Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn TS Mai Thanh Truyết Về

      Phát Triển Bền Vững Ở Việt Nam

 

Biên tập viên Đức Duy (ĐD), đài Á châu Tự do (Radio Free Asia) phỏng vấn Tiến sĩ Mai Thanh Truyết (MTT) ngày 5/11/02 về sự phát triển bền vững của Việt Nam theo tinh thần  của Nghị trình-21 do Liên hiệp quốc đề ra sau Hội nghị Thượng đỉnh Rio de Janeiro năm 1992. Bài phỏng vấn sẽ được phát đi ngày 10/11/02 qua chương trình Tạp chí Khoa học Kỹ thuật của đài.

Trước khi đi vào nội dung cuộc phỏng vấn, sau đây là những trao đổi giữa hai Thông tín viên Thanh Quang (TQ) và Đức Duy (ĐD) về vấn đề môi trường ở Việt Nam.

 

TQ: Vào trung tuần tháng 9 vừa qua, Ngân hàng thế giới, chi nhánh tại Việt Nam, đã cho công bố một tài liệu cho biết tình trạng môi trường ở Việt Nam. Bản tường trình được soạn thảo với sự hợp tác của Cục Môi trường VN và Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan mạch, tạo một hình ảnh đáng lo ngại do sự suy thoái môi trường trầm trọng tích lũy trong nhiều thập niên gây ra. Đức Duy đề cập đến bản tường trình dài hơn 40 trang nầy và phỏng vấn Tiến sĩ Mai Thanh Truyết, một nhà khoa học VN đang cư ngụ tại California và cũng là một người từng viết nhiều tài liệu về môi trường ở VN.

ĐD: Bản tường trình của Ngân hàng Thế giới chứa đựng rất nhiều dữ kiện và số liệu cho thấy hiện trạng môi trường của VN  qua một sự theo dõi, hay quan sát chặt chẽ. Tóan nhân viên của ngân hàng phụ trách nhiệm vụ theo dõi được sự tiếp tay của nhiều cộng sự viên thuộc nhiều cơ quan hữu trách, do đó bản tường trình có một tính đáng tin cậy cao.

Một nhận định tổng quát là cho rằng tại VN đã có một sự thoái hóa mau chóng về phẩm chất của môi trường và về các tài nguyên thiên nhiên. Một thí dụ được đơn cử là trong 5 thập niên qua, diện tích đất đai có rừng thiên nhiên che phủ đã sụt giảm từ 43% xuống còn 29%. Sự sụt giảm nầy đưa đến một sự mất mát lớn lao những môi trường sống tự nhiên cho các loài thú vật và chim muông, và nhiều loài đang bị đe dọa tuyệt chủng. Bên cạnh đó, vẫn theo bản tường trình, tình trạng dân cư tại các vùng đô thị quá đông đúc đặt ra những gánh nặng cho hạ tầng cơ sở và các dịch vụ ngay cả những nhu cầu sinh sống tối thiểu của người dân cũng không được thỏa mãn đầy đủ. Vấn đề người dân ở nhiều nơi không có nước trong sạch để uống, không có những tiện nghi để dùng. Tỉ như những bãi rác chồng chất không được xử lý, chất thải từ cống rãnh không được đụng tới, cũng đủ nói lên tình trạng thiếu kém nầy.

TQ: Đối với VN, những vấn đề thiếu xót, hay có thể nói những thách thức, cần vượt qua thì rất nhiều, từ việc giáo hóa người dân để họ có ý thức về môi trường đến việc thi hành một cách cụ thể những luật lệ bảo vệ môi trường vẫn chỉ có trên giấy tờ. Bản tường trình nêu lên một ưu điểm. Đó là Chiến lược tòan quốc về bảo vệ môi trường 10-năm mà VN đã đưa ra năm ngoái để áp dụng cho đến 2010. Chiến lược nầy đặt ưu tiên vào việc hiện đại hóa và tăng cường những luật lệ môi trường hiện hữu.

