Bão Katrina và Ngập lụt ở New Orleans, Louisiana - (Hurricane Katrina and Flooding in New Orleans, Louisiana)

 

Sau khi tràn qua miền Nam Florida vào ngày 25 tháng 8 năm 2005 với sức gió thấp hơn 150 km/h, bão Katrina đã tăng cường độ một cách nhanh chóng rồi đổ bộ vào bờ biển Louisiana gần thành phố New Orleans, với vận tốc gió lên đến 250 km/h vào rạng sáng ngày 29 tháng 8 năm 2005.  Bão Katrina gây ảnh hưởng trực tiếp trên một vùng rộng trên 230.000 km2 trong vùng vịnh Mexico thuộc các tiểu bang Louisiana, Mississippi, và Alabama, và gây thiệt hại nặng nề cho những vùng đông dân cư như   New Orleans ở Louisiana và Biloxi ở Mississippi.  Bão Katrina cũng là nguyên nhân làm phần lớn thành phố New Orleans bị ngập lụt, có nơi sâu hơn 6 m.  Để tìm hiểu thêm về trận bão Katrina và ngập lụt ở New Orleans, được mô tả như là một thiên tai tệ hại nhất trong lịch sử Hoa Kỳ từ trước cho đến nay, Phóng viên Đỗ Hiếu đã trao đổi với Kỹ sư (KS) Nguyễn Minh Quang.  Ông là một kỹ sư công chánh chuyên nghiệp của tiểu bang California và cũng là một chuyên viên thuộc Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.  Trước năm 1975, KS Quang là một chuyên viên phục vụ tại Ủy ban Quốc gia Thủy lợi trực thuộc Bộ Công Chánh và Giao thông ở Sài Gòn.  Ông phụ trách công tác nghiên cứu và soạn thảo các kế hoạch phát triển thủy lợi ở miền Nam Việt Nam cũng như công tác đo đạc thủy học và tiên đoán lụt ở Đồng bằng sông Cửu Long.  Xin kính mời quý thính giả theo dõi.

 

Hỏi: Trước khi bão Katrina đổ bộ vào tiểu bang Louisiana, đã có những tranh luận khoa học cho rằng hiện tượng hâm nóng toàn cầu (global warming) là một yếu tố làm cho bão xảy ra thường xuyên hơn và có cường độ càng ngày càng mạnh hơn cũng có theo dõi tin tức về trận bão Katrina và những hậu quả nặng nề của nó.  KS nghĩ sao về những tranh luận nầy?

 

Đáp: Dạ thưa, những tranh luận nầy bắt nguồn từ một nghiên cứu của Giáo sư (GS) Kerry Emanuel thuộc Viện Khoa học Massachesetts (MIT) được đăng tải trên Tạp chí Naturte số tháng 8/2005.  Theo GS Emanuel, thời khoản (duration) và cường độ của các trận bão lớn trong Đại Tây Dương và Thái Bình Dương đã gia tăng khoảng 50% kể từ thập niên 1970; tương ứng với sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu (khoảng 1 OF) và sự gia tăng mức độ phóng thích khí CO2 và các chất ô nhiễm giữ nhiệt (heat-trapping pollutants) từ ống khói kỹ nghệ, xe cộ, và các nguồn ô nhiễm khác. 

 

Dựa theo dữ kiện mà tôi có được thì lập luận của GS Emanuel không có cơ sở.  Trong số 60 trận bão lớn nhất ghi nhận được từ năm 1851, chỉ có 19 trận xảy ra sau 1960.  Không kể bão Katrina, trong số 10 trận bão lớn nhất lịch sử, có 5 trận xảy ra trước 1930 và chỉ có 2 trận xảy ra sau 1970.  Nhiều chuyên viên khí tượng hàng đầu, thí dụ như GS Roger Pielke, Jr. của Đại học Colorado và Giám đốc Max Mayfield của Trung tâm Bão Quốc gia Hoa Kỳ (National Hurricane Center), cũng cho rằng kêt luận của GS Emanuel cần có thêm dữ kiện biện minh và rằng vùng Đại Tây Dương và Vịnh Mexico đang trải qua một giai đoạn có nhiều bão lớn.  Giai đoạn nầy nằm trong chu kỳ tự nhiên và có thể kéo dài 20 năm hoặc hơn nữa.

 

Hỏi: Như vậy thì yếu tố nào có ảnh hưởng đến cường độ của một trận bão và có cách nào để lượng định cường độ nầy không, thưa KS?

