LÀM THẾ NÀO

ĐỂ CHỦ ĐỘNG PHÒNG TRÁNH THIÊN TAI?

 

Nguyễn Minh Quang

Tháng 12 năm 1999


LỜI TÁC GIẢ :

 

 Tựa đề của bài viết được rút từ phóng sự “Cãi nhau với... trời” của ký giả Nguyễn Quang Vinh trên báo Lao Động ngày 15 tháng 11 năm 1999 đọc được qua hệ thống Internet.  Theo ký giả Nguyễn Quang Vinh, đây là “câu hỏi xót buốt” mà “người miền Trung treo lên trước mặt mình sau cú “ngã nhào” đau thương vì cơn lũ lớn.”  Nếu bài phóng sự của Nguyễn Quang Vinh “...chỉ dám làm lời dẫn cho một phương án khả thi chống lại thiên tai ở miền Trung,” thì bài viết nầy nhằm mục đích “chia xẻ nổi đau thương” và “đóng góp” của một người dân Việt trong khả năng của mình với hy vọng đồng bào miền Trung (trong đó có T4 của Nhà trẻ Ty Xã hội Quảng Ngãi 1973) sẽ tìm được câu trả lời thích đáng để vơi đi phần nào đau thương trong hiện tại và giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão lụt gây ra trong tương lai.  Các con số về tình trạng lũ lụt được trích nguyên văn từ nhiều nguồn khác nhau trong nước; do đó, nó có thể khác nhau mặc dù cùng diễn tả một sự kiện.

 

VÀI NÉT VỀ THIÊN TAI Ở MIỀN TRUNG

 

Thiên tai là tai họa do hiện tượng thiên nhiên đem đến, để phân biệt với nhân tai là tai họa do tác động của con người gây ra.  Tai họa nầy xãy ra một cách thình lình, ngoài ý muốn, và gây nhiều tổn thất về nhân mạng (chết hoặc bị thương).  Hầu hết các tai họa cũng gây thiệt hại nặng nề về vật chất.  Thiên tai thường gặp nhất là động đất, bão, lụt, và trốt (tornadoes).  Sóng thần, núi lửa, cháy rừng (wildfires), và đất chuồi cũng là những nguyên nhân có thể gây thiên tai (1).

 

Ở miền Trung Việt Nam, thiên tai đáng kể nhất từ xưa đến nay vẫn là bão lụt.  Bão thường dùng để gọi các hệ thống thời tiết với vận tốc gió vượt quá 63 cây số/giờ, nhưng Tổ chức Khí tượng Thế giới gọi hệ thống thời tiết có vận tốc gió dưới 120 cây số/giờ là giông nhiệt đới (tropical storms).  Bão (cyclones or typhoons) được xếp hạng từ Cấp I (vận tốc gió tối thiểu 120 cây số/giờ) cho đến Cấp V (vận tốc gió vượt quá 250 cây số/giờ) (1).  Hàng năm, bão hình thành ở ngoài khơi Thái Bình Dương hoặc Biển Đông, di chuyển về hướng Tây, và có thể đổ bộ lên duyên hải miền Trung trong khoảng từ tháng 6 cho đến tháng 12 (Hình 1).  Bão có khuynh hướng đổ bộ ở phía Bắc vào đầu mùa rồi di chuyển dần về phía Nam vào cuối mùa (2).

         Hình 1. Theo dỏi các trận bảo.

Bão miền Trung thường mang theo
nhiều mưa to trút xuống sườn phía Đông của dãy Trường Sơn và vùng duyên hải trong một thời gian ngắn.  Một phần nước mưa thấm xuống đất, một phần bốc hơi, và một phần hấp thụ bởi cây cối.  Phần còn lại chảy tràn trên mặt đất, tích tụ lại trong sông, rồi đổ xuống hạ lưu để thành lũ.  Khi lượng nước lũ vượt quá khả năng thoát nước của sông (nói cách khác, sông bị “quá tải”), nước lũ sẽ tràn bờ và gây lụt lội.  Địa hình miền Trung rất thuận lợi cho lũ lụt.  Vì sườn phía Đông của dãy Trường Sơn có độ dốc cao, nước mưa khó thấm xuống đất hơn; do đó, nước lũ nhiều hơn và tích tụ lại nhanh hơn.  Và cũng vì sừơn núi dốc, nước lũ đổ dồn xuống hạ lưu nhanh hơn.  Thêm vào đó, đa số sông miền Trung cạn và ngắn (vì duyên hải miền Trung hẹp); cho nên, chúng không đủ khả năng để thoát một lượng nước lũ cao.  Và một khi nước lũ tràn bờ thì lụt lan đi rất nhanh.

 

Ngoài nước lũ từ thượng nguồn, lụt miền Trung có thể trầm trọng hơn do lượng nước mưa tại chổ.  Hầu hết lượng nước mưa tại chổ nầy (trừ một phần ít bốc hơi) sẽ “tiếp tay” với nước lũ để làm cho lụt lan rộng và ngập sâu hơn.  Tình trạng sẽ tồi tệ hơn nữa nếu mực nước biển trong vùng lụt dâng cao vì gió bão, sóng thần, hoặc thủy triều.  Mực nước biển dâng cao có thể làm cho đỉnh lụt dâng theo và làm cho các vùng thấp dọc bờ biển bị ngập nước mặn.

 

LŨ LỤT MIỀN TRUNG 1999: THIÊN TAI VÀ NHÂN TAI

 

Trong tháng 10 và 11 năm 1999, lũ lụt, một lần nữa, đã tràn qua 7 tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Định (Hình 2).  Theo nhận định của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, đây là “...lũ lớn nhất trong gần 40 năm qua...” (3).  Tính đến ngày 14 tháng 11, đã có 621 người chết và thiệt hại vật chất ước tính lên đến 269 triệu Mỹ Kim (4).

 

Ngày 22 tháng 11 năm 1999, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung Ương (BCĐPCLBTƯ) đã tường trình lên Quốc Hội tình hình lũ lụt miền Trung (5).  Do ảnh hưởng của khí lạnh cộng với tác động của áp thấp nhiệt đới, mưa to đã trút xuống các tỉnh miền Trung từ ngày 1 cho đến ngày 4 tháng 11, đặc biệt mưa rất to trong vùng Quảng Trị và Quảng Nam.  Từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 11 năm 1999, trong lúc lượng mưa trung bình cho toàn vùng vào khoảng từ 600 đến 900 mm, thì lượng mưa tại Thạch Hãn là 1.346 mm, tại Tân Phước là 1.453 mm, tại Hiệp Đức là 1.370 mm, tại Câu Lâu là 1.211 mm, tại A Lưới là 2.271 mm, và tại Huế là 2.288 mm.  Mưa bao phủ một vùng rộng lớn và rơi trong một thời gian ngắn, từ 2 đến 3 ngày.  Lượng mưa trung bình ở Huế là 1.384 mm, con số cao nhất trong vòng 100 năm qua ở Việt Nam kể từ năm 1886.

 

Các trận mưa to đã gây lũ lụt ở nhiều nơi từ Quảng Bình đến Bình Định.  Nhiều vùng, nước ngập sâu từ 2,00 đến 4,00 m.  Quốc lộ 1A ngập dưới 2,00 m nước.  Đỉnh lũ đã vượt quá mức báo động III (mức báo động cao nhất) cho hầu hết các sông trong vùng lũ lụt.  Mực nước cao nhất của sông Vũ Gia tại Ái Nghĩa là 10,27 m, cao hơn mức báo động III 1,47 m (?) [Mức báo động III là 9,70 m (6)].  Mực nước cao nhất của sông Thu Bồn tại Câu Lâu là 5,23 m, cao hơn mức báo động III 1,53 m (?) [Mức báo động III là 8,00 m (6)].  Mực nước cao nhất của sông Trà Khúc tại cầu Trà Khúc là 7,77 m, cao hơn mức báo động III 0,27 m (?) [Mức báo động III là 6,50 m (6)].  Mực nước cao nhất của sông Vệ tại cầu sông Vệ là 5,41 m, cao hơn mức báo động III 1,31 m (?) [Mức báo động III là 5,00 m (6)].

