Ðài Radio Australia phỏng vấn Kỹ sư Nguyễn Minh Quang về Lũ Lụt ÐBSCL - Trường Giang thực hiện

Kính thưa quý vị, nhìn lại những năm trở lại đây và gần nhất là năm 2002 vừa qua, một trong những hiện tượng thời tiết nổi bật nhất tại Việt Nam phải nói đến là tình trạng lụt lội kéo dài ở đồng bằng sông Cửu Long, vấn nạn này đã gây nhiều thiệt hại nhân mạng và tiền của cho cư dân địa phương nói riêng và toàn quốc Việt Nam nói chung.
Để tìm hiểu lý do tại sao vùng đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên lụt lội vào những năm gần đây, chúng tôi đã phỏng vấn kỹ sư Nguyễn Minh Quang, một chuyên gia am tường về thủy lợi vùng sông nước Cửu Long.

Trước hết, xin được giới thiệu vắn tắt tiểu sử ông Nguyễn Minh Quang. Được biết, trước năm 1975, ông từng là kỹ sư công chánh trường Cao Đẳng Công Chánh, Trung Tâm Quốc Gia Kỹ Thuật Phú Thọ tại Sàigòn.
Năm 1972, ông làm việc tại Ủy Ban Quốc Gia Thủy Tính và sau đó là Ủy Ban Quốc Gia Thủy Lợi trực thuộc Bộ Công Chánh và Giao Thông của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Ở chức vụ này, kỹ sư Nguyễn Minh Quang phụ trách nghiên cứu các dự án thủy lợi và chương trình đo đạc thủy học tại đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 1985, ông tốt nghiệp Cao Học Thủy Lợi tại trường đại học
Nebraska, Hoa Kỳ. Sau đó, ông làm việc tại Sở Thủy Lợi quận Broward, tiểu bang Florida, Hoa Kỳ. Ông phụ trách các dự án cấp thủy và lượng định sự ô nhiễm của nước ngầm.
Năm 1990, ông làm việc trong công ty Stetson Engineers Inc., tại
West Covina, tiểu bang California, Hoa Kỳ, với nhiệm vụ thảo kế hoạch khai thác và phát triển lưu vực.

Mở đầu cuộc phỏng vấn qua điện thoại, kỹ sư Nguyễn Minh Quang đã trình bầy nguyên nhân lũ lụt thường xẩy ra tại vùng đồng bằng sông Cửu Long vào thời gian gần đây như sau ....

Kỹ Sư Nguyễn Minh Quang: Dạ thưa quý thính giả của đài và đặc biệt là quý thính giả ở trong nước, lũ lụt ở trong lưu vực sông
Mekong chịu ảnh hưởng của mưa do gió mùa tây-nam từ tháng Năm cho tới tháng Chín hằng năm. Riêng ở trung và hạ lưu bao gồm đồng bằng sông Cửu Long, lụt chịu ảnh hưởng trực tiếp của mưa trên triền phía tây của dẫy Trường Sơn trong lãnh thổ Lào.
Năm nào có nhiều trận mưa to đầu mùa xẩy ra liên tiếp thì hầu như năm đó có lụt, bởi vì các trận mưa này làm cho lưu vực hoàn toàn bị ướt sũng nên không còn khả năng hấp thu và giữ nước như trước. Do đó, nước mưa của các trận mưa tiếp theo tràn xuống hạ lưu nhiều hơn và nhanh hơn.
Ngoài yếu tố thời tiết như vừa kể, lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long còn chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc phát triển của những dự án thủy lợi và các công trình giao thông được thực hiện trong hơn hai thập niên vừa qua. Những yếu tố nhân tạo này có thể làm cho tình hình lụt nghiêm trọng hơn và cũng có khả năng gây lũ lụt như trường hợp trận lũ lụt năm 2002 vừa qua.

Trường Giang: Những năm gần đây như ông vừa nêu ra có những công trình như là công trình thủy lợi chẳng hạn, tại sao những công trình phát triển như vậy lại gây ra lũ lụt?

