THƠ KHÔNG NIÊM GỞI TIẾN SĨ TOÁN HỌC NGUYỄN VĂN TUẤN

 

Kính thưa Tiến sĩ,

 

Chúng tôi thành thật cám ơn Tiến sĩ đã dành nhiều thì giờ quý báu để giải thích cho chúng tôi, và độc giả của nhật báo Người Việt tại Orange County, California, biết về định nghĩa thế nào là khoa học của Tiến sĩ qua bài báo có tựa đề “Khoa học hay phản bội tinh thần khoa học?” được đăng trên số báo phát hành ngày 25 tháng 1 năm 2002 vừa qua.  Chúng tôi không để ý đến những suy đoán đầy cảm xúc và cảm tính của Tiến sĩ; nhưng chúng tôi cảm thấy cần phải làm sáng tỏ vấn đề qua những điểm chính, mà Tiến sĩ gọi là “... lý do để cho rằng những phát biểu của hai ông Mai Thanh Truyết và ông Nguyễn Minh Quang không những đánh lạc hướng vấn đề, mà còn thiếu trung thực và thiếu căn cứ khoa học... mang tính phi khoa học... thiếu bằng chứng, hay bằng chứng không được rõ ràng...  hoàn toàn (xin nhắc lại:’hoàn toàn’) không có một giá trị hay ý nghĩa khoa học gì cả... đã gieo một mối nghi ngờ về những đạo đức khoa học đó của họ...  là một việc làm cực kỳ phản khoa học... nhân danh khoa học để phát biểu những điều phi khoa học, vân vân ...”  Những lý do mà Tiến sĩ đề cập đến trong bài viết có thể được tập trung vào hai điểm chính như sau:

 

1.                                   Hóa chất dùng trong nông nghiệp, kỹ nghệ, và diệt trừ sốt rét (DDT), chứ không phải Chất Da Cam (Agent Orange) mới là mối đe dọa sức khỏe của người dân Việt Nam

 

Chắc Tiến sĩ còn nhớ, Tạp chí Đi Tới phát hành tại Montréal, Canada số 50, tháng 10 năm 2001 với chủ đề “Chất Da Cam/Dioxin – Ô Nhiễm Môi Sinh tại Việt Nam” - trong đó có một bài “Câu chuyện Dioxin và bệnh tật: Thực hay Giả?” do Tiến sĩ viết - đã chọn đăng rất nhiều bài viết của chúng tôi từ việc tái thẩm định mức độc hại của Dioxin của Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (EPA) cho đến việc sử dụng thuốc khai quang, trong số đó có Chất Da Cam, trong chiến tranh Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1971 và các trường hợp ô nhiễm Dioxin trong quá khứ như tại thành phố Seveso ở Ý năm 1976 cho đến thị trấn Times Beach ở tiểu bang Missouri, Hoa Kỳ từ năm 1970 cho đến năm 1972.  Những bài viết nầy nhằm mục đích cung cấp thêm tin tức (additional information) cho bài viết có tựa đề “Lượng định về hiện trạng ô nhiễm hóa chất tại Việt Nam.”  Các bài viết nầy cũng được chúng tôi đăng tải trên trang nhà www.vastvn.org của Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam (VAST).

 

Trong các bài viết nầy, chúng tôi chỉ sử dụng những dữ kiện và con số mà chúng tôi thu thập được qua các nghiên cứu và phúc trình của các cơ quan quốc tế, các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam, và những tin tức đăng tải trên báo chí trong nước và ngoài nước.  Chúng tôi làm một việc mà từ trước đến nay chưa có ai làm, đó là so sánh mức độ ô nhiễm Dioxin ở Việt Nam với các nơi bị ô nhiễm khác trên thế giới.  Chúng tôi đã liệt kê tất cả các nguồn tin tức (sources) mà chúng tôi sử dụng để độc giả có thể tự mình kiểm chứng, bởi vì đó là một việc làm hết sức sơ đẳng khi viết về khoa học.  Chúng tôi hy vọng những nghiên cứu và phúc trình mà chúng tôi sử dụng đã được thực hiện đúng theo các quy trình mà Tiến sĩ đã mô tả trong bài báo “Khoa học hay phản bội tinh thần khoa học?”

 

Chúng tôi nhìn nhận rằng, công cuộc “nghiên cứu” của chúng tôi rất đơn giản vì chúng tôi quan niệm rằng: “càng đơn giản càng tốt” (the simpler, the better); bởi vì, nếu không ai hiểu và biết kết quả việc nghiên cứu thì việc nghiên cứu của chúng tôi cùng lắm cũng chỉ có giá trị loanh quanh trong khuôn viên đại học hoặc trên vài tạp chí chuyên môn nặng phần lý thuyết mà thôi.  Chúng tôi không có trách nhiệm hay khả năng tài chánh để làm theo đúng các quy trình mà Tiến sĩ đã nêu, nhưng chúng tôi đã vận dụng khả năng và kinh nghiệm chuyên môn mà chúng tôi phải sử dụng hàng ngày trong công việc từ hơn mười mấy năm nay.  Công việc hàng ngày của chúng tôi liên quan chặt chẽ đến vấn đề ô nhiễm và các biện pháp tẩy xóa ô nhiễm không khí, chất thải (rắn và lỏng), và nước ngầm ở các địa điểm ô nhiễm (contamination sites) hoặc địa điểm siêu ngân khoản (superfund sites) chịu sự quản lý hoặc kiểm soát của Bộ Y tế California (California Department of Health Services), Cơ quan Kiểm soát Chất độc California (Department of Toxic Substances Control), Ủy ban Kiểm soát Tài nguyên Không khí California (California Air Resources Control Board), Khu Quản trị Phẩm chất Không khí Vùng biển phía Nam (South Coast Air Quality Management District), Ủy ban Kiểm soát Phẩm chất Nước California (California Regional Water Quality Control Board), Cơ quan Bảo vệ Môi sinh California (California Environmental Protection Agency), và Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ.  Những gì mà chúng tôi “nghiên cứu” và xem xét đều nằm trong phạm vi chuyên môn của chúng tôi, đó là ô nhiễm môi sinh bao gồm đất, nước, không khí, con người, thú vật, và cây cối.  Chúng tôi không có thẩm quyền, pháp lý cũng như đạo lý, để có những nhận xét trong các lãnh vực không phải là lãnh vực chuyên môn của chúng tôi.

