Nghi Vấn Về Tính Khoa học, Trung Thực, và Khách Quan

Của Hội Nghị Dioxin 2003 tại Boston, Massachusetts

Mai Thanh Truyet, Ph.D.

 

Hội nghị Quốc tế lần thứ 23 về các Chất ô nhiễm Hữu cơ chứa Halogen (Halogenated Organic Pollutants (HOPs)) và các Chất ô nhiễm Hữu cơ Bền vững (Persistent Organic Pollutants (POPs)) sẽ diễn ra từ ngày 25 đến 29 tháng 8 năm 2003 tại Boston, Massachusetts.  Hội nghị được ban tổ chức gọi một cách ngắn gọn là Boston, Dioxin 2003 [chữ Dioxin được viết số ít].

 

Ngay từ đầu, ban tổ chức đã không “chân thật” và cố tình đánh lạc hướng dư luận thế giới khi chọn chữ “Dioxin” để làm logo cho hội nghị.  Tại sao lại chọn “Dioxin” mà đáng lý ra phải là “HOPs và POPs?”  Đây là một việc làm thiếu trong sáng ngay cả trong lãnh vực thuần túy khoa học khi chơi trò “đánh lận con đen” trong việc sắp xếp hình thức và nội dung của hội nghị.  Hơn nữa, số đề tài liên quan đến Dioxin và chất Da cam ở Việt Nam chiếm khoảng độ 12 bài, chưa đầy 5% trên tổng số hơn 200 đề tài thuyết trình trong hội nghị.  Do đó, câu hỏi được đặt ra là liệu chúng ta có còn tin tưởng vào kết quả của hội nghị Dioxin 2003 hay không?  Khi nhân loại đang bước vào thế kỷ 21, mà vẫn còn những người tự nhận là “khoa học gia” tiếp tục dùng kiến thức khoa học của mình để phục vụ cho những quyền lợi mục đích riêng tư hoặc phe nhóm!

 

Vấn đề chất Da cam ở Việt Nam đã được thế giới biết đến từ năm 1970 trước khi chiến dịch Ranch Hand chấm dứt (1971), nhưng mãi đến nay vẫn còn là một tranh cãi hầu như không có lối thoát.  Lý do là hiện còn một số “nhà khoa học” Việt Nam trong nước  được sự hỗ trợ bởi một số nhỏ “khoa học gia” ngoại quốc vẫn tiếp tục khơi động và công bố những “khám phá mới” tùy theo nhiệt kế của tình hình chính trị ở Việt Nam và Hoa kỳ nhằm vào các mục đích sau:

 

·         Đánh động lương tâm thế giới để Việt Nam hy vọng có thể được Hoa kỳ bồi thường dưới danh nghĩa đạo lý hay chiến tranh cho cái gọi là “nạn nhân của chất độc da cam;”

·         Các “khoa học gia” bè bạn ở hải ngoại có điều kiện kiếm thêm “phân” để nghiên cứu.

 

Cũng xin nhắc lại là các Chất ô nhiễm Hữu cơ Bền vững (POPs) đã được Liên Hiệp Quốc chính thức đưa vào danh sách cấm sử dụng và sản xuất qua hội nghị tại Stockholm vào năm 2002.  Các chất ô nhiễm trên còn được gọi là 12 hóa chất dơ bẩn, trong đó furan là hóa chất cuối cùng thứ 12, tiếp theo sau các DDT, PCBs, HCB, HCH... đã được liệt kê và xác nhận  mức độc hại lên cơ thể con người.  Trong lúc đó Dioxin tuy chưa được xếp vào danh sách trên nhưng vẫn được một số khoa học gia (dĩ nhiên là chưa thể cung cấp các bằng chứng khoa học cụ thể) “khẳng định” là hóa chất độc hại nhất cho nhân loại.

