VÀI KINH NGHIỆM NÊN CỨU XÉT TRONG VIỆC

XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VIỆT NAM TRONG TƯƠNG LAI

 

Kính thưa quý vị,

 

Thật là một vinh dự lớn lao cho tôi, với tư cách là một thành viên của Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, có dịp thưa chuyện với quý vị trong Đại hội Thường Niên và Buổi Ra Mắt Đặc San Số 1 của Gia Đình Cao Đẳng Quốc Phòng ngày hôm nay với chủ đề Xây Dựng và Phát Triển Đất Nước Việt Nam trong Thế Kỹ 21. 

 

Phần Dẫn Nhập

 

Khi nói đến xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam, chúng ta có thể nghĩ ngay đến những quốc gia đã phát triển vào bậc nhất trên thế giới với hy vọng có thể áp dụng mô hình của họ; hay ít ra, rút tỉa những kinh nghiệm quý báu mà họ đã trãi qua.  Họ đã đầu tư rất nhiều công sức, tiền bạc, và thời gian để nghiên cứu tìm tòi; rồi tiếp tục đầu tư tiền bạc để thực hiện.

 

Là người đi sau, chúng ta có lợi thế hơn họ.  Và chúng ta phải biết tận dụng cái lợi thế đó.  Dĩ nhiên, chúng ta cần phải đầu tư, nhưng chúng ta không nhất thiết phải đầu tư theo cách của họ.  Điều chúng ta nên làm là đầu tư công sức, tiền bạc, và thời gian để học hỏi kinh nghiệm của các nước đã phát triển; rồi từ đó, tìm một phương thức thích hợp cho việc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam.

 

Trong chiều hướng đó, tôi xin phép được chia xẻ với quý vị một vài nhận xét cá nhân mà tôi thu thập được trong suốt thời gian làm việc tại Hoa Kỳ từ năm 1985 cho đến nay.  Những nhận xét nầy có liên quan đến một số cơ quan chánh quyền từ cấp liên bang, tiểu bang, đến địa phương và một số hãng kỹ sư cố vấn Mỹ có tiếng tăm trên khắp thế giới, kể cả Việt Nam.  Tôi nghĩ rằng những kinh nghiệm nầy nên được cứu xét trong công cuộc xây dựng và phát triển Việt Nam.  Đương nhiên, chúng ta cần học hỏi những điều hay.  Nhưng tôi cho rằng, những điều dở cũng quan trọng không kém.  Thứ nhất, chúng ta chỉ học có phân nửa nếu không học những điều dở; thứ nhì, chúng ta sẽ không biết những điều dở để mà... tránh.

 

Những Nhận Xét

 

1.                 Nhận xét thứ nhất về hệ thống hành chánh của Hoa Kỳ.

 Không như chúng ta nghĩ, nhiều khâu trong hệ thống hành chánh của Hoa Kỳ cũng lượm thượm, thiếu hiệu quả, và có khuyết điểm như bất cứ một hệ thống hành chánh nào khác.  Ở nhiều cơ quan, quyền hạn tập trung vào một thiểu số viên chức, nhưng phần lớn lại thiếu khả năng và kinh nghiệm chuyên môn.  Các viên chức nầy có khuynh hướng “giữ ghế ngồi” bằng cách tuyển dụng nhân viên dưới quyền chỉ có khả năng “sai đâu đánh đó” mà thôi; do đó, khả năng và hiệu năng của cơ quan rất thấp.  Khả năng và hiệu năng của nhiều cơ quan được đánh giá bằng số chi tiêu của cơ quan đó.

Nhiều cơ quan được giao cho những chức
năng không thích hợp.  Thí dụ như công tác xây dựng thủy lợi (đê đập, thủy lộ, hồ chứa nước ngừa lụt,...) thì giao cho Công binh (Corps of Engineers) và Văn phòng Khẩn hoang (Bureau of Land Reclamation), việc nghiên cứu thủy lợi thì lại giao cho Cơ quan Khảo sát Địa chất (U.S. Geological Survey).  Ở tiểu bang California, Bộ Y tế đang “giẫm chân” lên chức năng của các Hội đồng Kiểm soát Phẩm chất Nước (Regional Water Quality Control Board) trong việc làm sạch ô nhiễm nước,...