 

Đỉnh lũ trong một số sông đã vượt qua mức kỷ lục.  Mực nước cao nhất của sông Thạch Hãn tại Quảng Trị là 7,29 m, cao hơn mức kỷ lục năm 1983 0,18 m (?) [Mức kỷ lục năm 1968 là 7,17 m (6)].  Mực nước cao nhất của sông Bồ tại Phù Ốc là 5,18 m, cao hơn mức kỷ lục năm 1983 0,29 m (?) [Mức kỷ lục năm 1964 là 6,50 m (6)].  Đặc biệt, mực nước cao nhất của sông Hương tại Huế là 5,94 m, cao hơn mức kỷ lục năm 1983 1,06 m (?) [Mức kỷ lục năm 1983 là 5,85 m (6)].  Nước sông Hương dâng rất nhanh, có lúc lên đến 1,00 m/giờ.

 

Phúc trình của BCĐPCLBTƯ không đề cập đến các đợt lũ lụt diễn ra trong hạ tuần tháng 10 năm 1999.  Do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc và áp thấp nhiệt đới, mưa to đến rất to rơi xuống các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Định.  Mưa lũ làm chết 3 người và làm ngập nhiều nơi ở Thanh Hóa.  Ngày 17 tháng 10, nước sông Trà Khúc tại cầu Trà Khúc (Quảng Ngãi) lên đến 6,26 m, cao hơn mức báo động III 0,26 m (?) [Mức báo động III là 6,50 m (6)].  Mực nước trong sông Kôn tại Thạch Hòa (Bình Định) lên đến 6,80 m, cao hơn mức báo động III 3,00 m (7) (?) [Mức báo động III là 7,00 m (6)].  Tính đến ngày 18 tháng 10, có 4 người chết và 3 người bị mất tích ở Quảng Ngãi (8).  Tiếp theo là ảnh hưởng của bão Eve.  Bão nầy hình thành ở Biển Đông cách Manila khoảng 170 km về hướng tây-tây bắc vào ngày 17 tháng 10 năm 1999 và di chuyển về phía tây.  Bão đổ bộ vào Việt nam gần Đà Nẵng vào chiều ngày 19 tháng 10 năm 1999, di chuyển về phía tây bắc, yếu dần rồi tan đi trong đất liền (Hình 3) (9).  Những trận mưa to do bão Eve mang theo đã làm cho mực nước trong các sông Bồ (Thừa Thiên), sông Vũ Gia và Thu Bồn (Quảng Nam), sông Trà Khúc và Vệ (Quảng Ngãi) vượt mức báo động III, gây ngập lụt và thiệt hại ở các tỉnh Thừa Thiên, Huế, Đà Nẵng, và Quảng Ngãi.  Tính đến ngày 20 tháng 10 năm 1999, có 7 người chết ở Quảng Ngãi (10).  Ở Quảng Bình, số người chết lên đến 9 người tính đến ngày 27 tháng 10 năm 1999 (11).

 

Vào đầu tháng 12 năm 1999, lũ lụt do nước mưa của áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào duyên hải miền Trung vào cuối tháng 11 (Hình 4) lại tàn phá các tỉnh miền Trung từ Thừa Thiên đến Khánh Hòa.  Lũ trên các sông lên cao và đều ở trên mức báo động III.  Sông Trà Khúc có thể lên đến 8,00 m; sông Vệ tại cầu sông Vệ có thể lên đến 5,80 m (tương đương với mức kỷ lục năm 1964) (?) [Mức kỷ lục năm 1964 là 6,63 m (6)]; sông Kôn tại Thạch Hòa có thể lên đến 8,50 m (trên mức báo động III khoảng 1,00 m) (?) [Mức báo động III là 7,00 m (6)]; sông Đà Rằng (Ba) tại Củng Sơn có thể lên đến 35,50 m (trên mức báo động III khoảng 2,50 m) (12) (?) [Mức báo động III là 32,00 m (6)].  Tin tức mới nhất cho biết đã có 109 người chết và thiệt hại ước tính lên đến 10 triệu Mỹ Kim trong đợt lũ lụt nầy (13).

Hình 2. Vùng bị bảo miền Trung.

                                                                                        Nếu đỉnh lũ trong sông được dùng để thẩm định mức độ của lũ lụt miền Trung, thì trận lũ lụt 1999 vừa qua chưa phải là “cơn hồng thủy.”  Nó kém hơn các trận lũ lụt 1964, 1968, và 1983.  Theo tiêu chuẩn chính thức về lũ lụt của Văn phòng Thường trực BCĐPCLBTƯ (6), trận “hồng thủy” 1964 đã tạo kỷ lục cho đỉnh lũ trong hầu hết các sông miền Trung như sông Bồ (6,50 m tại Phù Ốc), Vũ Gia (11,44 m tại Ái Nghĩa), Thu Bồn (11,25 m tại Giao Thủy và 6,65 m tại Câu Lâu), Trà Bồng (9,58 m tại Châu Đốc), Trà Khúc (8,82 m tại cầu Trà Khúc), Vệ (6,63 m tại cầu sông Vệ), và Lại (9,40 m tại Bồng Sơn).  Trận lũ lụt 1968 đã tạo kỷ lục cho đỉnh lũ của sông Thạch Hãn tại Quảng Trị (7,17 m), và trận lũ lụt 1983 đã tạo kỷ lục cho đỉnh lũ của sông Hương tại Huế (5,85 m).

 

                                                                                        Trận lũ lụt 1999 chỉ phá kỷ lục của đỉnh lũ trong hai sông Thạch Hãn và Hương; tuy nhiên, kỷ lục mới không cao hơn kỷ lục cũ bao nhiêu.  Thật vậy, đỉnh lũ 1999 của sông Thạch Hãn tại Quảng Trị cao hơn kỷ lục năm 1968 chỉ có 12 cm.  Còn đỉnh lũ 1999 của sông Hương tại Huế cao hơn kỷ lục năm 1983 chỉ có 9 cm.  Trên phương diện thủy học, sự chênh lệch nầy hầu như vô nghĩa!!!

 

                                                                                        Nếu chiều sâu của nước lụt được dùng để thẩm định mức độ của lũ lụt miền Trung, thì trận lũ lụt 1999 vừa qua quả thật là một “cơn đại hồng thủy!!!”  Thật vậy, trong lịch sử lũ lụt miền Trung, chưa bao giờ Quốc lộ 1 bị ngập dưới 2,00 m nước!!!  Có nhiều dấu hiệu cho thấy không chỉ tại “ông trời” (Mother Nature) mà còn do một số “ông” khác, trong đó có lẽ “ông Thủy lợi” là “chủ yếu.”

 

Không cần phải là chuyên viên thủy lợi hay thủy học, người dân miền Trung bình thường cũng đã bắt đầu nhận ra những dấu hiệu đó.  Một cán bộ Liên đoàn Lao động Quảng Trị nhận xét rằng “...Quảng Trị mình từ ngày hoàn thành xong công trình Đại thủy nông Nam Thạch Hãn, đồng ý là chủ động nước tưới cho hàng chục nghìn hecta lúa năng suất cao, nhưng năm nào có lũ là ngập băng, thiệt hại vô chừng vô kể... Đáng ra, nên mở một cửa nước qua kênh N1 thì thiệt hại sẽ giảm nhiều.”  (Hình 5) Một ông lái đò dọc trên sông Thạch Hãn cho biết, sở dĩ Quảng Trị thường bị ngập “...là vì chặn dòng chảy của sông Thạch Hãn nầy.  Ngày xưa, khi có lũ, cửa sông Thạch Hãn mở rộng, nước thoát nhanh ra biển, nay bị bờ kênh N1 chặn lại, mới mưa mà nước đã trắng xóa.” (14)  Một người dân ở Phường 1 Thị xã Quảng Trị cho biết “...Nếu không có sự cố đê Nam Thạch Hãn bị vỡ và “chia” lũ cho nhân dân Triệu Phong chắc chắn cả thị xã Quảng Trị sẽ bị nhấn chìm trong bể nước.” (15)

                                                                                          Một dấu hiệu quan

Hình 3. Đê Thạch Hản.

