KIỀU MỸ DUYÊN PHỎNG VẤN

TIẾN SĨ MAI THANH TRUYẾT VÀ KỸ SƯ NGUYỄN MINH QUANG

TRONG CHƯƠNG TRÌNH KHÔNG HẸN NGÀY 22 THÁNG 3 NĂM 2002

ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM HẢI NGOẠI

 

 

Trong Chương trình Không Hẹn của đài Tiếng Nói Việt Nam Hải Ngoại (TNVNHN) ngày 22 tháng 3 năm 2002, Kiều Mỹ Duyên (KMD) lại được hân hạnh phỏng vấn hai nhà khoa học người Mỹ gốc Việt ở miền Nam California, mà trong thời gian gần đây, được cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới biết đến qua bài viết của ký giả John Gittelshon trên báo Orange County Register vào đầu tháng 1 năm 2002.  Đó là Tiến sĩ Mai Thanh Truyết (MTT) và Kỹ sư Nguyễn Minh Quang (NMQ).

 

TS Truyết tốt nghiệp ngành Hóa học ở Pháp.  Trước năm 1975, ông là Giảng sư và Trưởng ban Hóa học của trường Đại học Sư phạm Sài Gòn và là Giám đốc Học vụ của Viện Đại học Cao Đài Tây Ninh.  Hiện nay, ông là Giám đốc nhà máy xử lý nước thải của công ty BKK Corporation, Giám đốc Kiểm soát An toàn và Chất lượng của Weck Laboratories Inc., và Giám đốc Kỹ thuật của công ty Water Unlimited Inc. ở Los Angeles, California.

 

KS Quang tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh, Phú Thọ, Sài Gòn và tốt nghiệp Kỹ sư và Cao học với chuyên ngành thủy lợi, Nebraska, Hoa Kỳ.  Ông là Kỹ sư Chuyên nghiệp (professional engineer) ở California Florida và là hội viên của Hiệp hội KS Công chánh (ASCE) và Thủy lợi (AWRA) Hoa Kỳ.  Trước năm 1975, ông là Trưởng ty Kế hoạch của Ủy ban Quốc gia Thủy lợi, Bộ Công chánh và Giao thông, Sài Gòn.  Ông từng là Chuyên viên Thủy học (hydrologist) của Sở Quản trị Thủy lợi, Broward County, Florida.  Hiện nay, ông là Kỹ sư Giám sát trưởng (supervising senior engineer) của Stetson Engineers Inc., một công ty cố vấn chuyên về thủy lợi và ô nhiễm nguồn nước được thành lập hơn 40 năm ở Los Angeles, California và là Kỹ sư cố vấn của công ty Water Unlimited Inc. ở Los Angeles, California.

 

Sau đây là tóm lược nội dung buổi trao đổi của KMD với TS Truyết và KS Quang.

 

KMD: Xin kính chào quý thính giả của Chương trình Không Hẹn đài TNVNHN.  Hôm nay, TS Mai Thanh Truyết và KS Nguyễn Minh Quang sẽ trình bày với quý thính giả hai vấn đề mà KMD nghĩ rất là quan trọng.  Thứ nhất là “Hội nghị Khoa học về Ảnh hưởng của Chất Da cam/Dioxin đối với Sức khỏe và Môi trường ở Việt Nam” đã diễn ra tại Hà Nội từ ngày 3 đến 6 tháng 3 năm 2002 vừa qua.  Thứ hai là vấn đề ô nhiễm của một số thực phẩm nhập cảng từ Việt Nam đã bị Cơ quan Thực và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) tịch thu hoặc cảnh báo trong những ngày gần đây.  KMD xin nhường lời cho hai anh Truyết và Quang.

 

MTT: Tôi, Mai Thanh Truyết, xin có lời chào tái ngộ cùng quý thính giả của Chương trình Không Hẹn.

NMQ: Tôi, Nguyễn Minh Quang, xin có lời chào tái ngộ quý thính giả của đài TNVNHN và chị KMD.

 

KMD: Kính chào hai anh.  Câu hỏi thứ nhất dành cho hai anh là hai anh có biết gì về “Hội nghị Khoa học về Ảnh hưởng của Chất Da cam/Dioxin đối với Sức khỏe và Môi trường ở Việt Nam” hay không?

 

MTT: Kính thưa quý thính giả, đáng lý ra thì anh Quang và tôi đã có mặt ở hội nghị đó, nhưng vì một lý do đặc biệt nên anh em chúng tôi không thể tham dự được.  Tuy nhiên, có một số tin tức về hội nghị mà chúng tôi có thể trình bày cùng quý thính giả của Chương trình Không Hẹn ngày hôm nay.

 

Như quý thính giả được biết, đây là một hội nghị khoa học được dự trù tổ chức một cách rộng rãi ở Hà Nội, Việt Nam với sự tham dự của các nhà khoa học quốc tế kể cả Hoa Kỳ, Việt Nam, và các quốc gia khác; các chuyên viên quốc tế quan tâm đến vấn đề; các cơ quan phi chính phủ (NGOs); và các cơ quan truyền thông để thảo luận về ảnh hưởng của chất da cam/dioxin qua việc sử dụng chất khai quang trong chiến tranh Việt Nam từ năm 1961 đến 1971.  Vấn đề được đề cập đến là ảnh hưởng đối với sức khỏe con người và ảnh hưởng đối với môi trường và hệ sinh thái.

 

Nhưng trên thực tế, hội nghị đã bị phía Việt Nam khép kín, ngay cả các ký giả ngoại quốc cũng không được phép tham dự hội nghị.  Cuối cùng, vì áp lực của phía Hoa Kỳ, Việt Nam đồng ý cho hai ký giả ngoại quốc được tham dự lễ khai mạc và bế mạc mà thôi.  Do đó, chúng tôi thấy hội nghị có nhiều lấn cấn ngay từ đầu.  Bây giờ, xin anh Quang trình bày cho quý thính giả biết chi tiết của hội nghị.    

 

NMQ: Như anh Truyết đã trình bày, anh em chúng tôi có dự trù tham dự hội nghị từ trước.  Nhưng vào giờ chót, vì lý do bất khả kháng, anh em chúng tôi ngưng xúc tiến thủ tục giấy tờ.  Nhưng anh em chúng tôi nghĩ rằng, nếu có xúc tiến thủ tục, anh em chúng tôi cũng không được phép tham dự; vì như lời anh Truyết nói, chỉ có hai ký giả được tham dự lễ khai mạc và bế mạc chứ không được tham dự các buổi thảo luận chuyên môn của hội nghị.

