Phán quyết ngày 10 tháng 3 năm 2005 của Chánh án Weinstein

(Judge Weinstein’s March 10, 2005 Judgment)

 

 

Như chúng tôi đã loan tin, vào ngày 10 tháng 3 năm 2005, Chánh án Jack Weinstein của tòa án liên bang ở Brooklyn, New York đã ra một phán quyết bác bỏ tất cả các   khiếu nại của Hội Nạn nhân Chất Da cam/Dioxin Việt Nam (HNNCDC/DVN) và một số công dân Việt Nam đòi các công ty hóa chất Hoa Kỳ, đứng đầu là Dow Chemical và Monsanto, bồi thường thiệt hại vì thương tật cá nhân và ô nhiễm môi trường mà phía Việt Nam cáo buộc là do ảnh hưởng của chất da cam, được quân đội Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa sử dụng trong cuộc chiến Việt Nam.  Ðể tìm hiểu thêm chi tiết về phán quyết của Chánh án Weinstein, chúng tôi có trao đổi với Kỹ sư Nguyễn Minh Quang, một chuyên viên thuộc Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.  Ông thường xuyên theo dõi những diễn tiến trên khía cạnh luật pháp và khoa học của vụ kiện này.

 

Hỏi : KS có thể cho quý thính giả của đài Á Châu Tự Do biết thêm một số chi tiết về phán quyết ngày 10 tháng 3 năm 2005 của Chánh án Weinstein không ạ?

 

Ðáp : Dạ thưa anh, tôi có cơ hội được đọc phán quyết ngày 10 tháng 3 năm 2005 của Chánh án Weinstein về vụ khiếu nại của Việt Nam và có ghi nhận một số chi tiết mà tôi nghĩ quý thính giả của đài cũng muốn biết.  Nhưng trước khi đề cập đến những chi tiết có liên quan đến phán quyết về vụ khiếu nại của Việt Nam, có một chi tiết khác mà tôi nghĩ quý thính giả cũng muốn biết, đó là phán quyết sau cùng cho 23 vụ kiện tương tự của các cựu chiến binh Hoa Kỳ, mà gần nhất là của hai cựu chiến binh Isaacson và Stephenson.

 

Ðơn kiện của các cựu chiến binh nầy đã bị tòa án Brooklyn bác bỏ, nhưng nguyên đơn chống án và được tòa Kháng án chấp thuận; do đó, tòa án Brooklyn đã thụ lý và xét xử.  Ngày 9 tháng 2 năm 2004, Chánh án Weinstein đã ra phán quyết bác bỏ vụ kiện của các cựu chiến binh với lý do là các công ty hóa chất được luật bảo vệ nhà thầu của chính phủ bảo vệ, nhưng Ông hoãn việc thi hành phán quyết 6 tháng vì Ông nghĩ vụ khiếu nại của Việt Nam có thể cung cấp dữ kiện mới hổ trợ cho các vụ kiện của cựu chiến binh.  Nhưng vụ khiếu nại của Việt Nam đã không cung cấp thêm dữ kiện mới nào, cho nên Chánh án Weinstein đã ra phán quyết sau cùng bác bỏ tất cả các vụ kiện của cựu chiến binh Hoa Kỳ vào ngày 2 tháng 3 năm 2005.

 

Hỏi : Nhưng tại sao vụ kiện của các cựu chiến binh lại có liên quan đến vụ khiếu nại của Việt Nam, thưa KS?

 

Ðáp : Thưa vụ kiện của các cựu chiến binh Hoa Kỳ tương tự như vụ khiếu nại của Việt Nam, vì các cựu chiến binh cũng đòi các công ty hóa chất, đứng đầu là Dow Chemical, bồi thường thương tật mà họ cáo buộc là do tiếp xúc với chất da cam do các công ty hóa chất sản xuất để dùng trong cuộc chiến Việt Nam.  Chính vì sự giống nhau nầy nên vụ kiện của các cựu chiến binh Hoa Kỳ có liên quan mật thiết, hay nói cách khác, có ảnh hưởng trực tiếp đến vụ khiếu nại của Việt Nam.  Thủ tục pháp lý và kết quả của vụ kiện của các cựu chiến binh đã, đang, và sẽ được tòa dùng như một “án lệ” để xem xét vụ khiếu nại của Việt Nam.

 

Hỏi :  Trở lại với phán quyết ngày 10 tháng 3 năm 2005 của Chánh án Weinstein, KS ghi nhận được những gì?

