ĐẠI  HỌC   LẬP   VIỆC  PHÁT  TRIỂN  VÙNG

 

Mai Thanh Truyet

 

Đại Học Vùng.

 

Mặc dù phải hứng chịu áp lực quân sự nặng nè trong cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam, chính quyền và lãnh đạo các tôn giáo thời bấy giờ vẫn hằng lưu tâm đến việc khai triển và mở mang đại học hầu đáp ứng nhu cầu gia tăng sỉ số sinh viên  và cung ứng nhân sự cho việc phát triển quốc gia. Do đó từ giữa thận niên 60, các viện đại học vùng đã được thành lập song hành với các đại học công lập hiện có. Và hệ thống Đại học “Tư” được chính quyền và Thượng viện chuẩn y và chính thức bước vào sinh hoạt giáo dục ở nhiều tỉnh miền Nam.

     

 

Ban đầu các viện đại học trên được thành lập theo mô hình đại học cộng đồng hai năm, nhưng tiếp sau đó vì nhu cầu phát triển, lần lần các đại học trên được nâng cấp và trở thành hệ bốn năm. Hàng năm ngoài học phí do sinh viên đóng góp và các mạngh thường quân yểm trợ, chính quyền miền Nam lúc bấy giờ tài trợ đồng đều cho các đại học kễ trên, không kễ đến tỷ số sinh viên từng trường.

 

Trong niên học 1974 – 1975, mức tài trợ cho năm viện đại học trên là 200 triệu đồng VN và đã được tăng lên 600 triệu niên học sau đó. Ủy ban giáo dục Thượng viện do Lê phước Sang làm chủ tịch toàn quyền quyết định và phê chuẩn tài trợ nầy (Việc nầy không thể xảy ra tại Hoa kỳ được vì xung đột quyền lợi_ conflict of interest!). Mỗi đại học không nhận đủ một phần năm tiền tài trợ trên vì bị ngăn chận bởi hệ thống tham nhũng; tuy  nhiên nó vẫn đáp ứng và giải quyết phần nào những khó khăn tài chính trong việc điều hành các đại học trên.

 

Ngoài ra cần phải kễ đến những đại học tư được thành lập năm 1974 như là: Viện Đại học Phương Lâm (Phật giáo) do Thượng tọa Thích Tâm Châu làm Viện trưởng, Viện Đại học Tri Hành do Bà GS Nguyễn văn Bông, và Viện Đại học Minh Trí. Tất cả đều ở tại Sàigòn và chưa được Thượng viện chuẩn y.

 

Việc thiết lập các viện đại học tư được chính quyền, tôn giáo, và dân chúng địa phương ủng hộ triệt để vì đã đáp ứng được ba nhu cầu sau đây: 1- giải tỏa được tình trạng ứ động sinh viên ở các đại học công lập lớn như Sàigòn, Huế, Cần Thơ; 2- giãm thiểu được gánh nặng tài chính cho gia đình sinh viên vì không phải di chuyển xa nhà lắm; 3- mức tuổi hoản dịch được tăng lên một tuổi khi vào năm thứ nhất (19 tuổi thay vì 18). Và chính nhu cầu thứ ba nầy là nguyên nhân chính cho việc gia tăng sỉ số sinh viên  ở các đại học tư trong những năm cuối của cuộc chiến.

 

Viện Đại Học Cao Đài.

 

Lấy bối cảnh Viện Đại học Cao Đài làm dẫn dụ, ngoài số sinh viên địa phương trong vùng Tây Ninh và phụ cận, Sàigòn cũng đã cung cấp một số lớn vì đã quá hạn tuổi 18, cũng như đa số sinh viên đến từ các tỉnh phía bắc như vùng Phan Thiết,Nha Trang, Qui Nhơn, Bình Định...