 

Trở lại vấn đề tổ chức, hội nghị được tổ chức bởi một Ủy ban Hỗn hợp Việt Mỹ gồm 7 thành viên cho mỗi phía.  Phía Hoa Kỳ gồm có đại điện của Viện Y tế Quốc gia (National Institute of Health), Cơ quan Bảo vệ Môi sinh (Environmental Protection Agency), Cơ quan Kiểm soát Bệnh tật (Centers for Disease Control and Prevention), Đại học Yale, và Đại học Berkeley.  Phía Việt Nam gồm có đại điện của Bộ Y tế, Cục Môi trường, Bộ Ngoại giao, Trường Y khoa Hà Nội, Hội Bảo vệ Môi trường và Bảo tồn Thiên nhiên, và Tổng hội Y Dược.  Tin tức về hội nghị được phổ biến trên website của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ.

 

Có tất cả 84 đề tài tham luận được đệ nạp, nhưng chỉ có 67 tham luận được cứu xét, và 55 tham luận được chấp thuận trước khi hội nghị khai mạc.  Trong số 55 tham luận được chấp thuận, chỉ có 5 tham luận là chưa nộp tài liệu bao gồm tham luận của Bác sĩ (BS) Hoàng Đình Cầu của phía Việt Nam.  Trong số 12 tham luận còn đang cứu xét, có đến 11 tham luận chưa nộp tài liệu bao gồm 9 tham luận của phía Việt Nam.  Cũng cần nói thêm là các tham luận của phía Việt Nam chỉ được đệ nạp cho Ban tổ chức vào cuối tháng 2/2002, nghĩa là khoảng hai tuần sau khi thời hạn nộp tài liệu chấm dứt và chỉ một vài ngày trước khi hội nghị khai mạc.

 

KMD: Thưa anh NMQ, có một người rất nổi tiếng ở Việt Nam là BS Lê Cao Đài, một chuyên gia nghiên cứu về dioxin hơn 30 năm nay.  Nhưng tại sao ông không tham dự hội nghị vừa qua?

 

MTT: Tôi xin phép được trả lời câu hỏi nầy.  Thưa chị, đây cũng là một thắc mắc rất lớn của chúng tôi, bởi vì BS Đài chẳng những đặc trách về dioxin mà còn là “đệ tử” của Giáo sư Tôn Thất Tùng nữa.  Trong giai đoạn đầu, BS Đài rất có uy tín trong vấn đề dioxin, nhưng tôi không hiểu tại sao; cho nên, tôi chỉ xin đưa ra hai nghi vấn.  Thứ nhứt, có lẽ BS Đài có những phát biểu đi ngược với khuynh hướng mà hội nghị sẽ theo đuổi để giải quyết vấn đề.  Tôi xin đan cử một thí dụ.  Trước khi hội nghị khai diễn, BS Đài tuyên bố rằng, trong thời gian chiến tranh, ngày ngày ông ngắm máy bay Mỹ bay thật cao (very, very high) để rải chất độc xuống vùng đóng quân của quân giải phóng.  Xin thưa, máy bay Mỹ chỉ có khả năng rải chất khai quang ở độ cao khoảng 150 bộ hay 50 m mà thôi.  Thứ hai, BS Đài còn tuyên bố rằng, ông đi từ Bắc vô Nam, đến nơi nào không xin được mẩu máu, ông lấy mỡ của chính ông để thử nghiệm.  Có lẽ vì tuyên bố như vậy cho nên BS Đài không được tham dự hội nghị chăng?

 

NMQ: Tôi xin góp ý thêm với anh Truyết là anh em chúng tôi đã theo dõi hội nghị nầy rất sát,  qua tin tức trên báo chí và nhất là qua website của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, cơ quan đồng tổ chức hội nghị.  Chúng tôi thấy có nhiều điểm rất lạ.  Thí dụ điển hình nhất là chương trình nghị sự của hội nghị.  Cho đến giờ phút chót, chương trình nghị sự cũng chưa được hoàn tất.  Có một số đề tài không được ghi vào chương trình nghị sự, thậm chí, có những tham luận không có đề tài lẫn tham luận viên.  Đây là một điều hết sức bất thường đối với một hội thảo khoa học có tầm vóc quốc tế như vậy.

 

MTT: Tôi xin nói thêm ở đây là, ngoài BS Đài, chúng tôi còn thấy một vài khoa học gia khác cũng không được trình bày trước hội nghị, thí dụ như BS Keith Horsley của Australia, mặc dù ông nầy đã gởi tài liệu tham luận đến Ban Tổ chức và được chấp thuận.  Lý do có thể vì ông và BS Paul Jeffs, hai khoa học gia của Australia, đã điều chỉnh “sự lầm lẫn trong nghiên cứu” của hai ông khiến cho Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ tạm thời đình chỉ trợ cấp cho cựu chiến binh có tiếp xúc với chất da cam ở Việt Nam và có con mang bệnh ung thư máu cấp tính (acute myelogenous leukemia).

 

NMQ: Tôi xin bổ túc thêm.  Theo quy định của Ban Tổ chức, khi một nhà khoa học muốn thuyết trình trước hội nghị, họ phải liên lạc với Ban Tổ chức để cho biết đề tài và nội dung của tham luận.  Trong chương trình nghị sự có tất cả 64 bài tham luận, trong đó phía Việt Nam chiếm phân nửa, tức 32 bài.  Phân nửa còn lại dành cho phía Hoa Kỳ và khoa học gia của các quốc gia khác.  Như tôi đã trình bày ở trên, vì có đến 55 đề tài đã được chấp thuận, cho nên Ban Tổ chức bắt buộc phải loại một số khoa học gia quốc tế, trong số nầy có một người rất nổi tiếng mà chắc quý thính giả không xa lạ gì, đó là BS Arnold Schecter.

 

KMD:  Hai anh có biết tại sao không?

