Phát Triển Bền Vững:

Một Thách Thức Lớn Cho Toàn Cầu

Mai Thanh Truyết.

 

Mười năm sau Hội nghị Thượng đỉnh về Toàn cầu hóa tại Rio de Janeiro, Hội nghị Thượng đỉnh về Phát triển Bền vững (World Summit on Sustainable Development) sẽ diễn ra từ 2 đến 9 tháng 9 năm 2002 tại Johannesburg, Nam Phi. Mục đích chính của hội nghị là thẩm định lại các tiến bộ và các vấn đề còn tồn tại do Hội nghị Toàn cầu hóa đề ra mười năm trước đây. Hội nghị kỳ nầy do Hội đồng Quốc tế các Hiệp hội Hóa chất bảo trợ (International Council of Chemical Associations). Đây là một tổ chức phi chính phủ (NGO), cho nên Hội đồng quốc tế có đủ tư cách khách quan trong việc thẩm định kết quả của các quyết nghị trước kia.

Liên Hiệp Quốc là cơ quan bảo trợ cho Hội nghị thượng đỉnh năm 1992. Ngoài những nghị quyết về môi trường, Hội nghị trên đã đề ra một phương hướng mới; đó là khái niệm về phát triển kinh tế bền vững. Từ đó, Nghị trình 21 (Agenda 21) của Liên hiệp Quốc, được xem như là kim chỉ nam của kế hoạch phát triển toàn cầu cho thế kỷ 21,  ghi nhận như sau:” Mọi thành viên trên thế giới đều có đủ tư cách pháp nhân để thụ hưởng một đời sống có ích và lành mạnh (productive and healthy life).” Đây là một mục tiêu rất tích cực, theo đó LHQ đã đề ra 27 nguyên tắc chung và hy vọng đạt được mục tiêu đã ghi trong Nghị trình 21 cho toàn thế giới.

 

Trong Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới, các quốc gia thành viên sẽ lần lượt khảo sát kết quả của Nghị trình 21 đề ra từ mười năm trước và từ đó sẽ  đề nghị hai mục tiêu mới như: - cần phải tác động và đặt trọng tâm vào những mục tiêu ưu tiên nào trước trong Nghị trình 21? – nhấn mạnh vào các hành động tự nguyện của các quốc gia thành viên đã cam kết trước đây.

Theo định nghĩa của Nghị trình 21, sự bền vững là quyền phát triển của mỗi quốc gia cùng tuân thủ theo những tiêu chuẩn giống nhau đã được đồng thuận trước đây, trong đó nhu cầu của hiện tại và tương lai phải phù hợp với những yêu cầu cho phát triển và môi trường.  Do đó, dựa trên lý thuyết và từ khái niệm bền vững trên, sẽ không có quốc gia nào có thể tự cho là ngoại lệ và không bị ràng buộc vào những điều luật về bảo vệ môi trường đã được phê chuẩn trước đây. Thêm nữa, các quốc gia cần phải cộng tác khắng khích hơn để đẩy lui sự nghèo đói và phụ giúp các nước nghèo có điều kiện để hoàn tất tiến trình phát triển bền vững chung cho toàn thế giới.

Đây quả thật là một khái niệm rất cao thượng và quý phái. Cao thượng vì đã tỏ rỏ được lòng nhân đạo cho cả nhân loại. Quý phái vì đã xóa bỏ được lòng vị kỷ dân tộc và lưu tâm đến mưu cầu cho tha nhân.

Nhưng, mười năm sau khi khái niệm phát triển bền vững ra đời, những tiến bộ hay thay đổi tích cực ở các quốc gia trên thế giới có thể hiện đúng như đã hoạch định hay không? Các kết ước toàn cầu như trợ giúp lương thực, xóa đói, giảm nghèo, xóa nợ, tài trợ kỹ thuật… cho các quốc gia nghèo. . .  có được các quốc gia hậu kỹ nghệ tuân thủ hay không?  Đó là những câu hỏi cần phải tìm hiểu thêm nữa trong tình trạng toàn cầu hiện tại.

 

Kinh nghiệm mười năm

Từ khi có cuộc khủng hoảng môi trường vào những năm đầu của thập niên 70, Hoa kỳ là quốc gia đầu tiên bắt đầu thiết lập các luật lệ về môi trường. Qua những năm đầu 80, các quốc gia Tây phương cũng lần lượt thành lập các cơ quan về bảo vệ môi trường. Cũng kễ từ đó, các nước bắt đầu ngồi lại với nhau đễ thảo luận về những luật lệ môi trường có tính cách toàn cầu hóa. Hội nghị thượng đỉnh 1992 đã thể hiện tinh thần toàn cầu cao độ và là bước khởi đầu cho khái niệm phát triển bền vững. Những ký kết, những giao ước.. . đã được tiếp tục thảo luận trong các năm tiếp theo hầu hoàn chỉnh mọi khía cạnh của vấn đề chung cho thế giới.

