TOÀN CẦU HÓA & CHỦ NGHĨA DÂN TỘC
“A house divided against itself cannot stand”.
Abraham Lincoln
Mai Thanh Truyet, Ph.D.
Từ hậu bán thế kỹ 20, khái niệm về toàn cầu hóa đã nảy sinh với tốc độ tăng dần. Qua đến đầu thập niên 90, từ ngữ globalization được phổ biến rộng rãi trên thế giới nhờ phương tiện thông tin trên mạng lưới trở thành phổ thông. Bắt đầu từ lãnh vực truyền tin, thông tin, khái niệm toàn cầu hóa dần dần xâm nhập vào các lãnh vực khác như kinh tế, văn hóa, ngôn ngữ khiến cho các biên giới địa dư quốc gia cũng từ từ hòa nhập vào nhau để hướng về một thế giới có nhiều điểm tương đồng nhiều hơn.
Từ ngàn xưa, bộ lạc, cộng đồng các bộ lạc liên kết nhau trong quyền lợi an sinh. Cũng từ đó nảy sinh ra làng nước. Rồi theo tiến trình phát triển của từng dân tộc, khái niệm quốc gia dần dần được thể hiện qua các ranh giới địa dư, định chế chính trị, ngôn ngữ, phong tục tập quán.
Trung Quốc, Hoa Kỳ, Việt Nam là mỗi quốc gia riêng biệt. Nam Hàn, Bắc Hàn là hai quốc gia khác nhau qua định chế chính trị. Do đó quốc gia là một cộng đồng dân tộc.
Về dân tộc, người Mường, Mán, Radé, Tày,....và Kinh (việt Nam) là những dân tộc trong quốc gia Việt Nam. Ai ai cũng có nhu cầu thuộc về một cộng đồng: cái nôi của cuộc sống. Đó là gia đình gồm cha mẹ, anh chị em, họ hàng thân tộc, đó là mái trường xưa, bạn bè, thân hữu, đó là làng nước, xóm riềng, nói rộng ra đó là tình tự dân tộc. Tình tự dân tộc là một nhu cầu thiết yếu của con người, ít nhất cho đến ngày hôm nay. Đứa trẻ mồ côi dù có tình thương của caÙc vị tu sĩ, các công nhân, y tá,... của viện , mồ côi, vẫn thèm muốn sự ôm ấp của một người mẹ, sự bồng ẳm nâng niu của một người cha, hoăïc có anh có chị. Cái tình lúc nào cũng cụ thể. Cho nên, nếu có cái tình người chung chung, thì cái chung chung ấy phải được đặc cụ thể đặc thù hóa trong cuộc sống thực tiển thí dụ trong cái tình chồng vợ, tình gia đình, tình thôn xóm, tình quê hương dân tộc. Tình tự dân tộc dạy con người thương nước, thương nòi, dạy con người cách sống trong xã hội: luật vua, lệ làng, sống ra con người. Dạy trong cuộc sống thực tiển. Mình không chọn dân tộc mình được, cũng như không chọn được cha mẹ, và nơi chôn nhau cắt rốn.
Nhiều người đã đồng nhất quốc gia với dân tộc.
Chủ nghĩa dân tộc là một nhóm từ tương đối mơ hồ trong nhận thức tùy theo quan niệm của từng cá nhân (hay có thể bị áp đặt vì một quyền lực nào đó trên cá nhân). Tùy theo từng giai đoạn của đất nước, chủ nghĩa dân tộc còn có thể diễn đạt một cách khác nhau. Có những thời lúc đất nước lâm nguy, những lúc mà mọi người đều cảm nhận mình có trách nhiệm bảo vệ sự an sinh của đồng bào và dân tộc. Những bài ca đất nước lâm nguy , thất phu hữu trách, thường là bắt nguồn từ giới cầm quyền. Nói riêng, khi nhà vua cần gìn giữ triều đại của mình, khi các nhà chính trị, nhất là các nhà cầm quyền chuyên chế, cần củng cố địa vị và quyền lực của mình, thường họ ca bài tinh thần dân tộc độc tôn. Hitler và một số nhà lãnh đạo độc tài hiện đang cầm quyền lực trong tay trên thế giới là những thí dụ cụ thể nhất. Nếu cần, họ tô vẻ một hình ảnh kẽ thù ghê sợ đang sừng sửng ngoài cửa.
Không biết thật sự có chủ nghĩa dân tộc hay không? Nhưng nhân danh dân tộc để đưa người vào lò thiêu thân là việc thường tình trong sử sách. Phát xít, cộng sản, và quân chủ chuyên chính là những chủ nghĩa có cùng những đặc tính sau đây: độc đảng (với chế độ quân chủ chuyên chế thì không có một đảng nào khác hơn là triều đình của nhà vua), không một ai có tư hữu sản xuất, tất cả đều thuộc nhà nước hay nhà vua, và trong thời bình vẫn chuẩn bị chiến tranh, gươm kiếm, súng đạn, và dựng lên hình ảnh một bá quyền bên ngoài đang sẳn sàng ăn tươi nuốt sống quốc gia mình. Trong thực tế, sự nuôi dưỡng quân đội, tăng cường khí giới, thường chỉ để bảo vệ ngai vàng của nhà vua hay chiếc ghế của nhà cầm quyền.
