DIOXIN VÀ CHẤT ĐỘC MÀU DA CAM
Mai Thanh Truyết, Ph.D.
Sự hiện diện của quân đội Hoa kỳ tại Việt Nam đã thực sự chấm dứt vào ngày 27/1/1973, nhưng dư âm của cuộc chiến vẫn còn dai dẳng cho đến ngày nay và có thể vẫn còn kéo dài mãi. Đó là vấn đề ảnh hưởng của dioxin hay chất độc màu da cam, một loại thuốc khai quang được xử dụng trong thời gian qua, đã trực tiếp tác động lên con người và đất nước Việt Nam sau cuộc chiến. Bài viết nầy có mục đích trình bày một số suy nghĩ về vấn nạn trên theo cái nhìn từ nhiều góc độ khác nhau và từ nhiều phía có liên hệ đến nội vụ.
Dioxin là một kim loại hình kim, nóng chảy ở 295oC; hàm lượng dioxin có thể làm cho chuột chết là 0,0022 mg/Kg (LD50, lethal dose 50, chết 50%), hàm lượng tương đương có thể làm cho chết người là 0,1 mg/người nặng 50 Kg. Dioxin có công thức hóa học là 2,3,7,8-tetrachlorodibenzo-p-dioxin (TCDD).
Theo định nghĩa mới nhất của EPA Hoa kỳ ngày 12/6/2000, tên dioxins dùng để chỉ một tập hợp của 29 hợp chất gây tác động sinh hóa (biochemical effects) tương tự trên thú vật thí nghiệm. Theo đó dioxins gồm có 7 chất TCDD (thay đổi theo sự hoán chuyển của clor), 10 chất polychlorinated dibenzofurans (PCDF), và 12 chất polychlorinated diphenyls (PCB). Tất cả hợp chất trên đều có tên chung là hợp chất tương đương dioxin (dioxin-like compounds).
Nguồn gốc ô nhiễm dioxins một phần phát sinh từ các công nghệ chế biến giấy trong khi xử dụng thuốc tẩy màu có clor, công nghệ plastic (polyvinylchloride PVC), và một số công nghệ hóa chất như vật cách điện, chất bán dẫn v.v... Tất cả các nguồn từ kỹ nghệ nầy chiếm độ 5% tổng số ô nhiễm taị Hoa kỳ, 95% ô nhiễm dioxin còn lại do việc thiêu đốt các phế thải nhất là các dụng cụ y khoa và đồ chơi trẻ em bằng nhựa dẽo chứa clor. Khi hỏa thiêu rác rưới phế thải nói trên, chất khói từ lò đốt thoát ra có chứa clor kết hợp lại với nhau trong không khí thành dioxins và chất nầy chuyển dịch theo gió và mưa để cuối cùng ổn định trong đất, sông, hồ...Tôm cá, gia súc do ăn uống hấp thụ chất dioxins nầy vào cơ thể và sau cùng dioxins tích tụ trong các mô mở. Và các sinh vật nầy lại chính là nguồn thực phẩm chính để nuôi sống con người.
