Chiều Hướng Phát Triển VIỆT NAM Trong Thế Kỷ 21
Thế giới ngày nay đang chuyễn dịch dần theo xu hướng toàn cầu hóa trong mọi lãnh vực từ chính trị, quân sự, kinh tế đến khoa học, phát triển và môi sinh.... Lằn ranh biên giới giữa các quốc gia đang lần lần được tháo gở để nhường bước cho những qui định chung đã được bàn thảo và đồng ý trước. Các quốc gia trong Liên hiệp Âu châu đã đi tiên phong trong việc áp dụng cùng một hệ thống tiền tệ (đồng Euro dollar), và thuế khóa khi giao dịch. Do đó chiều hướng mới của lịch sử toàn cầu là sẽ khó có thể chấp nhận một nước nào trên thế giới đứng độc lập hay tự cô lập. Không một hiện tượng hay vấn nạn nào xảy ra cho một quốc gia mà không liên đới ảnh hưởng đến các quốc gia khác. Biên giới địa dư đang bị xóa dần dưới nhiều hình thức khác nhau và tùy thuộc vào các liên hệ tương quan về chính trị – kinh tế giữa các quốc gia với nhau.
Bầu khí quyển bao bọc thế giới cần được mọi người lưu tâm đúng mức và có biện pháp xử lý cấp thời. Nguồn nước sinh hoạt, các mạch nước ngầm...cần phải được san sẻ giữa các quốc gia để tránh cảnh thiếu-thừa. Các giòng sông lớn sẽ không còn là tài sản của bất cứ quốc gia nào. Các nước không thể viện dẫn một lý do nào để quản lý và sử dụng tắc trách nguồn nước chảy xuyên suốt qua địa phận mình mà không có sự tham dự và thảo luận của các quốc gia liên hệ. Một thí dụ điển hình là sông Mekong: Mọi quyết định trên dòng sông nầy sẽ PHẢI được sự đồng thuận của 7 quốc gia liên hệ, chứ không tùy thuộc vào quyết định đơn phương của “chủ nghĩa nước lớn” Trung Quốc như hiện nay. Đó là: Tây Tạng, Miến Điện, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Cao Miên, và Việt Nam.
Tất cả phải cùng chăm sóc các đại dương để bảo vệ nguồn tài nguyên biển cho nhân loại, ngăn chặn kị+p thời các vi phạm đến từ bất cứ quốc gia nào. Sẽ không còn một địa danh nào trên quả địa cầu được xem là miễn nhiễm hoàn toàn cả!
Ngay cả trong lãnh vực tôn giáo, Tây phương đã lần lần từ bỏ ý niệm dân tộc của họ là con của Thượng đế, là một giống người đã được soi sáng và co nhiệm vụ khai phóng cho các dân tộc khác. Ngày nay đã có ít nhiều cảm thông về lòng tin giữa các tôn giáo với nhau. Tuy nhiên, trên trái đất nầy vẫn còn tồn tại nhiều xung đột gay gắt giữa Thiên chúa giáo và Hồi giáo. Tình trạng nầy cần phải được dứt điểm trong những ngày sắp đến. Và trong tương lai tôn giáo sẽ không còn là những cuộc tranh chấp dành quyền lãnh đạo tinh thần của con người, mà phải là một tác hợp liên đới trong đó mọi đức tin của mỗi tôn giáo đều được tôn trọng như nhau. Đây cũng chính là hiện tượng toàn cầu hóa cho vấn đề tâm linh của con người.
Việt Nam, một thành tố của cộng đồng thế giới, nếu muốn tìm một hướng đi thích ứng cho đất nước cũng phải hội nhập vào xu hướng chung của toàn cầu. Quả thật không còn con đường nào khác hơn cho các quốc gia trên thế giới; ngay cảø một nước hùng mạnh về quân sự và kinh tế như Hoa Kỳ hay một nước đang trên đà phát triển như Việt Nam. Đây mới đích thực là bánh xe lịch sử mà Việt Nam phải quay theo. Mọi chiều hướng khác biệt chắc chắn sẽ dẫn dắt Việt Nam vào ngõ cụt của sự bế tắt kinh tế – chính trị của cả nước.
Do đó, với chiều hướng suy nghĩ trên, các gợi ý sau đây là những đề nghị cho Việt Nam trong khi bước vào thiên niên kỷ mới.
