VÀI NHẬN XÉT VỀ CÔNG TÁC THỦY LỢI VÀ TRẬN LỤT 1978

Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

 

Nguyễn Minh Quang P. E.

 

LỜI TÁC GIẢ

 

Nguyên bản của bài nầy được viết cách đây đúng 20 năm (tháng 8 năm 1979) ở Tanjung Uban, Indonesia và chưa hề được phổ biến.  Nó không được viết với tài liệu tham khảo sống thực, mà chỉ dựa vào vốn hiểu biết, trí nhớ, và kinh nghiệm cá nhân qua những công việc liên quan trực tiếp với đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các tài liệu và phúc trình kỹ thuật về ĐBSCL mà người viết đã được đọc, và các trận lụt ở ĐBSCL và duyên hải miền Trung mà người viết đã trải qua.  Trong thời gian gần đây, tin tức về các dự án thủy lợi - đã, đang, và sẽ được thực hiện trong toàn lưu vực sông Mekong, kể cả các dự án nằm trong vùng ĐBSCL - đang làm cho những người có quan tâm rất lo ngại.  Nhận thấy nguyên bản có những chi tiết kỹ thuật mà giá trị của nó không thay đổi qua không gian và thời gian, người viết trau chuốt lại chút ít để phổ biến với mục đích chính là rút tỉa kinh nghiệm trên phương diện chuyên môn.  Các chi tiết kỹ thuật nầy cũng còn có thể được dùng để thẩm định các dự án thủy lợi và các trận lụt ở ĐBSCL trong 20 năm qua và trong tương lai.

 

PHẦN MỞ ĐẦU

 

            Thật là phi kỹ thuật khi viết về một vấn đề chuyên môn mà không có lấy một tài liệu tham khảo, và cũng chẳng có nhiều con số chính xác để đối chiếu hoặc so sánh.  Nhưng ở đây, người viết chỉ muốn trình bày vấn đề hơn là phân tích vấn đề trên phương diện kỹ thuật.  Về mặt nầy, người viết vẫn ước mong được bàn đến trong một luận án về thủy học, trong đó chắc chắn sẽ có nhiều điều thích thú, và sẽ là dịp để đóng góp một cách tích cực cho những dự án phát triển ĐBSCL trong tương lai.  Người viết rất mong muốn có vài tài liệu tham khảo và vài con số cụ thể để minh chứng cho lập luận của mình cũng như giúp cho người đọc thấy rõ hơn các sự việc; nhưng theo quy định, những tài liệu kỹ thuật cũng là những bí mật quốc phòng và những con số chính xác là những con số không bao giờ có được trong tay một người, mặc dù người đó là một chuyên viên kỹ thuật.  Mà dù có đi chăng nữa, người ấy cũng không thể biết chắc rằng đó là con số đúng, bởi vì có rất nhiều con số cho cùng một sự kiện: một con số để báo cáo cho nhân dân qua các phương tiện truyền thông, một con số báo cáo lên trên, một con số báo cáo cho Đảng, một con số thông báo cho thế giới bên ngoài, và con số đúng thì chẳng bao giờ được sử dụng.  Ngay những tài liệu và con số có từ trước cũng thế.  Vì người viết không còn có cơ hội tham khảo thường xuyên từ hơn 3 năm qua nên một phần đã quên đi, một phần “rơi rớt” đâu đó; nên nhiều lúc, có thể cũng không được chính xác.  Người viết rất mong nhận được những tài liệu tham khảo được đề cập đến hoặc những con số chính xác từ các chuyên viên trong ngành hoặc người đọc có quan tâm đến vấn đề để điều chỉnh lại cho đúng.

 

SƠ LƯỢC VỀ LỤT Ở ĐBSCL

 

            Ngập lụt ở vùng ĐBSCL không phải là một chuyện lạ đối với nông dân và cư dân trong vùng từ bao đời.  Nó càng không phải là chuyện lạ đối với các chuyên viên thủy học (hydrologists), các chuyên viên thủy lợi (water resources planners), những người có trách nhiệm, và những người có quan tâm trong công cuộc phát triển vùng đồng bằng trù phú nầy.

                                                      Hình 1. Lụt miền Tây.

            Hàng năm, do ảnh hưởng của mưa mùa Tây Nam
trong khoảng từ tháng 7 cho đến tháng 11, nước sông Cửu Long đổ dồn về hạ lưu, chảy tràn bờ rồi phủ kín cả một đồng bằng bao la từ biển Hồ ở Kampuchia cho đến biển Đông.  Danh từ “mùa nước nổi” thường được dân chúng trong vùng dùng để gọi khoảng thời gian nước sông Cửu Long dâng cao.

 

            Khác hẳn với những trận lụt ở đồng bằng sông
Hồng ở miền Bắc hay đồng bằng duyên hải ở miền Trung, mùa nước nổi ở ĐBSCL rất “hiền hòa.”  Nước sông dâng lên rất chậm, khoảng 10 cm/ngày trong những trận lụt trung bình, và kéo dài trong nhiều tháng trước khi rút xuống [Để so sánh, người viết đã có cơ hội quan sát nước sông Trà Khúc tại Quảng Ngãi dâng lên khoảng 30 cm/giờ và kéo dài khoảng một tuần lễ trong trận lụt 1973].  Chính vì thế, lụt ở ĐBSCL gây ít thiệt hại; trái lại, nó mang lại cho vùng nầy rất nhiều cái lợi.  Với một lưu lượng khoảng 40.000 m3/giây trong mùa lụt, nước sông Cửu Long tẩy bớt chất phèn chất chứa trong mùa nắng.  Lượng phù sa dồi dào được lắng xuống khi chảy tràn sẽ giúp cho đồng ruộng thêm mầu mỡ.  Và cũng trong mùa nước nổi, ngư dân và cả cư dân trong vùng một lần nữa lại “trúng mùa cá.”