Cũng cần nên nhắc lại một số ký kết căn bản trong kỳ Thượng đỉnh nầy. Đó là ký kết về: 1-Đa dạng sinh học nói lên tính chất bảo vệ môi trường, giám sát và chia xẻ hổ tương các vấn đề môi sinh giữa các quốc gia. 2- Luật về Biển để điều hòa các mặt kinh tế trên mặt biển như ấn định  hải phận và bảo vệ nguồn cá biển của từng quốc gia. 3- Luật Đánh cá ngoài biển khơi. 4- Luật về hạn chế lượng khí thải hồi vào không khí qua Thượng đỉnh Kyoto. 5- Luật cấm chuyển vận các phế thải kỹ nghệ và nguyên tử qua các quốc gia kém mở mang.

Tuy nhiên, sau mười năm thực hiện, nhiều mặt tiêu cực vẫn còn tồn tại như:

 

·         Các quy định ở Thượng đỉnh Kyoto (1997) về kiểm soát và giảm thiểu mức hâm nóng toàn cầu vẫn không được sự đồng                            thuận của các quốc gia trên thế giới. (sẽ có bài viết chi tiết về vấn đề nầy).

·         Các ký kết tóm tắt ở phần trên cũng không được các quốc gia kỹ nghê áp dụng triệt để.

·         Hình ảnh một thế giới phát triển “không bền vững”, hoàn toàn đi ngược với tinh thần của Thượng đỉnh Rio de Janeiro năm 1992 lại được tô đậm hơn. Đó la:ø 1) -Khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia càng lớn dần so với các nước Bắc bán cầu và Nam bán cầu; 2)- Đối với các quốc gia đang phát triển, giai cấp giàu chiếm thiểu số, giai cấp nghèo chiếm tuyệt đại đa số và giai cấp trung lưu (thể hiện cho sức mạnh của một quốc gia) chiếm tỷ lệ rất khiêm nhường; 3)- Trên thế giới vẫn còn có hàng tỷ người không có điều kiện tiếp cận và xử dụng nguồn nước sạch, hệ thống vệ sinh thường thức hàng ngày, có mức dinh dưởng tối thiểu, có nơi cư trú an toàn, và được chăm sóc sức khỏe; 4)- Tệ hại nhất, môi sinh tòan cầu đang phải gánh chịu hậu quả do sự phát triển “không bền vững” gây ra.

 

Mặc dù có trên 170 nguyên thủ quốc gia đã từng ngồi lại trong kỳ Thượng đỉnh 1992, nhưng việc thực hiện và tuân thủ các kết ước hầu như chỉ có trên giấy trắng mà thôi. Còn trên thực tế, do điều kiện và quyền lợi của từng quốc gia, việc thực thi các kết ước khó có thể xảy ra hay xảy ra đúng hạn kỳ. Một thí dụ căn bản là là tất cả các quốc gia giàu đều đồng thuận trên quan điểm “xóa đói, xóa nợ” cho các nước nghèo. Nhưng trên thực tế, sự trợ giúp vẫn còn nhỏ giọt chưa đủ để giải quyết vấn đề cho từng quốc gia, đừng nói đến việc tiếp cận các vùng đất rộng lớn cần phải được chăm sóc.