 

Ðáp : Phán quyết ngày 10 tháng 3 năm 2005 là một văn kiện có tiêu đề “Biên bản Ghi nhớ, Án lệnh, và Phán quyết” dày 233 trang, trong đó, Chánh án Weinstein đã phân tích lập luận của các bên nguyên đơn, bị đơn, chánh phủ Hoa Kỳ, và các nhóm tranh đấu quyền lợi; trình bày quan điểm của mình (chấp thuận hay bác bỏ) đối với các lập luận được phân tích; và sau cùng đưa ra phán quyết đối với đơn khiếu nại của Việt Nam.  Vì phán quyết bác bỏ đơn khiếu nại có tính bao quát (comprehensive), tòa không cứu xét riêng rẽ từng đề nghị (motions) của bị đơn.

 

Phán quyết của Chánh án Weinstein dựa trên cáo buộc của nguyên đơn Việt Nam cho rằng các công ty hóa chất phải chịu trách nhiệm vì (1) vi phạm luật bồi thường thiệt hại quốc gia (domestic tort law) và (2) vi phạm luật pháp quốc tế (international law).  Ðối với luật pháp quốc gia, Ông đồng ý với lập luận của bị đơn rằng các công ty hóa chất được bảo vệ bởi luật bảo vệ nhà thầu của chánh phủ đúng theo án lệ trong vụ kiện của các cựu chiến binh trước đây.  Ðối với luật pháp quốc tế, Ông cho rằng tòa án Hoa Kỳ có thẩm quyền hành xử như một tòa án quốc tế trong việc cứu xét các khiếu nại đối với các công ty ở trong nước có liên quan đến nhân quyền quốc tế.  Ông bác bỏ lập luận của bị đơn trong việc dùng luật bảo vệ nhà thầu của chánh phủ để bác bỏ đơn khiếu nại của Việt Nam, nhưng Ông kết luận rằng, dựa theo luật pháp quốc tế, việc sử dụng thuốc diệt cỏ của quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam trước năm 1975 thì không vi phạm bất cứ luật pháp quốc tế nào mà nguyên đơn dẫn chứng.

 

Hỏi :  Theo chỗ chúng tôi được biết, bị đơn cũng dùng luật giới hạn thời gian để yêu cầu tòa bác bỏ đơn khiếu nại của Việt Nam.  Quan điểm của Chánh án Weinstein về việc nầy như thế nào?

 

Ðáp : Bị đơn đã dẫn chứng luật bồi thường ngoại kiều (alien tort statute) và luật bảo vệ tù nhân (torture victim protection act) để chứng minh rằng đơn khiếu nại của Việt Nam không hợp lệ vì đã quá thời hạn quy định.  Chánh án Weinstein cho rằng luật bồi thường ngoại kiều không thể áp dụng được vì nó không có quy định giới hạn. Ðối với luật bảo vệ tù nhân, Ông cho biết là Ông không rõ việc cấm vận của Hoa Kỳ có phải là lý do chánh đáng của nguyên đơn hay không vì Quy định kiểm soát tài sản ngoại quốc không ngăn cấm hoặc giới hạn việc khiếu nại về thương tật cá nhân.  Hơn nữa, luật bảo vệ tù nhân chỉ có hiệu lực từ năm 1992, sau khi thương tật của nguyên đơn đã xảy ra.  Ông sẽ nghiên cứu thêm dữ kiện về vấn đề nầy nếu tòa Kháng án bác bỏ phán quyết của Ông.  

 

Hỏi : Từ trước đến nay và trong đơn khiếu nại, Việt Nam vẫn khẳng định rằng thuốc khai quang mà quân đội Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa sử dụng trong cuộc chiến là “thuốc độc (poison).”  Về điểm nầy, Chánh án Weinstein nhận định như thế nào, thưa KS?  

 

Ðáp : Dạ thưa Chánh án Weinstein cũng có phân tích về “thuốc độc” trong phán quyết của Ông.  Theo Ông, thuốc diệt cỏ là một chất dùng để tiêu diệt hoặc kềm hãm sự sinh trưởng của cây cối; trong khi thuốc độc là một chất, qua phản ứng hóa học của nó, có thể giết chết, gây thương tích hoặc tàn tật cho một cơ quan của động vật.  Thuốc diệt cỏ cực độc có thể độc hại và thuốc độc có thể hại cây cối; nhưng việc xác định tùy thuộc vào mục đích và nồng độ.  Ông công nhận dioxin là thuốc độc, nhưng nồng độ của nó trong thuốc khai quang quá nhỏ (nhỏ hơn 10 phần dioxin trong 999.990 phần thuốc khai quang) nên không thể kết luận rằng thuốc khai quang là thuốc độc; cũng như không thể kết luận thuốc chủng thimerosal cho trẻ em có chứa mercury hoặc nước uống đóng chai có chứa arsenic là thuốc độc.  Ông kết luận rằng thuốc khai quang, bao gồm chất da cam và các chất khác, phải được xem như là thuốc diệt cỏ chứ không phải là thuốc độc.

