Khoa học chánh trị của chất Da cam

 

Michael Gough

(NMQ chuyển ngữ)

 

Michael Gough là một Học giả dự khuyết của Viện Cato.  Ông trình bày tham luận nầy trong Hội nghị Chương trình Nghiên cứu An ninh của MIT về “Vũ khí Khả chấp” ở Watertown, Massachusettes vào ngày 20 tháng 3 năm 2002.  [Ông là một tiến sĩ Sinh học; chuyên viên về dioxin phục vụ tại Office of Technology Assessment của EPA; một thành viên của Hội đồng Cố vấn Khoa học (Science Advisory Board) của EPA để duyệt xét phúc trình Tái Thẩm định Nguy cơ của Dioxin năm 1994; chủ tịch Ủy ban Cố vấn Liên bang để duyệt xét phúc trình Nghiên cứu Ranch Hand của Không lực Hoa Kỳ từ năm 1990 đến 1995; tác giả của Dioxin, Agent Orange (1986), Readings in Risk (1990), và Silencing Science (1999)]

 

 

 

 

Rừng rậm luôn luôn là một vấn đề cho quân đội hoạt động trong những vùng mà địch quân dùng chiến thuật du kích hoặc đánh rồi chạy.  Nếu quý vị xem phim Học trò của Quyû (The Devil’s Disciple) trên một băng tần ciné cũ, quý vị có thể hình dung sự thành công của dân thuộc địa Hoa Kỳ trong việc làm chậm bước tiến của tướng Johnny Burgoyne và quân đội Anh khi tiến quân qua rừng rậm ở New England trong cuộc Nội chiến.  Gần hai thế kỷ sau, đôi giày được mang vào chân khác khi quân lực Hoa Kỳ bị thất thế lúc ban đầu trong những trận đánh đẫm máu trên các hải đảo rậm rạp trong Đệ nhị Thế chiến.  Không lấy gì làm ngạc nhiên khi các hóa chất diệt cỏ, được dùng để giết hoặc làm rụng lá cây khiến địch quân không còn nơi ẩn núp, trở nên một biện pháp phòng ngừa hấp dẫn cho các trận đánh tương tự trong tương lai.

 

Các khoa học gia quân sự phụ trách dự án và các khoa học gia dân sự tìm cách phát triển các loại thuốc giết cỏ dại trên thị trường đã thành công, và sau Đệ nhị Thế chiến, các hóa chất làm rụng lá hoặc diệt cỏ đã được áp dụng một cách rộng rãi ở nông trại, rừng rậm, sân đánh golf, sân cỏ ở ven đô và lộ giới của đường bộ, đường xe lửa, và đường dây điện,...  Nhiều loại hóa chất đó đã được dùng trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

 

Từ năm 1961 đến năm 1970, quân đội Hoa Kỳ phun thuốc diệt cỏ Da cam, một hỗn hợp của hai hóa chất nông nghiệp thông dụng lúc bấy giờ, lên những vùng rừng rậm do địch quân kiểm soát (mà bây giờ gọi là “rừng mưa” (rain forests)) và những vùng trồng hoa màu ở Nam Việt Nam 1.  Chất Da cam được chuyên chở đến Việt Nam bằng những thùng 55 gallons mang một vạch sơn màu da cam chung quanh thùng để dễ phân biệt với các loại thuốc diệt cỏ khác như chất Màu trắng, Màu xanh, và Màu tím, v.v.  Trong lúc được phát triển vào giữa thập niên 1940, một trong những hóa chất trong chất Da cam – 2,4-dichlorophenoxyacetic acid hay 2,4-D – được dùng để giết hoa dại dandelions ở phía trước Viện Bảo tàng Smithsonian ở Công viên Quốc gia (National Mall).  Nó tiếp tục được dùng trên khắp thế giới như là một loại thuốc diệt cỏ hữu hiệu nhất để chống lại các loại cỏ dại có lá rộng, và nó có thể được tìm thấy ở bất cứ tiệm đồ sắt (hardware) và hầu hết các tiệm thực phẩm (grocery) dưới tên Weed-Be-Gone và các sản phẩm thông dụng khác.

 

Một thành phần khác của chất Da cam - 2,4,5-trichlorophenoxyacetice acid hay 2,4,5-T –  đã bị cấm bán trên thị trường thế giới vào cuối thập niên 1970 và 1980, sau gần 30 năm được sử dụng.  Lý do là vì dioxin, đặc biệt là 2,3,7,8-tetrachlorodibenzo-para-dioxin hay 2,3,7,8-TCDD hay TCDD, một chất ô nhiễm bất khả kháng trong tiến trình chế tạo 2,4,5-T, được cho là gây ra ung thư và một số bệnh tật khác 2.

 

Trong thực tế, nguy cơ của dioxin đã bị thổi phồng.  Trong năm 2001, Hội đồng Cố vấn Khoa học của Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (EPA) đã kết luận rằng EPA chưa thể chứng minh rằng dioxin là nguyên nhân gây ung thư trên con người và các bệnh tật khác 3.  Hơn nữa, các nghiên cứu trên công nhân tiếp xúc với dioxin ở mức độ rất cao so với cựu chiến binh tham chiến ở Việt Nam cũng đã thất bại trong việc tìm kiếm các bằng chứng chắc chắn (conclusive evidence) cho sự liên kết giữa dioxin và ung thư 4 và các ảnh hưởng đối với sức khỏe 5 mà các cựu chiến binh đã cáo buộc.

 

Hoa Kỳ đã ngưng sử dụng chất Da cam ở Việt Nam vào năm 1970, tám năm trước khi nó bị cấm sử dụng ở Hoa Kỳ.  Việc Bắc Việt và Việt Cộng tố cáo rằng thuốc khai quang là một hình thức của chiến tranh hóa học bị cấm bởi các thỏa ước quốc tế và các lời cáo buộc của một số người Việt, Mỹ, và một số quốc gia khác cho rằng thuốc khai quang đang gây dị thai cho trẻ em và gây thiệt hại nghiêm trọng, nếu không muốn nói là vĩnh viễn, cho hệ sinh thái ở Việt Nam đã góp phần đưa đến quyết định đó.  Nhưng yếu tố trực tiếp và quan trọng nhất là kết quả thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy dioxin là một nguyên nhân gần như chắc chắn gây ung thư cho thú vật trong phòng thí nghiệm.