Thêm một thí dụ khác về việc ứng dụng các quy trình sản xuất sạch để bảo vệ môi trường. Việc nầy đã được các quốc gia hậu kỹ nghệ nghiên cứu kỹ lưỡng, tuy nhiên hầu như họ chỉ nhắm vào mục đích là làm tăng lợi nhuận trong sản xuất qua sự giảm thiểu nguyên liệu, hóa chất và chất phế thải. Qua chương trình Hóa học Xanh  cho Dược phẩm (Green Chemistry for Pharma) với mục đích khuyến khích nghiên cứu các quy trình sạch trên, công ty dược phẩm Pfizer đã thành công trong việc cải thiện quy trình sản xuất của một loại thuốc an thần nổi tiếng Sertraline, có tên thương mãi là Zoloft. Quy trình mới là giảm thiểu các công đoạn hòa tan và kết tinh, cộng thêm sự oxit hóa... do đó làm giãm lượng dung môi xử dụng cho một tấn thuốc sản xuất là 55.000 gallons. Mức sản xuất hàng năm ngoài dung môi ra ước tính giảm thiểu được 440 tấn titanium dioxide, 150 tấn acid clorhydric 35%, và 100 tấn sút 50%, và quan trọng nhất là hạn chế một số lượng phế thải lớn trong sản xuất. Tuy việc làm trên đã tiết giảm một chi phí lớn lao nhưng giá bán ra thị trường của Zeloft càng tăng thêm: US$ 65.00 trong năm 2002 cho một hộp 30 viên 50mg so với $50.00 cách đây hai năm khi chưa áp dụng quy trình sạch! Vô hình chung những việc tương tự chỉ làm tăng khoảng cách giàu nghèo ngay cả chính trong các nước phát triển và hoàn toàn đi ngược lại với nguyên tắc của “phát triển bền vững”

 

Mục tiêu của Hội nghị Thượng đỉnh Johannesburg

 

Mục tiêu cao thượng của phát triển bền vững dựa vào ba yếu tố căn bản: phát triển xã hội, phát triển môi trường, và phát triển kinh tế. Do đó muốn đạt được mục tiêu, mỗi quốc gia cần phải thỏa mãn ba yêu cầu trên.

Trước hết về mặt phát triển xã hội, các tiêu chuẩn chung áp dụng cho các quốc gia trên thế giới quả khó thực hiện. Mỗi quốc gia có những điều kiện đặc thù về văn hóa và cấu trúc xã hội riêng. Cho nên định nghĩa chung cho phát triển xã hội vẫn còn là một khái niệm mơ hồ và thường phải đặt căn bản trên phát triển kinh tế của từng quốc gia .

Về mặt phát triển môi trường, mặc dù có thể có được những điểm đồng thuận trong việc thiết lập các bộ luật môi trường của cho mỗi quốc gia, tuy nhiên việc áp dụng vẫn còn tùy thuộc nhiều vào dân trí, điều kiện xã hội và kinh tế của từng quốc gia. Từ đó việc áp dụng các luật lệ càng khó có thể đi đến đồng nhất được.

 

Tóm lại, chỉ còn mặt phát triển kinh tế là có thể đo lường một cách “biểu kiến” việc phát triển bền vững. Mặt nầy còn có thể cụ thể hóa và định lượng được mức độ phát triển qua việc sản xuất, bảo vệ môi trường, và đem lại phúc lợi cho người dân. Một thí dụ đơn giản sau đây cho chúng ta hình dung được một sự phát triển bền vững ứng hợp cho mỗi quốc gia: Một nhà máy sản xuất nước uống cho thành phố, nếu bảo quản môi trường nghiêm chỉnh qua quy trình thanh lọc sạch, và làm giảm chi phí sản xuất tối đa là một hình ảnh phát triển bền vững vì đã thỏa mãn được ba mục tiêu căn bản do Hội nghị đề ra. Trước hết, nó thỏa mãn được việc bảo vệ môi trường, mang thêm phúc lợi vào việc phát triển xã hội (như tăng công ăn việc làm cho người dân, có thêm thuế để xây dựng hạ tầng cơ sở cho xã hội..), và sau cùng thỏa mãn được điều kiện phát triển kinh tế.

Gần đây, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Anan có đề nghị 10 ưu tiên để đem ra thảo luận trong kỳ Thượng đỉnh sắp tới ở Johannesburg. Các ưu tiên nầy cũng dựa trên ba yếu tố căn bản nói ở phần trên. Và có thứ tự như sau:

 

·         Thúc đẩy việc toàn cầu hóa cho phát triển;

·         Xóa nghèo và tạo dựng môi trường sống bền vững;

·         Thay đổi các hiện tượng “không bền vững” trong sản xuất và tiêu thụ;

·         Khơi động quan niệm mới về sức khỏe xuyên qua phát triển bền vững;

·         Cung cấp nhu cầu năng lượng  và xử dụng năng lượng có hiệu quả cho tất cả các quốc gia;

·         Quản lý hệ thống môi sinh và đa dạng sinh học theo chiều hướng bền vững;

·         Quản lý chặt chẻ và có hiệu quả nguồn nước ngọt trên thế giới;

·         Chuyển tải kỹ thuật và tài chính cho những quốc gia có nhu cầu phát triển;

·         Đặc biệt thực thi phát triển bền vững cho Phi Châu;

·         Và tăng cường hệ thống đa chính phủ cho việc bảo vệ sự phát triển bền vững.