                                                                                                   Một dấu hiệu quan trọng khác mà người dân miền Trung có thể chưa nhận ra.  Đó là dự án củng cố và nâng cao 454 km đê biển dọc theo duyên hải miền Trung.  Dự án nầy dường như được Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tài trợ từ năm 1992 (Dự án VIE/92/023).  “Trong ba năm đầu tiên của dự án, UNDP sẽ trợ giúp phục hồi và nâng cấp đê biển và đập ngăn mặn ở cửa sông trong 7 tỉnh nghèo nhất của miền Trung Việt Nam bị thiệt hại nặng do bão lụt hàng năm... Vào tháng 8 năm 1996, UNDP gia hạn cho dự án từ 3 năm lên 5 năm để bao gồm 5 tỉnh phía Bắc.  Ngân khoản 349 ngàn Mỹ Kim tài trợ bổ túc được dùng để trợ giúp kỹ thuật cho một dự án mới của Chương trình Thực phẩm Thế giới (WFP) nhằm phục hồi và nâng cấp 361 km đê biển của 5 tỉnh phía Bắc.” (16)  Nếu 454 km đê biển nầy đã được củng cố và nâng cao để đủ sức ngăn chận nước biển tràn vào các vùng thấp dọc duyên hải; thì ngược lại, nó cũng có khả năng ngăn chận nước lũ và nước lụt thoát ra biển, làm cho mực nước lụt dâng cao hơn và thời gian ngập lụt kéo dài hơn.

 

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHỦ ĐỘNG PHÒNG TRÁNH THIÊN TAI?

 

Người dân miền Trung có lẽ đã “quen” với khẩu hiệu “phòng chống thiên tai” từ hơn 20 năm qua.  Ở cấp quốc gia thì có BCĐPCLBTƯ, ở cấp tỉnh thì có Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh, và ở cấp thành phố thì có Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão thành phố.  Đó là chưa kể đến các Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão quận, huyện, xã, ấp... (?)  Mỗi khi có mưa to gió lớn và nước sông dâng cao thì các ban chỉ đạo nầy bắt đầu làm việc!!!  Thí dụ như “Từ ngày 15-17/10, do ảnh hưởng gió mùa đông Bắc và áp thấp nhiệt đới, ở thành phố Đà Nẵng có mưa to trên diện rộng, nước các sông đều dâng cao.  Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão thành phố Đà Nẵng đã khẩn trương triển khai đến các biện pháp phòng chống cơn bão số 9” (7).  Thế nhưng chiều ngày 19/10, “...bão số 9 tiến thẳng vào bờ biển các tỉnh duyên hải miền Trung từ Quảng Bình đến Khánh Hòa với sức gió xoáy mạnh cấp 6-cấp 9...” và gây thiệt hại nặng nề cho miền Trung (9).  Phải chăng đây là lý do khiến người dân miền Trung đã treo trước mặt câu hỏi đó, trong lúc mặt của họ vẫn còn ướt sũng nước mưa và... nước mắt!!!

 

Trước khi đề cập đến câu hỏi, tưởng cũng nên làm sáng tỏ ý nghĩa của hai chữ “phòng” và “chống.”  Trong bài nầy, chữ “phòng” được hiểu là “ngăn ngừa không cho một việc gì xãy ra.”  Thí dụ như “phòng hỏa” có nghĩa là ngăn ngừa không cho hỏa hoạn xãy ra.  Chữ “chống” được hiểu là “đương đầu hay đánh trả lại.”  Nó còn tiềm ẩn ý nghĩa “sức mạnh” hay “khả năng,” điều kiện ắt có và đủ để “chống.”  Thí dụ như “chống giặc” có nghĩa là đương đầu với giặc hoặc đánh trả lại nếu bị giặc đánh, và đương nhiên, phải có một lực lượng đáng kể.  Nếu không có lực lượng thì chỉ có thể dùng thượng sách mà thôi, chạy!!!

                                                Hình 4. Lụt miền Trung 99.

Với ý nghĩa đó và với trình độ kỹ thuật của nhân loại hiện
nay, có thể nói một cách chắc chắn rằng, chưa có một biện pháp nào, chủ động hay thụ động, có thể “phòng thiên tai” như bão, lụt, hạn hán, động đất, núi lửa, sóng thần,...  Lý do rất đơn giản là vì nhân loại chưa có cách nào, và có thể sẽ không bao giờ, ngăn ngừa các hiện tượng thiên nhiên như bão, lụt, hay động đất xãy ra.  Các quốc gia tiền tiến đã thành công phần nào trong việc theo dõi sự hình thành và di chuyển của các trận bão và tiên đoán lũ lụt trong các lưu vực sông; nhưng họ vẫn chưa tìm ra một phương pháp dù chỉ để tiên đoán một số hiện tượng thiên nhiên khác, thí dụ như lúc nào và ở đâu sẽ có động đất hoặc lúc nào núi lửa sẽ phun trở lại.  Họ đang tiếp tục “mò mẫm” một cách kiên nhẫn và... tốn kém!!!

 

Cũng với ý nghĩa đó, có thể nói một cách chắc chắn rằng, không có một phương pháp nào có thể “chống thiên tai,” vì sức người thì có hạn mà sức mạnh của thiên nhiên thì vạn năng!!!  Trong suốt chiều dài lịch sử, nhân loại nói chung và dân tộc Việt nam nói riêng luôn luôn tìm cách “chế ngự” thiên nhiên để sinh tồn.  Con người có thể “xẻ núi lấp sông,” nhưng đứng trước thiên nhiên, con người vẫn chỉ là một sinh vật thật nhỏ bé.  Con người vẫn còn bị gió bão cuốn bay, con người vẫn còn bị nước lũ cuốn trôi, và con người vẫn còn bị sóng thần vùi dập.  Nếu con người có thể làm giảm sức mạnh của thiên nhiên trong một nhất thời nào đó, sức mạnh đó không hoàn toàn bị triệt tiêu mà chỉ tiềm ẩn và tích tụ để chờ dịp “bộc phá!!!”  Thành ngữ “mạnh như nước vỡ bờ” trong tiếng Việt diễn tả điều đó một cách đầy đủ nhất.

 

Có lẽ trong một tương lai nào đó, hoài bão “khuất phục” thiên nhiên của con người có thể biến thành sự thực.  Nhưng hiện nay, cái hoài bão đó vẫn còn trong giấc mơ!!!  Do đó, con người vẫn còn phải “đối diện” với thiên nhiên.  Và nếu phải học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia tiên tiến trong việc đối diện với thiên nhiên, điều đầu tiên cần học phải là: Do not mess with Mother Nature.  Nói một cách bình dân và dễ hiểu trong tiếng Việt: Đừng giỡn mặt với...trời!!!  Bởi vì giỡn mặt với trời thì có ngày...vỡ mặt!!!

 

LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIẢM THIỂU THIỆT HẠI THIÊN TAI Ở MIỀN TRUNG?

 

Nếu không có cách gì để “phòng chống thiên tai” thì có cách gì giúp cho người dân miền Trung bớt đau thương vì bão lũ hay không?  Câu trả lời là có, vì tuy không có cách nào để “phòng chống” thiên tai, nhưng lại có nhiều cách để “giảm thiểu thiệt hại” một khi thiên tai xãy ra.

Làm thế nào để giảm thiểu thiệt hại thiên tai ở miền Trung?  Một câu hỏi tưởng chừng như rất dễ để trả lời; nhưng trong thực tế thì lại rất khó khăn và phức tạp.  Ngoài tinh thần phục vụ, nó còn đòi hỏi khả năng, nhất là khả năng chuyên môn.  Người dân miền Trung có thể có thừa tinh thần phục vụ, nhưng lại rất thiếu thốn về khả năng; chắc chắn, họ không thể nào trả lời được câu hỏi.  Mà thật ra, người dân miền Trung đâu phải bận tâm để tìm câu trả lời vì họ có một “chánh quyền của nhân dân đang chăm lo phúc lợi cho họ!!!”  Chánh quyền có trách nhiệm tìm ra những câu trả lời thỏa đáng cho họ.

