Trường Phan Thanh Giản Cần Thơ tự truyện

 

Thương nhớ Anh Nguyễn Duy Xuân,

Nguyên Viện Trưởng Viện Ðại Học Cần Thơ

Nguyên Tổng Trưởng Kinh Tế

Nguyên Tổng Trưởng Giáo Dục

Mất tại Trại Cải Tạo Hà Nam Ninh

Người đã cho tôi hứng khởi viết bài này.

 

Nguyễn Văn Trường


Tôi Chào Ðời

 

T

ôi sanh bên bờ sông Hậu, tỉnh lÿ Cần Thơ, năm 1917, đến nay tròn 80 năm. Thuở ấy, ít người biết chữ, cả chánh lục bộ hay xã trưởng, có khi cũng không rành chữ nghĩa phải thuê một thơ ký có tên chung là biện mà vốn liếng quốc ngữ cũng rất khiêm nhường. Biện đây là biện làng, không nên hiểu lầm với Bang Biện; Bang Biện là một chức sắc chỉ đứng sau Cai Tổng. Một tổng gồm nhiều làng xã, Cai Tổng là vị đầu tổng. Cái thời ấy viết nhầm tên họ là thường. Thí dụ Thị Hòe viết thành Thị Hèo, Ngọc Thúy thành Ngọc Thúi là phổ biến. Trong trạng huống đó, tôi là một biệt lệ. Khai sanh tôi được trịnh trọng đăng lên công báo, bằng tiếng Lang Sa, và nghe đâu có đăng cả trên công báo của nước Lang Sa nữa. Cũng nên ghi rằng dầu chẳng đẻ bọc điều, tôi vẫn được cấp tiền chi dụng, và số tiền này được dự trù tăng theo mức độ trưởng thành của tôi. Tôi chào đời dưới một ngôi sao rất sáng, ngày giờ hội đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa: tôi là trung tâm văn hóa cao nhứt vùng. Có mặt gần đủ các nhân vật quan trọng trong chánh quyền, từ trung ương đến địa phương, quân, dân, chính, thân hào nhân sĩ, đến chào đón tôi ra đời. Có nổ champagne, tiệc tùng, nhạc vũ. Nói chung mọi người đều hể hả.

Tên tôi: Collège de Cần Thơ.

Tôi bằng lòng với cái tên này của tôi. Thật ra, từ viên gạch, hạt cát, đến công sức xây dựng nên tôi đều là của người Cần Thơ và vùng lân cận. Tôi mang tên Cần Thơ là phải lắm. Cần Thơ lúc bấy giờ cũng chuyển mình trở thành Kinh Ðô miền Tây Nam Bộ. Cả miền Nam sông Tiền đều phải đổ về đây vì tôi. Khiêm nhường mà nói, nhất thời tôi là “đỉnh cao trí tuệ” của vùng rộng lớn và giàu tiềm năng này.

Cả vùng chấp nhận tôi một cách trọn vẹn. Cần Thơ là đất mẹ của tôi.

Về phía người Lang Sa, tôi cũng có một thế đứng vững vàng. Ðiều này không vì cái tên Collège gắn liền cho tôi. Mọi chế độ, từ minh quân đến bạo chúa, dân chủ hay độc tài hà khắc nhất, đều tự cho mình một sứ mạng cao cả, thế thiên hành đạo, giải phóng con người, an cư lạc nghiệp. Chính phủ Lang Sa không là một biệt lệ. Nếu họ có đô hộ người bản xứ, sưu cao thuế nặng, thuê nhân công rẻ, với điều kiện an sinh tồi tệ, nhất là ở các đồn điền, hầm mỏ... thì họ cũng có mở mang đường xá, cầu cống, kinh rạch... Nếu ở mỗi tỉnh lÿ họ đều xây một khám đường thì họ cũng mở trường tiểu học ở các quận lÿ và có khi ngay trong thôn xã. Nếu họ đến với tàu chiến, súng đạn và những tên lính trận, thì cũng có bác sĩ Yersin, linh mục Alexandre De Rhodes. Những điều tốt mà họ đã thực hiện không hẳn với hậu ý tốt. Mở mang đường xá, cầu cống, kinh rạch có nhằm cho những mục tiêu chính trị và quân sự, xây trường cũng nhằm đào tạo những công bộc cho họ...

Có thể, họ hiểu rằng người địa phương có một ý thức dân tộc cao, một nền văn hóa lâu đời; theo đó, họ không thể cai trị bằng súng đạn và bàn tay sắt. Họ cần chiêu dụ. Vả lại, lúc bấy giờ, họ lại đang lâm chiến với Ðức Quốc: Thế Chiến thứ I, 1914-1918. Trong quân đội Lang Sa có người bản xứ ở các cấp. Trong giới thợ thuyền cũng có người bản xứ. Chánh quyền Lang Sa cần một sự hợp tác của người bản xứ và cần hơn nữa là một sự yên ổn ở các xứ đô hộ để rảnh tay đuổi giặc nhà. Thế nên, tôi ra đời là cả một sự tính toán thiệt hơn và chi ly của chính quyền thuộc địa, nhất thời đang suy yếu.

Vậy, tôi phải là một niềm tự hào của người Lang Sa trong sứ mạng gieo ánh sáng của họ. Trong thực tế, như tất cả các anh chị trước tôi, trường Khải Ðịnh, Ðồng Khánh, Pétrus Ký, Nữ Học Ðường, Mỹ Tho..., tôi là một đầu tư thanh thế cho người Lang Sa. Thế nên, dầu “mẫu quốc” có thọ thương trầm trọng, có kiệt quệ bởi chiến tranh, tôi vẫn được dự trù trong tầm vóc lớn. Như các anh chị tôi, tôi nguy nga đồ sộ giữa bốn con đường: Ðường Cái Khế phía trước, Saintenoy phía sau, Pasteur bên mặt và bên trái là một con đường nhỏ trầm lặng, có lẽ vì tôi mà hiện hữu. Trong bối cảnh đó, tôi là Tây Thi, Trịnh Ðán của phía Nam sông Tiền.

 

Lúc Thiếu Thời

 

Tôi là người đẹp của Cần Thơ, của cả vùng sông Tiền, sông Hậu, tận Cà Mau, Rạch Giá. Tôi cũng hiểu mình không thể chỉ là cái đẹp phô trương, biện minh cho kẻ mạnh là người Lang Sa. Sứ mạng lịch sử của tôi, cuộc sống của tôi chỉ thực sự có ý nghĩa khi đem về được cho đất mẹ, miền châu thổ này, một cuộc sống mới an lạc và ánh sáng của năm châu. Tôi hãnh diện về sứ mạng này và về lòng muốn dâng hiến cái hay, đẹp, để làm phong phú cho quê tôi.

Tôi có nhiều tham vọng. Tôi phải là một cái gì đặc thù cho miền này. Ợt nhất tôi phải có một chương trình ngắn hạn 4 năm Cours Complémentaires, một chương trình dài hạn 6 năm tú tài và cũng có đủ 3 ban triết-toán, triết-khoa học, triết-văn chương, và một chương trình ngắn hạn dạy nghề, thí dụ nông nghiệp, cần thiết cho vùng.

Thế nhưng người ta gói chặt tôi trong cái hạn hẹp của Cours Conplémentaires, mà người ta bao trong mỹ từ Cao Ðẳng Tiểu Học và chỉ cho phép thu nhận tối đa 400 môn sinh.

Có thể người Lang Sa nghĩ rằng dân địa phương chưa có nhu cầu và phương tiện học cao hơn. Cũng có thể họ chỉ muốn đào tạo những thầy thông, thày phán, thông ngôn, thư ký, nói chung là cấp thừa hành trong các cơ quan công quyền. Cũng có thể họ muốn tôi là một trong những lò cung cấp thí sinh cho các trường Cao Ðẳng ở Hà Nội, mà nhiệm vụ lúc bấy giờ là đào tạo y sĩ, giáo sư, cán sự,... , nói cách khác là cấp trung cao của chính quyền đương thời.

Chính quyền nào cũng thế, đều muốn có một sự ổn định chính trị, xã hội và kinh tế. Trong chiều hướng đó, họ muốn đào tạo một số công bộc trung thành với những giá trị và trật tự đương thời. Cái đám công chức người Lang Sa lười biếng và thiếu sáng kiến thời bấy giờ đã đem trọn chương trình Cours Complémentaires, sao y bản chánh, với một vài thay đổi nhỏ, gán cho tôi.

Những năm đầu, tôi cũng lắm khó khăn trong việc tuyển chọn môn sinh. Ðồng bào trong vùng vì chưa biết nên ít ai chịu gởi con mình đến nhờ tôi nuôi dạy. Hệ thống giao thông còn lắm nhiêu khê. Ðối với Sóc Trăng, Cà Mau, Long Xuyên, Rạch Giá thì Cần Thơ xa vời vợi. Ở thời ấy, quan niệm “phụ mẫu tồn bất khả viễn du” (cha mẹ còn sống thì không thể đi xa được) còn phổ biến. Vả lại, đối với tôi, như cả một cuộc phiêu lưu: cái mới là cái chưa biết, và cái chưa biết nào cũng có những nguy cơ bất ngờ, đáng ngại. Người phụ huynh ngại gởi con đi xa, ngại cái chưa biết. Lai rai thưa thớt môn sinh trong nhiều năm đầu cũng tạo lắm khó khăn cho tôi. Nói chung, tôi có thất vọng vì những mục tiêu và những hoạt động hạn hẹp gán cho mình.

