MỘT   HÌNH  QUẢN   MÔI  TRƯỜNG

Mai Thanh Truyết

 

Ðối với các quốc gia đang trên đà phát triển, với mục tiêu chính yếu là nâng cao phúc lợi cho người dân trong nước, việc quân bình hay cân bằng phát triển là một vấn đề gai góc mà bất cứ lãnh đạo chân chính nào cũng phải lưu tâm. Trong một bài viết: Tiếp cận môi sinh áp dụng cho các quốc gia đang phát triển (Ði Tới số 35 tháng 7/2000), tác giả có đề cập đến việc phân loại một số quốc gia trên thế giới căn cứ theo trình độ khoa học kỹ thuật và mức độ phát triển quốc gia. Bài viết dưới đây nhằm mục đích khai triển tình trạng phát triển của Chí Lợi và các mối quan tâm của chính quyền trong việc cân bằng quản lý môi trường và phát triển quốc gia.

 

Ðất nước Chí Lợi

Chí Lợi là một quốc gia nằm về phía Nam bán cầu, từ nam vĩ tuyến 20 đến 50.  Chí Lợi nằm đối chéo hai bên bờ Thái Bình Dương so với Việt Nam, có bờ biển dài 2.897 Km. Chí Lợi theo thể chế Cộng hòa, hiện tại do Tổng thống Ricardo Lagos lãnh đạo. Với diện tích 756.950 Km2 trên tổng dân số là 15.328.467 (thống kê 2001), Chí Lợi có mật độ dân số là 20 người/Km2. Tỷ lệ người dân viết đọc biết viết: 95%; tỷ lệ sinh sản: 1.1 %. Lợi tức trung bình của người dân là US$ 12.400 với mức lạm phát trung bình hàng năm là 3,4% và tỷ số thất nghiệp khoảng 9%/năm (1999).

 

Thủ đô Santiago chứa 5,4 triệu dân và Chí Lợi có khoảng trên mười thành phố có lượng dân số trung bình từ 200 đến 350 ngàn. Lực lượng lao động toàn quốc là 5,8 triệu (1999) gồm 14% là nông dân (tương đương với 5,3% dân số), 27% thuộc thành phần kỹ nghệ, và 59%, dịch vụ.

Cán cân xuất nhập cảng cho năm 2000 là: 15,6 tỷ Mỹ kim cho xuất cảng và 13,9 tỷ cho nhập cảng.

Về viển thông, Chí Lợi có 2,6 triệu đường dây điện thoại (1998) và 400.000 điện thoại di động cùng với 3,2 triệu máy truyền hình.

 

Vấn đề Phát triển/Môi trường

 

Tại Chí Lợi, chính quyền chủ trương theo mô hình thị trường kinh tế tự do, đặt trọng tâm vào việc khai thác và xuất cảng các nguồn tài nguyên quốc gia với châm ngôn là giảm thiểu giá thành sản xuất tối đa. Do đó, có hơn 90% sản phẩm xuất cảng gồm đa số là các nguyên liệâu kim khí thô, gổ, giấy và bột giấy, trái cây, tôm cá v.v... Gần đây chính phủ đề ra chủ trương cho các công nghệ là cố gắng thực hiện các quy trình “sạch” và “bầu bạn” với môi trường (clean and environment-friendly process ) nghĩa là cố gắng hạn chế tối đa tác hại mội trường và xử dụng dụng cụ, máy móc sản xuất có thể thay thế được khi có vấn đề trong sản xuất. Thêm nữa, các nhà sản xuất phải trực tiếp chịu trách nhiệm vế quản lý môi trường trong địa phận hoạt động của mình và phải thiết lập bộ phận xử lý các chất phế thải rắn, lỏng, và khí nếu có.

 

Tuy nhiên, sau hơn 17 năm, chế độ độc tài (chấm dứt vào 1990) đã để lại cho các chính phủ dân sự sau đó một tình trạng kinh tế, phát triển, và môi trường không mấy sáng sủa. Và đây là một gia sản đang đi dần đến kiệt quệ, đã và đang được cứu nguy cùng với sự trợ giúp của các cơ quan quốc tế và các quốc gia đã phát triển.

Theo thống kê của ngân hàng trung ương Chí Lợi năm 1995, tổng số rừng thiên nhiên của quốc gia nầy chỉ có thề tồn tại trong vòng 20 hay 30 năm nữa nếu tiếp tục khai thác với vận tốc hiện tại. Ngân hàng Thế giới cũng cảnh báo rằng Chí Lợi đã “khai thác quá độ” nguồn tài nguyên cá tôm của hải phận quốc gia., Ngoài hai vấn nạn kễ trên, quốc gia nầy đã tận dụng đất đai để khai canh tác nông phẩm và cây ăn trái, xử dụng bừa bãi phân bón, thuốc trừ sâu, diệt cỏ dại, và diệt nấm. Bộ Nông nghiệp năm 1999 đã báo cáo rằng, 45.5% dất canh tác trong nước đã bị xói mòn, và 62% đang đi vào tiến trình sa mạc hóa nghĩa là sẽ không còn khả năng trồng trọt được nữa. Bộ Y tế cũng đã công bố nhiều khuyến cáo rằng việc khai thác các hầm mõ đã tạo ra một tình trạng ô nhiễm nguồn nước và không khí trầm trọng ảnh hưởng lên sức khỏe người dân trong vùng bị khai thác. Tỷ lệ người dân bị mắt kéo mây (cataract), hư võng mạc (cornea), một số bịnh ung thư, và các bịnh liên quan đến khí quản tăng dần theo thời gian trong những vùng trên, và chiếm tỷ lệ quá cao so với người dân sống trong các vùng không bị ô nhiễm. Trong nhiều vùng nông nghiệp, lượng hóa chất độc hại hiện diện trong đất và nước cao gấp trăm lần hơn hàm lượng cho phép. Thêm nữa, các phế thải lỏng và rắn hòa tan được chuyển thẳng vào sông ngòi và biển cả, làm hủy diệt và tiệt chủng hàng trăm loài; thậm chí ở nhiều nơi, các bãi biển không còn xử dụng  cho kỹ nghệ du lịch được nữa. Santiago đã từng được xem là thành phố ô nhiễm nhất thế giới năm 1999.