 

Chúng tôi xin trích nguyên văn một đoạn của bài viết “Lượng định về hiện trạng ô nhiễm hóa chất tại Việt Nam” đề cập đến mức độ ô nhiễm Dioxin ở Việt nam như sau:

 

Khi nói đến ô nhiễm Dioxin ở Việt Nam, mọi người đều nghĩ đến 19 triệu gallons hay 73 triệu lít thuốc khai quang có chứa khoảng 170 kg đến 180 kg chất Dioxin được rãi xuống một vùng rộng khoảng 9.000 dậm vuông hay 2,3 triệu ha ròng rã trong 10 năm từ 1961 cho đến 1971.  Những con số nầy quả thật đã làm cho nhiều người choáng váng, kể cả một số người có bằng cấp cao nhất.  Nhưng mức độ ô nhiễm Dioxin ở Việt Nam thật sự có cao đến choáng váng hay không?  Và vấn nạn ô nhiễm Dioxin ở Việt Nam có phải là vấn nạn lớn nhất trên thế giới hay không?  Chúng ta thử xem xét một số yếu tố sau đây.

 

Yếu tố trước tiên là nồng độ của Dioxin trong thuốc khai quang được sử dụng ở Việt Nam.  Nhiều người cho rằng thuốc khai quang được sử dụng ở Việt Nam có nồng độ Dioxin cao hơn các loại thuốc diệt cỏ được sử dụng tại Hoa Kỳ.  Điều nầy rất đúng, nhưng không phải vì thế mà mức độ ô nhiễm cao hơn; bởi vì, Chất Da Cam được pha với dầu máy bay phản lực hoặc dầu cặn theo tỉ lệ 1/10 hoặc 1/20 trước khi sử dụng (24).  Do đó, nếu nồng độ trung bình của Dioxin trong Chất Da Cam được sử dụng ở Việt Nam là 2,0 ppm (parts per million hay phần triệu), thì thuốc khai quang được xịt xuống miền Nam Việt Nam có nồng độ Dioxin trung bình trong khoảng 0,1 cho đến 0,2 ppm.  Nồng độ nầy tương đương với nồng độ Dioxin có trong thuốc diệt cỏ 2,4,5-T thông dụng ở Hoa Kỳ (0,1 ppm).  Cũng cần nên biết, nồng độ Dioxin trong chất lắng được trộn với dầu phế thải để xịt trên các con đường đất ở thị trấn Times Beach, Missouri lên đến 2.000 ppm (25), tức 1.000 lần cao hơn nồng độ Dioxin trung bình trong thuốc khai quang được sử dụng ở Việt Nam.

 

Yếu tố thứ hai là số lượng và thời gian chất Dioxin được phóng thích vào môi trường.  Với số lượng được ước tính từ 170 kg cho đến 180 kg trong vòng 10 năm, Dioxin được phóng thích vào môi trường Việt Nam ở mức độ từ 17 kg/năm cho đến 18 kg/năm.  Các tài liệu được phổ biến cho thấy mức độ ở Times Beach, Missouri là 12 kg/năm (24 kg trong 2 năm) (25) và ở Seveso, Ý là 10.950 kg/năm (30 kg trong 1 ngày) (26).  Như vậy, mức độ phóng thích vào môi trường ở Seveso cao gấp 600 lần mức độ phóng thích vào môi trường ở Việt Nam.

 

Yếu tố thứ ba là số lượng chất Dioxin trên một đơn vị diện tích bị ảnh hưởng.  Ở Việt Nam, số lượng Dioxin xịt xuống Nam Việt Nam được ước tính vào khoảng từ 170 kg cho đến 180 kg.  Nếu số lượng nầy được chia đều cho khoảng 2,3 triệu ha thì số lượng Dioxin trung bình từ 0,0074 mg/m2 cho đến 0,0078 mg/m2.  Nếu dựa vào con số 28 lít/ha với nồng độ trung bình 2 ppm, số lượng Dioxin là 0,0056 mg/m2 cho mỗi lần xịt thuốc.  Số lượng ở Seveso, Ý là 5,00 mg/m2 (30 kg trên khoảng 6 km2) (27), tức 900 lần cao hơn số lượng ở Việt Nam.

 

Yếu tố thứ tư là nồng độ Dioxin cao nhất đo được trong đất.  Ở Việt nam, nồng độ cao nhất được khám phá ở phi trường Biên Hòa là 1,6 ppm (1).  Nồng độ cao nhất ở Seveso, Ý lên đến 5,5 ppm và ở Times Beach, Missouri là 33,0 ppm (28).  Như vậy, nồng độ Dioxin trong đất cao nhất ở Times Beach, Missouri cao gấp 20 lần nồng độ Dioxin trong đất ở phi trường Biên Hòa, Việt Nam.