 

MTT:  Thưa chị, chúng tôi cho rằng ông BS Schecter bị loại vì lý do chính trị hơn là khoa học.  BS Schecter không được đọc tham luận trước hội nghị, nhưng ông được quyền phát biểu trước khi hội nghị khai mạc.  BS Schecter tuyên bố rằng, theo kết quả nghiên cứu mới nhất của ông, thì nồng độ dioxin cao nhất trong máu của dân Biên Hòa cao gấp 206 lần mức trung bình ở Việt Nam.  Cách đây 10 tháng, BS Schecter đã công bố một phúc trình cho thấy nồng độ dioxin cao nhất của người dân Biên Hòa cao gấp 135 lần mức trung bình.  Những con số nêu trên quả là những con số đáng cho chúng ta đặt nghi vấn.  Trong lần nghiên cứu mới nhất, BS Schecter đã khám phá nồng độ dioxin trong một mẩu máu ở Biên Hòa là 413 phần ức (ppt, parts per trillion).  Ông tự động chia cho 2 phần ức (tức nồng độ trung bình của dioxin trong máu của người dân miền Bắc) và kết luận là mức nhiễm độc dioxin của người dân Biên Hòa là 206 lần (đúng ra là 206,5 lần!) cao hơn.  Thiết nghĩ, con số nầy là một con số chính trị hơn là một con số khoa học.

 

KMD: Các anh có nghĩ rằng ông Schecter công bố lượng dioxin trong máu của người dân Biên Hòa cao gấp 206 lần là nhằm mục đích kêu gọi Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Hoa Kỳ viện trợ cho Việt Nam hay không?

 

MTT: Tôi nghĩ đó chính là mục tiêu của chính phủ Việt Nam.  Nhưng vì lý do nào đó, hội nghị đã không mang lại kết quả như phía Việt Nam mong đợi.  Anh Quang và tôi sẽ lần lượt trình bày tiếp sau đây.

 

NMQ:  Thưa chị KMD, theo sự suy luận của tôi, sở dĩ BS Schecter không được trình bày trong hội nghị là vì tuyên bố của ông có sự mâu thuẫn.  Ông tuyên bố rằng nồng độ cao nhất của dioxin trong máu người dân Biên Hòa cao gấp 206 lần nồng độ trung bình là 2 phần ức.  Nhưng ông cũng tuyên bố trước khi hội nghị khai mạc rằng ông đã phân tích 20 mẩu cá nhập cảng từ Việt Nam vào Hoa Kỳ và tìm thấy nồng độ dioxin rất thấp, chỉ có 0,01 phần ức, thấp hơn cả cá ở Hoa Kỳ.  Đó là một mâu thuẫn rất lớn.  Vì nếu dioxin có ở trong máu của người dân Việt Nam, tại sao nó không có trong nguồn thực phẩm nuôi sống họ, cái nguồn thực phẩm mà ông khẳng định đã du nhập chất dioxin vào cơ thể của người dân Biên Hòa!

 

Trở lại vấn đề chính trị, tôi xin nêu một vài điểm để minh chứng rằng “Hội nghị Khoa học về Ảnh hưởng của Chất Da cam/Dioxin đối với Sức khỏe và Môi trường ở Việt Nam” ở Hà Nội đã bị ô nhiễm bởi màu sắc chính trị chứ không còn tính trong sáng của khoa học như hai chánh phủ Việt Mỹ đã thỏa thuận từ trước.  Điểm thứ nhất, Việt Nam “tố cáo” Hoa Kỳ đã “tiến hành một cuộc chiến tranh hóa học chống lại nhân dân Việt Nam” cách đây 30 năm.  Điểm thứ hai, đó là lời tuyên bố trong hội nghị của phía Việt Nam đòi Hoa Kỳ phải bồi thường thiệt hại cho “nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam” và lời “hăm dọa” tiếp theo là sẽ dùng thủ tục pháp lý nếu Hoa Kỳ không chịu dàn xếp (settle).  Điểm thứ ba, đó là tham luận của ông Paul Sutton, Chủ tịch Ủy ban Chất da cam/Dioxin của Hội Cựu chiến binh Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam (Vietnam Veterans of America (VVA)).  Tôi xin nói như thế nầy, chúng tôi rất ngưỡng mộ, kính phục, và biết ơn sự hy sinh cao cả của tất cả các cựu chiến binh Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam cũng như tất cả các chiến binh Hoa Kỳ đã bỏ mình để bảo vệ lý tưởng tự do và bảo vệ miền Nam Việt Nam trong thời chiến.  Nhưng tiếc thay, cũng có một thiểu số cựu chiến binh, chỉ vì quyền lợi cá nhân nhỏ nhoi, đã làm sứt mẻ thanh danh của tập thể cựu chiến binh Hoa Kỳ tương tự như nữ diễn viên Jane Fonda đã làm tổn thương danh dự của đất nước và dân tộc Hoa Kỳ trước đây.  Trở lại với ông Paul Sutton, tham luận của ông đã được Ban tổ chức chấp thuận và đã được ghi trên chương trình nghị sự là “Những cách đơn giản để xác định các hợp chất có chứa dioxin trong thuốc khai quang được quân đội Hoa Kỳ sử dụng ở Việt Nam.”  Đây là một tham luận có tánh cách khoa học.  Nhưng khi trình bày trong hội nghị thì tham luận của ông lại có đề tài “Lịch sử của việc sử dụng chất da cam ở Việt Nam-Nhận định tổng quát của một cựu chiến binh.”  Bài tham luận nầy có tánh cách tuyên truyền và đầy cảm tính vì ông cho rằng thuốc khai quang đã được “trút” lên đầu dân chúng và nguồn nước ở Việt Nam; rằng kết quả các nghiên cứu của các cơ quan có thẩm quyền ở Hoa Kỳ về ảnh hưởng của thuốc khai quang đối với sức khỏe con người là lộn xộn, đầy mâu thuẫn, “dỏm,” và “quái gở” bởi vì các kết quả nầy không đúng ý ông; và rằng Washington và các công ty sản xuất thuốc khai quang như Dow Chemical và Monsanto có “trách nhiệm luân lý” trong việc bồi thường cho người dân Việt Nam đã đau khổ vì tiếp xúc với thuốc khai quang.  Trong khi đó, ông lại “công nhận vô điều kiện” kết quả khảo sát lâm sàng của Việt Nam rằng thuốc khai quang là tác nhân của mọi thứ bệnh tật ở Việt Nam, kể cả dị thai và ung thư.

 

KMD:  Nhưng ông cựu chiến binh đó có phải là một khoa học gia hay không?