Theo Ngân hàng Thế giới, VN cần phải thực thi những chiến lược hữu hiệu và phải chú trọng đến phát triển xã hội và môi trường nếu muốn giữ vững mức độ phát triển kinh tế như trong 10 năm qua. Đây là một nhu cầu được đặt ra cho tất cả mọi nước đang phát triển, không cứ gì VN, tại Hội nghị thượng đỉnh về Phát triển bền vững họp ở Jehannesburg, Nam Phi hồi cuối tháng tám vừa qua.

ĐD: Nhân có bản tường trình của Ngân hàng Thế giới về tình trạng môi trường ở VN, chúng tôi có dịp trở lại tiếp xúc với TS Mai Thanh truyết, một nhà khoa học hiện ở California. Oâng là đương kim Chủ tịch Ban chấp hành Hội Khoa học và Kỹ thuật VN. Cuộc phỏng vấn mà Quý vị nghe sau đây đã được thâu thanh trên điện thoại hôm thư ba vừa qua.

 

Sau đây là nội dung của cuộc phỏng vấn.

ĐD: Tình trạng môi trường ở Việt Nam đang tuột dốc là một điều mà giới khoa học cả ở trong nước lẫn ở bên ngoài vẫn biết rõ. Anh là một người thường quan tâm và ưu tư về vấn đề nầy, và đã viết nhiều tài liệu về môi trườngViệt Nam. Trước hết, trong những vấn nạn về môi trường mà Việt Nam đang đối phó, nếu nói về người dân Việt Nam, tức là những người thường là nạn nhân nhiều hơn là những người thụ hưởng, thì theo ý anh, những vấn nạn nguy hiễm nhất đối với họ?

MTT: Theo chủ quan của tôi, những vấn nạn môi trường mà Việt Nam đang đối phó có thể kễ theo thứ tự ưu tiên như sau: 1- Vấn đề ô nhiễm nguồn nước mặt (sông ngòi, kinh rạch) và nước ngầm; 2- Việc xử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật như thuốc trừ sâu rầy, chống nấm mốc, diệt cỏ dại, v. v...; 3- Phế thải lỏng do các nhà máy xản xuất hóa chất và kỹ nghệ thải hồi; 4- Phế thải gia cư và phế thải rắn kỹ nghệ; 5- Ô nhiễm arsenic do công cuộc khai thác nguồn nước ngầm qua việc đào giếng do UNICEF hổ trợ. Ngoài ra, cũng cần kễ thêm nhiều nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến việc ô nhiễm nguồn nước như việc phá rừng và vấn đề thủy lợi như dẫn thủy nhập điền và việc thiết lập các đê bao quốc gia và địa phương.

ĐD: Quay sang bình diện quốc gia, đối với Việt Nam hiện còn là một nước đang phát triển, đâu là những vấn đề môi trường cần giải quyết cấp thời?

MTT: Những vấn nạn môi trường đan cử ở phần trên đều là những ưu tiên hàng đầu nếu đứng trên bình diện quốc gia. Tyu nhiên, tôi xin mượn lời của chính phủ Pháp trong cuộc tiếp kiến với ông Trần Đức Lương ngày 29/10/02 tại Paris để nói lên các ưu tiên cần giải quyết cho môi trường ở việt Nam. Pháp khuyến cáo Việt Nam là muốn tiến đến phát triển bền vững, Việt Nam cần phải quan tâm theo thứ tự ưu tiên là giải quyết những vấn nạn môi trường, xử lý rác phế thải kỹ nghệ.. . trước những vấn đề cần phải làm khác cho việc phát triển kinh tế.

ĐD: Những vấn đề nầy trực tiếp liên quan đến phát triển bền vững, vậy giới lãnh đạo Việt Nam phải làm gì  để giải quyết , với mục đích thực hiện công cuộc phát triển cho đất nước và đồng thời làm cho người dân trở thành những người thụ hưởng?