Trong thực tế, tôi là người dạy bách môn: văn, sử, toán, lý, hóa, vạn vật, thể dục, thể thao,... Theo đó tôi phải tuân theo những qui điều của Nha Học Chánh: tổ chức, kỷ luật, chương trình, sư phạm,... mà Nha Học Chánh thì trong tay người Lang Sa. Tôi làm việc trong sự chi phối của chính quyền thuộc địa.

Tôi phải dạy con em tôi yêu “mẫu quốc”. Chuyển ngữ là tiếng Pháp. Tiếng Việt Nam, được gọi là langue annamite, và là môn phụ. Chào cờ “Ðại Pháp” và hát La Marseillaise (quốc ca của Pháp) là việc hàng ngày. Trong Thế Chiến thứ II, các môn sinh còn phải ca thêm “Maréchal, Nous voilà!”. Môn sinh tôi lúc bấy giờ viết tiếng Pháp rành hơn tiếng mẹ đẻ. Ðã có gia đình bắt đầu theo lối “trưởng giả học làm sang”, xem nếp sống Pháp, xem việc nói được vài câu tiếng Pháp là sang trọng, và coi nếp sống bình dị dân gian là quê mùa, dốt nát.

 

Tuổi Vị Thành Niên

 

Tuổi vị thành niên là giao thời giữa tuổi thơ và người lớn. Ðó là giai đoạn những chuyển biến, xáo trộn lớn nhất trong đời người. Tôi có khác người, nhưng cũng không khỏi bị những ốm đau “nóng lớn” của tuổi vị thành niên.

Như nêu trên, tôi lớn lên trong cái khung của chính quyền thuộc địa, với những thuận lợi, khó khăn và bất như ý. Thế Chiến II, nước Pháp và Ðông Dương bị chiếm đóng. Chánh quyền thuộc địa suy yếu hẳn. Họ phải hòa hoãn, nhân nhượng, mua lòng người.

Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chánh. Một chính phủ Việt Nam đầu tiên ra đời, chấm dứt giai đoạn lệ thuộc. Tuổi vị thành niên của tôi khởi đầu từ đấy. Khởi đầu cùng với sự bừng dậy của các tổ chức tôn giáo, lực lượng chính trị, nhằm giành lại độc lập, chủ quyền, và trải dài trong hào khí sôi động phức tạp ấy. Thật khó nói là nó chấm dứt năm nào, tuy nhiên có thể khẳng định là trong những năm đầu của Ðệ Nhất Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam.

Có 3 điểm đáng ghi trong giai đoạn này:

1. Tôi phải đóng cửa một thời gian ngắn sau ngày 9-3-1945.

1946: Tôi thay tên đổi họ, được mang tên một vị Ðại Thần đã tử tiết vì dân của cả vùng này: Phan Thanh Giản. Tôi nghĩ đã đến thời độc lập, đến lúc phải trở về quê mẹ, trút bỏ mọi mặc cảm, đem cái tâm trong lành của mình để hiến dâng. Tôi rộn ràng hớn hở, hào khí dâng cao. Với tên mới, một cuộc đời mới mở rộng ra trước mắt. Tôi như con én sổ lồng. Tôi cảm thấy được cất nhẹ những buộc ràng của chính quyền thuộc địa. Tôi bị thôi thúc vì nhu cầu độc lập, sớm đem lại an sinh của đất nước. Cái mộng ban đầu - ước vọng tìm về dân tộc, đào luyện những con người thực sự cho vùng này, dân tộc này - đã có tính khả thi. Tuy nhiên, một số giáo sư và môn sinh của tôi theo tiếng gọi của kháng chiến, đã xếp bút nghiên. Số còn lại trở về với tôi, lòng ít nhiều xao xuyến. Tôi phải mời thêm giáo sư, tuyển thêm học sinh ở các trường tư thục và ở những nơi khác. Sự tuyển chọn, giáo sư và học sinh, dễ dãi hơn; dầu vậy, có khi tôi phải nhờ quí vị giám thị dạy thế và sĩ số mỗi lớp, trước đây là 45-50, giờ chưa đến 40.

2. Ðây cũng là giai đoạn nhiễu nhương nhất trong đời tôi. Có chính quyền quốc gia, nhưng người Pháp còn đó. Quân đội trong tay người Pháp hoặc người Nhật. Bên công an quốc gia có công an liên bang[1] mà người Pháp nắm giữ. Lòng người dao động: kháng chiến, Hội Nghị Fontainebleau, Ðà Lạt, Nam Kỳ Tự Trị, Quốc Trưởng Bảo Ðại, các giáo phái và quân đội bán chính qui của họ cùng tạo một bối cảnh rối ren, bất ổn, lo âu, sợ hãi, và hi vọng; thôn quê phải tản cư về các đô thị, nghĩ rằng tạm, nhưng, kể theo người xưa, thì cũng tròn hết một đời người.

Từ những năm đầu của thập nien 40, trước tất cả mọi người, tôi buộc phải di cư, tạm trú ở trường Nam Tiểu Học Pháp, phía sau hè. Cơ ngơi chánh của tôi phải nhường cho quân đội Pháp (RTA (Régiment Des Tiraillers Annamites)

Chiến tranh kéo dài. Nhân lực và bao nhiêu tài nguyên quốc gia khác phải dành ưu tiên cho các nhu cầu quân lực. Tôi trở thành lò cung ứng cho các trường sĩ quan Thủ Ðức và Ðà Lạt. Kháng chiến chống Pháp từ từ chuyển thành cuộc chiến sống mái giữa hai anh em.

3. Ðây cũng là giai đoạn bùng nổ giáo dục.

Chiến tranh du kích buộc dân quê phải tản cư về thành thị. Theo đó, số dân cư tiếp cận với các trường học nhanh chóng gia tăng, nhu cầu giáo dục cũng gia tăng. Các phong trào truyền bá quốc ngữ, chống nạn mù chữ có góp một phần quan trọng trong việc nâng cao ý thức quần chúng về sự lợi ích của giáo dục. Sau cùng là thực tiễn của cuộc sống thị thành cho thấy sức học càng cao, con người càng dễ sống.

Hơn một thập niên sống trong khuôn viên nhỏ hẹp của Trường Nam Tiểu Học Pháp là thời gian phát triển mạnh và nhanh nhất của tôi.

1949-1950: mở các lớp Secondes, rồi Première Moderne, chương trình Pháp. Môn sinh tôi cũng như trường Nguyễn Ðình Chiểu Mỹ Tho, phải thi Tú Tài I ở Sài Gòn, và sau đó, phải học thi Tú Tài II ở nơi khác. Sĩ số mỗi năm mỗi gia tăng.

Hè 1951, tuyển 4 lớp Ðệ Thất cho chương trình Việt Nam thuần túy. Chấm dứt việc tuyển vào chương trình Cours Complémentaires, và lớp Secondaire. Mỗi năm, các lớp chương trình Việt lần lượt thay thế các lớp chương trình Pháp. Tuy nhiên học sinh tôi vẫn phải lên Sài Gòn thi Tú Tài I và tiếp tục học nơi khác để thi Tú Tài IỊ Phải mãi đến niên học 1960-1961, tôi mới được phép mở các lớp Ðệ Nhất đầu tiên. Sở dĩ có sự chậm trễ đó là vì thiếu giáo sư Trung Học Ðệ Nhị Cấp, gần như ở mọi bộ môn.

Trong chương trình, langue annamite đổi thành langue locale, rồi thành langue viêtnamiente. Dần dần, tiếng Việt Nam từ vị trí phụ trở thành chuyển  ngữ; học mọi thứ bằng tiếng Việt, tiếng Pháp trở thành một sinh ngữ như các sinh ngữ khác. Ðó là bước đầu, nhưng là một bước lớn trong việc khởi dựng một nền giáo dục quốc gia nhằm cho đại chúng.

Ðổi thay như thế đòi hỏi thời gian. Ðổi tên thì dễ, nhưng đổi thay nội dung, tư tưởng, tình cảm, thái độ, hành vi không phải là việc một sớm một chiều.

Thật sự, chương trình Việt là chương trình Hoàng Xuân Hãn với một ít đổi thay. Ngoại trừ các môn Văn, Sử, Ðịa, nội dung là bổn sao chương trình trung học Pháp. Chúng ta thiếu người, cũng chẳng có thời gian; nhu cầu học của quần chúng mỗi lúc mỗi bức thiết, vay mượn của người là việc thường tình. Vả lại, khoa học tự nhiên, hay triết học không là của riêng của bất cứ một quốc gia nào.