 

NMQ:  Theo chỗ tôi được biết, ông Paul Sutton không phải là một khoa học gia.  Cũng cần nói thêm ở đây là, trước khi đi Hà Nội để tham dự hội nghị, ông và ông Chủ tịch của VVA là Tom Corey đã thực hiện một cuộc vận động rất mạnh mẽ ở Hoa Kỳ để đòi bồi thường và giúp đỡ cho nạn nhân chất da cam ở Việt Nam cũng như họ đã đòi bồi thường cho chính họ trước đây.  Mặc dù kết quả nghiên cứu chỉ cho thấy bằng chứng mơ hồ hoặc giới hạn (limited/suggestive evidence) về sự liên hệ giữa dioxin với một số bệnh tật; vì lý do chánh trị, Quốc hội Hoa Kỳ đã chấp thuận đề nghị của Bộ Cựu chiến binh để trợ cấp cho bất cứ cựu chiến binh nào (xin lặp lại: bất cứ cựu chiên binh nào) bị nhiễm tám loại bệnh được ghi trong danh sách.  Đến năm 1996, một lần nữa, vì muốn “vuốt ve” giới cựu chiến binh trong vụ tai tiếng tình dục với cô Paula Jones, Tổng thống Clinton nới rộng phạm vi bồi thường để bao gồm bệnh ung thư nhiếp hộ tuyến (prostate cancer) và bệnh vẹo xương sống (spina bifida), mặc dù hai chứng bệnh nầy cũng chỉ có bằng chứng mơ hồ và giới hạn như các chứng bệnh trước.  Sự kiện chỉ có 7.500 cựu chiến binh đang lãnh trợ cấp, trong số khoảng 2,6 triệu cựu chiến binh được kể là có tiếp xúc với chất da cam, là một minh chứng hùng hồn nhất về tính “giới hạn và mơ hồ” của mối liên hệ giữa chất da cam với các chứng bệnh do Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ liệt kê.  Tôi nghĩ ông Paul Sutton có cung cách của một chính trị gia chứ không phải của một khoa học gia.

 

KMD: Như vậy, hai anh nhận định như thế nào về mục đích của hội nghị khoa học ở Hà Nội khi trọng tâm của nó lại là chánh trị?

 

MTT: Chúng tôi nhận thấy, có thể hơi chủ quan, là phía Hoa Kỳ muốn giải quyết vấn đề trên cả hai bình diện khoa học lẫn nhân đạo, cho nên, họ mới chấp nhận ngồi xuống đối thoại với phía Việt Nam.  Còn phía Việt Nam thì có mục tiêu khác.  Việt Nam cho rằng “ảnh hưởng của dioxin là một khẳng định rồi” (như lời tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phan Thúy Thanh vài ngày sau hội nghị) thì người Mỹ có bổn phận phải bồi thường cho nạn nhân ở Việt Nam.  Nếu không thì Việt Nam sẽ dùng đến thủ tục pháp lý.  Hai phía đã ngồi 4 ngày trong bàn hội nghị với hai tâm khảm như vậy thì làm sao hội nghị có kết quả cho được.  Chúng tôi đã tiên đoán điều đó.  Trước mặt chúng tôi là “tuyên bố báo chí” và “biên bản ghi nhớ” (memorandum of understanding) của hội nghị, nhưng chúng tôi không thấy thêm một kết quả “tích cực” nào như dự định của cả hai phía.

 

KMD: Thưa anh, dường như phía Việt Nam đã phản ứng mạnh mẽ khi phía Hoa Kỳ chất vấn về xác quyết của Việt Nam cho rằng “chất độc màu da cam” dùng trong cuộc chiến Việt Nam đã gây dị thai và rất nhiều chứng bệnh khác cho nhiều thế hệ người dân Việt, phải không anh?

 

MTT: Thưa chị đúng.  Khi phía Việt Nam tuyên bố có hơn một triệu người trên toàn quốc bị ảnh hưởng của chất da cam/dioxin và có trên 50.000 trẻ em bị dị thai hoặc khuyết tật và Hoa Kỳ phải có trách nhiệm bồi thường cho họ, phía Hoa Kỳ yêu cầu phía Việt Nam công bố các kết quả nghiên cứu để phía Hoa Kỳ xem xét và kiểm nghiệm.  Dĩ nhiên là phía Việt Nam chẳng có một nghiên cứu khoa học nào ngoài việc “khảo sát lâm sàng”!  Có lẽ vì thế nên phía Việt Nam đã phản ứng mạnh mẽ qua lời tuyên bố của GS Nguyễn Trọng Nhân, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, rằng bất cứ ai có kiến thức khoa học vừa phải cũng biết các chất độc đó có hại đến con người và môi trường, rằng các nạn nhân chất da cam đã chết trong cay đắng mà không được bồi thường, rằng chúng tôi không thể tiếp tục im lặng hoặc chờ có bằng chứng khoa học rồi mới đòi bồi thường, và rằng việc nghiên cứu mà phía Hoa Kỳ đề nghị là một hành động chối bỏ trách nhiệm.  Được hỏi về phản ứng của phía Việt Nam, TS William Farland của EPA chỉ trả lời rằng: “Hai chánh phủ chỉ nói về việc nghiên cứu mà thôi!”   

 

KMD: Như vậy thì cái “tuyên bố báo chí” và cái “biên bản ghi nhớ” của hội nghị nêu ra những điểm gì?

 

NMQ: Thưa chị, cái “biên bản ghi nhớ,” dịch từ chữ “memorandum of understanding,” thật ra chỉ là một biên bản bình thường mà thôi.  Nó ghi lại những điểm mà hai bên đồng ý theo đó để thi hành.  Nhưng trước khi biên bản nầy được ký kết thì có hai sự kiện đã xảy ra.  Như quý thính giả đã biết, hội nghị chánh thức bắt đầu vào ngày mồng 3 và chấm dứt vào ngày mồng 6 tháng 3 năm 2002.  Theo sự suy luận có thể hơi chủ quan của tôi, qua những lời phát biểu của các khoa học gia cũng như của ông Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, thì phía Hoa Kỳ rất khó chịu.  Phía Hoa Kỳ khó chịu vì phía Việt Nam đã đồng ý không thảo luận vấn đề bồi thường nạn nhân chất da cam sau phiên họp ở Singapore năm 2000; và hơn nữa, Việt Nam cũng đồng ý không đòi bồi thường chiến tranh khi qua hệ ngoại giao giữa hai nước được bình thường hóa năm 1995.  Do đó, phía Hoa Kỳ không muốn thảo luận thêm nữa.  Tuy nhiên, theo lời yêu cầu của phía Việt Nam, hai phiên họp đã được triệu tập.

