Chuyện Xưa Tích Cũ: Người Kế Mẫu

 

Hồ Ðắc A Trang

   Nguyễn Văn Trường

Thân tặng Chị Nguyễn L.

“Mấy đời bánh đúc có xương

Mấy đời dìï ghẻ mà thương con chồng”.

 

Sâu trong dãy Trường Sơn, thời Tiền Lê, có một bộ tộc lớn, sống theo nghề du mục và săn thú rừng. Có một cô gái tư chất thật thà, đôn hậu, đẹp người, đẹp nết, đảm đang quán xuyến trong ngoài, ngày ngày giúp đở mẹ cha, anh chị em, láng giềng thôn xóm. Giúp người trong cảnh khó, nàng xem là việc đương nhiên.

Một hôm, một thanh niên miền đồng bằng thành thị, trong một buổi đi săn, vì ham theo đuổi theo thú rừng mà phải lạc đường nơi sơn dã. Chàng, tuấn tú khôi ngô, nàng sắc nước hương trời. Gặp nhau, yêu nhau, rồi được gia đình và bộ tộc tác thành chồng vợ. 

Rồi nàng theo chàng về chốn thị thành.

Tuy không xa, chỉ năm bảy ngày đường, nhưng phải vượt suối qua đèo. Có mệt nhọc. nhưng cái tuổi ấy, lại là đôi vơ chồng trẻ sau tân hôn, thì tiếng róc rách của suối, tiếng rù rì của rừng già, tiếng thác đổ, chim kêu, vượn hú, tiếng gầm của thú dữ, chỉ là những giai điệu làm tăng thêm cái đẹp của một cuộc tình nhất thế chi thần tiên này của họ.

 

Cuộc sống bên chồng hoàn toàn khác lạ. Ðó là thị thành, rộn rịp, náo nhiệt, từ sớm đến chiều. Có triều đình, quan lại, lính vệ, có chợ búa, hiệu buôn,..Nàng gặp nhiều khó khăn, nhưng với nhu thuận và cố gắng nên chóng vượt qua và thích nghi được nếp sống mới, Chàng và nàng hoàn toàn hạnh phúc, nếu....chàng không có đứa con của người vợ trước.

Nàng không ghen với hồn ma người quá cố. Không trách chồng sao để thành gia thất rồi mới nói đã góa vợ và có con thơ. Nàng chấp nhận trọn vẹn cuộc sống trước mặt, làm mọi cách để cuộc sống gia đình được thoải mái cho mọi người. Chưa có con, nàng xem con chồng như là con ruột của mình.  Lúc nào lòng nàng cũng rộng mỡ, chờ đón để ôm nó vào lòng, ôm ấp, nâng niu, bao bọc, chăm sóc bằng một tình yêu vị tha. Tuy nhiên, đứa bé lạnh nhạt, từ chối mọi chăm sóc của nàng, và cũng có khi, tỏ ra khó chịu với nàng. Càng cố gắng, càng chịu khó, nàng càng bị đứa bé xô ra, hất hủi.

 

Nàng kiên nhẩn tìm cách này đến cách khác. Nàng tham khảo kinh sách, tìm gương hay lời đẹp của thánh hiền. Hàng ngày nàng vái van, cầu nguyện, cầu Phật Trời cho nàng đủ sức, đủ trí thông minh để qua được thách đố. Nàng vẫn nghĩ:”Ở đời chẳng có gì là khó, chẳng qua là lòng người không bền.” Thế nhưng, nàng có cảm giác rõ rệt rằng đứa bé càng ngày càng xa nàng, trong cử chỉ, trong thái độ, trong hành vi, trong lời ăn tiếng nói. Ðôi khi, nàng cảm như tuyệt vọng.                                                    

Một hôm, có người mách, ở sâu trong sơn cốc, có một đạo sĩ tu tiên, thông suốt việc người, việc quỉ thần, tiền kiếp, hậu kiếp, lại có phép tiên, thần thông quảng đại, trị được bá bệnh, trị cả chứng điên khùng, người mất trí, và  khuyên đến đó mà khẩn xin thần dược.