 

            Nhưng không phải năm nào cũng thế!  Trong suốt thời gian quan trắc từ năm 1909, đã có nhiều trận lụt gây thiệt hại trầm trọng cho vùng ĐBSCL.  Hai trận lụt lớn gần đây nhất là trận lụt 1961 và trận lụt 1966.  Riêng trận lụt 1961, mức thiệt hại trong lãnh thổ Việt nam được Ủy ban Quốc tế Mekong ước lượng lên đến 30 triệu Mỹ kim.  Riêng “trận lụt 1978,” đáng lý ra không phải là một trận lụt, nhưng đã là một trận lụt chưa từng thấy trong lịch sử ngập lụt ở ĐBSCL trong 70 năm qua.  Tại sao có trận lụt – đúng ra phải nói là úng thủy – 1978?  Để trả lời một cách chính xác cho câu hỏi nầy, thiết nghĩ phải có một phúc trình dày cộm với hàng đống printout của máy tính điện tử từ những chương trình điện toán dành riêng cho ĐBSCL, tương tự như Mô hình Toán Sogreah hoặc Mô hình Triều Hòa Lan.  Nhưng ở đây, với khả năng và điều kiện giới hạn, người viết chỉ nêu lên vấn đề với những giả thiết theo lập luận của mình.  Còn phần chứng minh thì xin hẹn lại một dịp nào đó trong tương lai.  Lúc đó, có thể do chính người viết mà cũng rất có thể do một người nào đó có quan tâm đến cùng một vấn đề ngày hôm nay.

 

VÀI NÉT ĐẶC THÙ CỦA ĐBSCL

 

            ĐBSCL là một vùng đồng bằng rộng lớn và trù phú nhất Việt Nam.  Theo tài liệu của Ủy ban Quốc tế Mekong, ĐBSCL trong lãnh thổ Việt Nam có diện tích khoảng 68.000 km2  và hiện vẫn đang lấn dần ra biển do phù sa của sông Cửu Long, một trong những con sông lớn trên thế giới.

 

            Về địa thế, ĐBSCL tương đối thấp và bằng phẳng với cao độ không quá +5,00 m so với mặt nước biển trung bình.  Cao độ ở từng nơi thì hết sức đặc biệt.  Dọc theo hai bờ sông Tiền và sông Hậu và dọc theo duyên hải là những giồng đất cao, trong khi những vùng nằm giữa các sông lớn thì thấp hơn, có nơi thấp hơn cả mặt nước biển trung bình.  Do đó, những vùng trũng tương tự như lòng chảo được hình thành, nổi tiếng nhất là Đồng Tháp Mười, khu tứ giác Long Xuyên, và rừng U Minh.

 

Về sông ngòi, ĐBSCL được xem như có 3 con sông lớn.  Sông Cửu Long gồm hai nhánh sông Tiền và sông Hậu chảy song song ra biển Đông.  Ở phía bắc của sông Tiền là sông Vàm Cỏ, cũng chảy ra biển Đông.  Ở phía nam của sông Hậu là sông Cái Lớn chảy ra vịnh Thái Lan.  Tuy nhiên, tất cả các sông nầy được xem như phụ lưu của sông Cửu Long vì hai lý do:

 

1.                   Trong mùa nước nổi hoặc trong các trận lụt, nước sông Cửu Long tràn bờ rồi đổ vào các sông nầy để được thoát ra biển.

 

2.                   Tất cả các sông được nối liền với nhau bằng một hệ thống kinh rạch chằng chịt như mạng nhện.  Theo tài liệu của Nha Thủy vận, chiều dài tổng cộng của hệ thống kinh rạch nầy lên đến 2.000 km.  Hệ thống kinh rạch nầy tạo cho ĐBSCL có một hệ thống thủy đạo hết sức phức tạp, đồng thời cung cấp cho dân cư trong vùng một phương tiện giao thông dễ dàng và thuận lợi.

Hình 2. Châu Thổ CL.

Về mặt thủy
học, thủy chế của hệ thống sông ngòi ĐBSCL thay đổi tùy theo mùa.  Trong mùa mưa, ngoài lượng nước chính của lưu vực, các sông như  sông Vàm Cỏ và sông Cái Lớn còn nhận nước của sông Cửu Long ngay ở nguồn sông, dọc theo sông, và qua các kinh rạch nối liền sông Cửu Long với các sông nầy.  Trong mùa nắng, vì là đồng bằng thấp, nên hệ thống sông chịu ảnh hưởng của thủy triều một cách mạnh mẽ (ảnh hưởng nầy vẫn còn trong mùa nước nổi hoặc trong mùa lụt), và dĩ nhiên, chịu ảnh hưởng của sự xâm nhập của nước mặn.  Vấn đề càng phức tạp hơn vì ĐBSCL chịu ảnh hưởng của hai chế độ thủy triều khác nhau cùng một lúc: bán nhật triều với biên độ khoảng 3,0 m ở biển Đông và nhật triều với biên độ khoảng 0,8 m ở vịnh Thái Lan.  Do đó, cho đến nay, vẫn chưa có một giải đáp nào chính xác cho thủy chế của hệ thống sông ngòi trong vùng ĐBSCL, kể cả giải đáp của Mô hình Toán Sogreah và Mô hình Triều Hòa Lan.

 

            Ngoài ra, cũng cần nói đến một đặc điểm nổi bật khác của sông Cửu Long, đó là biển Hồ ở Kampuchia.  Đây là một vùng trũng rộng lớn nhất của châu thổ sông Mekong, có tác dụng như một hồ chứa nước thiên nhiên, giúp điều hòa lưu lượng sông Cửu Long, và làm cho những mùa nước hàng năm có những đặc tính như vừa kể trên.

 

CÔNG TÁC THỦY LỢI Ở ĐBSCL TRONG 4 NĂM QUA

 

            Khoảng cuối năm 1975, một số chuyên viên thủy lợi ưu tú ở miền Bắc được tập họp thành các “Đoàn Quy hoạch Thủy lợi” có nhiệm vụ khảo sát, nghiên cứu, và thiết lập kế hoạch để khai thác tiềm năng thủy lợi ở miền Nam.  Trong số đó có Đoàn Quy hoạch Thủy lợi ĐBSCL, thường được gọi tắt là Đoàn Quy hoạch Cửu Long (ĐQHCL).

 

            Để “thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị to lớn trên giao,” ĐQHCL được sử dụng trọn vẹn phương tiện của các cơ quan phụ trách thủy lợi ở miền Nam trước kia như Ủy ban Quốc gia Thủy lợi, Ủy ban Quốc gia sông Cửu Long, Tổng nha Thủy nông,... gồm cơ sở, phương tiện làm việc, và “nhân viên mới giải phóng.”  Dưới sự “chỉ đạo sát sao” của các cán bộ trong ĐQHCL, số “nhân viên mới giải phóng” nầy có nhiệm vụ phiên dịch tất cả các tài liệu viết bằng ngoại ngữ (Anh và Pháp) – dĩ nhiên là theo “đề nghị” – sang Việt ngữ để các cán bộ trong ĐQHCL đọc và nghiên cứu (Lý do phải phiên dịch là vì các cán bộ trong ĐQHCL “không quen” đọc tiếng nước ngoài!!!).  Các tài liệu nầy gồm những tài liệu căn bản liên quan tới ĐBSCL như Indicative Basin Plan của Ủy ban Quốc tế Mekong, bộ phúc trình nghiên cứu châu thổ sông Cửu Long của Hòa Lan, phúc trình nghiên cứu của Development and Resources (Hoa Kỳ) ... và các phúc trình tổng kết của Nippon Koei (Nhật Bản) và ADC (Đại Hàn) về các dự án tiền phong Tiếp Nhựt, Cái Sắn, Gò Công, và Tân An do Ủy ban Quốc tế Mekong đề nghị.  Những dự án nào có quá nhiều tài liệu, “nhân viên mới giải phóng” được “phân công” đọc, tổng hợp, và tóm tắt trong một bài viết bằng tiếng Việt để trình “trên.”

