CHẤT DA CAM VÀ UNG THƯ BẠCH HUYẾT CẦU MÃN TÍNH

Chạy tít lớn, bỏ qua chữ nhỏ 

Nguyễn Minh Quang

Tháng 5 năm 2003 

Ngày 23 tháng 1 năm 2003, Hội đồng Cổ võ Sức khỏe và Ngăn ngừa Bệnh tật của Viện Y khoa (IOM) đăng một thông cáo báo chí trên trang web của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia (NAS) để thông báo về việc phổ biến phúc trình Veterans and Agent Orange: Update 2002 (Cựu Chiến binh và Chất Da cam: Cập nhật hóa 2002) (VAO 2002). Phúc trình VAO 2002 do Ủy ban Duyệt xét Ảnh hưởng Đối với Sức khỏe của Cựu Chiến binh phục vụ tại Việt Nam có Tiếp xúc với Thuốc Diệt cỏ (Cập nhật hóa lần Thứ tư), gọi tắt là Ủy ban IOM, soạn thảo. Phúc trình VAO 2002 ... tái thẩm định sáu nghiên cứu về việc tiếp xúc với thuốc diệt cỏ có chứa đựng tin tức về bệnh ung thư bạch huyết cầu mãn tính (chronic lymphocytic leukemia (CLL)) cùng các ảnh hưởng đối với sức khỏe khác. Việc tái cứu xét cho thấy bằng chứng đầy đủ của một sự liên hệ giữa việc tiếp xúc với các hóa chất phun ở Việt Nam và nguy cơ mắc bệnh CLL.” (1) Thông cáo báo chí cũng cho biết là ấn bản của VAO 2002 có thể được mua ỏ nhà phát hành của NAS; số điện thoại (202) 334-3313 hoặc 1-800-624-6242, hoặc có thể đặt mua qua hệ thống internet ở địa chỉ http://www.nap.edu. Tuy nhiên, các phóng viên có thể nhận một bản vỗ (pre-publication copy) ở Phòng Thông tin của NAS. IOM là một cơ quan bất vụ lợi tư nhân có nhiệm vụ đề ra các khuyến cáo về chánh sách y tế qua một hợp đồng giữa Quốc hội Hoa Kỳ và NAS. 

Ngay sau khi thông cáo báo chí được phổ biến, các hãng thông tấn quốc tế như AP và AFP liền phóng đi những hàng tít lớn. Dưới hàng tít “Liên kết giữa Ung thư máu (leukemia) và Chất Da cam được tìm thấy,” AP tường thuật rằng “Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy sự liên kết giữa một loại ung thư và chiến binh phục vụ ở Việt Nam có tiếp xúc với thuốc diệt cỏ giống như Chất Da cam, khiến cho Bộ Cựu Chiến binh [VA] phải loan báo rằng Bộ sẽ nới rộng phúc lợi cho cựu chiến binh mang chứng bệnh nầy.” (2) Bảng tin “Chất Da cam được liên kết với ung thư máu” của AFP tường thuật rằng “Chất Da cam, một loại thuốc khai quang được quân lực Hoa Kỳ sử dụng trong cuộc chiến Việt Nam, vừa được liên kết với bệnh ung thư bạch huyết cầu mãn tính gây khổ đau cho cựu chiến binh, khiến cho chánh phủ Hoa Kỳ phải nới rộng việc bồi thường cho cựu chiến binh mang chứng bệnh nầy.” (3) AFP cũng trích lời tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Cựu Chiến binh Anthony Principi cho rằng “Bằng chứng vững chắc vừa hiện ra trong giới khoa học cho thấy việc tiếp xúc với thuốc diệt cỏ như Chất Da cam thì có liên hệ với CLL... Tôi đang hành sử quyền hạn của tôi để bảo đảm rằng các cựu chiến binh phục vụ tại Việt Nam mắc bệnh CLL sẽ được hưởng toàn thể phúc lợi dành cho họ... Điều đáng buồn là chúng tôi phải tự xác định sự liên kết, bởi vì chúng tôi biết rằng bệnh ung thư (của cựu chiến binh) có thể do việc phục vụ chiến trường gây ra. Nhưng đây là một điều đúng cần phải làm.”