Về môn Quốc Văn, tôi còn nhớ năm 1945, giờ langue locale, trong bài Ðĩ Ði Tu, có chữ “thanh lâu”; một học sinh năm Thứ Hai, tương đương với Ðệ Lục hay Lớp 7 ngày nay, nhanh nhẩu giải thích trước lớp học rằng “đó là nơi thầy chùa tu”. Anh đã ngây thơ suy luận: “đi tu tất phải vô chùa”. Trình độ học sinh là như thế. Còn đây là trình độ của quí thầy cô. Kỳ thi Thành Chung (Trung Học Ðệ Nhất Cấp) năm 1947(?), câu “hữu xạ tự nhiên hương”, được một thầy giám thị chép lại trên bảng là “hữu xa tự nhiên hương” (thiếu dấu nặng ở chữ xạ), cho nên cả một phòng thi đều bình luận trong nghĩa “có xe thì đương nhiên về được quê nhà”. Ðến thời kỳ vàng son của Ðệ Nhất Cộng Hòa, câu “học như chèo nước ngược, không tiến thì lùi”, vẫn có nhiều phòng thi ghi là “không tiền thì lui”. Cái lỗi là vì không phải tất cả quí thầy cô đều dạy quốc văn, và được đào luyện trong chương trình Việt. Thời bấy giờ bàn đánh máy chưa có dấu Việt Nam, còn bỏ dấu tay.

Ghi lại chi tiết này, tôi muốn nhấn mạnh ở điểm: i/ vốn liếng quốc ngữ của con em và thầy cô giáo của ta quá khiêm nhường; ii/ khi đuổi chính quyền thuộc địa, thì có thiếu trước, hụt sau, thiếu từ những trang bị đơn sơ đến nhân lực chuyên môn, quan trọng hơn.

Cho nên, khó khăn tưởng chừng như không vượt nổi. Vấn đề không chỉ là thay tiếng Pháp bằng tiếng Việt, để rồi không biết gì ngoài cái Việt Nam chúng ta, gọi như thế là về với nguồn gốc, tổ tiên, gọi như thế là biết tự hào dân tộc. Vấn đề vẫn là xây dựng một nền giáo dục Việt Nam, đào tạo được những thế hệ giàu mạnh ố biết làm phong phú nền văn hóa cha ông, biết tiếp thu những tinh hoa của loài người.

Một mặt, chúng ta bị thúc hối bởi nhu cầu của từng lớp dân chúng, mặt khác, các lực lượng thù địch (Việt Cộng) không ngừng chỉ trích, phá hoại, gieo rắc bất an. Cho nên lúc nào cũng phải cân nhắc thiệt hơn, lúc nào cũng tưởng như đang chèo nước ngược.

Hơn một thập niên ở nhờ, ở đậu, phải ngược xuôi vá víu, bằng lòng với những vay mượn để đáp ứng các nhu cầu giáo dục của con em, tôi có cái vui thấy mình không còn là người đẹp duy nhất của vùng. Tôi mạnh hơn, rắn chắc hơn và một lứa đàn em đã sớm có mặt ở Long Xuyên, Sóc Trăng, Rạch Giá, Vĩnh Long, Sa Ðéc, Vĩnh Bình,... chí đến các thị trấn, quận lÿ, đã một lòng một dạ cùng tôi chia xớt những vui buồn của cuộc sống học đường.

Tuổi vị thành niên, tuy khó khăn, quấy quắc, hiểm nguy, nhưng rồi cũng qua. Tôi vui bước vào một giai đoạn mới.

 

Ðệ Nhất và Ðệ Nhị Cộng Hòa

Nhân Bản - Dân Tộc - Khai Phóng

 

Ðệ Nhất Cộng Hòa đánh dấu giai đoạn thành niên của tôi:

Có lắm điều đáng ghi:

1. Ðệ Nhất Cộng Hòa là một bước tiến vượt bực quan trọng cho miền Nam Việt Nam. Thế giới bị phân thành hai cực, tư bản, cộng sản: Miền Nam trong ảnh hưởng Âu Mỹ, Miền Bắc dưới sự đỡ đầu của Nga-Tàu. Hai Miền, hai thể chế. Miền Nam: Cộng Hòa, dân chủ, tự do, theo Âu Mỹ, đa đảng, chính quyền của đa số, nhưng tôn trọng tiếng nói của thiểu số, thượng tôn pháp luật. Miền Bắc: Cộng Hòa Nhân Dân, cộng sản, độc đảng, chuyên chế, không tư hữu, dân chủ tập trung (thường hiểu là thiểu số phải phục tùng đa số), sùng bái lãnh tụ, không có luật, cai trị bằng nghị quyết.

ễ Miền Nam, quân đội viễn chinh Pháp phải rút về nước. Các lực lượng vũ trang chống đối chính phủ bị dẹp tan, kết thúc cái loạn sứ quân ố quân đội Bình Xuyên, Le Roy, Hoà Hảo, Cao Ðài. Ðồng thời hình thành một chính quyền cộng hòa, một quân đội có kỷ cương, cả hai không ngừng lớn mạnh. Các vùng bình định được nới rộng, và đến cuối thập niên 50, các cơ quan công quyền có mặt ở hầu hết tận các xã ấp. Một trật tự xã hội, một nề nếp mới hình thành. Nhà cửa tươm tất, ghe xuồng tấp nập. Máy đuôi tôm đa dụng đã trở thành phổ biến ở nông thôn. Dọc theo sông Hậu và trên những nơi giao lưu sông ngòi, có những trạm xăng nổi, những xưởng nổi sửa máy đuôi tôm, sạt điện để đáp ứng những nhu cầu mới do hòa bình vãn hồi. Những radio nhỏ chạy pin thông dụng ở mọi nơi, cho mọi lứa tuổi. Nói chung, lòng người ổn định. Miền Nam dần dần bắt lại nhịp sống và trở nên trù phú hơn xưa. Một nền dân chủ pháp trị đang hình thành và không ngừng ăn sâu vào quần chúng.

Tuy nhiên, còn vay mượn của Tây Phương lắm điều, nói riêng, luật pháp, chương trình dạy ở các trường. Còn nhiều điều chưa hoàn bị. Người ta có trách nhà Ngô độc tài, gia đình trị. Có tiếng thì thầm rằng phải là công giáo, người Trung và trong đảng phái của nhà nước mới được trọng dụng,... Tôi có khó chịu khi phải buộc học sinh tôi ca: “Ngô Tổng Thống! Người Về Ðây!”. Tôi có khó chịu khi cảm thấy có sức ép để các thầy cô giáo vào đảng chính quyền. Sự chọn lựa một đảng phái chính trị để thể hiện những hoài bão chính trị của mình là một điều hay, nhưng vào một đảng vì miếng đỉnh chung, hay e ngại quyền lực, thì thật không tốt, nhất là ở môi trường giáo dục.

Trong những mâu thuẫn, bất toàn, phức tạp ấy, Miền Nam vẫn xây dựng được ý thức quốc gia, tôi có cơ sở để dấn thân, tham gia, đóng góp. Có dị đồng, có chống đối, có cãi vả, có va chạm, đôi khi cũng có xáo trộn nhỏ. Nhưng người dân có tham gia, có sống được, và thấy được cuộc sống mỗi lúc mỗi cải thiện. Riêng tôi, sự vắng bóng của quân đội viễn chinh và chính quyền ngoại quốc cùng những hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội đã lôi tôi trọn vẹn vào guồng máy quốc gia và đã thực sự giúp cho tôi trút bỏ mặc cảm có một thời thân Pháp. Ý thức xây dựng một thể chế cộng hòa cho miền Nam ố mà có khả năng đem lại cho đồng bào một cuộc sống phong phú -- được hình thành và lớn mạnh trong tôi.

Tôi dấn thân vào một chế độ cộng hòa, tin ở sự không ngừng cải thiện, tin rằng đội ngũ quân, dân, chính của ta có khả năng cùng đồng bào xây dựng một cuộc sống an lạc.

Trung Hoc Phan Thanh Giang, Can Tho.

2. 1955-1966 tôi trở về cơ ngơi cũ, tương đối có sớm hơn đồng bào trong vùng trở lại thôn quê. Sự phát triển của tôi cũng rất từ từ, do sự quá nghiêm túc của chính quyền. Nếu các tư thục có tự do tuyển thầy cô, đại để trên cơ sở học sinh bằng lòng đóng học phí, thì các giáo sư của tôi, nhất là ở Ðệ Nhất Cấp, phải có ít nhất các chứng chỉ chính của bằng Cử Nhân Giáo Khoa. Thế nên tôi đói giáo sư dài dài, và mãi đến niên khóa 1960-1961, tôi mới khai trương được ba lớp Ðệ Nhất đầu tiên cho ba ban A, B, và C. Ðến năm 1963-1964, năm sung mãn nhất, tôi có được khoảng 80 lớp, hơn 3.500 học sinh.

1964 phải thành lập Trường Nữ Trung Học Ðoàn Thị Ðiểm, đưa toàn thẻ nữ sinh về nơi tôi tạm cư trước đây.