 

Trong hội nghị Boston, Dioxin 2003, BS Arnold Schecter và PTS Olaf Papke sẽ chủ tọa một buổi tham luận với chủ đề “Chất Da cam, Dioxin, và Việt Nam.”  Buổi tham luận gồm 9 bài thuyết trình (mỗi bài 20 phút) như sau:

 

1-       Những năm đầu tiên nghiên cứu chất Da cam ở Việt Nam; 1970-1983 của John Constable (Hoa Kỳ);

2-       Ảnh hưởng lên sức khỏe của chất Da cam: Cố gắng mới của Viện Khoa học Quốc gia của Michelle Catlin (Hoa Kỳ);

3-       Dioxins [số nhiều] trên con người và môi trường Việt Nam: Các điều tra sơ khởi gần đây của Olaf Papke (Đức) [ BS Schecter là đồng tác giả];

4-       Những khám phá mới về Dioxins, Dibenzofurans, PCBs, DDT/DDE, HCB, HCH trong thực phẩm ở một vùng bị nhiễm độc TCDD [tên khoa học của Dioxin] ở Việt Nam và địa điểm so sánh của Arnold Schecter (Hoa Kỳ).  [đồng tác giả gồm có Hoàng Trọng Quỳnh, Olaf Papke, John Constable...];

5-       Ảnh hưởng của việc tiếp nhiễm Dioxin lên trẻ sơ sinh: Trường hợp khảo sát ở bịnh viện Từ Dũ của Tuấn Võ và Nguyễn Thị Ngọc Phượng (Việt Nam);

6-       Liên hệ giữa các bịnh ở nhiếp hộ tuyến (prostate) và TCDD nơi cựu chiến binh Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam của Joel Michalek (Hoa Kỳ) [Arnold Schecter là đồng tác giả];

7-       Ung thư nơi cựu chiến binh Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam của Joel Michalek (Hoa Kỳ);

8-       Tổng kết: Dioxin từ chất Da cam sau 4 thập niên của Hoàng trọng Quỳnh [Hoàng Đình Cầu, Lê Cao Đài, Arnold Schecter là đồng tác giả];

9-       Chất Da cam và ảnh hưởng lên con người: Chúng ta chờ đợi những gì? Chúng ta mong được gì? của Linda Birnbaum (Hoa Kỳ).

 

Nhìn chung, trong 9 đề tài thuyết trình trên chỉ là một việc “nhai đi nhai lại“ các lập luận của một số “khoa học gia quen thuộc”, các “chuyên gia Dioxin” từ thập niên 90 trở đi và trong hầu hết các đề tài đều có sự tham gia của một nhà khoa học nổi tiếng về Dioxin.  Đó là BS Arnold Schecter.

 

Tuy nhiên tựa đề của bài thuyết trình thứ 4 của BS Schecter trong kỳ hội nghị nầy khác hẳn với đề tựa “Thực phẩm là một nguồn tiếp nhiễm Dioxin của cư dân thành phố Biên Hòa, Việt Nam” mà ông mới vừa công bố trên Journal of Occupational and Environmental Medicine (JOEM), tháng 8 năm 2003.  Tựa đề của bài thuyết trình trong hội nghị Dioxin 2003 sắp tới có vẽ phản ảnh trung thực hơn các số liệu nghiên cứu trên 16 mẫu thực phẩm lấy từ Biên Hòa.  Trong 16 mẫu thử nghiệm, Dioxin chỉ hiện diện trong 6 mẫu mà thôi.  Trong khi đó Furans, PCBs, DDT, HCH, HCB hiện diện trong tất cả các mẫu thử nghiệm trên và có hàm lượng cao hàng trăm hoặc hàng ngàn lần hàm lượng Dioxin được tìm thấy.  Mặc dù với những kết quả vừa được chính ông công bố, ông vẫn “khẳng định” (lại khẳng định) rằng tôm cá xuất cảng từ Việt Nam đặc biệt là cá catfish không hề bị nhiễm độc Dioxin và rằng thực phẩm ở Biên Hòa, nói chung, thì “an toàn.”  Quả thực ông rất can đảm khi thốt lên những lời trên!