 

Với một chánh quyền có “tinh thần phục vụ” như vậy, tại sao người dân miền Trung vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng?  Vấn đề thật rõ ràng, bởi vì chánh quyền chưa có đủ khả năng để làm việc đó!!!  Cho nên, việc đầu tiên cần phải làm để giảm thiểu thiệt hại thiên tai ở miền Trung là tăng cường và cải thiện khả năng của chánh quyền các cấp từ trung ương đến địa phương.  Nói một cách tổng quát, cần phải tăng cường và cải thiện khả năng của chánh quyền về chỉ đạo (approach or policy making), quy hoạch và quản trị (planning and management), khoa học và kỹ thuật (engineering and technology), và tài chánh (financing).

 

Cấp lãnh đạo chánh quyền phải có tầm nhìn xa (vision) và thực tế, phải có khả năng đề ra đường lối thích hợp với hoàn cảnh, và phải có khả năng thích ứng một cách nhanh chóng và hiệu quả với những thay đổi.  Có thể nói, đây là một trong những yếu tố quyết định dẫn đến thành công hay thất bại.  Một chánh quyền hữu hiệu cũng cần có một đội ngũ chuyên viên (từ cao cấp đến sơ cấp) có khả năng chuyên môn và giàu kinh nghiệm để soạn thảo những kế hoạch toàn hảo nhất, để thực hiện những kế hoạch với khoa học và kỹ thuật tân tiến nhất có thể ứng dụng trong điều kiện của đất nước, và để điều hành và quản trị những dự án và kế hoạch một cách có hiệu quả nhất.  Điều quan trọng là tiếng nói của đội ngũ chuyên viên nầy cần phải được lắng nghe và tôn trọng.  Sau cùng, một chánh quyền hữu hiệu cũng cần có một chính sách về tài chánh thích hợp để có thể tài trợ các kế hoạch và dự án được đề ra, bởi vì, không tiền thì không thể làm được gì cả!!!

 

Song song với việc tăng cường và cải thiện khả năng của chánh quyền các cấp, có nhiều việc cần phải làm và có thể làm được trong khả năng hiện có để giảm thiểu thiệt hại thiên tai ở miền Trung.  Những việc nầy có thể được tóm lược một cách đại cương như sau:

 

1. Trung tâm Tiên đoán Bão lụt miền Trung

 

Thiết lập một Trung tâm Tiên đoán Bão lụt miền Trung mà Đà Nẵng có lẽ là vị trí lý tưởng nhất cho trung tâm nầy.  Trung tâm sẽ gồm có hai bộ phận chính: Bão và Lụt.  Bộ phận Bão sẽ có nhiệm vụ theo dõi sự hình thành, cường độ, và quỹ đạo của bão và tiên đoán càng sớm càng tốt tác động và ảnh hưởng (phạm vi, vận tốc gió tối đa, lượng mưa) nếu bão đổ bộ vào bờ biển Việt Nam.  Bộ phận Bão cần có một đội ngũ chuyên viên được huấn luyện chu đáo và đầy đủ và phải được trang bị những dụng cụ đo đạc và truyền thông tinh vi và tối tân nhất để thu thập và giải đoán dữ kiện, nhất là các dữ kiện do các vệ tinh thời tiết gửi về trái đất.  Trong lúc ban đầu, bộ phận Bão có thể nhờ đến sự trợ giúp, nhất là về phương diện kỹ thuật và huấn luyện, của các cơ quan quốc tế thí dụ như Hong Kong Observatory và Joint Typhoon Warning Center, trong đó, Hong Kong Observatory là quan trọng nhất vì vùng quan sát của cơ quan nầy bao gồm Biển Đông ngoài khơi Việt Nam.

 

Bộ phận Lụt sẽ có nhiệm vụ tiên đoán lưu lượng và mực nước lũ trong các sông và mực nước lụt trong các đồng lụt (floodplains) dựa trên các tiên đoán của bộ phận Bão.  Bộ phận Lụt cần có một đội ngũ chuyên viên được huấn luyện chu đáo và đầy đủ hơn; nhưng ngược lại, bộ phận nầy không đòi hỏi trang bị tinh vi và tối tân như bộ phận Bão.  Bộ phận Lụt cần rất nhiều dữ kiện đồng bộ (simultaneous) về lượng mưa trong lưu vực sông, lưu lượng và mực nước ở các trạm đo đạc dọc theo sông, và mực nước lụt ở các vùng lụt trong các trận lụt đã xãy ra.  Các dữ kiện nầy rất cần thiết để “xác định thông số” (calibrate) và “kiểm chứng” (verify) mức độ tin cậy và chính xác của các mô hình toán dùng cho việc tiên đoán lũ lụt trong các lưu vực sông.  Công việc nầy đòi hỏi rất nhiều thời gian.  Trong khi chờ đợi, bộ phận Lụt có thể trang bị những máy đo mực nước tối tân tại một số trạm đo đạc chính yếu (key stations) từ thượng lưu đến hạ lưu.  Các máy nầy có thể đo mực nước sông tại các trạm rồi chuyển ngay về trung tâm điều khiển qua vệ tinh viễn thông (real time).  Như vậy, bộ phận Lụt có thể theo dõi và tiên đoán sự di chuyển của nước lũ trong các sông.  Nếu chưa có khả năng để thiết trí các máy đo mực nước tối tân như vậy, bộ phận Lụt có thể đặt các quan sát viên (observers) với phương tiện truyền tin đáng tin cậy để họ có thể báo cáo mực nước sông tại các trạm theo một lịch trình đã được ấn định.  Dĩ nhiên, các thước đo mực nước tại các trạm nầy phải được trồng một cách vững chắc để có thể chịu đựng được sức nước lũ.

Hình 5. Theo dỏi trận bảo bằng vệ tinh.

Sau khi tiên đoán, Trung tâm sẽ thông báo
khẩn cấp đến các cơ quan liên hệ và các địa phương có thể bị ảnh hưởng bằng phương tiện truyền tin tân tiến, dễ sử dụng, và đáng tin cậy nhất.  Hiện nay, dường như Việt Nam đang dùng một hệ thống báo động khẩn cấp dựa trên máy điện toán (a computer based emergency warning) qua mạng lưới Internet do UNDP (dự án VIE/93/031) trợ giúp (17).  Mặc dù hệ thống nầy rất tân tiến, nó không thích hợp vì khó sử dụng (nhất là trong lúc bối rối!!!) và không tin cậy vì máy điện toán và đường dây điện thoại rất dễ bị hư trong mưa bão.  Phương tiện truyền tin lý tưởng nhất là một hệ thống liên lạc vô tuyến trực tiếp (gồm hệ thống chính và phòng hờ) từ trung tâm đến các cơ quan và địa phương có thể sử dụng bất cứ lúc nào dưới mọi tình huống và điều kiện thời tiết. 

 

2. Trung tâm Tạm trú An toàn

 

Ấn định những Trung tâm Tạm trú An toàn tại những vùng bão lụt để người dân miền Trung có nơi lánh nạn khi thiên tai xãy ra.  Những trung tâm nầy phải ở một nơi cao hơn mức nước lụt cao nhất và có đủ sức để chịu được gió bão lớn.  Trước hết nên tập trung vào những vùng có đông dân cư.  Các trường học, công sở, cơ quan hành chánh, hoặc doanh trại của quân đội có thể được biến cải để dùng làm Trung tâm Tạm trú An toàn khi thiên tai xãy ra.  Các trung tâm nầy cần phải có những tiện nghi tối thiểu như y tế, điện nước (gia dụng và nước uống), thực phẩm, nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh,... đủ cho số người mà trung tâm dự trù thu nhận.  Việc điều hành các trung tâm nầy cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chánh quyền địa phương và phải được phân định rõ ràng trong Kế hoạch Khẩn cấp ở địa phương đó.