 

Hỏi : Trong đơn khiếu nại, các nguyên đơn Việt Nam cáo buộc rằng việc phun thuốc diệt cỏ do bị đơn sản xuất đã gây tổn thương và thống khổ cho họ mãi đến hôm nay.  Chánh án Weinstein có đồng ý với lập luận nầy hay không?

 

Ðáp : Thưa anh, những tổn thương và thiệt hại của nguyên đơn Việt Nam và con cái của họ thì được trình bày một cách rất ngắn gọn trong đơn khiếu nại và được trích dẫn trong phán quyết.  Chánh án Weinstein kết luận rằng, sự kiện có một số người sanh bệnh sau khi phun thuốc diệt cỏ không đủ để chứng minh nguyên nhân một cách tổng quát hay cá biệt, hay nói cách khác, không đủ để chứng minh rằng những tổn thương và thiệt hại của nguyên đơn là do việc phun thuốc diệt cỏ gây ra.  Ông nói lập luận “sau sự kiện, cho nên bởi sự kiện (post hoc ergo propter hoc)” không thể chấp nhận được trong luật bồi thường độc hại.  Bằng chứng của sự liên kết tùy thuộc phần lớn vào dữ kiện khoa học và dịch tễ học, nhất là có hơn 4 triệu người Việt được xem là bị ảnh hưởng nghiêm trọng.  Ông kết luận rằng bằng chứng tóm lược trong đơn khiếu nại không đủ để chứng minh nguyên nhân và hậu quả.

 

Ông cũng cho biết là còn quá sớm để cứu xét đề nghị bác bỏ đơn khiếu nại vì thiếu bằng chứng về nguyên nhân.  Nếu tòa Kháng án bác bỏ phán quyết của Ông, Ông sẽ cho phép điều tra cặn kẽ về nguyên nhân trên phương diện dịch tễ học tổng quát cũng như trên bệnh lý của từng cá nhân.

 

Hỏi : Từ khi nộp đơn khiếu nại lên tòa án Brooklyn, phía Việt Nam thường lập đi lập lại quan điểm của họ rằng “những cựu chiến binh Hoa Kỳ đã từng rải chất da cam thì lại được bồi thường cho những thương tật mắc phải, trong khi các nạn nhân người Việt thì không được bồi thuờng.”  Chánh án Weinstein có đề cập đến vấn đề nầy trong phán quyết của Ông không, thưa KS?

Ðáp : Chánh án Weinstein không thảo luận trực tiếp lập luận nầy của phía Việt Nam.  Nhưng trong phần thảo luận về việc sử dụng thuốc khai quang trong cuộc chiến Việt Nam, Ông có trích dẫn nghiên cứu của Tiến sĩ Stellman rằng chưa có một nghiên cứu dịch tễ học rộng rãi nào được thực hiện trên dân số Việt Nam hoặc cựu chiến binh Hoa Kỳ.  Dữ kiện về tử vong và thương tật, ít nhất là ở Hoa Kỳ, có thể dùng cho các nghiên cứu nguyên nhân (causation studies), nhưng các nghiên cứu quan trọng đó vẫn chưa thực hiện.  Ông kết luận rằng những nghiên cứu nguyên nhân ở Hoa Kỳ, được dùng để hổ trợ cho Bộ Cựu chiến binh trong việc ấn định danh sách các bệnh được cho (presumptively) là do chất da cam gây ra để thanh toán trợ cấp tàn phế, thì gần như không có giá trị để xác định nguyên nhân trong việc tranh tụng.

 

Hỏi : Theo chỗ chúng tôi được biết, bị đơn có yêu cầu tòa án loại HNNCDC/DVN ra khỏi danh sách nguyên đơn và bác bỏ các khiếu nại của Hội về ô nhiễm môi trường.  Chánh án Weinstein phán quyết như thế nào về việc nầy?