 

Về nhân sự , hầu hết đều do các đạo hữu và giới chức trong đạo điều hành công việc hành chánh và làm việc tòan thời gian với tư cách tự nguyện. Việc điều hành công tác giảng huấn, chương trình học, thi cử...do một nhóm giáo sư đến từ Sàigòn. Lương bổng trả cho các nhân sự trên rất  tượng trưng ($20.000/tháng tương đương với mức lương trung sỉ thời bấy giờ) . Chi phí nặng nề nhất cho việc điều hành là chi phí giảng dạy trả cho các giáo sư thỉnh giảng: $2.000/giờ (không kễ di chuyễn và ăn ở).

Viện Đại học Cao Đài gồm hai phân khoa: phân khoa Sư
phạm do cố giáo sư  tiến sĩ Lê Trọng Vinh làm khoa trưởng, và Nông Lâm Súc do cố kỹ sư Châu Tâm (thân phụ của nhà trí thức “tiến bộ” Châu Tâm Luân) đãm nhiệm. Tổng số sinh viên cho niên khóa 1974 – 1975 là khoảng 1300. Phân khoa Sư phạm gồm: Ban Việt văn, Toán, Lý hóa, Sử Địa, Sinh vật, và Sinh ngữ. Phân khoa Nông Lâm Súc gồm: Ban Nông, Lâm, và Súc (Ngư nghiệp nằm trong ban nầy). Mục tiêu ban đầu của đại học là đào tạo giáo sư trung học đệ nhất cấp cung ứng cho nhu cầu địa phương và cán sự nông nghiệp vốn dĩ còn quá thiếu thốn cho việc phát triển vùng. Nhưng sau đó, do nhu cầu giáo dục đòi hỏi cũng như việc cần phải nâng cao trình độ và điều chỉnh tình trạng các giáo sư đang giảng dạy trong các trường trung học địa phương, đại học được nâng cấp lên bốn năm với trình độ cử nhân để đào tạo giáo sư đệ nhị cấp và kỹ sư canh nông.

 

Trường ốc là một nan đề cho các đại học tư tân lập. Riêng trường hợp của Viện Đại học Cao Đài, giáo hội Cao Đài đã cho mượn một tòa hành chánh và cung Thánh Mẫu trong khuôn viên Tòa Thánh để làm nơi giảng dạy, văn phòng viện và là nơi trú ngụ qua đêm của giáo sư.  Mãi đến năm 1974, ngôi trường chính thức được khánh thành ngoài chợ Long Hoa để từ đó các phòng thí nghiệm Hóa, Thực và Động vật lần lượt được thiết lập và chương trình thực tập cho sinh viên tương đối đi vào nề nếp. Ngay chính sự thành hình của các phòng thí nghiệm đã đem lại một sự khích lệ lớn lao cho sinh viên và dân chúng trong vùng...Những phản ảnh từ phía phụ huynh nói lên niềm hân hoan khi thấy địa phương nhà có một viện đại học cho con em mình...điều mà họ từng mong mõi và ấp ủ từ lâu. Kết quả của việc phát triển trường ốc đã đem lại cho Viện có thêm nhiều đóng góp về tài vật và nhân sự. 

 

Nơi đây cũng cần ghi nhận thêm tinh thần hy sinh cao độ của những giảng nghiệm viên trẻ tuổi chấp nhận làm việc toàn thời gian và thường trực ở lại Viện hơn bốn ngày trong tuần để giảng dạy. Trong điều kiện khó khăn trên, các giảng nghiệm viên nầy chấp nhận một thù lao là $25.000/tháng và điều kiện sống rất cơ cực có thể diễn tả bằng nhóm từ “ăn chay nằm đất”. Xin ghi nhận tinh thần tích cực của anh LVPhương (Wisconsin), chị MTXuân (Việt Nam), chị ĐTNgọc (Canada), chị...Huệ (?), anh NVKhánh (?). Riêng tiến sĩ MTC tình nguyện làm Phó Viện Trưởng điều hành sau khi hồi hương từ Pháp về và sống thường trực trên Tây Ninh. Anh C. sau đó có liên hệ đến vụ Trần Văn Bá và bị lãnh án 20 năm tù. Được thả sau tám năm bị cải tạo, anh C. hiện đang sống trong tình trạng bán thân bất toại tại Sàigòn. Mặc dù có điều kiện ra ngoại quốc nhưng anh C. vẫn an nhiên tự tại sống tại quê nhà và nhất định chờ xem ngày quê hương “đổi mới”.