Chất độc màu da cam là tên riêng của thuốc diệt cỏ dại do quân đội Hoa kỳ xử dụng ở các vùng nhiệt đới. Chất nầy được xử dụng lần đầu tiên ở Việt Nam vào ngày 13/1/1962 trong chiến dịch Ranch Hand phát khởi từ Tân Sơn Nhất với mục tiêu quân sự là khai hoang các vùng rừng rậm ở miền Nam Việt Nam để biến các vùng trên không còn là nơi thích hợp cho việc ẩn núp của Việt cộng. Chất nầy đã được xử dụng với quy mô rộng rãi vào những năm 1967 và 1968 và thực sự chấm dứt vào 30/6/1971. Chất độc màu da cam là một hổn hợp có tỷ lệ 50/50 của hai hóa chất là dichlorophenoxy acetic acid (2.4D) và trichlorophenoxy acetic acid (2,4,5T). Hổn hợp nầy đã được trộn lẫn trong xăng hay dầu cặn và được rãi xịt thẳng từ trên không. Trong chiến tranh Việt Nam, có khoảng 19 triệu gallons chất độc trên đã được rãi xuống miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, dù chưa biết rõ các cơ chế phản ứng của hổn hợp trên như thế nào, dioxin hay TCDD không có trong thiên nhiên và là một thế phẩm (byproduct) trong quá trình sản xuất công nghệ không nằm trong dự tính của con người. Sở dĩ có tên gọi là “chất độc màu da cam” vì thùng chứa hổn hợp trên được sơn màu da cam. Việt Nam và thế giới đã khơi động vấn đề về các chất độc màu da cam nhưng trên thật tế quân đội Hoa kỳ đã xử dụng rất nhiều hổn hợp thuốc khai quang khác mà tầm di hại cũng thật khó lường. Đó là chất độc mài da cam đậm xử dụng ở Việt Nam trong năm 1968-69, màu tím trong năm 1962-64, màu hồng 1962-64, màu trắng và màu xanh có chứa Arsenic.... Theo một nguồn tin không được kiểm chứng sau 1975, người ta vẫn còn tìm thấy một số lượng quan trọng của các hóa chất trên còn tồn trử trong một kho ở Tân sơn nhất và đã được một số chuyên gia ngoại quốc di chuyển ra ngoài?
Lịch sử dioxin
Chất dioxin đã được bí mật nghiên cứu từ những năm 40 vào lúc thế chiến thứ hai đang đi vào giai đoạn quyết liệt. Giáo sư Kraus, khoa trưởng khoa sinh vật ở đại học Chicago đã vô tình khám phá những loại hormones có thể làm ngưng trệ sự tăng trưởng của cây cỏ. Ông đã tìm thấy chất 2,4D rất thích hợp trong việc tiêu diệt cây cỏ trong vòng 24 đến 48 giờ. Ngay sau khi chiến tranh thế giới chấm dứt, hóa chất trên đã được đem vào áp dụng tại Hoa kỳ trong việc khai hoang cỏ dại hai bên đường giao thông và xe lửa.
Sau đó, từ khoảng 1950 các nhà nghiên cứu thuộc Bộ quốc phòng Hoa kỳ đã thành công trong tiến trình diệt cỏ dại nhanh hơn bằng cách trộn lẫn hóa chất trên với 2,4,5T. Và hổn hợp nầy đã cho ra thế phẩm là dioxin hay TCDD.
Dioxins áp dụng ở Việt Nam
Trong chiến tranh Việt Nam, khoảng 5Kg tương đương 6,4 L (US Veteran Dispatch Staff Report, Nov.1990) dioxin đã được rãi xuống trên mỗi mẫu (acre) (một hecta hay mẫu tây =2,2 acre). Căn cứ theo các nhà sản xuất, quân đội Hoa kỳ đã xử dụng một hàm lượng cao hơn 20 lần so với liều lượng cho phép áp dụng để diệt cỏ dại.
Trước tiên, chiến dịch Ranch Hand đã thử nghiệm dùng dioxins tại một số đồn điền cao su ở Việt Nam. Trong vòng một tuần lễ, các cây cao su trong vùng được thử nghiệm đã rụng hết lá và tiếp sau đó ảnh hưởng của dioxin lan rộng qua các rừng cao su lân cận trong phạm vi đường kính khoảng độ ngàn thước. Trong một báo cáo mật năm 1967 của quân đội Hoa kỳ được công bố sau nầy, quân đội Mỹ được lệnh không hành quân trong phạm vi 2 Km trong vùng bị rãi dioxins . Khi chiến tranh lan rộng ở vùng cao nguyên Trung phần từ năm 1966, quân lực Hoa kỳ đã dùng B-52 trong chiến dịch Hot Tip tại Chu Prong (Pleiku) chiến khu D và C. Mỗi một phi xuất của B-52 có thể tiêu diệt 7 cây số vuông rừng rậm và xử dụng 255.000 gallons hổn hợp trên.Ngày 1/6/1968 vì một trục trặc kỹ thuật, phi cơ đã thải hồi khoảng 1.000 gallons thẳng vào sông Đồng Nai chỉ cách Sài gòn 15 Km.