Về địa thế, quả thật Chí Lợi là một quốc gia khó quản lý về mặt môi trường: 1) 1/3 của miền Bắc cấu tạo do núi và sa mạc với nguồn tài nguyên về kim loại như đồng, lớn nhất thế giới, và các kim loại khác. 2) Vùng phía Nam được bao phủ nhiều ao hồ len lõi trong các vùng núi cao do đó vấn đề thải hồi các phế thải lỏng luôn luôn là một áp lực nan giải cho chính quyền trung ương và địa phương. Mặc dù chiếm một diện tích rộng so với dân số nhưng trên 45% dất có thể canh tác được đã bị xói mòn.

 

Với một di sản không mấy sáng sủa, Tổng thống Logos và chính phủ hiện tại đã từng bước cải thiện môi trường và kế hoạch hóa việc sản xuất cho xuất cảng và lần lần cân bằng được bài toán quản lý môi trường trong các kế hoạch dứt khoát về đổi mới môi trường. Chỉ trong một thời gian ngắn

                                                                                                     Hỏa Diệm Sọn Paine, Chí Lợi.

 ở những năm gần đây, tình trạng môi trường ở Chí lợi đã lần lần thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn.

 

Ðổi mới quản lý môi trường

 

Sau khi chấm dứt chế độ độc tài Pinochet năm 1990, chế độ dân chủ đầu tiên do Tổng thống Patricio Alywin đã đắc cử qua một cuộc phổ thông đầu phiếu. Từ đó việc làm đầu tiên của chính phủ là đặt trọng tâm vào việc đổi mới quản lý môi trường. Trong suốt 17 năm, chế độ độc tài Pinochet đã để lại một hiện trạng không mấy sáng sủa vừa kễ trên. Do đó việc làm cấp bách của chế độ mới là tổ chức một hệ thống quản lý môi trường tương đối hữu hiệu hơn và được các chính phủ tiếp theo liên tục nâng cao chất lượng quản lý cho đến ngày nay.

 

Trước hết, Comicion Nacional del Medio Ambiente (CONAMA) hay Hội đồng Quốc gia về Môi trường đã được thành lập ngay sau chính phủ dân sự lên nắm quyền. Lần lượt các cơ quan tư vấn tư nhân được mời đến tham khảo để thẩm định hiện trạng môi trường  cùng với CONAMA hoạch định kế hoạch để quy định các điều luật vế môi trường và định mức giới hạn các phế thải độc hại hấp thụ trong đất, nước, con người và gia súc. Từ năm 1996 trở đi, CONAMA phải chịu nhiều sức ép của công luận để chuyển đổi các quy trình sản xuất công nghệ quốc doanh thành ra những quy trình sạch để bảo vệ môi trường. Và tòa án vốn dĩ độc lập là nơi tranh tụng sau cùng giữa chính phủ và các nhà sản xuất để điều giải các bất đồng quan điểm vế môi sinh giữa hai phía. Do đó vấn đề ô nhiễm môi trường được cải thiện rất nhiều so với những năm 90. Thêm nữa, các công ty tư vấn môi trường được trực tiếp tham dự vào CONAMA để hòa giải và đề nghị những cung cách xử lý môi trường và tăng cường mối lưu tâm của dân chúng trên các vấn nạn môi trường trầm trọng.

 

Những việc làm trên của CONAMA  đã làm tăng thêm niềm tin vào chính quyền, khuyến khích sự tham gia đông đảo của quần chúng và do đó, việc xử lý môi trường ở nhiều nơi được giải quyết kịp thời. CONAMA đã đề ra những mục tiêu sau đây:

·                     Phòng vệ những tai nạn về môi trường ở các công nghệ;

·                     Phục hoạt môi trường ở những nơi đã xảy ra ô nhiễm;

·                     Và quản lý chặt chẻ nguồn tài nguyên thiên nhiên như: rừng, ao hồ, sông ngòi, đất đai.

 

Ðể thực hiện mục tiêu đầu tiên, từ năm 1997, chính phủ bắt buộc tất cả các công nghệ sản xuất hay chế biến phải thực thi việc nghiên cứu tác động môi trường của từng quy trình trước khi cấp giấy phép hoạt động. Do đó, mức độ ô nhiễm, lượng phế thải của từng cơ sở được ước tính rõ ràngvà mỗi cơ sở phải đệ nạp phương pháp hay quy trình xử lý các phế thải trên. Nghiên cứu tác động môi trường từ đó đã trở thành luật định căn bản áp dụng cho tất cả các công nghệ dù là tư nhân hay quốc doanh, và không có bất cứ một ngoại lệ nào ngay cả cho các công ty ngoại quốc đầu tư vào Chí lợi.

 

Một thí dụ điển hình là công ty Bellingham, một công ty hóa chất Hoa kỳ đầu tư vào Chí Lợi đã bị CONAMA kiện vì đã làm ô nhiễm môi trường. Ban Giám đốc công ty đã thành công trong việc kiện lên Tối cao Pháp viện viện cớ là CONAMA chưa định mức được tác động môi trường của công ty.  Tuy nhiên, chỉ trong vòng vài tuần lễ, CONAMA thiết lập được các định mức trên và buộc được CTy Belligham không được vượt quá giới hạn đã được quy định. Nơi đây thể hiện một tinh thần dân chủ cao độ và sự độc lập giữa chính quyền (hành pháp) và hệ thống tư pháp Chí Lợi.