 

            Chỉ hơn một năm sau, “Quy hoạch Sơ bộ ĐBSCL (QHSB ĐBSCL)” được hình thành với một tầm vóc quốc tế để xứng danh với tính cách quốc tế của nó; bởi vì trong đó, chúng ta nhận ra được những sắc thái đặc biệt của Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Đài Loan, Đại Hàn,... bên cạnh những “món gia vị Việt Nam” do “đầu bếp ta” cho vào (Xin lỗi người đọc, vì người viết không còn cách nào khác để diễn tả cho đúng “ý kiến phát biểu” của một chuyên viên kỹ thuật trong ĐQHCL khi ví công tác quy hoạch như  “làm một món đồ xào,” và dĩ nhiên là xào... thập cẩm).  Và vẫn theo lời của các “đồng chí Thủy lợi,” QHSB ĐBSCL nầy sẽ chẳng bao giờ trở thành một final plan vì phải thay đổi luôn luôn cho sát với...thực tế.  Vâng đúng thế, duy vật biện chứng mà!  Có một chi tiết rất quan trọng trong QHSB ĐBSCL cần phải nói, đó là vấn đề sử dụng nước sông Cửu Long để dẫn tưới.  Trong số các “phương án” (alternative), có một “phương án” dự trù bơm 4.000 m3/sec để tưới ruộng trong mùa khô.  Về điểm nầy, người viết không có “ý kiến,” nhưng xin “báo cáo với cán bộ” rằng, chuyện nầy là chuyện không tưởng vì không thể nào dùng hết lưu lượng kiệt của sông (Lưu lượng kiệt của sông Cửu Long vào khoảng 4.200 m3/sec).  Nếu “trên đã ra nghị quyết” rồi đi chăng nữa, thì nước mặn của biển Đông và vịnh Thái Lan cũng sẽ không bao giờ...”nhất trí.”

Hình 3. Mẩu nhà nổi tại DBSCL.

                                                                                       Về mặt thực hiện các công trình thủy lợi, phải công nhận rằng trong 4 năm qua, một khối lượng công trình to lớn đã được thực hiện.  Khối lượng công trình nầy gấp mấy lần nhiều hơn những gì đã được thực hiện từ trước.  Thật vậy, riêng ĐBSCL, “khối lượng đất được đào đấp đã lên đến con số chục triệu m3; hàng trăm đập, cống ngăn mặn; hàng trăm cây số đê ngăn mặn, đê ngăn lũ; hàng chục trạm bơm điện; hàng trăm cây số kinh đào lớn nhỏ...”  Hầu hết các công trình nầy là do “nhân dân đóng góp” và gần như  trải rộng khắp ĐBSCL.  Số lượng công trình nhiều đến nổi “tôi không rõ số lượng là bao nhiêu, quy mô như thế nào và vị trí của nó nằm ở đâu để mà báo cáo với các anh chị.” (Người viết xin trích một câu nói của Thứ trưởng Bộ Thủy lợi phụ trách Kế hoạch trong một buổi họp mặt với cái gọi là “cán bộ kỹ thuật miền Nam.”  Trong buổi họp nầy, “đồng chí Thứ trưởng” đã phát biểu một cách thật “kế hoạch” như trên để mô tả thành tích 30 năm làm Thủy lợi ở miền Bắc.  Và dĩ nhiên, miền Nam cũng phải đi theo con đường của miền Bắc.)

 

            Số lượng công trình nầy đã đáp ứng một cách nguyên tắc, nhưng bất cần ảnh hưởng, những vấn đề căn bản của ĐBSCL: “dọc theo duyên hải và dọc theo sông ở hạ lưu thường bị nước mặn xâm nhập, ta đấp đê, xây đập hoặc cống ngăn mặn; dọc theo hai bờ sông Cửu Long, nơi nước lụt chảy tràn bờ, ta đấp đê ngăn lũ, xây các công trình lấy nước; nơi nào không có nước ngọt để thâm canh tăng vụ, ta đào kinh dẫn nước của sông Cửu Long vào, nếu nước không tự chảy, ta xây dựng trạm bơm điện; nơi nào bị úng, ta thực hiện các công trình tiêu úng, chống úng.”  Nhưng về thứ tự thực hiện cũng như kế hoạch thực hiện thì lại là một con số... âm (Không được là số 0 vì nó chẳng những không có tác dụng mà còn gây tác hại; do đó, dân chúng ĐBSCL vẫn thường hay mỉa mai là làm “thủy hại.”)

 

Thí dụ như vấn đề ngăn mặn; nếu không thể thực hiện được cùng một lúc, thì các công trình ngăn mặn phải được thực hiện sau khi đã hoàn tất các công trình dẫn tưới.  Nhưng vì “khả năng nhất định” và cũng vì công trình dẫn tưới quá lớn lao không thể thực hiện được, nên “ta” đã “lao ngay” vào các công trình ngăn mặn có vẻ ăn chắc hơn, nhưng kết quả là... bi đát!  Điển hình là cống ngăn mặn Kỳ Son ở tỉnh Long An.  Sau khi “thực hiện thắng lợi và đưa vào sử dụng,” nó chỉ hoạt động được nửa mùa nắng rồi “chấm dứt công tác” vì tất cả nước trong rạch Kỳ Son đều cạn.  Cạn đến độ dân chúng trong vùng không có nước để dùng hàng ngày; đã vậy, phèn “nổi” lên làm cho tôm cá chết sạch không còn một con (Một nông dân trong vùng đã ví tác hại của cống nầy còn độc hơn thuốc khai quang; vì ít ra, thuốc khai quang cũng không giết hết cá như cống Kỳ Son).  Dân chúng trong vùng đã kéo nhau lên Tỉnh Ủy để “đạo đạt nguyện vọng” mở cống, và kết quả là dân chúng lại có... nước mặn để xài như trước khi có cống Kỳ Son.  Có nhiều nơi ở Gò Công, các cửa kinh rạch được bít kín bằng các đập đất để ngăn mặn; nước không lưu thông được nên nồng độ phèn tích trử càng ngày càng cao, làm cho tôm cá và ngay cả cây cối cũng phải chết.  Sau cùng, thì các đập nầy được “nhân dân ta giải phóng.”  Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở đập Ông Nhiêu, đập sông Tắc ở Thủ Đức và những nơi nào mà “phong trào quần chúng làm thủy lợi dâng cao nhất.”