Hai vợ chồng bàn nhau và cùng đi. Ngày đi, đêm nghỉ, càng vào sâu trong rừng núi, càng hiểm trở, gian nan. Sau cùng gặp được đạo nhân. Hai vợ chồng quì xin đạo nhân ban cho một lọ thuốc thần cho đứa bé để nó biết nghe, biết nghĩ, trở nên hiền lành và dễ dạy.

Ðạo nhân bảo: “Ðược! Ðược! Ðiều ấy không khó. Nhưng thuốc của ta cần một sợi râu cọp, lấy từ một con cọp sống. Và phải cô nương đây tự tay đi lấy thì mới được. Có được sợi râu ấy, thần dược sẽ có ngay.”

Người chồng vội hỏi: “Làm sao nhổ được râu cọp sống?”

Ðạo nhân đáp: “Ðó là chuyện của vợ nhà ngươi, và của ngươi, ta thật không biết.”

Người vợ, vốn là sơn nữ, trở về với núi rừng, tham hỏi mẹ cha cách lấy râu hổ.

 

Người cha dạy: “Trước hết, muốn gần hổ, phải có thịt sống cho hổ. Bắt đầu, tìm vết chân hổ, treo thịt sống trong vùng có hổ. Khi biết có hổ ăn mồi, tiếp tục treo mồi để mỗi ngày hổ quen đến nơi ấy tìm mồi. Khi hổ đã no, thì tập cho hổ quen thấy mình, và mỗi ngày mình mỗi đến gần hổ, và dần dần như thế, khoảng cách hổ và người thu hẹp, hổ không còn nhu cầu xem người là miếng mồi ngon, cho đến lúc hổ quen với người. Chừng ấy ngồi ngay cạnh hổ cũng chẳng sao. Trong  lúc hổ say giấc thì dùng kéo cắt một vài sợi râu hổ, thì có khó gì. Nói chung, phải học hỏi các thói quen, nếp sống của hổ.”, Và người cha cung cấp cho nàng những phương tiện cần thiết và nhờ những trai tráng trong  bộ tộc cung  nỏ sẳn sàng can thiệp nếu nàng gặp phải hiểm nguy. Ðùa với hổ không biết mất mạng lúc nào.

 

Thoạt đầu, chỉ trông thấy hổ từ xa thì người sơn nữ đã run sợ. Nàng phải để cơn sợ đi qua, trấn tỉnh, đợi chờ, quan sát, học hỏi những phản ứng, những thói quen của hổ, trước, sau, và ngay khi ăn mồi, nhất nhất đều ghi trong trí. Lúc đầu thì núp từ xa, rồi cho hổ thấy, rồi dần dần đến gần hổ. Mỗi lần như thế, là một lần lo sợ, một lần phải tìm lấy lại bình tỉnh để  quan sát, ghi nhận, suy  đoán,  đo lường hiểm nguy và kiểm nghiệm.

Sau nhiều tháng, người thôn nữ thành công. Hai vợ chồng đem dâng sợi râu hổ cho đạo nhân, và khấu đầu xin thần dược.

Lão đạo hiền lành nói: “Thật ra, ta chẳng có một thần dược nào. Cô nương thông minh, tài trí hơn người, lại trì chí, bền lòng, biết nhận hiểm nguy, có lòng thành, biết chờ đợi cơ may, biết xử sự đúng thời đúng lúc, mới lấy được râu hổ này. Hổ có tiếng là thú dữ, có thể ăn thịt người, mà cô nương còn gần được, quen được, biết được thói quen, nếp sống của nó, để  lấy  được một sợi râu của nó mà không mảy may bị thương tích, thì xá gì một đứa bé thơ ngay, chưa biết lau sạch mũi. Tâm lý trẻ con có phức tạp, nhưng vẫn dễ gần trẻ con hơn là gần hổ. Ta tin rằng cô nương, với sự trợ giúp của chồng, sẽ thành công với cháu bé, như mong muốn.”

Nói xong, lão đạo phủi áo vào trong.