MTT: Đây là một câu hỏi lớn mà tôi không có tư cách cũng như khả năng để trả lời. Và đây cũng là “công việc” của lãnh đạo Việt Nam. Tôi nghĩ họ đã thừa biết phải làm gì rồi, nhưng có điều họ có quyết tâm làm hay không? Và có khả năng làm hay không mà thôi.

Cũng cần nên nhớ thêm là, từ năm 1992, Hội nghị Thượng đỉnh Tòan cầu tại Rio de Janeiro đã đề ra một phương hướng mới. Đó là khái niệm về phát triển bền vững. Và cũng từ đó, Nghị trình-21 (Agenda-21) của Liên Hiệp Quốc đã được xem như là kim chỉ nam của kế hoạch phát triển tòan cầu cho thế giới để bước vào thế kỹ 21 nầy. Đây là một mục tiêu rất tích cực theo đó Liên Hiệp Quốc đã đề ra 27 nguyên tắc chung trong Nghị trình-21. Nghị trình-21 được định nghĩa như sau: “Sự bền vững là quyền phát triển của mỗi quốc gia cùng tuân thủ theo những tiêu chuẩn giống nhau đã được đồng thuận trước đây, trong đó nhu cầu của hiện tại và tương lai phải phù hợp với những yêu cầu cho phát triển và môi trường”.

Nói tóm lại, muốn thực hiện công cuộc phát triển bền vững cho đất nước Việt Nam cần phải chú trọng và thỏa mãn 3 yêu cầu liên hệ mật thiết với nhau là: phát triển xã hội, phát triển môi trường, và phát triển kinh tế.

ĐD: Phát triển bền vững có thể nói đồng nghĩa với chấn hưng kinh tế. Xin anh Truyết cho biết ý kiến về điểm nầy. Tôi không muốn nói là làm cho kinh tế mạnh lên để làm nặng thêm túi của các vị lãnh đạo.

MTT: Việt Nam bắt đầu Chương trình Quốc gia về Môi trường và Phát triển bền vững cho thập niên 1991 – 2000 (National Plan on Environment and Sustainable Development 1991-2000).

Tháng 4/1997, trong một báo cáo Chương trình Hành động của Nghị trình-21 do Bộ KH, CN & Môi trường, Việt Nam đã đưa ra 40 đề mục để trình lên Nghị trình-21 của LHQ. Các đề mục chính được liệt kê sau đây:

·         Hợp tác quốc tế để đẩy mạnh tiến trình bền vững ở các quốc gia đang phát triển;

·         Chiến tranh chống nghèo đói;

·         Bảo vệ và đẩy mạnh y tế công cộng;

·         Chiến tranh chống nạn phá rừng;

·         Quản lý hệ sinh thái: chiến tranh chống hạn hán và sa mạc hóa đất đai;

·         Đẩy mạnh phát triển bền vững trong nông nghiệp và nông thôn;

·         Bảo tồn đa dạng sinh học;

·         Bảo vệ biển và các nguồn sinh vật sống gần bờ biển;

·         Bảo vệ phẩm chất và nguồn dự trử của nguồn nước ngọt;

·         Quản lý phế thải độc hại;

·         Đẩy mạnh giáo dục môi trường và huấn nghệ.

 

Như chúng ta đã thấy, tất cả chương trình căn bản của LHQ trong phát triển bền vững đều nằm trong báo cáo nầy. Tuy nhiên, khi đi vào chi tiết, gần 90% nội dung của các tiết mục trên hòan tòan để trống. Điều nầy có thể được ghi nhận là, Việt Nam có làm báo cáo theo yêu cầu, nhưng trên thực tế thì không hay chưa thể thực hiệc được các nhu cầu đề ra ngoài các nhận xét chung chung về hiện trạng môi trường ở Việt Nam.