Kỹ Sư Nguyễn Minh Quang: Dạ thưa, việc gia tăng dân số và mở mang khai phá không phải là yếu tố dẫn đến lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long, nhưng nó có thể làm cho tình hình lũ lụt thêm nghiêm trọng.
Ảnh hưởng của việc phát triển của các dự án thủy lợi và của những công trình giao thông đối với tình hình lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long đã được nhận thấy trong trận lũ lụt năm 1978; nhưng vì chúng không được quan tâm đúng mức hoặc tệ hơn nữa bị coi thường cho nên ảnh hưởng của chúng càng ngày càng thêm nghiêm trọng như hiện nay, và nếu chính quyền không có giải pháp thích hợp, ảnh hưởng của chúng sẽ còn nghiêm trọng hơn trong tương lai.
Trong trận lũ lụt lịch sử năm 2000, tôi có dịp trình bầy các yếu tố khiến cho tình hình lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long thêm nghiêm trọng trong các buổi phỏng vấn của một số đài phát thanh, nhất là một số bài viết được đăng trên website của Mekong Info và của Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam. Quý thính giả có thể vào www.vast.vn.org để biết thêm chi tiết. Ở đây, tôi chỉ xin tóm tắt như sau ....
Như quý thính giả cũng đã biết, đồng bằng sông Cửu Long là một vùng đồng bằng thấp và có nhiều vùng trũng mà quan trọng nhất là vùng Đồng Tháp Mười và vùng trũng Rạch Giá, còn được gọi là khu tứ giác Long Xuyên. Các vùng trũng này được bao bọc bởi các vùng đất cao dọc theo sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Tây, bờ biển Đông và Vịnh Thái Lan.
Từ sau năm 1975, ngoài việc nạo vét và nới rộng các con kinh hiện có, một hệ thống kinh thủy lợi dầy đặc được đào xuyên qua vùng Đồng Tháp Mười, khu tứ giác Long Xuyên và một số vùng khác trên khắp đồng bằng sông Cửu Long. Có một số kinh nối với kinh bên
Cambodia, vì không có công trình đầu mối để kiểm soát lưu lượng, hệ thống kinh thủy lợi này biến thành những luồng lạch thuận lợi cho nước lũ từ Cambodia tràn vào các vùng trũng này dễ hơn, nhanh hơn và nhiều hơn.
Lượng nước lũ này thay vì được chảy trở lại sông Tiền, sông Hậu ở hạ lưu hoặc thoát ra Vịnh Thái Lan hoặc đổ vào sông Vàm Cỏ để thoát ra biển Đông thì bị ngăn chận bởi một hệ thống đường giao thông được xây mới hoặc được nâng cao hơn mực nước lụt năm 1961.
Sau khi tràn qua hệ thống đường giao thông này, nước lại bị ngăn chận một lần nữa bởi hệ thống đê đập cống được xây ở cuối đường thoát lũ thiên nhiên để ngăn chận sự xâm nhập của nước mặn.
Vì bị ngăn chận nên nước tích tụ lại khiến cho mực nước lụt dâng cao hơn. Vì cầu cống của hệ thống đường giao thông và đê đập cống ngăn mặn không đủ khẩu độ, nước phải mất nhiều thời gian hơn để thoát ra biển làm thời gian ngập lụt kéo dài hơn. Sau trận lụt 2000, chính quyền Việt
Nam tiếp tục đào thêm kinh, đắp thêm đê và nâng cao hệ thống đường giao thông cho cao hơn mực nước lụt năm 2000.
Lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long năm 2001 và năm 2002 chính là hậu quả trực tiếp hoặc gián tiếp của các dự án thủy lợi !!

Trường Giang: Như ông chắc cũng hiểu là thời gian gần đây ở Trung quốc, người ta xây dựng những đập nước ở trên thượng nguồn sông Cửu Long, những đập thủy điện này có tạo ra ảnh hưởng gì không, thưa ông?

Kỹ Sư Nguyễn Minh Quang: Dạ thưa, tôi có được nghe một số dư luận ở Việt Nam cũng như quốc tế quan tâm về ảnh hưởng có thể có của các đập thủy điện được xây trên dòng chính của sông Mekong ở Trung Hoa, gọi là Langcang Jang, với tình hình lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long.
Dạ thưa, quý thính giả, cách điều hành của các hồ chứa nước có mục đích thủy điện gần như ngược hẳn với cách điều hành của các hồ chứa nước có mục đích ngừa lụt. Do đó, nó không giúp được gì nhiều trong việc ngừa lụt mà ngược lại, trong nhiều trường hợp, các dự án thủy điện có thể làm cho tình hình lũ lụt thêm nghiêm trọng.
Thường thường các hồ chứa này được giữ càng đầy càng tốt; nhưng khi lưu lượng lũ chẩy vào hồ quá cao, chẳng những lưu lượng này phải được xả mà nước chứa ở trong hồ cũng được xả cùng một lúc để giữ cho mực nước ở mức an toàn, tránh gây thiệt hại cho đập nước. Kết quả là lưu lượng tăng lên, thay vì giảm xuống.
Thí dụ điển hình nhất là việc xả lũ trong hai ngày 6, và 7, tháng Giêng, năm 2003, để bảo đảm an toàn cho đập thủy điện Hòa Bình và gây nên lũ lụt ở hạ lưu, kể cả thành phố Hà Nội.
Trở lại các đập thủy điện trong lãnh thổ Trung Hoa, trong điều kiện thủy học bình thường, chúng sẽ không có ảnh hưởng đáng kể đối với tình hình lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long, bởi vì ba nguyên nhân: thứ nhất là các đập này ở rất xa, thứ nhì là sự điều tiết lưu lượng của Biển Hồ và thứ ba là mưa ở thượng lưu đến sớm hơn trong khoảng tháng Bảy và tháng Tám, và lưu lượng của sông Mekong ở Trung Hoa chỉ chiếm khoảng 16% lưu lượng sông Mekong ở Phnom Pênh mà thôi.
Điển hình là lụt trong hạ lưu sông
Mekong vẫn xẩy ra mặc dù cách đập thủy điện Manwan và Dachaoshan đã được xây cất và điều hành từ năm 1993 và năm 2000. Dữ kiện mực nước đăng tải trong website của Ủy Hội Sông Mekong trong năm 2002 cho thấy dường như có một đợt xả nước từ hồ chứa nước vào cuối tháng Mười Một làm cho mực nước tại trạm Chiang Saen ở Thái Lan dâng cao hơn 2 thước trong vòng 3 ngày.
Ảnh hưởng của đợt xả nước này được nhận thấy rõ rệt ở các trạm hạ nguồn như Luang Prabang và
Vientiane; nhưng giảm dần về phía hạ lưu. Ở trạm Mukdahan, mực nước chỉ dâng khoảng một thước. Ảnh hưởng của đợt xả nước này không còn nhận thấy, khi xuống đến trạm Phnom Pênh, Tân Châu và Châu Đốc.
Riêng cá nhân tôi thì tôi rất lo ngại và quan tâm đến các đập thủy điện trên lãnh thổ Lào bởi vì có khoảng 60 tới 80% lưu lượng lũ ở đồng bằng sông Cửu Long xuất phát từ vùng này. Các đập thủy điện trên lãnh thổ Lào chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến tình hình lụt ở đồng bằng sông Cửu Long.
Ảnh hưởng ra sao và ở mức độ nào, chúng ta cần phải có dữ kiện quan trắc căn bản thật đầy đủ và chính xác, trước khi các đập thủy điện này được xây cất và điều hành. Đây là một trong những công việc mà tôi nghĩ Ủy Hội Sông Mekong cần phải làm và làm càng sớm càng tốt.

