NGƯỜI  HỌC  TRÒ

 

Mai Thanh Truyêt

Tôi gặp Huy lần đầu tiên trong ngày tựu trường trong niên khóa 1973-74 tại Viện Đại học Cao đài Tây Ninh. Tôi còn nhớ cảm tưởng của mình về khung cảnh ngày hôm đó vì nó ít giống với khung cảnh của những trường đại học khác ở Sàigòn. Nơi đây, không khí cũng bình thường như những ngày khác trong niên học, có vẻ hơi tẻ lạnh nữa. Nơi tỉnh lẻ nầy, không khí đại học vẫn còn phảng phất một ít tính cách “trung học” nghĩa là vẫn còn nhiều ánh mắt e dè của các cô nữ sinh viên mới lần đầu tiên bước vào lớp học chung với các nam sinh viên. Tôi nghĩ rằng tôi nhớ nhiều về Viện Đại học Cao đài phần nào cũng vì cảm tưởng nầy.

 

Thời gian đó, Huy đã là sinh viên năm thứ ba phân khoa Nông Lâm Súc và đồng thời là Tổng thư ký Hội Sinh viên. Còn phần tôi cũng vừa nhận lời hợp tác với Viện. Sở dĩ tôi chú ý đến Huy là vì nhận thấy anh rất hăng say trong các sinh hoạt sinh viên và thường xuyên góp ý với tôi trong chương trình giảng dạy và điều hành sinh viên vụ. Huy đóng vai trò gạch nối cần thiết giữa sinh viên và ban điều hành Viện. Anh là một trong số rất nhiều sinh viên đến từ Qui nhơn, Bình định. Đa số những sinh viên nầy có cùng hoàn cảnh tài chánh, không kham nổi đời sống mắc mỏ ở Sàigòn nên tìm về tỉnh nhỏ Tây Ninh để cùng thực hiện ước   đại học. Họ đã phải sống chung trong những nhà trọ thiếu tiện nghi và chia xẻ việc ăn uống mà đối với họ chỉ là sống “cho qua ngày”. Bữa ăn hàng ngày thường là cơm gạo lức với rau dền, rau khoai hay rau muống luộc chấm nước tương, đôi khi chỉ là nước muối pha.  Vậy mà họ vẫn vượt qua các khó khăn trong suốt thời gian theo học. Điều đáng nói là một phần lớn các anh chị nầy lại có học lực trội hơn so với các sinh viên địa phương có gia đình chu cấp tương đối đầy đủ. Phải chăng cái nghèo, cái khó là động cơ thúc đẩy nhóm sinh viên nầy đi lên!

 

Liên hệ giữa Huy và tôi ngày càng thắm thiết. Một trong nhiều kỹ niệm khó quên xảy ra vào năm 1974  khi tôi hướng dẫn phái đoàn sinh viên  Cao Đài tham dự một lễ tôn giáo do Viện Đại học Hòa hảo tổ chức tại Long Xuyên. Ở đó, một đêm không ngũ được giáo sư Hồ Hữu Tường làm chủ lễ. Lần đầu tiên tôi được chứng kiến tận mắt hình ảnh “nam thực như hổ” khi các sinh viên Cao Đài đã không ngại ngùng ăn một cách ngon lành 5, 7 chén cơm đầy với nhiều thức ăn. Việc nầy khó quên được vì ông Tổng thư ký của Viện đã phải tuân theo chỉ thị của tôi mà trích thêm một số tiền lớn để trang trải chi phí cho việc ăn uống “bất thường” nầy trong suốt thời gian ở Long Xuyên.

 

Trong hai năm cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam, chiến sự ngày càng sôi động và các cuộc giao tranh trở nên gay gắt. Trục lộ Sài gòn Tây ninh thường xuyên bị đấp mô, nhất là ở Suối Cụt và Cẩm Giang. Tuy nhiên các giáo sư vẫn cố gắng hàng ngày đi về chu toàn việc giảng dạy cho gần đến ngày tàn của cuộc chiến (20/4/75). Tinh thần phục vụ cho giáo dục và sinh viên của thành phần giảng huấn thuộc Viện Đại học Cao đài quả thực là một hiện tượng đáng được nêu cao, đánh tan dư luận không tốt về thành kiến không đẹp của các giáo sư chạy” ở các đại học tư lập. Xin mượn bài viết nầy để  một lần cám ơn và tri ân các giáo sư Đại học Cao Đài đã tận tình phục vụ sinh viên vì lương tâm chức nghiệp và lòng thương mến sinh viên chứ không phải chỉ vì số tiền phụ trội cho đời sống gia đình và cá nhân.

 

Rồi khi cuộc chiến đã tàn vào cuối tháng tư 1975, tôi đề nghị Huy về Sàigòn chung sống với gia đình tôi để đối phó với tình trạng an ninh không cho phép Huy trở về quê quán, cũng như để Huy được tiếp tục hoàn tất chương trình  Nông Lâm Súc ở Thủ đức. Từ đây mối liên hệ Thầy Trò ngày càng khắng khít. Tôi không còn xem Huy như học trò nữa và Huy đã mặc nhiên trở thành một thành viên trong gia đình tôi để cùng tôi gánh vác và chia xẻ nỗi khó khăn, ô nhục xảy đến cho hầu hết dân miền Nam trong giai đoạn đầu của “kế hoạch 5 năm”.