 

Nàng như tỉnh ngộ, thỏ thẻ cùng chàng:

Trước kia, sống theo khuôn thước của cha ông, gương mẫu của thánh hiền, tìm trong kinh sách, trong lời vàng ngọc của người xưa, nghĩ rằng làm tốt sẽ động lòng người, mẫu mực sẽ giáo hoá được con thơ. Rồi thiếp sửa mình, sữa sao cho thích hợp với khuôn thước học hỏi, với lời khuyên của mẹ cha, thân bằng quyến thuộc. Ðến đâu thiếp cũng được mến thương, một đối xử chân tình. Thiếp hãnh diện ø ở cái đẹp bên trong, ở tính tình, ở sự nhu thuận, sự hài hòa với gia đình bên chàng, với làng giềng thôn xóm. Thiếp nghĩ đã thành công, nếu con mình chịu nghe thiếp. Nhưng cũng có lẽ cái hình ảnh đẹp về mình đó, vì những thành công của thiếp đó, mà thiếp quên hẳn đi rằng thiếp phải học hỏi ngay ở con, ở những gì xãy ra bên trong con, biết con, hiểu con, biết những cảm nghĩ của con, thì mới có khả năng nói nó nghe, nó sửa, theo đó đổi thay được hành vi của nó. Khởi đầu thiếp chờ đón, sau rồi thiếp đi đến, tìm cách gần con, nhưng mỗi lần đều bị chối từ. Nghĩ lại, thiếp không có những lo âu, run sợ, tính toán, tìm hiểu như thiếp đã làm với hổ. Hình như đạo nhân đã nhũ: “Thiếp phải để qua bên cái hình ảnh đẹp về mình, lòng ham muốn của thiếp, và cả lời vàng ngọc của thánh hiền, để chỉ chú tâm vào  những gì đang xảy ra bên trong nó, những cảm xúc nhất thời, những nghĩ suy, động cơ thúc những hành động. Lắng nghe những lời lẽ, cử chỉ, thái độ, gương mặt, ánh mắt của con rồi suy đoán và kiểm nghiệm xem mình đúng đến đâu để có những thái độ hay hành vi thích hợp. Mong được chàng giúp thiếp điều này.”

Thế rồi vợ chồng học hỏi, theo dõi từng cử chỉ, thái độ, hành vi của đứa con, cùng bàn tính, và chấp nhận những rũi may thử thách. Ít tháng sau, đứa bé bắt đầu không chê là cơm khô, canh lạt, không còn lặng thinh, lạnh lùng với  người kế mẫu. Một thời gian sau, nó góp mặt trong các sinh hoạt gia đình, giúp đở lặt vặt,...

Rồi một hôm, nó thủ thỉ với người kế mẫu: “Con có một vấn đề khó, muốn hỏi ý mẹ,.”

Nàng ôm nó vào lòng, rơi nước mắt, Ơn Trên đã ban cho nàng những giọt nước mắt hỷ lạc vì lòng thành, vì lòng từ, vì sự chí tình của nàng với chồng con, Trời chẳng phụ lòng thành và sự cố gắng của bất cứ ai.

 

       Lời bàn của Bất Tịnh Thiền Sư 

 

Lành thay! Lành thay! Ý tình của người thức ngộ.

“Dạy cho nó là vì nó, bởi nó.” Nó là chính. Người dạy là phu.ï Mọi cái khác, kinh sách, thánh hiền, khuông vàng thước ngọc, trị gia cách ngôn, tất tất đều là phương tiện. Cho gương tốt là việc nên làm, nhưng phải để qua bên những tham muốn của mình —dầu là muốn cho một gương tốt, một hình ảnh đẹp về mình là chí phải, để lòng mình không bị chiếm, trí mình không bị nhiểm, để thấy, biết, bắt gặp những diễn biến bên trong của đứa con, đứa học trò, người được giáo dục. Ðó là mầm và cũng là nghĩa của tính ba la mật của nhà Phật. Ðó cũng là khởi điểm cho đức khiêm cung của người Ky Tô Giáo, của một sự tĩnh lặng tận sâu thẩm bên trong, chuẩn bị một tâm linh trong lành để rước đón ân sủng của Chúa. Ðó cũng là ý nghĩa của từ empathy của Tây Phương, của một sự cảm thông trong suốt, thương, hiểu và buông xã những gút mắc, va chạm, hờn dỗi, đau thương.