                           Hình 4. Di chuyển bằng ghe.

Việc đào kinh để “đưa nước về ruộng”
thì rất “phong phú” vì hoàn toàn do “sáng tạo của từng địa phương.”  Điều đó có nghĩa là mạnh Ấp, Ấp làm; mạnh Xã, Xã làm; mạnh Huyện, Huyện làm; mạnh Tỉnh, Tỉnh làm; và mạnh Trung ương, Trung ương làm; vì mỗi mơi có công trình riêng của mình.  Nhưng hầu hết là việc nới rộng hoặc vét sâu các kinh rạch hiện có và đào thêm kinh mới.  Còn các “công trình đầu mối” như các công trình điều hòa lưu lượng thì chưa thực hiện được vì “nước mình còn nghèo” mà nhân dân thì chỉ có hai bàn tay thôi, thì làm sao thực hiện nổi hệ thống thoát nước với những kinh đào và trạm bơm có lưu lượng cao; mặc dù QHSB ĐBSCL đã “khẳng định” rằng phải tách rời “hệ thống tưới tiêu riêng biệt” chứ không “kết hợp” như khuyến cáo của Hòa Lan.

 

 Về trình tự xây cất, một công trình kiến trúc nói chung và công trình thủy lợi nói riêng, thường phải qua một số giai đoạn trước khi khởi công.  Quan trọng nhất là việc thiết lập hồ sơ kỹ thuật, mà danh từ hiện nay gọi là “thiết kế.”  Nhưng ở Việt Nam hiện nay, “ta đang xây dựng chủ nghĩa vừa xây dựng vừa thiết kế” (có nghĩa là không cần đợi hoàn tất hồ sơ kỹ thuật mà thiết kế đến đâu thì “thi công” đến đấy) và “tiến lên chủ nghĩa vừa quy hoạch vừa xây dựng” (có nghĩa là trong lúc thiết lập kế hoạch thì cũng bắt đầu xây dựng các công trình của kế hoạch nầy).  Và đây chính là cái đang được làm ở ĐBSCL hiện nay.  Rất tiếc, người viết không có cơ hội theo dỏi mức độ thành công của “sự nghiệp xây dựng các chủ nghĩa” nầy, tuy nhiên người viết xin cống hiến hai câu chuyện sau đây để người đọc có thể tự thẩm định.

 

Câu chuyện thứ nhất là công trình đập Mỹ Thanh ở Sóc Trăng.  Đây là một công trình quan trọng của dự án Tiếp Nhựt đã được hãng kỹ sư cố vấn Nippon Koei của Nhật Bản thiết lập hồ sơ kỹ thuật và đã được Ngân hàng Phát triển Á châu tài trợ.  Sau khi tiếp thu, đập Mỹ Thanh đã được thiết kế lại cho “phù hợp với đường lối phát triển xã hội chủ nghĩa” (vì tư bản thiết kế to lớn và chắc chắn quá!) và giao cho “Công ty Công trình 4-3,” thối thân của Công ty Việt Nam Kỹ thuật và Xây cất (VECCO)  Khu Cần Thơ, thực hiện song song với với công tác thiết kế.  Kết quả tính đến đầu năm 1979, Công ty Công trình 4-3 đã ký hợp đồng cung cấp cho cơ quan bạn số cừ bê tông cốt sắt tiền chế đã được đúc cho phần nền móng của... đập Mỹ Thanh.

 

Câu chuyện thứ nhì là hệ thống đê ngăn mặn Bình Chánh tỉnh Gia Định, nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh.  Vì thiếu “cán bộ kỹ thuật” nên huyện Bình Chánh đã ký hợp đồng với Trường Bách khoa Phú Thọ (Trường Cao đẳng Công chánh trước kia) để nghiên cứu, khảo sát và thiết lập hồ sơ kỹ thuật.  Trường đã cử ngay một số “giáo viên” mà hầu hết là “giáo viên mới giải phóng” cùng với sinh viên ngành Thủy lợi của Trường xuống nghiên cứu, đo đạc tại chổ, thu thập tài liệu, rồi sau đó, trở về Trường để thực hiện hồ sơ kỹ thuật.  Sau một thời gian, công việc sắp hoàn tất, Trường nhận được một “bức điện” của huyện Bình Chánh “báo cáo” rằng: “Tuyến đê đã được thực hiện thắng lợi.”

 

VÀI NÉT VỀ TRẬN LỤT 1978 VÀ CÁC BIỆN PHÁP “CHỐNG LŨ LỤT”

 

            Lụt của sông Cửu Long có nhiều nét đặc biệt, thế mà trận lụt 1978 còn đặc biệt hơn.  Mặc dù mực nước sông tại Tân Châu và Châu Đốc chưa vượt quá mức báo nguy, mùa nước nổi 1978 đã trở thành một trận... “hồng thủy.”  So với các trận lụt 1961 và 1966, diện tích ngập trải rộng hơn, thời gian ngập kéo dài hơn; và đặc biệt, những vùng chỉ ngập cạn trong các trận lụt trước thì bị ngập sâu trong trận lụt 1978, còn những vùng ngập sâu như Đồng Tháp Mười, Mộc Hóa,... thì lại ngập cạn hơn so với trận lụt năm 1961 và 1966.