 

Yếu tố thứ năm là nồng độ Dioxin cao nhất đo được trong máu.  Ở Việt Nam, nồng độ Dioxin cao nhất đo được trong máu năm 1999 là 271 ppt (parts per trillion hay phần ức) (29).  Ở Seveso, nồng độ Dioxin cao nhất đo được trong máu là 1.800 ppt (30) [Theo phúc trình “Development of Impact Mitigations Strategies Related to the Use of Agent Orange Herbicide in the Aluoi Valley, Vietnam” tháng 4 năm 2000 của Hatfield Consultants ở West Vancouver, Canada, nồng độ Dioxin cao nhất trong máu ở Seveso là 56.000 ppt].  Nồng độ Dioxin cao nhất đo được trong máu của 872 cựu quân nhân tham dự chiến dịch Ranch Hand từ năm 1987 là 617 ppt (31).  Nồng độ Dioxin trung bình đo được trong máu của các công nhân nhà máy sản xuất thuốc diệt cỏ 2,4,5-T thay đổi từ 125,6 đến 331,8 ppt ở Đức và từ 163 ppt đến 202 ppt ở Nga (15).

 

Dựa vào những yếu tố khoa học vừa kể, ô nhiễm Dioxin ở Việt Nam rõ ràng không phải là một vấn nạn ô nhiễm to lớn nhất trên thế giới, và mức độ ô nhiễm Dioxin trong máu của người dân Việt rõ ràng cũng không ở một mức độ cao nhất thế giới như Bác sĩ Schecter tuyên bố.  Trái lại, chính Bác sĩ Lê Cao Đài [Giám đốc Quỹ Nạn nhân Chất da cam Việt Nam] cũng thừa nhận rằng “Nói chung, hệ sinh thái ở Việt Nam có ít chất Dioxin hơn các quốc gia kỹ nghệ” (5).

Chúng tôi cũng xin nói thêm ở đây là, mặc dù mức độ ô nhiễm ở Times Beach, Missouri và Seveso, Ý cao hơn ở Việt Nam rất nhiều, các cuộc nghiên cứu tỉ mỉ và khoa học được thực hiện từ trước đến nay ở hai nơi nầy cũng chưa tìm thấy bằng chứng chứng minh Dioxin gây ra những bịnh như ung thư, dị thai, hoặc sẩy thai.  Và nếu ảnh hưởng của Dioxin trên các bịnh nầy chưa thấy xuất hiện ở Seveso và Times Beach, thì một người bình thường cũng có thể kết luận rằng các ảnh hưởng đó cũng chưa thể xảy ra ở Việt Nam.

 

Về mức độ ô nhiễm hóa chất ở Việt Nam, chúng tôi cũng xin trích nguyên văn một đoạn của bài viết “Lượng định về hiện trạng ô nhiễm hóa chất tại Việt Nam” như sau:

 

Rất khó mà biết được mức độ ô nhiễm thuốc trừ sâu, thuốc xịt ruồi, thuốc xịt muỗi và các hóa chất có trong nước thải được xả trực tiếp từ các nhà máy kỹ nghệ hiện nay ở Việt Nam là bao nhiêu; ngoại trừ một vài con số của một vài hóa chất được đăng tải đó đây trong các tài liệu hiếm hoi.  Mặc dù chỉ có vài con số hiếm hoi đó, một người có kiến thức trung bình về ô nhiễm cũng đã rởn tóc gáy!  Càng rởn tóc gáy hơn nữa khi biết rằng những hóa chất nầy đã hiện hiện trong sữa của nhiều bà mẹ Việt Nam từ hơn 10 năm qua. 

 

Như chúng ta đã biết, năm 1989, Bác sĩ Schecter đã tìm thấy chất p,p’-DDT có nồng độ từ 4.220 ppb cho đến 7.300 ppb trong 12 mẩu sữa mẹ thu thập ở miền Nam Việt Nam (43).  Nếu dựa theo tiêu chuẩn nước uống của tiểu bang California, Hoa Kỳ (0,02 ppb), nồng độ p,p’-DDT trong sữa của các bà mẹ nầy cao gấp 211.000 cho đến 365.000 lần.  Thật là khủng khiếp!!!

 

Trong cuộc nghiên cứu của Hatfield Consultants Ltd năm 1999, một số thuốc trừ sâu khác được tìm thấy trong các mẩu sữa mẹ thu thập ở thung lũng A Lưới, Quảng Trị.  Nồng độ của các chất được tìm thấy (15), có đơn vị là ppb, như sau:

 

Tên

hóa chất

Tiêu chuẩn California

A

So

Hong Lam

Hong Thuong

Hong

Van

Hexachloro-benzene

0,5

(1)

1,4

(2,8)

2,2

(4,4)

1,7

(3,4)

2,1

(4,2)

p,p’-DDE

0,01

(1)

8.900

(890.000)

1.900

(190.000)

3.200

(320.000)

5.900

(590.000)

p,p’-DDD

0,02

(1)

25

(1.250)

16

(800)

20

(1.000)

30

(1.500)

p,p’-DDT

0,02

(1)

1.600

(80.000)

410

(20.500)

530

(26.500)

1.500

(75.000)

Mirex

Không có

0,53

0,35

1,30

2,20

Dieldrin

0,02

(1)

0,63

(31,5)

0,30

(15)

0,32

(16)

0,31

(15,5)

Total PCBs

0,5

(1)