Lành thay! Bi kịch của cô sơn nữ.

Bi kịch thứ nhất. Về với chồng rồi mới biết chồng đã qua một đời vợ, và có con. Có thể nàng cảm thấy mình bị lừa gạt, tự ái bị tổn thương. Nhưng rồi thương chồng, bỏ qua những giận dỗi căm hờn, để thêm một bước, chấp nhận con chồng làm con mình.

Bi kịch thứ hai: Bị đứa con từ khước những săn đón của mình. Thêm đau thương, nhưng bền lòng.

Trong bi kịch thứ nhất, với người lớn thì khuôn vàng thước ngọc của thánh hiền, kinh sách,v.v., có thể giúp nàng rất nhiều, vì người lớn có học, có biết, và sống  ít nhiều  theo lời dạy của các bậc hiền triết, hoặc của cha ông.

Nhưng bé con nào có  biết thánh hiền, chưa có dịp đọc được  tứ thư ngủ kinh. Bé con xa lạ với những gương Nhị Thập Tứ Hiếu. Thường thì chúng qui mọi sự việc về chính chúng. Thời ấy chưa có tâm lý học, để nương theo. Vậy chỉ còn có cách là làm như đã xử sự với hổ. Lắng nghe, tìm hiểu tâm lý của đứa con, và đứa con đó chớ không là một đứa bé nào khác.

Hiểu được như vậy, chỉ mới là điều kiện cần. Hành động thực tiển mới thấy những hoang mang, chao đão. Cũng có những hiểm nguy: một lời nói, một cử chỉ không phải chỗ, không phải lúc, có thể chỉ trong một tíc tắc phá hủy công lao xây dựng trong nhiều tháng liền. Và cũng phải chấp nhận hiểm nguy. Hình như một công việc nào mà ta chắc chắn biết trước rằng sẽ tuyệt đối an toàn.

Ðồng tiền nào cũng có hai mặt, mỗi tình huống đều có thể xem là may hay rũi tùy nơi mình muốn nhìn ở mặt nào. Có thể nàng cảm nhận được điều này. Trong chơi vơi, hoang mang trong những ngày đầu về với gia đình bên chồng, gần như cái gì cũng mới, cũng xa lạ, cũng phải học, làm quen, và thích ứng. Với người con gái thời ấy, không có ngõ về. Nhưng nàng không đổ lỗi cho thân phận, cho nhiệp báo, cho Ông Tạo bất công, Nàng cũng không bảo lỗi tại ta, rồi ngày ngày cầu kinh xám hối. Nàng không buông trôi, mặc cho số phận. Nàng có vấn đề, đương nhiên phải tìm cách giải quyết. Tránh né, vấn đề có thể tự giải quyết. Nhưng mấy khi được như vậy? Thường thì nó trở nên phức tạp. Và sống trong cái trạng thái mà lúc nào vấn đề cũng dọa dẫm, sừng sững trước mặt, thì thật là như sống ở địa ngục.

Lành thay! Nàng sơn nữ đã xem bi kịch là một thử thách phải vượt qua. Và nàng đã vượt qua được. Trong những năm tháng mở gút cho bi kịch, nàng được tôi luyện, trong suy nghĩ, cảm nhận và hành động, về cách xử thế, hiểu lòng người, hiểu sự vật, hiểu những quan hệ, và hiểu chính nàng.

Phải chăng như vậy là sống trọn vẹn cuộc sống trời ban, trọn vẹn với thân phận làm người.

Nàng hy sinh cũng nhiều nhưng rồi thì được đãi ngộ tương xứng. Người hiền ắt gặp lành.

 

Lời bàn của Ông Tướng Thầy Ba.

   

Lành thay lời bàn của sư Bất Tịnh.