 

3. Kế hoạch Khẩn cấp

 

Soạn thảo Kế hoạch Khẩn cấp (Emergency Plans) từ trung ương đến địa phương để “đối phó” với thiên tai (ở miền Trung, chính yếu là bão lụt).  Mục đích chính của Kế hoạch Khẩn cấp là giảm thiểu thiệt hại về nhân mạng mà thiên tai có thể gây ra.  Các Kế hoạch Khẩn cấp phải đề ra những công tác cần phải làm khi thiên tai sắp sửa xãy ra, trong lúc thiên tai đang hoành hành, và khi thiên tai vừa kết thúc; chỉ định các cơ quan có trách nhiệm thi hành những công tác đó; và nhất là phải luôn luôn sẳn sàng để áp dụng bất cứ lúc nào.  Những kế hoạch như vậy dường như chưa có ở Việt Nam, vì trong trận lụt 1999 ở miền Trung, mãi đến ngày 2/11/1999, nghĩa là lúc lụt đang hoành hành, Thủ tướng Chính phủ mới đánh điện khẩn số 1153/CP-NN để chỉ thị BCĐPCLBTƯ và các Bộ, ngành hữu quan,...  “theo chức năng tìm mọi cách giúp đỡ địa phương kịp thời, có hiệu quả.” (3)

 

Kế hoạch Khẩn cấp ở trung ương chỉ nên chú trọng đến công tác yểm trợ cho các Kế hoạch Khẩn cấp ở địa phương như thiết lập một ngân quỷ dự phòng khẩn cấp để có thể tháo khoán kịp thời cho địa phương đối phó với thiên tai; thiết lập những lực lượng dự phòng đặc biệt (kể cả các lực lượng quân đội) để khi cần thiết tăng cường cho địa phương về nhân sự và chuyên môn; thiết lập các kho dự trữ an toàn về thuốc men, lương thực, thực phẩm, và các vật dụng cần thiết để hổ trợ cho các Trung tâm Tạm trú An toàn ở địa phương.  Một Ủy ban Khẩn cấp Quốc Gia (cấp liên Bộ) có lẽ là cơ quan thích hợp nhất để soạn thảo và thực hiện Kế hoạch Khẩn cấp ở trung ương.

 

Kế hoạch Khẩn cấp ở địa phương phải đề ra những công tác cụ thể cần phải làm khi thiên tai sắp sửa xãy ra, trong lúc thiên tai đang hoành hành, và khi thiên tai vừa kết thúc.  Kế hoạch Khẩn cấp ở địa phương có thể được soạn thảo và thực hiện bởi các Ủy ban Khẩn cấp Tỉnh hoặc Thành phố (gồm đại diện các Ty Sở chuyên môn của tỉnh hoặc thành phố) với sự trợ giúp của Ủy ban Khẩn cấp Quốc Gia và sự phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Tiên đoán Bão lụt miền Trung.  Dựa trên tin tức của Trung tâm Tiên đoán Bão lụt miền Trung, các Ủy ban Khẩn cấp Tỉnh hoặc Thành phố chuẩn bị các Trung tâm Tạm trú An toàn, đồng thời dùng mọi phương tiện thông tin để thông báo cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng sẳn sàng di tản để tránh bão hoặc tránh lụt.  Ủy ban Khẩn cấp Tỉnh hoặc Thành phố cần huy động tất cả các phương tiện chuyên chở (công cũng như tư) để đưa đồng bào đến các Trung tâm Tạm trú An toàn càng sớm càng tốt.  Khi bão lụt xãy ra, nhiều toán cấp cứu được trang bị đầy đủ và an toàn phải sẳn sàng để cấp cứu những đồng bào đang lâm nạn hoặc bị kẹt trong những vùng nguy hiểm.  Nên tránh làm “những con người dũng cảm trong bão lũ” (18) để giảm thiệt hại về nhân mạng!!!  Sau khi thiên tai đi qua, Ủy ban Khẩn cấp Tỉnh hoặc Thành phố cần dọn dẹp vùng bị thiệt hại và kiểm soát sự an toàn trước khi đưa đồng bào trở lại nhà.

 

4. Thông tin  đại chúng (Public information)

 

Phổ biến rộng rãi những tin tức thông thường nhưng cần thiết đến người dân trong vùng thường bị thiên tai để giúp họ “đối phó” một cách có hiệu quả hơn với bão lụt.  Cần phải giải thích và thông báo cho người dân biết để họ tránh định cư trên những vùng đất nguy hiểm như các đường thoát lũ và đồng lụt của sông ngòi, các khe núi có thể có gió bão lớn, các dốc núi có thể bị đất chuồi, các vùng thấp dọc bờ biển có thể bị sóng thần,... Cần hướng dẫn người dân những điều đơn giản họ có thể làm được để giảm thiệt hại về nhân mạng và tài sản cho gia đình khi thiên tai xãy ra.  Ủy ban Khẩn cấp Tỉnh hoặc Thành phố có lẽ là cơ quan thích hợp nhất để làm những công tác kể trên.  Phải làm thế nào để các thông báo quan trọng của Ủy ban Khẩn cấp Tỉnh liên quan đến thiên tai sắp xãy ra có thể được người dân biết đến một cách nhanh nhất.  Và có lẽ quan trọng hơn hết là Ủy ban Khẩn cấp Tỉnh hoặc Thành phố nên thiết lập nhiều văn phòng liên lạc ở các nơi tiện lợi để khi cần, người dân có thể liên lạc và nhận được sự trợ giúp từ chánh quyền một cách dễ dàng.  Đó chính là phương cách tốt nhất để tạo sự tin tưởng và thúc đẩy sự hợp tác của người dân với chánh quyền, một trong những yếu tố quan trọng cho sự thành công, không những cho Kế hoạch Khẩn cấp mà còn cho các chương trình và kế hoạch khác.

 

5. Tổng kết tình hình lũ lụt miền Trung 1999

 

Tổng kết tình hình lũ lụt 1999 ở miền Trung để cung cấp dữ kiện và làm nền tảng cho những công tác nghiên cứu, hoạch định đường hướng, và thiết lập kế hoạch trong tương lai.  Trước hết, tổng kết cần chú trọng đến việc thu thập dữ kiện về khí tượng và thủy học như lượng mưa và cường độ mưa tại các trạm trong lưu vực sông; mực nước sông tại các trạm đo đạc, đặc biệt là mức nước cao nhất; và mực nước lụt tại các vùng bị lụt, đặc biệt là mức nước lụt cao nhất.  Nếu có thể được, nên thu thập các không ảnh chụp từ vệ tinh có loại hình và tỉ lệ thích hợp trong suốt thời gian lũ lụt để dùng vào việc nghiên cứu diển tiến của lũ lụt.  Tổng kết cũng cần thu thập dữ kiện về các thiệt hại do lũ lụt gây ra.  Những nơi mà nước lũ cắt thành dòng sông mới, các cửa sông mới, các nơi bị sạt lở, các bãi bồi,... phải được kiểm tra và ghi nhận.  Cách tốt nhất là dùng không ảnh chụp từ cao độ thích hợp để thiệt hại được nhận thấy rõ ràng.   Sau cùng, các thiệt hại về nhân mạng và tài sản cần phải được tổng kết một cách thích hợp để có thể dùng vào việc nghiên cứu và thiết lập kế hoạch trong tương lai.  Đây là công tác mà GIS (geographic information system) có thể đóng một vai trò quan trọng và hữu ích.

 

Việc tổng kết cần được thực hiện càng sớm càng tốt và càng nhanh càng tốt, vì phần lớn nó sẽ dựa theo sự quan sát và những dấu vết còn sót lại.  Nếu không được ghi nhận, sự quan sát còn trong trí nhớ và các dấu vết sẽ phai đi rồi mất theo thời gian.