Nhìn chung và trong một chừng mực nào đó, Việt Nam đã có cố gắng hấp thụ tinh thần Nghị trình-21 cho việc phát triển quốc gia. Tuy nhiên điều kiện tài chính, kỹ thuật và trình độ nhân sự không cho phép Việt Nam đi xa hơn tình trạng hiện tại. Một yếu tố thiết nghĩ rất quan trọng, là dường như nhân sinh quan của lãnh đạo Việt Nam về vấn đề phát triển bền vững cũng như những vấn nạn môi trường không được đặt ưu tiên trong việc quản lý quốc gia, nếu không nói là lơ là. Trong báo cáo phát triển bền vững Việt Nam nêu ra trong kỳ thượng đỉnh ở Johannesburg  mới vừa xảy ra vào cuối tháng 8/2002 đã chứng minh nhận xét vừa kễ trên. Quan điểm không nên để thúc ép về môi trường mà đánh mất lợi thế phát triển trong định hướng chiến lược để tiến tới phát triển bền vững” của TS Trần du Lịch đã thể hiện tinh thần không coi trọng các hệ lụy của phát triển như vấn nạn môi trường trong khi phát triển. Thêm nữa, trong số 8 nguyên tắc chính của phát triển bền vững của Việt Nam mà dự thảo nêu ra, dĩ nhiên vai trò khoa học và kỹ thuật đóng vai trò đầu tàu kéo tòan bộ sự phát triển mà không hề nhắc đến yếu tố căn bản là nguồn nhân lực để bảo đãm sự tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Từ đó, đáng lý vai trò giáo dục phải đứng hàng đầu mà cũng không được dự thảo nhắc đến.

Trong xã hội Việt Nam hiện tại, những “tinh hoa” hay “chuyên viên” cần phải có thêm tiêu chuẩn “hồng” mới được đón nhận vào ngạch hành chính để điều hành các nghiệp vụ phát triển. Do đó, lượng nhân sự kỹ thuật tham gia vào công cuộc phát triển vốn đã ít ỏi lại càng vơi dần thêm trước nhu cầu gia tăng nhân sự. Có lẽ vì mang nặng nhiều mặc cảm có khả năng làm trì trệ việc phát triển đất nước, cho nên Việt Nam đã để lỡ nhiều cơ hội tiếp nhận đầu tư ngoại quốc, thay vì có khuynh hướng tăng dần kễ từ khi áp dụng chính sách “đổi mới” từ năm 1986; trái lại, mức đầu tư đã bị khựng lại từ năm 1993, và tiếp tục bị giảm sút cho những năm kế tiếp cho đến ngày nay. 

Đễ kết luận, chúng ta có thể nói rằng, Việt Nam chưa sẳn sàng cũng như chưa chuẩn bị đúng mức để hội nhập vào công cuộc phát triển bền vững tòan cầu theo tinh thần của Nghị trình-21 do Liên hiệp quốc đề ra từ năm 1992. 

ĐD: Nói đến phát triển bền vững, chúng ta nên nhắc đến kỳ Hội nghị Thượng đỉnh họp cuối tháng 8 ở Johannesburg, Nam Phi. Theo ý anh, Hội nghị có đạt tới những thỏa thuận hệ trọng nào không, nhất là về việc thi hành Nghị trình-21?

MTT: Cũng xin nhắc lại mục đích chính của Hội nghị Thượng đỉnh tại Johannesburg là thẩm định lại các tiến bộ của những chương trình đã được đề ra trước đây, và các vấn đề còn tồn tại do Hội nghị Tòan cầu hóa đề ra 10 năm trước. Hội nghị kỳ nầy do Hội đồng Quốc tế các Hiệp hội Hóa chất bảo trợ (International Council of Chemical Associations). Đây là một tổ chức phi chính phủ (NGO), cho nên Hội đồng quốc tế nầy có đủ tư cách khách quan trong việc thẩm định kết quả các quyết nghị trước đây.

Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, nhiều mặt tiêu cực vẫn còn tồn tại như:

·         Các quy định ở Thượng đỉnh Kyoto  (1997) về kiểm soát và giảm thiểu mức hâm nóng tòan cầu vẫn không được sự đồng thuận của các quốc gia trên thế giới.

·         Các ký kết cũng không được các quốc gia kỹ nghệ áp dụng triệt để;

·         Hình ảnh một thế giới phát triển “không bền vững” lại được tô đậm hơn, hòan tòan đi ngược với tinh thần Thượng đỉnh năm 1992. Đó là: 1- Khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia càng lớn dần so với các nước Bắc bán cầu và Nam bán cầu; 2- Đối với các quốc gia đang phát triển, giai cấp giàu chiếm thiểu số, giai cấp nghèo chiếm tuyệt đại đa số, và giai cấp trung lưu, thể hiện cho sức mạnh của quốc gia, lại chiếm tỷ lệ rất khiêm nhường; 3- Trên thế giới vẫn còn có 2,4 tỷ người không có điều kiện tiếp cận và xử dụng nguồn nước sạch, hệ thống vệ sinh thường thức hàng ngày, có mức dinh dưởng tối thiểu, có nơi cư trú an tòan, và được chăm sóc sức khỏe; 4- Tệ hại nhất, môi sinh tòan cầu đang phải gánh chịu hậu quả do sự phát triển “không bền vững” gây ra.

Có rất nhiều vấn đề đã được đem ra bàn thảo ở Hội nghị kỳ nầy như: giải quyết vấn đề giàu nghèo, hạn chế đánh cá để bảo tồn nguồn protein thiên nhiên, vệ sinh và y tế công cộng, vấn đề tham nhũng ở các quốc gia đang phát triển, đa dạng sinh học, bảo tồn năng lượng, phối hợp với các tổ chức môi trường như Greenpeace để giải quyết vấn nạn môi trường ở các nước nghèo v. v.  ..

Trong bản thông cáo chung ở ngày cuối cùng, Hội nghị cũng không đưa ra một sự đồng thuận nào mới mẻ ngoài những cam kết chung chung về: giảm thiểu và hạn chế sự hâm nóng tòan cầu, khuyến cáo việc xử dụng nước “sạch”; trong lúc đó việc bảo tồn năng lượng, phát triển nông nghiệp, và duy trì đa dạng sinh học vẫn chưa đạt đến một sự đồng thuận nào cả. Nhất là vấn đề giúp các quốc gia nghèo có điều kiện tài chính và kỹ thuật để phát triển như yêu cầu của Nghị trình-21 không được các quốc gia giàu lưu tâm và thành thật thảo luận.

Nhìn chung, Hội nghị Thượng đỉnh kỳ nầy cũng không mang thêm kỳ vọng gì cho tương lai thế giới cả nhất là vấn đề giải quyết những vấn nạn môi trường cho các nước nghèo.

ĐD: Cuối cùng, thưa anh Truyết, anh có điều gì muốn nói thêm với thính giả đài Á châu Tự do không?

MTT: Điều cuối cùng chúng tôi muốn nhắn gữi đến Quý thính giả đài Á châu Tự do là, hy vọng có thêm nhiều cơ hội trong tương lai để chia xẻ những vấn đề đất nước thân yêu của chúng ta với thính giả ở quốc nội cũng như ở hải ngoại. Xin thưa một lần nữa, là tình trạng môi trường ở Việt Nam đã và đang xuống cấp trầm trọng, và chính quyền hiện tại chưa chứng tỏ quyết tâm giải quyết vấn đề, vì vậy, chúng ta, những con dân nước Việt cần phải tự đứng dậy để tự cứu lấy chính mình.

 

Xin cảm ơn anh Đức Duy và đài Á châu Tự do.