DÂN CHỦ HÓA VIỆT NAM

TRONG HÒA BÌNH

K sư Trn Văn Sơn.

Kính thưa Chủ tọa đoàn,

Kính thưa quí anh trong Ban Điều Khiển chương trình.

Kính thưa tất cả quí vị tham dự.

Trước hết tôi xin cám ơn anh Mai Thanh Truyết chủ tịch Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam, anh Nguyễn Minh Quang, trưởng ban Tổ chức và quí anh trong ban chấp hành Hội đã có nhã ý mời tôi tham dự Đại Hội hôm nay và thuyết trình một đề tài về chính trị.

Đề tài tôi sẽ trình bày hôm nay là “Làm thế nào dể dân chủ hóa Việt Nam trong hòa bình”

 

Sáng hôm nay chúng ta chờ đợi để nghe một số  chương trình phát triển tại Việt Nam. Nhưng thật ra chúng ta đã được nghe những thất bại của các chương trình phát triển Việt Nam. Điều đó không làm chúng ta ngạc nhiên vì chương trình phát triển đối với quốc gia như nước trong một cái bình. Các chương trình phát triển là nước, định chế chính trị của quốc gia là cái bình. Nếu cái bình bị nứt hay thủng lổ ở dưới thì không thể giữ nước bên trong. Nói cách khác một quốc gia không có định chế dân chủ thì không có một chương trình phát triển nào có thể thành công.

Trong 26 năm qua, nhiều chương trình phát triển đã được mang ra thi hành, nhưng đất nước về mọi mặt từ kinh tế đến nếp sống văn hóa và xã hội, giáo dục, y tế vẫn trì trệ vì đất nước chưa có dân chủ. Đảng CSVN tước mọi quyền hành của người dân, cai trị bằng vũ lực  và hiến định hóa sự độc quyền lãnh đạo của họ bằng Hiến Pháp. Điều 4 trong Bản Hiến Pháp hiện nay được tu chính lần cuối năm 1992 viết rằng “đảng CSVN ... là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội ...” . Điều 4 này mặc nhiên đặt tất cả các đảng chính trị khác ra ngoài vòng pháp luật.

Bản Hiến Pháp Việt Nam có 12 Chương, 147 Điều và có đầy đủ các dự liệu cho sự sinh hoạt của một quốc gia như chế độ chính trị, chế độ kinh tế, quan niệm về văn hóa giáo dục, quyền và nghĩa vụ của người dân, tổ chức chính quyền như nhà nước, quốc hội, và quyền giám sát qua viện Kiểm Soát Nhân Dân, hiệu lực của hiến pháp và thể thức tu chính. Muốn tu chính HP cần 2/3 phiếu của tổng số đại biểu Quốc hội. Bản hiến pháp này tuy không hoàn hảo trong quan niệm chia xẽ quyền lực giữa Chính phủ, Quốc hội và Viện Kiểm Sát nhưng vẫn có thể làm căn bản điều hành quốc gia nếu không có  Điều 4 nói trên, nó vô hiệu hóa tất cả các điều khoản khác. Nó cho phép đảng CSVN sai khiến Quốc hội, sai khiến Chính phủ và Tòa án. Xin lưu ý một điểm: Điều 4 này được cóp nhặt từ Điều 6 của bản HP Liên bang Xô viết và đưa vào Hiến Pháp Việt Nam từ năm 1980.

            Vì vậy, theo thiển ý, muốn đất nước vươn lên, muốn các chương trình phát triển có hy vọng thành công, phải dân chủ hóa đất nước trước. Ít nhất đảng CSVN phải từ bỏ sự độc quyền lãnh đạo quốc gia bắt đầu bằng cách bỏ điều 4 HP.

            Nhưng chúng ta đều biết, người cộng sản không muốn bỏ quyền lãnh đạo. Họ nói họ cần ổn định để phát triển đất nước. Đất nước cần dân chủ tập trung (nghĩa là một thứ dân chủ tập trung trong tay đảng cộng sản) chưa cần dân chủ kiểu tây phương có thể tạo ra hỗn loạn làm chậm đà phát triển. Họ nói sự phồn thịnh của đất nước sẽ đến theo thời gian. Theo những thông tin mới nhất, Hội nghị Trung ương đảng CS vừa bế mạc ngày 13/11 (Hội nghị kỳ 4, Khóa 9) đã thông qua những gì đảng cần chỉ thị cho Quốc hội về tu chính chúng ta thấy chỉ là những tu chính bề ngoài để trang điểm cho bản văn. Điều 4 hoàn toàn không được đá động đến.