 

Từ các dữ kiện đó chúng ta có thể suy diễn ra dụng tâm của tác giả khi đề tựa cho bài nghiên cứu trên JOEM.  Hơn nữa, các mẫu thử nghiệm mà BS Schecter phân tích là do BS Hoàng Trọng Quỳnh, chứ không phải BS Schecter, thu thập ở Biên Hòa (?), chuyển qua cho phòng thí nghiệm phân tích ERGO ở Hamburg, Đức và sau cùng BS Schecter soạn thảo và suy diễn kết quả nghiên cứu. (Chúng ta còn nhớ, cách đây hai năm, một giáo sư ở Đại học Hà Nội thực hiện cuộc nghiên cứu và đặt các câu hỏi cho người dân Hà Nội trả lời.  Các thông số và dữ kiện được mang qua cho Ông thị Như Ngọc, thuộc Đại học Irvine nghiên cứu và kết quả có được là 83% dân chúng Viết Nam bằng lòng với chế độ hiện hành!).  Từ đó chúng ta có thể nghi ngờ tín xác tín của mẫu thực phẩm, việc phân tích, và phương pháp đo đạc Dioxin.  Theo quy định của Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (EPA), thời gian lưu trữ tối đa cho một mẫu phân tích Dioxin là 7 ngày cho chất lỏng và 14 ngày cho chất rắn.  Nhiệt độ của các mẫu trong thời gian bảo quản không thể vượt quá 4 oC.  Thiết nghĩ với hai điều kiện trên, quả thật khó thực hiện cho việc lấy mẫu ở Việt Nam và gửi ra ngoại quốc.

 

Từ khi được biết kết quả nghiên cứu mới nhất của BS Schecter trên JOEM, chúng tôi và các thành viên của Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam đã có dịp trình bày quan điểm và đưa ra những nhận định về vấn đề nầy trên mạng lưới thông tin toàn cầu, trên các đài phát thanh Radio Bolsa (Little Saigon, Houston, Bắc California), Á châu Tự do (Washington), và SBS (Úc châu).  Đặc biệt trên đài Á châu Tự do, thông tín viên của đài đã phỏng vấn chúng tôi và BS Schecter.  Bài phỏng vấn đã được phát thanh về Việt Nam vào ngày 21 tháng 8 năm 2003.

 

Lần đầu tiên BS Schecter phát biểu rằng ông không nghĩ Dioxin là tác nhân chính cho các chứng dị hình, dị dạng nơi trẻ em và Dioxin cũng không phải là tác nhân duy nhất ở gây ung thư cho người lớn ở Việt Nam, bởi vì các hóa chất độc hại đã được tìm thấy trong 16 mẫu thực phẩm mà ông vừa phân tích cũng có thể là tác nhân.  BS Schecter cũng cho biết, trong mấy chục lần qua Việt Nam, ông gặp rất nhiều bệnh nhân và họ cho ông biết họ “cảm thấy (feel) là do chất độc da cam gây ra.”

 

Riêng theo quan điểm của chúng tôi, nếu sự hiện diện của Dioxin trong thực phẩm là có thật thì chúng ta cần nên truy tìm xem Dioxin đến từ đâu?  Chúng tôi không nghĩ rằng với 170 kg (theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ) Dioxin được phun xịt rải rác trên một vùng thưa hay hầu như không có dân cư sinh sống, với diện tích phun xịt khoảng 23.000 km2 ở dưới vĩ tuyến 17 ở Việt Nam, Dioxin làm sao có thể tồn tại sau hơn 40 năm.  Được biết thời gian bán hủy (half life) của Dioxin là từ 7 năm đến 10 theo ước tính của các chuyên gia Liên Hiệp Quốc (đã được nhiều khoa học gia trên thế giới công nhận), chứ không phải 100 năm như BS Schecter tuyên bố ngày 21/8/2003 trên đài RFA.  Do đó, nếu có, thì Dioxin có thể hiện diện từ khi chính sách phát triển kỹ nghệ được đẩy mạnh tại Biên Hòa.  Khu kỹ nghệ Biên Hòa, đã có từ trước 1975, cộng thêm bao nhiêu khu chế xuất trong đó các hãng sản xuất hóa chất, nhựa, phân bón, thuốc trừ sâu rầy, và nhất là kỹ nghệ giấy...  có thể là một câu trả lời thực tiễn và hợp lý nhất cho sự hiện diện của Dioxin tại nơi nầy.