Nhưng sao lại nói hy sinh?  Hy sinh là chữ nghĩa của “thánh hiền”, của  đám nho gia, hoặc của bọn người  đã gói mình trong một khung giáo lý, giam mình trong những tháp ngà tối tăm của các chân lý không bao giờ thay đổi,  dầu  “sông có cạn, núi có mòn”, dầu dòng đời không ngừng đổi mới. Hy sinh là một từ không may, thường dùng để biện minh một một sự thất bại, một sự mất mát, và thường là để kể lể, phân bua, hay đổ lổi cho người khác, hoặc cho Trời, cho số mạng.

Chẳng qua là một sự lựa chọn. Chọn giữa tích cực và tiêu cực, giữa cố chấp và buông xả, giữa cái trừu tượng của một ảo vọng dễ chịu, và cái thực tiển trước mặt lắm khi rối ren phức tạp, giữa tránh né, lẩn trốn và giáp mặt với vấn đề. Nàng sơn nữ đã chọn trực diện với vấn đề, chọn chuyễn nghịch thành thuận, chuyển thù địch thành bạn. Chọn từ bi mà cảm hóa lòng người, lấy tình thương và hiểu biết thay cho sự đối đầu và đối kháng.

Cũng là lựa chọn giữa thái độ mở và khép kín. Có một thời vua tôi nước ta, vì bế quan tỏa cảng, để củng cố quyền lực tuyệt đối của mình mà mất nước. Sơn nữ, không giam mình trong một cái tôi vĩ đại, không chiếm lãnh chỉ cho mình mọi tình thương và chăm sóc của đức lang quân, không tìm củng cố vai trò của “hoàng hậu chánh cung” trong gia đình, không tìm quyền lực để “ngự trị”. Nàng đã nhận thức được những khác lạ, ở môi trường, ở con người, nếp sống, giá trị,..tất tất  đều khác lạ. Khác là đương nhiên. Trăm hoa không thể đua nở chỉ một màu. Phải khác, mới mới xác định được tính duy nhất, đặc thù của cá thể. Phải khác, nàng mới là chính nàng, không giống bất cứ một ai. Nàng chớ không một ai khác. Nhưng nàng, một bông hoa, cùng với trăm ngàn bông hoa khác, phải đóng góp phần mình làm đẹp giòng đời. Cho nên phải thích ứng, thích hợp và ứng phó với mọi tình huống. Thích ứng  không có nghĩa là mất mình, cũng không có nghĩa là loại người, loại bất cứ cái chi mà mình chẳng thích, mà trực nhận những biến đỗi trong quan hệ, để có những tác động khả dỉ làm cho quan hệ được tốt hơn. Ðổi thay quan hệ là đổi thay lòng người, thói quen, nếp suy nghĩ, hành vi của người và của mình. Vì vậy mà phải chịu nhận lấy những hiểm nguy gây thêm phức tạp, va chạm với người, thương tích trong lòng người và trong chính bản thân.

Mở cũng  là thái độ đầu tiên của Bồ Tát Ðạo. Muốn đọä người, phải mở lòng mình để hiểu biết lòng người. Và lòng người thì nuôn nghìn vạn trạng. Không có lời giải đơn giản. Không có việc chớp nhoáng là cô bé lọ lem biến thành tiên nữ, trái bí biến thành cung xa,.. Bồ tát  không tìm thoát khỏi những nhọc nhằn thế gian, không  tôi luyện thần thông, mà là nhập thế, uống tận giọt cuối cùng của men đời, để hiểu, thấy, biết, cảm thông và buông xã. Nàng sơn nữ nhờ vậy, không biết Bò Tát Ðạo, mà hành Bồ Tát Ðạo. Nhờ vậy, mà “đo”ä được gia đình nhỏ của nàng, bước thêm một bước gần với đạo.