Đòi hỏi của Cựu chiến binh

 

Vào năm 1975, các cựu chiến binh, với sự tiếp tay của một số khoa học gia và chính trị gia, đã đòi được chữa trị về y khoa và bồi thường bằng tiền mặt cho các căn bệnh của chính họ và cho các trường hợp dị thai của con họ mà họ cho là do chất Da cam gây ra.  Các cố gắng của họ đã được tiếp tay tận tình của hai chương trình truyền hình nói về sự liên kết của chất Da cam với bệnh ung thư của cựu chiến binh và chứng dị tật bẩm sinh của con họ 6.   

 

Khán giả của hai chương trình truyền hình nầy không ngần ngại tin rằng chất Da cam đã gây ra bệnh tật.   Một phần vì dư luận Hoa Kỳ, sau một thời gian dài hờ hững với chiến tranh Việt Nam đến cuối thập niên 1970, nhảy vào với mặc cảm tội lỗi vì cách đối xử với các cựu chiến binh Việt Nam,  đã sẵn lòng chấp nhận ý kiến cho rằng một hóa chất – chất Da cam – là căn nguyên để các cựu chiến binh than phiền.  Hơn thế nữa, các hóa chất môi trường được xem là nguyên nhân gây bệnh cho con người đã được gắn liền với các bản tin buổi tối, tạp chí và bài vở trên báo chí, các buổi gây quỷ và các chiến dịch tuyên truyền của các tổ chức môi sinh, các luật sư đang tìm kiếm một công ty để thưa kiện, và viên chức chánh phủ nóng lòng nới rộng tầm tay của cơ quan bằng cách mở rộng cuộc chiến chống ô nhiễm môi trường.  Chất Da cam và dioxin trở thành những đứa con ghê tởm của các hóa chất môi trường hung hãn.      

 

Cho đến năm 1978, Cơ quan Cựu chiến binh (VA) từ chối các đòi hỏi về chữa trị và bồi thường vì “bệnh chất Da cam,” với lý do là không có bằng chứng nào cho thấy sự liên kết (link) giữa chất Da cam và các chứng bệnh mà cựu chiến binh đã nêu.  Cựu chiến binh sau đó đã đưa yêu sách của họ lên Quốc hội. 

 

Quốc hội ra lệnh nghiên cứu Ảnh hưởng đối với Sức khỏe và Tiếp xúc với chất Da cam

 

Quốc hội có thể đáp ứng các đòi hỏi của cựu chiến binh bằng cách ra lệnh cho VA cung cấp việc chăm sóc y tế và trả tiền bồi thường, không cần bằng chứng về nguyên nhân mà chỉ dựa trên lòng trắc ẩn hay các chánh sách khác.  Nhưng Quốc hội đã không làm như thế.  Hồi tưởng lại, nếu Quốc hội làm như thế, thì đó là một quyết định chánh trị trong sáng hơn so với luật lệ tối nghĩa và các quyết định thiếu khoa học tiếp theo sau.

 

Tiếng kêu gào cho việc chữa trị các căn bệnh có liên quan đến chất Da cam giảm xuống trong thập niên 1980 khi VA, với nguồn tài trợ cho các bệnh viện được gia tăng (đạo luật 97-72, có hiệu lực vào tháng 11 năm 1980), đã chữa trị “các căn bệnh liên quan đến chất Da cam.”  Điều quan trọng là cựu chiến binh không phải chứng minh có tiếp xúc với chất Da cam để hội đủ điều kiện được chữa trị vì Quốc hội ước đoán rằng việc tiếp xúc với chất Da cam đã gây bệnh cho cựu chiến binh, ngoại trừ trường hợp bẩm sinh hay các tiếp xúc khác được công nhận là một nguyên nhân xác đáng7.  Trên thực tế, đạo luật của Quốc hội cho phép bất cứ căn bệnh nào của cựu chiến binh Việt Nam đều có thể được chữa trị như là một căn bệnh do chất Da cam gây ra vì cần phải có các thử nghiệm rất tỉ mỉ và nghiêm ngặt để loại bỏ luận cứ của đạo luật.

 

Năm 1979, Quốc hội (đạo luật 96-151) lại ra lệnh cho VA thảo kế hoạch và thi hành việc nghiên cứu sức khỏe của cựu chiến binh tiếp xúc với chất Da cam 8.  VA đã không thể tiến hành việc nghiên cứu đúng thời hạn (nói một cách công bằng với VA, việc nghiên cứu đó chưa bao giờ được thực hiện, và nó vượt quá khả năng chuyên môn và kinh nghiệm của nhân viên của VA).  Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) (nay là Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật, nhưng tôi sẽ dùng tên cũ và chữ viết tắt “CDC,” một bộ phận của Bộ Y tế và Xã hội, DHHS) đã vận động để phụ trách việc nghiên cứu vào năm 1982.

 

“Nghiên cứu Kinh nghiệm Việt Nam” của CDC

 

Năm 1982, vì không có cách nào để xác định xem một cá nhân có tiếp xúc với chất Da cam hay không, CDC quyết định so sánh sức khỏe của cựu chiến binh Việt Nam với sức khỏe của cựu chiến binh không phục vụ ở Việt Nam trong các “nghiên cứu kinh nghiệm Việt Nam.” 9  Một tóm tắt nhanh gọn cho việc nghiên cứu nầy là CDC đã không tìm được một manh mối nào để liên kết việc chiến đấu tại Việt Nam với bất cứ vấn đề sức khỏe nào mà các cựu chiến binh trong các cuộc chiến khác không gặp phải.

 

Nhiều người đang trông chờ Nghiên cứu Kinh nghiệm Việt Nam để kiểm chứng rằng chiến tranh đã gây nên nhiều vấn đề sức khỏe đã rất thất vọng.  Cụ thể, và với biện minh, họ bảo rằng ảnh hưởng của chất Da cam đã không được nhận thấy bởi vì không có cách nào để nhận diện các cựu chiến binh đã tiếp xúc với chất Da cam.