 

Phiên họp thứ nhứt được tổ chức vào ngày 7 tháng 3 để các khoa học gia quốc tế, được chọn lọc bởi Hoa Kỳ và Việt Nam, xác định xem mức độ thiếu sót của những dữ kiện hiện có và sau đó đề nghị các lãnh vực nghiên cứu tổng quát nhằm thu thập thêm các dữ kiện cần thiết.  Phiên họp thứ nhì được tổ chức ngay ngày hôm sau, 8 tháng 3, để các khoa học gia đại điện hai phía Hoa Kỳ và Việt Nam thảo luận chi tiết nhằm đạt đến sự thỏa thuận liên quan đến công tác nghiên cứu trong tương lai.  Sau hai phiên họp nầy, đến ngày 10 tháng 3 năm 2002, hai phía Hoa Kỳ (TS Anne Sassaman của Viện Khoa học Y tế Môi trường Quốc gia) và Việt Nam (TS Nguyễn Ngọc Sinh của Cục Môi trường) mới chính thức ký kết cái “biên bản ghi nhớ” liệt kê tất cả những điểm mà hai bên đã thảo thuận trong phiên họp ngày 8 tháng 3 năm 2002.

 

MTT: Tôi xin bổ túc thêm là những điểm được hai bên đồng ý ghi trong “biên bản ghi nhớ” đều nhắm vào hai mục tiêu: nghiên cứu ảnh hưởng của dioxin lên sức khỏe con người và nghiên cứu ảnh hưởng của dioxin lên môi trường ở Việt Nam.  Chúng tôi nhận thấy rằng khó có hy vọng đạt được kết quả tích cực trong tương lai vì ở đây vẫn chỉ có một phía cho và một phía chỉ muốn nhận, vì trình độ chuyên môn giữa hai đối tác rất chênh lệch, và nhất là phía Việt Nam luôn mang tâm trạng muốn được trợ giúp (hay bồi thường) hơn là nghiêm chỉnh đi sâu vào công cuộc nghiên cứu khoa học.  Xin anh Quang cho biết thêm chi tiết trong cái “biên bản ghi nhớ” nầy.

 

NMQ:  Thưa anh Truyết và quý thính giả, cái biên bản được ký kết ngày 10 tháng 3 năm 2002 gồm có ba phần chánh: lãnh vực nghiên cứu, vấn đề hợp tác trong việc nghiên cứu, và tiến trình tài trợ và hướng dẫn việc nghiên cứu.  Tôi sẽ tuần tự chia sẻ với quý thính giả những chi tiết quan trọng trong biên bản nầy.

 

Về lãnh vực nghiên cứu, hai bên đồng ý tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của chất da cam/dioxin đối với sức khỏe con người và đối với môi trường.  Về ảnh hưởng đối với sức khỏe của con người, việc nghiên cứu sẽ được thực hiện trên dân số có tiếp xúc với chất da cam, phương thức điều trị bằng thuốc dân tộc (do phía Việt Nam đề nghị), và một số công tác khác (do các khoa học gia quốc tế đề nghị) bao gồm việc công bố rộng rãi những dữ kiện thu thập được, tổ chức những chương trình huấn luyện, soạn thảo quy định cho việc nghiên cứu, và thu thập dữ kiện qua công tác nghiên cứu và thống kê.  Ở đây, tôi xin mở một dấu ngoặc để thưa rằng những đề nghị của các khoa học gia quốc tế thì không có gì mới mẻ, vì những đề nghị nầy đã được anh em chúng tôi nêu lên nhiều lần trước đây.  Về ảnh hưởng đối với môi trường, hai bên đồng ý nghiên cứu các phương pháp nhanh và rẽ để xác định nồng độ của dioxin trong đất, phù sa, và các mẩu sinh học (máu, mỡ, sữa), tăng cường khả năng phân tích (phòng thí nghiệm, dụng cụ,...), các phương pháp ít tốn kém để giảm thiểu ảnh hưởng, và tiến hành dự án nghiên cứu hệ sinh thái và phục hồi rừng Mã Đà ở Sông Bé và dự án nghiên cứu để xác định và phục hồi các “điểm nóng” ở Đà Nẵng. 

 

Về vấn đề hợp tác trong việc nghiên cứu, hai bên đồng ý khuyến khích việc trao đổi trong việc huấn luyện hậu đại học, khuyến khích việc thăm viếng dài hạn của các khoa học gia lão thành của hai nước, tổ chức những chương trình hội thảo và huấn luyện, và yểm trợ việc trao đổi tin tức khoa học.

 

Về tiến trình tài trợ và hướng dẫn việc nghiên cứu, hai bên đồng ý sẽ không có thêm bất cứ một đề nghị hay nghiên cứu nào của biên bản được thực hiện trước khi hoàn tất các công việc sau đây, mà theo tôi, đó là những điều kiện mà Hoa Kỳ đặt ra cho phía Việt Nam.  Một là thành lập một Ủy ban Cố vấn Hỗn hợp Việt Mỹ có nhiệm vụ xác định mục tiêu của chương trình nghiên cứu, điều hợp chương trình nghiên cứu, và cứu xét và chấp thuận nội dung của các cuộc nghiên cứu.  Hai là soạn thảo quy định về việc tổ chức và điều hành chương trình nghiên cứu và phải có sự thỏa thuận của hai chánh phủ về các vấn đề như phương pháp nghiên cứu, tiêu chuẩn áp dụng cho các khoa học gia tham gia việc nghiên cứu, tiêu chuẩn khoa học và lương tâm nghề nghiệp, phương pháp để lượng định việc thi hành các quy định và luật lệ áp dụng cho việc nghiên cứu, mức độ phổ biến kết quả nghiên cứu đến cộng đồng khoa học quốc tế, và cách thức phổ biến kết quả nghiên cứu.  Ba là xác định nguồn tài trợ và cách thức tài trợ cho việc nghiên cứu bao gồm công tác căn bản, phát triển nhân sự, và trang thiết bị cho phòng thí nghiệm.

 

KMD:  Thưa hai anh, các anh vừa cho biết chi tiết kết quả của hội nghị và cũng có nhận định là “Hội nghị Khoa học về Ảnh hưởng của Chất da cam/Dioxin đối với Sức khỏe và Môi trường ở Việt Nam” nặng phần chánh trị hơn là khoa học thuần túy vì Hà Nội chỉ muốn Hoa Kỳ và LHQ đổ tiền vào Việt Nam.  Như vậy, theo hai anh, hội nghị nầy có những điểm nào tích cực và tốt đẹp hay không?