 

6. Biện pháp cấp thời

 

Dựa trên phúc trình tổng kết lũ lụt 1999 ở miền Trung, chánh quyền có thể đưa ra một số biện pháp cấp thời nhưng tương đối dễ thực hiện, và có thể nói một cách chắc chắn rằng, những biện pháp nầy sẽ giảm thiểu thiệt hại về nhân mạng và tài sản của người dân miền Trung nếu lũ lụt tương tự như lũ lụt 1999 xãy ra trong năm 2000 và về sau.  Những biện pháp nầy gồm có:

 

a.       Khuyến khích và giúp đở người dân trong những đường thoát lũ của các sông miền Trung trong trận lũ lụt 1999 vừa qua tái định cư ở những nơi khác an toàn hơn.

 

b.       Giữ nguyên trạng những đường thoát lũ (cũ cũng như mới) của các sông nầy.  Điều đó có nghĩa là không sửa chữa các đoạn bị sạt lở, không lấp lại các đoạn sông hoặc cửa biển mới, và nhất là không cho phép bất cứ một công trình mới nào (dù nhỏ hay lớn) được xây dựng trong các đường thoát lũ.  Nếu có điều kiện, cải thiện khả năng thoát lũ của chúng bằng cách dẹp bớt các chướng ngại vật như  nhà cửa hoặc các công trình thủy lợi, chẳng hạn như đê đập ngăn mặn.

 

7. Tác động của công trình

 

Duyệt xét lại tác động của tất cả các công trình thủy nông đã, đang, và sẽ thực hiện trong các lưu vực sông miền Trung; của hệ thống đê biển dọc duyên hải miền Trung; và của hệ thống đường lộ, đường xe lửa, và cầu cống lên tình trạng lũ lụt ở miền Trung.  Mục đích chính của công việc nầy là chấm dứt việc “hà hơi tiếp sức” cho lũ lụt, do đó, thiệt hại do lũ lụt gây ra có thể được giảm thiểu.  Trước mắt là công trình “Đại thủy nông Nam Thạch Hãn,” hệ thống 454 km đê biển dọc theo 7 tỉnh miền Trung, và kế hoạch nâng cao mặt lộ bị ngập trong phúc trình của BCĐPCLBTƯ lên Quốc Hội ngày 22 tháng 11 năm 1999 (5).  Nếu cần, các kế hoạch và công trình nầy phải được điều chỉnh, cải thiện, hoặc hủy bỏ.

 

Với những vùng đồng bằng dọc duyên hải, kinh nghiệm của Dự án Châu thổ (Delta Plan) của Hòa Lan có thể được nghiên cứu để áp dụng.  Điểm chính yếu của dự án là một hệ thống cửa ngăn sóng biển khổng lồ dài 9 km.  Các cửa nầy luôn luôn được mở để thủy triều có thể tự do thông thương và chỉ được đóng lại khi nước biển dâng cao (1).

 

8. Quy hoạch sử dụng đất

 

Xúc tiến công tác quy hoạch sử dụng đất (land use planning) mà trước nhất là ấn định những đường thoát lũ (floodways) và đồng lụt (floodplains) của các sông và những vùng dễ ngập lụt dọc theo bờ biển ở miền Trung.  Kết quả tổng kết tình hình lũ lụt ở miền Trung có thể dùng làm nền tảng cho việc ấn định những đường thoát lũ và đồng lụt nầy.  Để giảm thiểu thiệt hại thiên tai trong tương lai, tuyệt đối tránh xây bất cứ một công trình nào, dù lớn hay nhỏ, trong những đường thoát lũ.  Nên tránh thiết lập các khu gia cư hoặc kỹ nghệ có giá trị cao trong những đồng lụt.  Nếu phải quy hoạch các khu gia cư và kỹ nghệ có giá trị cao trong đồng lụt, các khu nầy cần được bảo vệ một cách thích hợp.  Đối với những khu đông dân cư và các khu kỹ nghệ có giá trị cao hiện đang nằm trong đồng lụt và những vùng thấp dọc theo bờ biển, cần phải có những biện pháp thích hợp để bảo vệ các khu nầy.

 

9. Quy cách xây dựng cho vùng bão lụt                                                         

 

Soạn thảo quy cách xây dựng (building codes) đặc biệt cho các vùng bão lụt và thúc đẩy việc áp dụng các quy cách nầy.  Mục đích chính của công việc nầy là giảm thiểu thiệt hại về tài sản vật chất, nhưng nó cũng giúp giảm thiểu thiệt hại về nhân mạng.  Dự án Kỹ thuật Xây cất chịu Bão (Typhoon-Resistant Construction Technologies) (Dự án UNDP VIE/97/002) được chính phủ Việt Nam và UNDP chấp thuận và đang tìm nguồn tài trợ có thể được xem là bước khởi đầu thích hợp cho công tác nầy. (19)

 

Sau khi được soạn thảo, các quy cách nầy trước nhất phải được áp dụng cho tất cả các công trình công cộng như trường học, bệnh viện, công sở, và các công trình có thể được dùng làm Trung tâm Tạm trú An toàn sau nầy.  Đối với các công trình tư nhân, chánh quyền cần khuyến khích và giúp đở, nhất là trên phương diện kỹ thuật, để người dân có thể xây cất hoặc cải thiện nhà ở của họ theo đúng các quy cách nầy.  Nếu cần, chánh quyền có thể dùng biện pháp hành chánh (giấy phép xây cất và kiểm tra) để các quy cách xây dựng được áp dụng một cách triệt để.  Cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng để quy cách xây dựng có tính thực tế, uyển chuyển, và phù hợp với điều kiện địa phương.  Thí dụ như nhà với nền bê tông và vách tường chắc chắn ít bị thiệt hại hơn nhà nền đất và vách đất khi bị lụt; tuy nhiên, nhà nền đất và vách đất vẫn có thể còn thích hợp với điều kiện ở nhiều vùng ở Việt Nam hiện nay vì nó ít tốn kém, dễ xây cất, và sử dụng vật liệu tại chổ.

 

10. Kế hoạch phát triển và quản trị lưu vực   

 

Soạn thảo kế hoạch phát triển và quản trị lưu vực có tính đa dụng trong đó kiểm soát và điều hòa lũ lụt là một mục đích.  Mục đích nầy phải tương hợp (compatible) với những mục đích khác như thủy nông, thủy điện, cấp thủy, thủy vận, ngư nghiệp, giải trí, kiểm soát ô nhiểm,...  Công việc đầu tiên cho công tác nầy là soạn thảo và thực hiện một chương trình thu thập dữ kiện căn bản (data collection program) mà quan trọng nhất là dữ kiện về thủy học.

 

Kế hoạch quản trị lưu vực không thể thiếu việc quản trị đồng lụt (floodplain management) mà mục đích chính là giảm thiểu chi phí trong việc sử dụng các đồng lụt.  Các chi phí nầy gồm có chi phí dùng để phát triển lúc ban đầu, chi phí để ngừa lụt, thiệt hại do lũ lụt gây ra, và chi phí dùng vào việc cứu trợ và phục hồi.  Việc sử dụng các đồng lụt bị ngập định kỳ không hẳn là bất lợi về mặt kinh tế, bởi vì cái lợi do các đồng lụt mang lại có thể cao hơn thiệt hại của các trận lụt định kỳ.

 

Các biện pháp quản trị đồng lụt phải được soạn thảo qua một cuộc nghiên cứu cẩn thận từng đồng lụt.  Các biện pháp có thể thay đổi từ nơi nầy sang nơi khác tùy theo địa hình và địa thế của đồng lụt, đặc tính thủy học của sông, và cách thức sử dụng đồng lụt.  Việc nghiên cứu nầy phải đi trước hoặc là một phần của việc nghiên cứu các biện pháp kiểm soát và điều hòa lũ lụt.  Việc nghiên cứu quản trị đồng lụt không chỉ chú trọng đến gia cư mà còn phải chú trọng đến kỹ nghệ, thương mại, giao thông, phương tiện cấp thoát nước, đổ rác, và các hoạt động khác có liên quan đến việc sử dụng đất cho gia cư và nông nghiệp.