 

Cách đo lường việc tiếp xúc với chất Da cam của CDC

 

Sau khi xâm nhập vào cơ thể bằng cách hấp thu qua da hoặc qua đường hô hấp và tiêu hóa, dioxin, chất ô nhiễm trong chất Da cam, tích tụ trong mô mở của cơ thể.  Nó rất bền và chỉ bị loại một cách chậm chạp ra khỏi mô mở; do đó, đo nồng độ của dioxin trong mô mở ngày hôm nay có thể cung cấp tin tức về việc tiếp xúc đã xảy ra nhiều thập niên trước.  Vào giữa thập niên 1980, các phương pháp và dụng cụ tinh vi được CDC du nhập từ Thụy Điển đã giúp cho các khoa học gia xác định mức độ dioxin ở trong máu, chứa khoảng 4 phần trăm mở.  Phân tích mẫu máu, là một phần của nhiều nghiên cứu dịch tễ học, đã giúp cho CDC có thể tiến hành việc nghiên cứu chất Da cam.

 

Để nghiên cứu việc tiếp xúc với chất Da cam, CDC nhận diện 600 cựu chiến binh Việt Nam hiện diện trong những vùng gần nơi mà Chiến dịch Ranch Hand của Không lực phun chất Da cam rồi so sánh với nồng độ dioxin trong máu (nồng độ nầy được gọi là “gánh nặng cơ thể”) của các cựu chiến binh nầy với nồng độ dioxin của khoảng 100 cựu chiến binh chưa hề phục vụ ở Việt Nam.  Nồng độ dioxin của các cựu chiến binh có tiếp xúc và không có tiếp xúc thì như nhau, và nồng độ của cả hai nhóm đều nằm trong phạm vi căn bản đo được trong dân chúng.10  

 

Các kết quả nầy không gây ngạc nhiên cho các chuyên viên trong việc áp dụng và tống khứ thuốc trừ sâu rầy, vì từ lâu họ vẫn cho rằng nồng độ của chất Da cam trên mặt đất, nơi lực lượng bộ binh có thể tiếp xúc, thì không đáng kể 11.  Một số cựu chiến binh và một số nhà làm luật ở Quốc hội bác bỏ các kết quả nầy, cũng như họ đã bác bỏ kết quả của Nghiên cứu Kinh nghiệm Việt Nam, vì họ cho rằng nghiên cứu của CDC được thực hiện không đúng trình độ hay, tệ hại hơn, “che dấu.”   

 

Nghiên cứu Ranch Hand

 

Vào năm 2005, Không lực Hoa Kỳ sẽ hoàn tất việc nghiên cứu kéo dài 20 năm về sức khỏe của 1.200 nhân viên Ranch Hand đã phun 90 phần trăm chất Da cam được dùng ở Việt Nam và của một nhóm So sánh gồm các thành viên của không lực Hoa Kỳ đã bay các máy bay tương tự như máy bay C-123 (dùng trong chiến dịch Ranch Hand ở Đông Nam Á) nhưng không dính dáng đến thuốc diệt cỏ.  Việc đo lường mức độ dioxin xác nhận rằng rất nhiều nhân viên Ranch Hand đã tiếp xúc với chất Da cam.

 

Bắt đầu từ năm 1982, mỗi năm năm một lần, nhân viên Ranch hand và thành viên của nhóm So sánh phải trải qua một tuần lễ khám nghiệm về thể chất lẫn tinh thần.  Các cuộc khám nghiệm được các bác sĩ và chuyên viên kỹ thuật thực hiện ở các bệnh viện dân sự.  Các bác sĩ và chuyên viên kỹ thuật nầy không biết bệnh nhân nào thuộc nhóm Ranch Hand hay nhóm So sánh.  Không lực Hoa Kỳ đã phổ biến kết quả của bốn cuộc khám nghiệm đầu (thực hiện trong các năm 1982, 1987, 1992, và 1997), và kết quả cuối cùng sẽ được phổ biến sau khi dữ kiện của cuộc khám nghiệm 2002 được thu thập và phân tích.

 

Các khoa học gia chịu trách nhiệm việc nghiên cứu của Không lực Hoa Kỳ kết luận rằng tiếp xúc với dioxin thì có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ bị tiểu đường ở người lớn bởi vì bệnh tiểu đường thì thường thấy hơn trong nhóm Ranch Hand có nồng độ dioxin cao hơn.12  Tôi không đồng ý với kết luận nầy bởi vì số trường hợp tiểu đường thì như nhau cho cả hai nhóm Ranch Hand và So sánh, vì vậy, nó không phù hợp với sự liên quan giữa việc tiếp xúc và nguy cơ.

 

Trong ý kiến gần đây nhất về việc có thể có liên kết giữa dioxin và tiểu đường, các khoa học gia của Không lực Hoa Kỳ nói rằng các bằng chứng mơ hồ dùng để xác định sự nối kết qua dữ kiện thu thập trong cuộc khám nghiệm năm 1992 đã “mơ hồ hơn” trong cuộc khám nghiệm năm 1997. 13  Tôi nghi rằng một ai đó ngoài các chuyên viên nghiên cứu của Không lực – một người dưới áp lực chánh trị nặng nề phải “tìm cho ra một cái gì” có liên hệ đến chất Da cam, một Ủy ban của Viện Y khoa Hoa Kỳ (IOM), và vài nhà vô địch chuyên khiếu nại về sức khỏe của cựu chiến binh Việt Nam – đã diễn dịch các dữ kiện sẵn có để minh chứng rằng mọi nối kết đều hiện hữu.

 

Một thành tích lớn lao của Không lực Hoa Kỳ là đã cung cấp tất cả hồ sơ và kết quả phân tích – sau khi đã xóa đi dấu tích cá nhân – cho bất cứ ai yêu cầu. 14  Trang web riêng của cuộc nghiên cứu của Không lực Hoa Kỳ, http://www.brooks.af.mil/AFRL/HED/hedb/afhs/afhs.html, cung cấp danh sách tham khảo cho tất cả các ấn phẩm của Không lực Hoa Kỳ cùng nội dung của một số ấn phẩm.  Trang web cũng cho biết thể thức để được nhận dữ kiện của các nghiên cứu, nếu muốn.