 

Ðáp: Bị đơn có yêu cầu tòa loại HNNCDC/DVN ra khỏi danh sách nguyên đơn vì Hội không đủ tư cách pháp nhân để đại diện cho hội viên của mình, nhưng Chánh án Weinstein bác bỏ lập luận nầy.  Ông cho rằng, mặc dù HNNCDC/DVN là một tổ chức chuyên đề (ah hoc organization) được thành lập cho vụ khiếu nại chất da cam, nó phải được công nhận vì phạm vi địa lý lớn lao và tầm mức phức tạp của vụ khiếu nại, số người bị ảnh hưởng, sự khó khăn trong việc tố tụng, và tầm mức quan trọng đối với Hoa Kỳ và quốc tế trong việc thực thi luật pháp quốc tế.

 

Về vấn đề ô nhiễm môi trường, Ông cho rằng nguyên đơn không có cơ sở pháp lý vì đã không dẫn chứng được bất cứ một luật lệ hoặc quy ước quốc tế nào có liên quan đến luật môi trường ngăn cấm việc sử dụng thuốc diệt cỏ trước năm 1975.

 

Hỏi :  Còn việc nguyên đơn Việt Nam cáo buộc các công ty hóa chất đã “giúp đỡ và xúi giục việc vi phạm luật pháp quốc tế và tội ác chiến tranh” qua việc sản xuất thuốc khai quang.  Quan điểm của Chánh án Weinstein như thế nào?

 

Ðáp: Ðối với lý thuyết “giúp đỡ và xúi giục,” Ông đồng ý với lập luận của các nhóm tranh đấu quyền lợi như Center for Constitutional Rights, Earthrights International, và International Human Rights Law Clinic rằng các công ty có thể có trách nhiệm dân sự dựa theo luật pháp quốc tế.  Nhưng Ông cũng cho biết rằng những luật lệ quốc tế mà nguyên đơn dẫn chứng - gồm có Quy ước Hague thứ tư (Hague Convention IV), Nghi thức Geneva 1925 (1925 Geneva Protocol), và Nghị quyết 2603-A của Liên Hiệp Quốc (United Nations Resolution No. 2603-A) - chỉ áp dụng cho quốc gia mà thôi.  Ngoài ra, nguyên đơn cũng phải chứng minh rằng việc sử dụng thuốc diệt cỏ ở Việt Nam bị luật pháp quốc tế lúc đó ngăn cấm.

 

Hỏi : Ngoài tội ác chiến tranh, nguyên đơn Việt Nam còn đưa ra những cáo buộc khác chẳng hạn như diệt chủng và hành hạ nạn nhân.  Phán quyết của Chánh án Weinstein về những cáo buộc nầy ra sao, thưa KS?

Ðáp : Trong phán quyết ngày 10 tháng 3 năm 2005, Chánh án Weinstein đã bác bỏ tất cả 13 cáo buộc mà nguyên đơn Việt Nam đưa ra trong đơn khiếu nại bổ túc ngày 10 tháng 9 năm 2005.  Ngoài tội ác chiến tranh, các cáo buộc còn lại là diệt chủng, tội ác chống nhân loại, tra tấn, tấn công và hành hung, cố ý gây thống khổ tinh thần, bất cẩn gây thống khổ tinh thần, bất cẩn, gây tử vong, an toàn sản phẩm, vi phạm trật tự công cộng, làm giàu bất chính, và làm giảm thiệt hại môi trường.

 

Ông đã dựa trên luật bảo vệ nhà thầu của chánh phủ để bác bỏ 8 trong số 13 cáo buộc nêu trên.  Các cáo buộc về tội ác chiến tranh, diệt chủng, tra tấn bị Ông bác bỏ dựa trên luật pháp của Hoa Kỳ và một số luật pháp quốc tế, trong số đó có các luật pháp do nguyên đơn dẫn chứng. Ông đã dùng luật cổ truyền quốc tế để bác bỏ cáo buộc về tội ác chống nhân loại.  Ông cũng bác bỏ cáo buộc đòi bị đơn làm giảm thiệt hại môi trường dựa theo án lệ Bano vs. Union Carbide Coporation năm 2003 với sự đồng ý của tòa Kháng án năm 2004.

 

Hỏi : KS có thể cho biết thêm chi tiết về các luật lệ mà Chánh án Weinstein đã dùng trong việc bác bỏ cáo buộc về tội ác chiến tranh, diệt chủng, và tra tấn không ạ?