 

Thứ hai, trước mặt KMD hiện có một danh sách ghi 54 loại thực phẩm nhập cảng từ Việt Nam bị Cơ quan FDA của Hoa Kỳ ngăn cấm vì có chứa chất độc hại.  Tương tự, Liên hiệp Châu Âu cũng đã liên tiếp ngăn chận thủy sản nhập cảng từ các nước Á châu, trong đó có Việt Nam, và lưu ý vấn đề đến phía đối tác.  Các anh có thể cho biết thêm chi tiết về các chất độc trong các loại thực phẩm nhập cảng từ Việt Nam?

 

NMQ:  Thưa chị KMD, trước khi chúng ta bước sang vấn đề thực phẩm nhập cảng, tôi xin góp ý thêm về kết quả cuộc hội nghị vừa qua ở Hà Nội.  Theo nhận định của tôi thì phía Việt Nam đã không đạt được mục tiêu của họ vì “biên bản ghi nhớ” chỉ hoàn toàn đề cập đến khía cạnh khoa học mà thôi.  Tôi cho đó là một điểm hết sức tích cực cho đất nước và người dân Việt Nam.  Qua những trợ giúp khoa học do hội nghị mang lại thì trình độ kỹ thuật của người dân Việt Nam, khoa học gia Việt Nam, và phía Việt Nam có thể được nâng cao, phương tiện và trang thiết bị có thể được cung cấp đầy đủ để phía Việt Nam có thể thực hiện những nghiên cứu chính xác và được cộng đồng khoa học thế giới chấp thuận.

 

KMD:  Thưa anh Truyết, nếu các cơ quan quốc tế đổ tiền vào một nước độc tài như Việt Nam để sử dụng cho nghiên cứu khoa học, liệu họ có dùng số tiền đó đúng chỗ hay không?

 

MTT:  Tôi nghĩ chuyện nầy khó xảy ra trên thực tế vì kết quả của hội nghị đã được ghi nhận một cách rõ ràng và hoàn toàn có tính cách kỹ thuật.  Nhưng phía Việt Nam dường như chưa “thẩm thấu” hết nội dung của “biên bản ghi nhớ” mà họ đã ký kết.  Tôi xin đan cử một thí dụ là mới hôm qua, ngày 21 tháng 3, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tuyên bố rằng: “ảnh hưởng của dioxin đã được khẳng định.”  Chúng tôi xin đặt dấu hỏi, khẳng định mà khẳng định điều gì và khẳng định như thế nào?  Ngoài ra, bà cũng đưa ra những luận điệu công kích chính phủ Hoa Kỳ rằng: “Viện Dược học Hoa Kỳ trong thời gian không dài lắm mà không nhất quán trong việc thông báo kết quả nghiên cứu thể hiện sự thiếu nghiêm túc và có phần vội vã.”  Chúng tôi xin thưa rằng, dù có tỏ thiện chí đến đâu thì kết quả nghiên cứu cũng khó được chuẩn nhận từ phía Việt Nam vì họ không tích cực và không có thực tâm mong mỏi đạt được sự đồng thuận trong việc hợp tác.

 

KMD: Xin cảm ơn hai anh.  Bây giờ chúng ta có thể bước qua vấn đề thực phẩm Việt Nam có chứa chất độc hại chưa?

 

MTT: Vâng thưa chị, đây là một vấn đề hết sức tế nhị thể hiện qua nỗi lo âu của người dân ở trong nước lẫn ngoài nước.  Vấn đề nầy trở nên nghiêm trọng trong thời gian gần đây.  Những tin tức liên quan đến arsenic, các hóa chất độc hại, thuốc trừ sâu rầy, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc khử trùng, v.v. được loan báo trên báo chí trong nước từ Bắc đến Nam, mà đặc biệt là ở hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn.  Hầu như ngày nào cũng có tin tức liên quan đến việc nhiễm độc trong đất và nước và ngộ độc vì ăn rau quả và thực phẩm bị nhiễm độc.  Chỉ cách đây vài ngày thôi, cơ quan y tế địa phương đã kiểm nghiệm và cho biết một số rau muống, cải, cà, v.v. đã bị nhiễm thuốc trừ sâu rầy thuộc họ organo-phosphate, một hóa chất căn bản để điều chế hàng trăm loại thuốc trừ sâu rầy khác nhau.  Rau cải tại thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là ngó sen, đã bị nhiễm kim loại nặng như chì, đồng, kẽm, và thủy ngân.  Nông dân ở những vùng trồng hoa màu cung cấp cho thành phố như Xóm Mới, Hạnh Thông Tây, Củ Chi, v.v. phải dùng nước bị ô nhiễm bởi nước thải của các hãng xưởng như kinh Tham Lương chẳng hạn.  Năm 1999, chúng tôi có phân tích hai mẫu nước ở Xóm Mới và đã nêu lên mối quan tâm về sự hiện diện của chì và thủy ngân cùng với arsenic.

 

KMD:  Thưa anh Truyết, theo lời anh thì rau cải, kể cả ngó sen, ở Việt Nam có thể bị nhiễm độc.  Vậy thì các loại thực phẩm Việt Nam nhập cảng vào Hoa Kỳ như ngó sen đóng hộp, tôm cá đông lạnh có thể mang mầm mống độc hại hay không?

 

MTT:  Thưa chị, về những mặt hàng Việt Nam nhập cảng sang Hoa Kỳ, chúng tôi không có ý kiến vì chúng tôi không có kiểm soát mà cũng không có thử nghiệm.  Phẩm chất của thực phẩm nhập cảng từ Việt Nam, như chị đã thấy, được cơ quan FDA thường xuyên kiểm nghiệm và thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.

 

KMD: Trước mặt KMD có danh sách liệt kê một số mặt hàng nhập cảng từ Việt Nam bị tịch thu như tôm, cá, mực, cua lột, v.v.  Anh có biết tại sao những mặt hàng nầy bị tịch thu hay không?

 

MTT: Thưa chị và quý thính giả, bất cứ ai cũng có thể vào website của cơ quan FDA để xem danh sách cập nhật hóa những mặt hàng bị tịch thu, lý do bị tịch thu, và cơ sở sản xuất mặt hàng.  Theo chỗ tôi được biết, đa số các mặt hàng thủy sản bị tịch thu có chứa vi khuẩn salmonella.  Tiện đây, tôi cũng xin thông báo cùng quý vị là, theo khuyến cáo của cơ quan FDA, người tiêu thụ có thể thông báo cho FDA hoặc cơ quan FBI gần nhất những siêu thị hay tiệm thực phẩm nào bày bán thực phẩm nhập cảng từ Việt Nam mà trên bao bì không có ghi ngày quá hạn (expiration date).