 

Tôi còn nhớ có lần Huy đã thay tôi viết bản thu hoạch cho các buổi học tập chính trị dành riêng cho giáo sư đại học. Tôi xin kể ra đây kỹ niệm đáng nhớ đó: Sau hơn ba tháng học tập do Hội Trí thức Yêu nước tổ chức, Huy đã soạn dùm tôi một bài thu hoạch dài hơn 30 trang giấy học trò. Ngày tường trình, khi đến phiên mình, tôi đã ung dung đọc từng chữ những lời giảng dạy của Bác và Đảng cùng các lãnh tụ khác cho đến hết buổi. Thời giờ kéo dài làm cho một người rất bực bội, nhưng vì đây là những “lời vàng thước ngọc” cho nên người đó, một nữ giáo sư từng giảng dạy môn Hóa hữu cơ trong ban hóa do tôi làm trưởng ban, không thể phát biểu chống đối và phản bác tôi được. Vị giáo sư đó sau một thời gian nằm trong ban lãnh đạo của Trường Sư phạm, thuộc thành phần “30/4” rồi cũng phải vỡ mộng và lưu lạc nơi phương trời Tây cho đến bây giờ. Tôi cám ơn Huy đã hiểu tôi bị dằn vặt khi phải bắt buộc nghĩ và viết ra những điều mình không chấp nhận. Các bạn đồng nghiệp khác cũng cùng hoàn cảnh hôm đó chắc cũng đã cám ơn Huy và tôi đã giúp họ không phải nghe và ray rứt thêm vì phải nói những lời không thật với lòng mình. Ngoài ra, Huy cũng đã thay tôi xếp hàng lảnh nhu yếu phẩm do phường khóm phân phối (tôi đã chạy cho Huy có tên trong tờ hộ khẩu của gia đình tôi bằng một số tiền không nhỏ). Huy đã không quản ngại giúp đỡ vợ con tôi cùng lo lắng mọi việc trong nhà. Đôi khi, thấy tôi tỏ vẽ buồn bã, mất tinh thần vì hoàn cảnh bế tắc hiện tại, Huy đã dùng lời lẽ để trấn an tôi, đôi khi còn chạy tìm cho Thầy một vài xị rượu cùng đồ nhấm cho quên đời …. . Tình nghĩa Thầy Trò đã thăng hoa đến mức độ không còn có thể diễn tả bằng lời hay thành văn được. Nó đã lẫn vào trong trí trong tâm của cả Thầy và Trò. Tôi đã nhìn thấy tôi nơi Huy và ngược lại rất nhiều khi Huy đã suy nghĩ và hành động như Huy là tôi vậy.

 

Mối thâm tình trên đã thể hiện lần cuối cùng ở Việt Nam khi Huy dự định tổ chức vượt biên cùng một số bạn thân. Công việc tiến hành thuận lợi lúc bắt đầu và cho đến khi gần ngày dự định xuất hành thì một trong những bạn bè trong tổ chức đã phản bội anh em, âm thầm lấy “con cá lớn” ra đi cùng với gia đình và nhiều người khác, chỉ để lại cho Huy và một số người dự định vượt biên một chiếc “taxi” nhỏ thiếu khả năng để đi ra biển cả. Dù vậy, Huy đã không còn chọn lựa nào khác ngoài việc nhắm mắt ra đi với chiếc ghe ộp ẹp và một máy đuôi tôm mong manh. Tuy nhiên, vì Huy vẫn muốn tôi cùng đi để có hy vọng thoát được ra ngoài, nên anh đã chuẩn bị cho tôi tất cả giấy tờ giả mạo cần thiết vì lúc đó tôi không có thẻ chứng minh nhân dân cũng như không sống ở Sàigòn. Phần tôi đã phải chia xẻ với Huy rằng, tôi không thể ra đi bỏ lại vợ con được vì tin rằng vợ tôi không thể nào xoay sở chuyện vượt biên với muôn vàn cạm bẩy vây quanh.

 

Lần cuối chia tay, tôi đưa cho Huy chiếc nhẫn cưới của vợ tôi để giúp Huy làm lộ phí, còn Huy vẫn tiếp tục thuyết phục tôi:” Em sẽ chờ Thầy ở bến xe nếu Thầy thay đổi ý kiến”. Sau nầy, qua bạn bè và các học trò khác, tôi biết được rằng Huy và các bạn đã chờ tôi cho đến khi chiếc xe đò cuối cùng rời xa cảng để đi miền Tây. Chuyện vượt biên của Huy và các bạn cuối cùng rồi cũng đi đến một đoạn kết toàn bích khi được tàu Đài loan cứu vớt sau nhiều ngày trôi lênh đênh ngoài khơi, không thức ăn và nước uống vì tất cả các thứ trên đã rơi xuống biển ngay ngày đầu tiên xuất hành. Huy định cư ở Minnesota và tiếp tục việc học cho đến khi có nghề nghiệp vững chắc tại quê người.

