THẨM  ĐỊNH  MỨC  TÁC  HẠI  CỦA  THUỐC  SÁT  TRÙNG

GỐC ORGANO-PHOSPHATE

 

Mai T. Truyet.

Cho đến thập niên 80, đa số thuốc sát trùng, diệt cỏ dại đều là hóa chất có gốc là một hay nhiều nhân benzen và chlor kết hợp. Sau một thời gian dài sử dụng, các loại thuốc nầy ảnh hưởng lên sức khỏe của con người và gây nhiều tác hại mà điển hình nhất là bịnh ung thư. Do đó các nhà khoa học cố tìm một phương cách kết hợp khác vẫn giữ được hiệu năng mà lại giảm thiểu được mức tác hại. Từ đó, các hóa chất được kết hợp thêm gốc organo-phosphate ra đời và được áp dụng rộng rãi cho đến nay.

 

Mặc dù các nhà sản xuất đã cung cấp rất nhiều công trình nghiên cứu về thẩm định mức tác hại của các lọai hóa chất trên, nhưng các nghiên cứu nầy chưa đủ tính cách thời gian để có thể đưa đến kết quả chính xác và kết luận cững chưa được hoàn chỉnh đặc biệt là đối với những định mức về tác hại lên sức khỏe của con người.

 

Muốn thẩm định ảnh hưởng tác hại của một hóa chất lên sức khỏe của con người, trước tiên cần phải làm nhiều thử nghiệm lên thú vật, rồi từ đó tính ra liều lượng hóa chất có thể tác hại lên con người nghĩa là gấp 10 lần nồng độ cần thiết có thể gây tử vong cho thú vật.

Định mức nầy gọi là nồng độ ô nhiễm tối đa (maximum contaminant level-MCL). EPA cũng vừa công bố mức thẩm định sơ khởi của 31 loại thuốc sát trùng thuộc gốc organo-phosphate. Sự nghiên cứu dựa trên một cơ chế tác hại chung đã được khảo sát cả trên con người lẫn thú vật; đó là tính chất ức chế của diếu tố acetyl cholinesterase. Đây là một đặc tính chung của các loại hóa chất sát trùng có gốc organo-phosphate.

 

Tiến sĩ Stephen Johnson, Phụ tá Giám đốc EPA, phát biểu rằng muốn thẩm định mức an toàn và mức độc hại lâu dài của các loại thuốc sát trùng cần phải có khả năng khai triển và áp dụng các phương pháp khoa học. Do đó, EPA đã đo mức độ độc hại của từng hóa chất bằng cách so sánh mức độ ức chế diếu tố nầy trên methamidophos, một loại thuốc sát trùng đã được khảo sát tường tận về nồng độ độc hại, và từ đó suy ra mức độc hại của từng lọai thuốc sát trùng. Cũng từ những định mức nầy EPA đưa ra được tiêu chuẩn mới trong việc phân tích thực phẩm, nước sinh hoạt, và ảnh hưởng của các cư dân sống trong vùng tiếp cận với thuốc sát trùng. Từ các kết quả sơ khởi trên, EPA nhận định rằng các loại thuốc sát trùng thuộc gốc organo-phosphate hòa tan trong nước uống chưa có chỉ dấu tác hại lên sức khỏe của con người. Tuy nhiên, có 3% trẻ em từ một đến ba tuổi đả bị tiếp xúc quá nhiều hóa chất trên qua đường thực phẩm.

 

Các nghiên cứu sơ khởi kể trên của EPA đã được trình bày trong một tập tài liệu dầy hơn 800 trang; tuy nhiên, tài liệu nầy vẫn chưa được Hiệp Hội Bảo vệ Mùa màng Hoa kỳ bình luận hay công nhận (American Crop Protection Association).

 

Trong chiều hướng chuyển tải các thông tin khoa học, người viết xin trình bày sơ lược các giai đoạn cần thiết để truy tìm mức độ an toàn, thời gian tiếp cận, cùng cung cách xác nhận nồng độ có thể chấp nhận được của các hóa chất thuộc gốc organo-phosphate.

 

Luật Bảo vệ Phẩm chất Thực phẩm ở Hoa kỳ đã được ban hành vào năm 1996 (Food Quality Protection Act- FQPA). Một cách căn bản, theo luật nầy, EPA có trách nhiệm xác định cơ cấu độc hại của tất cả các hóa chất dùng trong kỹ nghệ thực phẩm như thuốc trừ sâu rầy, diệt cỏ   dại, và ảnh hưởng của hóa chất trên lên sức khỏe của con người. EPA cũng còn phải nghiên cứu mọi phương cách tiếp cận độc hại từ thực phẩm, nguồn nước sinh hoạt, và việc sử dụng trong gia đình.

