CÓ BAO NHIÊU DIOXIN TRONG THUỐC KHAI QUANG

ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG CUỘC CHIẾN VIỆT NAM?

 

Nguyễn Minh Quang

Tháng 4 năm 2003

 

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, tức 28 năm về trước, tiếng súng của chiến tranh Việt Nam đã chánh thức chấm dứt.  Nhưng có một phần của cuộc chiến Việt Nam được chấm dứt sớm hơn vào tháng 1 năm 1971, tức trên 32 năm về trước.  Đó là việc sử dụng thuốc khai quang, thường được biết dưới cái tên chất Da cam (Agent Orange).  Những người có trách nhiệm ở Việt Nam hiện nay gọi đó là “cuộc chiến tranh hóa học chống nhân dân Việt Nam của Đế quốc Mỹ!”  Kể từ đó cho đến nay, nghi vấn trong việc sử dụng thuốc khai quang ở Việt Nam đã trở thành một hội chứng (syndrome).  Nó đã, đang, và chắc chắn sẽ còn được đề cập đến trong tương lai.  Một trong những nghi vấn hàng đầu là: Có bao nhiêu dioxin trong thuốc khai quang được dùng trong cuộc chiến Việt Nam?  Dioxin, một phó phẩm bất đắc dĩ trong tiến trình sản xuất thuốc diệt cỏ 2,4,5-T có trong thuốc khai quang, được gán cho là một hóa chất độc hại nhất trên địa cầu và là tác nhân của tất cả mọi thứ bệnh tật ở Việt nam hiện nay.  Một số tiền lớn đã được chánh phủ Hoa Kỳ tài trợ cho các cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học, v.v. để nghiên cứu, hay ít ra, tìm hiểu những nghi vấn đó.  Nhưng kết quả của các cuộc nghiên cứu nầy dường như gây ra nhiều nghi vấn khác và, đôi khi, trở thành đề tài để tranh luận!

 

Ngay trong năm 1970, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã ủy nhiệm cho Hàn lâm viện Khoa học Quốc gia (National Academy of Sciences (NAS)) thực hiện một cuộc nghiên cứu toàn diện về ảnh hưởng của việc sử dụng thuốc khai quang ở Việt Nam.  Kết quả việc nghiên cứu của NAS được phổ biến năm 1974 (NAS-1974) cho biết có khoảng 19.395.369 gallons (73.411.472 lít) thuốc khai quang được xịt xuống một diện tích khoảng 9.000 mi2 (23.310 km2) (1).  Số lượng thuốc khai quang nầy chứa khoảng 106 kg đến 163 kg chất dioxin (2).  Trong một vài nghiên cứu khác, số lượng dioxin được ước tính từ 368 lbs hay 167 kg (3) đến 170 kg (4).  Các con số ước lượng nầy được hầu hết khoa học gia trên thế giới chấp nhận và sử dụng cho đến ngày 17 tháng 4 năm 2003, khi kết quả nghiên cứu của trường Đại học Columbia ở New York được phổ biến trong một bài viết của Tiến sĩ Jeanne Mager Stellman và các đồng nghiệp trên Tạp chí Nature số 422 (5).  Bài viết của Tiến sĩ Stellman không cho biết số lượng chung, nhưng chỉ cho biết số lượng thuốc khai quang được dùng trong cuộc chiến Việt Nam thì nhiều hơn con số “nguyên thủy” của NAS-1974 là 7.131.907 lít (1.886.748 gallons) và nhiều hơn con số “điều chỉnh” của NAS-1974 (mà Tiến sĩ Stellman đã điều chỉnh) là 9.440.028 lít (2.497.362 gallons).  Như vậy, nếu dùng số lượng 73.4 triệu lít của NAS-1974, thì số lượng thuốc khai quang phun xuống Việt Nam trong suốt cuộc chiến được Tiến sĩ Stellman ước tính phải là 80,5 triệu lít (73.4 + 7.1).  Số lượng dioxin được Tiến sĩ Stellman ước tính là 366 kg, tức trên hai lần con số ước tính từ trước của NAS (5).