 

Qua 10 đề nghị ưu tiên trên, quả thật Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc đã có một tầm nhìn chính xác về những vấn đề của tòan cầu hiện tại.

Tóm lại, thách thức lớn lao và duy nhất cho việc phát triển bền vững cho toàn cầu là mọi dịch vụ phát triển cho dù có tầm vóc nhỏ bé hay to lớn đều phải hội đủ ba điều kiện  căn bản của phát triển. Nếu có được như thế, và nếu được tất cả các quốc gia tham dự Hội nghị đồng tâm hiệp lực và nghiêm chỉnh hưởng ứng thì sự phát triển bền vững tòan cầu có cơ may xảy ra trên hành tinh nầy.

Tuy nhiên, kinh nghiệm và thực tế khó cho phép chúng ta có những ý nghĩ tích cự c và lạc quan về phát triển bền vững cho toàn cầu.

 

Hy vọng tương lai

Đứng về mặt thực tế, chúng ta sẽ chờ đợi những kết quả gì nơi Hội nghị Johannesburg? Nghị trình 21 mười năm trước đây quả là cao đẹp. Nhưng mười năm đã trôi qua với những lời hứa suông của các quốc gia hậu kỹ nghệ, cũng như đối với các quốc gia đang phát triển, vì nhu cầu phát triển mà không quan tâm đến những vấn nạn môi trường cho toàn cầu hay cho chính họ.

Mặc dù cùng nhau kêu gọi phát triển bền vững, nhưng tùy theo hoàn cảnh và nhu cầu của từng quốc gia, việc phát triển kinh tế hầu như được chú trọng hàng đầu so với việc bảo vệ môi trường. Ngay cả đối với một quốc gia tiên phong trong việc bảo vệ môi trường như Hoa kỳ, chính quyền vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn vi phạm môi trường do các nhà sản xuất gây ra.

 

Từ những nhận định trên, dù có suy nghĩ tích cực đến đâu đi nữa, chúng ta khó nhìn thấy được những đóng góp hữu hiệu cho việc phát triển bền vững để bảo vệ môi trường toàn cầu trong tương lai, vì:

 

·         Các nhà sản xuất ở từng quốc gia sẽ cũng chỉ chạy theo lợi nhuận và giảm thiểu mức chi thấp nhất trong phát triển;

·         Tinh thần quốc gia cực đoan, và sự e dè trong việc can thiệp vào nội bộ các quốc gia khác;

·         Hệ thống tham nhũng từ cao xuống thấp ở những quốc gia đang phát triển hầu như vô phương cứu chửa. Dù luật lệ môi trường có khắc khe đến đâu, thì việc xử lý phế thải độc hại trong đất, không khí và nguồn nước do sản xuất và phát triển cũng sẽ bị ém nhẹm hay lãng quên;

·         Các chính phủ của những quốc gia đang phát triển vì nhu cầu cấp bách của cán cân mậu dịch mà phải tăng gia phát triển kinh tế và lãng quên yếu tố bảo vệ môi trường, dù họ biết rất rõ hệ luỵ nầy sẽ đưa đến những xáo trộn trong việc phát triển xã hội sau đó;

·         Tệ hại hơn cả là các cường quốc và quốc gia “thực dân , phong kiến” vẫn còn giữ quan niệm về chủ nghĩa “nước lớn”, không cần tuân thủ các luật lệ quốc tế về toàn cầu hóa mà Trung quốc là thí dụ điển hình nhất trong việc quản lý sông Mekong qua việc xây dựng các đập ở thượng nguồn.

 

Tuy nhiên, Hội nghị thượng đỉnh sắp tới cũng mang lại niềm hy vọng cho chúng ta. Đó là hy vọng các quốc tham dự nhận thức được chân giá trị của vấn đề phát triển bền vững toàn cầu. Vì đó là hướng đi đúng đắn duy nhất cho tương lai của thế kỷ 21 nầy.

Phát triển bền vững tuy vẫn là một khái niệm, nhưng từ nhận thức nầy, các quốc gia sẽ thấy nhu cầu cần thiết phải học hỏi những kinh nghiệm lẫn nhau để từ đó đi đến việc hợp tác hài hòa giữa các dân tộc hay giữa các quốc gia. Việc ngồi lại nầy có thể là mục tiêu sau cùng mà Hội nghị Thượng đỉnh Johannesburg ước ao thực hiện.

 

Mai Thanh Truyết

West Covina 5/2002