3. Tôi trẻ, có sức, có khả năng, và trên đà phát triển. Tôi sớm khẳng định mình là Trung Tâm Văn Hóa chính yếu của vùng. Trong các đại hội văn hóa thể dục thể thao, các cuộc thi đua, học sinh nam nữ Phan Thanh Giản lúc nào cũng giữ một vai trò chính yếu, nhất là trong sinh hoạt thành phố Cần Thơ. Hội Phụ Huynh Học Sinh, Hội Cựu Học Sinh cho tôi cảm giác có một tiềm năng vô tận. Giáo sư các cấp, chuyên viên, học giả, kỹ thuật gia lần lượt đến trong khuôn viên tôi với những đề tài khác biệt: kinh tế, xã hội, văn chương, nghệ thuật, nông nghiệp, kỹ thuật,... để quảng bá kiến thức cho quần chúng hiếu học. Tôi cũng là nơi gặp gỡ, hội họp, liên lạc, kiến nghị, lập phái đoàn đại diện nhằm yểm trợ, thôi thúc thành lập Viện Ðại Học Cần Thơ. Báo Tiếng Gọi Miền Tây, mà trọng tâm lúc bấy giờ là xây dựng Viện Ðại Học Cần Thơ, trong nhất thời đã dùng tôi làm tòa soạn; hiệu trưởng, giám học, giáo sư và nhân viên trường Phan Thanh Giản bỗng trở thành những cây bút sắc bén đối thoại phong phú với chính quyền. Ðó là mặt mạnh của tôi. Tôi cũng muốn giải quyết mọi vấn đề một cách rốt ráo và ngay cùng một lúc. Ðây lại là một điều không may cho tôi. Ngoại cảnh lại đặt tôi trong giới hạn khá khắt khe; sự hiểu biết của tôi cũng giới hạn, điều mà tôi chỉ thấy được sau này.

4. 1958: Ðại Hội Giáo Dục Lần I tại Sài Gòn gồm phụ huynh, thân hào, nhân sĩ, học giả, quân dân chính, các ngành văn hóa giáo dục các cấp (Tiểu Học, Trung Học, Ðại Học, Kỹ Thuật, Ty, Sở văn hóa giáo dục,...). Hội Nghị Giáo Dục này chính thức hoá phương châm: Nhân Bản ố Dân Tộc ố Khai Phóng cho mọi ngành giáo dục quốc gia kỹ thuật, mỹ thuật, phổ thông, bình dân, đại học, v.v...

Vẫn biết, không có cái dạy của học đường, đứa nhỏ vẫn thành người, vì sống với đồng loại; và lớn lên trong miền châu thổ này chúng vẫn tiếp thu được những phong tục tập quán của nơi đây. Như vậy, không có chúng tôi, cái tính ngưới, tính dân tộc đương nhiên hiện hữu trong mọi đứa bé sinh và trưởng thành ở nơi đây.

Nhưng nghĩ cho cùng, bất luận thời nào đều có những con người vong thân, đánh mất chính mình mà không hay biết. Xưa đã có những con người, “không biết thương thân, mà chỉ biết khóc và chết cho một tên hôn quân vô đạo”  (Dương Chu ). Nay, cũng đã có người vong thân trong một chủ nghĩa, trong một tổ chức, hay vì một đức tin mù quáng. Ở thời đại khoa học quản lý, con người càng dễ trở thành rô bô hay bộ phận của một guồng máy cung cấp dịch vụ hay sản xuất của cải, dễ bị mất mình trong định chế chính trị, kinh tế, tài chánh, thương mãi, xã hội do chính con người tạo ra.

Nhân bản là khẳng định khả năng mà cá nhân thức ngộ được những qui định của môi trường, theo đó, điều hòa được các quan hệ, tự xây dựng được cho mình một cuộc sống phong phú. Nhân bản cũng nhắc nhở người làm giáo dục phải biết trân trọng nhân cách đang hình thành trong đứa trẻ; phải tránh những bạo hành tâm lý, như chế giễu, lăng mạ, sỉ nhục, tránh làm bất cứ cái chi có khả năng để lại thương tích trong lòng người học.

Có người nước Tống, sau khi cấy thửa ruộng, mỗi ngày thăm đồng, kéo cây mạ lên một tí; sau ba ngày thì đám ruộng chết toi. Người làm giáo dục, vì nóng vội, vì thiện chí, vẫn có thể như người nước Tống bạo hành trên lúa mạ, làm chết cái nhân cách chớm nở của trẻ thơ.

Lycurgue nói: “Giáo dục là đào tạo công dân. Chế độ nào công dân đó: giáo dục quân chủ cho chế độ quân chủ, dân chủ cho chế độ dân chủ. “Về sau các nhà cầm quyền, nhất là trong các thể chế độc tài, lấy đó làm cơ sở xây dựng các chính sách giáo dục. Cho nên, có lạm dụng trẻ thơ, có dạy trung thành với mẫu quốc, có Maréchal! Nous Voilà!, trăm ngàn bài thơ nhạc suy tôn Staline, Mao, và Hồ. Nhấn mạnh yếu tố nhân bản cũng là nhằm tránh cho con em một sự tẩy não có hệ thống của giới cầm quyền.

Nói chung, của cải vật chất, lý tưởng, định chế là cần thiết cho cuộc sống con người, nhưng không là nhu cầu duy nhất. Phải làm sao cho con em ta thấy hiểu được cái đa dạng, sức hấp dẫn và cuốn lôi của các cám dỗ, để vui sống với người, với thế giới chung quanh mà không bị tha hóa, không bị nô lệ ở cái ăn, cái mặc, ở một hoài bão không tưởng, ở một chủ nghĩa, một tổ chức, không bị qui định tận cùng trong xương tủy, để không đánh mất cái bản sắc đặc thù của tự thân. Cho nên, phải khẳng định tính người trong mỗi môn học, trong mọi quan hệ ở học đường, nói riêng quan hệ thầy trò.

Nhà trường không lúc nào có thể là cái khuôn sản xuất hàng loạt những con người quên mất bản thân cho một thể chế, một xí nghiệp. Nhà trường đào tạo những con người có tính người, tình người, ý người, thông hiểu được những cảm xúc, ý, tình của con người nói chung.

Con người ấy đương nhiên phải là những con người cụ thể của vùng này, đất nước này trong khoảng thời gian lịch sử này.

Thiết tưởng, vừa giành lại được độc lập, hướng về dân tộc đương nhiên phải là chính yếu.

Nếu có những con người tha hóa, vong thân, thì cũng có những con người mất gốc, không biết mình là gì, là ai, từ đâu, của cộng đồng nào, bơ vơ, lạc loài, không một trách nhiệm nào, không một gắn bó nào với gia đình, làng nước.

Mất gốc cũng là một hiện tượng vong thân.

Trong giới có học lúc bấy giờ, có không ít những gia đình loại sống theo Tây, nghĩ rằng “cả con mèo Tây cũng thông minh hơn con mèo ta”. Họ sống trong lòng đất nẹ, nhưng tâm và trí của họ mộng du ở Pháp. Ðiều đáng mừng là một số đông đã tìm về với đất nước.

Cũng nên ghi là trong một thời lúc mà ta còn vay mượn rất nhiều của ngoại quốc, khẳng định yếu tính dân tộc là cảnh giác về sự nông nổi chạy theo những giá trị ngoại lai.

Nói chung, với tính dân tộc, nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi là cột các môn sinh vào một mảnh đất, Miền Nam Sông Tiền, Sông Hậu, và rộng hơn là đất nước Việt Nam, trong một khoảng thời gian nhất định.

Thế nên, phải có nhu cầu cởi trói.

Vấn đề không là gói trẻ thơ trong một thang giá trị, một số nguyên tắc luân lý, một số kiến thức từ chương. Cuộc sống vốn là phát triển. Con người phải phát triển. Gói nhốt con người vào bất cứ cái gì, dầu đó là lâu đài chân thiện mỹ, vẫn là ngăn trở sự phát triển. Cho nên phải khai mở, sao cho trẻ ý thức được những lợi ích, và tính áp đặt của giáo dục, phải tạo cho chúng cơ may tự giải phóng ra những buộc ràng, ra khỏi tháp ngà của những kiến thức vô hồn của sách vở, hay rộng hơn là của những sở đắc của tự thân. Phải tập cho trẻ thấm nhuần tinh thần khoa học, đem sở học tiếp cận với thực tiễn cuộc đời, để thấy được những ưu khuyết điểm mà không ngừng tự cải thiện. Phải làm sao cho con em ta biết không khép kín trong tự kiêu, tự mãn, để thấy, nghe, hiểu được xa hơn hàng dậu quanh nhà hay lũy tre làng của chúng, làm sao cho chúng mở rộng được tâm trí đón gió bốn phương, mà không trúng độc. Gọi như thế là khai phóng.

Ðã có lần cha ông ta bị Thầy Mạnh giam hãm mà mất nước. Cũng có thể giờ đây một số người đã bị chủ nghĩa Mác-Xít Lê-Nin-Nít cầm tù mà làm nhân dân đồ thán.

Tóm lại, lúc bấy giờ, Nhân Bản - Dân Tộc - Khai Phóng là phương châm cho một đạo mới: Ðạo của những người làm giáo dục. Suy rộng ra đó là Ðạo Làm Người, trọn vẹn tin ở khả năng cải thiện của con người, trân trọng nhân cách của cá thể; có nói văn chương, có dạy thánh hiền, có nêu những nền tảng luân thường đạo lý, nhưng tất cả trong một tiến trình hình thành, trong những cấu trúc không ngừng biến dịch; cho nên, gọi đó là Ðạo mà không là đạo.