 

Về mục tiêu thứ hai, chính phủ đã thực hiện những kế hoạch đặc biệt và tùy theo mức độ ô nhiễm để sắp xếp thứ tự ưu tiên của những nơi cần xử lý như ô nhiễm không khí ở Santiago, xử lý phế thải độc hại ở các hầm mõ khai thác, những vùng bị bảo hòa (saturated), và các nguồn nước ô nhiễm.

 

Ðối với mục tiêu thứ ba, chính phủ đã đệ nạp lên quốc hội dự thảo luật về quản lý rừng nguyên sinh từ hơn sáu năm, và các luật tiếp theo cũng đang được CONAMA soạn thảo.

 

Tuy nhiên, vấn đề nhân sự chuyên môn là một trong những cản ngại lớn của Chí Lợi trong việc quản lý môi trường. Hiện tại, cũng còn nhiều trường hợp vi phạm môi trường xảy ra do sự khiếm khuyết nhân sự. Việc kiểm soát và quản lý không được chặt chẽ như mục tiêu đã đề ra. Thêm nữa, còn có quá nhiều định mức chưa được cứu xét và quy thành luật, do đó có nhiều kẽ hở về phía chính quyền và chính các kẽ hở đó đã vô tình tiếp tay cho các công ty, nhất là các công ty ngoại quốc tiếp tục vi phạm vì chưa có quy định rõ ràng.

 

Ngoài yếu tố nhân sự, yếu tố tài chính cũng chính là một cản ngại then chốt thứ hai, và trở ngại nầy đã gây khó khăn cho việc quản lý rất nhiều, và cũng là lý do chánh trong việc trì trệ cứu xét các định mức độc hại.

 

Yếu tố thứ ba là thiếu tính nhất quán trong quản lý. Vì khả năng chuyên môn của nhân sự quản lý không được huấn luyện đồng bộ, vì chính phủ không đủ điều kiện để cập nhật hóa các thông tin về luật lệ mới để thích ứng với tình hình, cho nên việc thi hành luật ở nhiều nơi đôi khi mâu thuẩn với nhau khiến cho CONAMA phải mất nhiều thời gian để điều chỉnh và dàn xếp ở tòa án thay vì tập trung vào việc soạn thảo các quy định còn thiếu sót.

 

Tuy luật môi trường đã được quốc hội thông qua từ năm 1994 và có thêm nhiều bổ túc tiếp sau đó, nhưng sự hiểu biết của dân chúng về vấn đề nầy vẫn còn mơ hồ do sự thiếu phổ biến và dân trí của người dân cũng còn hạn chế.

 

Tổ chức quản lý môi trường

 

Tại Chí Lợi, cơ quan quyền lực cao nhất về quản lý môi trường kễ từ năm 1994 là CONAMA. Cơ quan nầy báo cáo trực tiếp những vấn đề liên quan đến môi trường lên Tổng thống qua trung gian của Bộ Tổng thư ký. Ủy ban quản lý môi trường được triệu tập do ông Tổng thư ký Tổng thống chủ tọa mỗi khi có vấn đề môi trường cần được tham khảo có tính cách  quốc gia. Ủy ban gồm có các thành viên của CONAMA và một số Bộ trưởng liên hệ. Trong tương lai, các tham vấn độc lập và các nhóm vận động môi trường, cùng các công ty có tầm vóc lớn có thể tham gia vào ủy ban nầy.

 

Nhiệm vụ chính của CONAMA được ghi rõ trong luật môi trường là: Ðề nghịThực thi các chính sách môi trường của chính phủ cùng phối hợp với các ban ngành liên hệ để bảo đãm tính hữu hiệu và tính đồng bộ trong quản lý. Nhiệm vụ thứ hai cũng không kém phần quan trọng là hợp tác với các công ty kỹ nghệ và các công ty tư vấn môi trường để hoàn chỉnh các chính sách ngày càng thích ứng với thực tế hơn. CONAMA thiết lập hệ thống thẩm định, phân tích tác động môi trường và qua đó đã theo dõi và kiểm soát việc chấp hành các quy định môi trường của từng công ty. Tổng số nhân viên điều hành CONAMA ở trung ương là 240 người và hoạt động với nhân sách 14 triệu Mỹ kim/năm (1999). Cơ quan nầy đặt văn phòng ở khắp 13 vùng (tương đương hệ thống tỉnh ở VN), cung cấp mọi dịch vụ tiếp ứng kỹ thuật cho Hội đồng môi trường của từng vùng có tên gọi là COREMA (R: Regional). Mỗi COREMA

do ông Trưởng vùng (Tỉnh trưởng) làm chủ tịch và thành viên là các đại diện của từ 12 đến 15 bộ liên hệ trong vùng. Hội đồng tư vấn độc lập cũng được triệu tập để tham khảo ý kiến.

 

Luật Môi trường

 

Ðiều căn bản trong hiến pháp 1980 là tất cả mọi công dân đều có quyền được sống trong một môi trường sạch, không ô nhiễm. Hiến pháp cũng quy định rõ ràng là chính phủ phải bảo vệ quyền căn bản trên. Ðây là một luật ưu tiên so với tất cả các luật khác trong hiến pháp mỗi khi có tranh tụng về giới hạn giữa các luật.