 

KMD: Anh Quang có ý kiến gì không?

 

NMQ:  Thưa chị và quý thính giả, trở lại chuyện ô nhiễm hóa chất ở Việt Nam thì ngày hôm nay, tôi có thấy một bản tin đăng trên báo Tiền Phong ở Việt Nam cho biết, hiện nay ở Việt Nam, có 200 loại thuốc trừ sâu với gần 700 tên gọi và trên 200 loại hóa chất dùng làm chất phụ gia cho thực phẩm; nhưng thông tin về các hóa chất trên không được kiểm soát chặt chẽ và có rất nhiều hóa chất được sử dụng mà không rõ nguồn gốc.  Bản tin cho biết thêm là hậu quả của tình trạng nầy là số người có nguy cơ mắc bệnh liên quan đến hóa chất như rối loạn nội tiết, ung thư, bệnh phổi, bệnh ngoài da, sanh con quái dị ngày càng cao.  Theo Bộ Y tế, hóa chất bảo vệ thực vật là một trong mười nguyên nhân gây tử vong cao nhất, chỉ sau bệnh phổi, bệnh cao huyết áp, và tai nạn lao động.  Sự nguy hiểm nằm ở chỗ chất độc không chỉ xảy ra cho cơ thể qua đường hô hấp, ăn uống, mà còn qua da.  Ở nước ta [Việt Nam] nhiễm độc hóa chất tồn tại trong hai lãnh vực công và nông nghiệp.  Một trong những nguyên nhân gây ra nhiễm độc là người sử dụng thiếu kiến thức để bảo vệ mình, thiếu kiến thức cần thiết để sử dụng hóa chất một cách an toàn.  Một cuộc điều tra mới đây cho thấy 35% nông dân sử dụng mà không đọc nhãn thuốc.  Phổ biến hơn cả là người sản xuất tự mua hóa chất về rồi pha chế theo kinh nghiệm bản thân.  Trong công nghiệp, các hãng sản xuất da giày và luyện kim có nguy cơ cao do thiết bị trang bị bảo hộ lao động không đầy đủ hoặc không phù hợp.  Công nhân chưa được huấn luyện và cung cấp đầy đủ kiến thức để sử dụng hóa chất tại nơi làm việc.

 

KMD:  Thưa các anh, sau khi phân tích thì chúng ta đã thấy tình hình ô nhiễm ở Việt Nam so với môi trường trong lành và điều kiện sức khỏe tương đối an toàn mà chúng ta đang có ở đây.  Vậy thì chúng ta có dự định làm gì cho đồng bào của chúng ta ở trong nước hay không?

 

NMQ:  Chắc chị và quý thính giả còn nhớ, trong lần nói chuyện trước đây của anh em chúng tôi vào ngày 1 tháng 2 năm 2002, tôi có đề cập đến vấn đề chuyển đạt thông tin về trong nước để đồng bào của chúng ta nhận thức được tầm quan trọng cũng như sự nguy hiểm của các hóa chất mà họ đang sử dụng.  Anh em chúng tôi nghĩ rằng chúng ta ở hải ngoại chỉ có thể làm được tới mức độ đó thôi.  Trong một chừng mực nào đó, tôi nghĩ việc làm đó đã gây được tiếng vang ở trong nước.  Gần đây, những tin tức liên quan đến ô nhiễm hóa chất, ngộ độc thực phẩm, ô nhiễm môi trường, v.v. được phổ biến rộng rãi trên báo chí trong nước rất có thể là một thành quả của anh em chúng tôi đang làm ở hải ngoại nầy, thưa chị.

 

KMD:  Xin anh Truyết tiếp lời.

 

MTT:  Không biết vì lý do nào đó mà những thông tin về hóa chất độc hại và nhiễm độc thực phẩm ở Việt Nam được mở ra rộng rãi, và những thông tin nầy đã đưa ra một viễn ảnh không được sáng sủa cho lắm.  Chúng tôi mong rằng những thông tin đó càng được phổ biến rộng rãi hơn để người dân ngày càng ý thức được mối nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của vấn đề để tự bảo vệ lấy mình.  Chính quyền không bảo vệ được người dân thì đã đến lúc người dân phải cố tìm phương cách riêng để bảo vệ cho chính mình và gia đình mình.

 

KMD:  Như vậy, TS Mai Thanh Truyết có ý nói là người dân phải tự vùng dậy, phải không? 

 

MTT: Thưa chị, tôi không có ý kiến về câu hỏi nầy.

 

KMD:  Thưa hai anh, chúng ta chỉ còn khoảng 6 phút nữa.  Các anh còn có tâm tư hay điều gì muốn gởi đến quý thính giả của đài TNVNHN ở miền Đông và Trung Hoa Kỳ hay không?

 

MTT:  Thưa chị, chúng tôi có rất nhiều.  Chúng tôi, chẳng những muốn gởi đến quý thính giả của đài ở Hoa Kỳ, mà thực sự, còn mong mỏi hơn để được nhắn gởi đến đồng bào đang sống ở trong nước.  Thưa chị, vấn nạn ô nhiễm môi trường đang xảy ra ở trong nước là một vấn nạn chung của người dân Việt Nam, kể cả người Việt đang sinh sống ở hải ngoại.  Chúng tôi mong rằng vấn nạn đó sẽ được xem xét, nghiên cứu, và giải quyết trên một bình diện thuần túy khoa học và vì lợi ích của dân tộc.  Đừng vì lý do chính trị hay bất cứ một lý do nào khác để suy diễn vấn đề khác đi.  Thí dụ như vấn đề ô nhiễm arsenic là một trong những vấn nạn ô nhiễm có tầm vóc quốc gia có nguy cơ xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).  Nhưng khi chúng tôi vừa nêu lên thì liền bị phản kích từ nhiều phía của những người không đủ khả năng chuyên môn hay vì cảm tính hay giáo điều.  Trong lúc đó, sự thật vẫn là sự thật!  Trước mặt chúng tôi là một báo cáo khoa học thật sự của các khoa học gia trong nước gồm có TS Đỗ Trọng Sự và BS Nguyễn Huy Nga, Phó vụ trưởng Y tế Dự phòng cho biết rằng nạn ô nhiễm arsenic ở đồng bằng sông Hồng đã lên đến mức trầm trọng với nồng độ cao gấp 5 lần nồng độ mà chúng tôi đã công bố ở ĐBSCL.  Chúng tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải có tinh thần hợp tác và bình tâm.  Làm khoa học, chúng ta phải đứng trên mọi dị biệt chính trị để cùng nhau giải quyết những vấn đề của gần 80 triệu đồng bào hiện đang sống ở quê nhà.  Đây là vấn đề chung chứ không phải vấn đề của một thiểu số hay một cường quyền nào đó.