16

(32)

50

(100)

54

(108)

51

(102)

Nếu dùng tiêu chuẩn nước uống của tiểu bang California làm đơn vị, tầm mức ô nhiễm của các hóa chất nầy có thể cao gấp 890.000 lần như những con số được để trong dấu ngoặc trên đây.  So với các hóa chất nầy, tầm mức ô nhiễm của Dioxin quả thật hết sức “khiêm nhường,” nếu không muốn nói là không đáng kể!  Thậy vậy, nồng độ trung bình của Dioxin trong sữa của các bà mẹ ở thung lũng A Lưới được thử nghiệm trong cùng thời gian là 14,6 ppt ở A Sô, 7,3 ppt ở Hồng Lâm, 9,6 ppt ở Hồng Thương, và 3,0 ppt ở Hồng Vân.  So sánh với tiêu chuẩn nước uống ở California cho Dioxin là 5 ppt, tầm mức ô nhiễm Dioxin thay đổi từ 0,6 cho đến 2,9 mà thôi.

 

Nghiêm trọng hơn, Hexachlorobenzene, DDT, Mirex, Dieldrin, và PCBs là những chất nằm trong danh sách của 12 chất ô nhiễm hữu cơ dai dẳng (persistent organic pollutants - POPs) mà Hiệp ước toàn cầu vừa được ký kết ở Stockholm, Thụy Điển trong tháng 5/2001 kêu gọi loại trừ (49).  Mười hai POPs nầy là: Aldrin, Chlordane, Dieldrin, DDT, Endrin, Heptachlor, Mirex, Toxaphene, PCBs, Hexachlorobenzene, Dioxins, và Furans.  Đặc biệt là chất Mirex, một hóa chất dùng trị kiến lửa và ngừa cháy (fire retardant).  Các cuộc nghiên cứu trên thú vật cho thấy việc tiếp nhận một số lượng Mirex cao có thể làm hại bao tử, ruột, gan, thận, mắt, tuyến giáp trạng, hệ thống não bộ và sinh dục.  Theo Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ, sức khỏe sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể nếu số lượng tiếp nhận hàng ngày không quá 200 picograms (pg = 10-12 g) cho mỗi kg sức nặng (50).  Như vậy, nếu một trẻ sơ sinh cân nặng 3 kg thì số lượng Mirex tối đa mà em có thể tiếp nhận mỗi ngày sẽ là 600 pg.  Nếu em ở thung lũng A Lưới và bú 500 ml sữa mẹ mỗi ngày, em sẽ tiếp nhận 175.000 pg nếu em ở Hồng Lâm, 265.000 pg nếu em ở A Sô, 600.000 pg nếu em ở Hồng Thương, và 1.100.000 pg nếu em ở Hồng Vân.  Như vậy, các em phải tiếp nhận từ 290 đến 1.830 lần nhiều hơn số lượng tiếp nhận cho phép.

 

Gần đây, Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) có phổ biến phúc trình của hội nghị cấp vùng về quản trị các hóa chất dai dẳng, được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam từ ngày 16 đến 19 tháng 3 năm 1999 (Proceedings of the Regional Workshop on the Management of Persistent Organic Pollutants (POPs), Hanoi, Vietnam, 16-19 March, 1999).  Trong hội nghị nầy, các khoa học gia thuộc Bộ Y tế Việt Nam cho biết, trong năm 1994 và 1995, Việt Nam đã hợp tác với các khoa học gia Hoa Kỳ (Bác   Schecter) thực hiện một cuộc nghiên cứu sơ khởi (pilot study) về sự liên hệ giữa DDT và bệnh ung thư vú ở Bệnh viện Ung thư Hà Nội.  Kết quả cuộc nghiên cứu cho thấy, nồng độ của chất DDT và chất phân hủy của nó là DDE trong máu của các bệnh nhân mắc bệnh ung thư thì cao hơn nồng độ của nhóm người không mắc bệnh.  Sự liên hệ được nhận thấy khi nồng độ DDT lớn hơn 15,99 phần ức (ppt) và nồng độ DDE lớn hơn 0,8 ppt.  Phúc trình nầy cũng cho biết, theo kết quả của một nghiên cứu dịch tễ học (epidemiological study) về ung thư gan, nguy cơ mắc bệnh ung thư gan của nhóm người tiếp xúc với chất organophosphorous thì cao gấp 5 lần nguy cơ của nhóm người không tiếp xúc với các hóa chất nầy.  Chính UNEP cũng đã đi đến kết luận là Việt Nam có những vấn đề về sức khỏe và môi trường do các hóa chất dai dẳng từ nông nghiệp và kỹ nghệ (health/environmental problems from POPs in agriculture and industry).

 

Bây giờ, chúng tôi xin góp một vài ý kiến với Tiến sĩ về một vài điểm mà Tiến sĩ trình bày trong bài “Khoa học hay phản bội tinh thần khoa học?.