Toàn cầu hóa là một thực tế và là một thực tiển.
Có những ngôn ngữ toàn cầu: ngôn ngữ khoa học, toán học, ngôn ngữ của máy điện toán. Anh ngữ trong một giới hạn nào đó là một ngôn ngữ toàn cầu. Có những tổ chức toàn cầu: Liên Hiệp Quốc (UN), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cao ủy tị nạn LHQ (UNHCR), Ngân hành thế giới (WB), Quỷ tiền tệ thế giới (IMF), Tổ chức mậu dịch thế giới (WTO). Các đại công ty (conglomerats) là những công ty tòan cầu. Có những giá trị có tính cách toàn cầu như nhân quyền, tự do, dân chủ,.... mặc dù trong những thể chế khác nhau người ta có thể hiểu khác nhau. Đức tin không bao giờ giới hạn ở ranh giới một nước. Những tư tưởng lớn Phật giáo, Thiên chúa giáo, Khổng, Lão, Socrate, Platon, Aristote,...đã vượt xa ranh giới của một quốc gia. Socrate, con người của thành phố Athenes nhưng cũng là bậc hiền nhân của mọi nơi và muôn thuở. Ngày Tây phương đã quen thuộc với những tư tưởng Đông phương như thiền, triết lý Phật giáo, Lão giáo, các thi hào như Tagore,...
Những môn học như công pháp quốc tế, kinh tế thế giới, thị trường thế giới,...đã được giảng dạy khắp nơi. Người ta không những khảo sát cái chung của thế giới mà còn cái riêng của mỗi quốc gia để cùng “làm ăn” với nhau trên lãnh vực toàn cầu. Sự tham gia trao đổi buôn bán nhiều chiều có khi là yếu tố quyết định cho sự phồn thịnh của quốc gia. Nhật Bản và Anh Quốc nếu bế quan tỏa cảng hay bị phong tỏa thì sập tiệm ngay. Gần đây nhất, việc bắt giữ ông Pinochet ở Anh và Milesovich ở Tiệp làm cho người ta nghĩ thời đại muốn làm gì thì làm ở trong nước mình, đã bắt đầu cáo chung.
Việc các bức màn sắt xã hội chủ nghĩa phải tự hủy, các nước xã hội chủ nghĩa phải mở cửa để tiếp cận với thế giới Âu Mỹ...để sống còn là thí dụ điển hình nhất cho tiến trình toàn cầu hóa. Các nước lớn như Liên Sô, Trung Quốc trước kia tuy có những bức màn sắt nhưng cũng phải giữ một mậu dịch giới hạn với thế giới bên ngoài. Nhưng hiện tại họ không thể nào bưng bít được những thông tin trong nước và tyhế giới bên ngoài. Chính quyền không thể che đậy được những áp đặt vô lý lên người dân nữa vì qua phương tiện thông tin trên mạng lưới sẽ không còn gì là bí mật tuyệt hảo hết. Chuyện thâm cung bí sử của một tổng thống của một cường quốc số một trên thế giới trong khoảnh khắc được quảng bá sâu rộng trên toàn thế giới qua mạng lưới internet, và sau đó có hàng triệu triệu lời bàn khác nhau.
Thế giới hôm nay và ngày mai không còn những ốc đão, một Tây Tạng huyền bí, một Albanie khép kín, một Việt Nam bài ngoại và bài Thiên chúa giáo thời Tự Đức... Và những yếu tố căn bản làm tăng tiến trình toàn cầu hóa là: 1- Sự gia tăng dân số trên thế giới; 2- Sự phát triển khoa học và kỹ thuật; 3- Sự phát triển phương tiện giao thông; 4- Sự phát triển thị trường thế giới, trong đó có thị trường lao động.
Thế nhưng tại sao lại có hiện tượng chống lại toàn cầu hóa?
Có nhiều lý do giải thích một số tổ chức chống toàn cầu hóa trong những năm gần đây. Vào tháng 12,1999, Tổ chức Mậu dịch thế giới (TWO) họp ỏ Seattle (Hoa Kỳ). John Zerzan, người cầm đầu các nhóm biểu tình bạo động cổ động cho chủ nghĩa vô chính phủ để khích động tuổi trẻ chống lại cuộc họp thượng đỉnh. Tại Melbourne (Úc) năm 2000, Krishanappilai, phối trí viên cho cuộc biểu tình lần nầy dùng chiêu bày đã kích các đại công ty đa quốc bốc lột để khích động người biểu tình. Gần đây nhất tại Toronto (Canada), các lãnh đạo của nhóm biểu tình vẫn mang sự chống đối việc áp đặt kinh tế của các cường quốc làm nền tảng cho cho cuộc tranh đấu. Nhưng thật sự, họ biểu tình nhưng chính họ cũng không biết họ muốn gì! Lấy chiêu bài chống áp đặt kinh tế lên các quốc gia nhỏ để bốc lột...họ đã nhìn sự toàn cầu hóa dưới một nhản quan hẹp hòi. Khía cạnh kinh tế chỉ là một điều kiện cần trong tiến trình toàn cầu hóa nhưng chưa đủ để giải quyết và nâng cao các nhu cầu vật chất và tinh thần của mọi người trên thế giới. Có được như vậy, mọi mâu thuẩn địa phương, sắc tộc,.... sẽ lần lần được cải thiện để rồi sau cùng thế giới có hy vọng tránh được những đáng tiếc trong cung cách tiếp cận và trao đổi với nhau. Sự cảm thông và chia xẻ sẽ làm cho thế giới an bình hơn.