 

Trước tình trạng khắc nghiệt của cuộc chiến và tình trạng kinh tế khó khăn của dân chúng trong vùng, làm thế nào Viện Đại học Cao Đài có thể tồn tại và phát triển được?

 

Tây Ninh là một tỉnh địa đầu và cũng là đầu não của Mặt trận giải phóng miền Nam với trung ương cục R trước đây. Từ năm 1970 cuộc chiến leo thang một cách tàn khốc mặc dù hiệp định ngưng bắn Paris được ký kết vào 20/1/1973. Hơn 95% dân chúng cư ngụ quanh vùng đều là tín đồ thuần thành của Cao Đào giáo, luôn lấy tình thương làm kim chỉ nam cho đời sống. Nơi đây đạo Cao Đài là một chất keo kết dính giữa Dân Quân Cán Chính trong vùng. Hầu hết các lãnh đạo quân sự hay dân sự đều có liên hệ mật thiết trong Đạo và là tín đồ thuần thành của Đạo. Từ mọi yếu tố hợp nhất và đoàn kết trên khiến cho việc thành lập và phát triển Viện tiến hành một cách nhịp nhàng và đồng bộ. Đạo và Đời cùng một lòng. Nhân lực và tài lực được chi viện dồi dào khiến cho tiến độ thi công xây dựng trường mới ngoài khuôn viên Tòa Thánh không bị gián đoạn. Chỉ chưa đầy hai năm Viện Đại học Cao Đài đã khánh thành trường mới với ba tòa lầu đúc có đầy đủ các phòng thí nghiệm và lớp học cùng văn phòng...

Dù chưa hoàn tất hết bốn niên học và dự trù lễ mãn khóa đầu
tiên vào tháng 6/1975,
Viện Đại học Cao Đài đã tiến một bước dài về nhiều mặt: trường ốc, chất lượng giáo dục, chương trình giảng dạy, trình độ giáo sư thỉnh giảng, kỹ luật, tổ chức thi cử, và nhất là tinh thần tự nguyện cao của dân chúng, bổn đạo quyết lòng phục vụ và đóng góp cho việc xây dựng trường. Thêm nữa, sự phát triển nhanh chóng của Viện chính là nhờ sự yểm trợ đồng tâm nhất trí của lãnh đạo Đạo Cao Đài qua các vị Bảo Đạo, Hiến Pháp và Khai Đạo tượng trưng cho Lập pháp, Tư pháp và Hành pháp. Ba vị lãnh đạo tinh thần nầy đã chết bất đắc kỳ tử chỉ vài tháng sau khi Tây Ninh bị tiếp quản!

 

Lãnh đạo Cao Đài đã khôn ngoan và sáng suốt yểm trợ Viện Đại học Cao Đài và tạo ra môi trường tự trị đại học. Hội đồng Viện có toàn quyền trong việc thiết lập chương trình học và điều hành. Đây chính là động cơ  tạo niềm tin va øthúc đẩy mọi tầng lớp dân chúng và sinh viên trong vùng hợp tác chặt chẻ với Viện. Ban Đại diện sinh viên được thành lập và đạo đạt nguyện vọng lên Hội đồng Viện và đôi bên bàn thảo trong tinh thần tương thân tương kính. Nơi đây không có dáng dấp của chính quyền trung ương và địa phương trong việc theo dõi các sinh hoạt của sinh viên và giáo sư  như ở các đại học công lập. Niềm tin và thương yêu của người dân đối với các giáo sư giảng dạy ngày càng thể hiện rõ nét qua sinh hoạt tại Viện nhất là trong giai đoạn sau cùng của cuộc chiến.