 

Thứ nhất, Tiến sĩ viết: “Đã không có số liệu về dioxin và dị thai thì họ [nếu chúng tôi không lầm thì Tiến sĩ ám chỉ chúng tôi] không nên phán xét mối liên hệ giữa hai sự kiện.”  Như Tiến sĩ đã thấy ở trên, chúng tôi không có khả năng và cũng không có thẩm quyền để làm nghiên cứu để tìm mối liên hệ giữa dioxin và dị thai.  Chúng tôi chỉ so sánh các dữ kiện hoặc kết quả của các cuộc nghiên cứu hiện có về sự liên hệ giữa Dioxin và dị thai ở Seveso và Times Beach và đặt nghi vấn về những lời tuyên bố của các khoa học gia “đã bỏ ra cả đời để nghiên cứu tác hại của dioxin” trong nước lẫn ngoài nước, rằng dioxin chính là tác nhân của tất cả các chứng bệnh lạ hoặc nan y ở Việt Nam, kể cả dị thai.  Chúng tôi rất tâm đắc với lời phát biểu bằng tiếng Việt của Tiến sĩ rằng: “bằng chứng chưa đầy đủ không có nghĩa rằng không có bằng chứng” mà chúng tôi xin tạm dịch theo khả năng của chúng tôi qua tiếng Anh sử dụng ở Hoa Kỳ là “lack of evidence does not mean that the evidence does not exist.”  Thế nhưng theo luật lệ ở Hoa Kỳ, bằng chứng chưa đầy đủ đồng nghĩa với không có bằng chứng!

 

Thứ hai, Tiến sĩ viết: “Hai ông Mai Thanh Truyết và Nguyễn Minh Quang cho rằng dioxin (trong chất màu da cam, hay Agent Orange) không phải là một mối đe dọa môi trường và sức khỏe của người Việt Nam.”  Trong phần kết luận của bài “Lượng định về hiện trạng ô nhiễm hóa chất tại Việt Nam,” chúng tôi nói: “Với những dữ kiện khoa học đó; những lãng mạn cách mạng, những dối trá chính trị, những cảm xúc của lòng nhân đạo, những đau xót của tình đồng bào, và những tuyên truyền của quá khứ cần phải được xếp qua một bên để có thể chọn lựa một cách khoa học, vô tư, và sáng suốt những biện pháp cần thiết nhất, ít tốn kém nhất, nhưng có hiệu quả cao nhất để giải quyết thỏa đáng càng sớm càng tốt vấn đề ô nhiễm hóa chất ở Việt Nam.  Những biện pháp đó, trước hết, phải nhắm vào các loại thuốc trừ sâu, thuốc xịt ruồi muỗi, và các loại hóa chất độc hại khác đang được dùng trong kỹ nghệ và nông nghiệp.  Dĩ nhiên, ảnh hưởng của việc sử dụng Chất Da Cam có chứa Dioxin đối với sức khỏe và môi trường cũng không thể bỏ qua.”

 

Thứ ba, Tiến sĩ dùng kết quả nghiên cứu của Bác sĩ Arnold Schecter, “người đã bỏ ra cả đời làm khoa học của ông để nghiên cứu tác hại củaAO [Agent Orange],” để đi đến kết luận rằng “Rõ ràng, dioxin là một vấn đề ở Việt Nam.”  Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với Tiến sĩ.  Nhưng chúng tôi không đồng ý với Bác sĩ Schecter khi ông tuyên bố rằng “Việt Nam có vấn nạn ô nhiễm Dioxin lớn nhất trên thế giới và có lẽ đàn ông, đàn bà, và trẻ em Việt Nam bị ô nhiễm Dioxin cao nhất thế giới” qua những lý do chúng tôi vừa trình bày ở trên.  Chúng tôi nghĩ Tiến sĩ cũng đồng ý với chúng tôi bởi vì Bác sĩ Schecter “chưa có bằng chứng.”  Ngoài ra, chúng tôi cũng đặt nghi vấn tại sao Bác sĩ Schecter, là một giáo sư về Khoa học Môi trường của trường Y tế Công cộng Houston thuộc Đại học Texas ở Dallas, vẫn giữ im lặng kể từ lần đầu tiên ông khám phá ra sự hiện diện của DDT có nồng độ từ 4.220 đến 7.300 phần tỉ (ppb) trong 12 mẩu sữa mẹ ở miền Nam Việt Nam vào năm 1989, mặc dù ông biết rất rõ ảnh hưởng của chất nầy lên môi trường và sức khỏe.  Trong khi đó, ông chỉ cổ xúy cho Dioxin mặc dù nồng độ trung bình của Dioxin trong các mẩu sữa mẹ thu thập ở miền Nam vào năm 1980 chỉ có 0,034 phần tỉ (UNEP.  Proceedings of the Regional Workshop on the Management of Persistent Organic Pollutants (POPs), Hanoi, Vietnam, 16-19 March, 1999).  Bác sĩ Schecter lại tiếp tục im lặng khi kết quả cuộc nghiên cứu sơ khởi được trình bày ở trên cho thấy nồng độ DDT và chất phân hủy của nó là DDE trong máu có thể có liên hệ đến bệnh ung thư vú ở Hà Nội.

 

Sau cùng, Tiến sĩ có đề cập đến “một cuộc khảo cứu công phu” của Bác sĩ Paolo Mocarelli cùng một số đồng nghiệp của ông được trình bày trong bài viết có tựa đề “Paternal Concentrations of Dioxin and Sex Ratio of Offspring” được đăng trên The Lancet, bộ 355, ngày 27 tháng 5 năm 2001.  The Lancet được xem như là một trong những tạp chí chuyên môn hàng đầu về y khoa trên thế giới, mà theo chỗ chúng tôi được biết, Tiến sĩ là một trong số các người duyệt bài (reviewers) của tạp chí.  Và chính Tiến sĩ cũng có một bài viết với tựa đề “Dioxin & Tỷ lệ giới tính” về đề tài nầy trên Tạp chí Đi Tới số 47.  Tiếp theo bài viết của Tiến sĩ, chúng tôi có tìm hiểu kết quả nghiên cứu của Bác sĩ Paolo Mocarelli và có những nhận xét được tóm tắt trong bài “Ô nhiễm Dioxin ở Seveso, Italy,” được đăng trên Tạp chí Đi Tới số 50 như sau:

 

Kết quả nghiên cứu cũng cho rằng những người cha bị ô nhiễm lúc còn trẻ (dưới 19 tuổi) có xác suất sinh con trai rất thấp với một tỉ lệ trai gái chỉ có 0,38 (10).  Mặc dù nghiên cứu của Bác sĩ Mocarelli rất công phu, các kết luận vừa kể chắc chắn sẽ gây nhiều tranh luận vì nó không ăn khớp với các dữ kiện được dùng cho cuộc nghiên cứu và trình bày trong bài viết của ông trên tạp chí The Lancet.  Một trong những dữ kiện có thể làm sụp đổ giá trị của cuộc nghiên cứu là dữ kiện trong Bảng 2 được tóm tắt như sau:

 

Nồng độ Dioxin của Cha (ppt)

Tỉ lệ Trai Gái

15,1-31,3

0,438

31,9-60,7

0,506

61,4-117,0

0,469

 

Dựa theo dữ kiện trên thì nồng độ Dioxin trong máu của người cha không phải là một yếu tố ảnh hưởng đến tỉ lệ trai gái, vì tỉ lệ trai gái gia tăng khi nồng độ Dioxin trong máu của của người cha gia tăng.  Tài liệu hộ tịch trong vùng A được trình bày trong Bảng 6 cũng không cho thấy ảnh hưởng của Dioxin trên tỉ lệ trai gái, trước cũng như sau vụ nổ ở nhà máy ICMESA năm 1976.

 

Thời khoảng

Tỉ lệ Trai Gái

1966-1972

0,524

1973-1976

0,341

1977-1984

0,414

1985-1990

0,552

1991-1996

0,471

 

Chúng tôi, với tư cách của Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đã trao đổi trực tiếp với Bác sĩ Paolo Mocarelli để làm sáng tỏ nhận xét nêu trên.  Chi tiết của cuộc trao đổi được trình bày trong Tạp chí Đi Tới số 50 với chủ đề “Chất Da Cam/Dioxin – Ô Nhiễm Môi Sinh tại Việt Nam.”  Cho đến giờ phút nầy, chúng tôi vẫn chưa nhận được thêm tin tức gì từ Bác sĩ Paolo Mocarelli.

 

2.                     “Một số thực phẩm nhập cảng [từ Việt Nam] vào Mỹ bị nhiễm chất DDT.”

 

Trong bài “Khoa học hay phản bội tinh thần khoa học?”, Tiến sĩ suy diễn rằng: “Ông Truyết và Quang còn đi xa hơn và cho rằng một số thực phẩm nhập cảng [từ Việt nam] vào Mỹ bị nhiễm chất DDT.”  Chúng tôi nói Tiến sĩ suy diễn vì theo cách viết khoa học, Tiến sĩ đã dùng dấu ngoặc vuông [ ] (square bracket).  Thật ra, trong bài báo “Vietnam’s toxic woes” của nhật báo Orange County Register, ký giả John Gittelsohn viết: “Mai said the pollution even threatens Americans, who imported $500 million of food from Vietnam last year, some of it laced with chemicals banned here, such as DDT.”

 

Chúng tôi đã làm sáng tỏ vấn đề thực phẩm Việt Nam qua buổi hội luận trong Chương trình Thời sự do hai Giáo sư Trần Đức Thanh Phong và Lưu Trung Khảo phụ trách trên đài Sống Trên Đất Mỹ, băng tần AM 1190, từ 9:00 đến 10:00 giờ tối ngày 19 tháng 1 năm 2002.  Bài tường thuật buổi hội luận do Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam phổ biến đã được nhật báo Người Việt đăng tải ngày 29 tháng 1 năm 2002.  Chúng tôi xin trích một đoạn như sau:

 

Trước khi bài phỏng vấn được đăng lên báo, chúng tôi có yêu cầu ký giả John Gittelsohn cho xem lại và sửa chữa nếu cần, nhưng ông cho biết thời gian không cho phép.  Vì vậy, sau khi bài báo đã được đăng tải, chúng tôi phát hiện một số phát biểu hay nhận định không thể hiện quan điểm của người được phỏng vấn.  Đặïc biệt là chúng tôi chỉ thử nghiệm về việc phân tích nước; do đó tuyên bố về việc thực phẩm bị ô nhiễm hóa chất độc hại có thể ảnh hưởng đến người Mỹ tiêu thụ nông sản Việt Nam chỉ là những diễn dịch của người phỏng vấn mà thôi, và đây là trách nhiệm của tòa báo.  Ngoài ra, những quan điểm và hệ lụy có thể xảy ra cho Việt Nam do ảnh hưởng của hóa chất độc hại đủ loại thể hiện đúng đắn tinh thần hai buổi trao đổi của chúng tôi.

 

Rất tiếc, bài phỏng vấn đã tạo cho một số ít người, không biết vì ngộ nhận hay cảm xúc, hay vì một lý do gì đó mà không thấy được trọng tâm của vấn đề và ý chính của hai tác giả được phỏng vấn.  Chúng tôi muốn nói đến tương lai (we look to the future, not the present or the past).  Chúng tôi muốn nói đến những vấn đề môi sinh của Việt Nam trong 5 năm, 10 năm, hay hơn nữa.  Và chúng tôi không hề đặt trọng tâm vào vấn đề thực phẩm xuất cảng của Việt Nam hay thương ước Việt Mỹ, một vấn đề đã được chính phủ hai bên thỏa thuận.