Khoảng 1964, một Hội Ðồng Quốc Gia Giáo Dục được triệu tập và “Khai Phóng” được thay bằng “Khoa Học”. Những Hội Ðồng Quốc Gia Giáo Dục kế tiếp xác nhận lại phương châm là: Nhân Bản - Dân Tộc - Khai Phóng.

Các phương châm nầy là một hiến chương giáo dục rút gọn. Chúng nói lên sự quan tâm giáo dục của tầng lớp dân chúng. Chúng nói lên tính dân chủ của nền giáo dục của ta. Chúng gọn nhẹ, và theo đó dành cho chúng tôi nhiều tự do để bàn thảo nội dung đường hướng, chiến thuật, kế hoạch, phương sách khai triển và thi hành thực tế.

Nói riêng, chúng giúp tôi củng cố tham vọng tạo một môi trường trong sáng cho các thầy cô và con em tôi học hỏi. Tôi dấn thân vào chiều hướng ấy, mượn chính quyền làm công cụ. Nghĩ cho cùng, chính quyền nào cũng phải là một công cụ cho sự phát triển tốt của người dân. Nhưng làm thế nào được trước lòng tham muốn quyền lực của con người, nhất là ở một thời buổi mà ai có chút khả năng cũng cảm thấy mình có tài lãnh đạo.

Lòng tham quyền lực này rõ nét trong tập đoàn cộng sản thống trị.

 

Thời Chủ Nghĩa “Anh Hùng Cách Mạng”

 

Người cộng sản lý luận rằng phải có quyền lực mới đem lại được kỷ cương, phải có chính quyền mới cải tạo được xã hội như ý họ hằng mong: họ có lý, và cũng có lý khi bám lấy quyền bính.

Cái vô lý là họ chẳng đo lường được cái giá phải trả. Họ chẳng nghĩ được rằng quyền lực trong tay một tập đoàn dốt nát và tham lam quỷ quyệt sẽ tạo nên bạo quyền và tội ác. Bạo quyền càng xảo quyệt, tội ác càng vi tế. Họ quên rằng gươm báu trao vào tay thất phu thường biến thành dao đồ tể. Họ cũng quên mất rằng từ quyền lực đến bạo quyền, khoảng cách rất nhỏ, nhất là khi chưa có luật pháp nghiêm minh, và khi cả ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp đều trong tay của tập đoàn thống trị.

Quyền lực, nói riêng chính quyền, khi chưa có trong tay, đương nhiên là mục tiêu chính trị. Nhưng có được trong tay rồi, nó chỉ có thể là một công cụ. Họ đã quên hẳn điều này, vì trên suốt ba mươi năm ở tột đỉnh quyền lực, họ đã dùng hết thế hệ này đến thế hệ khác làm con thiêu thân cho một cuộc chiến dai dẳng.

Khi đã chiếm được Miền Nam, họ xem Miền Nam là lãnh thổ chiếm đóng. Họ đưa nhiều tầng lớp nhân dân Miền Nam đi cải tạo, gây cảnh tù đày không bản án, không hạn định thời gian. Trong nhiều năm liền, con em người tù cải tạo không được học quá lớp 8, có nơi chỉ đến lớp 5. Họ tổ chức vượt biên, rồi vượt biên bán chánh thức, tạo cơ hội để tiêu diệt các lực lượng chống đối, đưa đối lập làm mồi cho biển cả, cho giặc cướp, hoặc buộc họ phải an phận với cuộc sống tha hương. Ðảng Cộng Sản đã thực hiện một kế hoạch hủy diệt toàn bộ những sinh lực năng động nhất của Miền Nam, nhằm vô hiệu hóa và triệt tiêu các lực lượng đối nghịch. Họ không hình dung được rằng chưa kể công và của đầu tư, muốn đào tạo một kỷ sư hay “giáo viên cấp 3”[1] phải ít nhất 16 niên học, và sau đó vài năm vọc phá trong nghề mới gọi là hiểu biết chút ít về nghề. Nói về cán sự và thợ lành nghề thì việc đào tạo càng khó hơn nữa.

Chỉ có một học thuyết: Mác-Xít Lê-Nin-Nít. Chỉ có một đảng: Ðảng Cộng Sản. Ðảng và luật pháp là một. Ðảng và đảng viên đứng trên pháp luật, đảng chẳng bao giờ sai, lúc nào cũng “bách chiến bách thắng”. Không có tiếng nói nào khác hơn tiếng nói của đảng.

Trong bối cảnh đó, người cộng sản thẳng thừng khẳng định học đường và giáo chức là công cụ tuyên huấn của Ðảng và Nhà Nước. Một số đông giáo chức bị đi tù, một số bị sa thải, một số cải tạo tại chỗ. Ðảng đi vào học đường khắp đất nước, và tận gốc rễ. Lao công, tùy phái, thơ ký, hội kế viên, giáo chức, giám học, hiệu trưởng, thanh tra,... đa số được thay bởi đảng viên mà “hồng” thì đậm đặc, và “chuyên” thì... có khi chẳng có chi đáng kể. Sách là pháp lệnh, cả những điều sai của sách cũng là pháp lệnh. Người ta dạy những khái niệm như là “bắn xuyên táo”. Khẩu hiệu là: “Dám nghĩ, dám làm”, và vì không có tiếng nói khác, nên làm bậy trở nên phổ biến. Học trò được đoàn ngũ hóa thành đội, thành đoàn, in hệt như ở các chế độ độc tài phát xít, mà đặc thù là độc đảng, nhà nước chuyên chế, đoàn ngũ hóa mọi giai tầng nhân dân.

Tôi bị thay tên đổi họ: Châu Văn Liêm, có lẽ là tên của một người tử vì Ðảng.

Với tên mới, tôi không còn là một thầy cô giáo theo cái nghĩa thông thường của người Miền Nam Việt Nam. Tôi trở thành ông cố đạo của đạo Mác-Xít Lê-Nin-Nít. Cái không may của tôi là các sư, các cha, khi giảng đạo hẹn ước được với việc trên Trời; còn tôi; vì là xã hội chủ nghĩa khoa học, nên phải hứa hẹn một tương lai “xán lạn” nơi trần thế. Hứa hẹn trên Trời thì nào ai kiểm soát được, nhưng hứa hẹn dưới thế, người ta kiểm soát được. Cho nên, bọn trẻ sớm nhận thấy chúng tôi là một loại quán ăn “ngày mai không phải trả tiền” nhưng hôm nay thì một xu không được thiếu, và có khi còn phải trả bằng xương, máu và nước mắt. May mà tên tôi là Châu Văn Liêm, bằng không, tôi sẽ bị gán là treo đầu heo bán thịt chó.

 

Giáo chức các cấp được phong cho tước vị mới “kỹ sư tâm hồn”. Trường Sư Phạm là cái “máy chánh”... Ðược phong kỹ sư là một vinh dự lớn cho người giáo viên cộng sản. Nhớ lại thời Ðệ Nhất Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, vừa tốt nghiệp, lương hàng tháng của một giáo sư Trung Học Ðệ Nhị Cấp ở chỉ số 470, trong khi đó lương của một kỹ sư tốt nghiệp Phú Thọ ở chỉ số 430, thấp hơn.

Thật ra, chúng tôi chẳng bao giờ có mặc cảm hơn thiệt, thấp cao. Mỗi ngành nghề đều có những mặt thuận nghịch của nó. Ðể cho cái dạy của chúng tôi thích hợp, chúng tôi có lắng nghe, tìm hiểu môn sinh, trong sự mến thương và nễ trọng. Cho nên, chẳng bao giờ dám tự ví mình là một kỹ sư, chẳng bao giờ dám xem môn sinh là một sản phẩm, có thể tùy tiện đổi thay, và sản xuất hàng loạt.

Người cộng sản xem con người là một cái đinh, con vít, mắc xích trong guồng máy xã hội chủ nghĩa. Nhân cách thường trực được gói trong hai tiêu chuẩn: “Trung với Ðảng” và là “đơn vị sản xuất xã hội chủ nghĩa”.

Biến những tâm hồn trong sáng, ngây thơ, thành những thứ radio-cassette, y chang như nhau, để trì tụng những lời đảng dạy là một việc làm đáng tội. Hiện nay tôi đang đi trên con đường tội lỗi ấy: cái tội đồng lõa, tội lạm dụng lòng tin trẻ thơ, tội can phá gia phong giáo chức.

Ðó là cái giá phải trả cho cái “áo thanh cao”  của “chủ nghĩa anh hùng cách mạng”.