Từ thời quân chủ phong kiến bước sang chế độ cộng hòa và gần đây chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã trãi qua nhiều giai đoạn xã hội khác nhau. Từ hậu bán thế kỹ 19 đến thập niên 40, chế độ quân chủ và thuộc địa đã liên tục đan kẻ với nhau tạo ra một hình thức xã hội phức tạp gồm dân tộc chủ nghĩa, cách ly chủ nghĩa và nô lệ chủ nghĩa. Để đương đầu với chính sách thực dân Pháp, chính quyền và sĩ phu Việt Nam thời bấy giờ cố bám víu vào những giá trị văn hóa, tinh thần đã từng được xem là tinh hoa của dân tộc. Do đó đất nước hoàn toàn bị cách ly và cô lập với thế giới mặc dù có sự hiện diện của người Pháp như là một gạch nối với tây phương. Thêm nữa, chính sách thực dân thuộc địa cũng đã làm nảy sinh ra chủ nghĩa bài ngoại cực đoan khiến cho đất nước hầu như hoàn toàn bị bưng bít và không được tiếp cận với thế giới bên ngoài.
Trong thời đệ nhất và đệ nhị cộng hòa, miền Nam có thêm điều kiện giao tiếp với văn minh tây phương. Điều nầy tạo ra một xã hội tương đối mở dù đang ở trong hoàn cảnh chiến tranh. Chủ nghĩa bài ngoại cực đoan dần dần nhường bước cho các ý hướng canh tân của một số trí thức và đoàn thể. Trong giai đoạn nầy, dân trí dân sinh của người dân miền Nam lần lanà được cải thiện và tăng trưởng theo đà tiến hóa của các xã hội tây phương trên thế giới.
Ngược lại miền Bắc vẫn chủ trương một xã hội kín. Tuy có tiếp cận với Nga sô và Trung quốc, nhưng những tiếp cận nầy thuần túy chỉ để phục vụ cho chiến tranh mà thôi; người dân miền Bắc hoàn toàn bị bưng bít và được tuyên truyền “mở” dưới chiêu bài cùng sách lược của chủ nghĩa đại đồng xa vời. Ngay sau khi cưởng chiếm miền Nam năm 1975, chủ nghĩa nầy đã được tức khắc áp đặt cùng với tinh thần dân tộc chủ nghĩa baiø ngoại được áp dụng triệt để trong suốt mười năm đầu thống nhất đất nước. Chính quyền hiện tại đang ru ngủ người dân bằng cách khơi động những truyền thống văn hóa, lịch sử, huyền sử VN để tô hồng cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Niềm tự hào dân tộc của những người cầm quyền đã làm tê liệt đất nước về đủ mọi mặt trong suốt mười năm từ sau 1975.. Họ đã tự hào khi thổi phồng những nét đặc thù về văn hóa, văn minh, cùng sự phát triển của đất nước để, một mặt che đậy sự lạc hậu đối với thế giới bên ngoài, một mặt bưng bít kín không cho người dân trong nước có cơ hội tiếp cận với các tiến bộ của nhân loại. Họ cố cổ súy một thời đại huy hoàng của dân tộc trong quá khứ để từ đó xem như là một sức bật để bước vào tiến trình hiện đại hóa xã hội trong tương lai.
Cho đến thời điểm 1986, trước áp lực trong và ngoài nước cùng với sự kiệt quệ kinh tế và bế tắc trong phát triển, một chính sách chủ nghĩa dân tộc “mở” bắt đầu được áp dụng và từ đó làm cho mọi chuyển dịch của đất nước tiến theo chiều thuận của toàn cầu hóa (tuy còn quá cách biệt so với các quốc gia trong vùng). Căn cứ theo một số khái niệm về chủ nghĩa dân tộc “mở”, các yếu tố liên quan đến ngôn ngữ và văn hóa của quốc gia có quan hệ trực tiếp lên khái niệm nầy:
· Về ngôn ngữ mẹ đẻ: Vì không có một ngôn ngữ nào thuần túy đặc thù cho mổi quốc gia; do đó sự pha trộn hay xử dụng các ngoại ngữ khác sẽ làm giàu thêm cho ngôn ngữ của chính quốc. Việt Nam may mắn có một ngôn ngữ thống nhứt từ Bắc chí Nam (không kễ ngôn ngữ của các sắc tộc sống ở miền thượng du và cao nguyên). Có rất nhiều từ ngữ địa phương khác biệt nhưng tựu trung tuyệt đại đa số người Việt đều thông hiểu và trao đổi với nhau dễ dàng. Trong thời phong kiến, tiếng Việt giàu thêm nhờ được tăng cường tiếng Hán việt; trong thời Pháp thuộc, có nhiều từ du nhập và biến thành tiếng Việt như nhà ga, tiếng còi xúp lê, bơ, bù loong, bia, cà rốt, áo sơ mi, cải sà lách....Thiết ngghĩ điều nầy sẽ làm giàu thêm cho ngôn ngữ chư không thể được xem như là một hình thức nô lệ hay ngoại lai...