Việt Nam cần phải hội nhập và nói cùng một ngôn ngữ với thế giới. Sự tiến bộ và phát triển hài hòa trong mọi lãnh vực để phục vụ phúc lợi cho người dân ở các quốc gia tiên tiến là một đúc kết qua bao thế kỷ của mọi tập hợp trí tuệ trên thế giới. Vì vậy, không có tự ái dân tộc nào cho phép chúng ta dùng những kết quả thực tiển ấy để ứng dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Phủ nhận điều trên tức là tự đưa tương lai dân tộc vào bóng đêm của sự tụt hậu.
Phát triển quốc gia và ô nhiễm môi trường là hai yếu tố liên quan chặt chẻ với nhau, và không còn là vấn đề của từng quốc gia riêng rẽ nửa. Không khí ô nhiễm của các nhà máy sản xuất ở Vân Nam – Trung Quốc – đã di chuyễn đến tận Hoa Kỳ. Các đám mây đen do hiện tượng đốt rừng để phát triển nông nghiệp ở Nam Dương đã từng che phủ bầu trời Mã Lai Á và Tân Gia Ba hằng năm. Do đó sẽ không có một qui luật riêng biệt nào áp dụng cho mỗi quốc gia cả, mà mọi nước phải theo một qui luật liên đới toàn cầu mà Nghị trình-21 của Liên Hiệp Quốc là một kết ước tương đối hòan chỉnh nhất hiện nay. Và Việt Nam sẽ không thể là một ngoại lệ!
Chấp hành qui tắc chung của thế giới để phát triển hài hòa cho đất nước là con đường tối ưu phải đi. Không thể nào vì muốn có thêm ngoại tệ nặng để trang trải ngân sách thiếu hụt mà phải khai thác tận cùng nguồn tài nguyên đất đai, sử dụng thuốc sát trùng và phân bón hóa học một cách vô trách nhiệm ... để mang đến kết quả sau cùng là người dân phải chịu thêm tình trạng khan hiếm nguồn nước và môi trường bị ô nhiễm ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai.
Chúng ta đã nghe nhiều tin tức về chất màu da cam (chứa độc tố dioxin) trong thuốc khai quang mà Hoa Kỳ gieo rắt trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Hiện tại, chúng ta lại tự nguyện tiếp tục vung rãi DDT, PCBs..., các chất hóa học độc hại dưới mọi hình thức của thuốc sát trùng, diệt cỏ dại, diệt sâu bọ ... lên mãnh đất thân yêu Việt Nam. Các loại hóa chất trên có cùng một ảnh hưởng tác hại trên con người tương tự như dioxin. Đây có phải là một hình thức đúng đắn mang lại phúc lợi cho người dân hay đưa dân tộc vào con đường tự diệt?
Đối với các qui luật về quản lý môi trường, đất, nước, không khí...đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới cũng như các định mức về ô nhiễm đang được các nước chấp hành nghiêm chỉnh, Việt Nam cần tuân thủ các luật lệ trên để tránh khỏi bị tụt hậu ngay cả về phát triển kinh tế quốc gia cùng phúc lợi cho người dân. Từng bước học hỏi và chấp hành các qui luật trên hầu tìm biện pháp giải quyết thích ứng cho từng vấn nạn đặc biệt của đất nước nhất là vấn nạn ô nhiễm môi trường. Thay vì tiếp tục kêu gào trên báo chí, kêu gọi sự giúp đở của thế giới, cần nên tập trung trí tuệ hiện có và các phương tiện khả thi của chính mình để lần lần tháo gở các vấn nạn trên. Có làm được như thế dân trí sẽ tăng trưởng dần và người dân sẽ là những trợ lý đắc lực để giúp chính quyền lần lần hoàn chỉnh quy trình phát triển quốc gia phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Việt Nam đang có nhiều lợi điểm: 1- lực lượng lao động còn non trẻ và có khả năng thích ứng với thị trường sản xuất, 2- kinh tế-kỹ nghệ đang phát triển và đang cần được phát triển mạnh, 3- nhu cầu của người dân còn quá lớn so với mức sản xuất của quốc gia. Từ ba lợi điểm căn bản trên, bất cứ quốc gia có kỹ thuật cao nào cũng đều muốn đầu tư vào để trục lợi. Do đó cần cân nhắc đắn đo mọi đề xuất để có một phương án chung hài hòa cho điều kiện Việt Nam, tránh trùng lấp và giảm thiểu mọi tác hại đến mức tối đa.