 

Tiếp qua đề tài thứ 5 của BS Võ Tuấn và Nguyễn thị Ngọc Phượng, Giám đốc Bịnh viện Từ Dũ, chúng ta đều rõ là Bịnh viện Từ Dũ có một phòng lưu trữ các trường hợp dị hình dị dạng của thai nhi mà Bà kết luận là do sự tiếp nhiễm Dioxin  từ hơn hai thế hệ trước.  Nhưng theo một khám phá khá lý thú của BS Nguyễn Gia Tiến (Thụy Sĩ) thì các hình ảnh, bình ngâm formol các mẫu hay các “section” của trẻ em dị hình dị dạng kể trên là những chứng tích của Giáo sư Nguyễn Hữu thu thập từ những thập niên 50 và 60 và được dùng để giảng dạy cho các sinh viên y khoa trong Cơ thể Học viện của Đại học Y khoa Sài Gòn năm xưa.

 

Chúng ta không lấy làm ngạc nhiên khi Việt Nam vẫn tiếp tục kêu gào việc tiếp nhiễm Dioxin trong thời gian chiến tranh tạo nên hàng triệu nạn nhân sau bốn thập niên. Nhưng chúng ta cũng không lấy làm ngạc nhiên  khi các nhà “khoa học” ngoại quốc tiếp tục tiếp tay với Việt Nam trong vấn đề trên.  Nhưng lần nầy có thêm một phương hướng mới mở ra cho các nhà khoa học ngoại quốc thiếu lương tâm.  Đó là sự khám phá ra các hóa chất độc hại “dơ bẩn” trong thực phẩm ở Việt Nam.  Và sự khám phá nầy sẽ là một đề tài mới cho “các ngài khoa học gia”có cơ hội kiếm thêm “phân” để nghiên cứu.

 

Và đây cũng là bằng chứng cụ thể cho thấy thực phẩm ở Việt Nam đã bị nhiễm độc, nhưng chất tiếp nhiễm không phải là Dioxin mà là các hóa chất độc hại đến từ phân bón, thuốc trừ sâu rầy, thuốc sát trùng, diệt cỏ dại, thuốc trừ nấm mốc... qua việc sử dụng quá tải, không đúng cách và bừa bãi các hóa chất đã liệt kê.

 

Và đây cũng là kết quả đương nhiên của việc phát triển quốc gia thiếu tổ chức, không cân bằng “phát triển-ô nhiễm môi trường”, và nhất là không có kế hoạch để xử lý và hạn chế các chất phế thải.  Hiện tượng nầy xảy ra ở hầu hết các quốc gia đang có nhu cầu phát triển trên thế giới.

 

Tình trạng ô nhiễm ở Việt Nam do hậu quả của phát triển đã được nêu lên từ hơn 10 năm nay.  Tình thế ngày càng nghiêm trọng.  Do đó, Việt Nam cần nên học tập các kinh nghiệm của Chí Lợi, của Nam Dương trong công cuộc cách mạng phát triển xã hội vào thập niên 90 trước khi tình thế trở nên bế tắc.

 

Mai Thanh Truyết

West Covina 8/2003

 

Chú thích:

·         Dioxin (số ít) có tên khoa học là 2,3,7,8- tetrachloro-dibenzo dioxin hay 2,3,7,8-TCDD

·         Dioxins(số nhiều): Theo định nghĩa của EPA ngày 12/6/2001 dioxins là một tập hợp của 29 hợp chất gây nhiều tác động sinh hóa lên thú vật gồm 7 chất TCDD, 10 hợp chất furans, và 12 hợp chất PCBs tùy theo vị trí của nguyên tố chlor. Do đó chúng ta không lấy làm ngạc nhiên khi nhận định dựa trên quan điểm khoa học là ảnh hưởng lên sức khoẻ  của con người của các hóa chất trên có những điểm tương đồng. Điều nầy chắc chắn sẽ đi ngược lại với quan điểm “chính trị thời thượng” là chỉ có dioxin là độc hại nhất!!!