 

Ngày 15/1/2002, Lois Rossi, thuộc Office of Pesticide Programs, EPA, đã công bố kết quả thử nghiệm việc thẩm định nhóm 31 hóa chât thuộc gốc kễ trên và tuyên bố đây chỉ là kết quả ban đầu và chưa có kết luận chính thức từ phía EPA về mức tác hại của từng hóa chất. Tuy nhiên, giới khoa học thấy được những khuyến cáo xem như là kết luận căn bản trong báo cáo trên:  các hợp chất thuộc gốc organo-phosphate trong nguồn nước uống không là nguyên nhân chính gây tác hại lên sức khỏe của con người, mà nguồn thực phẩm mới thực sự là nguyên nhân chính yếu, đặc biệt đối với sức khỏe trẻ em.

 

Từ những suy nghĩ trên, phương pháp thẩm định phải dựa theo nguyên tắc sử dụng một lượng thuốc sát trùng cần thiết để làm giảm 10% tác dụng của diếu tố acetyl Cholinestase trên súc vật.. Định mức trên đây được gọi là “nồng độ thí nghiệm 10” (benchmark dose 10 – BMD10). Phương pháp nấy đã thay thế phương pháp định mức độc hại cũ là dựa trên cách tính định mức độc hại suy diễn từ nồng độ của hóa chất không gây ảnh hưởng lên tính ức chế, do đó không được chính xác.

 

Từ định mức BMD10 của từng hóa chất, EPA xác định được mức độ an toàn lên cơ thể con người bằng cách giảm nồng độ BMD10 xuống 100 lần. Tuy nhiên Quốc hội Hoa kỳ, căn cứ theo luật Bảo vệ Thực Phẩm đã quyết định mức an toàn phải là 10 lần thấp hơn định mức của EPA hay tương đương với 0,001 BMD10 mà thôi.

 

Tư những kết quả nghiên cứu trên, các kết luận ban đầu được trích ra như sau:

·         Các thuốc sát trùng thuộc gốc organo-phosphate hiện diện trong thực phẩm là nguồn nhiễm độc nguy hiểm cho con người, đặc biệt là trẻ em từ 1 đến 5 tuổi. Và tùy theo mức độ bị nhiễm độc của trẻ em , Luật Bảo vệ Phẩm chất Thực phẩm sẽ cho phép FDA thu hồi giấây phép sản xuất của hóa chất có độ ô nhiễm quá định mức. Tuy nhiên,EPA vẫn chưa xác định các định mức của từng hóa chất có gốc trên.

·         Định mức an toàn của EPA cho nước uống là từ 10 đến 100 lần mức độ an toàn áp dụng cho thực phẩm.

 

Căn cứ theo Luật Bảo vệ Thực phẩm, EPA cần phải định mức 9.600 hóa chất thuộc gốc nầy, nhưng cho đến nay, mới chỉ có 31 hóa chất được nghiên cứu tương đối hoàn chỉnh. Hiện tại, EPA cần phải thẩm định lại mức an toàn của hơn 3.200 hóa chất đã được được phép tung ra thị trường căn cứ trên các kết quả thẩm định của các nhà sản xuất.

 

Các dữ kiện trên đây cho thấy rằng việc thẩm định mức độc hại/an toàn của các loại thuốc sát trùng rất cần thiết và cũng rất phức tạp. Nó đòi hỏi sự hợp tác của các nhà sản xuất, cơ quan bảo vệ môi trường, và các cơ quan y tế. Hơn thế nữa, các quốc gia trên thế giới cần phải phối hợp chặt chẻ để việc thẩm định mau đi đến kết quả hầu giảm thiểu mức tác hại lên con người.

 

Trong tình thế hiện tại, chúng ta chỉ mới có một ít dữ kiện về các định mức an toàn của các loại hóa chất nầy cùng các ảnh hưởng của chúng lên sức khỏe của con người. Những ảnh hưởng chính là: - 1) Rối loạn nội tiết có thể làm mất khả năng hoạt động trong việc trao đổi hormone trong cơ thể do đó có thể tạo ra những hiện trạng dị hình dị dạng; -2) Ảnh hưởng lên mức sinh trưởng và sinh sản của con người.

 

Kết luận

 

Các thuốc sát trùng gốc organo-phosphate đã được sử dụng rộng rãi trên thế giới từ hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, mức độ độc hại của từng hóa chất chưa được nghiên cứu và xác định rõ ràng. Danh mục của 31 hóa chất mới vừa được EPA Hoa kỳ công bố chỉ là những nghiên cứu sơ khởi về mức độc hại qua sự giảm thiểu tính ức chế của diếu tố cholinesterase trên cơ thể con người. Nhưng từ đó suy ra mức độc hại ảnh hưởng lên sức khỏe hay kết luận về những nguyên nhân gây ra bịnh tật do các hóa chất trên vẫn còn là một bước dài trong  việc nghiên cứu. Do đó, biện pháp hay nhất hiện tại là biện pháp phòng bị song hành với việc nghiên cứu ảnh hưởng độc hại. Và biện pháp phòng bị hay nhất trong lúc nầy là hạn chế tối đa việc sử dụng các hóa chất trên trong nông nghiệp.