Tuy nhiên nhiều cán bộ đảng viên trung kiên với đảng, nhưng còn một tấm lòng với đất nước như tướng Trần Độ, các Ông Hoàng Minh Chính ... và một số trí thức trong chế độ như ông Hà Sĩ Phu, T/S Nguyễn Thanh Giang ... đã nhận thấy cái làm cho đất nước trì trệ là Điều 4, và nhất loạt đòi hỏi đảng CSVN hủy bỏ Điều 4. Tiếng nói quả quyết nhất là của tướng Trần Độ, một đảng viên kỳ cựu nhiều uy tín.

Trong tài liệu : “Một Chiến Lược Dân Chủ Hóa Để Chống Tham Nhũng” (tháng 4/2000 do Nối Kết phổ biến)  ông Trần Độ viết: “Lập ra bộ máy nhà nước để quản lý xã hội thì bộ máy đó phải có quyền lực. Nhưng mà dân làm chủ thì phải có cơ chế cho dân giám sát và kiểm soát quyền lực đó ... Thế mà ngược lại  Hiến pháp lại ghi ở Điều 4 : ‘Đảng cộng sản Việt Nam ... là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội’. Thế thì chỉ có Đảng là trên cả nhà nước, trên cả nhân dân, và đó là nguyên lý phản dân chủ lớn nhất”

Và ông kết luận: một khi đã nắm hết quyền không ai kiểm soát mình thì sinh ra tham nhũng, cho nên muốn chống tham nhũng thì phải hủy bỏ Điều 4 Hiến Pháp.

            Do áp lực của lý luận sắc bén từ nội bộ, nên trước đại hội 9 (triệu tập tháng 4/2001), đảng cộng sản đã cho thành lập những buổi tọa đàm tại Hà Nội nói là để “Chỉnh đốn để tồn tại và phát triển” có sự tham gia của Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương và Hội đồng Lý luận Trung ương và một số nhà lý luận cũng thuộc nội bộ đảng từ miền Nam ra như ông Trần Khuê và bà Nguyễn Thị Thanh Xuân. Và một lần  nữa họ đã công khai nhìn nhận rằng muốn giải quyết bế tắc của đất nước không có một con đường nào khác hơn là cất bỏ Điều 4 Hiến Pháp. Trong một thư gởi tân tổng bí thư Nông Đức Mạnh ông Trần Khuê và bà Nguyễn Thị Thanh Xuân mạnh dạn đề nghị xóa bỏ Điều 4 Hiến Pháp. Ông Khuê và bà Thanh Xuân viết:

“Đây không phải là điều mới lạ, sáng tạo gì của chúng ta. Chẳng qua là sao chép từ Điều 6 của Hiến pháp Liên Xô từ năm 1980.... Điều 4 đã đặt đảng CSVN vào vị thế siêu quyền lực, siêu pháp luật, không chịu bất cứ sự giám sát nào kể cả cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước là Quốc hội. Nói khác đi, Đảng không chịu sự kiểm soát của Nhân Dân mà đang ngồi trên đầu trên cổ Nhân Dân.... Điều 4 ở Hiến pháp Việt Nam đã tạo điều kiện pháp lý cho những đảng viên tồi tệ có thể lộng hành, lộng quyền một cách không giới hạn. Không thể chống được bọn cửa quyền, tham nhũng cũng chính là do Điều 4 này.(Đối Thoại 2001 Tập 1,2,3,4 và 5 của Trần Khuê và Nguyễn Thị Thanh Xuân)

            Trong những năm gần đây chúng ta cũng đã thấy hầu hết các nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và tự do tín ngưỡng như Hòa thượng Thích Huyền Quang, Linh mục Nguyễn Văn Lý,  cụ Lê Quang Liêm, B/S Nguyễn Đan Quế và một số tổ chức chính trị đều đi đến một nhận định chung là bế tắc đất nước phát sinh từ cơ chế chính trị của chính quyền cộng sản nên đã đồng thanh lên tiếng đòi hỏi thay đổi cơ chế này để khai thông bế tắc. Trên hết và trước hết là Điều 4 của bản Hiến Pháp giao trọn quyền lãnh đạo quốc gia cho đảng Cộng Sản Việt Nam. Ngày 2 tháng 9 năm 2001 vừa qua ông Hồ Tấn Anh khi đốt thân xác tại một công trường ở  thành phố Đà Nẵng để kêu gọi đảng cộng sản Việt Nam cởi bỏ chế độ độc tài trên đất nước đã ghi trong đòi hỏi thứ 11 trong 12 đòi hỏi của ông là đảng cộng sản Việt Nam phải hủy bỏ tức khắc điều 4 trên bản Hiến Pháp.