 

Chánh trị can thiệp

 

Khi kết quả nghiên cứu được công bố không cho thấy những điều kinh khủng được gắn liền với việc tiếp xúc với chất Da cam, chánh trị đã đóng một vai trò to lớn hơn.  Trong thập niên 1980, VA thành lập Ủy ban Cố vấn về Nguy hiểm Môi trường (Advisory Committee on Environmental Hazards) 15 và chỉ định Đô đốc Elmo Zumwalt, một ủng hộ viên cực đoan trong vấn đề chất Da cam, làm chủ tịch.  Đô đốc Zumwalt đã đổ tội chất Da cam ở Việt Nam đã gây bệnh ung thư cho con trai [là một cựu chiến binh Việt Nam] và bệnh về não bộ cho cháu nội của ông.

 

Dựa trên một phân tích về sự liên kết có thể có (possible link)  giữa chất Da cam và bệnh tật do American Legion, Vietnam Veterans of America (VVA), và National Veterans Legal Services (NVLS) bảo trợ 16 , Ủy ban Zumwalt đã kết luận rằng có sự liên kết (linkage) giữa việc tiếp xúc với chất Da cam với hai bệnh bướu tương đối hiếm, soft-tissue sarcomas và non-Hodgkin’s leukemia.  VA, dựa theo kết luận của Ủy ban trong năm 1990, đã tuyên bố bồi thường cho cựu chiến binh mắc một trong hai bệnh vừa kể.   

 

Năm 1988, các nhân vật lãnh đạo ở Quốc hội, đứng đầu là cựu Dân biểu nay là Thượng nghị sĩ Daschle, người đã bảo trợ nghị trình về bệnh tật do chất Da cam gây ra, đối diện với một vấn đề khó xử.  Các cuộc nghiên cứu của CDC không mang lại kết quả nào.  Không có một hy vọng nào để thực hiện một cuộc nghiên cứu khác hơn các nghiên cứu đã thực hiện hoặc mang lại kết quả khác hơn.

 

Quốc hội có thể dẹp qua một bên việc tìm kiếm các bằng chứng khoa học và đi đến quyết định dựa trên các yếu tố khác -  lòng trắc ẩn, sự công bằng, trao đổi phiếu (log-rolling), dự án lấy lòng (pork barrel), mua cử tri – hoặc có thể lựa chọn các kết quả (findings) và kết luận phù hợp với tiêu chuẩn khách quan hoặc có lợi về phương diện chánh trị.  Nhưng không, như một tiến trình bình thường của chánh trị và bồi thường cho cựu chiến binh, Quốc hội chấp thuận khuyến cáo của Ủy ban Zumwalt và tuyên bố rằng chất Da cam là nguyên nhân của soft tissue sarcoma và non-Hodgkin’s leukemia.  Quốc hội còn đi xa hơn với đạo luật 102-4, “Đạo luật về chất Da cam 1991,”17 được thông qua với đa số tuyệt đối ở cả Hạ viện lẫn Thượng viện.  Qua đạo luật nầy, Quốc hội thành lập một ủy ban trong Viện Y khoa (IOM), thuộc thẩm quyền của Hàn lâm viện Khoa học Quốc gia nổi tiếng (NAS), để đưa ra các khuyến cáo về ảnh hưởng đối với sức khỏe của chất Da cam.  

 

Hiện nay, vào năm 2002, thế giới dường như không biết đến các nghiên cứu của CDC và Không lực Hoa Kỳ.  Dựa trên kết luận của Ủy ban IOM, chánh phủ Hoa Kỳ đang bồi thường cho cựu chiến binh Việt Nam mắc phải khoảng 10 “căn bệnh liên quan đến chất Da cam.” – con số nầy chắc chắn sẽ gia tăng – và chánh phủ cũng đang bồi thường cho con cái bị dị tật bẩm sinh của họ. 

 

Các chánh trị gia cổ xúy cho chất Da cam là nguyên nhân gây thống khổ cho cựu chiến binh, số người được lãnh tiền bồi thường hoặc được hưởng lợi từ các quyết định trên, và một số rất đông người cho rằng quyết định bồi thường là “một điều đúng cần phải làm,” đã hoan nghênh “tinh thần khoa học chân chính” của Ủy ban IOM.  Dưới con mắt của họ, IOM đã lôi kéo sự thật ra khỏi vũng lầy của những thí nghiệm tồi, những quan sát dở, những nghiên cứu dỏm, và những diễn dịch thiếu trung thực.  Những thứ nầy không hổ trợ các kết luận của các chánh trị gia và các lời cáo buộc của dân chúng.  Trên thực tế, một tiến trình đã thay thế tính khách quan độc lập của khoa học ở IOM.  

 

Tiến trình của Ủy ban IOM

 

Ủy ban IOM tìm kiếm được rất ít tin tức để có thể giải thích những nghi vấn về sức khỏe của cựu chiến binh Việt Nam, và hầu hết các tin tức đáng tin cậy được rút từ nghiên cứu của CDC.  Nhưng các nghiên cứu nầy thì không hỗ trợ cho các kết luận về việc tiếp xúc hoặc ảnh hưởng của chất Da cam.  Ủy ban mới khảo sát các bài viết trên thế giới về ảnh hưởng đối với sức khỏe của những người có thể đã tiếp xúc với dioxin, chọn các nghiên cứu kết luận rằng có thể có liên kết giữa việc tiếp xúc và bệnh tật, rồi kết luận rằng có một mối liên hệ thống kê nào đó hiện hữu giữa chất Da cam và khoảng một lố bệnh tật.  Tôi muốn nhấn mạnh rằng rất ít các nghiên cứu được IOM cứu xét chứa đựng tin tức được kiểm chứng về việc tiếp xúc, và dữ kiện trong số ít nghiên cứu đó không hỗ trợ cho sự liên hệ giữa dioxin và bệnh tật.  Ủy ban IOM nhắc đi nhắc lại rằng Ủy ban chỉ xác định là có “sự liên hệ thống kê” và rằng Ủy ban không xác định sự hiện hữu của “sự liên hệ khoa học,” nhưng Ủy ban chưa bao giờ định nghĩa cách cấu thành của “sự liên hệ thống kê.”