 

Theo báo cáo của Bộ Thương Mại Việt Nam (Báo Người Lao Động, 20/4/2002), mức tiêu thụ thuốc bảo vệ thực vật trong nước hàng năm vào khoảng 1,5 triệu tấn, không kể một số lượng không nhỏ được nhập cảng lậu qua đường biên giới mà chính quyền không thể kiểm soát được. Khi đem con số nầy áp dụng vào tổng dịên tích đất trồng trọt ở Việt Nam chỉ có khoảng 10 triệu hecta, giới làm khoa học có thể thấy nông dân Việt Nam đã sử dụng một số lượng thuốùc bảo vệ thực vật gấp nhiều lần hơn so với nông dân các quốc gia Tây phương. Theo tiến sĩ Ngô Kiều Oanh thuộc Trung tâm Khoa học Tự nhiên, thì với diện tích trồng trọt trong nước hiện tại, chỉ cần độ 50.000 tấn là quá dư thừa rồi. (Nông dân Việt Nam đả sử dụng 30 lần nhiều hơn mức trung bình!). Từ đó suy ra mức độ ô nhiễm các hóa chất độc hại lên thực phẩm tiêu dùng ở Việt Nam để thấy kết quả đương nhiên mà người tiêu thụ trong nước phải hứng chịu: từ cọng rau muống cho đến quả cà, ngó sen. v.v.. . thậm chí cho đến gia cầm, tôm cá,….. .đều có dấu vết của các hóa chất độc hại nầy.

 

Xin đan cử ra đây một thông tin mới nhất xuất phát từ báo chí trong nước về trường hợp xã Cổ Loa ở miền Bắc.Hiện tại nơi xã nầy có tất cả 195 gia đình có người tàn tận với 318 người bị khuyết tật bẩm sinh. Nhiều gia đình có tới 2,3 con bị dị tật. Vá bài báo kết luận một cách đơn giản là tất cả đều do ảnh hưởng của chất độc màu da cam dioxin. Có phải chăng chỉ vì nơi đây có một gia đình của một cựu bộ đội vượt Trường sơn trong thời gian chiến tranh. Thật giản dị (!) và không cần chứng minh! Thật ra, chỉ cần khả năng khoa học kỹ thuật hiện có của Việt Nam cũng đủ để truy tìm những nguyên nhân của hiện tượng nầy . Xin đề nghị kiểm nghiệm mức dinh dưởng của người dân trong xã để tìm xem có sự khiếm khuyết sinh tố vì thiếu dinh dưởng, và thử nghiệm sự hiện diện của các thuốc bảo vệ thực vật thuộc gốc organo-phosphate trong mô mở, gan.. . của những nạn nhân. Hàng trăm các vụ nhiễm độc gần đây đã được các cơ quan y tế Việt Nam xác nhận là do các thuốc kể trên hiện diện trong nguồn thực phẩm.

 

Xin đừng đổ lỗi cho quá khứ chiến tranh nữa. Đã đến lúc chính quyền cần phải can đảm chấp nhận một thực tế là hiện tượng ô nhiễm hóa chất độc hại từ Bắc chí Nam là kết quả của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, thiếu chính sách, không kế hoạch. Và hơn nữa người nông dân Việt Nam chưa được chuẩn bị cũng như chưa được chỉ dẫn tường tận cách dùng các loại thuốc trên. Can đảm chấp nhận thực tế trên, can đảm nhận lãnh trách nhiệm để sửa chửa thì hãy còn có cơ may cứu vãn Đất và Nước được. Không còn thì giờ để chỉ quy trách các thế lực quốc tế có mưu đồ phá hoại.

 

Tình trạng nhiễm độc do thuốc sát trùng và sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng đã đến mức báo động đỏ.

Người Nông dân không còn con đường nào khác hơn là phải tự cứu lấy chính mình!

 

 

Mai Thanh Truyết

West Covina 30/4/2002

Ghi Chú:

31 thuốc sát trùng gốc organo-phosphate đều có tính chất kễ trên. Gồm: acephate, azinphos-methyl, bensulide, chlorethoxyfos, chlopyrifos, chlopyrifos-methyl, diazinon, dichlorvos, dicrotophos, dimethoate, disulfoton, thoprop, phenamiphos, phenthion, malathion, metha-midophos, methyl-parathion, mevinphos, naled, oxydenmeton-methyl, phorate, phosolone, phosmet, phostebupirin, pirimiphos-methyl, profenofos, terbufos, tetrachlorinphos, tributos, trichlorofon, và fosthiazate. Chất sau cùng nầy dự định sẽ thay thế methyl-bromide dùng để diệt trùng (fumigation) trước khi trồng trọt, đặc biệt cho kỹ nghệ trồng dâu.