Những điều vừa trình bày ở trên cho thấy lúc này ít nhất người Việt ở hai bên chiến tuyến đã có một đồng thuận là “hủy bỏ điều 4 Hiến Pháp” là một lối thoát chính trị  cho đất nước.

Nhưng đồng thuận trong quan niệm mà chưa có sức mạnh trong thực tế. Gần 3 thập niên, 2 triệu người Việt sống ở hải ngoại với phương tiện và nhân lực dồi dào kiên trì đấu tranh để tái lập chế độ dân chủ tại Việt Nam vẫn chưa mang lại một kết quả nào khích lệ. Chúng ta không tạo nổi một áp lực chính trị gì đáng kể lên đảng cộng sản Việt Nam buộc họ phải xét lại đường lối chính trị. Lý do vì chúng ta thiếu tổ chức, thiếu đường lối. Chúng ta có tiềm năng nhưng không chịu góp sức lại với nhau. Chúng ta  tranh đấu bằng tình cảm hơn là bằng lý trí. Gần ba thập niên chúng ta  chưa xây dựng nổi  một tập thể có tiếng nói đáng kể vì quá nhiều tổ chức đoàn thể và quá nhiều tiếng nói.

Từ năm 1990 sau khi khối Liên xô và Đông Âu sụp đổ thế cân bằng quyền lực giữa hai khối tự do và cộng sản độc tài thay đổi một cách căn bản là thời điểm thuận lợi nhất để cộng đồng người Việt hải ngoại phát huy sáng kiến đề ra những sách lược đấu tranh có tính dài hạn, thì rất tiếc chúng ta vẫn dồn mọi năng lực vào những cuộc đấu tranh ngắn hạn (như chống gởi tiền về cho thân nhân ở Việt Nam, chống về thăm nhà, chống bỏ cấm vận, chống Hoa kỳ thiết lập bang giao ... ) để rồi thất vọng hụt hững khi các biến chuyển chung quanh cứ vượt qua chúng ta.

Đã đến lúc chúng ta cần có một chương trình chính trị đường dài làm mũi nhọn xuyên phá thành trì của độc tài. Chương trình mũi nhọn phải có ít nhất ba đặc tính căn bản:

(1)                  Không lỗi thời bởi thời gian,

(2)                  Có tính hợp lý để có thể thuyết phục các quốc gia và các  lực lượng dân chủ trên thế giới, và

(3)                  Có tính thuyết phục mọi thành phần dân tộc, không phân biệt chiến tuyến.

Chương trình đó là: “Vận động áp lực đảng CSVN hủy bỏ điều Hiến Pháp” 

Một vấn đề có tính cách qui luật là ở vào một thời điểm nào đó trong tương lai, điều 4 và sau đó bản Hiến Pháp hiện nay cũng sẽ được hủy bỏ, như đã xẩy ra tại các nước Đông Âu và Liên bang Xô viết. Nếu sự hủy bỏ được thực hiện bằng bạo lực do sức  mạnh của nhân dân thì điều này không có lợi gì cho đảng cộng sản mà chỉ mang thêm tang tóc và bất ổn cho xứ sở. Nếu họ tự ý cất bỏ điều 4 bằng cách tu chính Hiến Pháp qua quốc hội do họ kiểm soát thì họ có mọi lợi thế trong cuộc tranh chấp chính trị sau đó. Họ là một đảng chính trị lớn, có nhiều khả năng tài chánh đã tích lủy từ lâu và đang nắm bộ máy hành chánh trong tay.

Các lợi điểm trên cũng chính là điểm các tổ chức chính trị hải ngoại  lo ngại. Lo ngại rằng đảng cộng sản sẽ tổ chức gian lận bầu cử để hợp pháp hóa sự cầm quyền của họ trước cộng đồng quốc tế.