Trong những năm gần đây, có những đổi thay lớn trong lãnh vực kinh tế nông nghiệp. Tổng sản lượng quốc gia trên đầu người có gia tăng đáng kể. Có một sự ổn định tương đối về giá đồng bạc, vật giá có gia tăng, nhưng trong mức kiểm soát được. Cuộc sống vật chất có tốt hơn, rõ nét là ở các đô thị lớn. Ðiều này là một bước tiến đáng kể và có những tác động cụ thể trên các lãnh vực khác. Ðã có những trường dân lập. Dầu rằng hầu hết các trường dân lập đều do đảng viên điều hành và dành riêng cho những con em có khả năng tài chánh, sự tham gia của phụ huynh có tích cực và thực tiễn hơn, vì thiếu sự đóng góp của họ, trường không có phương tiện hoạt động. Hơn nữa, trên lý thuyết, có thể hiểu rằng chính quyền đã bắt đầu chịu lui vào vị thế kiểm soát và thấy được rằng một tổ chức học đường có tính ban bố không thể thích hợp trong một thời gian dài. Cũng có thể hy vọng nhà cầm quyền “ngộ” được rằng: i/ dân Việt Nam vốn đa nguyên: ngoài người Kinh, còn có người Mường, Mán, Lô Lô, Ra Ðê, Thái, Tày,... ii/ bản chất của văn hóa vốn đa dạng vì tính thẩm thấu cố hữu của những môi trường văn hóa. Và theo đó, có thể hi vọng những thay đổi căn để. Tuy nhiên, cũng có thể nghĩ rằng thói quen rất khó đổi. Nhà cầm quyền đã quá lâu đời có thói quen chuyên chế, đàn áp, bạo lực. Dân chúng Miền Bắc thì quá quen với thụ động, và đã có một thời gian dài giao gởi thân phận mình cho Ðảng in như các tín đồ mà mọi việc đều tin ở các cha, các chức sắc. Miền Nam thì còn trong ác mộng của tù đày và cải tạo.

Cho nên, phải chừng nào nhân dân ý thức và có tự tin rằng mình phải quyết định thân phận của mình, không chờ bất cứ một tổ chức tôn giáo, chính quyền, đảng phái nào ban bố cho sự sống, chừng ấy, bất cứ nhà nước nào, cũng phải chấp nhận những cuộc đối thoại trung thực với người dân, cũng phải nghe được tiếng nói khác, và chừng ấy, mới hi vọng một cuộc sống an bình ổn định. Tôi mới có cơ may trở lại với vai trò giáo dục cố hữu của mình.

 

Trang Nghiêm Cửa Khổng

 

Giáo dục nhằm chuẩn bị cho con trẻ hay thanh thiếu niên thích ứng được với môi trường sống. Ngựa phải thuần rồi mới dùng được, phải cắt lông đóng móng. Cây phải được uốn nắn, cắt tỉa mới thành kiểng đẹp. Rừng hoang vu phải được xẻ đường, khai hoang, xây nhà, trồng cỏ, trồng hoa quả mới có bóng người. Người xưa thường ví công việc giáo dục với những việc làm này, và cũng thường nhắc nhở: khai phá núi rừng bừa bãi, núi sẽ trọc; uốn nắn quá đà, cây sẽ gãy; cắt tỉa phạm, cây sẽ còi; và ngay việc hớt lông ngựa, đóng móng ngựa cũng đã làm mất hơn phân nửa cái chất tự nhiên của ngựa rồi.

Thế nên, phải hết sức cẩn trọng. Không khéo chúng tôi biến trẻ con thành thánh hiền non, đánh mất cái hồn nhiên trong sáng của chúng, để thay vào đó bằng những kiến thức chết, chết vì quá cổ xưa, chết vì lỗi thời, hoặc vì đã biến thành tiên kiến cứng ngắt không phát triển được.

Trong diễn tiến tốt đẹp nhất, tôi vẫn mong là một ông thầy lỗi lạc, một loại cố đạo xuất chúng, có cái máu thầy giáo trong huyết quản để những giá trị truyền đạt nhờ đó mà đến tận trong sâu xa nhất lòng người. Học sinh sẽ trọn vẹn tin tôi, như tin các bậc cao tăng, giáo chủ. Họ sẽ ôm những lời vàng thước ngọc của tôi, trụ vào đó, cho đó là “đỉnh cao của trí tuệ”, là “lương tâm của thời đại”. Và như vậy, họ có thể chẳng bao giờ có ý rời cái lâu đài giá trị “vĩ đại” mà tôi cùng họ xây dựng trong người họ. Trong cái hình ảnh thành công “vô vàn” tốt đẹp ấy, vô tình tôi đã làm cái việc của một tên chủ ngục, áp đặt và giam trẻ trong một hệ thống giá trị sẵn có. Người tù trong khám còn nghĩ, mong đợi ngày ra. Người tù trong đền vàng điện ngọc ít có cơ may nghĩ ngày giải thoát. Càng hãnh diện về những sở đắc hay thành công của mình, càng bị giữ chặt trong ao tù sở đắc ấy. Thế nên, trong viễn ảnh của sự thành công tốt đẹp nhất, tôi có nhiều khả năng đưa môn sinh tôi chung thân vào tù. Tây Thi có thẹo là như vậy đó; vẫn man mán có điều chưa trọn.

Rất may tôi không là con người hoàn bị, tuyệt hảo, tài ba. Ðiều tôi cung ứng cũng bất toàn. Nhờ đó tôi nghe được những tiếng nói khác để không ngừng cải thiện. Nhờ đó, môn sinh tôi, nếu có một thời lúc nào đó tin nơi lời “vàng ngọc” của tôi, chúng có nghĩ suy tự vấn, để tôi luyện suy tư, hành động độc lập, xây dựng tự tin, xây dựng một bản sắc cho tự thân.

Nghĩ cho cùng, lẽ sống và giá trị của tôi nằm ở các môn sinh. Môn sinh tôi là những con người đang hình thành. Ðổ thành chung? tú tài? hay chi chi khác, chỉ là khởi đầu một giai đoạn mới. Vậy, tôi cũng phải là một học đường đang hình thành. Cuộc sống tôi chỉ có thể là một chuỗi dài cải thiện. Thế nên, tôi không gói mình và nhất là không tìm gói học trò mình vào bất cứ một đạo giáo nào hay lý tưởng nào.

Miền Sông Hậu có nhiều đạo giáo: Hòa Hảo, Cao Ðài, Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật Giáo, Công Giáo... và cũng có lắm đảng phái chính trị. Tôi phải trung lập đối với các đạo. Nói rõ hơn, tôi nhận mọi con em thuộc bất cứ đạo nào, tôi không bài bác bất cứ đạo nào, cũng không thiên lệch theo một đạo nào. Tôi cũng không là phương tiện truyền giáo cho bất cứ đạo nào. Cũng tương tự, tôi trung lập đối với mọi đảng phái, chủ nghĩa, lập trường chính trị. Và phải như thế tôi mới có cơ may cung cấp một bầu không khí trong lành thích hợp cho sự phát triển của mọi học sinh. Học sinh của tôi thuộc nhiều nhóm văn hóa nhỏ khác biệt nhau.

Trong thực tế, tôi phải tạo một lãnh địa thích hợp cho đối thoại.

Ðối thoại phải có đôi bên, và các bên phải biết nghe, hiểu nhau.

Người có quyền lực thường chỉ nghe tiếng nói của chính mình và khó hiểu được người khác. Tổng quát hơn, người mà lúc nào cũng phải thành công, phải đúng, thường thường là điếc và mù đối với người nói khác, làm khác, vì rằng dầu có nghe âm thanh, có thấy cử chỉ, nhưng không hiểu.

Trong thực tế, tôi gặp lắm khó khăn với chính quyền, người có quyền lực trên tôi. Tôi còn gặp khó khăn với các chức sắc đạo giáo. Quí vị này thường quen độc thoại trên bục giảng, quen được “cung nghinh” mỗi khi “giá lâm” để “ban pháp”, và cơ sở của quí vị là kinh kệ, và kinh thì chỉ có đúng mà thôi(!)

Nói riêng, không thể đối thoại với chính quyền cộng sản, vì dân chủ tập trung buộc thiểu số phải câm mồm làm theo đa số, vì chính quyền chỉ nghe được lời dạy của Ðảng mà thôi, vì không thể đối thoại khi mình bị gươm kề bên cổ. Càng không thể đối thoại được với các nhà truyền giáo Mác-Xít Lê-Nin-Nít, vì những điều họ nói, nghĩ, đều ở trên một căn bản tiên quyết Ðảng là “lương tri của nhân loại”, “hướng đi tất yếu của lịch sử”.

Với phụ huynh, không phải lúc nào tôi cũng dễ dàng nói chuyện. Trong một chừng mực nào đó, tôi là kẻ sĩ trong vùng. Dầu thứ bực ố sĩ, nông, công, thương -- đã đổi thay, nhưng lòng người vẫn còn mến trọng người có học. Hơn nữa, tôn sư trọng đạo vẫn còn một giá trị hàng đầu trong vùng này. Gởi con cho tôi, phụ huynh đã sẵn một lòng kính nể và tin cậy.

Ngỡ rằng như thế là thuận lợi. Nhưng không, thông thường, trong những buổi gặp gỡ chung, thì lời nói xoay quanh năm ba nhân vật chính mà có tài ăn nói của hội phụ huynh. Khi được mời riêng, người phụ huynh lại nghĩ có việc gì rắc rối, không may đã xảy ra. Tiên kiến, hình ảnh đẹp về tôi, bỡ ngỡ của người phụ huynh trước người lạ... là những trở ngại chính trong giao tiếp của chúng tôi.

