TUỔI  TRẺ  &  TƯƠNG  LAI  VIỆT  NAM

Phổ Lập.

Anh  hỏi tôi nghĩ gì về  “Tương lai Việt Nam 25 năm sau cuộc chiến”? Thú thật với anh, đây là một câu hỏi mà mỗi người trong chúng ta tự hỏi nhau hàng ngày, không cứ gì phải đợi sau 25 năm, phải không anh?  Thư nầy tôi muốn viết cho anh với tư cách của một người Việt bình thường, một người Việt “tout court” không cần học vị, không chức vụ kèm theo. Tôi hy vọng trình bày cho anh thấy những suy nghĩ cùng nhận định của tôi về hiện tại và viễn ảnh tương lai. Xin anh cùng tôi đi tới.

Như anh đã biết, yếu tố con người là một trong những yếu tố quyết định trong mọi chuyễn dịch của sinh vật trên quả địa cầu nầy, trong đó thế hệ trẻ hiện tại càng là một thành tố quyết định cho tương lai của từng quốc gia. Tôi muốn thưa với anh các nhận xét của riêng tôi về các chuyễn biến tư tưởng và sinh hoạt của người Việt, nhất là tuổi trẻ trong quá trình 25 năm sau cuộc chiến để có một dự phóng về tương lai Việt Nam. Tôi không muốn nhắc đến cuộc chiến Việt Nam đã qua, không phải vì đã quên hay vì mặc cảm  mà chỉ muốn chia xẽ qua thư nầy những thay đổi tâm lý, hành động, cùng các suy nghĩ của thế hệ trẻ hiện tại trong suốt thời gian 25 năm  qua.

Trước hết, tại hải ngoại người Việt đã hình thành nhiều nhiều cộng đồng hiện diện rãi rác trên khắp thế giới, tiếp thu những nền văn minh tiến bộ cùng cung cách tổ chức xã hội từ các quốc gia tạm dung để được hội nhập vào môi trường đang sống. Đôi khi có những cọ sát vì sự khác biệt chủng tộc, tôn giáo, văn hóa... nhưng tựu trung đa số đã hòa nhập vào các xã hội tây phương tương đối nhịp nhàng và hài hòa trong cuộc sống. Những hiện tượng tiêu cực nơi cá nhân, gia đình, và môi trường chung quanh vì ảnh hưởng của các lề lối cổ xưa, phong cách phong kiến, hủ nho.... lần lần được thay thế từng bước bằng những tư tưởng tiến bộ và tinh thần hướng thượng ngày càng in đậm nét trong mỗi chúng ta.

Thưa anh H.,

Tôi chỉ đặt trọng tâm vào tuổi trẻ hôm nay, ở cả quốc nội và hải ngoại, vì tôi thấy tuổi trẻ đã báo hiệu cho thấy nhiều chuyễn mình rất lạc quan. Tại hải ngoại, tuổi trẻ đã có tầm nhìn khai phóng, can đảm cáng đáng việc cộng đồng trong tinh thần vô vị lợi, thể hiện những trăn trở rất tích cực hướng về quê hương qua các tạp chí thanh niên, sinh viên ở khắp nơi, điển hình là việc tổ chức Hội chợ Tết ở Cali vừa qua. Thật phấn khởi vì nhìn đâu cũng đều thấy sự hiện diện của tuổi trẻ. Nhìn qua các trung tâm dạy tiếng Việt ở rãi rác khắp nơi có đông người Việt cư ngụ, tuổi trẻ chiếm đa số, năng động và bền bĩ theo đuổi công cuộc bồi đắp và gìn giữ tiếng Việt tại hải ngoại. Tôn chỉ “Tiếng Việt còn, nước Việt còn” chắc chắn vẫn là một nền tảng bền vững để bảo tồn văn hóa Việt Nam.  Ở quốc nội, mặc dù phải chịu đựng khó khăn muôn vàn về mọi mặt, mất nhiều thì giờ cho sinh kế, tuổi trẻ cũng nêu lên ý chí vươn lên trong học tập, và tinh thần từ bi bác ái trong các công tác từ thiện. Tôi đã nhìn thấy hàng đêm, tuổi trẻ đi, đứng, ngồi dọc theo hành lang trường Đại học Sư Phạm Sàigòn để làm bài học bài trước năm 75. Tuổi trẻ Việt Nam ngày căn cứ theo nhận xét của người thân đã từng về Việt Nam nay vẫn tiếp tục cố bám lấy việc học và xem đó là cánh cửa đầu tiên để bước vào tương lai dù đang sống trong tình trạng kinh tế rất hạn hẹp. Họ rất quan tâm đến các tiến bộ khoa học và phát triển dân sinh-dân trí của những quốc gia hậu kỹ nghệ trên thế giới. Họ đã thao thức, trăn trở với các tiếp cận mới vừa tiếp thu cũng như cố gắng quy nạp vào trường hợp của chính quê hương để mong tìm một lối thoát cho đất mẹ.

Dù sống trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn trong nước hay đứng trước những cám dỗ của một xã hội thiên về cá nhân và vật chất trên thế giới, tuổi trẻ Việt Nam ở hai nơi đều thể hiện nghị lực phấn đấu với một tinh thần quả cãm và một ý chí tuyệt vời. Tuổi trẻ Việt Nam không ngại những phiêu lưu trong hành xử dù phải chịu nhiều vấp ngã. Học hỏi trong kinh nghiệm, trong thất bại, tuổi trẻ Việt Nam đã và đang mạnh dạn đi tới tương lai.