 

Tương tự như các cuộc nghiên cứu về dioxin trước đây của Bác sĩ Arnold Schecter trong năm 1999 hoặc của Hatfield Consultants Ltd. trong năm 1998 và 2000, kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Stellman đã được giới truyền thông Việt Nam ở trong nước và quốc tế khai thác một cách “nhiệt tình.”  Một ngày trước khi kết quả được công bố chánh thức, tin tức về cuộc nghiên cứu đã được loan báo trên các hệ thống truyền thanh và truyền hình quốc tế.  Hầu hết các hãng thông tấn quốc tế như AFP, BBC, Reuters, v.v. đều đánh tin về kết quả nghiên cứu cùng với tin tức liên quan đến phản ứng của chánh phủ Việt Nam hiện nay (6,7,8).  Bản tin của BBC cho biết, theo các chuyên viên nghiên cứu của trường Đại học Columbia, số lượng thuốc khai quang sử dụng ở Việt Nam là 77 triệu lít.  Trên website của Tạp chí Nature cũng có một câu chuyện (story) để “quảng cáo” bài viết của Tiến sĩ Stellman với tựa đề “giật gân”: “Dioxin phun ở Việt Nam được ước tính cao gấp bốn lần” [?].  Câu chuyện mở đầu bằng “Một cuộc nghiên cứu nóng hổi trên các hồ sơ phi hành đã bị bỏ quên từ lâu của máy bay quân sự Mỹ dùng phun chất Da cam ở Việt Nam đã bất ngờ soi sáng một trong những bi kịch đen tối nhất của cuộc chiến” và “ca ngợi” việc nghiên cứu đã “... cung cấp những bản đồ điện tử chi tiết và phức tạp chưa hề được thực hiện để mô tả việc phun thuốc khai quang ở Việt Nam.” (9).  Báo chí Việt Nam trong nước cho biết “Quân đội Mỹ đã sử dụng 100 triệu lít chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam” (10,11) và trích lời tuyên bố của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phan Thúy Thanh cho rằng: “Hoa Kỳ phải có trách nhiệm giải quyết hậu quả chiến tranh Việt Nam.” (12,13). 

 

Các con số được nêu lên trong câu chuyện của Declan Butler và trong các bản tin của các hãng thông tấn quốc tế đã tạo nhiều nghi vấn về số lượng thuốc khai quang và chất dioxin được sử dụng ở Việt Nam mà Tiến sĩ Stellman đã công bố trong bài viết.  Và trớ trêu thay, chính các dữ kiện được công bố trong bài viết của Tiến sĩ Stellman đã “bất ngờ soi sáng” một số nghi vấn đó!  Theo kết quả nghiên cứu hồ sơ phi hành của các máy bay dùng để phun thuốc khai quang bị bỏ quên từ lâu của Tiến sĩ Stellman, có tất cả 19.905 phi vụ (sorties) được thực hiện từ năm 1961 đến năm 1971 trong chiến dịch Ranch Hand.  Đây là dữ kiện hết sức quan trọng để có thể ước tính một cách tương đối chính xác số lượng dioxin và thuốc khai quang được phun xuống miền nam Việt Nam trong suốt cuộc chiến tranh.

 

Nghi vấn thứ nhất là số lượng thuốc khai quang được phun xuống miền nam Việt Nam trong cuộc chiến từ năm 1961 đến năm 1971.  Chưa kể đến trị số của nó, việc số lượng thuốc khai quang không được công bố đích danh (explicitly) trong kết quả nghiên cứu đã là một nghi vấn. 

Như mọi người đều biết, máy bay được dùng để phun thuốc khai quang là loại máy bay vận tải C-123 được cải tiến, có trang bị một bình chứa thuốc với dung tích 1.000 gallons (3.780 lít) (14).  Như vậy, số lượng thuốc khai quang tối đa có thể phun bởi chiến dịch Ranch Hand là 19.905.000 gallons (75.240.900 lít).  Nếu cộng với số lượng thuốc khai quang được phun bằng các phương tiện khác mà Tiến sĩ Stellman ước tính là 534.000 gallons (15), tổng số thuốc khai quang phun xuống miền nam Việt Nam không thể vượt quá 20.439.000 gallons hay 77.259.420 lít.  Con số nầy phù hợp với con số mà BBC đã loan tin, nhưng nó chỉ cao hơn con số được ước tính từ trước là 3.847.948 lít chứ không phải 7.131.907 lít như Tiến sĩ Stellman đã công bố trong bài viết trên Tạp chí Nature.

 

Trên thực tế, vẫn theo dữ kiện của Tiến sĩ Stellman, số lượng thuốc khai quang được phun trong mỗi phi vụ có thể thay đổi từ 900 cho đến 1.000 gallons (15).  Nếu dùng con số trung bình là 950 gallons cho mỗi phi vụ, số lượng thuốc khai quang được phun bởi chiến dịch Ranch Hand là 18.909.750 gallons hay 71.478.855 lít.  Cộng với 534.000 gallons được phun bằng các phương tiện khác, tổng số thuốc khai quang được phun xuống miền nam Việt Nam là 19.443.750 gallons hay 73.497.375 lít.  Số lượng ước tính nầy hoàn toàn phù hợp với con số của NAS-1974: 19.399.369 gallons hay 73.411.472 lít! 