 

Từ đầu năm 1975, chiến cuộc diễn ra ác liệt, trục lộ Sàigòn Tây Ninh bị giựt mìn, đấp mô thường xuyên...nhưng điều đó không làm chùng bước các giáo sư vẫn ngày ngày có mặt và đứng lớp. Điều nầy đã làm cho sinh viên và dân chúng vững tin và không khí trong vùng mặc dù căng thẳng nhưng không hốt hoảng. Họ càng thêm kính trọng người thầy giáo. Các chủ hàng quán hầu như không muốn nhận tiền khi biết là giáo sư của Viện mỗi khi đi ăn tối ngoài khuôn viên Tòa Thánh. Sau mỗi buổi ăn luôn xảy ra những mặc cả giữa chủ nhân nhà hàng và các giáo sư, không phải vì món ăn thức uống mà vì tinh thần tôn sư trọng đạo của chủ nhân nhà hàng đối với những người đem lại kiến thức cho con cháu họ. Cử chỉ nầy là một nhân tố quyết định giữ chân rất nhiều giáo sư cho dù chiến cuộc đôi khi đã làm chùng bước họ trên đường rao giảng kiến thức.

 

Ngoài tính đại chúng trên, Viện Đại học Cao Đài còn thể hiện tầm nhìn tích cực và đúng hướng. Với thành phần giáo sư cơ hữu trẻ và đầy nhiệt tình, chấp nhận điều kiện sống và giảng dạy thật khắc nghiệt...tất cả thể hiện một tinh thần khai phá của những nhà giáo đi gieo trồng kiến thức cho giới nông dân mộc mạc nơi vùng địa đầu của đất nước.

 

Mặc dù chương trình áp dụng cho việc giảng dạy tại VĐH Cao Đài không có gì mới lạ so với các thành phố lớn như  Sàigòn, Huế, Cần Thơ... nhưng tại Tây Ninh, sự hiện diện của VĐH cũng như chương trình giảng dạy đã là một biến chuyển lớn cho người dân trong vùng. VĐH đã “khai tâm” và đem lại “văn minh” cho họ. Khái niệm căn bản về khoa học kỹ thuật, cung cách xử dụng phân bón và thuốc trừ sâu rầy,  phương pháp trồng trọt lúa, mía cùng các nông phẩm địa phương khác... khiến cho họ như  đi vào một thế giới mới. Họ hảnh diện vì thấy con cháu mình sẽ là những người thầy giáo tương lai có nhiệm vụ chăm sóc các thế hệ tiếp nối trong vùng... 

 

Kết Luận.

 

Tóm lại Viện Đại học Cao Đài Tây Ninh dã ra đời trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhưng nhờ Đức Tin và Niềm Tin của Tòa Thánh và nhất là tính đôn hậu, chất phát, và hiếu học của người dân sống trong vùng... tất cả đã tạo thêm thuận duyên cho việc hình thành và phát triển VĐH. Cũng cần ghi nhận là Cố Viện trưởng Nguyễn Văn Lộc và Thừa sử Tấn đã đóng góp rất nhiều cho việc xây dựng trường ốc.

Vào cuối tháng 5/1975 (tác giả không nhớ rõ ngày), Viện trưởng
Nguyễn Văn Lộc, Giáo sư Nguyễn Văn Sâm (Texas), và người viết đã lên tận Tây Ninh để bàn giao trường ốc và hồ sơ cho chính quyền mới. Sau đó trên đường về lại Sàigòn, ông Lộc đã bị chận bắt tại cầu Công lý và bị đi cải tạo...

 

Từ ngày đó, Viện Đại học Cao Đài đã chính thức bị bức tử 
cùng chịu chung một số phận sau cuộc qua phân của đất nước.

 

Mai Thanh Truyết

Nhà giáo việt nam

7/ 2000