinh viên trong mọi ngành nghề, nhất là ngoại ngữ và điện toán, kể cả internet.  Chính lớp trẻ Saigon với những hoạt động phong phú, sáng tạo và rất chịu khó đó đã khiến tôi tin Saigon sẽ tiến xa hơn bởi họ vừa thể hiện nét đẹp và sức sống của tuổi trẻ Việt Nam hôm nay, vừa cho thấy khả năng &mong muốn hội nhập vào dòng sinh hoạt thế giới.

 

3. Những điều còn chưa tốt của Saigon trước ngưỡng cửa năm 2000:

 

Bên cạnh những điều mà Saigon làm tốt, chúng ta không thể không nói thẳng ra những điều chưa tốt mà Saigon cần sớm giải quyết, như:

 

Công an ở cửa khẩu TSN và nhiều địa phương (cụ thể là quận Bình Thạnh, Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Chánh) vẫn còn hách dịch, quan liêu với dân chúng trong nước và Việt kiều nhưng lại rất khúm núm trước du khách ngoại quốc.  Tôi vẫn thắc mắc tại sao tôi có quốc tịch Hoa Kỳ nhưng trên Giấy nhập cảnh (Visa) vào Việt Nam thì lại ghi “Quốc tịch: có hộ chiếu Hoa Kỳ” (?!?) - lối chơi chữ như vậy thì coi bộ “khó hiểu” mà thái độ của công an địa phương cũng rất trái ngược với những gì Đảng & Nhà Nước thường nói khi kêu gọi Việt kiều về thăm quê hương.  Rất mong chính quyền Việt Nam giải thích về việc này.

 

Nhân viên Hải quan & Phòng Kiểm Duyệt Văn Hóa Phẩm vẫn “ăn hối lộ” một cách công khai như là một “thủ tục đầu tiên” theo kiểu “nộp tiền mãi lộ” cho dù chính sách “phê & tự phê” đã được Đảng phát động trong năm 1999. 

 

Ma túy và mãi dâm vẫn hoạt động quá mạnh ở Việt Nam mà Saigon là tiêu biểu nhất.  Tôi không hiểu nỗi tại sao Đảng & Nhà Nước Việt Nam có thể quản lý chặt chẽ mọi sinh hoạt của nhân dân nhưng lại có thể để cho 2 tệ nạn này mặc nhiên lộng hành ở khắp các thành thị Việt Nam, ảnh hưởng nặng nề nhất là giới trẻ?  Vậy tương lai dân tộc Việt Nam sẽ ra sao?  Tại sao công an sẵn sàng tăng cường lực lượng và phương tiện đàn áp mọi hành vi chính trị để bảo vệ Đảng nhưng lại chưa tận sức bài trừ tệ nạn xã hội?  Mong rằng chính quyền sẽ có biện pháp dứt khoát hơn trước việc giới trẻ ngày càng trác táng.

 

Thay vì duy trì mãi tình trạng phân tán rải rác ngay trong lòng các khu dân cư, tại sao không thử tập trung tất cả cơ sở sản xuất  kỹ nghệ nặng & trung vào khu kỹ nghệ Biên Hòa, các cơ sở nhỏ hơn nên tập trung vào khu kỹ nghệ của từng quận để có thể quản lý họ chặt chẽ hơn về môi sinh, lao động, vệ sinh & y tế, v.v...  Tình trạng ô nhiễm môi sinh ở Saigon  đã gần như “hết thuốc chữa”(chính miệng một cán bộ môi sinh Saigon đã thốt ra điều đó !). Vậy xin hỏi:  chính quyền đã thật sự quan tâm đến vấn đề này một cách nghiêm chỉnh hay chưa ?  Có muốn “chữa trị”, hay là ...tới đâu thì tới ?  Đây chính là tương lai cụ thể của Saigon, bên cạnh nỗi lo “cơm -áo-gạo-tiền” của từng gia đình lao động ở Saigon hiện nay !  Cũng có thể sự ô nhiễm đã không chỉ ở môi sinh mà đã vào trong từng gia đình hay từng con người nên cũng thật khó chữa hết !

 

Cải thiện đời sống của công nhân viên chức, cán bộ là lối thoát tốt đẹp nhất cho bài toán tham nhũng tại Việt Nam ngày nay, trong đó không chỉ tăng lương theo thời giá mà chủ yếu là phải bảo đảm rằng họ sẽ thấy an tâm khi làm việc cho Nhà Nước, sẽ thấy yêu quý công việc đang làm và biết lo sợ nếu như bị mất việc.

 

Tuy nhiên ai cũng thấy đa số cán bộ, công chức rất quan liêu, tiếp dân với thái độ kẻ cả, hách dịch.  Mong rằng người ta sẽ đối xử với dân lịch sự, tốt đẹp hơn.

 

Khá đông dân Saigon cũng không tôn trọng luật giao thông và vệ sinh công cộng, thiếu tôn trọng người già, phụ nữø và người tàn tật.  Nếp sống văn minh của người Saigon không thể chỉ là khẩu hiệu mà cần được thể hiện cụ thể trong sinh hoạt hàng ngày.  Giáo dục là ngành có trách nhiệm trước vấn đề này trước nhất.

 

Trên báo chí và nhiều hình thức thông tin vẫn còn chê và chống Mỹ, vẫn còn thiếu trung thực khi mô tả cuộc sống ở Mỹ và xã hội tư bản (chỉ nêu ra những cái xấu/ sai/ bê bối/ tiêu cực... mà ít khi thấy đề cập những cái hay đáng để Việt Nam học hỏi?), trong khi ảnh hưởng lối sống và suy nghĩ của Mỹ và tư bản đang ăn sâu vào từng gia đình Việt Nam, không chỉ ở Saigon mà cả nước.   Mâu thuẫn đến buồn cười khi mà chính quyền Việt Nam đã hòa giải với Mỹ và Trung Quốc nhưng vẫn còn nhiều bài viết hằn hộc khi nói đến tập thể người Việt ở hải ngoại, nhất là Bolsa(!).  Ước mong sao năm 2000 này trở đi, người Việt sẽ đôí xử với nhau trong tình đồng bào như người Đức, hay ít ra cũng sẽ không còn quá hằn hộc với nhau nữa thì vui biết mấy !

 

Tôi cảm thấy rất vui sau khi dạo một vòng Saigon trước khi bước qua năm 2000 và thấy đươc Saigon đã khá hơn một chút, cho dù Việt Nam vẫn còn là một trong những nước nghèo nhất thế giới với thu nhập bình quân hàng năm(GDP) tròm trèm $350 USD/năm!  Thế nhưng họ vẫn biết thương nhau mỗi khi hoạn nạn, nhất là sau cơn thiên tai như trận bão lụt vừa qua.  Đó chính là điều đáng vui nhất trước khi chào đón thiên niên kỷ mới.  Mong rằng Saigon sẽ có những người lãnh đạo sáng suốt, thật sự lo cho dân, vì dân và vì Saigon của chúng ta để Saigon yêu quý của tôi sẽ thật sự là một “Hòn Ngọc Viễn Đông” với nhiều chuyển biến tốt đẹp hơn cho người dân Saigon trong thiên niên kỷ tới.

 

Nguyễn Đạt (12/1999)