 

Một trong những thành quả lớn nhất của luật môi trường là hệ thống thẩm định, phân tích môi trường (Ðiều 2, luật môi trường được Tổng thống ban hành tháng 4/1997). Qua hệ thống nầy CONAMA đã theo dõi và kiểm soát tất cả các công ty từ lúc mới xây dựng cho đến khi đi vào hoạt động. Mọi vi phạm đa số đều được khám phá kịp thời và thực thi những biện pháp đáp ứng thích đáng ngay sau đó. Ðiều luật nầy được áp dụng cho các đập thủy điện, hệ thống dẫn thủy (aqueduct), hệ thống điện cao thế, các nhà máy phát điện dùng than, gas, hay nguyên tử năng. Phi cảng, bến xe buýt, đường xe lửa, đường xá, hải cảng, bến tàu, cùng tất cả các vùng phát triển trong thành phố...điều được luật nầy chiếu cố đến. Các dự án có nguy cơ ảnh hưởng lên sức khỏe người dân, làm nguy hại nguồn tài nguyên thiên nhiên, bắt buộc phải di dân, hay làm tổn thương môi trường.... đều phải nộp bản báo cáo nghiên cứu tác động môi trường trước khi được chính quyền duyệt xét.

 

Thủ tục thẩm định tác hại môi trường

 

Khi nhận được báo cáo trên, CORAMA cho tiến hành thủ tục triệu tập Ủy ban vùng để cứu xét dự án. Tùy theo tầm quan trọng của dự án, đại diện các bộ Y tế, Hầm mõ, hay Du lịch...cùng các cơ quan hành pháp trung ương cũng được triệu tập để cùng thẩm định. Trong trường hợp có bất đồng ý kiến trong Ủy ban cứu xét, COREMA có thể mời gọi các tư vấn độc lập để tham khảo ý kiến thêm. Và COREMA có 120 ngày để quyết định chấp thuận hay từ chối dự án, kễ từ ngày dự án được đệ nạp. Và luật nầy cũng quy định rằng, nếu COREMA không lấy quyết định trong thời hạn kễ trên, dự án sẽ được tiến hành mà không qua thẩm định của COREMA nữa.

 

Thêm nữa, cơ quan nầy còn có thêm quyền hạn là có thể chấp thuận toàn thể dự án, chấp thuận với điều kiện  thay đổi vài điểm, hay từ chối hẳn dự án. Nhưng một khi được chấp thuận, người chủ biên của dự án có toàn quyền thực thi dự án, được cấp giấy phép, và giấy phép nầy có tính cách bất khả hoàn, nghĩa là không còn có cơ quan chính phủ nào có thể thu hồi giấy phép trở lại được. Ðiều nầy là một điểm mạnh trong thủ tục điều hành và phối hợp giữa hành pháp và CONAMA, COREMA để tránh mọi lạm dụng có thể xảy ra và đưa đến thảm nạn tham nhũng.

 

Tuy nhiên, cho đến nay luật lệ về quản lý nước và rừng vẫn còn nhiều thiếu sót và cần phải bổ túc thêm để tránh bớt lạm dụng vì còn nhiều quy định chưa được minh bạch.

 

Thủ tục khiếu nại

 

Từ khi COREMA lấy quyết định từ chối, người chủ biên của dự án có quyền khiếu nại lên Giám đốc CONAMA trong vòng 30 ngày. Từ đó, Hội đồng bộ trưởng có 60 ngày để giải quyết các khiếu tố; và nếu cần tòa án có thể giải quyết trong vòng 30 ngày sau đó. Trong trường hợp nầy, các tổ chức dân sự và tư vấm độc lập cũng có quyền tham gia vào việc khiếu nại trên. Giám đốc điều hành CONAMA sẽ phải giải quyết và lấy quyết định sau cùng.

 

Tuy nhiên, một trong nhiều yếu điểm của hệ thống thẩm định môi trường la,ø COREMA vẫn là một bộ phận chính trị của chính quyền địa phương, do đó có nhiều quyết định đôi khi đi ngược lại với những khuyến cáo kỹ thuật do các công ty tư vấn đề nghị. Ðể điều chỉnh yếu điểm nầy, “công dân tư vấn” ở các vùng có thể khiếu nại và đem CORAMA ra tòa về những quyết định thiếu căn bản khoa học hay không hợp lý.

 

Sức mạnh của nhân dân Chí Lợi

 

Một trong những lý do làm tăng thêm uy tín của ngành quản lý môi trường tại Chí Lợi là sự tham gia của dân chúng vào những buổi điều trần của các dự án có tầm vóc quốc gia.. Ðây là một điểm son của chế độ, thể hiện một tinh thần dân chủ rất cao, lãnh đạo Chí Lợi đã can đãm dành cho người dân có tiếng nói hầu hạn chế bớt những lạm quyền nếu có của COREMA, hay CONAMA. Sự tham dự nầy cũng còn có khả năng làm giảm thiểu hay chấm dứt những tệ nạn hối lộ và cửa quyền qua các thủ tục phê chuẩn giấy phép cho các dự án.

Từ tháng 7/1997, chính phủ đã thiết lập Bộ Giáo dục Môi trường và Tham vấn công dân ( Department of Citizen Participation & Environmental Education) để tiếp tay với chính quyền trong việc soạn thảo và thi hành các chính sách về môi trường. Hiến pháp đã quy định rõ quyền hạn của công dân trong việc tham gia trực tiếp quản lý môi trường ở bốn địa hạt chính yếu như: 1- Ðịnh chuẩn; 2- Chất lượng môi trường; 3-Kế hoạch giải nhiễm (decontamination plan); 4- Dự kiến và cập nhật hóa các luật lệ mới.