 

Hiện nay, với một vài hạn chế, VA bồi thường cho bất cứ cựu chiến binh Việt Nam nào bị ung thư phổi (lung cancer) và ung thư nhiếp hộ tuyến (prostate cancer), hai loại ung thư phổ biến trong nam giới, bởi vì sự liên kết do Ủy ban IOM xác định giữa chất Da cam và các căn bệnh đó.  VA cũng bồi thường cựu chiến binh Việt Nam bị bệnh tiểu đường, một căn bệnh ảnh hưởng trên 10 phần trăm tổng số đàn ông.

 

Một điều đáng ghi nhận là, mới đây, Ủy ban IOM đã đảo ngược quyết định cho rằng có sự liên kết giữa việc tiếp xúc với chất Da cam của cựu chiến binh với bệnh ung thư máu (leukemia) của con cái họ.  Ủy ban tự đảo ngược bởi vì một sai sót trong nghiên cứu duy nhất trên con cái của cựu chiến binh Úc chiến đấu tại Việt Nam.  Nghiên cứu nầy đã hỗ trợ cho việc liên kết đó.18  Thế nhưng, quyết định ban đầu của Ủy ban IOM cho rằng có sự liên hệ cho thấy thái độ quá tin tưởng và chạy theo sự hoài nghi về khoa học của các thành viên của Ủy ban.  Không có một bằng chứng nào cho thấy lực lượng bộ chiến – kể cả quân đội Úc – có tiếp xúc với chất Da cam và cũng không có một bằng chứng nào từ các nghiên cứu trên con người hoặc thú vật cho thấy việc tiếp xúc của người cha có thể gây ung thư cho con cái.  Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào,  việc đảo ngược quyết định của Ủy ban IOM là một sự thay đổi đáng mừng.  Vào lúc mà Ủy ban IOM đảo ngược quyết định, VA đang chuẩn bị để yêu cầu Quốc hội bồi thường cho con cái của cựu chiến binh mắc bệnh ung thư máu, và việc chuẩn bị đó đã không được tiếp tục.

 

Nguy hiểm hơn nữa, Ủy ban IOM quyết định rằng có sự nối kết giữa việc tiếp xúc với chất Da cam và bệnh vẹo xương sống (spina bifida), một dị tật bẩm sinh vì cột xương sống không phát triển đầy đủ.  Ủy ban đã không đếm xỉa đến sự kiện là không có một bằng chứng nào cho thấy việc tiếp xúc với chất Da cam của người cha gây nên dị tật bẩm sinh và không có một cơ cấu sinh học khả tín nào có thể chứng minh rằng dị tật bẩm sinh có thể xảy ra.  Đây là lần đầu tiên, VA bồi thường về ảnh hưởng đối với sức khỏe của con cái cựu chiến binh.

 

Như thế, chánh phủ đang ở trong tình trạng bồi thường cho nhiều thế hệ.  Không có một lý do gì để việc bồi thường phải dừng lại ở con cái của cựu chiến binh.  Bởi vì bằng chứng cho thấy không có một cơ quan nghiên cứu khoa học nào khác đã thuyết phục Ủy ban IOM rằng chất Da cam đã gây ra dị thai, thì không có một lý do gì để một bằng chứng mơ hồ tương tự trong tương lai lại không thuyết phục được Ủy ban hoặc hậu thân của nó rằng chất Da cam, bằng cách nầy hay cách khác, gây dị thai cho cháu chắt của cựu chiến binh.

 

Quả thật như vậy, một vài khoa học gia Việt Nam, như Đô đốc Zumwalt đã cáo buộc về trường hợp của cháu nội ông, đang cáo buộc về ảnh hưởng đối với sức khỏe của cháu chắt ở Việt Nam.  Theo thỏa ước được ký kế giữa Hoa Kỳ và Việt Nam vào năm 1995, Việt Nam đồng ý không đòi bồi thường về thương tật chiến tranh (war-related injuries), thế nhưng chánh phủ Việt Nam cho rằng 1 triệu công dân của họ chịu thống khổ vì bệnh tật do chất Da cam gây ra, và có thể sẽ đòi bồi thường19.

 

Chừng nào Hoa Kỳ mới hết trả giá cho cuộc chiến Việt Nam?

 

Nếu IOM quyết định rằng có vài bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc (hay có khả năng tiếp xúc) với chất Da cam của cựu chiến binh Việt Nam có liên hệ đến vấn đề sức khỏe của cháu chắt của họ, hoặc nếu VA quyết định bồi thường cho các ảnh hưởng đối với sức khỏe của cháu chắt của họ, thì những cáo buộc về ảnh hưởng tai hại đối với sức khỏe sẽ không bao giờ chấm dứt.  Kết quả là Hoa Kỳ sẽ không bao giờ trả hết cái giá của cuộc chiến Việt Nam.

 

Một quyết định bồi thường cho cháu chắt cũng sẽ làm gia tăng việc đòi bồi thường và mục tiêu cáo buộc của Việt Nam.  Việt Nam dùng các sự kiện hiển nhiên, là chất Da cam được phun xuống Việt Nam và chánh phủ Hoa Kỳ bồi thường cựu chiến binh Việt Nam và con cái, để biện minh cho các cáo buộc của họ.  Chánh phủ Việt Nam và một số chánh phủ khác đang tranh luận cho sự công bằng là nếu chánh phủ Hoa Kỳ bồi thường cho công dân của mình thì Hoa Kỳ cũng phải bồi thường cho công dân Việt Nam.

 

Các quyết định liên quan đến chất Da cam và Dioxin: Chánh trị hay Khoa học?

 

Cáo trạng gay gắt nhất về các tranh luận và kết luận của Ủy ban IOM đã đến sớm trong tháng 3 năm 2002 tại một buổi họp về chất Da cam tại Hà Nội.  Tại buổi họp nầy, sự tương phản đã được vạch ra giữa việc bồi thường cho cựu chiến binh Mỹ và việc không bồi thường cho công dân Việt Nam.  Trong một cuộc phỏng vấn, Christopher Portier, Giám đốc của Viện Khoa học Y tế Môi trường Quốc gia (National Institute of Environmental Health Sciences (NIEHS)) và là Chủ tọa của buổi họp ở Hà Nội, đã bác bỏ các quyết định bồi thường cựu chiến binh Hoa Kỳ mắc “các bệnh liên quan đến chất Da cam” khi cho rằng các quyết định nầy có tính cách “chánh trị.”20

 