 

Chánh sách, luật lệ nhiều lúc không rõ ràng nên các viên chức có thẩm quyền muốn diễn dịch thế nào cũng được.  Một số lớn luật lệ, nhất là luật lệ môi sinh, rất tốn kém để tuân thủ; cho nên, việc phạm luật rất phổ biến.  Có rất ít luật lệ có tính cách hướng dẫn và khuyến khích, đa số là cưỡng bức và trừng phạt.

 

2.     Nhận xét thứ nhì về đội ngũ chuyên viên của Hoa Kỳ. 

Có thể nói Hoa Kỳ có một đội ngũ chuyên viên “thượng thặng” nhất trên thế giới.  Đó là một trong những yếu tố quyết định khiến Hoa Kỳ phát triển vượt bực như hiện nay.  Tuy nhiên, có những lãnh vực mà Hoa Kỳ vẫn còn vướng những khuyết điểm làm trở ngại không ít cho việc phát triển.

Bảo vệ chim tại Bolsa Chica Reserve.

                                                                                   Việc đào tạo chuyên viên bậc đại học không đồng đều và không đáp ứng một cách hợp lý cho nhu cầu phát triển.  Thí dụ các trường đại học California không bắt buộc sinh viên ban Công Chánh phải học môn Thủy học (Hydrology) mặc dù môn nầy là một trong những môn quan trọng và cơ bản của ngành Công Chánh.  Việc giảng dạy thường lệ thuộc vào mức độ ghi danh của sinh viên; cho nên, các lãnh vực quan trọng không được quan tâm đúng mức.  Thí dụ như ở California, mặc dù Thủy lợi là một vấn đề sanh tử của tiểu bang, hầu như không có một trường đại học nào có một department riêng biệt cho bộ môn nầy.  Lý do là vì có quá ít sinh viên theo học bộ môn nầy.

 

Thông thường, lãnh vực công không đủ khả năng cạnh tranh với lãnh vực tư trong việc thu dụng nhân viên; cho nên, khả năng và kinh nghiệm của chuyên viên trong lãnh vực công thường kém hơn chuyên viên trong lãnh vực tư.  Có rất nhiều “chuyên viên” trong cả hai lãnh vực công và tư  không có đủ trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm, nhất là trong ngành Thủy Lợi và Môi Sinh.  Thí dụ như một tiến sĩ Sinh học (Biology) phụ trách việc ô nhiễm nước hay một tiến sĩ Địa chất học phụ trách nghiên cứu sự xâm nhập của nước mặn,...  Trường hợp nầy rất phổ biến trong hầu hết các cơ quan công quyền (từ liên bang đến tiểu bang) và trong các công ty tư vấn có tiếng tăm nhất.

 

3.     Nhận xét thứ ba về các hãng kỹ sư cố vấn (consulting engineers). 

Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Hoa Kỳ có rất nhiều hãng kỹ sư cố vấn.  Các hãng kỹ sư cố vấn nầy có tiếng tăm, chẳng những ở ngay tại Hoa Kỳ mà còn trên khắp thế giới nữa. Các hãng kỹ sư  cố vấn nầy thường rất “tự cao tự đại” bởi vì họ là “the best of America;” cho nên, họ nghĩ rằng chỉ có họ mới làm đúng!

 

Những hãng kỹ sư cố vấn nầy rất giỏi trong những lãnh vực cổ điển như xây dựng, kỹ nghệ, hóa học.  Nhưng trong những lãnh vực mới như môi sinh (environment), thủy lợi (water resources), địa thủy học (hydrogeology), mô hình toán (modeling); khả năng và kinh nghiệm của những hãng kỹ sư nầy cũng không khác gì những hãng kỹ sư cố vấn khác.  Khả năng và kinh nghiệm của các hãng kỹ sư cố vấn tiếng tăm nầy tùy thuộc vào khả năng và kinh nghiệm của những chuyên viên mà họ thu dụng chứ không tùy thuộc vào cái “tên” của nó.

 

Có nhiều trường hợp, các dự án của các hãng kỹ sư cố vấn là do những chuyên viên thiếu khả năng và kinh nghiệm trong lãnh vực chuyên môn trực tiếp phụ trách.  Do đó, các dự án nầy không có kết quả mong muốn.