Mặc cảm bị ngoại quốc khai thác cũng như rụt rè trong quyết định sẽ làm cho đất nước mất cơ hội thu ngắn sự cách biệt giữa phúc lợi quốc gia so với các nước trên thế giới. Chấp nhận đầu tư bừa bãi không cân xứng với nhu cầu quốc gia và không theo qui luật chẳng hạn như phát triển không đồng bộ về du lịch, khách sạn, giải trí ...sẽ không mang lại phúc lợi cho đại đa số mà ngược lại, chỉ làm tăng thêm hố cách biệt giữa các tầng lớp dân chúng trong nước.
Việc sản xuất dư thừa các nguồn tiêu thụ không cần thiết cho người dân như rượu, bia, và thuốc lá chỉ làm tăng ngân sách quốc gia và địa phương một cách “biểu kiến” và quên đi gánh nặng y tế trong việc chửa trị các chứng bịnh nan y, hệ lụy của việc tiêu dùng các sản phẩm trên cho các thế hệ tiếp nối.
· Từ những hợp tác quốc tế và đầu tư, Việt Nam dần dần tạo được một đội ngủ thợ chuyên môn có tay nghề cao, một tầng lớp chuyên viên kỹ thuật và quản lý đầy kinh nghiệm sẳn sàng thay thế sự hiện diện của các chuyên gia ngoại quốc. Tiếp cận với khoa học kỹ thuật tiên tiến, hấp thụ các công trình công nghệ cao.... là con đường ngắn nhất để đem đất nước đi vào thịnh vượng đáp ứng với các định luật phát triển toàn cầu.
Việt Nam cần rút kinh nghiệm từ những thất bại do việc thiếu quy hoạch cho phát triển trong quá khứ, mà hai thí dụ điển hình là nhà máy giấy do Thụy Điển viện trợ ở Thái Nguyên và nhiều nhà máy đường rãi rác từ Quảng Ngãi đến các tỉnh miền Đông Nam Việt. Ở từng địa phương, nguyên liệu tre, nứa, mía không đủ để cho các nhà máy trên hoạt động có hiệu quả về năng suất vì nhu cầu nguyên liệu chỉ có khả năng cung ứng vài tháng trong năm. Suy nghĩ “có đâu làm đó” chỉ là một suy nghĩ hết sức ấu trỉ, không thể áp dụng cho một kế họach có tầm vóc quốc gia. Cho nên cần phải chấm dứt tình trạng nầy ngay tức khắc.
· Rốt ráo hơn nữa, Việt Nam hiện tại đang ở giữa ngã ba đường trước các cực kinh tế – quân sự có ảnh hưởng gián tiếp hay trực tiếp lên vận mạng đất nước như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật, Đại Hàn, Úc châu, Âu châu, và thế giới Hồi giáo. Mỗi cực đều có ít nhiều lý do liên hệ và ảnh hưởng đến Việt Nam.
Không một quốc gia nào trên thế giới có thể tự nhận hoàn toàn độc lập và không liên hệ đến thế giới bên ngoài. Ngay cả hai cường quốc Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hiện tại, Hoa Kỳ có còn hoàn toàn miễn nhiễm về bịnh sốt rét và lao phổi như đã từng công bố cách đây mấy chục năm không? Trung Quốc cuối cùng rồi cũng phải dọn con đường mở cửa giao thương với thế giới bên ngoài để hội nhập vào cộng đồng quốc tế, chấm dứt giai đoạn bế quan tỏa cảng làm cho đất nước bị trì trệ trong suốt thời gian dài. Người Việt với truyền thống hiền hòa và dễ tha thứ sẽ sẵn sàng kết hợp lại để cùng đưa đất nước đi tới nếu chính quyền thực sự tỏ quyết tâm mang niềm tin đến cho người dân. Muốn được như thế việc điều hành quốc gia phải có tính xuyên suốt – transparency- và mọi người dân đều phải được cư xử bình đẳng với nhau căn cứ theo luật lệ hiện hành. Bất cứ ngoại lệ nào rồi cũng đưa đất nước đến xáo trộn và bất ổn. Sự trong sáng trong báo cáo chính thức, thành thật trong thống kê sẽ là chất kết dính để tạo ra sự đoàn kết dân tộc trong bất cứ tình huống nào. Làm được như thế, Việt Nam có thể biến cải các yếu điểm của mình về kỹ thuật, nguồn vốn, đội ngũ công nhân chuyên môn non tay nghề...thành nguồn trợ lực chính thúc đẩy phúc lợi cho người dân trong nước với vận tốc nhanh hơn.