· Về văn hóa: Có mở cửa, có tiếp cận với các văn hóa khác thì văn hóa chính quốc mới có khả năng được nâng cao qua việc thâu nhập những điểm hay của các văn hóa khác. Và cũng đừng sợ bị mất đi hồn văn hóa dân tộc trong việc hội nhập nầy. Dù muốn dù không, đối với trong nước, người dân vẫn chưa được tiếp xúc và theo dõi đúng mức với thế giới bên ngoài do chính sách của nhà cầm quyền và cũng do điều kiện kinh tế không cho phép. Nơi hải ngoại, mặc dù có đầy đủ điều kiện nhưng dường như người Việt tại hải ngoại vẫn chưa đặt trọng tâm đúng mức vào vấn dề nầy. Do đó, mặc dù đã bước vào thế kỹ thứ 21, văn nóa, văn chương Việt Nam vẫn còn giữ theo thể tánh, cách suy nghĩ của thế kỹ 20. Vẫn chưa có một cuộc đột phá nào có tầm vóc khã dĩ có thể so sánh với hướng đi của thế giới. Vẫn còn những suy nghĩ cục bộ gò bó trong phạm trù của một quốc gia còn khép kín.
Nhìn chung trên thế giới, tiến trình hội nhập vào thế toàn cầu hóa của một số quốc gia tiêu biểu sẽ cho chúng ta thấy rõ mức tiến bộ của từng quốc gia tùy theo phương cách tiếp cận.
Hãy thử nhìn những tiếp cận sau đây:
Đức quốc với chủ nghĩa dân tộc cực đoan trước đây đã làm náo động thế giới qua hai cuộc đại chiến và làm tê liệt thế giới một thời gian. Ngày nay, lãnh đạo Đức đã nhận thức được sự sai lầm trên và lần lần điều chỉnh kễ từ sau thế chiến thứ hai. Ngôn ngữ chính là Đức ngữ đã được tiếp thu thêm nhiều từ mới từ Anh và Pháp ngữ. Người dân Đức đã học và trao đổi với thế giới bên ngoài bằng Anh ngữ, một điều thật hiếm hoi so với người Đức bốn thập niên về trước. Đức là một cường quốc đứng thứ ba trên thế giới hiện tại trên bảy cường quốc đứng đầu.
Nhật bản phải chịu ở thế bại trận năm 1945 khi đất nước hoàn toàn bị tàn phá về đủ mọi mặt. Nhưng người Nhật chấp nhận sự nhục nhã chấp nhận đi theo bước chân Mỹ để khôi phục lại kinh tế cho đất nước. Họ tự cởi trói, thoát khỏi những tập tục cổ truyền không còn thích hợp với tiến bộ mới. Họ chấp nhận sự du nhập một số “văn hóa Hoa kỳ” vào văn hóa dân tộc cực đoan, từ bỏ không luyến tiếc những tập tục có thể gây trở ngại cho đà phát triển theo chiều hướng toàn cầu. Họ đã chấp nhận Anh ngữ là một ngôn ngữ chính thức sau Nhật ngữ trong hành chánh và trao đổi quốc tế. Và Nhậtï, ngày nay là một cường quốc đứng thứ hai sau Hoa kỳ.
Người Phápï đã từng hảnh diện về văn minh, văn hóa của họ. Họ vẫn còn đang tự hào về một sắc dân thuần chủng gaulois, văn minh nhất thế giới ở thế kỹ 21 nầy. Họ cũng đã phủ nhận Anh ngữ như là một ngôn ngữ của toàn cầu. Hậu quả, dân Pháp là một trong những dân tộc kém ngoại ngữ trên thế giới. Với những suy nghĩ trên và cung cách tiếp cận còn khép kín trong hành xử và trong tư tưởng, với tâm khảm đầy tự hào và tự mãn dân tộc, người Pháp từ ở thế cường quốc số một trên thế giới từ thế kỹ 19, đã đi xuống và tuy vẫn được xem là một cường quốc nhưng tiếng nói của nước Pháp bớt được lắng nghe.