Lưu ý là, Portier, cùng với William Farland của cơ quan EPA có mặt ở Hà Nội, đã thúc đẩy cố gắng của EPA trong việc xác định dioxin là một tác nhân gây ung thư cho con người (human carcinogen) và việc tính toán nguy cơ trong việc tiếp xúc với dioxin trong môi trường.  Trong vai trò của một viên chức của chánh phủ Hoa Kỳ có trách nhiệm trong việc điều hành các kỹ nghệ tiếp xúc với dioxin, Portier đã đoan chắc rằng những phân tích và kết luận của ông hoàn toàn khoa học.  Thấy được chủ nhân của ông là chánh phủ Hoa Kỳ có thể trở nên mục tiêu cho việc đòi bồi thường của chánh phủ Việt Nam, ông đã bác bỏ những quyết định tương tự của Ủy ban IOM về ảnh hưởng đối với sức khỏe của chất Da cam vì chúng có tính cách “chánh trị.”  Bỏ qua các động lực đã thúc đẩy Portier bác bỏ các quyết định của IOM và VA khi cho rằng chúng có tính cách chánh trị, việc bác bỏ nầy có thể báo hiệu một sự thay đổi trong chánh sách của chánh phủ về IOM và các vấn đề liên quan đến chất Da cam.

 

Đến Chiến tranh vùng Vịnh

 

Trong thập niên 1980 và 1990, tôi được nghe rất nhiều tranh luận cho rằng Chất Da cam là một vấn đề bởi vì nó xuất phát từ một cuộc chiến tranh xa lạ và bại trận và rằng dư luận có mặc cảm tội lỗi trong việc đối xử với thanh niên nam nữ được gởi đi chiến đấu.  Chiến tranh vùng Vịnh rất quen thuộc và chiến trắng, thế nhưng, vô số ảnh hưởng về sức khỏe đã được liên kết với cuộc chiến nầy.

 

Mặc dù cuộc chiến chưa chấm dứt, một vài cựu chiến binh của cuộc chiến vùng Vịnh đã đổ thừa cho hầu hết các bệnh tật mà con người biết được lên thời gian phục vụ của họ trong cuộc chiến.  Không giống như cựu chiến binh Việt Nam đã gắn liền cáo buộc của họ với chất Da cam, cựu chiến binh vùng Vịnh chưa hề chú trọng vào một nguyên nhân nào cho các bệnh tật của họ.

 

Tuy nhiên, những người phát ngôn cho các cáo buộc của cuộc chiến vùng Vịnh đã dựa vào thiên anh hùng ca chất Da cam.  Họ lặp đi lặp lại rằng, cựu chiến binh Việt Nam phải mất hơn 20 năm mới đòi hỏi được công lý (justice) qua việc bồi thường các căn bệnh liên quan đến chất Da cam và cho rằng hành động trốn tránh trách nhiệm của chánh phủ là lý do cho sự chậm trễ nầy.  Họ nói cựu chiến binh vùng Vịnh đòi hỏi công lý sớm hơn.

 

Sau một thập niên kiên nhẫn khám nghiệm mà không tìm ra được một cáo buộc nào có giá trị, vào tháng 12 năm 2001, VA và Bộ Quốc phòng đã chấp nhận điểm tranh luận cho rằng phục vụ trong cuộc chiến vùng Vịnh gây ra bệnh Lou Gerhrig [đặt theo tên của một lực sĩ bơi lội Mỹ mắc bệnh nầy].  Không cần đếm xỉa đến việc kết quả nghiên cứu không được duyệt và đăng trong một tạp chí.  Không cần đếm xỉa đến việc quyết định được ban hành trước khi kết quả nghiên cứu dùng để hỗ trợ cho các cáo buộc được phổ biến.  Không cần đếm xỉa rằng sự hiểu biết về nguyên nhân của bệnh Lou Gerhrig rất hạn chế ngoại trừ nguyên nhân có liên hệ đến một vài sự thay đổi nhiễm sắc thể di truyền.  Tôi nghĩ rằng con số bệnh tật có liên hệ đến cuộc chiến vùng Vịnh sẽ kéo dài cái danh sách mà căn bệnh đầu tiên đã được niêm yết.

 

“Hội chứng Chiến tranh”

 

Ý kiến cho rằng bệnh tật vì phục vụ trong thời chiến không phải bắt nguồn từ chiến tranh Việt Nam hay chiến tranh vùng Vịnh.  Ba bác sĩ Hải quân 21 khảo sát các bài viết về “sự kém hiểu biết về hội chứng chiến tranh” từ cuộc Nội chiến viết:

 

cần ghi nhận rằng các triệu chứng về thể chất thường được các cựu chiến binh Việt Nam có thể có tiếp xúc với chất Da cam mô tả thì tương tự như các triệu chứng thường thấy với các căn bệnh liên quan đến chiến tranh khác, bao gồm phản ứng tâm lý cấp thời do chiến đấu (acute combat stress reaction) và rối loạn tâm lý sau chấn thương (post-traumatic stress disorder)

cựu chiến binh thuộc các binh chủng của Hoa Kỳ, Anh, và Canada bắt đầu báo cáo nhiều triệu chứng kinh niên, thường được biết như là hội chứng cuộc chiến vùng Vịnh.  Mệt mỏi, nhức đầu, đau nhức khớp xương và bắp thịt, tiêu chảy, da bị ngứa, khó thở, và đau ngực là các triệu chứng phổ thông nhất.

 

Các triệu chứng mỏi mệt và các triệu chứng khác đã được ghi nhận trong tất cả các cuộc chiến, và chúng đã ít nhiều góp phần gây thiệt hại tâm lý và bệnh truyền nhiễm.  Cáo buộc chiến tranh là nguyên nhân của ảnh hưởng lâu dài đối với sức khỏe (long-delayed health effects), như ung thư hoặc dị tật bẩm sinh của con trẻ, có lẻ cần phải chờ cho đến khi các hóa chất môi trường được xác định.  Đối với công chúng, các hóa chất nầy là nguyên nhân của các căn bệnh vừa nêu và dị tật bẩm sinh.