Dĩ nhiên, các bảng tin với hàng tít lớn nầy đã xuất hiện trên hệ thống internet và trên báo chí khắp nơi trên thế giới. Nhưng chúng lại không có một ghi chú nào cho những hàng chữ nhỏ. Các hàng chữ nhỏ nầy được in trong bản vỗ của phúc trình VAO 2002, từ trang 283 đến trang 285, cũng được đăng trên website của NAS (4). Nguyên văn của các hàng chữ nhỏ như sau: 

Tóm lược các Nghiên cứu về CLL 

Thể theo lời yêu cầu của Bộ Cựu Chiến binh cũng như CLL có nhiều mối tương đồng với NHL [Non-Hodgkin Leukemia] hơn với các loại ung thư máu khác (đặc tính về miễn nhiễm hóa học, nguồn gốc của tế bào B, và sự tiến gần tới một dạng cấp tính của NHL), ủy ban tái thẩm định dữ kiện dịch tể mà ủy ban đang có để xác định xem CLL có hội đủ điều kiện để được tái xếp hạng liên quan đến sự liên hệ với thuốc diệt cỏ. Dữ kiện thích đáng được tóm tắt trong Bảng 6-50. 

Ủy ban duyệt xét lại sáu nghiên cứu đã được tường trình trong các lần cập nhật trước, trong đó CLL được điều tra một cách riêng biệt. Waterhouse và một số tác giả (1996) đã thực hiện một cuộc nghiên cứu về khả năng có thể gây ung thư cho 1.706 người (nam và nữ) ở một vùng nông thôn thuộc tiểu bang Michigan từ năm 1959 đến 1987. Kết quả cho thấy có một sự gia tăng đáng kể trong lymphopoietic neoplasma, NHL, bệnh Hodgkin, và CLL (tổng hợp SIR = 1.40, 95% CI 1.0-1.9, p=0.03). Waterhouse và một số tác giả (1996) cũng thực hiện một cuộc nghiên cứu có kiểm soát về các yếu tố rủi ro cho 74 bệnh nhân có bệnh lymphoma và leukemia phù hợp với bốn điều kiện cho mỗi bệnh. Chỉ có lý lịch gia đình là có liên hệ đáng kể với bệnh. Kết quả cho thấy có một sự tương quan với việc sử dụng thuốc trừ sâu (insecticides), nhưng dữ kiện dùng trong việc nghiên cứu không phân biệt giữa thuốc diệt cỏ (herbicides) với thuốc trừ sâu và thuốc trừ nấm (fungicides). Amadori và một số tác giả (1995) thực hiện một cuộc nghiên cứu có kiểm soát dựa trên dân số trong một vùng nông nghiệp ở Ý. Đối tượng được nghiên cứu trong nông nghiệp, được gọi là nông dân hay nông dân nuôi gia súc, thì có nguy cơ mắc bệnh CLL cao (OR = 1.6, 95% CI 0.5-5.2 và OR = 3.1, 95% CI 1.1-8.3). Nếu kết hợp cả hai nhóm thì OR là 2.3 (95% CI 0.9-5.8). Dữ kiện về việc tiếp xúc với thuốc diệt cỏ thì không được công bố. Cuộc nghiên cứu về nguy cơ mắc bệnh ung thư của các ông làm vườn ở Đan Mạch có tiếp xúc nhiều với thuốc trừ sâu (Hansen và một số tác giả, 1992) cho thấy một sự gia tăng đáng kể cho CLL (hệ số nhiễm bệnh tiêu chuẩn, SMbR = 275, 95% CI 101-599) dựa trên kết quả của 6 trường hợp tiếp xúc. Bản phúc trình cho biết những người làm vườn ở ngoài trời tiếp xúc thường xuyên với thuốc diệt cỏ nhưng họ cũng tiếp xúc với thuốc trừ sâu và thuốc trừ nấm trong suốt vụ mùa; tuy nhiên, dữ kiện về việc tiếp xúc không được công bố cho các trường hợp CLL. Blair và White (1985) tường trình rằng mức tử vong do CLL của nông dân Nebraska từ năm 1954 đến 1974 thì gia tăng đáng kể (OR = 1.7). Nông dân sống trong các quận hạt có liên quan đến kỹ nghệ nuôi bò và sản phẩm về sữa thì có nguy cơ cao hơn; tuy nhiên, dữ kiện về việc tiếp xúc với thuốc diệt cỏ của nhóm CLL thì không được công bố. 