Hoa kỳ ngược lại là một hợp chủng quốc và thời gian lập quốc chỉ vừa hơn 200 năm. Quốc gia nầy thể hiện một tính đa văn hóa thực sự. Hơn bất cứ quốc gia nào trên quả địa cầu nầy, Hoa kỳ đã hiện có 85 ngôn ngữ khác nhau đang được giảng dạy trong hệ thống giáo dục trong nước . Các ngoại ngữ lần lần chiếm giữ vai trò quan trọng tùy theo mật độ dân cư ngoại quốc cư ngụ trong từng học khu giáo dục. Sự nhìn nhận Hoa kỳ là một melting pot cách đây hơn nữa thế kỹ có lẽ không còn thích hợp cho ngày hôm nay. Vì, xã hội Hoa kỳ hiện tại không còn là một xã hội thuần nhất và cuốn hút văn hóa của các sắc dân di dân. Xã hội Hoa kỳ hiện tại là một xã hội đa văn hóa. Chính sự đa dạng văn hóa nầy làm cho Hoa kỳ tiến nhanh và tiến tự nhiên theo tiến trình toàn cầu hóa. Sống ở Hoa kỳ lần lần ta không còn cảm thấy mất cội nguồn, mà ngược lại, những nét đặc thù tinh túy của dân tộc lại càng thêm khởi sắc vì sự chung đụng giữa các văn hóa dị chủng khác nhau. Tiến trình tòan cầu hóa tại Hoa kỳ chẳng những không biến các bản sắc văn hóa của các di dân thành một, mà là một tập hợp các dị biệt văn hóa của từng sắc dân. Sau cùng tất cả quy tụ lại thành một khối đa văn hóa, tuy khác biệt nhưng không mâu thuẩn, tuy đặc thù nhưng vẫn sống hài hòa trong một xã hội thực sự đang tiến vào kỹ nguyên mới của toàn cầu. Hoa Kỳ là hình ảnh nhỏ minh họa cho sự toàn cầu hóa: nhiều dân tộc Đại Hàn, Việt Nam, Trung Hoa, Phi, Ấn, Á Rập, Mễ, Trung Mỹ, Đông Âu, v.v...sống chung đụng nhau. Melting pot là hình ảnh táo, nho, soài, mậm, cam quít,...để chung lại quậy tán nhỏ thành một melting pot, là dân Mỹ. Đó là hình ảnh không còn nền văn hóa gốc. Khoảng hai thập niên gần đây, người ta hình dung lại Hoa Kỳ là một salad bowl, rau cải, cà rốt, tô mát, hành, ngò,...ở bên nhau , vẫn giữ những mùi vị đặc thù của chúng, nhưng vẫn có cái chất kết hợp như dầu, dấm, tiêu, muối,...để làm nên một salad bowl.
Gần chúng ta nhất là Trung Quốc, một quốc gia hầu như đi ngược lại hoàn toàn với Hoa Kỳ trên phương diện toàn cầu hóa. Từ ngàn xưa, xã hội Trung Quốc là một xã hội phong kiến lấy nông nghiệp làm nền tảng. Hơn 50 năm dưới chế độ xã hội chủ nghĩa với biết bao kế hoạch nhảy vọt trên giấy tờ...Trung quốc vẫn còn bị xếp vào hạng các quốc gia đang phát triển. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan vẫn cho phép người Trung hoa suy nghĩ với một cung cách tự mãn và chính họ vẫn tự công nhận xuất thân từ nguồn gốc của một dân tộc thượng đẳng “con trời” (Thiên tử) và tổ quốc Trung hoa là trung tâm của nhân loại. Họ vẫn còn tự ru ngủ với những áng văn chương tuyệt tác, những bài đường thi tứ tuyệt vượt thời gian và không gian...của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Thôi Hiệu... Và cuối cùng họ chơi vơi, chới với trước tiến trình toàn cầu hóa. Xã hội Trung Quốc, tuy đã mở nhiều so với mười năm trước đây, nhưng vẫn chưa đủ mở vì các lực cản của chế độ chuyên chính đang áp đặt lên đất nước Tàu.
Vì sự phát triển nhanh của khoa học kỹ thuật, các phương tiện truyền thông (điện thoại, điện toán), và giao thông, sự giao dịch giữa các quốc gia ngày càng gần hơn, nhanh hơn. Con người mua được thời gian. Đại Tây Dương bây giờ chỉ là một biển hồ mà con người có thể vượt qua trong vòng bốn giờ bằng máy bay Concorde. Việc trao đổi xảy ra tức khắc giữa bất cứ địa điểm nào trên thế giới. Ta có thể mua hoa để tặng cho người đẹp ở bất kỳ mơi đâu trong vài tiếng đồng hồ.....
Do đó hệ quả trước mắt là: mậu dịch nhanh hơn. Giao lưu và thẩm thấu văn hóa nhanh hơn. Diển trình lịch sử nhanh hơn.Tốc độ vận hành nhanh hơn xưa bội phần. Lượng thông tin được nhân lên cả triệu lần. Trong một chừng mực nào đó cha mẹ có thể kiểm soát con cái trong việc xử dụng internet và vô tuyến truyền hình. Trên bình diện một quốc gia, sự kiểm soát nầy có thể thực hiện cho một số hữu hạn cá thể. Nhưng nói chung, nếu áp đặt sự giới hạn trên trong những thông tin chính thống của một nhà nước chuyên chính và độc tôn dư luận là một việc làm không thể khả thi được!
Thế giới hôm nay là thế giới của sự tùy thuộc lẫn nhau. Tùy thuộc ở mậu dịch. Liên kết mậu dịch. Liên kết quân sự. Nghiên cứu khoa học lắm khi cũng là nghiên cứu toàn cầu. Nghiên cứu không gian không còn là độc quyền của một quốc gia nào cả.... Có một lúc người ta nghĩ rằng triệt tiêu được bịnh lao, ít nhất là ở Hoa Kỳ, nhưng rồi bịnh lao trở lại, vi trùng lao mạnh hơn, vì còn một nơi nào đó trên thế giới còn bịnh lao, và có người đã du nhập nó trở lại nước Mỹ. Độc lập hay tùy thuộc lẫn nhau là ở cái thế tương quan với nhau ở mỗi thời mỗi lúc. Nếu mình nghèo quá, còn đi lượm từng đồng Mỹ kim, nếu mình đói quá, còn phải gian manh để có chút ăn thừa, thì đương nhiên cái thế sẽ yếu đi, tiếng nói sẽ nhẹ đi, sự tùy thuộc của mình trong thời lúc đó có thể xem là một sự lệ thuộc.