Mặc dù sự lo ngại trên có căn bản chúng ta cũng có thể hình dung được một tiến tiến trình chuyển hóa tâm lý thuận lợi trong quần chúng có thể dẫn đến dân chủ trong hòa bình: Tâm lý đó là: Nếu Điều 4 được hủy bỏ đảng CSVN mất căn bản pháp lý độc tôn lãnh đạo quốc gia. Nếu đảng cộng sản chiếm đa số trong một cuộc bầu cử toàn quốc trong thời gian đầu họ cũng phải chia quyền lãnh đạo quốc gia với các tổ chức chính trị khác. Và qua thời gian các đảng phái chính trị có thêm kinh nghiệm, ý thức dân chủ của quần chúng càng cao, qua ngôn luận tự do, qua tư pháp độc lập (dù còn bị giới hạn) đảng cộng sản sẽ không thể gian lận để mãi mãi để cầm quyền. Sự gian lận lộ liễu sẽ không tránh được phản ứng của quần chúng và chế độ độc tài sẽ bị lật đổ như chúng ta đã thấy trường hợp Marcos ở Phi Luật Tân năm 1986 và trường hợp Milosevic ở Nam Tư năm 2000.

Nếu đảng cộng sản Việt Nam xử dụng bạo lực đàn áp dân chúng thì sao? 

Thí dụ về cuộc đảo chánh bất thành tháng 8 năm 1991 tại Liên bang Xô viết có thể là một câu trả lời. Tại Liên bang Xô viết, cuối thập niên 1980, sau 5 năm áp dụng chính sách glasnostperestroika, Liên bang tiến dần đến  một xã hội cởi mở hơn dưới sự cầm quyền của đảng cộng sản Xô viết. Mikhail Gorbachev làm chủ tịch Liên bang. Boris Yeltsin, một phụ tá của Gorbachev đắc cử tổng thống Nga qua một cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên trong lịch sử Nga. Nước Nga là nước lớn nhất trong 15 nước họp thành Liên bang Xô viết. Boris Yeltsin định dùng uy tín quần chúng áp lực Gorbachev thực hiện nhanh chóng cuộc cải tổ kinh tế và chính trị cho cả Liên bang làm cho các thành phần bảo thủ đang nắm các chức vụ then chốt trong chính quyền Liên bang hoảng sợ, đưa đến cuộc cuộc đảo chánh tháng 8 năm 1991. Các tướng lãnh đảo chánh điều động hai đơn vị thiết giáp về Mạc Tư Khoa uy hiếp tòa nhà quốc hội của nước Nga nơi Yeltsin làm việc. Năm mươi nghìn (50.000) người dân Mạc Tư Khoa rầm rộ xuống đường chận các đơn vị thiết giáp đang tiến vào thủ đô và mắng nhiếc các sĩ quan và binh sĩ thiết giáp không chút sợ hãi. Trước không khí phấn khởi của quần chúng Boris Yeltsin bạo dạn leo lên một chiếc xe thiết giáp trước họng súng đọc một bản tuyên bố cuộc đảo chánh bất hợp pháp và kết án những ai tham gia đảo chánh là phản loạn. Vị sĩ quan thủ trưởng một trong hai  đội thiết giáp nhận định được lẽ phải đã bố trí thiết giáp theo đội hình bảo vệ tòa nhà quốc hội của Yeltsin. Đội thiết giáp thứ hai chọn thái độ trung lập bố trí ra xa tòa nhà quốc hội. Cuộc đảo chánh sụp đổ. Sau đó Gorbachev ra lệnh giải tán đảng Cộng sản Liên bang. Chế độ độc tài đảng trị tại Liên bang Xô viết chấm dứt sau 70 năm ngự trị. Cuộc đảo chánh tái lập chế độ độc tài thất bại nhờ Điều 6 đã được hủy bỏ và dân chúng đã bớt sợ hải. Tiên đoán hiện tượng này nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã viết trong tập Hỏa Lò của ông mới xuất bản: “khi nỗi sợ của dân giảm, bạo lực không còn hiệu quả”  (Nguyễn Chí Thiện, tập truyện Hỏa Lò, 2001 trong chuyện ngắn viết về Phùng Cung)

Theo dõi quá trình dân chủ hóa của khối Liên xô trong thời gian từ 1988 cho đến năm 1992 chúng ta thấy tại quốc gia nào cũng có một phiên họp quốc hội hủy bỏ điều khoản cho phép đảng cộng sản nắm toàn quyền (như  điều 4 của bản Hiến Pháp Việt Nam) trước khi bước qua ngưỡng cửa dân chủ. Kinh nghiệm của các quốc gia Đông Âu và Liên xô cho thấy sau khi tu chính các đảng cộng sản liên hệ vẫn còn cầm quyền (như một nhu cầu  liên tục hành chánh và ổn định) như đảng đa số nhưng các đảng phái chính trị khác có căn bản luật pháp tham gia sinh hoạt chính trị quốc gia, và sau cùng dân chủ đã đến một cách hòa bình. Quân đội từng ở dưới quyền lãnh đạo của các đảng cộng sản đã không đứng về phe với đảng, trái lại đã đứng về phía nhân dân. Tiến trình dân chủ hóa nhanh hay chậm, êm thắm hay hỗn loạn tùy thuộc vào các yếu tố khác như dân trí, khả năng của người lãnh đạo, ảnh hưởng của các khối tôn giáo và dân tộc tính của từng quốc gia. Nhanh như Ba Lan, Tiệp Khắc, vừa phải như Hung Gia Lợi và chậm như Bảo Gia Lợi, Liên bang Nga, nhưng cuối cùng dân chủ đã đến.