Ảnh hưởng của Dioxin
Diamond Alkali Co. ở Newark là công ty sản xuất và cung cấp dioxin cho quân đội Hoa kỳ. Ngay sau khi sản xuất “đại tra”ø, trên 50 công nhân đã có chỉ dấu về bịnh ngoài da do bác sĩ Brodkin, khoa trưởng về bịnh ngoài da ở đại học New Jersey báo động, nhưng thời bấy giờ việc nầy đã không gây được sự chú ý nào cả. Sau đó ông còn khám phá có một số công nhân của hảng mà gan đã bị ảnh hưởng vì tác động của dioxins. Mãi đến năm 1983, cơ quan EPA Hoa kỳ mới bắt đầu cho thử nghiệm các vùng đất chung quanh khu sản xuất và khám phá ra rằng dioxin đã hiện diện trong đất với hàm lượng cao hơn tiêu chuẩn cho phép. Điều nầy khiến cho Thống đốc New Jersey phải ra lệnh di tản dân chúng sống trong phạm vi đường kính 600 thước chung quanh nhà máy.
Ảnh hưởng Dioxin lên cựu chiến binh Hoa kỳ
Cho đến hôm nay, sau khi thử nghiệm trên hơn 200.000 cựu chiến binh Hoa kỳ đã từng chiến đấu tại Việt Nam, các triệu chứng do dioxin ảnh hưởng lên con người được ghi nhận như sau: 1- Da và gan bị nhiễm trước tiên; 2- Sau đó các mô mềm như phổi và bao tử có thể có những chỉ dấu ung thư; 3- Lượng dioxin trong của các cựu chiến binh trên vượt quá 50 phần ức/mL
(10 -12 ) và con cái của họ chiếm tỷ lệ cao về dị dạng ở tay và chân. Tuy nhiên chính phủ Hoa kỳ vẫn chưa chịu công nhận các triệu chứng trên có liên quan đến chất độc màu da cam.
Mãi đến 1990, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hoa kỳ mới công bố rằng cựu chiến binh Hoa kỳ đã từng chiến đấu ở Việt Nam có nguy cơ bị bịnh non-Hodgkin lymphoma nhưng vẫn tiếp tục phủ nhận nguy cơ nầy gắn liền với chất độc dioxin. Sau cùng trung tâm nầy tuyên bố chấm dứt các cuộc nghiên cứu về ảnh hưởng của chất độc màu da cam ở Việt Nam.
Tuy nhiên, chính phủ liên bang Hoa kỳ đã đồng ý bồi thường cho các cựu quân nhân và gia đình vướng phải chứng bịnh trên.
Gần đây nhất, báo cáo “ Cựu chiến binh và Chất độc màu da cam, Cập nhật năm 2000” (Veterans and Agent orange, Update 2000) do Hertz-Picciotto, giáo sư đại học North Carolina trình bày có nêu rõ những hệ lụy của các chất diệt cỏ dại ở Việt Nam. Báo cáo cũng đã tái xác nhận các kết quả nghiên cứu liên quan đến việc xâm nhập các thuốc trên vào những mô mềm trên cơ thể con người. Đối với các trẻ sơ sinh, con của các cựu chiến binh đã từng tham dự vào cuộc chiến ở Việt Nam, ảnh hưởng của chất độc trên được ghi nhận vào thời kỳ phát triển của cơ thể trẻ em. Tuy nhiên, báo cáo cũng nhận định là không đủ dữ kiện để đưa ra kết luận chắc chắn về các hệ quả trên.
Quan điểm của USEPA về Dioxins
Kễ từ năm 1991 trở đi, EPA đẩy mạnh hơn công cuộc nghiên cứu ảnh hưởng của dioxin lên sức khỏe của con người. Các khoa học gia được tài trợ “học bổng dioxins” cho nhiều dự án nghiên cứu. Những buổi hội thảo khoa học được tổ chức về các tác động của dioxin về phương dịện tế bào học, độc tố học, y tế công cộng, bệnh lý học. Đến tháng 6/2000, EPA soạn một dự thảo gồm hai đề mục quy định về ảnh hưởng của dioxins. Nhưng cơ quan nầy thẩm định rằng hiểm họa ung thư do dioxins thấp hơn gấp 30 lần so với lần thẩm định năm 1985 của một số khoa học gia: tỷ lệ bị ung thư ước tính là 1/1000 người nếu trực tiếp tiếp xúc với dioxins. Và để kết luận, EPA cho rằng, nếu dioxins trong máu và các mô mềm đạt đến hàm lượng 50.10 –12 g/L, thì hệ thống miễn nhiễm của con người có thể bị giảm thiểu ( Jeff Johnson, C&EN July 17/2000).
