(Water Resources Problems in the Vietnam’s Mekong Delta – Part 2)
Kể từ năm 1975, một hệ thống thủy lợi qui mô đã được xây dựng trong toàn vùng Ðồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) ở Việt Nam nhằm mục đích phát triển nhanh chóng vùng đồng bằng trù phú nầy. Có thể nói hệ thống thủy lợi đó đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế và xã hội của ÐBSCL và cho cả nước trong thời gian qua; nhưng cũng chính nó đã phát sinh ra nhiều vấn đề, mà ảnh hưởng tiêu cực càng ngày càng rõ nét, và có thể trở thành một lực cản cho việc phát triển kinh tế và xã hội bền vững của ÐBSCL trong tương lai. Trong chương trình Khoa học và Môi trường tuần trước, Kỹ sư (KS) Nguyễn Minh Quang đã trình bày những sự kiện, mà theo Ông, là nguyên nhân trực tiếp của những vấn đề thủy lợi ở ÐBSCL hiện nay. Tuần nầy, chúng tôi kính mời quý thính giả theo dõi tiếp cuộc trao đổi với Ông. Cũng cần nhắc lại, KS Quang là một kỹ sư công chánh chuyên nghiệp (professional engineer) của tiểu bang California và cũng là một chuyên viên thuộc Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Trước năm 1975, KS Quang là một chuyên viên phục vụ tại Ủy ban Quốc gia Thủy lợi trực thuộc Bộ Công Chánh và Giao thông ở Sài Gòn. Ông phụ trách công tác nghiên cứu và soạn thảo các kế hoạch phát triển thủy lợi ở miền Nam Việt Nam cũng như công tác đo đạc thủy học và tiên đoán lũ lụt ở ÐBSCL.
Hỏi: Theo KS thì hệ thống thủy lợi ở ÐBSCL đã phát sinh ra nhiều vấn đề tiêu cực. Vậy, KS có thể cho Quý thính giả của đài biết một cách cụ thể những vấn đề nầy là những vấn đề gì không?
Ðáp: Những vấn đề do hệ thống thủy lợi hiện nay ở ÐBSCL phát sinh có liên quan đến nhiều phương diện. Nhưng ở đây, tôi chỉ chú trọng đến phương diện thủy học và môi trường, vì đây là hai phương diện quan trọng nhất và có ảnh hưởng đến các phương diện khác, chẳng hạn như nông ngư nghiệp và xã hội.
Về phương diện thủy học, hệ thống thủy lợi ở ÐBSCL đã làm thay đổi cơ chế thủy học (flow regime) tự nhiên của ÐBSCL, mà hậu quả là (1) thay đổi tình trạng lũ lụt ở ÐBSCL, (2) gia tăng mức độ sạt lỡ và bồi lắng ở lòng lạch và cửa sông, và có khả năng ảnh hưởng đến việc xói mòn của bán đảo Cà Mau, và (3) giúp cho nước mặn xâm nhập vào đất liền xa hơn, lâu hơn, và cao hơn.
Về phương diện môi trường, hệ thống thủy lợi ở ÐBSCL (1) làm nhiều vùng ở hạ nguồn bị nhiễm nước phèn (acid water) nhiều hơn, nhất là ở cuối Ðồng Tháp Mười (ÐTM), (2) là một trong những tác nhân làm suy thoái phẩm chất nước ở ÐBSCL, và (3) góp phần không nhỏ trong việc xâm lấn vào những vùng sinh thái tự nhiên còn lại trong vùng ÐTM và Tứ giác Long Xuyên (TGLX) và có thể làm cho chúng suy thoái trong tương lai.
Hỏi: KS có thể giải thích tại sao hệ thống thủy lợi hiện nay đã thay đổi tình trạng lũ lụt ở ÐBSCL?
Ðáp: Thật ra, hệ thống thủy lợi ở ÐBSCL đã được xây dựng từ năm 1705, nhưng mãi đến 1975, hệ thống nầy dường như không có ảnh hưởng đáng kể đến đường thoát lũ thiên nhiên ở ÐBSCL. Nước trong sông Mekong vẫn có thể tràn bờ rồi làm ngập một vùng rộng lớn ở hạ lưu Kratie khi lưu lượng trong sông tăng cao. Nước lũ có thể chảy tràn qua biên giới Việt Miên, chảy tràn qua các giồng cao dọc theo sông Tiền và Hậu, hoặc theo các mương rạch tự nhiên để vào ÐTM và TGLX và làm ngập hai vùng trũng nầy. Từ đây, nước lũ có thể chảy trở lại sông Tiền và Hậu ở hạ lưu, hoặc đổ ra sông Vàm Cỏ Tây hoặc vịnh Thái Lan.