Sống trên mãnh đất nầy, chúng ta đã thấy đó đây nhan nhản sinh hoạt của những công dân toàn cầu mà không cần che đậy các chỉ dấu đặc biệt của dân tộc gốc. Chúng ta đã chấp nhận và được chấp nhận với nhản quan rộng mỡ, không thành kiến...đối với tấ cả các nền văn hóa dân tộc sống chung đụng với nhau. Rào cản định kiến và hố ngăn dị biệt lần lần nhường bước cho những quan hệ nhân bản và toàn diện hơn, trong đó phẩm cách của mọi dân tộc đều được tôn trọng. Sự thành công của Hoa kỳ trong tiến trình toàn cầu hóa quả thật là do ý thức dân tộc của người Mỹ. Họ đã nhận định rất rõ chủ nghĩa dân tộc cực đoan chỉ làm trì trệ đất nước, kềm hãm sự tiến bộ và ngăn chận mối liên hệ hài hòa giữa các quốc gia trên thế giới. Và ta cũng có thể đặt câu hỏi là chính người Mỹ có thể hiện tinh thần dân tộc đích thực của Hoa Kỳ hay không? Và trong hệ thống tư bản hiểu theo chiều hướng toàn cầu hóa dường như đặc tính dân tộc đã lần lần nhường bước cho một thế giới gần nhau hơn, và giới hạn quốc gia chỉ còn là một giới hạn địa dư mơ hồ, không cần thiết nữa.
Còn Việt Nam thì sao? Từ năm 1986 trở đi Việt Nam đang mở cửa trực tiếp tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Và chỉ trong một thời gian ngắn xã hội Việt Nam đã có nhiều biến chuyển đáng ghi nhận như có một nguồn sinh khí mới thổi vào xã hội và người dân Việt. Tuy nhiên với những hạn chế do nhu cầu sinh tử là sự bảo đảm an toàn quyền lực của chế độ, Việt Nam trong thế mở vẫn còn tạo ra nhiều trăn trở và khó khăn cho xã hội. Việt Nam vẫn còn dò dẫm trong tư thế của một xã hội nông nghiệp, phát triển từ từ xã hội công nghiệp, để rồi đang phải chịu hụt hẩng trước thế toàn cầu hóa. Thật khó thực hiện được một xã hội hài hòa bao gồm ba xu hướng phát triển không đồng nhất thậm chí mâu thuẩn lẫn nhau. Một lần nữa, làm sao tránh khỏi tụt hậu trước tiến trình toàn cầu hóa trong lúc lãnh đạo Việt Nam vẫn còn giữ thái độ thù nghịch, nghi kỵ với hầu hết các quốc gia trên thế giới? Làm sao phát triển thành một xã hội công nghiệp hóa lấy căn bản nông nghiệp làm tiêu chuẩn như trường hợp Việt Nam hiện tại? MỞ nhưng vẫn đóng. Đóng trong định kiến. Đóng trong lo sợ bị đào thải. Càng đóng lại càng có nguy cơ bị đào thải sớm hơn.
Hiện nay, người ta có cảm tưởng như những yếu tố sau đây là chính yếu trong sắc thái dân tộc của Việt Nam là: 1- Tài nguyên thiên nhiên phong phú và chưa được khai thác đúng mức; 2- Tiềm năng nhân lực dồi dào; 3- Nước nghèo, nhân công rẽ và thừa thải, thông minh và dễ huấn luyện tay nghề; 4- Có bàn tay sắt của nhà cầm quyền giữ gìn trật tự và sự ổn định; 5- Thiếu luật lệ rõ ràng và tham nhũng dễ cho các phiêu lưu mậu dịch, chỉ cần liên hệ với một số người có chức vị và có quyền lực trong đảng; 6- Đa số dân chúng sống về nghề nông với một nền công nghiệp còn thô sơ.... Từ những sắc thái đặc thù đó, người Việt Nam sống về huyền thoại nhiều hơn thực tiển!
Do đó, nếu muốn đuổi kịp cộng đồng các quốc gia trên thế giới Việt Nam cần:
· Mở cửa để học hỏi, lựa chọn, đón nhận cái mới. Cái mới, cái chưa biết nào cũng có những hiểm nguy của nó. Sự tính toán dò dẫm là cần thiết, nhưng quá tính toán có khi tính già hóa non, vì để mất thời cơ.
· Không nên tạo thêm huyền thoại. Tập cho người dân thực tiển hơn.
· Không ngừng phát triển sắc thái dân tộc, cái sức mạnh bên trong (nội lực), để tự tạo cho mình một thế mạnh trong sự bang giao với cộng đồng các quốc gia trên thế giới.
Muốn được như vậy, Việt Nam cần tạo điều kiện cho mọi người dân, mọi dân tộc trong cộng đồng quốc gia tham gia vào cuộc sống chung, để mọi cá nhân, mọi đoàn thể đều có thể tự lập, tự sinh sống, không ỷ lại vào sự sáng suốt hay sức mạnh của một đảng, một nhà nước hay của một cấp lãnh đạo nào. Để cho mỗi người Việt Nam tự thấy mình thực sự còn có nội lực để đóng góp tích cực và toán diện trong mạch sống quốc gia.