Tuy nhiên, thẩm định về hiểm họa của dioxins vẫn còn đang trong vòng tranh cải giữa EPA và các khoa học gia. Việc tranh cải nầy phát sinh do việc phân tích vi lượng dioxins trong cơ thể mà các phương pháp đo đạc hiện đại chưa đạt được mức chính xác đáng tin cậy. Hội đồng Cố vấn Khoa học của EPA (Science Advisory Board) đã xác định thêm dioxins bao gồm các hợp chất dioxin và PCB, PCDF kết hợp với ít nhất 4 nguyên tố clor. Va øEPA kết luận về ảnh hưởng của dioxins lên cơ thể con người mới là “có mòi nguy hiễm ung thư” (risk of cancer) chứ chưa thể chắc chắn là “mầm móng ung thư cho con người” (human carcinogen). Và định mức chấp nhận được của dioxins trong cơ thể là 1.10 –12 g/Kg/ngày. Định mức nầy đã được Ủy ban Khoa học Thực phẩm (Scientific Committee on Food) tạm chấp nhận. ( Định mức quy định cho cộng đồng Âu châu là 1,2 – 3.10 –12 g/Kg/ngày.)
Báo cáo nghiên cứu của Hatfield
Cuộc nghiên cứu sơ bộ của Công ty Hatfield Consultants of Vancouver (Ottawa Citizen April 9, 2000) đã kết luận rằng trong các vùng thưa dân sống dọc theo rặng Trường sơn, hàm lượng của dioxin cao gấp 90 lần định mức cho phép của luật Canada. Dioxin đã xâm nhập vào máu và sữa mẹ của con người qua thức ăn đã bị nhiễm độc dioxin. (Tài liệu không nêu ra các phương pháp nghiên cứu hay đo đạc hoặc thông tin khoa học để đưa đến kết luận trên).
Chris Hatfield, Tổng giám đốc công ty, nói rằng cần phải điều tra thêm nhiều mẫu đất ở các vùng có nguy cơ bị ô nhiễm dioxin để nghiên cứu. Theo tin tức truyền thông, Việt Nam tuyệt đối không cho phép cá nhân hay cơ quan ngoại quốc mang các mẫu đất tình nghi bị ô nhiễm ra phân tích ở nước ngoài. Báo cáo trên còn cho biết từ năm 1993, công ty đã làm các cuộc khảo sát ở vùng thung lũng A Lưới, đó là vùng bị rãi thuốc màu da cam nặng nhất vì nơi đây là một trạm tiếp vận quan trọng trên đường mòn Hồ chí Minh. A Lưới cũng được chọn làm điểm nghiên cứu cũng vì nơi đây là một vùng núi hoàn toàn bị cách ly với các mầm móng có thể phóng thích ra dioxins là các nhà máy có quy trình công nghệ, kỹ nghệ tân tiến về sản xuất các hợp chất có clor.
Kết luận sơ khởi từ bản báo cáo trên có thể tóm tắt ra sau đây:
· · Dioxins một khi xâm nhập vào mặt đất sẽ bị phân hủy, ước tính là 50% trong vòng
vài tháng dưới ánh sáng mặt trời;
· · Dioxins bị chôn sâu trong lòng đất sẽ bị hủy hoại sau nhiều thập niên sau đó;
· · Không có bằng chứng cho thấy cây cỏ đã hấp thụ dioxins;
· · Dioxins được tìm thấy trong các mô động vật như cá chép và vịt trời;
· · Chỉ vài chục người dân vùng A Lưới được xét nghiệm (bằng cách nào?) và kết quả cho
thấy lượng trẻ sơ sinh có dị dạng tăng gấp đôi là 2,9%.