 

            Khoảng đầu tháng 7, “Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị phòng chống lũ lụt cho cả nước,”  Đến tháng 9 thì nước sông Cửu Long bắt đầu dâng cao, tràn lan, rồi lên đến “đỉnh cao” vào tháng 10.  Trong khoảng thời gian ngập lụt, người viết có dịp “tham quan hiện trường” trên đoạn đường Sài Gòn – Cần Thơ.  Nước lụt phủ kín cả đồng bằng bao la như mặt biển.  Mực nước lụt mấp mé mặt Quốc lộ 4 từ Gò Đen cho đến Cần Thơ, và nhiều nơi cao hơn mặt lộ khoảng 40-50 cm.  Nặng nhất là đoạn Cái Bè – Cai Lậy.  Nhiều trục lộ giao thông bị gián đoạn vì mặt lộ hoàn toàn bị ngập, thí dụ như đoạn đường từ Quốc lộ 4 vào Thủ Thừa.  Chung quanh thị xã Tân An, nước ngập sâu hơn các trận lụt 1961 và 1966 từ 50 đến 60 cm.  Hương lộ 8, Tỉnh lộ 20, và Tỉnh lộ 21 nối liền Tân An với Kỳ Son, Tầm Vu, và Bến Tranh đã bị ngập đến độ xe cộ không thể lưu thông được cả tháng trời; điều nầy chưa hề xảy ra ngay cả trong hai trận lụt 1961 và 1966.

 

            Nước lụt ở vùng Trung Lương, Cai Lậy, Cái Bè, và Mỹ Thuận không do nước trong sông Tiền tràn vào, mà lại do nước từ Đồng Tháp Mười đổ ra.  Tại Cần Thơ, mực nước cao nhất của sông Hậu là +2,09 m, tức thấp hơn mực nước cao nhất trong trận lụt 1966 là+2,18 m.  Như vậy, trận lụt 1978 rõ ràng là một trận lụt lớn ở “nội đồng” và chỉ là một mùa nước nổi thông thường ở vùng ven sông.  Và mãi đến đầu tháng 1 năm 1979, nước lụt mới thực sự rút hết.

                                     Hình 5. Cảnh lụt.

            Để “chống” lại trận lụt 1978, “chính
quyền địa phương với sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương” mở hai mặt trận chính: mặt trận chính trị và mặt trận thủy lợi (Chính trị luôn luôn là mục tiêu hàng đầu trong mọi vấn đề).  Về mặt chính trị, ở một vài nơi, “nhân dân ta đã được học tập” rằng nguyên nhân của trận lụt là do “bọn phản động” ra lệnh đóng cửa đập biển Hồ (?) để cho bao nhiêu nước của sông Mekong đổ dồn hết xuống Việt Nam với hai mục tiêu.  Thứ nhất, gây khó khăn cho “ta” trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Nam, mà đặc biệt là ở ĐBSCL, vốn đã có quá nhiều khó khăn.  Thứ nhì, “chống” lại Việt Nam theo lệnh của “bá quyền khu vực” bằng một thứ vũ khí khác ngoài súng đạn. (Về đập biển Hồ, tính cho đến ngày 17/4/1975, nó cũng vẫn còn là một dự án được Ủy ban Quốc tế Mekong đề nghị và đã được một hãng kỹ sư cố vấn của Ấn Độ nghiên cứu dưới cái tên “Dự án Tonle Sap,” và dĩ nhiên là chưa được thực hiện).  Về mặt thủy lợi, điểm lo gần và trực tiếp, thì lại là “sự nghiệp của quần chúng nhân dân” vì phải có “sự đóng góp của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng” thì mới thực hiện nỗi.  Thật vậy, trước mùa nước 1978 và trong lúc chiến trường biên giới đang sôi động, một dự án được gọi là “Tuyến đường Biên giới” được bắt đầu thực hiện.  Tuyến đường nầy chạy dọc theo biên giới Việt Miên từ Hồng Ngự cho đến Mộc Hóa với hai mục đích: một con đường chiến lược quân sự và một con đê ngăn nước lũ sông Mekong  tràn qua Đồng Tháp Mười.  Dự án gồm một kinh đào chạy song song với một trục lộ giao thông mà cũng là đê ngăn lũ, được đấp bằng đất đào từ lòng kinh.  Hầu như  tất cả các công tác đều được thực hiện bằng “thủ công” do các tỉnh ở ĐBSCL cung cấp.  Khi bắt đầu thực hiện, hàng ngày có cả trăm ngàn người trên công trường; tuy nhiên, vì “địch” quấy phá cho nên Tuyến đường Biên giới “chưa kịp hoàn thành và đưa vào sử dụng” trước mùa lụt 1978.

 

            Khi nước dâng cao, “nhân dân ta” lại tiếp tục có việc làm.  Từng đoàn dân công (phải tự túc phương tiện di chuyển, lương thực, và thực phẩm) lại ra sức đào vét các kinh rạch, khai thông các đường thoát nước, và ở nhiều nơi “giải phóng” luôn các đập, đê ngăn mặn do chính tay mình mới vừa “thực hiện thắng lợi” trong mùa khô vừa qua.  Nhưng mọi việc đã quá muộn màng!

 

            Ở những vùng đất tương đối cao, “ta đấp bờ, khoanh vùng để cứu lúa,” nhưng có lẽ chỉ có một nơi thành công, đó là ở Cái Bè.  Và người thành công là một nông dân giàu có và giàu phương tiện (riêng).  Nông dân nầy có một miếng vườn khoảng một mẫu bên cạnh Quốc lộ 4.  Trong mùa lụt, ông ta đã đấp một bờ đê chung quanh để ngăn không cho nước tràn vào miếng vườn đã được ông trồng toàn nhiều loại cây ăn trái quý giá.  Để giải quyết số nước “rò rỉ,” ông thiết trí hai máy bơm để thay phiên nhau chạy trong suốt mùa lụt, và kết quả là mẫu vườn của ông như một ốc đảo xanh tươi giữa một sa mạc trắng xóa.

 

            Có một điểm thành công, nhưng “chưa được trọn vẹn,” vì chỉ thành công trên một mặt thôi, còn ở mặt khác thì gây tác hại: đó là bờ ngăn nước tràn qua Quốc lộ 4.  Như đã trình bày ở trên, ở những nơi mực nước cao hơn mặt lộ, “nhân dân ta” đã đấp một con lương cao hơn mặt nước khoảng 20-30 cm để cho nước lụt không tràn qua lộ.  Con lương nầy nằm bên phải Quốc lộ 4 nếu đi từ Sài Gòn xuống miền Tây, vì nước chảy từ phải sang trái.  Nhờ con lương nầy mà ngay trong mùa lụt, xe cộ vẫn lưu thông một cách dễ dàng trên quốc lộ và giúp giảm thiểu thiệt hại cho con đường huyết mạch nầy.  Nhưng cũng chính con lương nầy đã trì hoãn thời gian ngập vì ngăn chận bớt lối thoát của nước lụt và làm cho nước lụt dâng cao hơn do hiện tượng nước dội (backwater).