· Hiện tại, ngân sách Việt Nam chỉ chiếm 0,1% tổng sản lượng quốc gia để dùng cho việc quản lý môi trường tòan quốc, so với các quốc gia ASIAN là 1,0%; cũng như Việt Nam chỉ cung ứng 3 cán bộ quản lý môi trường cho một triệu người dân so với 70 cán bộ ở các nước ASIAN. Điều nầy cho thấy Việt Nam cần phải nổ lực nhiều trong việc bảo vệ môi trường. Các số liệu trên đã chứng minh một cách hùng hồn rằng Việt Nam không đặt trọng tâm vào việc quản lý và bảo vệ môi trường trong phát triển xã hội. Sự cân bằng giữa quản lý môi trường và phát triển kỹ nghệ là một đòi hỏi cấp bách trong tiến trình phát triển bền vững và Việt Nam cần phải chấp nhận để hạn chế những thảm nạn môi trường trong tương lai.
· Sau cùng, chế độ bao cấp, bù lỗ cho các công ty quốc doanh đã là một trong nhiều nguyên nhân chính làm trì trệ đất nước. Chính chính sách nầy tạo nên sự ỷ lại và thiếu trách nhiệm của cấp lãnh đạo và kéo theo khuynh hướng ù lì, phó mặc của các cấp thừa hành vì tâm lý “cha chung không cần khóc”. Từ đó, sáng kiến cải tiến kỹ thuật khó có thể nẩy mầm từ các chuyên viên có trách nhiệm hoặc công nhân có tay nghề cao vì họ luôn mang nặng một não trạng thụ động trong đầu. Hàng năm Việt Nam tạo thêm ra cho xã hội hàng triệu nhân lực mới. Muốn tạo điều kiện lao động cho số nhân sự nầy cần phải có thêm hàng ngàn cơ sở sản xuất nhỏ và vừa trong một thị trường kinh tế tự do. Có như thế, giai cấp trung lưu mới có điều kiện phát triển nhanh và sẽ là một tiềm lực kinh tế quan trọng cho quốc gia. Tại các quốc gia kỹ nghệ cao, giai cấp nầy chiếm tuyệt đại đa số (khỏang 80%) và là chỉ dấu đo lường sức mạnh kinh tế của một quốc gia. Vì vậy sẽ không còn chọn lựa nào khác cho Việt Nam trong việc giải thể các công ty quốc doanh vì chính các công ty nầy đã làm thui chột đất nước trong một thơì gian quá dài.
· Bài học thứ nhất cho Việt Nam là trường hợp Liên Sô. Lịch sử đã chứng minh rằng ở hầu hết các quốc gia chịu sự thống trị của chế độ xã hội chủ nghĩa đều theo chính sách kinh tế “ảo”. Sau khi Liện Sô sụp đổ, bài học kinh tế ảo của quốc gia nầy đã làm cho người dân của họ phải chịu lầm than nhiều hơn so với các quốc gia phát triền cùng thời. Hơn 10 năm sau khi chế độ marxít tan ra,õ người dân Nga Sô vẫn còn phải chấp nhận hậu quả bi thảm của một chính sách kinh tế ảo trên. Đối với một nền kinh tế nầy, một khi đã đưa vào ứng dụng thì một lượng khổng lồ tài lực và nhân lực sẽ được đổ dồn vào một công trình nào đó trong một thời gian thật ngắn mà không thu lượm được sản phảm nào đáng kễ ngõ hầu có thể tăng phúc lợi cho người dân. Công trình sẽ được hủy bỏ sau đó và được thay bằng những công trình khác, mà kết quả vẫn không khác những kết quả trước kia. Do đó, tài nguyên và nhân lực ngày càng cạn kiệt. Lenine và Staline đã khơi dậy một nền kinh tế ảo cố tạo ấn tượng tốt để che đậy những tráo trở cũng như hành hạ chính dân Nga bằng những chương trình kinh tế vĩ đại. Nhưng kết quả sau cùng vẫn là làm kiệt quệ tài nguyên và nội lực của dân tộc. Cho đến ngày nay, mặc dù có sự trợ giúp của Tây phương, kinh tế Nga sô vẫn còn thoi thóp trong một xã hội hoàn toàn băng hoại về đạo đức. Nội lực dân tộc hòan tòan biến mất trên đất nước nầy.