 

Cũng xin thưa, chúng tôi tin rằng vấn đề an toàn của thực phẩm Việt Nam xuất cảng sang Hoa Kỳ đã được duyệt xét kỹ lưỡng giữa hai đối tác Việt-Mỹ.  Phía Việt Nam thì có pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật và nghị định thi hành pháp lệnh nầy.  Bộ Y tế Việt Nam và các cơ quan kiểm phẩm cũng đã duyệt xét để bảo đảm an toàn về chất lượng cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi xuất cảng sang Hoa Kỳ.  Đối lại về phía Hoa Kỳ, cơ quan FDA liên bang cũng đã duyệt xét trước khi sản phẩm được tung ra thị trường.  Chúng tôi chỉ quan tâm đến tình trạng an toàn thực phẩm ở Việt Nam qua những dữ kiện và tin tức mà chúng tôi có được qua các phúc trình do các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam công bố. Đa số các cuộc nghiên cứu hay thăm dò trên đều được các cơ quan quốc tế tài trợ như Quỹ Nhi đồng Thế giới của Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và Cơ quan Lương nông Thế giới (FAO).

 

Dù thế nào đi nữa, chúng tôi cũng xin nhận một phần trách nhiệm để một số độc giả không thấy được trọn vẹn trọng tâm của vấn đề mà chúng tôi muốn trang trải.  Hy vọng buổi hội luận hôm nay sẽ giúp cho quý vị thấy rõ những vấn nạn mà chúng tôi lưu tâm đến ở Việt Nam.  Đó là hiện trạng lũ lụt ở Việt Nam, vấn đề ô nhiễm arsenic hay thạch tín, cùng các vấn nạn về sử dụng thuốc trừ sâu rầy, diệt cỏ dại, phân bón đã tạo nên một tình trạng ô nhiễm hóa chất có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và môi trường mà mỗi người trong chúng ta cần lưu tâm đến.  Các vấn nạn nầy có thể biến thành thảm nạn bất cứ lúc nào trong vòng 5, 10 năm tới hay hơn nữa nếu chúng không được giải quyết một cách có hiệu quả.  Và một khi thảm nạn xảy ra, đất nước và người dân Việt Nam, trong đó có người thân và bạn bè của chúng ta sẽ là những người lãnh trọn hậu quả.

 

Sau đó, Tiến sĩ lại suy diễn rằng: “Chẳng hạn như trong một phát biểu quan trọng, ông Quang nói, ‘Mức độ tích tụ của một số hóa chất [trong thực phẩm Việt Nam] cao hơn mức độ trong nước uống được cho phép ở California đến 890,000 lần..., nhưng ông Quang không cho biết đó là những hóa chất nào, trong loại thực phẩm gì, và được thử nghiệm ra sao.’”  Một lần nữa, sơ sót của ký giả John Gittelsohn khiến cho quan điểm của chúng tôi không được thể hiện một cách đúng đắn.  Nếu ký giả John Gittelsohn không chen cái tiểu tựa SEWAGE, MALARIA ALSO A THREAT, người đọc sẽ hiểu là nồng độ của một trong 12 chất dơ trong sửa mẹ ở A Lưới cao gấp 890.000 lần mức cho phép trong nước uống ở California.  Chúng tôi hy vọng phần trình bày trong Điểm 1 nói về ô nhiễm hóa chất ở Việt Nam ở trên đã làm sáng tỏ trọng điểm của chúng tôi.

 

Cũng liên quan đến vấn đề thực phẩm, Tiến sĩ viết rằng: “Tương tự, ông Truyết hoàn toàn không đưa ra một dữ kiện nào về mức độ tích tụ của DDT trong thực phẩm Việt Nam.”  Đây cũng là một điểm thiếu sót của bài báo.  Nhưng dựa theo một phúc trình của Bộ Y tế Việt Nam do TS Nguyễn Đình Quang biên soạn và được Cơ quan Lương nông Thế giới (FAO) phổ biến năm 1999, một số hóa chất dùng trong nông nghiệp đã được phát hiện trong thực phẩm bày bán tại các chợ ở Hà Nội.  Trong số các mẩu được phân chất, DDT được tìm thấy trong 28% các mẩu thịt heo, 33% các mẩu cật heo, 25% các mẩu gan, 100% các mẩu trứng gà, và 60% các mẩu trứng vịt.  Ngoài ra, thịt và các sản phẩm sửa cũng bị ô nhiễm kim loại nặng như chì, cadmium, và thủy ngân cao từ 2 đến 10 lần mức cho phép; 100% các mẩu thịt gà có chứa chất kháng sinh cao gấp 22 lần mức cho phép.  Đó là chưa kể đến vi trùng trong 100% các mẩu thịt và sửa, vi khuẩn E-coli trong 100% các mẩu thịt bò, và vi khuẩn Salmonella trong 60% các mẩu thịt bò và thịt heo.  Một số hóa chất trong thuốc trừ sâu rầy cũng được phát hiện trong 25% các mẩu trái cây và rau cải; 5% các mẩu trái cây và rau cải có nồng độ thuốc trừ sâu rầy vượt quá mức cho phép do Bộ Y tế quy định (Nguyen Dinh Quang.  Pre Case Study of Food Supply and Distribution to Hanoi.  Copyright FAO, 1999).

