MƯỜI NĂM NHÌN LẠI

G.S. Trần cảnh Xuân

           Sau gần một năm bàn thảo để hoàn tất nội quy, Hội Khoa Học Kỹ Thuật đã chính thức ra mắt trong ngày Đại hội đầu tiên  vào ngày 26 tháng 8 năm 1990 tại Garden Grove. Thành phần tham dự gồm những chuyên gia các ngành khác nhau và đông nhất là các kỹ sư công chánh. Ước vọng của các sáng lập viên lúc bấy giờ là sẽ mở rộng tầm hoạt động của Hội bao gồm nhiều ngành trong lãnh vực khoa học và kỹ thuật, và nếu có đủ khả năng sẽ lập nhiều chi hội ỏ khắp Hoa kỳ và thế giới, nơi nào có đông người Việt.

              

               Hội còn mong có nhiều tham gia của nhiều thế hệ gồm những vị nhiều tuổi đã từng phục vụ nước nhà với nhiều kinh nghiệm; thế hệ thứ hai là những chuyên gia tốt nghiệp các trường ở hải ngoại và đang phục vụ trên đất người, và sau cùng là thế hệ thứ ba là những sinh viên trẻ với nhiều thiết tha phục vụ quê hương sau nầy.

 

               Mối quan tâm và hoài bảo của Hội là làm một cái gì để giúp ích cho dân tộc. Do đó liên tiếp trong hai kỳ Đại hôi thường niên vào những năm 91 và 92 đều mang chủ đề “Phát triển nước Việt Nam Tự do”. Đẻ đáp ứng lại trào lưu và nhu cầu lúc bấy giờ, các đề tài chính được trình bày để thảo luận bao gồm việc Phát triển Kinh tế, Thị trường Việt Nam, Tái thiết Hạ tầng Cơ sở, Việt Nam Hiện tại và Tương lai, Giáo dục Việt Nam...

 

               Trong thời gian từ năm 1993 đến 1996, hoạt động của Hội được thu hẹp trong các buổi tiếp xúc với sinh viên và thân hữu. Mãi đến năm 1997, Đại hội kỳ bốn được tổ chức với chủ đề Khoa học và Kỹ thuật Áp dụng vào Đời sống Hằng ngày, và Đại hội kỳ năm vào năm 1999 với chủ đề Sông Mekong Trước Những Nguy cơ.

 

               Trong mười năm qua, năm kỳ Đại hội đã thu hút khoảng một ngàn tham dự viên với phí tổn vào khoảng 50 ngàn Mỹ kim do sự đóng góp của hội viên và thân hữu. Ngoài các chi phí ra, chúng ta phải kể đến số thì giờ quý báu của các thành viên phải dành ra hàng tháng để duy trí sinh hoạt của Hội cho đến ngày nay. Nếu tính số thời gian mà các thành viên của những Hội đồng Quản trị liên tiếp đã dành ra, thì giá trị đó có thể gấp năm hay bảy lần số chi phí kễ trên.

 

               Một yếu tố quan trọng nhất đã giúp cho Hội còn tồn tại là lòng thiết tha của các thành viên và thân hữu muốn làm được một việc gì ích lợi cho đồng bào và quê hương, nhất là các vị cao niên như kỹ sư Nguyễn văn Cừ, năm nay đã 85 tuổi, kỹ sư Nguyễn Xuân Hiếu, 80 tuổi nhưng vẫn còn tham dự mọi sinh hoạt của Hội. Nhiều thành viên trẻ đã đến rồi đi có khi chưa hết nhiệm ky;ø và sau mỗi lần Đại hội lại có những khuôn mặt mới gia nhập để nối tiếp những sinh hoạt của Hội. Mỗi người có sở trường riêng, tài năng riêng, khuynh hướng riêng, và nhận định riêng. Tất nhiên hoạt động của Hội cũng có nhiều thay đổi về nhân sự. Những thay đổi đó là điều tất nhiên không thể tránh được. Có điều cần thiết và cũng là điều may mắn cho Hội là mọi thành viên điều hết lòng và thiết tha phục vụ để đạt đến mục tiêu chung là chia xẻ một ít kiến thức khoa học kỹ thuật với đại chúng đồng thời gây ý thức trách nhiệm cho giới hữu trách qua các phương tiện truyền thông hiện đại nhằm cải thiện đời sống của dân tộc.

 

               Cho đến ngày nay Hội Khoa học Kỹ thuật chỉ đạt đến những thành quả khiêm nhượng và giới hạn trong tầm tay. Mong rằng với sự tiếp tay của giới trẻ, các thành quả trong tương lai của Hội sẽ có nhiều sáng kiến và làm cho Hội thêm khởi sắc hơn.

 

               Trần Cảnh Xuân

               Chủ tịch Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 1999 - 2001