Tuổi trẻ Việt Nam trong sáng hội nhập vào xã hội với niềm tinh vững mạnh cho tương lai, không mặc cảm, không vướng bận quá khứ, không có những rào cản, vết hằn từ các oan nghiệt của lịch sử như các tuổi cha anh, không ràng buộc vào những thành kiến bảo thủ và ý tưởng cực đoan. Với thêm tinh thần dân chủ cao đã được un đúc do học tập và kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày, tuổi trẻ càng khiến cho chúng ta tin tưởng hơn khi dự phóng về tương lai.

Chắc anh không quên rằng quá trình tiến lên dân chủ của con người là do kết quả của bao thế hệ, kéo dài hàng bao thế kỷ?  Những hiện tượng phân hóa trong cộng đồng ở hải ngoại, những hình ảnh tiêu cực thường thấy ở quốc nội...chỉ là một giai đoạn chuyễn tiếp, giai đoạn lột xác của từng cá nhân để hội nhập vào một xã hội trong đó mọi người đều bình đẳng và được đối xử như nhau. Tự do cá nhân được mọi người trong chúng ta tương đối tôn trọng ngày hôm nay.

Từ hơn 25 thế kỹ trước, khái niệm tự do cá nhân mà chúng ta đang hưởng  đã được manh nha ở Athens Hy Lạp. Trước đó chưa có xã hội nào nghĩ đến khái niệm công bằng và tự do! Quan niệm xưa lại cho rằng, nếu có tự do, xã hội sẽ đi đến hỗn loạn. Và qua bao nhiêu thế kỹ, tự do cá nhân và trật tự xã hội vẫn được xem như là hai thực thể đối kháng, không thể hiện diện hài hòa trong cùng một xã hội được.  Người Hy lạp 25 thế kỹ trước đã nhận định sáng suốt rằng sự tự do vô giới hạn sẽ kéo theo những biến loạn cho trật tự xã hội. Nhưng cuối cùng cũng chính người Hy Lạp đã tự soi sáng rằng nếu con người có được tự do cá nhân, họ sẽ tự thích ứng và tự chế để ổn định trật tự mà không cần phải có một quyền uy tối thượng để ban bố và tái lập trật tự xã hội. Từ đó cung cách tự chế của người Hy Lạp ở giai đoạn trên rất cao trong việc hành xử quyền tự do cá nhân. Và thành phố Athens đã là căn cứ địa đầu tiên cho nền tự do trên thế giới, trong đó mọi cá nhân đều được tham gia vào guồng máy của chính phủ từ anh nông dân đến kẽ chăn chiên lẫn các thương gia, phú hào... Pericles đã thốt lên câu nói bất hũ “ Mọi cá nhân đều đáng được tin cậy – The individual can be trusted”. Ngày nay, Đức Dalai Dama, trong diễn văn chào mừng thiên niên kỹ mới đã chia xẽ, tin tưởng và tôn vinh tuổi trẻ trong việc xây dựng và tái lập trật tự xã hội cho tương lai. Với kiến thức thu thập được từ những kinh nghiệm về xây dựng và hủy diệt của các bậc cha anh, cộng thêm niềm tự tin, tính cả quyết cùng nhận thức hướng thượng, tuổi trẻ sẽ biến cải xã hội tương lai thành một môi trường hạnh phúc hơn, hòa bình hơn trong đó con người sống hài hòa với nhau hơn.

 Anh H. thân mến,

Để kết luận cho lá thư hôm nay, tôi thấy tuổi trẻ Việt Nam ở hải ngoại và quốc nội đã trưởng thành và đang mạnh dạn đi vào cuộc hành trình mới làm cho xã hội Việt Nam ngày càng tốt thêm. Trong tiến trình dân chủ hóa tư tưởng và xã hội...dĩ nhiên tuổi trẻ cũng sẽ gặp phải muôn vàn cản ngại, thất bại vì thiếu kinh nghiệm. Nhưng  những điều đó sẽ không làm tuổi trẻ chồn bước mà trái lại các rào cản trên chỉ là những thử thách ban đầu. Với cung cách tiếp cận lạc quan, tầm nhìn rộng mỡ và hướng về tương lai, chắc chắn tuổi trẻ có đủ tiềm năng và khả năng để tái lập một xã hội Việt Nam trong đó con người hành xử với nhau với tâm an bình, từ bi và nhân bản hơn.

Tóm lại, hôm nay tôi muốn tin chắc với anh rằng, lợi thế của tuổi trẻ Việt Nam trong việc đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước cho ngày mai  là một  điều khẳng định. Vì tuổi trẻ hải ngoại đã là một lực lượng hùng hậu đầy khả năng và kinh nghiệm chuyên môn, suy diễn chuyện “đất nước” với cái nhìn phóng túng, dân chủ và tình yêu quê hương dạt dào. Đối lại, tuổi trẻ quốc nội chiếm trên 50% dân số của cả nước sẽ là một lực lượng cơ bản cho tương lai Việt Nam. Vì cho đến giờ phút nầy, họ đã thực sự trực diện tiếp cận với thế giới bên ngoài, hấp thụ các tiến bộ khoa học-kỹ thuật mau chóng qua mạng lưới toàn cầu mà không còn thế lực nào có thể che đậy được.

            Vậy, câu hỏi của anh về tương lai Việt Nam 25 năm sau cuộc chiến đã được tôi đánh giá bằng cái nhìn tích cực hướng về tương lai và rất tin tưởng vào Tuổi Trẻ Việt Nam sẽ làm được việc.

Tôi có lạc quan quá đáng không anh H.?

Phổ Lập

Cali, 04-00.