TẠP  GHI  SAU  MỘT  CHUYẾN  CỨU  TRỢ

Phổ Lập

 

Vào giữa tháng chạp năm 2000, người viết có dịp tham gia vào một chuyến cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt  miền Tây do Trung Tâm Từ Thiện Xã Hội Phật Giáo Nam Cali tổ chức. Tài vật do đồng bào hải ngoại đóng góp cho Trung tâm được phân phối mõng và bằng nhiều đợt khác nhau qua những tổ chức hoặc cá nhân ở các tỉnh miền Nam Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, các chùa địa phương , Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, nhóm Phật giáo Hiểu và Thương cùng một số đại diện các hội đoàn của các tỉnh miền Nam ...đã nhận trọng trách mang tiền và hiện vật phân phối thẳng đến tay nạn nhân bảo lụt ngay buổi đầu phát động từ tháng mười 2000.

 

Lụt Miền Tây

Sau nhiều đợt cứu đói bàng thực phẩm và hiện kim, Trung Tâm đã chuyển kế hoạch cứu trợ  và đặt trọng tâm vào các trẻ em ở những vùng bị lũ lụt. Đó là việc phân phối bút mực, tập vỡ và quần áo cho các em học sinh cho mùa khai trường muộn sau đó. Tại Đồng Tháp, Trung Tâm đã cử người về và thiết lập một ngôi trường gồm hai lớp học. Đặc biệt Trung Tâm đã cung cấp một tháng lương thực cho hơn 300 sinh viên nội trú bị kẹt lại ở Viện Đại học Cần Thơ vì các sinh viên nầy không có điều kiện liên lạc với gia đình bị lũ lụt, và không được tiếp tế. Việc nầy làm cho một số thành viên “cực đoan” của Trung Tâm bất mãn vì họ cho rằng người dân bình thường không có khả năng gữi con đi học đại học. Do đó, cứu giúp là cứu giúp con ông cháu cha của thành phần lãnh đạo. Nhưng sau cùng, với chu trương “lòng không phân biệt” và “tâm bình đẳng” trong công tác từ thiện, đại đa số thành viên còn lại đã ủng hộ việc cứu trợ trên. Và tặng phẩm cuối cùng cũng đã đến tay các em đang cần sự giúp đỡ.

 

Được tiếp xúc với nhiều đoàn cứu trợ khác nhau, người viết nhận thấy một sự kiện hết sức đặc biệt cần phải ghi lại nơi đây. Đó là sự hiện diện của nột xóm nhỏ gồm độ mươi gia đình di dân từ Thanh Hóa vào Nam cách đây vài năm. Các gia đình trên do chị T.N.T.M., trưởng đoàn cứu trọ thuộc nhóm Phật giáo Hiểu và Thương ở Vỉnh Long khám phá. Theo lời chị T.M., sau khi đi cứu trợ nhiều lần ở vùng sâu thuộc địa phận Vỉnh Long mà người viết tuy không còn nhớ địa danh nhưng biết rằng trước khi tới xã nầy thì phải đi ngang qua mộ một công chúa con vua Gia Long đã bỏ mình trên đường  bôn tẩu cùng cha.

Các cư dân Thanh Hóa nầy đã bị cô lập từ đủ mọi phía. Đối với chính quyền địa phương, dường như sự hiện diện của những cư dân nầy không nằm trong yêu cầu cho nên, dù cùng là những người dân “tiến bộ” và đã được giải phóng từ hơn 50 mươi năm, người dân Thanh Hóa di cư trên vẫn không được hưởng phúc lợi hay sự giúp đở nào của chính quyền cả. Dân chúng sống chung trong xã thì có lẽ vì khác địa phương cho nên khó đạt được cảm thông , và bức tường ngăn cách đôi bên làm cho những cư dân nầy hoàn toàn bị cô lập. Vì thế tình trạng của họ vốn dĩ đã bi thảm càng bi thảm hơn.

 

Trước nỗi đau của đồng bào cùng giống nòi, và có lẽ cùng tâm bình đẳng và lòng không phân biệt, chị T.M. đã tự động quyết định trích một phần cứu trợ để phụ cho số gia đình trên. Khi nghe được sự tình, người viết sau khi về lại Hoa Kỳ đã vận động và được Trung Tâm chấp thuận trích thêm một số tiền cứu trợ đặc biệt mặc dù quỷ cứu trợ hầu như cạn kiệt.

Lụt Miền Tây

Qua những hành động của chi T.M., người viết rất cảm kích và cảm thấy cần phải cổ súy hơn nữa tấm lòng của những người đi cứu trợ trong nước. Chị T.M. mang thân và xác của một người miền Trung, hy vọng hàn gắn một phần nào nỗi khổ đau cho đồng bào ruột thịt miền Nam và không quản ngại giúp đỡ khúc ruột lạc loài miền Bắc trong cơn bỉ cực. Đây mới chính là tâm đại bi, một hình ảnh đích thực nhứt của con dân Việt. Chị đã xóa tất cả rào cản trong tâm, trong ý để thể hiện một tinh thần bát nhã tuyệt vời. Hy vọng hành động của chị sẽ ‘khai thị” và mỡ ra tầm nhìn mới cho chúng ta để bỏ đi quan niệm không tốt đẹp là sự phân chia địa phương.

 

Ngoài ra, trong suốt thời gian theo dõi các cuộc cứu trợ người viết cũng đã gặp rất nhiều thiện nguyện viên như chị T.M., những thiện nguyện viên âm thầm hàn gắn vết thương của đồng bào, làm việc trong bóng tối không ai hay biết. Họ làm việc miệt mài, mang công sức và lòng yêu thương để chia xẻ niềm đau với những người bất hạnh. Đây quả là một hình thức cao độ của hạnh bố thí. Nơi hải ngoại, đứng trước thảm nạn như trận lũ vừa qua, chúng ta đã động tâm đóng góp và kêu gọi đóng góp...nhưng xin nhớ rằng sự tiếp tay của chúng ta nơi đây chỉ là một giọt nước nhỏ so với đại dương là tấm lòng những thiện nguyện viên vô danh trong nước. Có được những suy nghĩ trên, chúng ta mới xứng thực là những người con Phật trong cõi ta bà nầy.

 

Từ thế kỹ thứ 18, những dấu vết của sự chia cắt đất nước thời Trịnh Nguyễn đã thực sự phai mờ. Sông Bến Hải thời Quốc Cộng phân tranh cũng đã làm phai đi một thời đại bi thảm nhất của non sông. Chẳng lẽ hố sâu cách biệt Bắc Nam vẫn còn tiềm ẩn trong tâm tư của mỗi người con nước Việt? Nếu đó quả là sự thật thì chính chúng ta đã tự mâu thuẩn với chính chúng ta khi cùng đồng ý và cổ võ huyền sữ Việt Nam “Mẹ Âu Cơ, một mẹ trăm con”.

 

Nước Việt Nam sẽ có hy vọng đạt được tiến bộ và theo kịp mức độ toàn cầu hóa của thế giới khi mỗi người trong chúng ta không tự tháo gỡ dị biệt địa phương và cảm thông nhau trong tinh thần nhân hòa. Người Bắc, người Trung, người Nam đều cùng là những đúa con yêu quý của Mẹ Việt Nam. Và điều nầy mới đích thực là chân lý.

 

3/2001