 

Người dân còn được tham vấn qua hệ thống thẩm định phân tích tác động môi trường và được thông  báo chính thức qua công báo và các báo chí địa phương hay toàn quốc. Trong vòng 60 ngày kễ từ ngày công bố, mỗi công dân có quyền trình bày ý kiến về các dự án gữi lên cho CONAMA duyệt xét, và cơ quan nầy phải ghi nhận ý kiến trên trong tiến trình phê chuẩn dự án theo tinh thần của hiến pháp. Trong trường hợp ý kiến của người dân không được lưu ý, họ có quyền khiếu tố lên cấp cao hơn trong vòng 15 ngày. Cơ quan sau cùng nầy phải có câu trả lời trước 30 ngày sau đó, và mọi khiếu tố cũng phải được ghi trên công báo..

 

Do được hiến pháp bảo vệ, người dân Chí Lợi đã mạnh dạn tham gia cụ thể vào công cuộc phát triển quốc gia, do đó đã tạo điều kiện cho đất nước nầy có cơ hội tiến dần theo chiều thuận của đà dân chủ hóa. Mọi người dân được khuyến khích góp ý vào các dự án quốc gia đặc biệt liên quan đến bốn địa hạt mấu chốt kễ trên. Không khí dân chủ lần lần làm tăng thêm uy tín của chính quyền và đây cũng là điều kiện cần và đủ để xây dựng và phát triển một đất nước trong giai đoạn toàn cầu hóa.

 

Những mối ưu tư hàng đầu của Chí lợi

 

Vì nhận thức được nguy cơ của các thảm nạn môi trường đã, đang và sẽ xảy ra song hành với việc phát triển quốc gia, chính phủ Chí Lợi qua CONAMA đã đưa vào kế hoạch giải quyết đồng loạt những vấn nạn môi trường xảy ra sau đây:

 

Không khí: Ô nhiễm không khí là một vấn nạn môi trường nguy hiểm nhất là ở các thành phố lớn như Santiago, và các vùng khai thác quặng mõ. Các biện pháp làm giảm mức ô nhiễm nitrogen dioxide NO2, sulfide dioxide SO2, carbon monoxide CO, các hạt lơ lững trong không khí (particles in suspension), hợp chất hữu cơ nhẹ (VOCs)....là những mối quan tâm hàng đầu của chính ohủ.

 

Thay đổi thời tiết: CONAMA phối hợp cùng với các đại học liên hệ, các viện nghiên cứu, Bộ năng lượng để thiết lập bộ luật về bảo vệ và giảm thiểu sự hâm nóng toàn cầu trong phạm vi của quốc gia nầy theo tinh thần Hội nghị thượng đỉnh Kyoto năm 1997.

 

Nước: Ô nhiễm nguồn nước là một hiểm họa quốc gia. Do sự phân phối không đồng bộ của thiên nhiên, miền Nam Chí lợi có lượng nước dư thừa; trong khi miền Bắc thì khô cằn (địa thế tương tự như miền Trung Việt Nam). Trong hiện tại, hầu như tất cả lượng nước thải công nghiệp (95%) đều được chảy thẳng vào sông, hồ, hoặc biển gây ra tình trạng ô nhiễm trầm trọng cho nguồn nước sinh hoạt cho cả nước, đặc biệt là ô nhiễm arsenic, sắt và đồng. Một sắc lệnh tối cao về quản lý chất phế thải lỏng vào nguồn nước vừa được chính phủ phê chuẩn, trong đó tuyệt đối cấm  thải hồi những chất phế thải lỏng có chứa: phóng xạ, chất ăn mòn (corrosive), chất độc, vi khuẩn, chất nổ, chất hữu cơ nhẹ... mà không qua khâu xử lý. Nước thải sinh hoạt từ các gia đình cũng đang được nghiên cứu xử lý trong năm 2001 trước khi thải hồi vào sông hay biển.

 

Ðất canh tác: Giống như trường hợp của các quốc gia đang phát triển, ba vấn nạn căn bản của đất đai dùng để canh tác ở Chí Lợi nhằm mục đích tăng nguồn sản xuất nông nghiệp là: sự xói mòn (erosion), sư sa mạc hóa (desertification), và sự ô nhiễm. Hai phần ba lãnh thổ Chí Lợi đang bị xói mòn, 75% đất trồng trọt đang trên đà thoái hóa và có khả năng bị sa mạc hóa nếu không có biện pháp cứu chửa thích nghi . (Tình trạng trên cũng đang xảy ra tương tự như ở Việt Nam.  Cộng thêm tệ trạng  nhiễm mặn do sự xâm nhập nước biển vào, và cũng do việc xử dụng phân bón ào ạt làm tăng thêm lượng muối trong đất. Do đó tiến trình sa mạc hóa cùng sự xói mòn có khả năng tăng nhanh hơn so với Chí Lợi).

 

Trước những nguy cơ trên, chính phủ bắt đầu theo dõi, kiểm soát các kế hoạch phát triển nông nghiệp cũng như chế sản xuất một số nông phẩm dư thừa dùng để xuất cảng để bảo vệ đất và giữ cho đất có dủ thời gian để tái tạo lại giống nhừ tình trạng ban đầu.

 

Quản lý chất phế thải rắn: Chất phế thải từ các hộ gia cư vẫn còn được đổ vào những bãi rác mở (open dump site). Tình trạng chất phế thải kỹ nghệ cũng chẳng khá hơn, tuyệt đại đa số công nghệ hiện có đều không có hệ thống xử lý và phế thải vẫn phải đi vào các bãi rác nếu là chất rắn, và vào sông, hồ, biển nếu là chất lỏng.