Có hai trong số các nghiên cứu dịch tể học tường trình về việc tiếp xúc với thuốc diệt cỏ và CLL. Trong một nghiên cứu trên 1.675 người đàn ông da trắng ở Iowa chết vì leukemia (Blair và White, 1985), thì CLL và một dạng của ung thư bạch huyết cầu mãn tính (nonspecific nonacute lymphocytic leukemia) đã gia tăng một cách đáng kể trong nông dân (OR = 1.7). Các phân tích bổ túc cho thấy có mối liên hệ chặt chẽ giữa số người chết vì CLL trong các quận hạt với diện tích trồng đậu nành và diện tích được phun thuốc diệt cỏ. Brown và một số tác giả (1990) thực hiện một cuộc nghiên cứu phỏng vấn có kiểm soát dựa trên dân số của 578 người đàn ông da trắng mắc bệnh leukemia và 1.245 trường hợp kiểm soát sinh sống ở Iowa và Minnesota. Số tử vong do CLL (244 trường hợp) của nông dân thì cao hơn dân số không làm nghề nông (OR = 1.4). Khi nguy cơ được tính toán cho các nhóm CLL, OR đã gia tăng đáng kể cho việc sử dụng bất cứ thuốc diệt cỏ (OR = 1,4), bất cứ thuốc trừ sâu (R = 1,3), và bất cứ thuốc trừ sâu cho thú vật (OR = 1,3). Nguy cơ mắc bệnh CLL của nông dân có sử dụng 2,4-D là 1,3. Nguy cơ mắc bệnh CLL của những người có sử dụng 2,4,5-T ít nhất 20 năm trước khi phỏng vấn thì gia tăng đáng kể (OR = 3.3, 95% CI 1.2-8.9).  

Bertazzi và một số tác giả (2001) lượng định ung thư bạch huyết cầu trong khi theo dõi cư dân Seveso sau 20 năm. Sự gia tăng rủi ro không được nhận thấy, với chỉ số rủi ro tương đối là 1,1 (95% CI, 0.3-4.4) cho cư dân trong vùng B và 1.0 (95% CI, 0.2-3.9) cho cư dân của hai vùng A và B.

Không có một nghiên cứu đặc biệt về cựu chiến binh tham chiến tại Việt Nam và CLL nào được phổ biến sau Cập nhật hóa 2000 (IOM, 2001). 

Tổng hợp 

Việc tái phân tích các nghiên cứu dịch tể học cho thấy rằng nghề nông, đặc biệt ở nơi có tiếp xúc với thuốc diệt cỏ 2,4-D và 2,4,5-T, thì có liên hệ đến nguy cơ chết vì bệnh CLL một cách đáng kể. Nhiều nghiên cứu khác hổ trợ cho giả thuyết cho rằng việc tiếp xúc với thuốc diệt cỏ có thể có nguy cơ mắc bệnh NHL. Hầu hết các trường hợp CLL và NHL phản ảnh sự biến thành ung bướu của các tế bào B, do đó các bệnh nầy có thể có chung một nguyên nhân (etiology).

Kết luận 

Tính vững chắc của bằng chứng 

Dựa trên căn bản của việc lượng định, ủy ban kết luận rằng có đầy đủ bằng chứng cho một sự liên hệ giữa việc tiếp xúc với ít nhất một trong các hóa chất được nghiên cứu (2,4-D, 2,4,5-T hay TCDD, picloram, hoặc cacodylic acid) với bệnh CLL. 

Mức khả tín sinh học (Biologic plausibility) 

Không có một nghiên cứu trên thú vật nào cho thấy sự gia tăng bệnh CLL sau khi tiếp xúc với các hóa chất được nghiên cứu. Phần tóm lược tổng quát của mức khả tín sinh học về mức độ gây ung thư của TCCD và thuốc diệt cỏ được trình bày ở cuối chương nầy. Chương 3 thảo luận về các nghiên cứu mới đây liên quan đến mức khả tín sinh học. 

Sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh của Cựu chiến binh phục vụ tại Việt Nam 

Dữ kiện hạn chế trên cựu chiến binh phục vụ tại Việt Nam không cho thấy một sự gia tăng về nguy cơ mắc bệnh CLL. 