 

Ðáp:  Thưa vâng.  Ba bộ luật của Hoa Kỳ mà Chánh án Weinstein cứu xét gồm có Luật bảo vệ tù nhân (TVPA) 1991 về tra tấn tù nhân, Luật tội ác chiến tranh (WCA) năm 1996 quy định tội hình sự, và Luật áp dụng quy ước về diệt chủng (GCIA) 1987.  Các hiệp ước và luật pháp quốc tế được Chánh án Weinstein cứu xét gồm có Quy ước Hague thứ tư 1907, Nghi thức Geneva 1925, Hiến chương London 1945, Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Quy ước Geneva 1949, và Nghị quyết 1969 của Liên Hiệp Quốc.  Ông kết luận rằng việc sử dụng thuốc diệt cỏ của Hoa Kỳ ở Việt Nam trước năm 1975 thì không vi phạm hoặc bị giới hạn bởi bất cứ một hiệp ước, luật pháp hoặc quy định quốc tế về nhân quyền mà Hoa Kỳ phê chuẩn.

 

Hỏi : Thưa còn cáo buộc về tội ác chống nhân loại?

 

Ðáp : Chánh án Weinstein dựa theo hai định nghĩa về tội ác chống nhân loại để bác bỏ cáo buộc nầy.  Theo định nghĩa của Ông Cherif Bassiouni trong quyển Các tội ác của Chiến tranh, tội ác chông nhân loại là bất cứ hành động tàn bạo nào được tiến hành trên một phạm vi rộng lớn.  Theo định nghĩa của Nguyên tắc Nuremberg 1945, tội ác chống nhân loại bao gồm ám sát, tiêu diệt, nô lệ hóa, trục xuất, các hành động vô nhân đạo đối với thường dân trước hoặc trong thời chiến, và đàn áp vì chính kiến, chủng tộc hay tôn giáo.  Ông cho rằng việc sử dụng thuốc diệt cỏ ở Việt Nam trước năm 1975 thì không bao gồm trong hai định nghĩa vừa nêu.

 

Hỏi : KS có cho biết Chánh án Weinstein dùng án lệ Bano kiện Union Carbide Corporation để bác bỏ cáo buộc đòi bồi thường thiệt hại về môi trường do việc sử dụng thuốc khai quang ở Việt Nam.  KS có thể cho quý thính giả của đài biết thêm về vụ kiện nầy không?

 

Ðáp : Ngày 2 tháng 12 năm 1984, hơi độc (methyl isocyanate) thoát ra từ nhà máy hóa chất ở Bhopal, Ấn Ðộ làm 8.000 người chết và hơn 200.000 người bị thương.  Nhà máy nầy do công ty Union Carbide Ấn Ðộ điều hành, nhưng 50,9% là do Union Carbide Hoa Kỳ sở hữu. Ðến năm 1999, một nạn nhân sống sót cùng một số tổ chức khác đã nộp đơn lên tòa án liên bang New York, New York để đòi bồi thường thiệt hại về thương tật và tài sản cá nhân và môi trường.  Ðơn kiện bị tòa New York bác bỏ trong năm 2000, nhưng tòa Kháng án yêu cầu xét xử lại một phần của đơn kiện vào năm 2001.  Tòa án New York đã xử lại và cũng bác bỏ đơn kiện vào năm 2003.  Phía nguyên đơn lại kháng cáo và trong phán quyết ngày 17 tháng 3 năm 2004, tòa Kháng án đồng ý với tòa án New York trong phán quyết bác bỏ bồi thường thiệt hại do thương tật cá nhân và bác bỏ tính cách pháp nhân của các tổ chức đại diện cho nạn nhân; nhưng tòa Kháng án lại cho phép nạn nhân đòi bồi thường thiệt hại tài sản cá nhân và đề nghị tòa án New York có toàn quyền cứu xét lại việc bác bỏ yêu cầu tẩy xóa ô nhiễm môi trường ở tại nhà máy trong trường hợp chánh phủ Ấn can thiệp hoặc yêu cầu tòa ra lệnh.  Cho đến nay, tòa New York chưa đưa ra phán quyết sau cùng cho vụ kiện.

 

Hỏi : Tòa Kháng án trong vụ kiện Union Carbide có phải là tòa Kháng án cho vụ khiếu nại chất da cam của Việt Nam không, thưa KS?

 

Ðáp : Dạ thưa đúng như vậy.

 

Cám ơn Kỹ sư Nguyễn Minh Quang của Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, trụ sở đặt tại Hoa Kỳ, đã cung cấp thêm một số chi tiết về phán quyết ngày 10 tháng 3 năm 2005 của tòa án Brooklyn, New York về vụ khiếu nại chất da cam, trong đó nguyên đơn là Hội nạn nhân chất độc da cam /dioxin của Việt Nam, bị đơn là một số công ty hoá chất của  Hoa Kỳ.  ….. kính chào Quý thính giả.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHANQUYET031005.DOC