Chuyện vượt biên của Huy và các bạn (nhóm 17) đã để lại một dấu ấn lớn trong tôi và Huy. Chúng tôi đã bị buộc tội là lường gat và tòng phạm lường gạt qua những lời đánh giá của một số bạn bè và bà con tôi có tham dự và đóng góp tài chánh vào chuyện vượt biên trên.

 

Thời gian qua đi, rồi cũng đến lượt tôi vượt thoát được. Không biết nhờ đâu Huy hay tin, và đã gữi tiền qua cho tôi chi dụng trong suốt thời gian ở đảo. Tôi định cư ở Sacramento chưa được một tháng thì Huy từ Minnesota qua thăm tôi. Thầy Trò trùng phùng sau hơn bốn năm xa cách, tôi và Huy như những người thân thiết tự bao giờ lại được gặp nhau. Huy cho biết vẫn còn vừa đi học, vừa làm việc toàn thời gian để có thể chu cấp cho gia đình còn ở lại Việt Nam cũng như cố gắng lo cho các em tìm phương tiện để vượt biên. Cho đến hôm nay, tôi tin rằng không ai có thể chê trách Huy trong việc hy sinh cho gia đình cũng như tình cảm của Huy đối với bạn bè và tha nhân. Trong số những người bạn thân còn kẹt lại ở Việt Nam, rất nhiều đã nhận được một máy điện toán cá nhân do Huy gữi về làm quà biếu để con cái các bạn nầy có thêm điều kiện để vươn lên.

 

Sau nầy, tuy đường xa cách trở, nhưng hầu như những lần nào có dịp sang California, Huy đều ghé qua nhà tôi để, một là thăm gia đình tôi, hai là dành thì giờ để Thầy Trò trao đổi chuyện nhân tình thế thái. Với tôi, những chầu lai rai và những lúc hàn huyên tâm sự nầy thường kéo dài cho đến khi cả Thầy và Trò đều mõi mệt, quả thật là một niềm an ũi cho cá nhân tôi trong thời gian bắt đầu đời tỵ nạn. Tôi còn nhớ có lần Huy và các bạn về thăm cùng rũ tôi đi Reno, một trung tâm giải trí và cờ bạc ở Nevada, Huy đã kín đáo dúi vào tay tôi một chồng token để tôi có phương tiện tham dự vào cuộc chơi vì Huy biết tôi không có tiền lúc đó.

 

Thấm thoắt đã gần 30 năm, tình nghĩa Thầy Trò không hề suy suyển mà trái lại ngày càng sâu đậm thêm ra. Trước sau, Huy vẫn luôn gọi tôi bằng tiếng Thầy, xem các con tôi không khác gì em ruột, mặc dù tôi chưa hề dạy Huy một chữ! Tôi nghĩ, có chăng tôi đã cho Huy thấy tấm long chơn thật của tôi đối với riêng Huy và với tất cả mọi người. Có phải tôi và Huy đã gặp nhau ở một điểm chung là nghĩ đến tha nhân hơn chính  bản thân ?

 

Năm nay, Huy đã gần bước qua tuổi tri thiên mạng, nhưng dường như “trời xanh quen thói “râu mày” đánh ghen” cho nên Huy vẫn sống một mình trong nổi cô đơn riêng. Đổi lại, tất cả các em của Huy đã được Huy giúp đến bến bờ tự do, khuyến khích chỉ bảo trong việc học hành cho đến ngày thành tựu, và lo lắng cho nên vợ nên chồng. Về phía bạn bè, sự có mặt của Huy bao giờ cũng là niềm vui của biết bao người mong đợi.

 

Tôi viết bài nầy về Huy vì tôi nghĩ Huy đã làm tất cả những gì mà một người có thiện tâm đã làm. Huy hiếm khi đi chùa, nhà thờ để cầu nguyện, không nói nhiều mà chỉ hành động với lòng bác ái, vị tha. Dưới mắt tôi, Huy quả là một con người đúng nghĩa. Trong lúc còn sống ở quê nhà, dưới áp lực của việc tranh tìm miếng cơm manh áo, lòng người dường như dững dưng trước thảm cảnh của người chung quanh. Trong xã hội ta đang sống hiện tại, vật chất đứng hàng đầu, cá nhân là điểm tựa chính thay thế cho gia đình, vì vậy quả thật khó kiếm được một người chân chính. Tôi may mắn có được một người học trò giúp tôi có thêm được một niềm tin vào tình người. Tôi không nghĩ mình đã lộng ngôn khi kết luận rằng Huy rất xứng đáng là một tấm gương cho nhiều người trong đó có chính bản thân tôi.

 

Nếu đọc được những dòng Thầy viết ra đây, chắc Huy không khỏi “bực mình” vì Huy vốn khiêm nhường, nhưng Huy sẽ thông cảm với sự tin tưởng của Thầy rằng Huy vẫn sẽ tiếp tục . .. một người học trò.

 

Mai Thanh Truyết

Orange 01/01/02