Trường Giang: Vừa rồi ông có đề cập đến Biển Hồ ở Campuchia, như vậy là Biển Hồ ở Campuchia bây giờ mất tác dụng, không còn đủ sức chứa nước từ thượng nguồn đổ về hay sao?

Kỹ Sư Nguyễn Minh Quang: Dạ thưa, trong thời gian gần đây, có một vài bài viết trên báo chí ngoại quốc và Internet cho biết tình trạng suy đồi của Biển Hồ ở Cambodia mà quan trọng nhất là sự bồi lắng. Tình trạng bồi lắng làm cho hồ càng ngày càng cạn dần. Do đó, dung tích của hồ cũng càng ngày càng giảm.
Nếu dựa theo dữ kiện thủy học mà tôi có được, tôi không nghĩ là Biển Hồ đã mất tác dụng; nhưng tác dụng của nó chắc chắn bị suy giảm, nếu sự bồi lắng nghiêm trọng, thưa anh.

Trường Giang: Theo ông, nguyên nhân chính gây ra lụt liên tục những năm gần đây, nhất là hồi năm ngoái là do ảnh hưởng của thiên nhiên hay là do con người ?

Kỹ Sư Nguyễn Minh Quang: Dạ thưa, dựa theo các dữ kiện mà tôi thu thập được, yếu tố thời tiết không có ảnh hưởng đối với trận lũ lụt năm 2002 vừa qua. Tôi đi đến kết luận này dựa trên dữ kiện mực nước của 23 trạm quan trắc trong lưu vực sông
Mekong được đăng tải trên website của Ủy Hội Sông Mekong.
Trong số 23 trạm này, chỉ có 2 trạm trên dòng chính vượt quá mực nước lụt được ấn định bởi Ủy Hội Sông Mekong. Đó là trạm Tân Châu và Châu Đốc. Chỉ có một trạm quan trắc khác vượt mức nước lụt của Ủy Hội Sông Mekong, đó là trạm Ubon trên phụ lưu Pak Mun ở Thái Lan.
Điều này chứng tỏ rằng trận lụt 2002 ở đồng bằng sông Cửu Long không phải do ảnh hưởng cũa trận lũ lụt thiên nhiên xẩy ra trong toàn lưu vực sông
Mekong.

Trường Giang: Nếu nói như vậy thì thủ phạm nạn lụt ở đồng bằng sông Cửu Long chính là do con người gây ra??

Kỹ Sư Nguyễn Minh Quang: Dạ thưa, đúng !!

Kính thưa quý vị, vì thời lượng mục này có hạn, chúng tôi xin tạm ngưng bài phỏng vấn kỹ sư Nguyễn Minh Quang nơi đây, mời quý vị đón nghe phần cuối vào kỳ sau. Nhân đây, chúng tôi cũng xin thành thực cảm tạ kỹ sư Nguyễn Minh Quang đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này. Trường Giang xin thân ái chào tạm biệt và xin hẹn gặp lại quý vị cũng trong mục này vào kỳ sau.

Radio Australia 01-28-2003