 

Chính phủ đã đưa ra một chương trình hành động nhắm vào từng mục tiêu riêng biệt để giải quyết tình trạng trên.:

·                     Thiết lập cơ quan giáo dục công cộng về môi trường có mục đích giải thích cho người dân hiểu rõ thêm vế các vấn nạn môi trường;

·                     Khai triển thêm các luật lệ chi tiết để quản lý từng loại rác;

·                     Thành lập những bãi rác theo tiêu chuẩn quốc tế nghĩa là có vách ngăn nước rỉ để bảo vệ nguồn nước ngầm và hệ thống xử lý nước rỉ để bảo vệ sức khỏe người dân;

·                     Khuyến khích và hổ trợ sụ tham gia vào việc giảm thiểu phế thải (waste minimization) kỹ nghệ.

 

Tài nguyên thiên nhiên

 

Nhận thức được nguồn tài nguyên thiên nhiên không phải là một nguồn vô tận, đó là một nguồn dự trử  thiết yếu của quốc gia, và là một vấn đề sống còn của đất nước, Chí lợi đã thấy và thấy rất rõ đây chính là nguồn nội lực cần phải được bảo vệ. Do đó việc khai thác các hầm mõ và nguồn tài nguyên rừng được lưu tâm kỹ lưỡng.

 

: Ðây là một nguồn tài nguyên lớn chiếm 25% sản lượng thế giới về đồng (Cu), 40% về lithium (Li), 21% về selemium (Se), và 40% về Rhenium (Rh). Quốc gia nầy đứng thứ nhì thế giới về molybdenum (Mo); ngoài ra còn có nhiều mõ có trử lượng đáng kễ như: sắt, manganese, vàng, bạc, nitrate và iodine. Tổng lượng xuất cảng của Chí Lợi chiếm 50% trong doanh số về quặng mõ.

Ðể đổi lại các thành tựu trên, Chí lợi phải trả một giá đắt về tình trạng ô nhiễm ở những vùng bị khai thác. Do đó kễ từ 1992, luật về mõ số 185 đã quy định rõ ràng định mức khai thác và biện pháp để làm giảm thiểu ô nhiễm bắt đầu đi vào áp dụng. Tình trạng ô nhiễm ở những vùng bị khai thác đã được cải thiện rất nhiều sau đó.

 

Rừng: Gỗ là nguồn tài nguyên thứ hai của Chí Lợi. 90% gỗ xuất cảng gồm gỗ thông và khuynh diệp. Do thiếu kiểm soát và không có kế hoạch khai thác từ đầu, nạn phá rừng thiên nhiên đã đưa Chí lợi đến nguy cơ cạn kiệt về rừng. Nhưng sau đó chính phủ đã kịp thời đưa ra hai biện pháp thích nghi để chận đứng nạn khai thác rừng bừa bãi như: 1- Cấm và hạn chế xuất cảng một số gỗ tạp; 2- Quy định kế hoạch trồng rừng để tái tạo rừng nguyên thủy. Hành động nầy của chính phủ tuy có làm giảm bớt một số ngoại tệ nặng do xuất cảng nhưng trái lại nó đã mang lại cân bằng hệ sinh thài của quốc gia, một điều cần thiết để bảo vệ môi trường.

 

Nông nghiệp: Trong khoảng 20 năm trở lại, sản xuất nông nghiệp của Chí Lợi tăng vọt mạnh với khoảng 5 triệu mẫu trồng cây ăn trái. Nhiều trái cây hầu hết được xuất cảng qua Bắc Mỹ và Âu châu.

Vì phải tập trung vào việc xuất cảng nông phẩm tối đa, Chí Lợi hiện nay phải trực diện với tình trạng đất xói mòn, bị sa mạc hoá, và ô nhiễm môi trường do phân bón tồn đọng trong đất và sự hiện diện của đủ loại thuốc trừ sâu rầy, diệt cỏ dại. Hiện tại có 45% đất bị xói mòn, và lượng thuốc trừ sâu rầy khổng lô được nhập cảng trong năm 1998 là 50 ngàn tấn gồm hơn 900 loại khác nhau. Hầu hết các loại thuốc bị cấm xử dụng như DDT, Aldrin, Endrin,...đầu đang được xài rộng rãi ở Chí lợi (tương tự như ở Việt Nam).

Do đó, từ năm 1998, Ủy ban thẩm định mức độc hại của thuốc bảo vệ thực vật được thành lập gồm đại diện bộ y tế, một nhà độc tố học của CONAMA, và nhiều chuyên gia nông nghiệp để thẩm định mức tối thiểu của từng hóa chất có thể ảnh hưởng lên con người và thú vật. Bộ nông nghiệp được chỉ định kiểm soát việc phân phối các loại thuốc nầy.

 

Trường hợp Việt Nam

 

Theo Tổng cục thống kê năm 2000, dân số của Việt Nam là 77.685.000 người chung sống trên một diện tích 325.000 Km2. Nhìn chung nếu so với Chí Lợi về mặt địa dư và khí hậu, Việt Nam có nhiều thuận lợi hơn vì thời tiết ít khắc nghiệt và vũ lượng thích hợp cho nông nghiệp. Nhưng ngược lại, Việt Nam phải cung cấp thực phẩm cho quá đông cư dân so với diện tích đất khai thác. Với ước tính khoảng 7 triệu mẫu đất canh tác cho cả nước, và 70% dân số là nông dân so với 30 triệu mẫu và 5,3% nông dân của Chí Lợi, số lượng đất canh tác sẽ ngày càng giảm thiểu so với mức gia tăng dân số trong tương lai. Nếu tính lượng thuốc bảo vệ thực vật xử dụng trong nông nghiệp, Việt Nam đã xử dụng một lượng thuốc cao hơn bốn lần lượng tiêu thụ ở Chí Lợi. Theo báo Lao Ðộng năm 2001, Việt Nam nhập cảng 34 ngàn tấn thuốc đủ loại, khoàng 12 ngàn tấn thuốc nhập lậu bị thu hối, và không kễ một số lượng lớn thuốc lậu đã thoát ra khỏi hàng rào hải quan.