 

NHẬN XÉT VỀ TRẬN LỤT 1978

 

            Qua những phần trình bày ở trên, chúng ta đã thấy được những nét đại cương về địa thế và hệ thống sông ngòi của vùng ĐBSCL, cơ chế thủy học của sông Cửu Long, và các đặc điểm của các trận lụt trong vùng ĐBSCL nói chung và trận lụt 1978 nói riêng, những công tác thủy lợi đã được thực hiện cũng như các biện pháp đối phó với nước lũ trong mùa nước 1978.  Dựa vào những yếu tố đó, chúng ta có thể có những nhận xét sau đây:

 

1.                   Trận lụt 1978 không phải là một trận lụt, mà chỉ là một mùa nước nổi thông thường.

 

Dựa theo những dữ kiện đo đạc từ trước, Nha Thủy vận đã ấn định các mực nước để  diễn tả mức độ đe dọa của nước sông Cửu Long và làm mốc cho việc tiên đoán và thông báo tin tức về mực nước lụt trong sông Cửu Long.  Trong số đó, mực nước tại Tân Châu và Châu Đốc là quan trọng nhất [Tân Châu và Châu Đốc là hai thị trấn nằm sát biên giới Việt Miên trên sông Tiền và sông Hậu].  Tại mỗi nơi có hai mực nước: mực nước báo động và mực nước báo nguy.  Tại Tân Châu, mực nước báo động là +4,80 m và mực nước báo nguy là +5,20 m so với mặt nước biển trung bình.  Tại Châu Đốc, mực nước báo động là +4,30 m và mực nước báo nguy là +4,70 m so với mặt nước biển trung bình.  Chính vì sự hợp lý của các mực nước nầy mà Ủy ban Quốc tế Mekong đã dùng làm mốc cho việc phân loại các mùa nước ở ĐBSCL.  Theo cách phân loại nầy, nếu mực nước cao nhất trong năm của sông Cửu Long thấp hơn mực nước báo động thì mùa nước năm đó được gọi là hạn.  Nếu mực nước cao nhất trong năm của sông Cửu Long cao hơn mực nước báo động nhưng thấp hơn mực nước báo nguy, mùa nước năm đó được gọi là mùa nước nổi.  Và nếu mực nước cao nhất trong năm của sông Cửu Long cao hơn mực nước báo nguy thì mùa nước năm đó gọi là lụt.  Do đó, theo cách phân loại nầy, mùa nước năm 1978 chỉ là một mùa nước nổi thông thường vì mực nước cao nhất trong năm 1978 tại Châu Đốc đo được +4.68 m.

                Hình 6. Biển hồ trong mùa nước nổi.

2.                   Một trong những nguyên nhân của trận
lụt 1978 là các công trình thủy lợi thực hiện trong 4 năm qua.

 

Như chúng ta đã biết, từ xưa, ĐBSCL đã
được nghiên cứu rất nhiều và rất chi tiết bởi nhiều chuyên viên, cơ quan, đoàn nghiên cứu có rất nhiều kinh nghiệm về châu thổ của Việt Nam, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, và Hòa Lan.  Nhiều giải pháp đã được đưa ra, nhiều khuyến cáo được đề nghị; nhưng mãi cho đến năm 1975, ngoài vấn đề an ninh, hầu như  chưa có một dự án qui mô nào được thực hiện vì tầm mức phức tạp của cả đồng bằng mà ảnh hưởng của nó khó có thể lường trước được, mặc dù việc nghiên cứu đã được thực hiện trên mô hình.  Do đó, vấn đề phát triển toàn bộ vùng ĐBSCL vẫn còn trong vòng nghiên cứu.  Sự dè dặt cần phải có nầy rất hợp lý và rất đúng, nó lại càng đúng hơn bao giờ sau mùa lụt 1978.

 

Với những người có trách nhiệm hiện nay thì khác.  Với tính cao ngạo, tự cho mình là trung tâm của vũ trụ, là “tiến bộ nhất loài người,” cộng với “men say” chưa tan hết; họ bất cần tất cả những ảnh hưởng của sai lầm kỹ thuật.  QHSB ĐBSCL chỉ là “một món đồ xào” thì làm sao có việc nghiên cứu ảnh hưởng, lợi hại (mà muốn nghiên cứu cũng chưa chắc đã đủ sức).  Đã vậy, việc thực hiện công trình lại tràn lan, muốn làm sao thì làm, làm một cách vô tội vạ; nói theo danh từ hiện nay là “làm một cách vô tổ chức.”  Chính những công trình thủy lợi nầy đã làm mất đi sự cân bằng trong cơ chế thủy học tự nhiên của ĐBSCL; thế mà không kiểm soát được chế độ chảy của toàn bộ hệ thống thủy đạo trong đồng bằng, nên nước lụt đã chảy... tự do.

Chính hàng trăm câysố kinh dẫn nước mà khởi điểm tự nhiên của nó (có nghĩa là không có một công trình điều hòa lưu lượng ở đầu kinh) là sông Cửu Long hoặc những kinh lớn ăn thông với sông Cửu Long, từ Mỹ Thuận cho đến Hồng Ngự, là những con đường dẫn nước lụt tiện lợi nhất làm ngập vùng nội đồng giữa sông Tiền và sông Vàm Cỏ.  Điều nầy được chứng minh qua chiều chảy của nước lụt, bởi vì tất cả số lượng nước ngập đều chảy từ phía Đồng Tháp Mười trong khi số nước tràn bờ qua biên giới Việt Miên chỉ chiếm một tỉ lệ rất ít so với lượng nước của sông Cửu Long trong mùa nước nổi thông thường.

Số lượng nước nầy, đáng lý ra được thoát đi bằng cách
đổ trở lại sông Tiền hoặc đổ ra sông Vàm Cỏ ở hạ lưu, đã bị ngăn chận bởi chính hệ thống đê ngăn lũ ở phía trên và hệ thống đê, đập ngăn mặn ở phía dưới.  Thế là ước mơ của “những người làm Thủy lợi” đã được thực hiện: nước ngọt đã tràn ngập nội đồng.  Với lập luận nầy, chúng ta có thể đoán được rằng, chiều sâu nước ngập ở vùng hạ lưu bao nhiêu thì chiều cao của hệ thống đê, đập ngăn mặn cũng cao ngần ấy.