 

11. Kiểm soát và điều hòa lũ lụt

 

Nghiên cứu và thực hiện một cách kỹ lưỡng các biện pháp kiểm soát và điều hòa lũ lụt (flood controls) bởi vì các biện pháp có khi có hiệu quả ở nơi nầy nhưng lại gây tác hại ở nơi khác.  Các biện pháp căn bản có thể bao gồm đấp đê, cải thiện lòng lạch, xây đập và hồ chứa nước, xây đường thoát lũ, và quản trị lưu vực (20).

 

Đấp đê có lẽ là biện pháp được áp dụng lâu đời nhất (Hình 6).  Hơn 4.000 năm trước, người Trung Hoa đã đấp đê dọc theo Hoàng Hà với giả thiết là sự thu hẹp dòng chảy sẽ khiến cho sông tự đào sâu để tăng cường khả năng thoát lũ.  Nhưng kết quả đã đi ngược lại vì đáy sông dâng lên.  Lý do là phù sa của sông, thay vì được trải đều cho toàn thể đồng lụt, nay phải bồi lắng trong lòng sông.  Có nơi, đáy sông Hoàng dâng cao hơn mặt đất tự nhiên đến 21 m.  Năm 1887, một trong những trận lụt khủng khiếp nhất lịch sử đã xãy ra khi đê Hoàng Hà bị vỡ và làm thiệt mạng hơn một triệu người (1).  Có lẽ đây cũng là kinh nghiệm của hệ thống đê điều ở miền Bắc, nhưng may mắn, nó ở một mức độ thấp hơn.

 

Mặc dù vẫn còn được sử dụng một cách rộng rãi, các trận lụt trong năm 1993 ở thung lũng sông Mississippi ở Hoa Kỳ đã minh chứng rằng đê điều không thôi không đủ để kiểm soát và điều hòa lũ lụt ở các sông lớn.  Nó cần đến sự kết hợp của các biện pháp khác như xây đập, cải thiện lòng lạch, xây các đường thoát lũ, và quản trị lưu vực. 

Hình 6. Mẩu đập điều hòa lủ lụt.

                                                                                        Từ trước đến nay, đập được xây với mục đích chính là tạo nên các hồ chứa nước dùng cho thủy điện, thủy nông, và cấp thủy.  Nhưng gần đây, có nhiều đập được xây chỉ để kiểm soát và điều hòa lũ lụt (Hình 7).  Phương pháp hữu hiệu nhất để kiểm soát lũ lụt là một hệ thống đập và hồ chứa ở thượng nguồn có đủ khả năng để chứa nước lũ trong các trận mưa to.  Số lượng nước nầy sau đó sẽ được xả xuống hạ lưu trong mùa khô.  Bình thường, các đập ở phụ lưu chỉ được điều hành để sản xuất thủy điện hoặc cung cấp nước cho các mục đích khác.  Trong mùa lũ lụt, các đập nầy được điều hành để trì hoãn nước lũ.  Các đập ở đầu nguồn sẽ giữ nước lũ, trong khi nước trong các hồ chứa ở cuối nguồn được xả ra một cách từ từ cho đến hết.  Sau đó, nước lũ trong các hồ chứa đầu nguồn sẽ được xả xuống sông chính qua các đập ở hạ lưu.

 

Nếu cần, lòng lạch của sông chính phải được cải thiện để tăng cường khả năng thoát lũ của nó.  Những biện pháp dùng để cải thiện lòng lạch có thể là tráng đáy (lining), nạo vét (deepening), chỉnh hướng (straightening), hoặc một sự kết hợp của các biện pháp nầy.

 

Một biện pháp khác có thể dùng để kiểm soát và điều hòa lũ lụt là xây những đường thoát lũ để “chia” nước lũ với các sông hoặc lưu vực khác.  Ngoài ra, sông có thể được mở rộng ở một vài nơi để nước lũ có thể tràn bờ và làm ngập vài vùng hạn chế đã được tính toán trước.  Biện pháp nầy đã được người Ai Cập sử dụng từ nhiều ngàn năm nay.  Biện pháp nầy không những tránh cho các vùng khác khỏi bị lụt lội mà còn giúp cho đất đai trong vùng bị ngập phì nhiêu vì phù sa trong nước lũ rất màu mỡ.  Phải chăng đây là điều mà ông Xanh chủ đò trong phóng sự “Cãi nhau với... trời” đã ám chỉ khi ông nói: “Cãi nhau với trời làm chi.  Làm răng để gò cổ cơn lũ xuống, cởi lên đầu lên cổ nó để làm ăn mới hay chớ.” (14)

 

Ngoài các biện pháp vừa nêu, có một biện pháp gây nhiều tranh luận cần được đề cập đến.  Đó là việc trồng cây gây rừng và phủ xanh mặt đất (reforestation and vegetal cover).  Trong nhiều năm qua, một số chuyên viên cho rằng nạn phá rừng là nguyên nhân chính của lũ lụt. Nhưng cũng có một số chuyên viên lỗi lạc không kém lại cho rằng việc phủ xanh mặt đất hầu như không có ảnh hưởng gì đến lũ lụt, vì những trận lũ lụt lớn trong lịch sử đã xãy ra trước khi nền văn minh tân tiến bắt đầu phá rừng và khẩn hoang (20).

 

Không ai có thể phủ nhận việc cây cối hút độ ẩm của đất và làm cho đất xốp, do đó, nước mưa thấm xuống đất nhiều hơn.  Cây cối cũng gia tăng sự hao hụt nước mưa do hấp thụ (interception loss); cho nên, lượng nước chảy tràn của một vùng được phủ xanh thì ít hơn lượng nước chảy tràn của một vùng “trọc” có cùng điều kiện.  Có thể nói cây cỏ là một loại “hồ chứa nước” có thể chứa một phần nước chảy tràn mà lẽ ra là một phần của lũ.  Dung tích của loại hồ chứa nầy có thể đáng kể so với lượng nước chảy tràn của các trận lũ nhỏ, nhưng nó không có nghĩa lý gì nếu so với lượng nước chảy tràn của các trận lũ lớn, nhất là các trận lũ theo sau những cơn mưa to.  Như vậy, có thể kết luận rằng, việc phủ xanh mặt đất trong lưu vực chắc chắn sẽ làm giảm chu kỳ và cường độ của các trận lũ lụt nhỏ, nhưng có rất ít ảnh hưởng trên các trận lũ lụt lớn.  Những điểm vừa nêu có vẻ rất phù hợp với lũ lụt miền Trung.  Thật vậy, trận lũ lụt 1999 ở miền Trung vẫn không thể so sánh với trận lũ lụt 1964, lúc đó cây cỏ trong các lưu vực sông miền Trung chắc chắn phải nhiều hơn năm 1999.  Và đợt lũ lụt trong tháng 11 đã xãy ra tiếp theo sau những trận mưa bão vào cuối tháng 10.

 

12. Trợ giúp quốc tế

 

Với khả năng hiện có, chánh quyền cần tranh thủ và tận dụng sự trợ giúp (hoàn lại hoặc không hoàn lại) của các cơ quan quốc tế (chính phủ hoặc phi chính phủ), chẳng những về mặt kỹ thuật mà còn về mặt tài chánh và quản trị, để soạn thảo và thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại thiên tai ở miền Trung.  Nói như thế không có nghĩa là tùy thuộc hoàn toàn vào các cơ quan nầy mà ngược lại chánh quyền, qua các cơ quan chuyên môn, phải chủ động đề ra những dự án khả thi và có hiệu quả cao để thu hút sự trợ giúp, đồng thời giản dị hóa thủ tục hành chánh để việc trợ giúp được dễ dàng và nhanh chóng.  Nếu phải nhờ đến các hãng kỹ sư cố vấn trong cũng như ngoài nước, các cơ quan chuyên môn nầy cần phải có đầy đủ kiến thức và khả năng chuyên môn để duyệt xét dự án từ giai đoạn đề nghị (proposals) cho đến việc thiết lập hồ sơ kỹ thuật và thực hiện để đảm bảo hiệu quả của sự trợ giúp, bởi vì có không ít hãng kỹ sư cố vấn, kể cả các hãng có tiếng tăm, thường chú trọng vào “việc làm” (jobs) hơn là để ý đến kết quả hay hiệu quả của dự án mà họ thực hiện.