 

Nghi vấn thứ hai là số lượng dioxin chứa trong thuốc khai quang được sử dụng ở Việt Nam.  Theo Tiến sĩ Stellman, “Nếu con số trung bình 3 ppm được áp dụng một cách dè dặt (conservatively) cho số lượng thuốc khai quang mà chúng tôi ước tính ở đây, số lượng dioxin chứa trong thuốc khai quang phun xuống Việt Nam tăng từ con số ước tính của NAS-1974 là 106-136 kg lên đến 221 kg.  Nếu dùng nồng độ trung bình 32,8 ppm và 65,5 ppm cho chất Màu tím và chất Màu hồng, chúng tôi tìm thêm được 165 kg, tổng cộng là 366 kg...” (5).  Rồi Tiến sĩ Stellman kết luận: “Các ước tính về số lượng dioxin được phun thì gần gấp đôi(Nguyên văn: Estimates for the amount of dioxin sprayed are almost doubled) (5).  Riêng đoạn nầy thôi, chúng ta đã thấy một vài nghi vấn!  Nghi vấn thứ nhất là con số 366 kg.  Theo cách tính mà Tiến sĩ Stellman mô tả, phải có tổng cộng 386 kg (221 kg + 165 kg) chất dioxin.  Nghi vấn thứ hai là cái tỉ số “gần gấp đôi.”  Nếu lấy con số 221 kg chia cho con số 163 kg, chúng ta có tỉ số 1,35, tức chưa đầy “một rưỡi.”  Còn nếu lấy con số 366 kg chia cho con số 163 kg, chúng ta có tỉ số 2,24, tức “hơn gấp đôi!”  Nhưng cái tỉ số nầy không quan trọng bằng con số 221 kg hoặc 366 kg.

 

Một lần nữa, kết quả nghiên cứu hồ sơ phi hành của các máy bay dùng để phun thuốc khai quang bị bỏ quên từ lâu của Tiến sĩ Stellman đã làm cho các con số 221 kg hoặc 366 kg trở thành hoài nghi.  Thật vậy, nếu tổng số 19.905 phi vụ mà Tiến sĩ Stellman ước tính là chính xác, thì số lượng thuốc khai quang được phun xuống Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh không nguyên chất; bởi vì các máy bay nầy chỉ phun một dung dịch được pha với nước, dầu cặn, hoặc dầu máy bay phản lực theo tỉ lệ 1:20 cho chất Màu xanh, 1:50 cho chất Màu trắng, và từ 1:10 cho đến 1:20 cho chất Da cam (16).  Do đó, các con số ước tính của Tiến sĩ Stellman cần phải được “điều chỉnh” theo các tỉ lệ nêu trên.  Nếu các tỉ lệ 1:10 và 1:20 được áp dụng cho con số 336 kg, số lượng dioxin trong thuốc khai quang được phun xuống Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh chỉ từ 18,3 kg cho đến 36,6 kg mà thôi!

 

Nếu dùng số lượng và nồng độ dioxin trung bình (trị số cao nhất) trong các thuốc khai quang khác nhau do Tiến sĩ Stellman ước tính trong Bảng 2 (15) và giả sử nồng độ dioxin trung bình của các chất không biết (unspecified) trong Bảng 2 là 13 ppm (tương tự như chất Da cam), số lượng dioxin trong thuốc khai quang phun xuống Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh có thể thay đổi từ  33,5 kg (nếu dùng tỉ lệ 1:20) đến 66,9 kg (nếu dùng tỉ lệ 1:10).  Như vậy, con số 163 kg do NAS-1974 ước tính có thể được xem là rất dè dặt (very conservative), nếu không muốn nói là bội tính (overestimated).