 

Hóa chất Môi trường và Bệnh tật

 

Tôi viết rất nhiều về vấn đề môi trường, và dùng dữ kiện nguyên thủy của EPA, rằng các hóa chất môi trường thì có liên hệ không nhiều hơn 1 phần trăm của tất cả các bệnh ung thư, và có lẽ ít hơn 22.  Tôi chưa nghiên cứu các bệnh khác một cách tường tận, nhưng tôi biết rằng không có dữ kiện nào cho thấy các hóa chất môi trường là nguyên nhân của dị tật bẩm sinh.

 

Tuy nhiên, phải mất một thời gian dài để các hóa chất môi trường mất đi cái hình ảnh ghê rợn của chúng.  EPA báo động một cách đều đặn các nguy cơ của chúng, thành viên của Quốc hội luôn luôn chộp được những hàng tít lớn (headlines) khi loan báo các rủi ro về môi trường, và các tổ chức môi trường công bố các rủi ro để gây quỹ.  Hơn thế nữa, “hóa chất gây bệnh” luôn luôn là tin tức nóng hổi hàng đầu.

 

Tương lai của Quân đội Hoa Kỳ

 

Quân đội Hoa Kỳ có thể trông đợi rằng các chiến dịch hành quân sẽ bị cáo buộc là nguyên nhân cho tất cả bệnh tật do hóa chất môi trường gây ra.  Thứ nhứt, các hóa chất được quân đội sử dụng nhiều nhất thì được dùng trong dân sự – thí dụ như 2,4-D và 2,4,5-T trong chất Da cam – và, thứ hai, không cần phải đưa ra một hóa chất rõ ràng để làm nguyên nhân cho một căn bệnh liên quan đến chiến tranh – thí dụ như bệnh Lou Gehrig của cuộc chiến tranh vùng Vịnh.

 

Hoạt động của quân đội Hoa Kỳ trong cuộc chiến Chống Khủng bố  chắc chắn sẽ bị chỉ trích và đòi hỏi phải làm giảm các thiệt hại bị cáo buộc, nhưng tôi không mong đợi tiền lệ nầy sẽ kéo dài.  Thật vậy, không một ai sẽ ngạc nhiên khi hội chứng chiến tranh Afganistan được công bố.

 

Quân đội đã thi hành nhiều biện pháp để thu thập thêm tin tức khi quân đội được điều động để tìm hiểu về các rủi ro có thể xảy ra và các ảnh hưởng đối với sức khỏe của chúng.

 

Đối với các cuộc hành quân ở Bosnia, bắt đầu từ năm 1995, các toán thám sát về môi trường và bệnh truyền nhiễm được điều động; quân đội Hoa Kỳ đang được hướng dẫn về y tế một cách rộng rãi trước, trong, và sau khi hành quân; việc khám bệnh tổng quát về y khoa và tâm lý sẽ được thực hiện trước và sau khi điều động; và một ngân hàng máu được thiết lập để lưu trữ các mẫu thu thập trước và sau khi điều động [trích Hyams et al., 1996].

 

Các cố gắng như thế hiện đang tiếp diễn, nhưng tôi lo ngại rằng chúng sẽ có tác dụng ngược tương tự như cuộc nghiên cứu của Không lực với thành viên Ranch Hand; bởi vì một vài thành viên của Quốc hội,  một vài cựu chiến binh, và một vài chuyên viên môi trường cho đó là “gian lận” vì nó không phù hợp với suy nghĩ phổ quát về chất Da cam.  Bất cứ một cố gắng nào của quân đội mà không hỗ trợ cho các cáo buộc về ảnh hưởng tai hại đối với sức khỏe thì hầu như sẽ được đối xử như vậy.  Tuy nhiên, các cố gắng đó phải được theo đuổi.

 

Tôi chỉ có một vài đề nghị mơ hồ mà quân đội có thể làm để thuyết phục các lực lượng chiến đấu, cựu chiến binh, và công chúng quan tâm đến sức khỏe của quân nhân dưới cờ.  Nhưng các cáo trạng cho rằng việc phục vụ trong thời chiến có ảnh hưởng lâu dài đối với sức khỏe và gây dị tật bẩm sinh và ung thư cho trẻ con thì cũng mơ hồ.  Tuy nhiên, tính mơ hồ và mềm dẻo của các cáo trạng khiến cho những đề nghị cụ thể trở nên không tưởng.  Sau đây là bốn ý kiến của tôi.

 

Thứ nhứt, phát ngôn viên quân đội cần phải trung thực về hậu quả tâm lý khủng khiếp của trận chiến – giết, thấy bạn bè nổ tung, thiếu ngủ liên tục, khủng hoảng, và thương tích.  Quân đội đã có cố gắng lớn trong việc chữa trị và trắc ẩn đối với các lực lượng chiến đấu đã chịu thống khổ về tâm lý liên quan đến chiến tranh.  Quan trọng không kém, quân đội phải đi đầu trong việc tháo gỡ các dấu tích còn gắn liền với các lực lượng đang thống khổ vì các ảnh hưởng đó.  Sự quan tâm của công chúng cần được tập trung vào bằng chứng là tâm trạng và não trạng trong chiến đấu là vấn đề thời gian và sự căng thẳng trong chiến đấu chứ không phải là sự yếu đuối hoặc bất lực.  Bất cứ ai đã thấy một người lính chịu thống khổ thể xác vì địa ngục tâm lý của chiến tranh đều nhìn nhận rằng đó là kết quả của sự căng thẳng do chiến tranh gây ra, chứ không phải do sự yếu đuối của người lính.  Và người lính phải được bảo đảm rằng tất cả mọi người đều biết điều đó.  Và, dĩ nhiên, những vết thương thể xác phải được sự hỗ trợ tâm lý cần thiết.  Tôi đề cập điều nầy, nhưng tôi không cho đây là một vấn đề hiện nay.

 

Thứ nhì, cấp lãnh đạo quân y cần phải giải thích cho các thành viên của Quốc hội và cộng sự viên của họ là bằng chứng cho rằng hóa chất môi trường gây ảnh hưởng đối với sức khỏe của con người thì chưa có tính thuyết phục.  Và họ phải nói là bằng chứng vô dụng đang được dùng để cùm quân đội và bắt buộc người đóng thuế phải trả tiền bồi thường cho các căn bệnh phổ thông trong mọi giới – cựu chiến binh và dân sự – cho đến một tương lai vô định.