Và bản báo cáo có đề nghị một số biện pháp sau đây:
· · Nên di chuyển khoảng 10 gia đình ra khỏi vùng có nguy cơ bị ô nhiễm nặng;
· · Giáo dục dân chúng không ăn gia cầm và thú vật cũng như khai khẩn đất đai trong
vùng bị ô nhiễm.
Nhìn chung bản báo cáo nghiên cứu của Hatfield không cung cấp đầy đủ dữ kiện khoa học để khả dĩ có thể đưa đến kết luận tương đối chính xác. Thử nghiệm vài mươi người (con số không rõ ràng) để kết luận về tình trạng dị hình dị dạng ở cả một vùng to lớn là chưa đủ sức thuyết phục và độ tin cậy khoa học! Thêm vào đó việc cả quyết rằng dioxins sẽ bị phân hủy dưới ánh sáng mặt trời trong một vài tháng là một kết luận rất cần phải liểm chứng lại vì EPA Hoa kỳ đã liệt kê dioxins vào nhóm PBT gồm 12 hóa chất độc hại được xếp vào loại bền bĩ (persistent), sinh tụ (bio-accumulation), và độc hại (toxic) có khả năng kết tụ bền vững trong không khí, đất và nước.
Quan điểm của Việt Nam
Kễ từ khi chiến tranh chấm dứt, Việt Nam đã bắt đầu nêu ra vấn nạn nhiễm độc dioxins và yêu cầu Hoa kỳ phải bồi thường cho các nạn nhân. Tiến sĩ Lê Cao Đại, giám đốc Quỷ Nạn nhân Da cam trả lời trong một cuộc phỏng vấn ngày 27/10/2000 tại Sàigòn rằng:” Tôi hy vọng ông Clinton sẽ mở rộng sự nhìn nhận đó (nhiễm độc dioxin) cho dân chúng Việt Nam. Chúng tôi sẽ rất cám ơn nếu ông đưa ra lời tuyên bố và nếu ông có thể làm một cái gì đó để giúp dân Việt Nam”. Ngược lại, Phan Thúy Thanh, phát ngôn viên Bộ ngoại giao VN đã phát ngôn trong thời gian TT Clinton ghé thăm VN rằng:” Chúng tôi nghĩ Hoa kỳ “phải” có trách nhiệm luân lý và tinh thần để đóng góp vào việc giải quyết các hệ quả chiến tranh vừa qua”.
Việt Nam nói nhiều đến kho chứa các thùng thuốc khai quang ở Tân sơn Nhất và Long Bình (Biên Hòa)..., nhưng cho đến nay vẫn thiếu vắng việc thực hiện một cuộc khảo sát khoa học độc lập và uy tín để thẩm định dứt khoát sự hiện diện của dioxin trong những vùng đất và mạch nước mặt và nước ngầm ở những vùng đã bị khai quang trong thời chiến tranh và sự chuyển tải di hại nếu có. Trong một báo cáo gần đây nhất của Việt Nam, đại để có khoảng hơn một triệu người Việt Nam bị nhiễm chất độc màu da cam với hậu quả từ ung thư đến loạn thần kinh; từ 100.000 đến 150.000 trẻ em được sinh ra với tật nguyền. Tại Biên Hòa, từ một vụ làm đổ chất độc màu da cam tại một căn cứ quân sự Hoa kỳ qua một đường hầm dẫn đến một hồ chứa và một con sông, người ta ước tính (?) từ 10 đến 20 ngàn người bị nhiễm độc trên dân số 400.000 người sống tại Biên hòa lúc bấy giờ (Báo Tuổi trẻ 3/2001). Gần đây nhất trên báo Lao Động ngày 29/3/2001, Nguyễn Quang Vinh (người đã đòi hạch tội “thằng Trời” nhân vụ lụt miền Trung năm 1999) đã “gào thét” trong bài viết “Cam lộ – Nỗi đau dioxin”, một lần nữa đã thổi phồng nồng độ chất độc màu da cam rãi xuống VN từø 6.4L/mẫu lên 28L/mẫu. Theo bài viết, tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, mỗi khi có một trẻ em sinh ra bị dị hình dị dạng, thậm chí bị chết ngay sau khi được sinh ra thì câu kết luận dứt khoát là do dioxin...Trình bày một sự kiện nghiêm trọng mà thiếu cơ sở khoa học như vậy chắc chắn không thuyết phục được ai mà còn gây cho những người khách quan một ấn tượng nghi ngờ. Điều nầy có di hại lớn và lâu dài vì chính nạn nhân thực sự cần được săn sóc sẽ phải gánh chịu thiệt thòi vi sự thật về dioxins sẽ không được phơi ra ánh sáng.