 

Dường như các con số ước tính của Tiến sĩ Stellman là kết quả của một mô hình toán tinh vi, phức tạp, và “có một không hai” như Declan Butler đã mô tả trong câu chuyện trên Tạp chí Nature.  Nếu đúng như vậy, thì cái câu “garbage in, garbage out” thông dụng trong cộng đồng khoa học điện toán có lẻ là lời giải thích thích hợp nhất cho các nghi vấn về số lượng thuốc khai quang và dioxin phun xuống Việt Nam trong suốt thời kỳ chiến tranh từ năm 1961 cho đến 1971 vừa được trường Đại học Columbia công bố.  Và nếu các con số nầy hoài nghi, thì các kết quả khác, thí dụ như số người bị ảnh hưởng trực tiếp (được ước tính từ 2,1 triệu đến 4,8 triệu) hoặc chỉ số cơ hội tiếp xúc (exposure opportunity index) cũng cần được kiểm chứng.  Cũng cần nhắc lại ở đây, vào cuối thập niên 1980, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (Centers for Disease Control (CDC)) đã thực hiện một cuộc nghiên cứu sâu rộng (extensive study) trong nhiều năm để lượng định mức độ tiếp xúc với thuốc khai quang của lực lượng bộ binh Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam.  Sau khi chi tiêu khoảng 43 triệu Mỹ kim, CDC quyết định ngừng công tác nghiên cứu vì không có một đơn vị bộ binh nào hội đủ tiêu chuẩn về mức độ tiếp xúc với chất Da cam như đã ấn định trước.  Phương pháp nghiên cứu của CDC đã bị chỉ trích là “sai” vì “nó loại trừ những người có cơ hội được tiếp xúc đầy đủ” với chất Da cam (17).  Một trong những người chỉ trích mạnh miệng nhất chính là Tiến sĩ Jeanne Mager Stellman!

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

(1)    Arison, H. Linsley III. May 1, 1999. “Executive Summary, The Herbicide Warfare Program in Vietnam, 1961-1971 – Operations Trail Dust/Ranch Hand.”

(2)    National Research Council Committee on the Effects of Herbicides in Vietnam. 1974.  The Effects of Herbicides in South Vietnam. Part A, Summary and Conclusions. National Academy Sciences Press, Washington DC.

(3)    New Jersey Agent Orange Commission. January 2000. “Some Facts About Agent Orange/Dioxin.” www.njaoc.org/facts.htm

(4)    Tenenbaum, David. “The Value of Vietnam.” Environmental Health Perspectives, Vol 104, No. 12, December 1996.  www.ehpnet.niehs.gov/docs/104-12/focusvietnam.html

(5)    Stellman, Jeanne M., Steve D. Stellman, Richard Christian, Tracy Weber, and Carrie Tommasalo. “The extent and patterns of usage of Agent Orange and other herbicides in Vietnam.” Nature, Vol 422, April 17, 2003.

(6)    Richard Black.  BBC Science Correspondent.  April 16, 2003. “Agent Orange use ‘understated’.” http://news.bbc.co.uk

(7)    Reuters. April 17, 2003. “Study Finds Use of Agent Orange Was Underestimated.” www.reuters.com

(8)    Tim Radford. Science Editor. April 17, 2003. “US used far more dioxin on Vietnam than it admitted.” The Guardian. www.guardian.co.uk

(9)    Declan Butler.  April 17, 2003. Vietnam dioxin spray estimate quadruples. Flight records reveal full extent of Agent Orange contamination.”  www.nature.com

(10)Nhân Dân.  17 tháng 4 năm 2003.  “Quân đội Mỹ đã sử dụng 100 triệu lít chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam.”  www.nhandan.org.vn

(11)Viet Nam Net. 17 tháng 4 năm 2003.  “Mỹ từng rải 100 triệu lít chất độc da cam xuống Việt Nam.”  www.vnn.vn

(12)Lao Động. 17 tháng 4 năm 2003. “Hoa Kỳ phải có trách nhiệm giải quyết hậu quả chiến tranh ở Việt Nam.”  www.nld.com.vn

(13)Viet Nam Net. 18 tháng 4 năm 2003. “Hoa Kỳ phải có trách nhiệm giải quyết hậu quả chiến tranh VN.”  www.vnn.vn

(14)Boyne, Walter J. “Ranch Hand.” Air Force. August 2000.

(15)Steve D. Stellman, Jeanne M. Stellman, Tracy Weber, Carrie Tomasallo, Andrew B. Stellman, and Richard Christian, Jr.  October 8, 2002. A Geographic Information System for Characterizing Exposure Agent Orange and Other Herbicides in Vietnam.  Columbia University, New York.

(16)Moore, Gary D.  October 7, 2000. “Notes on Herbicides Used during the Vietnam War.” http://dns.advnet/gdmoore

(17)Multinational Monitor.  “Agent Orang and the CDC.” Multinational Monitor. Vol 10, No. 9. September 1989. www.multinationalmonitor.org

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BaonhieuDioxinF.doc