 

Đáp: Có rất nhiều yếu tố cần thiết để hình thành một trận bão, nhất là một trận bão lớn như Katrina.  Thứ nhất là nhiệt độ nước biển phải trên 80 OF (khoảng 26.7 OC); thứ hai, bầu khí quyển gần mặt biển phải ấm và ẩm; thứ ba, bầu khí quyển trên mặt biển phải mát và ẩm; và sau cùng, sự hiện hữu của một con lốc xoáy nhẹ ở đủ xa đường xích đạo (tối thiểu là 300 miles (480 km)) để vòng quay của trái đất có thể thúc đẩy vòng xoáy của trận bão.  Các yếu tố nầy có thể thay đổi, do đó, cường độ của một trận bão cũng thay đổi từ nơi nầy sang nơi khác.

 

Cường độ của một trận bão được ấn định bằng áp suất khí quyển (atmospheric pressure) tại tâm bão (eye).  Áp suất nầy được đo trực tiếp bằng máy bay đặc biệt, có thể bay thẳng vào tâm bão nhiều lần trong một phi vụ.  Áp suất càng thấp so với áp suất tiêu chuẩn tại mặt biển (101,325 kPa) thì cường độ bão càng cao.  Trong số các trận bão có cường độ cao đổ bộ vào Hoa Kỳ, bão Katrina đứng hàng thứ ba với cường độ 91,8 kilopascals (kPa).  Hai trận bão mạnh hơn là Camille (1969) có cường độ 90,9 kPa và Labor Day (1935) có cường độ 89,2 kPa.

 

Hỏi: Nhưng theo ước tính của các cơ quan có thẩm quyền thì thiệt hại do bão Katrina gây ra, mặc dù chưa đầy đủ, đã vượt quá thiệt hại của bão Andrew năm 1992 để  chiếm kỹ lục trong lịch sử Hoa Kỳ.  Con số thiệt hại về vật chất được ước tính đã lên trên 125 tỉ Mỹ Kim.  KS có thể cho biết tại sao bão Katrina có thể gây thiệt hại to lớn như vậy không?

 

Đáp:  Có rất nhiều yếu tố khiến thiệt hại do bão Katrina gây ra rất nặng nề, cả về mặt nhân mạng lẫn tài sản, nhưng yếu tố quan trọng nhất chính là đặc tính của nó.  Mặc dù có cường độ và vận tốc gió thấp hơn bão Camille, là một trận bão đổ bộ vào vùng Vịnh Mexico ở cùng một vị trí vào năm 1969, bão Katrina lại gây thiệt hại nhiều hơn vì đường kính của bão Katrina lớn hơn nhiều so với bão Camille.  Đặc tính thứ hai là bão Katrina bất ngờ thay đổi hướng di chuyển sau khi tràn qua mỏm phía Nam của bán đảo Florida.  Thay vì di chuyển theo hướng Bắc để đổ bộ vào vùng cán chảo của tiểu bang nầy, bão Katrina lại di chuyển xa hơn về phía Tây rồi đổi sang hướng Tây Bắc để vào vùng New Orleans.  Yếu tố bất ngờ nầy có thể làm cho các cơ quan có trách nhiệm đối phó với thiên tai trở tay không kịp.  Và nếu bão Katrina đổ bộ vào vùng cán chảo Florida, tương tự như bão Labor Day năm 1935, thiệt hại chắc sẽ thấp hơn nhiều.

 

Hỏi: Ngoài yếu tố liên quan đến đặc tính của bão Katrina như KS vừa trình bày, còn yếu tố quan trọng nào khác đã làm gia tăng thiệt hại do bão Katrina gây ra?

 

Đáp: Thưa yếu tố quan trọng thứ nhì có liên quan đến tác động của con người, hay nói cách khác, liên quan đến việc phát triển xã hội và kinh tế dọc duyên hải vùng Vịnh Mexico.  Do nhu cầu gia tăng dân số và phát triển kinh tế như kỹ nghệ khai thác và biến chế dầu, khai thác thủy sản, và kỹ nghệ du lịch; các khu dân cư càng ngày càng đông hơn và mở rộng hơn vào những vùng dễ bị thiệt hại như bờ biển, cửa sông, hoặc các vùng đất thấp, thí dụ như thành phố New Orleans.  Việc phát triển thủy lợi lưu vực sông Mississippi từ năm 1927 có lẽ cũng là một yếu tố quan trọng vì sông Mississippi không còn đủ phù sa để ổn cố các đầm lầy và giồng đất dọc theo bờ biển; do đó, bờ biển bị xâm thực nghiêm trọng.  Các đầm lầy và giồng đất nầy là một vùng đệm hữu hiệu để chống bão.  Ở tiểu bang Louisiana, có nhiều nơi bờ biển ăn sâu vào đất liền trên 25 km từ thập niên 1920 cho đến nay.

 

Hỏi: Dựa theo tin tức mà chúng tôi thu nhận được, thì thiệt hại nặng nề nhất không phải do sức gió của bão Katrina mà do nạn lụt đang xảy ở thành phố New Orleans.  KS có thể giải thích cho thính giả của đài biết tại sao thành phố nầy bị ngập lụt như vậy. 