 

Về rừng, năm 1945, cả nước có 14 triệu mẫu rừng chiếm một dịên tích là 43,8%. Nhưng hiện nay chỉ còn khoảng độ 17% diện tích rừng tự nhiên. Cũng theo ước tính, Việt Nam mất khoảng 200.000 mẫu rừng hàng năm, trong khi đó chỉ trồng lại khoảng 20.000 mẫu. Gần đây nhất, hiện tượng phá các rừng tràm, đước để nuôi tôm làm cho diện tích rừng ngày càng suy thoái thêm. Với tình hình trên, ta có thể phỏng đoán rằng, mức độ xói mòn, sự sa mạc hóa, sự hóa mặn, tệ trạng ô nhiễm...của đất sẽ xảy ra với tốc độ nhanh hơn so với tình trạng ở Chí Lợi.

Mặc dù phải đối diện với nhiều nghịch lý và mâu thuẩn trong bài toán phát triển quốc gia và bảo vệ môi trường, mặc dù cần phải nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong một quốc gia đang phát triển, lãnh đạo Chí Lợi đã thấy rất rõ là cần phải cân bằng sản xuất, chấp nhận hy sinh một số thu nhập ngoại tệ nặng do xuất cảng để đổi lấy một tình trạng cân bằng hợp lý cho đất nước. Họ biết phải hy sinh để cứu lấy tài nguyên thiên nhiên, nguồn tiềm năng của quốc gia. Họ biết phải bảo vệ môi trường cho các thế hệ về sau mặc dù phải tiến chậm lại vài bước.

 

Các quyết định và cung cách giải quyết sáng suốt những vấn đề môi trường trên đã đem lại tin tưởng cho người dân,

                                                                                                                 Rừng Ðước.

do đó Chí Lợi có được sự ổn định chính trị và xã hội trong nước. Từ sự ổn định trên, đầu tư ngoại quốc sẽ an tâm hơn để giúp đất nước nầy đẩy mạnh phát triển, mang nhiều quy trình công nghệ tân tiến và “sạch” có khả năng làm tăng nhanh phát triển đồng thời giảm thiểu hay ngăn ngừa được ô nhiễm. Làm được như thế, Chí Lợi cùng một lúc giải quyết được hai vấn đề cho quốc dân: làm tăng phúc lợi cho người dân và bảo vệ được môi trường cho các thế hệ về sau, đi đúng theo tiêu chuẩn của Liên hiệp quốc đề ra cho sự phát triển bền vững của các quốc gia đang phát triển là: 1- Tạo dựng tăng trưởng kinh tế; 2- Cân bằng môi sinh; 3- và Tiến bộ xã hội.

 

Trở về Việt Nam, nếu nhìn về các con số thống kê, không ai có thể phủ nhận được mức phát triển tăng vọt hàng năm của Việt Nam. Về mặt xuất cảng trên thế giới, Việt Nam được xếp hàng thứ nhì về gạo, thứ ba về cà phê, cao su, tiêu, trà, điều... chiếm vị trí quan trọng trong cán cân xuất cảng. Ngược lại, Việt Nam phải trực diện  với muôn vàn vấn nạn ô nhiễm môi trường như đã xảy ra cho Chí Lợi. Nhưng để đổi lại, người dân chẳng những không được hưởng những phúc lợi do xuất cảng đem lại mà còn phải chịu đựng thêm nhiều áp lực kinh tế trong đời sống hàng ngày và sức khỏe ngày càng bị đe dọa nhất là đồng bào miền Ðồng bằng sông Cửu Long.

 

Sản xuất càng tăng, nhưng ngược lại, mức sống người dân ngày càng thoái hóa! Theo sách Le Dossier Noir du Communisme do Michel Tauriac vừa xuất bản tại Pháp (4/2001) thì hiện có 80% dân chúng Việt Nam sống với ít hơn 1 Mỹ kim/ngày và 12 triệu người vẫn thường xuyên bị đói. Có 69,5% trẻ em đang trong tình trạng thiếu dinh dưởng và nghịch lý hơn nữa là có từ 500 đến 1.000 đảng viên là triệu phú đô la!

 

Quả thật đây là một nghịch lý! Các chuyển hướng của Chí lợi trong những năm gần đây thật đáng cho chúng ta suy gẫm. Từ các biện pháp bảo vệ nguồn không khí, nước, rừng, đất và nhất là việc quản lý phế thải kỹ nghệ...tất cả đếu đi đúng tiến trình phát triển phải có đang áp dụng cho những quốc gia hậu kỹ nghệ. Ðộc đáo nhất là bài học dân chủ của Chí Lợi: cho nhân dân tham gia và góp tiếng nói vào công cuộc phát triển quốc gia. Chí Lợi đã thấy được thế mạnh của người dân và đủ can đảm mở rộng cửa để cho người dân có điều kiện tiếp tay với lãnh đạo trong công cuộc phát triển quốc gia. Thêm nữa, Chí Lợi đã xây dựng được một hệ thống tư pháp độc lập, do đó tòa án có toàn quyền và có uy tín để đứng ra điều giải những mâu thuẩn hay bất đồng giữa chính phủ và người dân. Lãnh đạo Chí Lơiï vô hình chung đã đứng về phía nhân dân. Làm được như thế, Chí Lợi sẽ có trên thuận Thiên, dưới thuận Nhân, và không sớm thì muộn, Chí Lợi sẽ có những bước tiến nhảy vọt để rồi Hòa mình theo cung cách toàn cầu hóa của thế giới.