 

Thứ ba, cấp lãnh đạo quân đội cần phải đề cao cảnh giác với, và về, các tổ chức cung cấp dịch vụ cho cựu chiến binh.  Các tổ chức nầy tự cho họ là có tinh thần yêu nước cao độ, và đúng vậy, tinh thần yêu nước của họ rất cao trong nhiều vấn đề.  Về việc cổ xúy cho quan niệm sai lầm rằng chất Da cam đã gây ra dị tật bẩm sinh, bệnh tật, và giết người; họ đã làm tổn thương quân đội.  Về việc họ cổ xúy cho hội chứng chiến tranh vùng Vịnh mà không có bằng chứng thích đáng, họ đã làm tổn thương quân đội.  Các tổ chức nầy đang lâm vào tình trạng khó khăn bởi vì việc tuyển mộ thành viên tùy thuộc vào khả năng đem lại lợi ích cho thành viên của họ, nhưng có thể thuyết phục họ nên chú trọng đến khoa học chân chính trước khi có quyết định bồi thường nếu việc bồi thường nầy có khả năng làm ô uế thanh danh của quân đội.

 

Thứ tư, có thể có cơ hội để lợi dụng việc hăm dọa đòi bồi thường của Việt Nam bởi vì Hoa Kỳ đang bồi thường cho cựu chiến binh của mình vì “các bệnh tật liên hệ đến chất Da cam.”  Chắc chắc là, một vài thành viên của Quốc hội sẽ lắng nghe xét đoán của Tiến sĩ Portier của NIEHS và nhiều khoa học gia Hoa Kỳ cho rằng các quyết định bồi thường có tính cách “chánh trị,” và nhận thấy sự ngông cuồng trong việc thay thế các xét đoán khoa học bằng các xét đoán chánh trị về ảnh hưởng đối với sức khỏe trong các cuộc chiến tương lai.

 

Sau cùng, quân đội phải cẩn thận trong vấn đề bảo vệ sức khỏe của lực lượng chiến đấu.  Nếu có thể được, nhanh chóng rút họ ra khỏi các tình huống rủi ro, và thành thật về các rủi ro và ảnh hưởng đối với sức khỏe.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

 

1 For general information about the use of Agent Orange during the Vietnam War, see Gough, M. Dioxin, Agent Orange [New York: Plenum, 1986] pp. 63-120 and Institute of Medicine. Veterans and Agent Orange [Washington: National Academy Press, 1993] pp. 23-110.

2 Gough, 1986, pp. 137-148.

3 U.S. Environmental Protection Agency, Science Advisory Board. “Dioxin Reassessment – An SAB Review of the Office of Research and Development’s Reassessment of Dioxin.” [Washington: EPA, May 2001] (EPA-SAB-EC-01- 006). Hereafter, SAB, 2001.

4 Starr, T.B. Significant Shortcomings of the U.S. Environmental Protection Agency’s Latest Draft Risk

Characterization for Dioxin-Like Compounds. Toxicological Sciences 64 (2001): 7-13.

5 SAB, 2001.

6 Wilcox, F.A. Waiting for an Army To Die [New York: Random House, 1983] p. x presents a dramatic description of one of those television programs.

7 see IOM 1994, p. 50, and references there.

8 See IOM 1994, p. 50, and references there and Gough 1986, pp. 89-103. As part of the legislation that mandated the Veterans Administration study, Congress directed the Office of Technology Assessment to review and approve the plan for the study and to monitor the conduct of the study. I was put in charge of that activity in early 1980.

9 The Centers for Disease Control (CDC) Vietnam Experience Study. Postservice Mortality Among Vietnam Veterans. Journal of the American Medical Association 257 (1987): 790-95. CDC. Health Status of Vietnam Veterans. II. Physical Health. Journal of the American Medical Association 259 (1988): 2708-2714. CDC. Health Status of Vietnam Veterans. III. Reproductive Outcomes and Child Health. Journal of the American Medical Association 259 (1988): 2715-2719.

10 The Centers for Disease Control Vietnam Experience Study. 2,3,7,8-tetrachlorodibenzo-p-dioxin Levels in US Army Vietnam-era Veterans. Journal of the American Medical Association 260 (1988): 1249-1254.

11 See, for instance, Gough, 1986, pp. 259-262.

12 Henrikson, G.L., N.S. Ketchm, J.E. Michalek, and J.A. Swaby. Serum Dioxin and Diabetes Mellitus in Veterans of Operation Ranch Hand. Epidemiology 8 (1997): 252-258.

13 Michalek, J.E. and N.S. Ketchum, 23 April 2002, “Diabetes and Dioxin in Air Force Health Study Participants,” typescript, 9 pp, prepared for the Department of Health and Human Services advisory committee to the Ranch Hand study.

14 I chaired the Department of Health and Human Services advisory committee to the Ranch Hand study when the decision was made to make the study data available to the public.

15 See Institute of Medicine 1994, p. 51, and references there.

16 Agent Orange Scientific Task Force: Human Health Effects Associated with Exposure to Herbicides and/or Their Associated Contaminants Chlorinated Dioxins: Agent Orange and the Vietnam Veterans. A report prepared for the American Legion, Vietnam Veterans of America, and the National Veterans Legal Services Project, 1990. Photocopied typescript, 55 pp.

17 Bill Summary & Status for the 102nd Congress: H.R.556, Public Law: 102-4 (02/06/91). http://thomas.loc.gov/cgibin/bdquery/D?d102:1.

18 IOM. “Revised Analysis Leads to Different Conclusion about Agent Orange Exposure and Childhood Leukemia.” Press Release, February 27, 2002. [email protected].

19 “A Killer Still.” The Economist, March 9, 2002, p. 48.

20 U.S. Scientists Question Vietnam Dioxin Studies.” Reuters, March 4, 2002. Dr. Portier confirmed that he made the “political” decision; personal communication, telephone call, April 30, 2002.

21 Hyams, K.C., F. S. Wignall, and R. Roswell. War Syndromes and their evaluation: From the U.S. Civil War to the Persian Gulf War. Annals of Internal Medicine (1996) 125:398-405.

22 Gough, M. How Much Cancer Can EPA Regulate Away? Risk Analysis (1990) 10:1-7.

 

Trích từ : http://web.mit.edu/ssp/Publications/working_papers/wp02-1.pdf

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

ChinhtriDacam.doc