Kêu gọi tận dụng nội lực trong nước để phát triển quốc gia mà không cho phép hay hạn chế người dân phát huy nội lực cho từng cá nhân thì làm sao tránh khỏi cảnh tụt hậu cho đất nước được ?
Xưa vua thay Trời trị nước, tất cả điều là của vua, ngay cả sinh mạng của người dân. Minh quân hay hôn quân vô đạo là sự may nhờ rũi chịu của người dân, người dân không có tiếng nói. Một thứ nô lệ sẳn sàng chết vì ông chủ, gọi như thế là trung.
Nay, thì nhân danh nhân dân mà dân không có quyền tư hữu sản xuất. Tương tự như xưa, triều đình suy nghĩ và dạy dân những gì triều đình cho là tốt nhất, thì bây giờ Đảng suy nghĩ và thông tri cho dân những gì cấp lãnh đạo nghĩ là tốt nhất. Đã đến lúc “chủ nghĩa nhân danh” phải cáo chung, để mỗi người dân, và theo đó mỗi dân tộc tập tành nghĩ suy và hành động theo những hiểu biết và cảm xúc của mình. Phải trả lại cho dân, cho những dân tộc cái quyền sống của họ. Không một ai sống thay cho bất cứ ai được. Phải sống thật mới lớn mạnh được. Sống nhờ, sống gữi, sống mà trí tuệ và tâm linh gữi cho nhà vua hay cấp lãnh đạo, sống mà trách nhiệm giữa vời, chờ đợi ơn mưa móc ở một minh quân, hay phép lạ của một huyền thoại trí tuệ tập thể, sống mà lúc nào cũng phải chạy theo cái ăn cái mặc, ngày ngày đói no không chừng, đau ốm không thuốc men,... Sống như vậy là sống còi cọc, què quặc, bịnh hoạn và khuyết tật.
Khi người dân được trọn vẹn với cuộc sống của mình. Khi đói dám nói rằng mình đói, khi thất học dám nhận mình thất học. Khi không còn sợ hãi nói cái mình thật sự cảm nghĩ,...., nói chung khi mà kinh nghiệm được rằng mình có những quyền hạn bất khả xâm, được luật pháp và cơ quan thẩm quyền bảo vệ. Khi ấy (điều kiện cần) có nhiều khả năng con người dấn thân trọn vẹn với cộng đồng của mình, làm hết sức mình cho chính mình và cho cộng đồng.. Chừng ấy, đương nhiên dân giàu và theo đó nước mạnh. Người đại diện cho quốc gia, cho dân tộc nhờ vậy mà có cái thế mạnh của mình trong bang giao quốc tế.
Đưa nửa triệu người làm mồi cho biển cả, giam một triệu người vào các trại cải tạo, để một triệu người tăng cường nhân lực cho các nước giàu có, (hầu hết nhân lực trên đều trong tuổi lao động, sản xuất tốt nhất, hiệu quả nhất) là một biện pháp tốt để đổi lấy một sự yên ổn chính trị, nhưng là một biện pháp đã làm thui chột hay què quặc quốc gia.
Tương tự, thắng trận ghi công là một điều thường tình, nhưng kỳ thị người tại chổ, áp dụng chính sách “tru di tam tộc” (đời cha, đời con, và đời cháu không được học quá tiểu học) của thời quân chủ chuyên chế, là đặt phân nửa đất nước ra khỏi sự tham gia đóng góp việc chung.
Có một đảng mạnh, có kỹ luật, có những cán bộ tiên phong, có một quá trình thử thách nhiều thập niên, có trên 2.479.717 (thống kê Đại hội Đảng kỳ IX) đảng viên là một điều tốt. Nhưng biến đảng ấy thành một số quan lại của một triều đình vua và chúa, đứng ngoài luật pháp, tham ô và lạm quyền, nhất nhất một chiều, là thui chột ý chí va ølòng phấn đấu vươn lên của mọi tầng lớp dân chúng. Cả nước chỉ có hơn hai triệu người có quyền dám nghĩ, nhưng chỉ một thiểu số trên đây có quyền dám nói; và trong hơn hai triệu người nầy, đa số vì miếng đỉnh chung, vì sự tiến thân và an ninh của mình và gia đình đã trở thành a dua, nương thời, nương lúc, nên cũng không dám nghĩ, không cần nghĩ và nói xuôi chiều cho khỏe thân. Chỉ còn lại một thiểu số ít oi, 1170 đại biểu, 150 ủy viên trung ương đảng và 15 ủy viên bộ chính trị, dầu có thông minh tuyệt đỉnh, dầu có trí tuệ tuyệt vời, thì đương nhiên quốc gia phải èo ọt.