 

3.                   Nếu không có những biện pháp cải thiện tình trạng hiện tại và
vẫn tiếp tục “sự nghiệp làm thủy lợi” như trong thời gian qua, lụt năm 1978 chắc chắn sẽ còn tái diễn thường xuyên trong tương lai.       
Hình 7. DBSCL nhìn tử vệ tinh

 

Như đã nói ở trên, thế cân bằng trong cơ chế thủy học của ĐBSCL đã bị phá vỡ và sự xáo trộn sẽ càng ngày càng tăng nếu “phong trào thủy lợi” vẫn được tiếp tục một cách “vô tổ chức” như trong thời gian vừa qua.  Vì thế, vấn đề căn bản là phải tái lập sự cân bằng đã có từ trước bằng những biện pháp sau đây:

 

a.       Tạm ngưng “phong trào quần chúng làm thủy lợi,”

 

b.       “Giải phóng” các đập, đê, cống ngăn mặn nếu chưa có khả năng thực hiện xong một hệ thống kinh dẫn tưới và một hệ thống thoát nước với các trạm bơm có lưu lượng cao một cách “hoàn chỉnh,”

 

c.       Thực hiện những “công trình đầu mối” để điều hòa lưu lượng trong hệ thống kinh dẫn tưới đã “thực hiện thắng lợi,”

 

d.       “Quy hoạch” lại ĐBSCL dựa theo những khuyến cáo đã được nghiên cứu cẩn thận.  Nếu không, cũng phải nghiên cứu ảnh hưởng của từng dự án trên toàn bộ vùng châu thổ, và dĩ nhiên, phải “làm ăn nghiêm chỉnh,”

 

e.       Sau cùng là thực hiện công trình “từng bước” và “một cách có kế hoạch.”

 

PHẦN KẾT LUẬN

 

            Mặc dù con số ước tính thiệt hại của trận lụt 1978 không được công bố (vì đây là bí mật quốc phòng, mà nếu có bị thiệt hại đi chăng nữa, “ta” vẫn nói là không để địch không biết đâu mà... rờ!), chắc chắn, nó phải cao hơn con số của năm 1961 gấp nhiều lần, mà nặng nhất lại là những vùng ít bị ảnh hưởng nhất trong những trận lụt trước.  Trận lụt 1978 có thể ví như những trận lụt của Thủy Tinh trong chuyện thần thoại Việt Nam.  Mặc dù những người có trách nhiệm phát triển vùng ĐBSCL hiện nay không đề cập đến, họ cũng đã thú nhận một cách gián tiếp sự thất bại của mình qua hai việc: một là yêu cầu Liên hiệp quốc và thế giới đóng góp vào việc “khắc phục hậu quả của lũ lụt,” hai là “bằng lòng” để cho Ủy ban Quốc tế Mekong tiên đoán trở lại, ngay trong mùa lụt 1978, mực nước lụt của sông Cửu Long (Công tác tiên đoán mực nước lụt của sông Cửu Long đã bị gián đoạn từ năm 1975 mặc cho lời yêu cầu khẩn thiết của Ủy ban Quốc tế Mekong).  Về điểm thứ nhất, “nhân dân ta” có ngay bột mì của Canada và sữa bột của Thị trường chung Âu châu.  Còn điểm thứ nhì thì hoàn toàn không có gì cả; vì tuy nhờ vã, “ta” vẫn “khẳng định” rằng Ủy ban Quốc tế Mekong chỉ là một cơ quan tình báo của “đế quốc” và đã không cung cấp (hoặc cung cấp những con số không chính xác) những dữ kiện quan trọng cho việc tiên đoán như mực nước và lượng mưa tại một số nơi trong ĐBSCL như Tân Châu, Châu Đốc, Mộc Hóa, Cao Lãnh, Cần Thơ,...  Thế là Ủy ban Quốc tế Mekong ở Bangkok đành bó tay.

                         Hình 8. Đồng Tháp ngập nước.

            Với những đau khổ vốn đã chồng chất
lại càng chồng chất thêm, đồng bào trong nước nói chung và đồng bào trong vùng ĐBSCL nói riêng đang khẩn thiết trông chờ những người Việt có khả năng và nhiệt tình ở hải ngoại nói lên tiếng nói uất nghẹn của mình trước dư luận.  Những tiếng nói nầy sẽ giúp cho đồng bào ly hương cũng như nhân dân yêu chuộng tự do trên thế giới nhận thấy những ảnh hưởng tai hại đang xảy ra ở ĐBSCL; từ đó, có thể tạo “áp lực” để những người có trách nhiệm trong công tác phát triển ĐBSCL “làm đúng hơn và nghiêm chỉnh hơn.”  Có như vậy, đồng bào ở quê nhà mới có thể bớt đi phần nào thống khổ, và nhân dân thế giới có thể bớt đi gánh nặng... cứu trợ nhân đạo.  Trớ trêu thay, trong lúc nầy, một biện pháp khả dĩ có “áp lực” một cách hiệu quả, và có lẽ chỉ một thôi, đó là... Đô la Mỹ.  Còn trong tương lai và tương lai thật gần, nếu Việt Nam có 50 triệu dân, thì hơn 49 triệu người đang mỏi mòn trông đợi một... Sơn Tinh.

 

PHỤ CHÚ CỦA TÁC GIẢ

 

1. Kinh nghiệm về việc phát triển ĐBSCL, nhất là việc đào kinh thiếu nghiên cứu cẩn thận và chính xác, đã được trình bày trong các biên khảo hoặc khảo cứu ở miền Nam từ lâu.

 

            Ông Nguyễn Hiến Lê, một học giả và chuyên viên Thủy lợi, trong biên khảo “7 ngày trong Đồng Tháp Mười” viết năm 1954 sau một chuyến công tác vùng Đồng Tháp Mười, đã viết: “Trên các kinh rạch đồng Tháp, sở Thủy-Lợi cho cắm hơn 20 cây đo nước, mỗi cây giao cho một người giữ.  Bổn phận của họ là cứ mười lăm, hai mươi phút hoặc nửa giờ, một giờ một lần, đọc mực nước trong kinh rạch ở trên thước rồi ghi vào một tờ giấy.  Công việc ấy rất cần cho sự đào kinh.  Chẳng hạn muốn đào một con kinh từ A đến B và muốn cho nước kinh chảy từ A đến B thì mực nước ở A luôn-luôn phải cao hơn ở B.  Nếu không đo trước mực nước, đào bậy-bạ, gặp một chỗ mực nước cao hơn A, thì nước sẽ chảy dồn cả về A và đáng lẽ phải tháo nước ở A đi thì ta lại làm cho A ngập nữa, nguy hại đến chừng nào” (trang 30).