 

Trong một cuộc nghiên cứu của trường Đại học Quốc gia Hà Nội trong năm 1993 (UNEP.  Proceedings of the Regional Workshop on the Management of Persistent Organic Pollutants (POPs), Hanoi, Vietnam, 16-19 March, 1999), mức độ DDT tìm thấy trong rau cải ở một số tỉnh miền Trung Việt Nam được ghi nhận như sau:

 

Địa điểm I

Địa điểm II

Củ hành tây

0,505 mg/kg

Cải bẹ xanh

0,489 mg/kg

Lá hành tây

0,335 mg/kg

Cải xà lách

0,461 mg/kg

Củ hành ta

0,429 mg/kg

Cần tây

0,458 mg/kg

Lá hành ta

0,229 mg/kg

Amaranth

0,439 mg/kg

 

 

Rau dền

0,229 mg/kg

 

Các mức độ DDT nầy cao từ 10 đến 25 lần mức độ cho phép (0,020 mg/kg) theo tiêu chuẩn của Việt Nam.

 

Kính thưa Tiến sĩ,

 

Chúng tôi tin rằng những dữ kiện khoa học vừa được trình bày một cách trung thực ở trên đủ để biện minh cho lập luận của chúng tôi rằng hóa chất dùng trong nông nghiệp, kỹ nghệ, và diệt trừ sốt rét (DDT), chứ không phải Chất Da Cam mới là mối đe dọa sức khỏe của người dân Việt Nam hiện nay, và rằng DDT đã được tìm thấy trong thực phẩm ở Việt Nam   mức độ đáng lo ngại.  Chúng tôi hy vọng nhận xét đó không đúng để sức khỏe của người dân Việt Nam - từ bắc chí nam cũng như từ đồng ruộng đến thị thành - không bị đe dọa; nhưng những con số thống kê và dữ kiện khoa học đã dập tắt niềm hy vọng của chúng tôi!  Và đó chính là lý do khiến cho UNEP đã chọn Việt Nam là một trong những trường hợp điển hình (case studies) trên thế giới để nghiên cứu các hóa chất dai dẳng POPs bao gồm các nước như Cameroon, Colombia, Gambia, Lebanon, Madagascar, Nepal, Pakistan, Senegal, và Việt Nam.

 

Chúng tôi rất xúc động khi thấy Tiến sĩ, một người dân của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đã hết lòng quan tâm đến hoàn cảnh khốn khó của người dân trong vùng.  Theo Tiến sĩ “... có lẽ họ là một trong những người khốn khổ nhất thế giới.  Ở trong nước, họ là thành phần nghèo nhất trong xã hội...  Làm việc quanh năm suốt tháng trên đồng, dưới sông, ngoài biển, để làm ra sản phẩm cung cấp cho xã hội hay xuất khẩu... nhưng trớ trêu thay, chỉ có 15% số tiền này là đến tay người nông dân, phần còn lại nằm trong tay các công ty quốc doanh và các tay trung gian buôn bán.”  Chúng tôi không biết, có một lúc nào đó, Tiến sĩ tự đặt cho mình câu hỏi “Vì sao mà người nông dân Việt Nam phải ra nông nỗi đó?” và tự mình trả lời hay không?

 

Cũng là người dân ĐBSCL, chúng tôi rất thông cảm với những ưu tư của Tiến sĩ.  Chúng tôi đã, đang, và sẽ làm những gì có thể làm được trong khả năng chuyên môn của mình để giúp cho đồng bào đang khốn khổ của mình.  Chúng tôi tôn trọng ý kiến của Tiến sĩ, nhưng chúng tôi không tin rằng chúng tôi gây khó khăn cho nông gia Việt Nam.  Chúng tôi nghĩ, nếu có khó khăn, thì đó là khó khăn cho những ai đang trục lợi dưới nhiều hình thức trên sự khốn khó của người dân và tình trạng chậm tiến của đất nước Việt Nam.  Chính họ là những người đang “khó chịu” với những vấn đề mà chúng tôi nêu lên.  Những vấn đề chúng tôi nêu lên có thể là một “liều thuốc đắng” ngày hôm nay, nhưng nó sẽ “giả tật” cho một đất nước và dân tộc Việt Nam phú cường trong tương lai.  Trong tinh thần khoa học vô vị lợi, chúng tôi nêu lên vấn đề để người nông dân Việt Nam từ ĐBSCL cho đến đồng bằng sông Hồng ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường nông nghiệp để có thễ sản xuất nông phẩm vừa ngon, vừa rẽ, lại vừa sạch.  Chỉ có như vậy thì nông gia Việt Nam mới có thể vừa cạnh tranh với hàng hóa của các nước khác trong một nền kinh tế thị trường mà vừa bảo vệ sức khỏe của chính mình, của gia đình mình, và của gần 80 triệu người dân Việt.  Quan trọng hơn hết, bảo vệ một môi trường Việt Nam trong sạch và một dân tộc Việt Nam cường tráng cho thế hệ mai sau.

 

Chúng tôi thành thật xin lỗi nếu những phát biểu của chúng tôi trong thơ có “vương vấn” ít nhiều màu sắc có tính cách cá nhân đối với Tiến sĩ.  Nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ rút lại những gì chúng tôi trình bày ở đây, bởi vì chúng tôi có trách nhiệm hoàn toàn với những lời chúng tôi đã nói.

 

Trân trọng cảm ơn và kính chào Tiến sĩ.

 

Orange County, ngày 30 tháng 1 năm 2002

 

Mai Thanh Truyết và Nguyễn Minh Quang

 

NVTuan012002F.doc