Nhìn vào các dân tộc khác trên thế giới, chúng ta không thể tìm ra một quốc gia nào có nền văn hóa hàm chứa những giá trị hoàn toàn khác biệt. Vì lý do đó, những giá trị về nhân quyền và các quyền tự do căn bản của con người trên toàn cầu đều phải được tôn trọng triệt để. Và dĩ nhiên sẽ không có trường hợp ngoại lệ cho Việt Nam. Thật khó biện minh trước thế giới khi Việt Nam công bố :”Việt nam có những giá trị và bảo vệ nhân quyền đặc thù theo cung cách Việt Nam. Việc áp đặt quyền làm người theo tiêu chuẩn Liên Hiệp Quốc là xâm phạm vào chủ quyền Việt Nam.” Với cách nhìn như trên, chính sách mở của Việt Nam vẫn còn dựa theo định hướng xã hội chủ nghĩa cho nên lãnh đạo Việt Nam vẫn còn cổ súy chủ nghĩa dân tộc cực đoan để duy trì quyền lực và không dám mở thực sự vì sợ sẽ bị phô bày cho thế giới rõ những sự lạc hậu và lầm lạc của họ trong việc phát triển quốc gia. Từ đây, với mặc cảm tự ty đối với thế giới bên ngoài, dân tộc Việt Nam vốn dĩ đã bị dồn ép từ lâu, sẽ vùng dậy và lần lần rập khuôn theo “ngoại bang” khi được hé mở từ từ . Từ đó tiến trình chủ nghĩa dân tộc “cách ly” trước đây đã biến thành chủ nghĩa “chạy theo ngoại bang” mà chính quyền hiện tại khó kiểm soát nổi.
Từ những nhận xét trên, Việt Nam trước tiến trình toàn cầu hóa, và để hy vọng thoát khỏi tụt hậu, cần phải thực hiện một chính sách mở “chân chính” chứ không thể tự ru ngũ trên những ngôn từ hoa mỹ ghi trong các kế hoạch phát triển quốc gia không tưởng.
Do đó:
· Toàn cầu hóa là một thực tiển, và là một nết đặc thù của thời đại. Đó là một quá trình càng ngày càng nhanh, trừ phi có một thiên tai vô cùng lớn, như các máy điện toán bị phá vở, các vệ tinh ngưng hoạt động, máy bay không cất cánh, cầu lộ sụp đổ, xe cộ tàu bè không xăng nhớt...
· Có thể quan niệm toàn cầu hóa như một salad bowl, trong đó mỗi quốc gia đều giữ những nét đặc thù của mình, mỗi dân tộc đều được tôn trọng đúng mức. Đúng mức ít nhất là trong cái nghĩa tương xứng với vị thế và giá trị tương quan của nó.
· Trong cái salad bowl ấy, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia phải tự làm giàu chính mình: giàu văn hóa, giàu nhân lực, giàu sản phẩm, giàu tình người,... để có một vị thế tương xứng. Vai trò của nhà lãnh đạo quốc gia không là chiếm hữu quyền lực, có quyền sinh sát sinh linh, nhất hô bá ứng, mà là làm cho người người, nhà nhà tham gia vào việc làm giàu cho họ, cho gia đình họ, cho dân tộc họ, và cho quốc gia họ, làm cho quyền lợi của họ mật thiết với quyền lợi của dân tộc hay quốc gia.
· Toàn cầu hóa sau cùng là sắc thái quốc gia, sắc thái dân tộc. Toàn cầu hóa cũng ngầm hiểu một sự quân bình trong mối bang giao quốc tế, cần thiết cho một hài hòa tương đối trong giao lưu văn hóa, mậu dịch,... Toàn cầu hóa cũng khẳng định lại mối quan hệ lãnh đạo – quần chúng, sao cho mọi cá thể đều có cơ hội dấn thân và sống toàn diện con người mình trong cộng đồng dân tộc.
Như vậy có phải là dân chủ chăng?
Chắc chắn không phải là một dạng dân chủ tập trung, theo lối xã hội chủ nghĩa, mà là một tính dân chủ thực tiển, trong cuọc sống hàng ngày của người dân.
Tóm lại, từ ngày xưa,chủ nghĩa dân tộc đã một thời thúc đẩy sự phát triển quốc gia. Nhưng ngày nay, cung cách suy nghĩ mới của phát triển đã vượt qua rào cản của ranh giới quốc gia và ngôn ngữ của các dân tộc trên thế giới. Bây giờ và tương lai cần phải có một sự phát triển hài hòa chung cho cả nhân loại. Tiến trình toàn cầu hóa là một tiến trình tự nhiên và là kết quả có được qua suốt chiều dài của lịch sử phát triển trong tranh chấp của các quốc gia trên thế giới. Toàn cầu hóa không phải là từ bỏ bản sắc dân tộc của từng quốc gia mà là điểm hội tụ của tất cả mọi văn hóa dân tộc để đạt đến một sự phát triển toàn diện cho nhân loại.
(Đối với chúng ta hiện đang sống tại hải ngoại, nếu có một nhận thức mới về tiến trình toàn cầu hóa đang tuần tự xảy ra cho thế giới, chúng ta sẽ không còn cảm nhận một tâm trạng lưu vong nơi đất người. Quê hương trong tương lai sẽ không còn ranh giới địa dư nữa và có chăng chỉ là những hình ảnh kỷ niệm một thời đã sống trên mãnh đất quen thuộc xưa cũ để hoài niệm mà thôi. Nếu nghĩ như thế, các mặc cảm lưu vong, buồn nản, cảm thức lạc loài sẽ lần lần vơi đi, ít ra đối với thế hệ di dân thứ nhất của chúng ta. Và điều nầy sẽ mang lại cho chính chúng ta có thêm nhiều thời gian suy nghĩ và hành động tích cực hơn trong cuộc sống.)
Mai Thanh Truyết
5/2001