 

PHẦN KẾT LUẬN

 

Một lần nữa, thiên tai lũ lụt lại đến với người dân miền Trung.  Tuy nó không phá hết kỷ lục của những trận lũ lụt 1964, 1968, và 1983; trận lũ lụt 1999 đã xãy ra dồn dập trong một vùng rộng lớn và đã gây tổn thất nặng nề về nhân mạng và vật chất.  Trận lũ lụt 1999 cho thấy các “biện pháp phòng chống thiên tai” của các “ban chỉ đạo phòng chống lụt bão” đã “không đạt được kết quả mong muốn!”  Nó cũng cho thấy tác hại của những công trình thủy lợi mà việc xây cất có thể đã không được nghiên cứu một cách cẩn thận.  Và nó cũng cho thấy cái “ưu tư cùng cực” của người dân miền Trung, bởi vì đã hơn 20 năm rồi, “...bao nhiêu cay cực [vẫn còn] đổ lên đầu dân miền Trung vùng lũ” (14).  Như vậy đã quá đủ!!! (Enough is enough!!!)

 

Qua câu hỏi: “Làm thế nào để chủ động phòng tránh thiên tai?” người dân miền Trung muốn “làm một cái gì” để bảo vệ lấy mạng sống và tài sản của mình.  Nhưng người dân miền Trung không thể trực tiếp làm được, vì họ không có đủ khả năng cần thiết.  Tuy nhiên, người dân miền Trung có quyền đòi hỏi và hợp tác với người đại diện cho mình, chánh quyền, để làm công việc đó.  Và đó cũng chính là trách nhiệm của một chánh quyền “do dân và vì dân.”

 

Người dân miền Trung có quyền đòi hỏi chánh quyền phải có một đường lối đúng đắn và thực tế để đối phó với thiên tai.  Đường lối đó không phải là “phòng chống” thiên tai mà phải là “giảm thiểu thiệt hại” do thiên tai có thể gây ra, bởi vì “sức người” không thể nào chống chọi với “sức mạnh của thiên nhiên.”  Và khi đường lối có đúng đắn và thực tế, thì các biện pháp thích hợp mới có thể được đề ra để mang lại hiệu quả mong muốn.

 

Nhưng làm thế nào để giảm thiểu thiệt hại thiên tai ở miền Trung?  Câu hỏi có vẻ thật đơn giản và dễ dàng, nhưng câu trả lời thì lại rất khó khăn và phức tạp.  Nó đòi hỏi cấp lãnh đạo chánh quyền từ trung ương đến địa phương phải có tầm nhìn xa và thực tế, có khả năng đề ra đường lối thích hợp với hoàn cảnh, và có khả năng thích ứng một cách nhanh chóng và hiệu quả với những thay đổi.  Nó đòi hỏi một đội ngũ chuyên viên, từ cao cấp đến sơ cấp, có khả năng chuyên môn và giàu kinh nghiệm để soạn thảo kế hoạch và dự án toàn hảo nhất, để thực hiện kế hoạch và dự án với khoa học kỹ thuật tân tiến nhất có thể ứng dụng trong điều kiện của đất nước, và để điều hành và quản trị kế hoạch và dự án một cách có hiệu quả nhất.  Nó cũng cần một chánh sách về tài chánh thích hợp để có thể tài trợ các kế hoạch và dự án được đề ra cũng như sự hợp tác tích cực của người dân trong vùng.

 

Trong khả năng hiện nay, có một số biện pháp có thể áp dụng để giảm thiểu thiệt hại thiên tai miền Trung.  Những biện pháp có thể làm ngay một cách tương đối dễ, ít tốn kém, mà chắc sẽ mang lại hiệu quả cao gồm có (1) giữ nguyên trạng các đường thoát lũ trong các đợt lũ lụt 1999 vừa qua, (2) khuyến khích và giúp đở người dân sống trong các đường thoát lũ nầy tái định cư ở những nơi khác an toàn hơn, (3) không cho bất cứ một công trình nào (dù lớn hay nhỏ) được xây cất trong những đường thoát lũ nầy, và nếu có thể được, cải thiện khả năng của những đường thoát lũ nầy bằng cách dẹp các chướng ngại vật như cây cối, nhà cửa, cầu cống, công trình thủy lợi, và những công trình khác, (4) thiết lập Trung tâm Tiên đoán Bão Lụt miền Trung, (5) ấn định các Trung tâm Tạm trú An toàn, (6) soạn thảo và sẳn sàng để áp dụng các Kế hoạch Khẩn cấp từ trung ương đến địa phương, (7) thực hiện công tác thông tin đại chúng, (8) tổng kết tình hình lũ lụt 1999 ở miền Trung, và (9) tranh thủ và tận dụng sự trợ giúp từ các cơ quan quốc tế.

 

Các biện pháp có tính cách lâu dài bao gồm (10) việc duyệt xét tác động của các công trình thủy lợi và giao thông lên tình trạng lũ lụt ở miền Trung, (11) quy hoạch việc sử dụng đất, (12) soạn thảo quy cách xây dựng và thúc đẩy việc áp dụng, (13) soạn thảo kế hoạch phát triển và quản trị lưu vực, và (14) nghiên cứu và thực hiện các biện pháp kiểm soát và điều hòa lũ lụt.

Có thể nói rằng thiệt hại thiên tai ở miền Trung một phần lớn tùy thuộc vào khả năng và sự hữu hiệu của chánh quyền từ trung ương đến địa phương.  Khả năng và sự hữu hiệu càng cao thì thiệt hại càng thấp, và ngược lại.

 

“Sau cơn mưa, trời lại sáng.”  Liệu người dân miền Trung có quyền hy vọng một cách lạc quan lạc quan như thế không?

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

(1)                 Microsoft Corporation. 1999.  Microsoft Encarta Encyclopedia 99.

(2)                 Disaster management Unit, UNDP Project VIE/93/031. “Background on Typhoons in Viet Nam.” Hanoi, Vietnam. Đọc được qua hệ thống Internet.

(3)                 Thông Tấn Xã Việt Nam. Ngày 2 tháng 11 năm 1999. “Miền Trung – lũ lớn trong gần 40 năm qua.”  Đọc được qua hệ thống Internet.

(4)                 Disaster Management Unit, UNDP Project VIE/97/002. November 14, 1999. “Flood Damage Summary in Central Viet Nam, November 1999.” Hanoi, Vietnam.  Đọc được qua hệ thống Internet.

(5)                 Central Committee for Flood and Storm Control. November 22, 1999. “Report to the National Assemmbly of Viet Nam on the Huge Flooding in Central Provinces in Early November 1999, Relief Missions and Production Restoration Measures.”  English translation prepared by UNDP Project VIE/97/002-Disaster Management Unit.  Hanoi, Vietnam.  Đọc được qua hệ thống Internet.

(6)                 Disaster Management Unit, UNDP Project VIE/97/002. “River Flooding Criteria for Vietnam.”  Hanoi, Vietnam. Đọc được qua hệ thống Internet.

(7)                 Báo Nhân Dân. Ngày 20 tháng 10 năm 1999. “Mưa lớn gây thiệt hại ở các tỉnh miền trung.” Đọc được qua hệ thống Internet.

(8)                 Thông Tấn Xã Việt Nam. Ngày 19 tháng 10 năm 1999. “Miền Trung Phòng Chống Thiên Tai.”  Đọc được qua hệ thống Internet.

(9)                 Hong Kong Observatory. November 2, 1999. “Overview of Tropical Cyclones in October 1999.” Hong Kong, China.

(10)             Tổ PV miền Trung. Ngày 20 tháng 10 năm 1999. “Miền Trung: Bão số 9 gây thiệt hại nặng”  Đọc được qua hệ thống Internet.

(11)             Tùng Lâm, Nguyễn Quang Vinh, và Minh Quang. Ngày 27 tháng 10 năm 1999. “Quảng Bình: Trắng xóa trong nước lũ.” Báo Lao Động.  Đọc được qua hệ thống Internet.