Khả năng và biện pháp nào để dân chủ hóa Việt Nam trong hòa bình khởi đầu bằng sự cất bỏ điều 4 ra khỏi bản Hiến Pháp Việt Nam? Để thành công con đường ngắn nhất và ít tổn thất cho dân tộc là thiện chí của đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng kinh nghiệm 26 năm qua với biết bao nhiêu cơ hội đến rồi đi qua cho thấy những người lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam đã mất hướng đi và mục tiêu tranh đấu cho sự độc lập và phú cường của xứ sở nếu là hoài bảo của họ từ những ngày đầu thì hoài bảo này đã bị chôn vùi bởi tham lam và quyền lực. Con đường khác là sự đoàn kết đấu tranh của cộng đồng người Việt hải ngoại. Trước hết thống nhất tiếng nói của chúng ta, rồi dùng tiếng nói chung vận động mạnh mẽ và liên tục vào các lực lượng dân chủ trên thế giới. Song hành chúng ta phối hợp với các thành phần dân tộc trong nước nhất là thành phần đảng viên cộng sản và trí thức tiến bộ. Công cuộc vận động này sẽ không bị thời gian làm lỗi thời và có tính hợp lý để chinh phục người nghe.

Nếu cộng đồng Việt Nam đoàn kết nhất trí trong cùng một mục tiêu đấu tranh, chúng ta sẽ tạo được sự chú ý của cộng đồng quốc tế để áp lực ngược lại lên đảng cộng sản Việt Nam. Kinh nghiệm cuộc đấu tranh của cộng đồng hải ngoại năm 1990 chống Cơ quan Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) lấy ngày sinh nhật 19 tháng 5 để vinh danh ông Hồ Chí Minh như một nhà văn hóa của thế giới buộc cơ quan này hủy bỏ lễ kỷ niệm cho thấy tiếng nói của cộng đồng người Việt hải ngoại nếu tập trung sẽ tạo nên sức mạnh và được cộng đồng thế giới lắng nghe.

Cuộc vận động Bỏ điều 4 HP trong và ngoài nước cần được tiến hành trong tinh thần nào? Cuộc “Vận Động Bỏ 4” cần được đặt trên một căn bản chính trị công bình trong tinh thần đấu tranh cho dân chủ bằng đối thoại vì quyền lợi lâu dài của dân tộc chứ không phải là một cuộc đấu tranh để tiêu diệt ai. Các đảng phái chính trị bất kể khuynh hướng nào đều  có quyền tồn tại trên đất nước Việt Nam. Tồn tại thế nào, mạnh yếu ra sao, bị đào thải thế nào và lúc nào bị đào thải sẽ do dân chúng quyết định qua bầu cử tự do sau khi Điều 4 được cất bỏ khỏi bản Hiến Pháp.

Và đó là một chương trình chính trị để “Dân chủ hóa Việt Nam trong Hòa Bình”. Trong bối cảnh đó dân tộc ta mới có thể huy động mọi tài nguyên nhân vật lực và trí tuệ toàn dân để biến đất nước thành một quốc gia có tầm vóc xứng đáng với vị trí địa dư và khả năng tiềm tàng của nó trên thế giới.

 

Cám ơn quí vị

 

Trần Văn Sơn


 

 

Hiến Pháp của nước Việt Nam hiện nay (được tu chính năm 1992 từ bản Hiến Pháp năm 1980), điều đó là Điều 4 nằm trong Chương 1 nói về chế độ chính trị. Điều 4 viết:  “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân,  nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội ....” Điều 4 nguyên trong bản Hiến Pháp 1980 như sau: “Đảng cộng sản Việt  Nam, đội tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân, được vũ trang bằng học thuyết Mác-Lênin, là lực lượng duy nhất  lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội,  là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. ...”