Những hàng chữ nhỏ nầy dường như bị bỏ qua, bởi chính những người đã viết hoặc duyệt xét chúng! 

Thứ nhứt, Ủy ban IOM đã bỏ qua các chi tiết được mô tả trong phần “Tóm lược các nghiên cứu về CLL” để kết luận rằng “... có đầy đủ bằng chứng cho một sự liên hệ giữa việc tiếp xúc với ít nhất một trong các hóa chất được nghiên cứu (2,4-D, 2,4,5-T hay TCDD, picloram, hoặc cacodylic acid) với bệnh CLL.” Ủy ban IOM dường như tự mâu thuẫn khi kết luận rằng “Không có một nghiên cứu trên thú vật nào cho thấy sự gia tăng bệnh CLL sau khi tiếp xúc với các hóa chất được nghiên cứu.” 

Trừ phi Ủy ban IOM có thêm dữ kiện và tin tức mà không phổ biến, các kết quả của việc duyệt xét không đủ để thuyết phục có một sự liên hệ giữa thuốc diệt cỏ và CLL. Thật vậy, bốn trong số sáu nghiên cứu không thể cung cấp dữ kiện về việc tiếp xúc với thuốc diệt cỏ. Còn hai nghiên cứu tường trình về việc tiếp xúc với thuốc diệt cỏ và CLL thì không cho biết nông dân có tiếp xúc với các hóa chất khác ngoài thuốc diệt cỏ hay không. Rất có thể là các nông dân đã có tiếp xúc với các hóa chất khác bởi vì một trong hai nghiên cứu nầy đã đề cập đến thuốc trừ sâu và thuốc trừ sâu cho thú vật. Một trong những nghiên cứu lượng định bệnh ung thư bạch huyết cầu trong việc theo dõi cư dân ở Seveso sau 20 năm. Thay vì dùng nghiên cứu Seveso nầy như là một nghiên cứu thích hợp và tin cậy nhất trong việc lượng định, Ủy ban IOM đã quyết định bỏ qua. Ủy ban IOM bỏ qua nghiên cứu Seveso có lẻ vì nó không cho thấy một sự liên hệ nào giữa việc tiếp xúc với dioxin và bệnh CLL.

Ủy ban IOM cũng bỏ qua việc tuân thủ các tiêu chuẩn của mình trong việc lượng định xem bằng chứng có đầy đủ hay không cho một sự liên hệ (được in bằng chữ nhỏ thật sự) trong Bảng ES-1. Các tiêu chuẩn nầy như sau “Bằng chứng được xem là đầy đủ để kết luận rằng có một sự liên hệ chắc chắn. Có nghĩa là, một sự liên hệ chắc chắn được quan sát giữa thuốc diệt cỏ và kết quả của việc nghiên cứu, trong đó cơ hội (chance), tính thiên vị (bias), và sự lộn xộn (confounding) có thể loại trừ thích đáng.” Dựa theo các tiêu chuẩn nầy, các nghiên cứu được Ủy ban IOM dùng cho việc duyệt xét, ngoại trừ nghiên cứu Seveso, phải được loại trừ bởi vì sự lộn xộn của chúng. 

Đây không phải là lần đầu tiên một Ủy ban IOM bỏ qua những hàng chữ nhỏ của chính họ. “Vượt quá sự đe dọa đối với chánh sách công cộngï, Ủy ban IOM quyết định rằng có một sự liên hệ giữa Chất Da cam và bệnh vẹo xương sống (spina bifida), một loại dị tật bẩm sinh do cột xương sống không đóng kín. Ủy ban đã bỏ qua sự kiện là không có một bằng chứng nào cho thấy bất cứ một mức độ tiếp xúc nào của người cha đã gây ra dị tật bẩm sinh, và không có một cơ chế sinh học khả tín nào có thể gây dị tật bẩm sinh như vậy” (5).  