Kết luận
Vấn đề dioxins là một vấn đề phức tạp và tế nhị. Phức tạp vì nó liên quan mật thiết đến sức khỏe con người, môi trường sống, ảnh hưởng lên kinh tế và chính trị. Tế nhị vì nó còn nằm trong vòng tranh cải về mức độ và khả năng làm thoái hóa những vùng đã bị khai hoang trong thời chiến tranh ở Việt Nam. Do đó mối bang giao Mỹ – Việt trong tương lai còn tùy thuộc vào các đánh giá khoa học của các ảnh hưởng trên. Hiện tại chính phủ Hoa kỳ đang giải quyết những khó khăn trong vấn đề chửa trị và bồi thường cho các cựu quân nhân Mỹ đã từng tham chiến ở VN và có tham dự vào chiến dịch Ranch Hand bắt đầu từ năm 1962. Cho đến thời điểm nầy, vẫn chưa có một luận cứ nào xác quyết một cách khoa học về ảnh hưởng của dioxins lên con người, ngoài những chỉ dấu bị nhiễm độc đã ghi ở phần trên của bài viết.
Đối với VN, vấn đề càng trở nên phức tạp hơn. Dĩ nhiên là VN mong muốn có được một sự bồi thường “tương xứng” đẩy mạnh lương tâm thế giới. Việc làm nầy có thể đưa ra nhiều hệ luận có thể ảnh hưởng lên tương lai nền kinh tế và phát triển của VN. Làm như thế là đương nhiên chấp nhận sự hiện diện và tác hại của dioxins hay chất độc màu da cam lên đất nước và con người VN. Đây là một con dao hai lưởi. Xin đan cử một sự kiện xảy ra cho VNCH vào năm 1974 đã làm tiêu hủy kỹ nghệ xuất cảng tôm sang Nhật bản thời bấy giờ. Một vị giáo sư khả kính thời đó đã tuyên bố rằng có sự hiện diện của dioxin trong tôm ở vùng biển VN. Tuyên bố ngắn gọn trên đây đã làm điêu đứng hàng ngàn ngư dân và kỹ nghệ đánh bắt tôm. Tôm đánh được phải bán ra với giá thật rẽ mạt cho gian thương Hồng kông để rồi từ đó tôm VN được mang nhản hiệu mới và được xuất cảng sang Nhật bản với giá thị trường!. Nên nhớ rằng vào thời kỳ kể trên, VN chưa có khả năng phân tích dioxin. Và ngay cả hiện tại, VN cũng chưa có đủ phương tiện và kỹ thuật để phân tích một hợp chất phức tạp và tốn kém như dioxin. (Dụng cụ dùng để phân tích dioxin là Capillary Gas Chromatogragh kết hợp với High Resolution Mass Spectrometry (CGC/HRMS). Thời gian phân tích cho một mẫu thử nghiệm là ba tuần lễ với chi phí vào khoảng US$1.000/mẫu).