 

Việt Nam cần có những gương soi như Chí Lợi; lãnh đạo Việt Nam cần có đủ đỡm lược để tiếp nhận ý kiến đóng góp của người dân trong công cuộc phát triển quốc gia nhất là chấp nhận lỗi lầm để dứt khoát có những thay đổi thích hợp, hợp với lòng người, hợp với bối cảnh, và hợp với thiên nhiên. Xin đừng suy luận theo vòng lẩn quẩn “trứng gà và gà mẹ, cái nào có trước”, mà phải thực tế. Nên nhớ Phát triển (Nhân) và Ô nhiễm môi trường (Quả) phải có cân bằng. Nếu tạo được Nhân lành như phát triển có kế hoạch, có kiểm soát và xử dụng các công nghệ sạch, thì chắc chắn sẽ gặt hái được Quả lành do môi trường ít bị ô nhiễm. Ðây là cái lý đương nhiên mà con người không thể làm khác hơn được. Thời gian đã quá dài để cho dân tộc Việt phải can qua quá nhiều vấn nạn trong đời sống kinh tế, xã hội, và tâm linh rồi. Ðã đến lúc cần phải chấm dứt tình trạng trên. Muốn tìm câu giải đáp cho bài toán phát triển Việt Nam, không cần phải có một trí tuệ ưu việt mà chỉ cần những trí tuệ bình thường với một tấm lòng thủy chung với đất nước.

 

Thay lời kết

 

Mọi chế độ độc tài trên thế giới sớm muộn gì cũng phải cáo chung dù chúng thể hiện dưới bất cứ hình thức nào: quân phiệt, cá nhân, tập đoàn hay đảng phái. Ðây là một chắc chắn nếu không nói là chân lý. Vấn đề đặt ra nơi đây chỉ là thời gian: chậm hay mau tùy theo sức chịu đựng của người dân và trìng độ dân trí của từng quốc gia.

 

Nếu muốn còn được tồn tại, các chế độ độc tài phải thay đổi theo xu thế thời đại, ứng xử hợp với chiều hướng tiến bộ của nhân loại. Bưng bít, đóng cửa không còn là rào chắn an toàn, che chở cho chế độ được nữa dưới thế kỹ  21 nầy, kỹ nguyên của tin học. Ðòi hỏi một sự thay đổi quả thật khó cho các nhà độc tài, một khi cơn đói quyền lực đã ăn sâu vào tận xương tủy. Ðã đến lúc quyền lực cần phải nhường chỗ cho đối thoại và hợp tác hài hòa  với dân chúng. Sự thay đổi sẽ càng khó hơn nữa nếu sẽ phải đến từ mọi tầng lớp nhân dân, nhất là người dân Việt Nam vốn đã phải chịu triền miên nhiều áp lực khắc nghiệt của chế độ.

 

Quản lý môi trường đúng đắn thích hợp với điều kiện Việt Nam là một bước chuyển đổi để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của ngưới dân. Ðiều nầy có thể giải tỏa được những đối kháng bất khả phân giữa hai đối cực: bạo quyền và dân chúng trong nước. Những tấm gương của Nam Dương, Phi luật Tân, Tiệp Khắc cách đây không lâu đã chứng minh rằng sức mạnh của nhân dân có thể một sớm một chiều thay đổi cả một chế độ. Theo lời ông Lê khả Phiêu phát biểu trong cuộc hội thảo quốc tế về Việt Nam tại Hà Nội (9/2000) thì giải quyết vấn nạn phát triển/môi trường phải là “tri thức hóa dân tộc”, “nắm ngọn cờ khoa học như nắm ngọn cờ dân tộc”. Thiết nghĩ tri thức hóa chắc chắn không phải là gắn học vị, học hàm cho các ủy viên,, cán bộ đảng, ban ngành, chức sắc địa phương. Nắm ngọn cờ khoa học chắc chắn không là thu lượm một vài kiến thức khoa học, có khi xưa cổ lỗi thời, rồi tóm lược vào một vài khẩu hiệu, lấy đó làm cơ sở để “dám nghĩ bậy, và dám làm bậy”, buộc dân làm, để dân đói. Nắm ngọn cờ dân tộc không có nghĩa là “nhà nhà là tử sĩ”, “con mất cha, vợ mất chồng”, đất nước điêu tàn, gia đình tan nát, càng không có nghĩa là cầm tù hàng triệu người, đưa hàng triệu người ra biển cả, công khai bán nô lệ, bán phụ nữ (dưới hình thức nầy hay hình thức khác), kỳ thị trẻ con, kỳ thi đạo giáo...

 

Tri thức là thật sống, là biết mình, hiểu người, là cách nghĩ suy, là thấy người mà nhìn lại mình. Hãy học gương Chí Lợi: thời nào và nơi nào có độc tài, chuyên chế, áp đặt, là có nghèo đói, hổn loạn và trì trệ trong phát triển. Trái lại, thời nào, nơi nào có dân chủ và tự do, nơi đó có sự đồng thuận của đa số người dân, nơi đó có tiến bộ, có phát triển, cuộc sống mỗi lúc mỗi tốt hơn. Khi người dân thấy mình mật thiết với đất nước, với làng mạc của mình, khi người dân thấy mình có một vai trò, có quyền và trách nhiệm tham gia  vào việc xóm làng công cộng, việc quốc gia, thì họ đương nhiên sẽ giữ cho môi trường sống của họ được tốt đẹp, họ gắn bó với chế độ, với đất nước làng mạc của họ.

 

Mỗi người mỗi vẻ, mỗi nước mỗi khác. Tuy nhiên, trong cái riêng có những nét chung, bài học Chí Lợi là một bài học quí giá cho người có trách nhiệm suy ngẫm, trong bối cảnh bế tắc hiện nay của Việt Nam.

 

Mai Thanh Truyết

Orange 10/2001