Khó khăn cũng lắm với một số giáo chức. Có người quen độc thoại, nhất là các cụ dạy khoa học tự nhiên, mà cái gì cũng có vẻ đâu ra đó rõ ràng, súc tích, chính xác. Ðộc thoại thì dễ cho thầy cô, cũng dễ cho trò. Thầy cứ say sưa, thao thao bất tuyệt; trò khoẻ ru, giả vờ chăm chú nghe nhưng hồn vân du nơi khác cũng chả sao. Nhưng hậu quả rất tai hại: trò không vấn hỏi, không hành trì, trí não quen nghỉ nghơi có thể thu hẹp lại, thầy quen độc thoại cũng dễ lãng tai hay lòa mắt, không bắt gặp được những thanh sắc khác lạ.

Trọng tâm vẫn là đối thoại với môn sinh. Có nhiều lý do: không môn sinh, tôi phải đóng cửa.

Ðối thoại là một phương tiện để các môn sinh tham gia và theo đó cảm nhận mình là một phần mật thiết với trường. Phải có tham gia, có sống, cùng chia xớt những thăng trầm, mới có gắn bó, có để cho nhau những ký ức sâu đậm.

Mặt khác, dạy là cho người học, vì người học. Người học là chính mà tôi là phụ. Cái học là chính, cái dạy là phụ. Có áp đặt trên người học, vì những điều dạy được người lớn chọn trước, ghi trước trong chương trình, soạn trước trong “giáo án”. Nội dung dạy, có xưa, có nay, nhưng phải cổ điển, nghĩa là đã qua thử thách và được công nhận là những giá trị vững chắc và thích hợp. Cho nên, thường rất cổ, có khi xa thực tế, nếu không nói là lỗi thời. Nói cách khác, đó là kiến thức chết, vì chúng đã cũ mục, thuộc các thế hệ đi trước. Mục tiêu của việc dạy là làm cho chúng sống lại trong người học. Vấn đề không là trình bày cho con em một cái gì hoàn bị, để chiêm ngưỡng, mà là một cái gì đang hình thành trong tầm hiểu biết và thực hành của chúng. Ðối thoại có thể giúp chúng tôi thực hiện điều này, để cái học lúc nào cũng sống động.

Ðối thoại cũng nhằm giúp cho người học biểu lộ những cảm nghĩ của mình, khi tiếp thu lời dạy. Vì cái học thực sự nằm trong người học, người dạy phải cảm nhận được những diễn biến bên trong ấy, không nhiều thì ít.

Trong cái thành tâm thiện ý nhất của thầy cô, cái dạy tự thân đã mang tính áp đặt, giam người vào những khuôn thước của xã hội. Cho nên, người dạy không lúc nào quên rằng cái dạy của mình phải khai mở, phát triển, và giải phóng con người. Giải phóng ra khỏi các tiên kiến, các thủ đắc, ra khỏi cái tâm lý đã đến mức, đã hoàn tất, đã thành tài.

Thế nên, cái học phải gắn liền với hỏi, nghe, suy tư, biện bạch và thực hành. Học là đối thoại. Giữa tri và hành thường có khoảng cách khá xa. Tri mà không hành là biết chưa tới.

Các thanh thiếu niên học nghề trong vùng, học ngay ở xưởng. Như họ, tôi học dạy ngay ở lớp học, học với học trò tôi. Ðương nhiên, tôi có đọc thêm sách, học những kinh nghiệm, lý thuyết của năm châu, của người xưa, của thời nay. Học, vấn, tư, biện, hành vừa nêu trên, tôi vay mượn của Khổng Mạnh; tri dị hành nan, tri nan hành dị, hay tri hành hợp nhất cũng vay mượn của người xưa. Nhưng không phải đọc vài mươi quyển sách trước trẻ con rồi gõ đầu trẻ được. Môn sinh mình là người thầy bậc nhất dạy cho mình nghề dạy học. Vậy nếu họ biết tôn sư trọng đạo, thì tôi, học trò của họ trong nghề dạy, cũng phải biết tôn sự trọng đạo. Là thầy của nhau, thày trò bình đẳng, chẳng ai hơn ai. Cho nên trọng môn sinh nhằm tạo những điều kiện thích hợp cho đối thoại là lẽ thường.

Ðối thoại không là rập khuôn. Nó hàm chứa sự dị biệt. Ðôi bên thường khác nhau, có trao đổi qua lại, nên gọi là đối thoại. Vậy muốn đối thoại phải chấp nhận dị biệt, lắng nghe được những lời nói khác lạ.

Làm người ắt bất toàn. Cho nên, phải tránh cho cả đôi bên mặc cảm sợ sai quấy mà không dám nói, không dám làm. Mặc cảm bất toàn, ngại bị chế giễu tạo một tâm lý không thuận tiện cho đối thoại.

 

Chúng tôi thường đùa nhau: Cái nghề của mình không khác việc “nhuộm mây nẩy trăng” của Kim Thánh Thán. Nghệ sĩ muốn vẽ trăng, nhưng trăng khó vẽ quá. Phải vẽ mây. Nhưng vẽ mây không vì mây, mà vì trăng. Khi xong bức tranh, người xem khen rằng trăng đẹp quá, nghệ sĩ thành công. Nếu trái lại được khen là mây đẹp quá, thì là một thất bại.

Chúng tôi muốn tôi luyện môn sinh thành người. Con người mà chúng tôi muốn đạt đến quả thật khó tả. Phải chăng “nó phải có danh gì với núi sông?”. Hoặc “không thành danh cũng thành nhân?” Con người ấy phải theo Lão? Nho? Phật? hay Ky Tô Giáo? hay chi chi khác nữa? Hội Ðồng Quốc Gia Giáo Dục vạch cho tôi tôn chỉ: Nhân Bản, Dân Tộc, Khai Phóng. Vậy trăng của chúng tôi phải là những con người phát triển trong lòng dân tộc, có tình, có lý; cái tình lý này là của con người của vùng này, lúc này, hôm nay để gắn liền với quê hương đất tổ (Dân Tộc), đồng thời cũng là cái tình lý của người đời của muôn nơi, muôn thuở (Nhân Bản).

“Vi nhân nan, vi nhân nan”, người xưa bảo thế. Con người mà chúng tôi kiến tạo, đa dạng, muôn sắc muôn màu, đổi thay từng vùng, từng thời điểm. Khó lắm thay. Cho nên, phải nhuộm mây, dùng kiến thức mà tôi luyện con người. Nếu sau cùng, người đời bảo rằng chúng tôi chỉ đào tạo những cấp bằng, học vị, những chức tước, sống trên một mớ kiến thức cũ, xưa như trái đất, hoặc đục khoét dân chúng, ăn hại và làm nghèo đất nước thì công trình của chúng tôi phá sản, vì đã vẽ mây cho mây. Trái lại, nếu người đời nhận rằng chúng tôi đào tạo những con người tốt, có khả năng, có nhiều đức tính, có tình nghĩa, biết sống một cuộc sống phong phú cho mình và cho tha nhân, chúng tôi gọi đó là thành công, đã vẽ mây vì trăng.

Cho nên, chúng tôi dạy kiến thức mà không vì kiến thức. Kiến thức là phương tiện để tôi luyện khả năng và tính tình: can đảm, kiên nhẫn, trì chí, lòng tự tin, tinh thần trách nhiệm, óc sáng tạo... những đức tính cần thiết cho một xã hội không ngừng chuyển biến, và chuyển biến mỗi lúc một nhanh.

Suy nghĩ về lễ nghi, kỷ luật, nội dung cái dạy và cái học, phương pháp, mục tiêu, về những quan hệ với chính quyền, đoàn thể, tổ chức tôn giáo,... trong chiều hướng cải thiện học đường, chúng tôi gọi đó là TRANG NGHIÊM Cửa Khổng, cái tu học của các sư, sư ở đây không là ở chùa hay các thiền viện, mà là của làng giáo.

 

Ðục Trong

 

Khuất Nguyên đến bờ sông Mịch La thì than rằng: “Ðời đục ta trong, nên ta không chỗ dung thân.” Lão thuyền chài nghe được, ngâm vang một bài tứ tuyệt, ý rằng: “Ðời có đục, sao không quậy thêm lên, uống cho đã, sống cho hả, sao lại chẳng có nơi dung thân?”

Khuất Nguyên trầm mình trong sông Mịch La mà chết.

Tôi không là Khuất Nguyên. Không làm được như Khuất Nguyên, và cũng không có quyền làm như Khuất Nguyên. Ðục hay trong tôi vẫn phải sống.

Ðục trong là tùy tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn tùy xã hội, thể chế, nền văn hóa đương thời. Cho nên, trong một thời gian nào đó, đức tin và dị đoan chỉ khác nhau ở chỗ được người đời chấp nhận hay phủ nhận. Bán bằng xá tội (Indulgence trong Công Giáo thời xưa), cúng sao hạn ở các chùa, ấn tống để được công đức phước báo là trò phù thủy hay việc tốt lành tùy các giá trị mà ta đang sống. Cụ Phan Thanh Giản, Cụ Pétrus Ký, ta kính trọng mến yêu, người cộng sản thì cho là bất xứng.