Hệ thống kinh đào hiện nay ở ÐBSCL; sâu hơn, rộng hơn, và dày đặc hơn so với hệ thống kinh đào trước năm 1975; đã tạo thành những lòng lạch thuận lợi khiến cho nước lũ từ Kampuchia và sông Tiền và Hậu chảy vào ÐTM và TGLX sớm hơn, nhiều hơn, và nhanh hơn. Ở thượng nguồn, hệ thống đê đập làm giảm diện tích của đường thoát lũ khiến mực nước lụt dâng cao hơn. Ở hạ nguồn, lượng nước lũ nầy đã bị hệ thống đường giao thông được nâng cao hoặc hệ thống đê đập cống ngăn mặn ngăn chận khiến cho mực nước lụt ở ÐBSCL sâu hơn và thời gian ngập lụt kéo dài hơn trước.
Hỏi: Các cơ quan chức năng của Việt Nam có nhận thấy ảnh hưởng tiêu cực của hệ thống thủy lợi đối với tình trạng lũ lụt ở ÐBSCL không, thưa KS?
Ðáp: Thưa, những người có trách nhiệm và các cơ quan chức năng phụ trách việc quy hoạch và xây dựng hệ thống thủy lợi hiện nay ở ÐBSCL đã nhiều lần nhận thấy ảnh hưởng của nó kể từ trận lụt năm 1978, và hơn thế nữa, ảnh hưởng của chúng đã được kiểm chứng. Theo dữ kiện đo đạc của Phân viện Khảo sát Quy Hoạch Thủy lợi Nam Bộ (PVKSQHTLNB), sự gia tăng lưu lượng qua biên giới Việt Miên - từ 6.300 m3/sec trong trận lụt 1991 đến 8.270 m3/sec trong trận lụt 1996, so với lưu lương 2.930 m3/sec trong trận lụt 1961 - là do các kinh cấp I và II nối từ rạch Cái Cỏ - Long Khốt vào ÐTM. Thời gian truyền lũ từ Tân Châu đến Mộc Hóa, thường mất từ 15 đến 17 ngày trong thập niên 1970, chỉ còn khoảng 3 đến 5 ngày trong thập niên 1990. Trong trận lụt 2000, mực nước lụt nội đồng trong vùng ÐTM và TGLX cao hơn mực nước cao nhất các năm 1978 và 1996 từ 20 đến 50 cm.
Hỏi: Có những biện pháp nào được đưa ra để khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của hệ thống thủy lợi ở ÐBSCL không?
Ðáp: Theo giới chức có trách nhiệm ở Việt Nam, sở dĩ có những ảnh hưởng tiêu cực như nhận thấy trong thời gian qua là vì hệ thống thủy lợi ở ÐBSCL chưa được hoàn chỉnh nên chưa phát huy hết tác dụng của nó. Họ dự trù nâng cao trình cho đập Trà Sư từ cao độ 3,8 m như hiện nay lên cao độ 4,2 hoặc 4,5 m; nâng cao trình các quốc lộ 62, 30, 91 và hệ thống đê bao cao hơn mực nước lụt năm 2000. Họ dự trù nạo vét các kinh hiện có như Hồng Ngự và 79 cho sâu hơn và rộng hơn để thoát nước lũ. Và họ dự trù xây một con đê dọc theo bờ phía Nam của kinh Tân Thành – Lò Gạch có cao độ từ 5,5 m đến 6,5 m để ngăn chận nước lũ tràn qua biên giới Việt Miên. Nói tóm lại, giới chức có trách nhiệm ở Việt Nam cho rằng hệ thống kinh đào hiện nay chưa đủ rộng và sâu để thoát lũ và hệ thống đường giao thông và đê đập hiện nay chưa đủ cao để ngăn chận nước lũ; do đó, họ muốn đào đấp nhiều hơn.
Hỏi: KS có nhận xét gì về những biện pháp nầy?
Ðáp: Theo dữ kiện mà tôi có được, những biện pháp mà giới chức có trách nhiệm đề ra chẳng những không có tác dụng tích cực, mà ngược lại, làm cho tình hình lũ lụt ở ÐBSCL ngày càng thêm nghiêm trọng. Thí dụ như trong mùa nước nổi 2005 vừa qua, mặc dù mực nước lũ cao nhất trong sông Tiền và Hậu chỉ đạt mức 4,32 m ở Tân Châu và 3,87 m ở Châu Ðốc (thấp hơn mực nước lũ cao nhất 4,82 m ở Tân Châu và 4,42 m ở Châu Ðốc trong trận lụt năm 2002), mực nước lụt trong vùng ÐTM đã tăng nhanh hơn và vượt quá mực nước cao nhất trong năm 2002.