Vào tháng 7/2000, một giáo sư người Mỹ đã được phép mang sang Hoa kỳ 10 mẫu máu của những người tình nghi bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam để khám nghiệm. Tuy vậy, chính quyền VN lại không cho phép và tịch thu các mẫu đất cũng do vị giáo sư mang theo. Việc ngăn cấm nầy thể hiện một suy nghĩ rất tế nhị. Xác nhận sự hiện diện của dioxin trong lòng đất có hàm lượng tương ứng với nồng độ có thể gây ra nhiễm độc là một điều bất lợi cho VN. Vì, cà phê và lúa gạo là hai sản phẩm nông nghiệp đứng đầu và mang lại nhiều ngoại tệ nặng cho VN. Nếu có nguồn tin loan báo có chỉ dấu dioxin trong hai nguồn thực phẩm nầy thì chúng ta có thể tiên đoán tình trạng kinh tế của VN sẽ ra thế nào? Do đó trong tương lai, nếu cần phải tuyên bố về tình trạng nhiễm độc của dioxin , VN cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, dựa theo các kết quả phân tích chứ không thể kết luận xuông như lời của TS Lê Cao Đại trong đại hội thượng đỉnh nhóm họp tại California vào hạ tuần tháng 5/2000 quy tụ hơn 500 đại biểu trên khắp thế giới. TS Đại đã công bố rằng hàm lượng dioxin trong những mẫu đất phân tích ở VN còn thấp mà không đưa ra số liệu hoặc dữ kiện để chứng minh. Lời tuyên bố nầy đã đi ngược lại hoàn toàn với những công bố của Phan Thúy Thanh trong thời gian tổng thống Clinton thăm VN.
Xin nói thêm ở đây về PCB, một dạng của dioxin. Từ năm 1947 đến 1977 (thời điểm EPA ngăn cấm việc sản xuất và xử dụng PCB tại Hoa kỳ), đại công ty General Electric đã thải hồi hóa chất nầy xuống thượng nguồn sông Hudson thuộc tiểu bang New York. PCB đã tích tụ hơn 40 dậm Anh dọc theo lòng sông từ đó đến nay. Số lượng PCB tích lũy trong suốt thời gian qua được ước tính là 45.000 Kg; và nếu muốn xử lý cần phải di chuyển 2 triệu thước khối đất dưới lòng sông. Dự án trên cần phải có kinh phí là 500 triệu Mỹ kim. Sự kiện trên cho chúng ta hình dung được rằng , một lượng PCB quan trọng đã tích tụ trên một diện tích 2.000 dậm vuông bao gồm hai thành phố đông dân cư là Hudson và Fort Edward trong vòng 50 năm. Và trong suốt thời gian nầy vẫn chưa thấy xảy ra trường hợp trẻ em sơ sinh có dị hình dị dạng ở hai thành phố nói trên. Do đó, nếu đưa ra một vài trường hợp đặc thù ở một số địa phương có dân cư sống thưa thớt, không kiểm chứng bằng thực nghiệm, không có kết quả phân tích tương ứng...để vội kết luận vế ảnh hưởng của dioxin là một hành động thiếu nghiêm chỉnh. Hành động nầy không thể thuyết phục được chính phủ Hoa kỳ để có được bồi thường như ý muốn cũng như không thể đánh động được lương tâm thế giới vì vấn đề nhân đạo.
Một đề nghị hợp lý cho VN trong lúc nầy về vấn đề dioxin là nên dành nội lực và thành tâm khuyến khích và thực hiện một cuộc nghiên cứu khoa học thật nghiêm chỉnh với mục đích rõ ràng là để tìm ra những sự thật.:
· · Dioxin có hiện diện trong môi trường VN không? Và nếu có, ở nồng độ bao nhiêu và ở
đâu? Phải liên tục theo dõi những vùng có dioxin nồng độ cao để khuyến cáo và bảo vệ
dân chúng.
· · Tình trạng sinh vật, súc vật, con người, hoa màu và môi trường trong vùng bị ảnh hưởng
thế nào?
Hai điều nầy là những điều dân chúng Việt Nam, các cựu chiến binh Hoa kỳ, kể cả nhân loại và con cháu họ ngày nay vẫn cần phải biết và cần biết bằng tất cả sự thật với khả năng xác tín khoa học cao nhất mà loài người có thể cống hiến cho họ. Mong rằng bài học Việt Nam không chỉ là cho nhân dân Việt Nam hay Hoa kỳ cho cả loài người và nhiều thế hệ kế tiếp.
Mai Thanh Truyết
West Covina, 4/2001
Ghi chú: Người viết thành thật cám ơn TS Võ thị Kim Khánh (Montréal) đã cung cấp báo cáo của Công ty Hatfield Consultants.