 

Đa số các hãng kỹ sư cố vấn được điều hành như một “business;” cho nên, họ chỉ chú trọng đến việc làm (jobs) hơn là kết quả và hiệu quả của công việc họ làm.  Chúng ta không lấy làm ngạc nhiên khi họ vẽ vời ra nhiều việc không cần thiết để họ... có việc làm.  Do đó, khi cần đến các hãng kỹ sư cố vấn, phải có người phụ trách có khả năng và kinh nghiệm để giám sát và theo dõi công việc từ đầu đến cuối.

 

4.     Nhận xét thứ tư về việc bảo vệ môi sinh. 

Hoa Kỳ là một trong những quốc gia có nhiều chương trình và luật lệ tốn kém nhất trên thế giới để bảo vệ môi sinh, nhưng kết quả của những chương trình nầy rất đáng nghi ngờ và không có hiệu quả mong muốn.  Điển hình như mưa chua (acid rain) ở vùng Đông Bắc, ô nhiễm không khí ở Los Angeles, xăng pha chất MTBE,...

Hình 2. Đầm ven biển Bolsa Chica, CA

Hầu hết ngân khoản dành cho việc làm sạch ô nhiễm (Superfund) của Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (U.S. Environmental Protection Agency) vào túi của các luật sư và các công ty cố vấn.  Có rất ít địa điểm ô nhiễm ưu tiên (Superfund site) do cơ quan nầy chọn lựa đã được làm sạch.  Thí dụ điển hình là sự ô nhiễm các tầng nước ngầm ở thung

lũng San Gabriel trong quận hạt Los Angeles, tiểu bang California.  Sau khi được khám phá năm 1979, Cơ quan Bảo vệ Môi sinh đã chi tiêu một số tiền rất lớn để mướn công ty cố vấn CH2M HILL nghiên cứu biện pháp làm sạch các tầng nước ngầm nầy.  Mãi cho đến nay, hơn 20 năm sau, chưa có một giọt nước ô nhiễm nào ở thung lũng San Gabriel được cơ quan nầy lọc sạch.  Trái lại, rất nhiều hệ thống lọc nước tân tiến (advanced treatment facilities) đã được các công ty cấp thủy trong vùng xây cất để bảo đảm phẩm chất của nước mà họ cung cấp.

 

Đa số luật lệ bảo vệ môi sinh dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học “dỏm” (junk science), không hợp lý, hoặc đề ra những mục tiêu đầy tham vọng không thể thực hiện được.  Thiếu chuyên viên có khả năng và kinh nghiệm trong việc soạn thảo, áp dụng và thi hành luật lệ.  Trình độ khoa học kỹ thuật chưa đủ để đáp ứng tiêu chuẩn do luật lệ đề ra.  Lệ thuộc vào áp lực của một nhóm ủng hộ môi sinh quá khích (Greenpeace, Sierra Club,...) , “khuyến cáo” của các công ty cố vấn, hoặc của các kết quả nghiên cứu ‘đặt hàng” của các trường đại học.  Các nhóm nầy làm áp lực vì lợi lộc hơn là vì môi sinh.

 

Phần Kết Luận

 

Nói tóm lại, mặc dù là một quốc gia phát triển vượt bực trên thế giới, Hoa Kỳ cũng không thể tránh được những khuyết điểm.  Với một thời lượng ít ỏi và trong một phạm vi và khả năng hạn hẹp, tôi chỉ xin chia xẻ với quý vị một vài nhận xét nổi bật nhất mà tôi thu thập được trong suốt thời gian làm việc ở đây về hệ thống hành chánh, đội ngũ chuyên viên, các hãng kỹ sư cố vấn, và việc bảo vệ môi sinh.  Tôi nghĩ rằng những khuyết điểm nầy có ảnh hưởng đáng kể tới mức độ phát triển của đất nước Hoa Kỳ.  Tôi không thể hình dung được đất nước Việt nam sẽ ra sao nếu những người có trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển đất nước không tránh được những khuyết điểm như vậy.  Đất nước Hoa Kỳ vẫn phát triển mà không cần đến Everglades, nhưng đất nước Việt Nam sẽ khó phát triển nếu những sai lầm ở Everglades cũng là những sai lầm ở Đồng bằng sông Cửu Long!!!

 

Trân trọng cảm ơn và kính chào quý vị.

 

Nguyễn Minh Quang

Tháng 7/2000

Bài nói chuyện tại Buổi hợp Cao Đẳng Quốc Phòng, California.