Như con người, tôi học làm lành, lánh dữ. Tôi phải biết thế nào là lành, là dữ, tôi phải phân biệt đục trong. Gieo ánh sáng, đẩy lùi bóng tối của sự dốt nát, tôi gạn đục lấy trong. Trong thực tế, như nói trên, tôi là một nhà truyền giáo, giáo lý làm người.

Dạy làm người, tôi phải biết tiếng người, lý người, tình người, môi trường sống của người.

Bên cái đục trong của tôi, có cái đục trong của các môn sinh, của người phụ huynh, của chánh quyền, của quần chúng, của môi sinh. Tôi xây dựng cuộc sống của tôi trên đó. Tôi cũng ý thức những giới hạn của tôi về sự hiểu biết về tôi, tha nhân và môi trường. Nhờ đó mà học hỏi, mở rộng thêm cuộc đời.

Năm nay, niên kỷ đã 80, thế thường người đời là xế bóng. Như với một học đường như tôi, thiết nghĩ chưa quá ngọ, nhưng cũng đủ để tri thiên mạng. Nhìn lại những thăng trầm, từ Collége de Cần Thơ, Trung Học Phan Thanh Giản, đến Phổ Thông Châu Văn Liêm, bao nhiêu giáo chức nhân viên khác biệt, bao nhiêu khoá môn sinh đã cùng chia xớt ngọt bùi cay đắng với tôi, bao nhiêu tư tưởng dị đồng. Có người đã về Thiên Ðàng hay Cực Lạc Quốc, có người tha hương khắp năm châu, có người còn ở đây cùng tôi gắn bó.

Nghĩ cho cùng chẳng ai muốn về chốn vĩnh hằng, cũng chẳng ai mong cuộc đời viễn khách.

Riêng tôi, vẫn tồn tại ở đây, thiết nghĩ là một may mắn lớn. Quê mẹ cần tôi hơn bất cứ nơi nào. Sanh và trưởng thành nơi đây, tôi thấu hiểu con người và môi trường này hơn bất cứ ai, theo đó tôi ích lợi cho ở đây hơn bất cứ nơi nào khác.

Tôi biết cái nghèo cái đói dai dẳng, vì chiến tranh cũng có, vì chủ nghĩa anh hùng cách mạng cũng có. Tôi hiểu cái bất hạnh của dân tộc tôi. Tôi, một ngôi trường, món ăn chính của tôi là tư tưởng, những trào lưu văn hóa, trong đó có Khổng Mạnh, Phật Giáo, Lão Giáo, Lang Sa, Mác, Lê Nin, Mao, nhưng hẳn không chỉ là bao nhiêu đó. Hiện tôi đang đói và có thể đói dài dài, vì sách báo nước ngoài quá đắt đỏ đối với khả năng tài chánh của tôi, và cũng vì chính quyền không cho phép nghe khác, nghĩ khác. Thế nên, nếu đồng bào tôi đói dai dẳng, “đói đến chết”, thì số phận của tôi không hơn. Tôi cảm như mình bị đẩy lùi dần vào bóng tối. Tôi vẫn là Tây Thi, nhưng mà là Tây Thi bị sao Kế Ðô, La Hầu, Thái Bạch án ngay ở mọi cung. Như đa số trong vùng, tôi đang sống thu hẹp lại, hạn chế nhu cầu, hạn chế nghĩ suy, gọi như thế là anh hùng, là biết chia xớt với đồng bào trong cái khó. Ðảng dạy: “Ðất nước ta còn nghèo.” Phải biết hy sinh; nói rộng ra phải nướng thêm vài thế hệ. Một lần nữa, tôi đồng lõa với chính quyền.

 

Sau cùng, thiết nghĩ phải nói một lời với các môn sinh cộng sản của tôi. Các anh chị có theo tiếng gọi của non sông, có muốn giành độc lập, đem lại ấm no và hạnh phúc cho dân ta. Các anh chị có lý tưởng. Ðáng khen thay những con người có lý tưởng cao cả, vì nước, vì dân. Cũng đáng khen là anh chị đã chịu ghép mình trong một kỷ luật khắt khe, đã có quên mình vì đại cuộc.

Tuy nhiên, cuộc sống không chỉ là lý tưởng, hay ý thức hệ. Nó còn là những nhu cầu thiết yếu, thí dụ như nhu cầu được ấm no, được an cư lạc nghiệp. Nó vốn đa dạng, muôn màu. Cho nên, không thể giam người trong một chủ nghĩa, trong một lý tưởng, và càng không thể kìm hãm dân tộc trong đó. Mác-xít là một hệ tư tưởng có một ảnh hưởng rộng lớn nhất định trong bối cảnh lịch sử của cuối thế kỷ thứ 19 và đầu thế kỷ thứ 20; nhưng nó không là duy nhất.

Ðối với Việt Nam, nó xa lạ. Lấy cái áo ngoại lai của một xã hội kỹ nghệ của thế kỷ trước, tròng vào cho xứ nông nghiệp ta sau 30 năm chiến tranh thì quả là cưỡng ép. Ðó là kéo chân vịt cho dài ra bằng chân hạc, và làm cho chân hạc phải ngắn lại như chân vịt. Cho nên, hòa bình đến, đất nước thống nhất, ngỡ là an cư lạc nghiệp, nhưng vẫn đói khổ dài dài. Anh chị hẳn có nghe tiếng rên siết, có thấy những hành động nổi dậy của những người dân mà tâm nguyện là được làm việc và được sống trong sự bảo vệ của luật pháp. Nhưng lắm khi các anh chị phải ngoảnh mặt làm ngơ, ví phải trung với Ðảng, nên đành bỏ chữ hiếu với dân, quên tình nghĩa đồng bào, đánh mất cái mục tiêu ban đầu của các anh chị.

Vấn đề không là thay tập đoàn cai trị da trắng bằng một tập đoàn người trong nước, sắt máu hơn, độc tài hơn. Vấn đề cốt lõi vẫn là làm sao có một chính quyền mà nhân dân có thể tích cực tham gia; một chính quyền có khả năng giúp cho người Việt Nam biết sống, biết đem lại cái an lạc cho nhau. Bất cứ ai gieo rắc thương đau, đói rách cho đồng bào, dầu trước đây có là đồng chí của các anh chị, giờ chỉ có thể là những tên phản động, thù địch của nhân dân, và của chính anh chị.

 

Còn lắm điều chẳng trọn...

 

Ðục trong giúp xây dựng bản sắc của tôi. Ðó là cơ sở cho nhân cách của tôi. Nó giúp tôi đối thoại hữu hiệu với nhhững cái mới lạ, với đồng bào tôi, môn sinh tôi, chánh quyền các cấp, đảng phái và đạo giáo. Hiểu được và biết nhường nhịn để gặp nhau trong hòa khí, đó là cái may lớn.

Tuy nhiên, hiểu được, và biết được rõ có một giới hạn mà mình chẳng thể bước qua được, nhưng mình phải bước qua, cho nên gọi đó là đồng lõa, gọi như thế là có một cái gì chẳng trọn.

Tôi đã nhìn các đội ngũ đã lo cho sự an sinh của tôi, xây dựng nên tôi, lần lượt vào tù, nhìn nhân lực và tài nguyên đất nước phí phạm vô tội vạ, tôi không dửng dưng, nhưng vẫn để cuộc sống như thế trôi. Thật có một cái gì chẳng trọn.

Tôi lớn tiếng thuyết vế đối thoại. Tôi hằng nói phải biết lắng nghe, nghe mà tâm yên lặng bình an, không oán hờn, cũng không để bị phỉnh nịnh, nghe mà trí không bận vì những sở đắc của mình, vì những hình ảnh về mình hay về người khác làm dao động. Tôi hãnh diện trong kinh nghiệm học lắng nghe và đối thoại. Nhưng hôm nay, tôi cảm nhận ít khi tôi lắng nghe được hết môn sinh tôi, nghe được hết những người đối nghịch. Lại một điều chẳng trọn.

Tôi nghĩ phải thật thà. Tôi thương, kính mến cái mộc mạc của dân quê. Tôi muốn trung thực với trẻ con tôi, với chính tôi, với đồng bào tôi. Nhưng tôi cũng đã có lần không thực với trẻ, với đồng bào, với chính mình. Lại một điều chẳng trọn.

Tôi không bi quan. Các bạn cũng đừng nghĩ rằng tôi tự mình hài tội, và chờ đợi phần phân biện, hay một lời sám hối, ăn năn, xin tội. Cuộc sống vốn bất toàn, con người vốn bất toàn. Cho nên, dở dang là đương nhiên. 80 năm một chuỗi dài dang dở, xem đó là may, vì nhờ đó mới thèm một cái gì cho trọn, còn bước tới, còn tìm tòi, còn vui với những cải thiện, hi vọng mãi, tiến mãi đến cái tròn đầy, nhưng vẫn còn lắm điều chẳng trọn.

 

Tri Ơn: Chúng tôi chân thành cảm ơn hai vị Giáo Sư Hiệu Trưởng Lưu Khôn và Nguyễn Trung Quân đã cung cấp cho chúng tôi những số liệu quí báu cùng với năm tháng về sự phát triển của trường Phan Thanh Giản.

     Houston, tháng 4-1997