 

            Nhà văn Sơn Nam, khi đề cập đến công tác đào kinh trong vùng Cần Thơ vào đầu thế kỷ 20 trong khảo cứu “Lịch sử khẩn hoang miền Nam” được nhà xuất bản Xuân Thu tái bản tại Hoa Kỳ (không có ghi ngày tháng), đã viết: “Chuyên viên thủy nông nghiên cứu không chánh xác.  Lắm vùng đất làm ruộng được, nhưng bỗng nhiên lại trở thành đất thấp, bị ngập lụt triền miên chỉ vì ảnh hưởng của mấy con kinh đào lân cận” (trang 284).  Ông cũng cho biết trong quyển “Đồng bằng sông Cửu Long hay là văn minh miệt vườn,” cũng do nhà xuất bản Xuân Thu tái bản tại Hoa Kỳ (không có ghi ngày tháng), là “... người Pháp nhìn nhận vài khuyết điểm trong việc đào kinh... không nghiên cứu kỹ lưỡng mực nước hàng năm khi sông Hậu tràn bờ, hoặc mức xâm lấn của nước biển khi mùa nắng đến.  Nhiều vùng phì nhiêu, có năng xuất cao về lúa bỗng nhiên trở thành vùng khó canh tác khi kinh xáng đào ngang qua, đem thêm quá nhiều nước hoặc rút bớt nước” (trang 159).

 

2. Nếu tin tức và các con số đăng tải trên báo chí trong nước tương đối chính xác; quả thật, những trận lụt tương tự như trận lụt 1978 đang xảy ra một cách thường xuyên ở ĐBSCL.

 

Bài “Lũ lớn tại đồng bằng sông Cửu Long” đăng trong tờ Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh, Số 39 (306), Thứ Ba 8-10-1996 cho biết hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang bị ngập nặng.  “Mực nước ở ĐBSCL tiếp tục lên cao.  Đỉnh lũ tại Tân Châu (An Giang) lên đến 4,83 m.” Dựa theo cách phân loại lụt như đã trình bày, mực nước nầy chỉ cao hơn mực nước báo động +4,80 m ở Tân Châu chỉ có 0,03 m; do đó, mùa nước năm 1996 cũng chỉ là một mùa nước nổi thông thường mà thôi.

Hình 9. Lụt mang phù sa đến DBSCL.

                                                                                                 Bài “Tình trạng những con sông ở Việt Nam” của Lê Trọng Túc đăng trong báo Giáo dục và Thời đại, đọc được trên Internet (www.fpt.vn) trong Phần Tin tức Việt Nam ngày 08-01-1999 cho biết: “...từ đầu thập niên 90 đến nay, và suốt 3 năm từ các năm 1994 – 1995 – 1996 – 1997, đồng bằng sông Cửu Long liên tiếp bị lụt lớn gây thiệt hại nhiều về người và của.”  Tại sao ĐBSCL bị lụt lớn trong khi mực nước báo động đã được giảm từ 4,80 m xuống 4,10 m tại Tân Châu và từ 4,30 m xuống 3,60 m tại Châu Đốc? (Bài “Năm nay bão lụt ở Nam Bộ sẽ diễn biến như thế nào?” của Trung Phương đăng trong Phần Thời sự của báo Lao Động ngày Thứ Bảy 12-6-1999 đọc được trên Internet (www.laodong.com.vn)).  Hỏi tức là trả lời.

 

            3. Sau ba năm nghiên cứu, Quy Hoạch Lũ ĐBSCL (QHL ĐBSCL) đã được hoàn thành, thẩm định, và phê duyệt ngày 21-6-1999 bởi Phó Thủ tướng Chính phủ (Báo Tuổi Trẻ, Số 72/99 (2973) ngày Thứ Năm 24-6-1999).  QHL ĐBSCL có những điểm đáng chú ý vì nó có thể có những ảnh hưởng sâu xa trong việc phát triển ĐBSCL.  Những điểm đó như sau:

 

a.                   QHL ĐBSCL được hoàn thành “theo hướng sống chung với lũ... Như vậy các công trình thủy lợi chính phải thực hiện các tuyến: hạn chế lũ tràn qua biên giới, thoát lũ ra dòng chính và ra biển, tạo các cửa đầu mối tại đầu kênh nối với dòng chính để chủ động kiểm soát lượng nước vào đồng.” (Bài “Ngọt hóa đồng bằng sông Cửu Long - Hệ thống thủy lợi đang ngăn mặn hiệu quả” đăng trên Thời báo Kinh tế Việt Nam ngày Thứ Bảy 10-4-1999 đọc được trên Internet ([email protected]))

 

b.                   “Tuyến N1 dài 235 km đi dọc biên giới từ Đức Huệ Long An đến Hà Tiên, cao độ đường gắn với quy hoạch lũ.  Đường đã thông 3 đoạn trọng tâm: Đức Huệ – Mộc Hóa, Vĩnh Hưng – Tân Hồng, Châu Đốc – Hà Tiên...  Để sống chung với lũ, hình ảnh lý tưởng của ĐBSCL là các tuyến và cụm dân cư nổi trên mặt nước, nối với nhau bằng các con đường vượt lũ.” (Bài “Đường bộ đồng bằng sông Cửu Long – Giao thông nông thôn phối hợp phát triển” đăng trên Thời báo Kinh tế Việt Nam ngày Thứ Hai 10-5-1999 đọc được trên Internet ([email protected]))

 

c.                   Trong QHL ĐBSCL, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn “...đề xuất hai trường hợp nghiên cứu là kiểm soát lũ ở mức thấp và mức cao.  Phương án kiểm soát lũ ở mức thấp là vẫn cơ bản sống chung với lũ.  Vấn đề chủ yếu là xây dựng các công trình bảo vệ dân cư, tạo cuộc sống an lành, ổn định cho nhân dân, làm các đường giao thông huyết mạch vượt lũ 1961, tăng cường khả năng thoát lũ kết hợp dẫn nước tưới tiêu, ngăn mặn để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Vốn đầu tư cho phương án nầy khoảng 21.495 tỷ đồng.  Trường hợp thực hiện kiểm soát lũ ở mức cao, vốn đầu tư cần khoảng 21.871 tỷ đồng.” (Bài “Quy hoạch lũ ĐBSCL đã được thẩm định” đăng trên Sài Gòn Giải phóng ngày Thứ Hai 7-6-1999 đọc được trên Internet ([email protected]))  

 

Người viết hy vọng sẽ có dịp đề cập đến những điểm trong phần phụ chú nầy một cách chi tiết hơn trong thời gian sắp tới.

 

7/11/99