 

NMQ:  Thưa quý thính giả và chị KMD, riêng đối với tôi, tôi nhìn vấn đề qua hai mặt: tiêu cực và tích cực.  Tôi rất bi quan khi đọc những bản tin và những con số thống kê mà báo chí Việt Nam loan tải về tình hình ô nhiễm môi trường ở Việt Nam nói chung.  Thí dụ như  trong năm 2001, đã có 6.962 vụ nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật, trong đó có 613 trường hợp nhiễm độc nặng với 187 người chết.  Những con số đó là những con số hết sức bi quan!  Ngày hôm nay (22/3), tôi đọc được một bản tin như sau: “Hiện nay thì thác Cam Ly ở Đà Lạt đã được xếp vào loại thắng cảnh thiên nhiên bị ô nhiễm trầm trọng nhất.”  Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy tình trạng ô nhiễm môi trường đã lan tràn khắp nơi ở trong nước.  Nhưng cũng qua những bản tin như thế, tôi lại có những suy nghĩ rất lạc quan.  Lạc quan vì, ít ra, người dân trong nước và các phương tiện truyền thông (báo chí) đã bắt đầu chú ý và loan báo những tin tức như thế.  Do đó, người dân trong nước có cơ hội tìm hiểu thêm về sự nguy hiểm và tầm tác hại của các hóa chất, để từ đó, họ phải tự tìm ra những biện pháp, nếu họ không được hướng dẫn đúng mức, để bảo vệ cho bản thân và gia đình khi họ phải sử dụng hóa chất trong việc sản xuất.

 

KMD:  Kính thưa quý thính giả, quý vị vừa nghe hai nhà khoa học, TS Mai Thanh Truyết và KS Nguyễn Minh Quang, mạn đàm về kết quả của hội nghị khoa học về chất da cam/dioxin được tổ chức ở Hà Nội từ ngày 3 đến 6 tháng 3 vừa qua và về tình trạng ô nhiễm kể cả ô nhiễm thực phẩm ở trong nước cũng như thực phẩm xuất cảng sang Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu.  Hội nghị ở Hà Nội thì mang nhiều tính cách chính trị hơn là khoa học.  Còn tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như nhiễm độc thực phẩm ở Việt Nam thì ngày càng thêm nghiêm trọng.  Nhưng dưới nhãn quan của hai anh thì ở cuối đường hầm cũng có ánh sáng.  Người dân Việt Nam, khi biết được những nguy cơ nhiễm độc, thì họ sẽ tìm lấy biện pháp để tự cứu mình.  Chúng tôi mong rằng, sau buổi hội luận dựa trên những nghiên cứu công phu của TS Truyết và KS Quang ngày hôm nay, quý vị thính giả có thể chuyển tải những tin tức trên về cho người thân và bạn bè ở trong nước để họ có thể tự cứu họ nếu chánh quyền không thể cứu họ.

 

Trước khi nhường lời lại cho TS Truyết và KS Quang, KMD xin gởi đến quý thính giả một tin mới nhất.  Ông Joe Dunn, thượng nghị sĩ tiểu bang California, và phụ tá là ông Nguyễn Văn Chuyên vừa bị chánh phủ Việt Nam thu hồi chiếu khán chỉ 10 tiếng đồng hồ trước khi hai ông lên đường đến Việt Nam để nghiên cứu tại chỗ tình hình trong nước.  Đây là một bằng chứng hùng hồn nữa nói lên sự thiếu vắng tự do và dân chủ ở Việt Nam.

 

Thượng nghị sĩ Joe Dunn là một luật sư nổi tiếng ở miền Nam California và là đại điện của khu vực có đông người Việt sinh sống nhất của tiểu bang.  Ông là chủ tịch của Ủy ban Nhiên liệu Thượng viện và vận động rất đắc lực cho dự luật nhân quyền cho Việt Nam.  KMD mong mỏi là mọi người chúng ta cùng tiếp tay để dự luật nầy sớm được thông qua.  Bây giờ, xin mời TS Mai Thanh Truyết và KS Nguyễn Minh Quang gởi lời chào đến quý thính giả.

 

MTT: Tôi, Mai Thanh Truyết, xin tạm biệt quý thính giả của đài TNVNHN ở miền Đông và miền Trung Hoa Kỳ, và đặc biệt, quý thính giả ở trong nước.  Hy vọng có một dịp nào đó, chúng tôi sẽ trình bày thêm những phương pháp truy tìm, phân tích, và phương hướng giải quyết vấn nạn ô nhiễm arsenic ở ĐBSCL.

 

NMQ:  Tôi, Nguyễn Minh Quang, trước khi tạm biệt quý thính giả, xin thành thật cảm ơn Ban Giám đốc đài TNVNHN ở Washington và chị KMD đã dành cho anh em chúng tôi một cơ hội rất đầy đủ để trình bày những chi tiết và nhận xét về hội nghị khoa học được tổ chức ở Hà Nội vào đầu tháng 3 vừa qua cũng như một số ý kiến về tình hình ô nhiễm hóa chất ở Việt Nam hiện nay.  Trước khi dứt lời, tôi cũng xin cảm ơn quý thính giả và chị KMD đã lắng nghe phần trình bày của anh em chúng tôi.  Xin kính chào quý thính giả và chị KMD.

 

KMD:  Xin cảm ơn hai anh Mai Thanh Truyết và Nguyễn Minh Quang.  Kính chúc hai anh có một đời sống êm đềm bên cạnh người thân và tiếp tục nghiên cứu, để hy vọng một ngày nào đó, những nghiên cứu của các anh sẽ mang lại ích lợi cho người dân Việt Nam ở trong nước một khi đất nước có tự do và dân chủ.  Một lần nữa, KMD xin cảm ơn TS Mai Thanh Truyết và KS Nguyễn Minh Quang và hy vọng sẽ được gặp hai anh trên chương trình nầy trong những ngày sắp tới.

 

KhongHen032202.doc

April 14, 2002