Thứ nhì, AP và AFP quên đọc các hàng chữ nhỏ, hoặc quên nhận bản vỗ của phúc trình VAO 2002, khi tường thuật rằng “Các nhà nghiên cứu đã tìm ra sự liên kết giữa một loại ung thư máu với các chiến binh phục vụ tại Việt Nam có tiếp xúc với Chất Da cam...” và “Chất Da cam, một loại thuốc khai quang được quân lực Hoa Kỳ sử dụng trong cuộc chiến Việt Nam, đã được liên kết với một loại ung thư máu mãn tính đang hành hạ các cựu chiến binh...” Không có một nơi nào trong phúc trình VAO 2002 xác định một sự liên kết giữa CLL và cựu chiến binh phục vụ tại Việt Nam! Ngược lại, Ủy ban IOM kết luận, trên trang 285, rằng “Dữ kiện hạn chế trên cựu chiến binh phục vụ tại Việt Nam không cho thấy một sự gia tăng về nguy cơ mắc bệnh CLL.” 

Sau cùng, VA bỏ qua, nếu không muốn nói là quên đọc, các hàng chữ nhỏ trong phần kết luận của Ủy ban IOM khi dựa vào kết quả điều tra của ủy ban nầy để quyết định nới rộng việc bồi thường cho cựu chiến binh phục vụ tại Việt Nam đang đau khổ vì loại ung thư nầy. Các hàng chữ nhỏ nầy được in trong bản vỗ phúc trình VAO 2002, trên trang 6, nói rằng “Cũng cần lưu ý rằng ủy ban được giao nhiệm vụ duyệt xét dữ kiện khoa học, chứ không có nhiệm vụ khuyến cáo liên quan đến chánh sách của VA; cho nên, các kết luận trình bày trong Bảng ES-1 không nhằm mục đích đề nghị, trực tiếp hay gián tiếp, các quyết định có liên quan đến chánh sách. Hơn thế nữa, các kết luận chỉ đề cập đến sự liên hệ giữa việc tiếp xúc với các hóa chất và hậu quả về sức khỏe của chúng trong dân số con người, chứ không đề cập đến vấn đề sức khỏe của một cá nhân khả dĩ có liên quan đến hay gây ra bởi thuốc diệt cỏ được nghiên cứu,” và trên trang 285, nói rằng “Dữ kiện hạn chế trên cựu chiến binh phục vụ tại Việt Nam không cho thấy một sự gia tăng về nguy cơ mắc bệnh CLL.” 

Trên thực tế, “...không ai biết có bao nhiêu cựu chiến binh phục vụ tại Việt Nam đã được khám nghiệm là mang bệnh,... và có nhiều ủng hộ viên của cựu chiến binh tự hỏi không biết có một cựu chiến binh nào đang đau khổ vì CLL hay không.” (6) Có lẽ là không bởi vì “... Tôi đã làm việc nầy trong 14 năm qua và tôi chưa bao giờ thấy một cựu chiến binh nào đến và nói với tôi ‘Tôi bị bệnh ung thư bạch huyết cầu mãn tính.’ Chưa bao giờ,” Phil Kraft cho biết như vậy (6). Ông Kraft là một giám đốc chương trình của Quỹ Dịch vụ Cựu Chiến binh Quốc gia (National Veterans Services Fund), một tổ chức bất vụ lợi chuyên cung cấp ý kiến và các dịch vụ khác cho cựu chiến binh phục vụ trong cuộc chiến Vùng Vịnh và Việt Nam. Có lẽ đây là lý do tại sao các cựu chiến binh phục vụ tại Việt Nam hoan nghênh, nhưng không hài lòng với, quyết định nới rộng bồi thường của VA liên quan đến CLL! 

REFERENCES 

1.                  The National Academies. January 23, 2003. “New Report Supports Association Between Agent Orange and One Form of Chronic Leukemia.” Office of News and Public Information. http://www4.nationalacademies.org/news.nsf

2.                  Associated Press. January 23, 2003. “Leukemia, Agent Orange link found.” Washington. http://www.usatoday.com/news/health

3.                  Agence France Press. January 25, 2003. “Agent Orange linked to leukemia.” http://www.theage.com.au/articles

4.                  http://books.nap.edu/books/030908616/html/1.html

5.                  Michael Gough. May 20, 2002. “The Political Science of Agent Orange.” Presented at MIT Security Studies Program Conference on “Acceptable Weapons,” Watertown, Massachusetts. http://web.mit.edu/ssp/Publications/working_papers/wp02-1.pdf

6.                  Amanda Gardner. January 24, 2003. “Vets Welcome Agent Orange Finding, But Want More, Complain of a lack of research on Vietnam vets’ health.” HealthScout News. http://www.hon.ch/News/HSN/511456.html