Lựa chọn là bỏ một hoặc nhiều điều và chọn lấy một. Cái một mà mình chọn là cái mình muốn, thích, hoặc cho là tối ưu, thích hợp nhất với cá tính của mình. Cho nên từ khước một số lợi lộc hoặc thị hiếu mà người đời thường vấp phải, không có nghĩa là hy sinh, dầu rằng những thứ ấy cũng có khả năng lay chuyễn mình trong một thời khắc. Không nên gán cho nàng những trạng huống mà có thể nàng không có. Cũng không nên biện minh cho nàng khi nàng không cần một biện minh. Cũng không nên tạo thêm huyền thoại trong khi xã hội Việt Nam đã lạm phát huyền thoại. Cho nên, đừng nói hy sinh, đừng kể kham khỗ. Nên nói khả năng chọn lựa ở mỗi thời điểm của cuộc đời. Nói chọn lựa là nói có thu lượm dữõ kiện, vấn hỏi về vấn đề, tự vấn, có ý thức ít nhiều về mình và môi trường, để sau cùng dấn thân trong những rũi may của giải pháp.         

 

Chọn dễ, tránh khó cũng là cái tâm lý chung của  con người. Lắm người cầu nguyện. mong được một phép lạ, thoảng một cái là mọi việc được như ý. Cô sơn nữ trong truyện không thoát khỏi cái tâm lý chung là mong được một lọ thần dược, một bùa linh, có khả năng giúp sửa đổi tính tình của đứa con.

Ðức tin là nguồn cho sự an tâm. Ðức tin có khả năng mở thêm một kích thước mới hết sức phong phú cho cuộc sống tâm linh. Cầu nguyện vì đó mà có thể có hiệu quả của một phép lạ đối với nhiều người. Tuy nhiên, bùa chú, “nước thánh”, “thuốc thần” chỉ có thể ru người trong ảo vọng.  May thay, cô gặp được người lương thiện, không nhân đó mà buôn thần bán thánh, không dạy soi tiền kiếp, không truyền pháp thần thông, cũng không xui cúng sao, cúng hanï, xin xăm xủ quẻ. 

 

Bài học có lẻ là:

·         Không nên nghĩ rằng mình đã hy sinh, vì con, vì bất cứ cái chi, cả vì một đại nghĩa. Khi thấy rằng mình có hy sinh, thì phải ý thức rằng mình có vấn đề: hoặc trong mình đã hình thành một sự tự cao, tự đại, một hình ảnh quá lớn về mình, đã che mắt bịt tai mình, để mình chỉ còn trong trí cái âm vang của “nghĩa cử vĩ đại” nào đó của mình, hoặc phải xét lại quan hệ giữa mình và môi trường chung quanh, trong bối cảnh cụ thể lúc bấy giờ, đã có một cái gì bất ổn.

·         Trên đời không có phép lạ. Phép lạ là một sự việc—có vẻ ngẩu nhiên—thường chỉ xảy ra sau một quá trình đầu tư công sức, trí tuệ, và  tôi luyện tính tình. Phép lạ là ân sủng do Phật Trời hoặc Chúa ban thưởng vì sự đầu tư cần mẫn và liên tục này.

·         Cúng sao, cúng hanï, cầu thầy pháp, thầy bùa, cậu trạng, vay tiền miếu bà, những thứ tương tự, không là chuyện tu hành. Không khéo thì chỉ giúp vốn cho thương nhân buôn thần bán thánh mà thôi, mà còn có hại cho chính bản thân. Thường khi, vấn đề trở nên phức tạp, khó giải quyết hơn, nếu vẫn tiếp tục “ôm cây đợi thỏ”[1]

·         Mở lòng mình cho người thân, cho sư, thầy, cha cố, thiện tri thức, cho bè bạn, để lấy sinh khí từ bốn phương là một điều tốt. Nhưng cũng nhớ người trí cũng có khi ngu, người tối cũng có lúc sáng, hãy dùng cái sáng tối của người mà học hỏi soi sáng cho mình. Không có lời giải rốt ráo, không có biện pháp rốt ráo. Chỉ có những lời giải và biện pháp tối ưu.

 

Người sơn nữ đã chọn được cái tối ưu cho nàng.

Houston, TX, 09-2001.

 

 



[1] Xưa, có một con thỏ chạy đâm đầu vào một gốc cây mà chết. Có người thấy vậy, ôm gốc cây ấy mà đợi một con thỏ khác đâm đầu vào gốc cây ấy để lấy thịt và lông thỏ.