 

Đáp: Dạ thưa, thành phố New Orleans được xây dựng trên một lòng chảo nằm giữa sông Mississippi ở phía Nam và hồ Pontchartrain ở phía Bắc.  Có nhiều nơi, mặt đất thấp hơn mặt nước biển trên 2 m.  Để quý thính giả dễ hình dung, thì thành phố New Orleans có thể ví như Đồng Tháp Mười ở Đồng bằng sông Cửu Long.  Một hệ thống đê bao, tường chắn sóng, và trạm bơm được xây dựng để bảo vệ và thoát nước cho thành phố khỏi bị ngập.

 

Sáng ngày 30 tháng 8 năm 2005, một ngày sau khi bão Katrina tràn qua New Orleans, 5 đoạn đê của hệ thống đê bao nầy đã bị vỡ, khiến cho nước trong hồ Pontchartrain, với mặt nước lúc đó cao hơn mức bình thường trên 4 m, tràn vào thành phố.  Vì hệ thống trạm bơm bị tê liệt, do mất điện hoặc bị ngập, số lượng nước nầy không có lối thoát và tràn ngập thành phố. Theo ước tính của chánh quyền địa phương, khoảng 80% thành phố bị ngập, có nơi sâu trên 6 m, và phải mất ít nhất 1 tháng mới có thể bơm hết số nước ngập nầy ra khỏi thành phố.

 

Hỏi: Như vậy, cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng và điều hành hệ thống đê bao có biết nguy cơ vỡ đê và có biện pháp đối phó hay không, thưa KS?

 

Đáp: Công Binh Hoa Kỳ (U.S. Army Corps of Engineers) là cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng và điều hành hầu hết các dự án thủy lợi trên toàn quốc, trong đó có hệ thống đê bao bảo vệ thành phố New Orleans, đã nhận thấy nguy cơ nầy sau trận bão Betsy năm 1965.  Cơ quan đề nghị một dự án, có thời giá khoảng 85 triệu Mỹ Kim, cho một hệ thống đê và cửa chắn sóng để ngăn chận sóng bão (surge) tràn vào hồ Pontchartrain qua cửa Rigolets và Chef Menteur Pass.  Mặc dù được Quốc Hội phê chuẩn và Tổng Thống Johnson ban hành thành luật, dự án bị nhóm môi trường Save Our Wetlands, ngư dân trong vùng hồ Pontchartrain, và Quận St. Tammany ở bờ phía Bắc hồ Pontchartrain chống đối và kiện ra tòa với lý do là dự án sẽ cản trở thương mãi và gây tổn hại cho thủy sản trong hồ Pontchartrain.  Công Binh Hoa Kỳ phải bỏ dở dự án sau phán quyết của Chánh án Charles Schwarts Jr. ngày 30 tháng 12 năm 1977 dành phần thắng về phía nguyên đơn.  Cũng cần nói thêm là, dựa theo kết quả của mô hình do GS Johannes Westerink của Đại học Notre Dame thực hiện, hệ thống đê và cửa chắn sóng mà Công Binh Hoa Kỳ đề nghị năm 1965 có thể ngăn chận một cách có hiệu quả sóng bão trong trận bão Katrina.

 

Hỏi: Trong thời gian vừa qua và sắp tới, KS đã và có lẽ sẽ nghe rất nhiều dư luận liên quan đến bão Katrina.  Với tư cách của một kỹ sư thủy lợi, KS có nhận xét gì về việc đối phó với bão Katrina.

 

Đáp: Thưa anh, điểm nổi bật nhất mà tôi nhận thấy là sự lúng túng của chánh quyền địa phương, nhất là chánh quyền thành phố New Orleans.  Theo tôi, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan cho sự lúng túng nầy.  Thứ nhất, bão Katrina đã bất ngờ đổi hướng vào vùng biển Lousiana khiến chánh quyền địa phương và tiểu bang không kịp trở tay.  Thứ hai, kế hoạch khẩn cấp của thành phố New Orleans tỏ ra không thích hợp, không sẳn sàng để áp dụng, và không được điều chỉnh đúng mức để đối phó với mọi tình huống.  Thứ ba, không có một sự phối hợp nhịp nhàng giữa kế hoạch khẩn cấp địa phương và kế hoạch khẩn cấp quốc gia; nhất là việc hổ trợ của chánh quyền liên bang về nhân sự, chuyên môn, và tiếp liệu (bao gồm nước uống, thực phẩm, thuốc men, và các thiết bị và vật dụng cần thiết.)  Sau cùng là thiếu sự hợp tác tích cực của người dân trong vùng thiên tai, nhất là ở một số nơi ngay trong thành phố New Orleans.