Một sự kiện thủy học nổi bật được quan sát lần đầu tiên trong lịch sử, đó là, trong 23 trạm của hệ thống đo đạc thủy học ở hạ lưu vực sông Mekong, do Ủy hội sông Mekong điều hành, chỉ có 5 trạm có mực nước vượt quá mức nước lụt do Ủy hội ấn định trong năm 2005. Ðó là các trạm Thakhek và Pakse ở Lào, Mukdahan ở Thái Lan, và Tân Châu và Châu Ðốc ở Việt Nam. Tuy nhiên, sông Mekong vượt quá mức nước lụt chỉ có 5 ngày ở Thakhek, 7 ngày ở Pakse, và 9 ngày ở Mukdahan, nhưng kéo dài đến 30 ngày ở Tân Châu và 60 ngày ở Châu Ðốc.
Hỏi: Trong thời gian gần đây, báo chí trong nước thường loan tin về tình trạng ngập lụt, không chỉ ở những vùng trũng ở ÐBSCL mà còn ở cả những vùng tương đối cao như Bình Chánh và Thủ Ðức ở thành phố Hồ Chí Minh. Các cơ quan chức năng khẳng định là do triều cường gây nên. KS có nhận xét gì về tình trạng ngập lụt nầy.
Ðáp: Tôi không nghĩ là do triều cường gây ra, mà do tác hại của hệ thống đê biển, đê đập ngăn mặn, và đê bao. Chính hệ thống đê đập nầy đã khiến cho thủy triều không thể chảy tràn vào những vùng ngập mặn trước kia mà chỉ dồn vào những sông rạch không bị hoặc chưa bị ngăn chận và hệ thống kinh mương thủy lợi không hoặc chưa được kiểm soát có hiệu quả. Hậu quả là thủy triều trong sông rạch và hệ thống kinh thủy lợi dâng cao hơn và đi sâu vào đất liền hơn trước năm 1975.
Hỏi: Có nhiều nguồn dư luận Việt Nam và quốc tế cho rằng các đập thủy điện đã và đang được xây dựng trên sông Mekong ở Trung Hoa có ảnh hưởng đến tình trạng lũ lụt ở ÐBSCL. KS có nhận xét gì về nguồn dư luận nầy.
Ðáp: Có nhiều lý do để kết luận rằng các nguồn dư luận đó chỉ là những suy luận mang nhiều cảm tính và không có cơ sở khoa học. Trước hết, lưu lượng phát xuất từ Trung Hoa chỉ chiếm khoảng 15 đến 25 phần trăm lưu lượng lũ của sông Mekong ở Kratie. Thứ hai, ảnh hưởng của đập thủy điện đối với tình hình lũ lụt chỉ đáng kể ở vùng hạ lưu sát chân đập. Càng xa về hạ lưu, ảnh hưởng sẽ giảm dần và đến lúc nào đó thì không còn đáng kể. Nếu dựa theo dữ kiện thủy học được đo đạc trước và sau khi xây dựng các đập thủy điện, thì ảnh hưởng thủy học của chúng được quan sát ở trạm Chiang Saen ở Thái Lan, là trạm cực bắc của hệ thống đo đạc thủy học ở hạ lưu vực sông Mekong. Nhưng ảnh hưởng tương tự thì chưa quan sát được ở trạm Tân Châu và Châu Ðốc.
Hỏi: Như vậy, yếu tố nào có ảnh hưởng quan trọng nhất đối với tình trạng lũ lụt ở ÐBSCL, thưa KS?
Ðáp: Trước hết, do điều kiện khí hậu và địa hình, lượng mưa trong vùng trung lưu vực sông Mekong chạy dọc theo triền phía Tây dảy Trường Sơn có ảnh hưởng quan trọng nhất đến tình trạng lũ lụt ở ÐBSCL. Trung bình, vùng nầy đóng góp khoảng 60 đến 75 phần trăm lưu lượng lũ của sông Mekong tại Kratie, trong số đó khoảng 20 đến 30 phần trăm từ lưu vực sông Sre Pok ở hạ Lào, cao nguyên miền Trung Việt Nam, và vùng đông bắc Kampuchia. Thí dụ trận lụt lịch sữ năm 2000 là do lượng mưa rất cao trong vùng nầy nên. Kế tiếp, bất cứ một dự án thủy lợi nào làm thay đổi lưu lượng phát xuất từ vùng nầy đều có khả năng thay đổi tình trạng lũ lụt ở ÐBSCL. Thí dụ như việc xã lũ từ đập thủy điện Yali ở Việt Nam vào đầu tháng 8 năm 2005. Việc xã lũ nầy đã gây lũ lụt ở hạ lưu sông Sesan trong tỉnh Ratanakiri của Kampuchia và có lẽ đã làm mực nước ở nội đồng ÐTM đang tăng nhanh lại càng tăng nhanh hơn vào trung tuần tháng 8.
VANDETHUYLOIDBSCL2.DOC