Một vài số liệu trong báo cáo tháng 10,2002 của International Energy Agency cho thấy mức phát triển “thụt lùi” của Liên bang Sô viết (1990) và Liên bang Nga (2000). Năm 1990, Liên bang Sô viết phóng thích ra 3,5 tỷ tấn thán khí (CO2) trong lúc đó cũng trong năm nầy, tòan thể Liên hiệp Aâu châu phóng thích 4,0 tỷ tấn. Mức thán khi thải hồi vào không khí là một nhân tố thẩm định mức phát triển của một quốc gia. Sau 10 năm, Liên hiệp Aâu châu vẫn giữ nguyên nhịp độ thán khí được thải hồi, trong lúc đó ở nước Nga hậu cộng sản, lượng thán khí thải hồi đã bị sụt giảm còn 2,1 tỷ tấn mà thôi. Với mức phát triển thụt lùi nầy, người dân Nga ngày nay phải “thắt lưng buộc bụng” thêm nữa so với 10 năm trước đây. Đây là một bài học quý cho Việt Nam.
· Bài học thứ hai là trường hợp Chí Lợi. Vào cuối thập niên 80, đất nước Chí Lợi dưới một chế độ độc tài, cũng đang lâm vào một tình trạng bế tắc về kinh tế và môi trường do phát triển không đồng bộ giống như trường hợp Việt Nam hiện tại. Sau khi chế độ dân chủ lên nắm chính quyền, Chí Lợi đã chuyển mình. Chính phủ dân sự đề ra chính sách cân bằng giữa phát triển và bảo vệ môi trường. Và đây là một chính sách đúng đắn của các nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa. Kết quả là, chỉ trong vòng 10 năm, Chí Lợi đã giải quyết căn bản những vấn nạn môi trường do phát triển ồ ạt trước đây gây ra. Do đó, người dân được hưởng thêm nhiều phúc lợi như việc cải thiện giáo dục và y tế công cộng và đồng thời môi sinh cũng được bảo vệ đúng mức. Làm được như thế vì Chí Lợi đã thấy được thế mạnh của người dân và đủ can đảm mở rộng cửa để cho người dân có điều kiện tiếp tay với lãnh đạo trong công cuộc phát triển quốc gia.
Với thành tích đi giây giữa các đối cực quân sự trong quá khứ, chúng ta cố nuôi hy vọng thêm một lần nữa để nhìn thấy Việt Nam có những quyết định khôn ngoan trước khuynh hướng phát triển toàn cầu hiện tại. Phát triển quốc gia đúng đắn, mang lại phúc lợi thực sự cho người dân đòi hỏi một quyết tâm sáng suốt và nghiêm chỉnh.
Mọi vấn nạn hiện tại của Việt Nam đang đi dần đến mức bế tắc gần như vô phương cứu chữa, và người dân sẽ khó chấp nhận trong tương lai nếu còn thấy những sữa sai về chính sách phát triển quốc gia sai lầm nữa.
Nhìn lại 27 năm qua, Việt Nam tuy đã đạt một số tiến bộ trong việc xây dựng và phát triển quốc gia, nhưng chưa đủ mau và mạnh so với nguồn nhân lực, tài nguyên và hiện co,ù cũng như nhu cầu cho dân tộc mà Việt Nam cần phải chu tòan.
Có phải vì những đắn đo, dằn co nội bộ trong chính sách tiếp cận tiến trình toàn cầu hóa không?
Hay vì quan niệm quốc gia cực đoan và mặc cảm trước đàn anh nước lớn Trung Quốc?
Hơn nữa thế kỷ qua, Việt Nam điều hành quốc gia qua việc cấy “sinh tử phù sợ hãi” vào lòng người dân Việt, thì ngày nay có phải vì tâm thức luôn bị ám ảnh về nỗi lo sợ bị đào thải cho nên không dám mạnh dạn thay đổi?
Hoặc Việt Nam vẫn còn “dằn vật” trong định nghĩa về “chính sách phát triển quốc gia theo định hướng xã hội chủ nghĩa”?
Cho dù dưới bất cứ lý do gì đi nữa, yếu tố thời gian vẫn không cho phép Việt Nam mong tìm một hướng đi nào khác hơn được.
Mai Thanh Truyết, West Covina, 12/2002